Thứ Năm, tháng 3 15

SĂN THÚ TRONG RỪNG THẲM

Phóng sự của PHẠM NGỌC DƯƠNG

Hoàng Su Phì là huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang, chỉ toàn núi cao, rừng sâu, quanh năm mây trời bao phủ. Đồng bào dân tộc nơi đây còn nghèo đói lắm. Văn minh dường như chỉ mới mon men đến vài nóc nhà ở thị trấn Vinh Quang. Cuộc sống của nhiều dân tộc còn phụ thuộc vào rừng. Nếp sống săn bắn, hái lượm từ ngàn xưa vẫn còn tồn tại ở nhiều bản làng. Tuy nhiên, đối với những tay súng cừ khôi ở vùng đất này chưa hẳn săn bắn đã là cái nghề để kiếm sống, mà nó còn là cái thú của những kẻ lãng du, ưa mạo hiểm với rừng sâu núi thẳm. 
Nhưng đằng sau cái thú vui của họ, những con thú cuối cùng của đại ngàn đang dần biến mất khỏi mảnh đất này. Tác giả đã có một chuyến đi dài ngày theo đám thợ săn để ghi lại trung thực, tỉ mỉ cảnh tàn sát thú của họ, những mong gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng tận diệt thú rừng.

KỲ I: HỌC LÀM THỢ SĂN
Nhiều người nói tôi là một kẻ thích mạo hiểm, phiêu lưu, ham cảnh sống lang bạt, nay đây mai đó. Những cánh rừng già hoang thẳm, những ngọn núi mù sương, những vùng đất kỳ bí chưa có ai đặt chân tới luôn quyến rũ hồn vía của tôi. Với tôi, những cánh rừng già với những bộ tộc cả đời không ra khỏi rừng luôn là vùng đất lãng mạn, huyền bí và đầy cuốn hút. 
Thị trấn Vinh Quang như một sơn nữ ngủ quên sau đỉnh Tây Côn Lĩnh. “Nàng” nằm ơ hờ bên thượng nguồn sông Chảy. Suối tóc “nàng” đổ dài vô tận. Nhìn từ trên Cổng Trời xuống, thấy một màu trắng xóa, như nạm tỉ tỉ hạt kim cương sáng lấp lánh, in rõ mồn một trên nền phông chỉ toàn màu xanh huyền bí của rừng. 
Ở cái thị trấn nhỏ bé này có rất nhiều thợ săn và vô vàn câu chuyện về những cuộc đi săn mà thế hệ trước kể trong men say cho bọn trẻ nghe bên bếp lửa hồng giữa nhà sàn. Những cuộc truy lùng dấu vết con trăn khổng lồ, những cuộc giáp mặt với chúa sơn lâm, những cuộc vật lộn sống còn với gấu và những bộ xương khô được tìm thấy bên bờ suối, cạnh bộ xương là một khẩu súng đã hoen gỉ vì thời gian. Đó là hình ảnh một tay thợ săn đã bỏ mạng trong rừng. 
Khi ngồi nghe những già làng, trưởng bản, những tay thợ săn lãng mạn ở xứ sở mà người ta vẫn còn niềm tin vào cổ tích, thần thoại này kể về những cuộc vượt rừng ngày đêm, những lần theo chân thú đến đường chân trời, rồi những cuộc chinh phục đỉnh núi để bắt đại bàng, thậm chí vào hang giết rồng để cứu người đẹp thì ai cũng bị cuốn hút, ai cũng mộng mơ sẽ trở thành thợ săn. 
Chợ huyện ngày Chủ nhật rực rỡ sắc màu áo đỏ của người Dao Đỏ, Mông, đen óng của Nùng, xanh lam của Dao... Buổi chợ là chút huyên náo hiếm hoi sau một tuần vắng vẻ. Trong chiếc quán lá đơn sơ bên dòng sông, tôi đã quen Khưa qua sự giới thiệu của Thắng. Thắng là bạn hồi đại học và hiện đang là một ông chủ thầu xây dựng, chuyên làm các công trình giao thông miền núi. Thắng và Khưa chơi khá thân với nhau cũng vì niềm đam mê bắn súng và chung cảm giác ngất ngây khi chứng kiến con thú trúng đạn, hộc máu và gục xuống. Thắng lém lỉnh giới thiệu tôi là thằng bạn thất nghiệp, muốn nhận Khưa làm sư phụ theo hầu học mấy đường cung kiếm để có miếng ăn. 
Trong giới thợ săn ở vùng đất này, Khưa là một tay súng cừ khôi nhất. Giới thợ săn kể rằng gã có thể ngửi thấy mùi con thú đã đi qua khu rừng này từ vài ngày trước, nhìn vết chân mà đoán rằng có thể bắt được hay không. Khưa có tài luồn rừng, lội suối, ăn cơm nắm muối vừng, ngủ trên cành cây nhiều ngày mà vẫn khoẻ như gấu, tinh tường như cáo. Từ loài hổ Đông Dương hung dữ đến những con sóc nhỏ xíu bằng ngón chân cái, chạy nhảy như gió trên cành cũng không thể thoát khỏi họng súng của gã nếu bị gã nhìn thấy. Với gã, đi săn ngoài việc kiếm ăn còn là cái thú mà cha ông đời trước của gã truyền lại. Dòng máu săn bắn, hái lượm vẫn không ngừng tuôn chảy trong huyết quản, mặc dù trông tướng gã đã Kinh hoàn toàn.
Khưa sinh ra trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Mảnh đất thâm u, khắc nghiệt này sớm dạy cho gã phải biết làm thế nào để sống. 5 tuổi, gã đã chuyền cành như khỉ, 6 tuổi đã vắt mình trên mãi sườn núi đá cao ngất ngưởng để bắt sáo, họa mi bán cho dân chơi chim cảnh. 15 tuổi là tay súng, tay cung thiện xạ nhất bản. Đám con gái cứ quấn quýt lấy gã và mong gã “cướp” về làm vợ.
Lúc đầu Khưa có vẻ ngần ngại khi nhận một đồ đệ lạ hoắc như tôi, song khi đã nốc vài bát rượu ngô, ngấm và phê đến tận chân lông, vả lại cũng nể và tin tưởng Thắng nên gã gật gù đồng ý. Say lử đử rồi mà gã còn lên lớp với tôi rằng, đã vào rừng là phải biết chấp nhận gian khổ, thậm chí tính mạng. Gã còn bảo, chỉ coi đi săn là một thú vui, chứ đừng coi đó là nghề kiếm cơm, bởi nếu sống chết vì nó thì chỉ có thất bại, thậm chí mất mạng. Rừng già sẽ đòi máu. Ngoài ra, nếu coi đi săn để kiếm sống thì những cuộc đi săn cũng trở nên ít ý nghĩa.
Buổi trưa, tôi và Thắng có mặt ở nhà Khưa. Đó là một ngôi nhà sàn khá to trên sườn Tây Côn Lĩnh, quanh năm chìm trong mây trời, sương núi. Đứng trước nhà gã, nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh mờ ảo và ngay dưới đỉnh mờ ảo đó là những mái tôn trắng xóa của bản Chúng Phùng. Mấy năm trước, tôi đã từng cuốc bộ 2 ngày trời từ xã Túng Sán vào bản Chúng Phùng với ý định chinh phục đỉnh núi cao hơn 2400m này, nhưng thất bại. Tôi đã đi khắp bản Chúng Phùng để thuê người dẫn đường, nhưng họ đều từ chối với lý do sợ hổ và sợ… ma. Ông Bí thư bản Chúng Phùng Thào Seo Cá cũng khẳng định rằng, đại ngàn quanh Tây Côn Lĩnh vẫn còn hổ. Nhiều đêm, ông vẫn nghe thấy hổ gầm. Tôi nghe chuyện này không tin lắm, nhưng khi nghe đồng chí Lý Chỉn Sin, cán bộ Công an huyện Hoàng Su Phì khẳng định còn hổ thì tôi cũng tin là đại ngàn này còn hổ thật. Nhưng chuyện mấy lão thợ săn lão luyện đều khẳng định đã từng gặp ma trong rừng thì đúng là khó tin. Họ kể, đi săn ban đêm, cứ nghe thấy văng vẳng tiếng khóc trẻ con. Thậm chí, nhiều người còn nhìn thấy đứa trẻ với mái tóc dài thượt cứ vừa bay vừa khóc, lại vừa cười. Nghe mà lạnh gáy. Mới hồi cuối năm 2007, tôi trở lại bản Túng Quá Lìn và Chúng Phùng của xã Túng Sán, nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh để viết bài về những thầy cô làm nhiệm vụ cao cả trồng người. Cơn say chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh lại sôi sục trong huyết quản. Nhưng mất mấy ngày loanh quanh vẫn không thuê được người dẫn đi. Người ta bảo rằng, phải đi bộ cật lực 3 ngày mới lên đến đỉnh, nhưng điều đó không khiến những anh chàng Mông có lối sống du mục nản chí, mà họ sợ có hổ và ma… 
Vợ và mấy đứa con của Khưa đã kéo nhau lên nương cả. Gã nướng trà trên than rồi mới pha. Thứ trà búp San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đậm đà vị sương trời. 
Khưa vào trong buồn lôi ra 3 khẩu súng săn, bắn đạn chì, đạn bi. Ngày trước dùng súng thoải mái, nhưng mấy năm nay, công an huyện thu gom đem đi tiêu hủy, nên gã phải giấu vào trong buồng. Gã cho tôi xem khẩu súng kíp nòng lớn khá đẹp, dài chừng 1,5 mét. Với khẩu súng này thì không một con gì có thể thoát được, nếu đứng, thậm chí bay nhảy trước nòng. Mỗi lần bóp cò, có đến hai trăm viên bi to bằng hạt gạo, hạt đỗ thấu vào tim, gan, phổi, óc... thì sao mà chạy thoát được. Cạnh đó là 7 chiếc cung tên cũ, mới đã qua nhiều đời sử dụng. Khưa treo đó để tỏ lòng tôn kính tổ tiên đã sống như những người thợ săn thiện nghệ. Trên tường nhà là đủ các loại đầu hổ, báo, gấu, khỉ, sừng hươu, nai... được nhồi rơm, khâu cẩn thận, mặt hướng về phía bếp lửa, nơi được coi là thiêng liêng nhất trong văn hoá của người Nùng. Số lượng đuôi sóc thì có đến cả ngàn, đẹp như những bông lau, chúng được cắm vào que rồi gài vào các vách gỗ. Dân tộc Nùng rất coi trọng những người đàn ông có tài săn bắn và nếu ai có nhiều đuôi sóc treo trên vách sẽ khiến đám con gái trong bản chết mê chết mệt.
Bài học vỡ lòng gã dạy cho tôi là cách sống nhiều ngày ở trong rừng mà vẫn khoẻ mạnh như thường. Ngồi nghe gã kể về những nguy hiểm rình rập có thể xảy đến trong cuộc đi săn dài ngày trong rừng sâu mà vừa ớn lạnh vừa thấy thú vị. Công tác chuẩn bị cũng khá lỉnh kỉnh, nào chăn màn, súng ống, cung tên, cuốc thuổng, dao quắm, xoong nồi, ống nhòm, đèn pin, xăng dầu, đèn lửa, thuốc chống muỗi vắt, thuốc chữa rắn độc cắn, thuốc chống sốt rét rừng... 
Bài học thứ hai là thể lực. Phải rèn luyện cho đôi chân cứng như thép, lớp da bàn chân dày và dai như da trâu, nếu không, dù có đi giày leo núi cũng phồng chân, trẹo cổ lúc nào không hay. Để chuyến đi săn đạt hiệu quả có khi phải luồn rừng cả tháng, cuốc bộ hàng trăm cây số, chỉ toàn lội nước, vạch cỏ và leo dốc. Thể lực phải khoẻ để chống lại sương muối, gió rừng, khí độc. Nói chung là phải đối mặt với một cuộc sống vô cùng khắc nghiệt.
Bài học tiếp theo là cách sử dụng súng, cung tên. Khưa lôi cho tôi xem cả 3 khẩu súng. Một khẩu rãnh xoắn dùng để bắn thú dữ, to, 2 khẩu đạn ghém để bắn thú vừa và các loại thú nhỏ, chim muông. Bây giờ người ta ít dùng cung tên, hầu như chỉ người Lô Lô, La Chí, Mông là vẫn dùng cung tên mà thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn phải học giương cung, để rèn luyện độ thăng bằng, vững chắc, dẻo dai của hai cánh tay. Mặc dù đi săn bằng súng, song đoàn săn vẫn đeo cung trên lưng. Bắn cung là một cái thú mà cha ông từ xưa để lại. Đúng như lời gã, khi tôi giương chiếc cung lớn, cảm giác như mình trở thành anh hùng sắp vào hang rồng cứu người đẹp trong những câu chuyện cổ tích. Cái thú của người đi săn thật lắm nhiêu khê.
Bước tập bắn nghe ra không phức tạp lắm. Hồi còn học đại học, tôi đã có một tháng lăn lộn ở Xuân Mai để tập ngắm bắn bằng súng... điện tử. Tuy chưa được thử bắn lần nào, song tôi dám khẳng định rằng, khi ngực con thú đã nằm ở giữa rãnh ngắm thì chỉ có vỡ tim mà chết. Gã hỏi tôi liệu có bắn được con sóc đang nhảy trên cành hoặc con bìm bịp đang bay từ lùm cây này sang lùm cây khác không. Tôi há hốc miệng lắc đầu. Gã bảo không nên vội vàng, còn phải học dài dài.
Bài học dài nhất, phức tạp nhất là theo dấu chân loài thú. Nhìn dấu chân, nhìn cỏ cây bị cắn, nhìn con mồi bị xé mà biết được rằng có con thú gì đang lẩn khuất quanh đó. Hành trình đi tìm dấu chân của nó hay một cuộc phục kích để hạ nó là những bài toán phức tạp nhất, cần sự kiên trì cao độ. Gã bảo với tôi: “Xem vết chân thú khó như làm bài toán nhân chia lớp 5 ấy”. Rồi gã kể, hồi đi học xóa mù, cô giáo cho bài phép tính nhân gã lại tính theo phép cộng, vậy mà vết rắn trườn hay trăn bò gã nhìn là biết ngay, vết chân nai cái hay nai đực gã cũng phân biệt được dễ dàng. Việc tìm vết chân để lần theo dấu thú phải qua kinh nghiệm thực tế chứ không thể học trong ngày một ngày hai. 


KỲ II: PHỤC KÍCH LỢN RỪNG


Những bài học cơ bản tôi đã lĩnh hội qua sự giảng giải của Khưa. Tôi tưởng rằng như thế đã đủ để mình có thể vác súng vào rừng lần tìm dấu chân loài thú, nhưng Khưa bảo mới chỉ đủ để... đi theo mà thôi.
Tối hôm đó tôi ngủ ở nhà Khưa. Không biết có phải vì tôi là bạn thân của Thắng không mà Khưa thết đãi long trọng đến vậy. Rượu thịt no say lại được nằm ngủ ở chiếc giường cổ bên bếp lửa bập bùng giữa nhà. Đối với người Nùng, chiếc giường bên bếp lửa mang ý nghĩa linh thiêng sâu sắc, chỉ có khách quý mới được chủ nhà mời ngủ ở đó.
Sáng hôm sau, mới 5 giờ, Khưa đã đánh thức tôi. Cái lạnh của miền sơn cước vào buổi sáng thật tê tái. Sương giăng đặc quánh như dìm căn nhà sàn chìm nghỉm dưới đáy biển. Đây đó tiếng già rừng vang lên “rúc... rúc...”, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Khưa quẳng cho tôi chiếc balô khổng lồ, và bắt tôi đeo một chiếc cung tên cỡ lớn cùng một bó mũi tên đen bóng gã lấy trên gác bếp. Gã buộc một chiếc balô cùng hai khẩu súng vào đuôi chiếc Minsk cũ nát rồi nổ máy.
Tiếng xe nổ xé toạc lớp sương đặc quánh, lạnh giá. Sau một giờ nhảy lồm chồm trên những con đường đá hộc, đã xuôi xuống đến thị trấn Vinh Quang. Trời cũng vừa tảng sáng.
Trong quán lá với độc mùi rượu ngô và khói thắng cố ngào ngạt đã có 3 gã nữa, cũng balô, cũng súng ống, cũng cung tên đang chờ sẵn. Khưa giới thiệu 3 “đồng nghiệp” sẽ cùng đi trong chuyến săn dài ngày. Mìn cũng là người Nùng, ở Đản Ván, Cheng là người Dao ở Túng Sán và Sên là người Mông ở Chiến Phố. Tôi làm quen với từng người rồi cùng nâng bát. Xì xoạp húp bát thắng cố nóng hổi, tợp ngụm rượu ngô thơm nồng giữa chợ miền núi, cái cảm giác đó thật khó quên.
Mấy chiếc xe máy được gửi lại ở thị trấn. Khưa phân công mỗi người một việc rồi cả 4 đeo ba lô, vác súng nhảy trên những phiến đá lớn vượt qua dòng sông Chảy trong mùa nước cạn. Cứ thế, theo dọc sông Chảy mà tiến lên phía thượng nguồn, nơi đó có rừng già Cáp Tà. Khưa bảo, ở đấy lợn rừng nhiều như lợn con trong chuồng.
Tôi xăm xăm theo bước chân của những “chuyên gia” luồn rừng mà trong lòng xiết bao khấp khởi, mơ tưởng đến lúc được giương súng ngắm con thú đang nha nhẩn gặm cỏ trong rừng. 
Chân trời đang thắm dần lên. Trong các khu rừng thông, những con quạ đã thức giấc, chúng bay đi bay lại một cách vụng về, chim sẻ ríu rít trên những bông lúa dưới thửa ruộng bậc thang. Phía trên đỉnh núi, những con đại bàng với sải cánh nặng nề đang bay lượn. Không khí sáng dần lên, con đường mòn khấp khểnh đá sỏi hiện rõ hơn, bầu trời rạng sáng, mây trắng bồng bềnh, ánh sáng tuôn chảy như suối. Vào các buổi sáng đầu thu ai là người đã từng biết đến cái thú đi lang thang qua các bụi cây vào lúc bình minh, nếu không phải người đi săn? 
Cuộc đi bộ liên tục kéo dài vài tiếng đồng hồ. Ông mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Chúng tôi có mặt ở trung tâm xã Sán Xả Hồ. Bữa trưa cơm nắm được bày ra. Chỉ ăn với vừng thôi mà sao ngon đến vậy. Thoạt nhìn, những hạt vừng người Mông trồng trên núi to như hạt đỗ, đen sì mà phát ớn, song khi ăn mới thấy hương vị béo ngậy, rất đặc biệt.
3h chiều chúng tôi có mặt ở xã Pờ Ly Ngài. Phía sau đỉnh núi Đản Kháo kia là cánh rừng già Cáp Tà mênh mông, ngút tầm mắt. Khưa tạt vào ngôi nhà sàn, nói chuyện với một gã thanh niên bằng tiếng Nùng rồi giục anh em tiếp tục lên đường gấp kẻo trời tối. Khưa bảo rằng, mấy hôm nay có đàn lợn rừng khá to về bản Cốc Mưi phá ngô, sắn của bà con. Hai tiếng leo núi, lội suối nữa chúng tôi có mặt ở bản Cốc Mưi, nơi theo người dân kể lại thì có đàn lợn rừng về phá nương.
Trời sẩm tối chúng tôi có mặt ở sườn núi Đản Kháo, nơi có những nương ngô, nương sắn bị táp đi vì đàn lợn về phá. Sắn, ngô được trồng trên những khoảnh đất trống nằm sát bìa rừng. Những gốc ngô, gốc sắn bị trốc lên toe toét. Hàng trăm dấu chân in rõ trên nền đất tơi xốp. Khưa thận trọng quan sát từng dấu chân và khẳng định mấy ngày nay có một đàn lợn khoảng chục con, chúng khá đều nhau, cỡ 40 đến 50 kg một con. Mìn thì khẳng định rằng, có một con lợn độc chiếc rất lớn, có thể đến một tạ. Và bài học về loài lợn rừng bắt đầu... 
Lần này thì Sên giảng giải cho tôi như một chuyên gia động vật. Lợn rừng ở khu vực Hà Giang gồm có 3 loại chính là lợn bạc má, lợn độc chiếc và lợn sọc dưa. Lợn bạc má thịt hôi rất khó ăn nếu không biết chế biến. Lợn độc chiếc rất lớn, chúng có thể nặng tới 200kg. Lợn sọc dưa tuy nhỏ song thịt lại cực ngon và chúng thường đi theo đàn, có thể săn được vài con nếu tìm thấy đàn của chúng. Ngày xưa, khi Hoàng Su Phì còn bạt ngàn rừng xanh thì lợn rừng là loài đông đúc nhất. Có khi chúng đi đàn tới cả trăm con tràn về phá nương của bà con. Chúng là loài vật phá hoại hoa màu ghê gớm, sinh đẻ rất khoẻ. Chính vì sinh đẻ khoẻ, lại dễ thích nghi với mọi điều kiện sống nên chúng còn khá nhiều ở đây, cho dù rừng mỗi ngày một ít đi.
Lợn rừng thường đi ăn vào buổi chiều và sáng sớm, chúng cũng thường xuyên đi ăn đêm nếu ngày ăn chưa no. Chúng có bộ da khá dày, nanh khoẻ nên ăn đủ mọi thứ củ quả, kể cả ốc sên, cá, giun, dế. Lợn rừng là loại động vật khá tinh khôn, song khi chúng đã tranh giành ăn mồi thì sẽ mất cảnh giác. Lúc chúng đang mải ăn mồi hoặc tranh giành nhau thì có thể bắn được vài con bằng một phát đạn súng kíp. Chình vì đặc tính háu ăn nên đồng bào thường bẫy được lợn rừng khi chúng vào nương phá hoa màu.
Đám thợ săn thường gặp lợn rừng ở triền suối vào lúc sáng sớm hoặc chiều tà. Chúng thường ủi đất tìm giun, dế, quả khô, măng tre, nứa. Ban đêm thì mò vào nương rẫy. Có hai cách săn lợn rừng là theo dấu vết hoặc rình bắn. Dấu vết lợn rừng gồm dấu chân, dấu nơi mới ăn, dấu bùn đất nơi chúng dầm mình. Cách thứ hai là xác định nơi chúng ăn để đêm rình rồi bắn.
Sên vạch một đám đất tơi xốp và giảng cho tôi cách nhận biết vết chân lợn rừng. Lợn đực có dấu chân nhỏ, dấu chân trước lớn hơn dấu chân sau, phía gót rộng, đầu móng rất tròn. Vết chân sau thường đè lên vết chân trước. Lợn cái có vết chân trước và sau bằng nhau, hai đầu móng chân nhọn, gót chân hẹp hơn, ít để lại dấu hai móng phụ trên đất. Lợn đực càng già thì dấu hai đầu móng càng tròn trịa, bàn chân và gót chân tòe rộng.
Lợn rừng là loại khá tinh khôn lại khoẻ nên bắn được chúng không phải chuyện dễ. Khi bị thương, máu chảy rất ít vì da chúng dày lại co giãn tốt, lớp mỡ bên trong sẽ lấp ngay vết thương lại nên không thể theo vết máu mà lần ra chúng được.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, cả đám nhất trí với kế hoạch bắn phục kích. Khưa chọn địa điểm ngắm bắn phía sau một tảng đá lớn, ngược với chiều gió, cách nơi chúng ra ăn độ 20m.
Lại một bữa tối với cơm nắm muối vừng, thêm chút măng luộc Cheng lấy từ bụi tre bên suối.
Trăng đầu tháng hiện rõ dần trên dãy Tây Côn Lĩnh, bên kia dòng sông Chảy. Đứng trên sườn Tây Côn Lĩnh thấy trăng to như cái mẹt. Các nhà khoa học phân tích rằng, sương núi và không khí loãng đã tán mặt trăng ra, nên trông thấy to hơn. Còn đám trai Mông thì khẳng định do núi cao, trăng gần, nên nhìn to hơn trăng miền xuôi. Về khuya, Trăng tỏa ra một thứ màu nhờ nhờ vì sương mù bắt đầu xuống đậm đặc hơn. 
Khưa và Sên lấy khẩu súng kíp đổ thuốc nổ, nhồi đạn bi đầy nòng. Với khẩu kíp này, một phát nổ tung về phía con mồi cả trăm viên đạn thì khó lòng mà sống sót chạy thoát. Sên bảo phải nhằm trúng tim hoặc phổi bắn mới chắc ăn. Khi trúng tim, con thú sẽ lảo đảo, chúi mõm xuống, rồi lại cố vùng dậy chạy một đoạn mới gục hẳn. Nếu trúng xương sống, thận thì nó sẽ ngồi xuống, không chạy được. Đạn trúng bụng thì chẳng thấm thía gì, có đuổi theo cũng vô ích. Trúng cẳng nó sẽ vẫn chạy bằng 3 chân và chẳng chậm hơn bốn chân là mấy. Đối với lợn độc chiếc, kể cả nó đã quỵ rồi vẫn phải bắn bồi tiếp, nếu không nó sẽ vùng dậy húc mất mạng người đi săn. 
Lợn rừng là loài có bộ khứu giác cực thính, nên phải rình ngược hướng gió, để tránh hơi người bay lại phía chúng. Ngoài ra, còn phải chú ý xem chúng thường đến ăn từ hướng nào để tránh và cũng phải xem kỹ hướng gió có thể thay đổi.
Đã 10h đêm, ánh trăng trở nên đục mờ như nước hến luộc. Khưa bảo, tuy trăng không sáng lắm song vẫn có thể nhìn rõ con vật và ngắm bắn chính xác…
Bất chợt, từ phía xa phát ra những tiếng sột soạt. Tiếng động cứ ngày một gần hơn, rõ hơn. Ai cũng nín thở chờ đợi. Trong màn đêm yên tĩnh, những tiếng sột soạt, rồi khụt khịt nghe ghê người. Cách chỗ ngồi khoảng 20 mét, qua ánh trăng nhờ nhờ, tôi thấy một bóng đen đang dũi đất. Khưa và Sên đang dõi theo con vật qua cái rãnh trên nòng súng. Bất chợt một tiếng nổ đanh gọn vang lên rồi im bặt. Mùi diêm sinh nồng nặc rồi mất hút bởi cơn gió lạnh ập đến. Cả 4 đều hò reo sung sướng. Mọi người ngỡ ngàng khi phát hiện đó không phải lợn rừng mà là một con nhím lớn, ước chừng nó phải nặng đến 7kg. Sên bảo, săn lợn rừng thường được nhím. Nhím luôn ăn theo lợn rừng, chúng cũng đào đất, cũng nhai sột soạt như lợn. Thịt nhím ăn ngon hơn, bổ hơn thịt lợn rừng. Đặc biệt, dạ dầy của nhím mà ngâm với rượu cùng tay gấu, cẳng sơn dương thì không gì sánh được.
Cuộc chiến với đám lợn rừng có lẽ còn dài, có khi phải đến lúc trời sáng. Mìn và Cheng được phân công đi làm thịt nhím để lót dạ. Gã xách chú nhím xuống phía khe suối cách đó 400 mét để lọc lấy thịt đem nướng. Quả thực, thịt nhím nướng rất ngon, vừa thơm, vừa ngọt.
Trời nửa đêm về sáng không còn trăng nhưng vẫn nhìn thấy mờ mờ mọi vật cách vài chục mét. Lại có tiếng sột soạt, rắc rắc và bóng đen lừng lững tiến lại phía có mấy cây sắn đang phất phơ trước gió. Bóng đen trùi trũi đó dí mõm húc đổ mấy cây sắn cùng lúc. Mọi người đều im lặng, nghe tiếng nhai của nó mà thấy lạnh gáy. Khưa thì thầm vào tai tôi rằng cứ để nó tiến đến thật gần. Mọi người thống nhất để Khưa bắn trước, nếu nó tấn công thì Sên sẽ bồi thêm phát nữa trúng đầu. Con lợn độc chiếc này cỡ 100kg, nó rất hung dữ, nếu cùng đường sẽ lao vào húc đối thủ.
Đoàng. Một tiếng nổ đanh gọn. Con lợn hộc lên rồi ngã chúi mõm xuống bất động. Tôi định lao lên thì Khưa kéo xuống. Bất thình lình con vật đen xì đó chồm lên lảo đảo rồi chạy tuốt lên phía sườn núi và mất tăm mất tích trong rừng sâu. Khưa buông súng thở dài và bảo ngày mai hãy theo chân nó. Đại ngàn trở nên tĩnh lặng lạ thường.

KỲ III: BẮT ĐẠI XÀ
Đêm đầu tiên của cuộc săn, bắn hạ được chú nhím, tuy không phải thành công lắm, song ai cũng phấn chấn và hy vọng ngày mai sẽ tìm được xác con lợn rừng theo vết máu và vết chân khập khiễng của nó.
Ngọn Đản Kháo trồi lên giữa đại ngàn Cáp Tà cao ngất ngưởng như chiếc cột chống trời trong truyền thuyết của bản làng người Nùng. Đỉnh Đản Kháo chặn những đám mây từ phương Đông dạt đến và đổ mưa, tạo thành những dòng thác gầm gào, dữ dội ngày đêm. Rừng Cáp Tà có độ ẩm cao nên theo Khưa có rất nhiều rắn chúa. Khưa bảo, ngày mai lang thang trong rừng thể nào cũng có được dấu vết loài đại xà rừng xanh. Người Mông ở Thông Nguyên là những chuyên gia săn đại xà. Khu rừng nào có bóng dáng loài hổ chúa là người Mông ở Thông Nguyên có mặt. Tuy nhiên, săn rắn chúa bây giờ khó như tìm vàng, có khi cả tháng luồn rừng mà chẳng thấy một vết bò chứ đừng nói là săn được.
Sau hơn nửa ngày trèo núi, mới lên đến lưng chừng ngọn Đản Kháo, chúng tôi lại tiếp tục thả dốc từ độ cao của ngọn núi 2.000m này để tiến sâu vào rừng già Cáp Tà theo dấu chân và dấu máu con lợn rừng bị thương để lại. Lọt được vào trong rừng cũng là lúc ông mặt trời đã mất tăm mất tích. Mọi người dừng chân, ăn uống qua loa rồi chui vào túi ngủ. Tôi nằm trằn trọc không sao chợp mắt. Chiều nay mệt là vậy mà sao giờ khó ngủ quá. Tôi lần ra bờ suối ngắm trăng giáp rằm, nghe tiếng rừng xào xạc và tiếng sương rơi lộp bộp cho đến tận khuya.
Mờ sáng, Khưa đã lôi tôi dậy dọn đồ rồi tiếp tục lần theo dấu chân con lợn rừng. Cứ hướng đi của nó mà lần theo thể nào cũng thấy cả ổ. Đang lần theo dấu lợn rừng thì Khưa bỗng reo lên sung sướng khi phát hiện dưới gốc một cây nghiến cổ thụ có vết rắn bò nhẵn thín. Khưa khẳng định vết bò đó là của một con rắn chúa rất lớn. 
Vừa quan sát, Khưa vừa giảng cho tôi bài học vỡ lòng về loài rắn đã được ghi vào sách đỏ này. Vết rắn bò còn nhẵn tức là rắn mới bò qua. Vết rõ thể hiện rắn đã sống ở đây từ rất lâu và là rắn to. Nếu thấy dấu rắn thì coi như xác suất tìm được tới 90%. Rắn chúa là loài ít di chuyển, chúng chỉ săn mồi vào mùa xuân, hè, thu. Mùa đông lạnh, lại có sương núi, chúng nằm ẩn trong hang cả tháng không bò ra ngoài.
Cách đây chừng 20 năm, vùng Hoàng Su Phì nổi tiếng vì có nhiều rắn chúa. Hoàng Su Phì có rừng già, có nhiều sông suối, ẩm ướt lại là núi đất nên thích nghi với điều kiện sống của loài rắn chúa. Rắn ở đây gồm đủ các loại, từ xanh lè, dài ngoẵng, tới to như con trăn, da mốc xì... thi nhau quăng mình, ngóc đầu trong lau tranh, vách đá. Hồi đó, người Mông, người Dao, người Nùng, người La Chí coi rắn là món ăn thường ngày. Mỗi lần lên nương thể nào cũng phải xách về được vài con rắn làm chả, hấp, nướng, ngâm rượu... Thậm chí, đi giữa đường cái cũng bắt được rắn chạy ngang qua. Người nào không có máu yêng hùng lại khoái khẩu món thịt rắn thì chịu khó buổi sáng đi bộ dọc con đường đá hộc lổn nhổn liên huyện thể nào cũng vớ được đôi ba cái xác rắn bị xe ô tô cán chết nằm cong queo bên đường. Đấy là chuyện của ngày xưa. Giờ rừng mỗi ngày một co dần lên núi cao, con người mỗi ngày một khôn, rắn mỗi ngày một có giá nên nó về xuôi cả rồi. Loài rắn chúa sống chủ yếu trong rừng sâu nên mới còn tồn tại. Tuy vậy, săn được con rắn chúa giờ đây không phải chuyện dễ. Thợ săn rắn luồn rừng cả tháng chẳng được con nào là chuyện thường. 
Từ ngày rắn chúa lên ngôi thì người ta đổ xô vào rừng săn tìm. Thậm chí, xã Thông Nguyên còn có vài đội quân chuyên đi săn rắn chúa. Rừng ở Thông Nguyên hết rắn thì họ tìm đến rừng ở nơi khác, thậm chí sang tới cả Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái để truy sát nốt số rắn chúa ít ỏi còn sót lại. 
Đám thợ săn rắn đều đã được những tay buôn hợp đồng miệng trước với giá cả thoả thuận. Những tay săn rắn này có thể bán ngay tại bản với giá 400 ngàn/kg rắn to, rắn nhỏ cỡ 1 đến 2 kg có giá tới cả triệu/kg. Giống rắn chúa hoang này đem về quán nhậu ở Hà Nội giá không dưới 1 triệu/kg. Những con rắn già có tuổi thọ cỡ 30 năm, mọc mào ở đỉnh đầu như mào gà thì giá còn cao hơn nữa, vài triệu một kg cũng có người đến tận nhà chầu chực đòi mua. Đám buôn rắn phần lớn là người miền xuôi lên đây tìm rắn giống về bán lại cho các làng nghề nuôi rắn như Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Lệ Mật (Gia Lâm), đặc biệt là làng nuôi rắn chúa Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Tây). Làng Phụng Thượng là nơi tập hợp, trung chuyển tới 90% số lượng rắn chúa có trên cả nước. Từ xưa, người dân Phụng Thượng đã nức tiếng về tài nuôi những con rắn chúa to như con trăn, nặng cỡ 20-25kg, dài 5-7m.
Tôi chạy theo bước chân dài thoăn thoắt của Khưa. Vết con rắn chúa bò in trên nền đất mùn ngày một hiện rõ dần và kết thúc ở một cái hang khá lớn, giữa một khoảng không lau lách, bên con suối nhỏ, dưới một gốc cây lớn đã mục ruỗng từ lâu. Không ai nói ai rằng, mỗi người một việc rất chuyên nghiệp. Mìn lấy thuổng, thuốn, móc, dao... Cheng phát quang bụi rậm và lần tìm những cửa hang phụ cách đó tới cả chục mét ngắm nghía, phán đoán rồi lấy đất cứng đắp lại.
Rắn chúa là loài to nhất trong các loại rắn. Có lẽ nó chỉ kém loài rắn khổng lồ hổ mây, có khả năng nuốt cả trâu bò ở rừng U Minh. Tuy nhiên, chưa ai nhìn thấy loài rắn này. Người ta chỉ biết đến qua các câu chuyện kể của… bác Ba Phi, chuyên nói dóc.
Loài rắn chúa đã được ghi trong sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng từ rất lâu rồi. Tuổi thọ của chúng có thể tới vài chục năm. Trong môi trường tốt chúng nặng tới 30 kg và dài 9-10 mét. Chúng sống trong các hang động đào sâu trong lòng núi của các loài khác như chồn, cáo, dũi, cầy, chuột rừng... Rắn chúa ăn các loại rắn nước và những con thú cỡ nhỏ. Tuy to lớn song sức chịu đựng lại không dẻo dai nếu tách chúng khỏi môi trường hoang dã. Khi đã bị bắt thì dù chết đói loài mãng xà này cũng không tự ăn mà phải vạch miệng ra rồi đút thức ăn vào tận dạ dày của chúng.
Với kinh nghiệm của mình, Khưa khẳng định đây là một con rắn chúa rất lớn, có thể nặng từ 7 đến 10kg. Tuy nhiên, tóm được nó cũng rất kỳ công. Đây là chiếc hang của loài cáo rồi tiếp đó đàn dũi vào đào thêm nhiều nhánh nữa nên phải thận trọng, chỉ cần bịt sót một ngách là công toi. Khưa khuyên tôi ra xa miệng hang khoảng chục mét để đề phòng bất trắc. So với các loài rắn khác thì rắn chúa rất hiền, chúng không bao giờ tấn công người nếu không đụng đến chúng. Loài rắn chúa to, nặng nên bình thường chúng khá chậm chạp, song nếu thấy nguy hiểm chúng nhanh như gió, có thể quăng mình xa tới 6 mét và cắn chết vài con trâu mộng một lúc. Nọc độc của rắn chúa đã xâm nhập vào cơ thể thì không hy vọng sống sót. Nếu được sơ cứu rồi đưa đến bệnh viện kịp thời thì cũng mê man bất tỉnh vài tuần rồi chết, sống được cũng tật nguyền suốt đời. Chính người đồng hành của Khưa tên là Vàng A Khón ở xã Thông Nguyên đã phải bỏ mạng ở Chiến Phố cách đây 4 năm khi bị một con rắn chúa cỡ 8 kg “bổ” trúng mặt. Ngón tay út chỉ còn một đốt của Khưa là “chiến tích” khi tóm con rắn chúa trong rừng Pố Lồ. Vừa kịp tránh nhát “bổ” trực diện của nó thì lập tức bị nó “phập” một nhát vào ngón tay. Khưa vung dao chặt đứt phăng ngón tay của mình và thoát chết trong gang tấc. Đốt ngón tay bị chặt đứt năm đó Khưa vẫn giữ làm kỷ niệm. Nó được ngâm trong bình rượu và được đặt trang trọng trong chiếc tủ cũ ọp ẹp.
Ước chừng đã đào được hơn hai giờ đồng hồ, một khoảng đất rộng giữa bốn bề lau lách bị xới tung. Khưa hô hào mọi người chuẩn bị tóm chú rắn chúa đang ngoan ngoãn nằm khoanh mình giữa một khoảng không rộng bằng miệng thúng dưới lòng đất. Khưa đưa chiếc móc kéo mình con rắn lên khỏi miệng hang. Bất ngờ, một khối mốc xì bằng bắp chân lao ra nhanh như chớp. Sên vung cán chiếc thuổng ấn đầu chúa tể loài rắn xuống đất. Khưa lao vào dùng sức mạnh của cả hai cánh tay gân guốc khóa chặt đầu nó lại. Toàn thân đại xà rừng xanh quằn quại, quăng mình uỳnh uỵch tìm cách trốn thoát. Nằm ngoài cả dự đoán của Khưa, con rắn chúa này nặng cỡ 12kg, dài độ 7 mét. Trong ổ của nó còn 3 con rắn con bằng nắm liềm đang ngoe nguẩy. Vụ tóm gọn ổ đại xà này đủ cho đám thợ săn chúng tôi nhậu nhẹt tưng bừng cả tháng ở thị trấn heo hút Vinh Quang.
Sau bữa quần thảo với hang rắn, cả đám thợ săn đều mệt tả tơi. Mìn vẫn còn sung sức nên vác khẩu kíp phục kích mấy chú sóc đang thậm thụt ven bụi cỏ. Bữa cơm tối hôm đó mọi người được thưởng thức món thịt sóc xào mầm thảo quả rất tuyệt. Tôi đánh một giấc ngon lành đến sáng. Tỉnh dậy, ông mặt trời đã lấp ló sau đại ngàn.

KỲ IV: ĐUỔI NAI TRONG RỪNG TUYÊN NGUYÊN

Giấu đồ đạc dưới gốc cây nghiến cổ thụ, chúng tôi chỉ đeo theo súng và bi đông nước uống, rồi tiếp tục đi theo dấu chân của con lợn bị bắn thương. Đúng như phán đoán của các “chuyên gia” săn thú, càng đi xa, vết máu của con lợn rừng càng ít và thâm xì. Khưa khẳng định nó chỉ bị trúng bụng và chân, không thể chết được.
Cuộc rượt đuổi theo dấu chân lợn rừng là một bài học quan trong đối với tôi. Nó cũng thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Đám thợ săn rà soát một cách tỉ mỉ mọi dấu hiệu bằng cả mắt, mũi, tai. Họ lục lọi mọi bụi rậm, gốc cây, khe ngách, phát hiện mọi điều nghi ngờ, đặc biệt là chú ý hướng đi, chiều gió. Mỗi bước đi luôn cẩn thận, chậm, nhẹ và liên tục dừng lại để nghe ngóng. Khi bất chợt phát hiện ra thú thì họ có thể đứng im như tượng. Đi săn trúng nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tà, bởi vì khi ăn xong, đàn thú còn nha nhẩn ở bìa rừng, trảng cỏ. Sau cơn mưa vài ngày cũng rất dễ gặp thú đi ăn.
Sau hai tiếng luồn rừng, dấu chân lợn rừng xuất hiện ngày một nhiều và rõ hơn, toe toét trên nền đất đầy lá mục. Phía trước mặt, bên dòng suối Pô Chuông là một bãi rộng, lau lách lút cổ, phía dưới tảng đá cao hơn chục mét, dưới một gốc cây bốn năm người ôm mới xuể có la liệt cành khô, lá khô. Sên bảo đây là ổ lợn rừng. Quả thực, dù trí tưởng tượng của tôi có phong phú cỡ nào cũng không thể hình dung nổi ổ lợn rừng lại to đến vậy. Đường kính của nó rộng đến 5m, có đến cả tấn củi lá được chúng tha về. 
Khưa nhận định đàn lợn đã bỏ đi cách đây vài ngày, nếu tìm được chúng cũng còn mệt. Vượt qua dòng Pô Chuông, qua ngọn núi chằng chịt dây leo, trước mặt chúng tôi hiện ra một khu rừng rất sạch sẽ. Đây đó có những vết chân mờ mờ và dấu ăn thể hiện rõ ràng ở những đám cỏ dại. Bất chợt cả 4 dừng lại. Tôi ngơ ngác không hiểu gì. Cheng giải thích rằng đây là rừng cấm, không ai được vào và lấy đi bất cứ thứ gì. Đối với người Nùng, rừng cấm là lãnh địa rất linh thiêng. Trong rừng cấm này, hàng năm diễn ra những lễ hội cầu lộc của người Nùng. Một con chim, một cành củi khô cũng đều là của Thần Rừng, không ai dám xâm phạm. Đàn lợn rừng ở trong đó cũng đã là con vật của thần linh, không ai dám bắt nữa. Chúng tôi đành quay về nơi để đồ, tiếp tục hành trình mới.
Sau bữa trưa thịt nhím luộc cùng với măng rừng, tôi được thưởng thức thêm món mầm thảo ăn quả sống, một đặc sản của người Nùng ở xứ sở mây trời sương núi này.
Sau hai ngày vừa đi vừa nghỉ, xuyên qua các bản làng lấp ló trong những cánh rừng, chúng tôi có mặt ở địa bàn Tuyên Nguyên. Ngày đi, đêm ngủ tại các bản làng và đồ ăn là những thứ có sẵn trong rừng như măng, mầm thảo quả, rau rừng. Những con vật như chồn, sóc, dũi, cầy, cáo... ngày nào cũng bị đám thợ săn bắn hạ làm thức ăn.
Cả xã Tuyên Nguyên rộng lớn là những cánh rừng già ngút ngàn. Đi từ sáng sớm, đến khi bóng chiều xuống dần mà vẫn chỉ thấy một màu xanh bát ngát, trầm mặc của rừng. Bản Thượng Bình vẫn mất hút sau những con đường mòn quanh co như sợi thừng mà đám sơn tràng bỏ quên vắt chùng trình trên sườn núi. 
Chúng tôi dừng chân trên sườn một ngọn núi cao ngất trời. Ánh hoàng hôn rực lên như đám cháy, bao kín nửa bầu trời. Mặt trời đang lặn, không khí trong suốt như pha lê. Trên suốt chặng đường Mìn cứ càu nhàu vì chưa được nổ súng lần nào. Bất chợt, từ một bụi lau lách lan rộng có một con gà rừng bay ra. Nó chưa kịp đặt đôi chân mỏng manh xuống đất thì “đoàng”, con gà rã cánh xõng xoài. Gã cười đắc chí, đêm nay trong khẩu phần lại có món thịt gà rừng.
Đêm ấy, chúng tôi ngủ ở bìa rừng Thượng Bình. Mới 5 giờ sáng, Khưa đã đánh thức mọi người dậy. Gã bảo có tiếng nai kêu gọi cái. Tôi cùng Khưa vác súng, vạch sương tìm đến nơi có tiếng kêu phát ra lúc nãy. 
Đi một lát thì thấy hiện ra một dòng suối nhỏ. Bên bờ suối là bãi cỏ hẹp lút ngối chạy dài. Phía trên sườn núi là những cây dổi, lát, sến cao vút, thân dài đuồn đuỗn chọc thẳng lên trời xanh. Từ phía dưới những tán cây rậm rạp đó xuất hiện một con nai khá lớn, dễ đến cả trăm ký đang nhẩn nha nhai cỏ rồi tiến ra phía bờ suối uống nước. Khưa giương súng ngắm bắn. Vừa định kéo cò thì bất chợt con nai quay ngoắt chạy vào trong rừng. Khưa tỏ ra tiếc rẻ, song gã khẳng định rằng sẽ hạ được nó, chỉ cần kiên trì chờ đợi.
Theo Khưa thì ở những khu rừng dọc dãy Hoàng Liên Sơn và Tây Côn Lĩnh đều có nai và hoẵng. Ngày xưa, gã đã từng bắn hạ một con nai nặng tới 150 kg ở đây khi nó ra bờ suối uống nước. Nai là loài ăn cỏ, quả, và các loại hoa màu. Nó không bao giờ ở một nơi nhất định mà luôn di chuyển để kiếm ăn. Chúng thường kiếm ăn ở các trảng cỏ, bên bờ suối, trên các sườn núi cỏ gianh. Ở trong rừng nó tước vỏ cây dẻ, cây thông để ăn như bọn sơn dương. Nó là loài ưa ăn muối nên hễ ở đâu có đất sét hoặc than tro là lần đến.
Nai thường ăn đêm. Ban ngày chúng trú ẩn trong rừng sâu để nhai lại. Nai già, có gạc cứng mới dám ở lâu trong rừng rậm. Chúng ưa ở rừng gai thưa và leo trèo lên đỉnh núi để nhòm ngó được xa. Vào mùa khô, đám thợ săn cứ phục kích ở bên suối hoặc bên những vũng nước chắc chắn sẽ bắn được nai. Mùa mưa thì phải lần theo dấu chân hoặc rình ở những khu rừng thưa vào chạng vạng sáng. 
Nai là loài rất ngờ nghệch, hôm trước bị bắn trượt, hôm sau lại tìm đến chỗ đó kiếm ăn. Có khi săn đuổi riết quá lại lơ ngơ chạy về chỗ cũ, vì vậy nai rất dễ bắn. Có thể săn nai về đêm, dùng đèn chiếu hoặc lợi dụng ánh trăng. Bắn nai cũng phải nhắm trúng tim, óc hoặc xương sống nó mới chịu quỵ xuống. Nếu trúng chân hoặc bụng nó vẫn có thể chạy thoát được. Khi nó chạy thoát thì không được đuổi theo ngay mà phải kiên trì chờ đợi. Nếu đuổi theo ngay sẽ làm nó sợ và chạy xa hơn. Thông thường sẽ tìm thấy nó nằm ở vũng nước hoặc bên bờ suối. Nếu nó bị thương mà không thấy có dấu máu thì không nên đi tìm làm gì cho mệt.
Đối với dân săn bắn chuyên nghiệp như Khưa, Cheng, Mìn, Sên, họ không bao giờ bắn nai cái có chửa vì ngoài lý do để nó sinh đẻ còn là vấn đề liên quan đến tâm linh. Dân săn thú tin rằng, nếu giết chết nai chửa, cả năm đó sẽ chỉ gặp xui xẻo, thậm chí mất mạng trong rừng. Chuyện này không biết có đúng không, nhưng rừng xanh luôn huyền bí mà đám thợ săn luôn tin những gì người đi trước dạy lại.
Con nai có giá nhất ở bộ gạc, nhung và cả bộ đầu. Nhà giàu thường trả giá cao mua về treo trong nhà làm cảnh. Thịt nai ngon, mềm, bổ, xương nấu cao khá tốt. Khưa dạy tôi chi tiết cách phân biệt dấu chân nai với các loài thú khác. Vết chân nai đực sẽ để lại dấu hai móng nhọn, phía sau gót tròn, chẻ riêng hai móng, ở giữa là vệt lòng của hai móng chân. Căn cứ vào vệt của hai móng trước và móng chân sau có thể đoán tuổi của con nai và biết được là vết chân nai cái hay nai đực (?!). Nai nhỏ thì dấu hai đầu móng nhọn và khép lại gần nhau, dấu ở bờ móng sắc cạnh, hai móng thoái hóa cũng in mờ trên đất và gần nhau. Nai càng lớn thì hai đầu móng chân càng tõe rộng ra và kém nhọn đầu, gót chân dầy lên và thấy vết chân sau nhỏ hơn vết chân trước, dấu ở bờ móng kém sắc cạnh, gót chân choãi rộng ra, hai móng thoái hóa cũng rộng hơn, các vết chân trước và sau cách xa nhau dần. Vết chân nai cái nhỏ như chân nai đực con, khoảng cách hai móng hẹp hơn.
Nai là loài hiền lành nhưng sống dai. Cách đây mấy năm chính Khưa đã bắn gục một con nai tại chỗ này. Tưởng nó đã chết bèn treo súng vào gạc nó rồi nhảy xuống suối tắm. Nào ngờ nó tỉnh dậy dông tuốt cả súng vào rừng. Chuyến đó lần theo cả ngày mà không thấy tăm hơi đâu. 
Săn nai về mùa đông thường dễ gặp vì đó là mùa động dục, chúng thường phát ra tiếng kêu và về các đồng cỏ, ven suối uống nước.
Sau mấy tiếng giảng giải, ông mặt trời đã ở giữa đỉnh đầu, trải ánh nắng ấm áp khắp mọi nơi mà không thấy con nai quay lại. Khưa quyết định chia thành 3 hướng để lần theo dấu chân nó. Tôi và Khưa ngược dòng Nậm Khòa tiến sâu vào rừng.
Sau hai giờ đi bộ không biết mệt mỏi, qua những rừng cây cao, lá cây đan xin xít, không một giọt nắng nào lọt qua được, chúng tôi tới sườn một ngọn núi cao chót vót, chỉ có những cây thông hiên ngang vươn thân hình sù sì lên trời. Mấy chú bìm bịp đậu tít trên cao im lìm, những con gõ kiến sặc sỡ gõ côm cốp vào vỏ cây dầy. Tiếng hót du dương của chú sáo đen bất ngờ vang lên từ những vách đá. Phía dưới dòng suối, ngoài bìa rừng lau lách, chim sâu, chim bông lau ríu rít hát ca. Một chú thỏ rừng lông trắng len lén men theo bìa rừng, thận trọng nhảy cà nhắc. Chú sóc nâu nhảy thoăn thoắt từ cây nọ sang cây kia và bỗng nhiên dừng lại, dựng cao đuôi lên đầu, bất ngờ nhảy bổ vào bụi dương xỉ có răng cưa xinh đẹp mọc tua tủa dưới chân tảng đá lớn.
Tôi đang mải thả hồn theo bước nhảy của những loài vật nhỏ bé, đáng yêu thì Khưa vỗ vai bảo dừng lại. Theo hướng chỉ tay của Khưa tôi nhìn thấy một con nai đang đứng trên đỉnh núi đá ngỏng cổ nhìn ngó xung quanh. Chúng tôi nhẹ nhàng, thận trọng từng bước lần dưới những tán lá rừng, sau những bụi cây để tiến về phía nó. Khi đã tiến đến một lùm cây khá gần, ước chừng chỉ cách con vật 50m, Khưa nhẹ nhàng lách súng qua kẽ lá hướng về phía nó. Con nai tội nghiệp vẫn nhẩn nha ngóng nhìn những ngọn núi nhấp nhô. Nó không biết rằng ngay dưới chân nó, họng súng kíp sắp bốc mùi khét lẹt. Đoàng. Một tiếng nổ đanh ngọn, con nai đáng thương nhảy cẫng lên rồi gục xuống. Chúng tôi vạch những đám dây leo chằng chịt tìm lên, vừa tiến đến cách nó còn 10m thì nó chợt vùng dậy chạy như điên xuống phía thung lũng. Máu hồng tươi in loang lổ trên nền đá sỏi, trên những chiếc lá khô cong queo. Khưa khẳng định rằng con nai này đã bị trúng phổi và họng, không thể sống lâu được. Theo vết máu của nó vung vãi khắp nơi chúng tôi xăm xăm thả dốc. Vết máu cứ ít dần, vón cục, thâm xì. Vậy mà cũng phải mất hơn tiếng rượt theo chúng tôi mới tìm thấy xác nó nằm bên suối. 
Sên, Mìn, Cheng theo tiếng súng tìm đến. Mìn đang kéo con nai đã tắt thở ra khỏi bụi gianh, bất chợt gã thả ra và dán mắt xuống mặt đất rồi hét lên vì sung sướng. Cả Khưa, Cheng, Sên đều lao vào vạch các bụi cỏ gianh, bụi lau để tìm kiếm một cái gì đó, mặc xác con nai chỏng chơ giữa bãi cỏ. Khưa bảo rằng: “Trúng lớn rồi, ở đây có trăn”.

KỲ V: VÀO HANG BẮT TRĂN

Khưa nói ở bãi cỏ gianh này có trăn, một con trăn lớn đến nỗi có thể nuốt được con 3 con nai cỡ 40kg khiến tôi thấy lạnh gáy. Cuộc chiến với con trăn chắc chắn là nguy hiểm hơn các loài khác gấp bội. Bất kể ai cũng có thể bỏ mạng nơi rừng xanh núi đỏ nếu bắt trăn một cách liều mạng, không tính toán cẩn thận. Mìn thì bảo rằng bắt trăn là cả một nghệ thuật, là một cuộc đấu trí một mất một còn. Tôi bất chợt thấy mấy gã thợ săn như những anh hùng, nhưng cũng không thiếu đi chất lãng mạn. Chuyện tóm trăn ngoài nhuốm màu sắc tín ngưỡng dân tộc vùng cao. 
Bóng chiều đã xuống tự lúc nào, thung lũng trở nên tối hơn vì không có ánh sáng. Khưa phân công Mìn đi lọc thịt con nai để ăn bữa tối. Những người còn lại lần theo dấu trăn tìm hang của nó. Khưa bảo chắc chắn con trăn vẫn còn ở khu vực lau lách này vì vết bò của nó còn rất mới. Cỏ gianh táp đi vì cơ thể của nó vừa to lại vừa nặng. Sên dặn dò mọi người phải cẩn thận kẻo dẫm phải rắn chúa, rắn sọc dưa là coi như toi mạng. Càng tiến sâu vào trong bãi, cỏ càng trở nên héo úa. Thỉnh thoảng lại có một lùm đất vón cục trồi lên, đó là do lũ chuột rừng, chồn, cầy, cáo, dũi đào hang. Xuất hiện trước mặt tôi là một chiếc hang có đường kính tới 40cm, nhẵn thín, có thể lách mình chui xuống được. Xung quanh khu vực có rất nhiều những chiếc hang khác cũng rất to. Khưa cho rằng những chiếc hang đó đều thông với nhau và do bọn cầy, dũi đào ra, nên phải thận trọng tìm hết ngóc ngách để vít lại. Càng tìm rộng ra thì càng thấy nhiều cửa hang. Hang hốc xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ. Khưa cởi phăng chiếc áo đi rừng, cơ bắp cuộn lên, mồ hôi nhễ nhại. Gã cầm chiếc dao quắm chặt phăng đám cỏ cao lút cổ để tìm hang, rồi vít các cửa hang lại bằng những phiến đá, những búi cỏ. Sau hơn hai tiếng làm việc, ước chừng đã có đến cả trăm cửa hang được vít lại. Những chiếc hang này rải đều trên một diện tích dễ đến 2 sào Bắc bộ. Tôi băn khoăn không biết mấy gã thợ săn này bắt trăn kiểu gì? Chẳng lẽ đào cả thung lũng này lên?
Khưa châm lửa vào mảnh gỗ thông Sên vừa róc từ một cây thông già. Gỗ thông đậm tinh dầu cháy phừng phừng. Khưa cầm theo ngọn lửa lách mình chui tọt xuống cửa hang. Bất chợt có tiếng phần phật. Không rõ giống chim gì túa lua bay ra ngoài từ cửa hang, nơi Khưa đã chui hẳn vào, chỉ còn chìa ra hai cái chân đen trùi trũi. Chừng 5 phút sau thì Khưa vẫy vẫy hai bàn chân, Cheng lôi tuột Khưa ra ngoài, mảnh gỗ thông đã tắt ngấm. Khưa bảo bên trong còn 4 cái hang nhỏ nữa. Đây là một hệ thống hang do loại dũi mõm nhọn và chồn đào, chúng thông với nhau nên không thể xác định được hang nào có con trăn đang ở.
Sau một hồi bàn tính, mọi người thống nhất phương án cử Sên trở về bản Thượng Bình để mời một lão già tên là Lử đến bắt hộ. Khưa bảo rằng, lão Lử là truyền nhân của người Dao về tài bắt trăn. Gặp bất kỳ con trăn nào lão cũng tóm được. Nói chung, lão Lử có một khả năng kỳ bí mà không ai có thể giải thích.
Mùi thịt nai hun khói bốc mùi thơm nức cả góc rừng. Cái đói cồn cào đến. Tôi xẻo một miếng thịt to đùng và ngồi bên tảng đá nhai nhồm nhoàm. Thịt nai, thịt hoẵng, thịt mang tôi đã được ăn khá nhiều hồi sống hai tháng trời ở huyện Ia Grai (Gia Lai), vùng đất rừng rú giáp Campuchia, song chưa bao giờ thấy ngon đến vậy. Miếng thịt vừa mềm nóng hôi hổi, vị ngọt thấm tận chân răng. Sau khi đã đánh chén nó say, tôi và Cheng nhảy xuống dòng Tà Pí bơi lội trong cái lạnh ngăn ngắt.
Khưa và Sên châm lửa vào đám lau lách khô. Cả vùng lau lách bỗng rực sáng bùng bùng, khói bốc nghi ngút, nổ bôm bốp. Cơ thể Khưa hiện lên trong ánh lửa như một cuộn sắt sáng hồng vừa được tôi luyện. Khưa giải thích rằng, đốt như vậy để trăn sợ mà không dám ra ngoài. Trăn là một loài rất tinh khôn, nếu đã có tiếng động hoặc phát hiện ra hơi người là chúng tìm cách lẩn mất. Nếu chúng đã trốn khỏi hang thì dù có đuổi theo cũng vô nghĩa. Trăn có thể chạy với tốc độ 30-40km/h trong hoàn cảnh núi non hiểm trở, rừng rậm dây gai chằng chịt. Nếu ở mặt đất chúng sẽ tấn công lại một cách quyết liệt. Nếu bị giống bò sát này cuốn vào người thì có thể sẽ gãy xương sống khiến tàn tật suốt đời. Thế nhưng, trăn lại rất sợ lửa. Nếu thấy mùi khói và ánh lửa thì chúng chui tọt vào hang và nằm im ở đó, không dám ra ngoài nữa. Trên một diện tích rộng như vậy không thể trông chừng chúng được nên phương án đốt lửa dọa chúng tỏ ra hiệu nghiệm nhất, chờ ngày mai trời sáng sẽ lần tìm nơi chúng trú ẩn.
Đêm canh trăn là đêm có nhiều ý nghĩa nhất trong chuyến lặn lội rừng sâu, theo chân đám sát thủ rừng xanh này. Cảm giác hồi hộp, lo sợ theo tôi suốt đêm đó. Một đêm nằm ngắm trăng và nghĩ về con trăn khổng lồ. Có thể nó đang cuộn tròn ở ngay dưới lưng mình. Đôi lúc tôi có cảm giác nghe thấy cả tiếng thở phì phò của nó phát ra từ lòng đất.
Tôi chìm trong giấc ngủ miên man. Cheng lay tôi dậy khi sương mù còn đặc quánh. Thò đầu ra khỏi túi ngủ, sương lạnh tràn vào kéo hơi ấm đi đâu hết. Cánh rừng tràn ngập sương mù. 
Ông già người Dao tên Lử đã đến đây từ bao giờ và cùng với Khưa, Sên ngó nghiêng mấy cái hang hiện ra rõ mồn một giữa đám than tro và cỏ gianh tươi bị dẫm đạp dạt đi. Ông già người Dao gầy còm, nhỏ thó, đen trũi cầm chiếc que dài độ hơn mét rồi chui tọt xuống hang. Khưa bảo lão ta chỉ cần chọc chọc vào các cửa hang là biết được hang nào trăn đang ở. Kinh nghiệm săn trăn là bí truyền của những người trong họ của lão.
Chui vào hang độ 3 phút, lão Lử báo hiệu mọi người kéo ra. Họ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ dân tộc, tôi chẳng hiểu gì, nhưng thấy ai cũng có vẻ hài lòng. Sên giải thích rằng, lão lử và Khưa vừa tính cách chia chác khi bắt được con trăn này. Lão Lử bảo con trăn to lắm, lại hung dữ, rất hiếm gặp. Khi bắt được con trăn lão sẽ lấy thịt về tế Thần Rừng và chia cho dân bản. Phần của mọi người là tấm da trăn quý giá. Mỡ trăn ai lấy bao nhiêu thì tùy thích. 
Từ thượng cổ, tộc người Dao ở Thượng Bình đã có tập tục bắt trăn trong ngày hội rồi dâng trăn cho thần linh. Tài bắt trăn của người Thượng Bình được truyền lại từ xa xưa, tuy nhiên, truyền nhân đích thực chỉ có một. Chỉ cần phát hiện ra vết trăn, đến ngày hội, con trăn đó sẽ bị bắt rồi trưởng bản cắt tiết tế thần.
Lão Lử dò la các cửa hang đã bị vít lại, ngó nghiêng, chọc gậy vào hang thăm dò. Sau khi đã thăm dò một lượt, lão cầm chiếc giáo sắt cực sắc cắm trước một cửa hang lớn, cách hang chính đến 20m. Lão quỳ xuống khấn vái lầm rầm trước cửa hang. Khưa bảo lão đang đọc thần chú tế thần phù hộ để bắt con trăn. Lấy cửa hang làm trung tâm, lão bước 5 bước rồi bảo mọi người đào chỗ đó, sẽ tóm chặn đầu nó.
Sên cởi phăng chiếc áo, vác thuổng đào hùng hục, bới tung cát sỏi. Sau vài chục phút đào và xúc không nghỉ, độ sâu đến hơn mét thì gặp một lỗ hổng, lão Lử bảo dừng lại. Lão chúi đầu xuống móc bới một lát thì tấm da mốc xì, vàng vện hiện ra, một con trăn khổng lồ. Lão thận trọng kéo thật nhẹ nhàng để lần tìm đầu nó. Khi đầu con trăn chớm lộ ra thì lão cầm chiếc giáo cực sắc đâm thật mạnh trúng giữa đầu nó. Con trăn quằn quại, lồng lộn trong hang, phát ra những tiếng uỵch uỵch trong lòng đất. Khưa ném sợi thừng xuống, lão Lử ròng sợi thừng qua cổ con trăn rồi thít thật chặt. Khưa và Sên dốc dết sức bình sinh kéo sợi dây, con trăn bị lôi ra khỏi lòng đất. Nó uốn mình lồng lộn nhưng không quấn được vào ai vì một phần cơ thể của nó vẫn còn ở trong hang. Khi phần đuôi vừa lộ ra ngoài thì Mìn lao vào đè chặt lấy. Con trăn hất mạnh đuôi khiến Mìn ngã chỏng chơ ra đất. Lúc này Cheng đang ngồi trên lưng cũng bị nó hất văng ra. Lão Lử ráng sức bình sinh xoáy tròn chiếc giáo. Con trăn uốn thân răng rắc rồi bất chợt xõng xoài ra đất và bất động. Mọi người nhìn Cheng cười nắc nẻ. Trên trán của gã lấm tấm mồ hôi, ánh mắt vẫn chưa hết hoảng loạn.
Con trăn này ước chừng nặng 70kg, dài hơn 6m. Lão Lử dùng dao trích vào cổ nó rồi lấy bát rượu ngô hứng một ít máu. Lão mổ bụng lấy quả tim vẫn còn thoi thóp thả vào bát rượu. Lão uống một ngụm rồi chuyền tay mọi người. Lão bảo uống máu trăn để gặp may. Tôi cũng nhắm mắt, nhắm mũi làm một ngụm rượu tanh nồng đó.
Lão Lử dùng chiếc dao nhỏ mà sắc bén rạch miếng da ở đầu, sau đó rạch một đường dọc sống lưng. Thật dễ dàng, bộ da con trăn được kéo tuột ra rồi cuộn tròn lại, phơi ra lớp thịt trắng toát. Lão Lử thuần thục lách dao tách thịt và xương con trăn để xếp vào chiếc gùi cho gọn. Trước khi chia tay, lão còn ném lại cho chúng tôi một tảng thịt. Vậy là bữa trưa hôm đó lại được thưởng thức món thịt trăn.
Sên vác súng đi dọc bờ suối kiếm con gì đó để tăng thêm khẩu phần. Cheng kiếm măng rừng về luộc. Mìn xử lý miếng thịt trăn. Khưa trải tấm da trăn dưới nắng rồi sát muối vào mặt trong của tấm da. Muối và ánh nắng sẽ đốt cháy hết thịt và mỡ còn dính, da sẽ co lại và trở nên săn chắc. Tấm da trăn vừa gọn lại có giá, bán cho đám thợ buôn cũng được vài triệu.

KỲ VI: TRUY KÍCH ĐÀN KHỈ TRONG RỪNG THÔNG NGUYÊN

Cuộc đấu trí với con trăn quả là vất vả, ai cũng mệt mỏi, căng thẳng. Chúng tôi quyết định nghỉ suốt buổi chiều hôm đó để hồi sức cho chuyến đi tiếp theo. Tôi không nghĩ mình lại dai sức đến vậy. Mấy ngày lang thang trong rừng, ăn thịt thú, rau măng, tắm nước suối mà vẫn có thể giương khẩu súng chạy theo con sóc đang nhảy nhót trên cây. Rừng núi tự thân đã có sức hấp dẫn ghế gớm đối với những người mê khám phá. 
Nằm ngửa trong rừng và nhìn lên cao, có cảm giác đang trông cái biển không đáy và dường như cái biển ấy trải rộng dưới lưng ta. Những đám mây trắng trôi tới và lướt qua như những đảo ngầm thần kỳ. Trong khung cảnh rất đẹp, bỗng nhiên có một con thỏ trắng lò cò chạy qua. Dù không có tài bắn súng, nhưng tôi cũng có thể bắn trúng nó lắm chứ. Một phát nổ có tới hàng trăm viên đạn chì bay về hướng nó, sao chẳng có một hai viên găm vào. Nhưng tôi chỉ giương súng vậy thôi, rồi lại hạ xuống. Tôi không dám hình dung con thỏ rừng dễ thương lại bị hạ trước nòng súng của mình.
Sau một ngày nghỉ ngơi, thưởng thức thịt trăn luộc và thịt chồn, ai cũng cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Trước mắt là ngày đường để đến khu rừng Thông Nguyên. Đám thợ săn này là những kẻ lãng du mang bộ mặt sát thủ. Họ muốn số loài thú bị tiêu diệt mỗi ngày lại dày lên trong tay họ, để khi về già, đêm đêm, dưới ánh lửa bập bùng, họ kể với con cháu mình chiến tích giết chóc với một thái độ rất tự hào. Còn tôi, trong chuyến đi kỳ lạ và hiếm có trong đời này, tôi muốn được nghe hơi thở với những tiếng than khóc của rừng. 
Con đường đến rừng Thông Nguyên cũng như những con đường khác, cũng trèo đèo, cũng lội suối, cũng xuyên rừng. Với đám thợ săn này thì rừng là nhà, thú rừng, cây rừng là thực phẩm. Khi đã trong vòng tay của mẹ rừng thì những đứa con của rừng chả bao giờ sợ chết đói. Họ có thể lang thang cả tháng trong rừng mà vẫn có thịt để ăn. Món ăn chỉ là thịt nướng, thịt luộc, tuy không có nhiều gia vị, song vẫn thấy rất ngon, bởi vì đói, bởi vì được thưởng thức hương vị nguyên sơ của rừng, đó là một cái thú, cái thú của những kẻ đi săn.
Đứng trên sườn núi cao, nhìn cánh rừng Thông Nguyên như một tấm thảm xanh khổng lồ. Từ trung tâm xã Thông Nguyên vào đến Phìn Hồ, một bản giữa rừng, mất 15 cây số nữa. Bản Phìn Hồ là một ốc đảo giữa đại ngàn hoang thẳm. Qua bản Phìn Hồ, chúng tôi đi thẳng vào khu vực theo lời Mìn thì có rất nhiều khỉ. Trên con đường mòn nhỏ xíu, thăm thẳm ấy, chim chóc líu lo ran cả góc trời. Đi mãi, đi thật sâu vào rừng... Rừng trở nên hoang vắng, yên tĩnh đến không tưởng .