Thứ Tư, tháng 2 27

những câu chuyện thời bao cấp (8)


Nhớ cái TẾT thời bao cấp

Hương Giang
22/01/2012
Chiều 30 tết, trong khi tôi xếp hàng chờ được chia 2 lạng thịt nhờ tem phiếu của bác tôi thì bà ngoại sai các con rể làm thịt con lợn lang đen nuôi từ giữa năm.


Tết của ngoại ngày đó xen lẫn cả nghèo khó và sung sướng, là một trong những ký ức tuổi thơ đẹp nhất của tôi.


Quầy bán hàng tết thời bao cấp. (Ảnh quechoa.info).


Sau này lớn lên, tôi chưa thấy chiều 30 tết nào rộn ràng niềm vui như những chiều 30 tết ở nhà bà ngoại. Mẹ tôi sinh liền ba đứa, lại phải làm ca đêm, trong khi bố tôi sau khi đi du học về phải đi nghĩa vụ quân sự, nên bố mẹ phải gửi ba chị em về bà ngoại.
Bác ruột tôi không lấy chồng, ở chung với bà ngoại, làm nghề giáo viên, cho nên tôi mới có dịp hiểu thế nào là tem phiếu của thời bao cấp. Hai hình ảnh ấn tượng nhất về thời bao cấp của tôi lúc 7 tuổi là đứng chờ đem về 2 lạng thịt phân phối ngày tết và vài chục mét chỉ khâu, hình như có một ít vải may đủ một chiếc quần hay một chiếc áo nữa.
Ông ngoại tôi làm thuốc bắc nổi tiếng một vùng nên bà ngoại không cần phải làm ruộng mà vẫn có tiền tiêu. Bà tôi hầu như không tiết kiệm, bao giờ cũng mua đủ thứ ngon vật lạ trong vùng cho con cháu ăn. Tôi không thể quên được, mỗi khi thịt gà, bà chỉ xé cho bọn tôi ăn chứ không được chặt, vì chặt thì hàng xóm nghe thấy sẽ bảo là trưởng giả, chỉ làm họ thêm ghét. Trong làng có một cụ già, thỉnh thoảng lại ra đứng ngã ba đường chửi “tông ti họ hàng, hang hốc rễ tre đứa nào dám ăn trộm gà của bà”.
Trong bối cảnh ấy, mới thấy việc “ngả ra con lợn béo” vào chiều 30 tết mới thiêng liêng làm sao. Nhìn chung cả năm, cả họ đều ăn uống kham khổ, chỉ bọn trẻ con chúng tôi mới được ưu tiên hơn về thức ăn.
Tôi vẫn thấy văng vẳng bên tai tiếng lợn bị chọc tiết, tiếng mài dao, khua dao lẻng xẻng, tiếng các bác gọi người sai vặt. Bà ngoại tôi chuẩn bị sẵn đồ để cúng tối ba mươi và ra cổng ngóng cậu tôi đi tàu từ Nam ra, ngóng bố mẹ tôi từ xa về.
Trước tết nửa năm, bà sẽ thả vào chuồng một con lợn lang đen nhỏ xíu. Giống lợn này bây giờ rất hiếm, được coi là đặc sản, vì đó là lợn thuần chủng của Việt Nam, lưng võng, thịt rất thơm ngon nhưng năng suất kém nên sau này nhiều người không nuôi để bán, vì chắc chắn là lỗ vốn. Có vỗ béo cỡ nào thì lợn lang đen chỉ lớn tối đa khoảng 30 đến 35 cân.
Chỉ có một con lợn nhỏ thế thôi mà không khí thật tấp nập. Chỗ này một bác làm giò thủ, chỗ kia một bác làm giò nạc, giò mỡ, chỗ kia nữa một bác đang làm dồi lợn, món dồi có lá mần tưới tạo ra một vị rất khác lạ, không nơi nào có. Dồi lợn còn có nhiều miếng sụn lấy từ các phần khác nhau của con lợn, khi nhai rất thú vị.


Xếp hàng mua thịt ngày tết bằng tem phiếu. (Ảnh quechoa.info).

Phần sườn non của lợn sẽ được băm nhỏ làm món sườn rang muối, rất thơm ngon và quan trọng là…ăn được lâu! Món chân giò sẽ luộc, lòng lợn dành cho các bác nhắm rượu, một phần tiết lợn để nấu cháo. Món cháo lòng cuối năm thật nhiều hương vị, nhất là trong cái lạnh đêm 30.
Bà ngoại tôi có 7 người con ở gần ở xa, và tết nào cũng về đầy đủ. Cả con cháu, dâu, rể, chiều ba mươi tết tề tựu đông đủ, tính ra cũng gần hai chục người. Niềm vui như vỡ ra, tiếng thăm hỏi và trò chuyện vang khắp ba gian nhà ngói. Không ai cảm thấy lạnh nữa, chỉ thấy tình người sưởi ấm khắp không gian.
Bố tôi sẽ hạ cái ba lô xuống, trong đó là quà tết được cơ quan tặng, có đường, sữa, mỳ chính và mứt tết. Đó là những thứ quý nhất mà bố tôi mang về tặng bà ngoại. Còn chúng tôi sẽ có quà là những bộ quần áo do chính bố tôi may bằng vải phân phối, được cắt rất đơn giản và may bằng chiếc máy khâu mà mẹ tôi mang từ Liên Xô về.
Sau này lớn lên, bà ngoại tôi mất, chẳng còn cái tết nào “ngả ra con lợn béo” và họ hàng xum họp nữa. Đôi lúc nhìn buổi chiều 30 tết ở thành phố vắng hoe và nao nao buồn. Hóa ra, cái thiếu thốn của thời bao cấp cũng có giá trị của nó. Bây giờ vật chất thừa thãi cả năm, món tết không còn thiêng liêng như xưa nữa

chống mê tín dị đoan trong toàn dân nhé


Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm...
Đồng chí chủ tịch xã mới nhận nhiệm vụ rất nghiêm khắc trong vấn đề chống mê tín dị đoan. Ngay tuần đầu tiên nhậm chức, đồng chí đã tổ chức cuộc họp toàn thể cán bộ từ cấp thôn đến cấp xã. Trong cuộc họp đó, chủ tịch xã đã nghiêm khắc phê phán tình trạng mê tín dị đoan là vấn nạn trong xã.

- Tôi xin nhắc nhở các đồng chí, hiện nay, chúng ta đã qua thời kỳ phong kiến cổ hủ lạc hậu rồi, vậy tại sao ở xã ta vẫn còn tình trạng tin vào thần thánh? Chúng ta thờ ông bà tổ tiên để tỏ lòng tôn kính, nhớ tới tổ tông, chứ không phải để suốt ngày trông chờ vào thánh vào thần. Chúng ta phải xoá bỏ những gì là cổ hủ lạc hậu đi...
Trưởng thôn Tiền giơ tay:
- Thưa đồng chí chủ tịch, theo tôi, hiện nay tình trạng xã ta vẫn còn nhiều người mê tín đó là lý do từ thời bao cấp để lại. Thiết nghĩ, cần có một kế hoạch tuyên truyền thật nghiêm túc, thật rầm rộ...
- Tôi đồng ý với ý kiến đó - Chủ tịch nói - Đó cũng là điều tôi trăn trở kể từ khi nhậm chức chủ tịch xã. Các đồng chí thấy đấy, đồng chí chủ tịch xã trước đã dùng xe công đi đền chùa đầu năm, bị báo chí phát hiện, họ thông báo cho cả nước biết, thật xấu hổ. Cán bộ mà còn mê tín thì bảo dân thế nào được. Tôi đề nghị chúng ta phải quán triệt việc xoá bỏ hủ tục này, phải bỏ hẳn những ý nghĩ dù là nhỏ nhất vào việc tin vào thánh thần. Đề nghị các đồng chí thảo luận đưa ra những ý kiến cụ thể cho phong trào phòng chống mê tín dị đoan.
Ý kiến phó chủ tịch:
- Phải làm pa-nô, áp phích treo khắp nơi.
Hiệu trưởng trường THCS:
- Cần đưa thêm môn “Không mê tín dị đoan” vào dạy các cháu học sinh.
Bí thư chi đoàn:
- Nên mở cuộc thi đua với những câu hỏi về tệ nạn này.
Một đại biểu hội đồng nhân dân:
- Ai có người thân hay bản thân có biểu hiện mê tín dị đoan thì không được giữ bất cứ chức vụ gì.
Lần lượt, đại biểu hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân... phát biểu. Cuối cùng, đại biểu hội những người bán hàng nói:
- Theo tôi, trước hết muốn mọi người không mê tín thì phải bắt đầu từ cái... tâm của họ. Như dân buôn bán chúng tôi, có thể không mê tín, nhưng ai cũng làm một cái bàn thờ con con để yên tâm.
- Ý kiến cụ thể của đồng chí như thế nào? – Chủ tịch xã hỏi.
- Theo tôi, nên làm một... bàn thờ trong trụ sở xã để cầu cho phong trào của chúng ta. Việc lập bàn thờ này không phải là việc mê tín, mà là để mọi người yên tâm làm việc cho phong trào.
Mọi người bàn tán. Cuối cùng chủ tịch xã đưa ra quyết định: Cho lập một bàn thờ nhỏ để mỗi lần phong trào được phát động là cúng... lấy may.
Ít lâu sau, trưởng ban tuyên truyền chống mê tín dị đoan có ý kiến xin lập bàn thờ để thờ thần “văn hoá mới” và thần “chống mê tín dị đoan”. Rồi bí thư xã xin lập bàn thờ thần “thanh niên sống lành mạnh”, hội phụ nữ xã xin thờ thần “ba đảm đang”... Khí thế chống mê tín dị đoan xã tôi bốc lên ngùn ngụt như khói hương từ các bàn thờ trong trụ sở xã vậy.
Cầu trời khấn phật phù hộ cho phong trào phòng chống mê tín dị đoan của xã tôi thành công.

Giấc mơ về ngôi nhà



Khi còn nhỏ, gã nghĩ sau này sẽ có một ngôi nhà giống như trong chuyện cổ tích mà bà ngoại đã kể cho nghe. Bằng những nét bút vụng về, gã đã vẽ ngôi nhà trong tương lai ấy, ngôi nhà không có cột, nó treo lơ lửng giữa những tầng mây, phát ra tia sáng dịu dàng và lấp lánh tựa ánh sáng trăng trung thu...

Nó được làm bằng vàng và những hạt kim cương, xung quanh nhà là muôn sắc cầu vồng lung linh, có những nàng tiên và rồng thiêng luôn bay quanh...
Thủa cắp sách đến trường phổ thông, gã tự thiết kế một ngôi nhà cao bằng tháp Ép-phen. Xung quanh nhà là vườn hoa và cây ăn quả rộng vượt tầm mắt. Ngôi nhà có rất nhiều phòng, nào là phòng ăn – phòng ngủ – phòng tắm – phòng đọc sách, lại có cả một phòng đặc biệt để... không dùng vào việc gì cả (tuy tuổi còn nhỏ nhưng gã có tính lãng mạn nên đã đặt tên là “phòng hư không”). Trong những giấc mơ, gã vẫn thường trông thấy từng đoàn khách du lịch da đỏ, da đen, da trắng nườm nượp ghé thăm, và ai cũng trầm trồ thán phục ngôi nhà vĩ đại ấy...
Rồi đến khi học trung học, gã bắt đầu có bài đăng báo, dần dần gã nổi tiếng vì tài viết văn, thậm chí có lần phóng viên đài truyền hình nọ đã về quay hình gã để giới thiệu với cả nước. Khi đó, gã mơ ước đến một ngôi nhà bốn tầng mà phòng nào cũng treo phong lan, và có một căn phòng thật rộng để tiếp bạn bè, mà đặc biệt là “bạn văn” hàng ngày đến đàm đạo...
Thời gian học đại học, gã ít có thời gian nghĩ về ngôi nhà trong tương lai hơn, vì gã vừa phải lo học vừa phải thức đêm viết báo kiếm tiền. Dù vậy, gã vẫn luôn tự nhủ rằng, mình sẽ có một ngôi nhà hai tầng, có một phòng ở tầng hai để viết và tiếp khách...
Ra trường thất nghiệp, nhưng gã vẫn cộng tác với các báo đều đều, gã viết hăng đến nỗi tiền nhuận bút gom lại cũng đủ để cưới vợ. Mấy năm tiếp sau đó, gã đã cho ra hàng chục tập thơ, tập nào cũng dày cộp mà toàn là thơ (theo gã) rất hay. Dù biết thời kinh tế thị trường không mấy ai còn đọc thơ, nhưng gã vẫn hi vọng nhuận bút sẽ đủ để xây một căn nhà mái ngói hai phòng, một phòng ngủ kiêm phòng viết, phòng kia vừa là phòng ăn và là phòng tiếp khách, dù bạn bè của gã chỉ lèo tèo tháng đến đôi lần mà chủ yếu là đến để đòi nợ...
*
*     *
- Mình ơi, bỏ bút xuống, ra khiêng giúp em mấy bó rau lợn này với! – Tiếng vợ tôi từ ngoài ngõ.
Tôi vội chạy ra và nhận ra ngay nét mặt không vui của vợ.
- Có chuyện gì thế, mình?
- Bà chủ nhà vừa nhắc tiền nhà tháng này đấy. Mà tiền thì em vừa vét hết để đóng học phí cho cu Tèo rồi. Lại còn tiền gạo, tiền điện, tiền nước nữa. Em lo quá!
*
*     *
Thú thật với bạn đọc, cái gã mà tôi đang kể ở trên chính là... tôi đấy. Bây giờ tôi chỉ kỳ vọng có thằng bạn nào đó đến chơi để vay tạm ít tiền trả tiền nhà tháng này, kẻo bà chủ nhà lại quăng hết đồ đạc của chúng tôi ra đường như tháng trước. Cái bà chủ nhà này trông săn seo y như hình dáng căn phòng cấp bốn mà vợ chồng tôi đang thuê của bà ta vậy. Hai năm ở cái phòng ngột ngạt này đã làm cho tôi thêm quắt lại, không biết có phải vì thế mà giấc mơ về căn nhà của tôi cũng ngày càng teo tóp hay không?

ảnh đen trắng sưu tầm