Thứ Bảy, tháng 2 15

những câu chuyện thời bao cấp (13)

Cái Tết giàu xúc cảm đã chết rồi?


Cái Tết của mới mấy chục năm về trước, vừa mới hôm qua đây, đã như vô cùng xa lạ với cái Tết hôm nay… Con người mình đã đổi thay? Cảm xúc của mình đã đổi thay? Bản thân cái Tết đã đổi thay? Hay là tất cả mấy cái đó?





Ngày trước dù sống ở giữa phố phường Hà Nội, nhiều người cả năm hiếm khi có lấy bức ảnh chụp. Chỉ ngày Tết đến, cả gia đình mới diện cho nhau bộ quần áo đẹp nhất, hơi ngượng một tí vì chợt quá diện hơn hẳn ngày thường, trịnh trọng bách bộ ra phố hướng đến hiệu ảnh ở phố Tràng Tiền, hay ở phố Hàng Khay, để chụp lấy mấy kiểu ảnh gia đình, mấy kiểu chân dung. Một khoản ngân sách đáng kể. Phố phường yên vắng, lặng thinh, nghe thấy rõ cả tiếng của xích xe đã rã đang cà vào cái líp xe đã cùn, “kịch-cà-rà-kịch”, mỗi khi có bác xích-lô đạp xe ngang qua. Mở cuốn album, duy nhất, của một gia đình ngày ấy ra, mỗi trang là một bộ ảnh của ngày Tết của mỗi năm. Trừ phi có thêm sự kiện gì đặc biệt lắm, thì mới thấy có thêm vài chiếc ảnh khác. Ảnh đen trắng, hoặc nâu trắng, giấy bóng, giấy lụa, đôi khi có chiếc được tô tí màu bằng bút lông. Chúng được cắt riềm dentelle như những chiếc bánh biscuit, và có khi bị gián mối nhấm mất toi một góc. Hôm nay các bạn tuổi teen ngồi rảnh rỗi năm phút là đã giơ điện thoại ra chụp cho mình lấy vài chục kiểu ảnh, rồi lập tức tống chúng lên Facebook, và chém gió bình loạn nhau hả hê được liền…
Con người, đời sống đổi thay đến như thế. Tết không thay đổi được chăng?


                                                                        thanh niên 1994 đi ăn Tết quê
Cảm xúc
Thời Hà Nội còn trong chiến tranh, các trường học phải tản cư ra khỏi thành phố, thường về các tỉnh. Trường nhạc họa của thành phố được ưu tiên tản cư ra ở… ngay Quảng Bá, bên Hồ Tây! Hà Nội cỏn con, hết đường Cổ Ngư đã là hết nội thành, đường xe điện cũng kết thúc ở đó, bến Yên Phụ. Ăn ở tại trường, chiều thứ bảy bọn trẻ trường này được về nhà trong phố, nếu bố mẹ không dặn đón thì chúng tự cuốc bộ với nhau ra đến tận Yên Phụ để lấy tàu điện chạy về Cửa Nam, về Bờ Hồ... Trường đặt ở chỗ “dốc phi lao” của đường đê, cái dốc duy nhất có hàng cây phi lao của Quảng Bá, và trong những cây phi lao ấy có loài châu chấu voi đặc biệt, to bằng bàn tay trẻ con, rất đáng kính nể. Nay thì con dốc này đã thành ra một con phố nội đô, giá mà nó được đặt tên thật giản dị, ví dụ như lấy tên đường làng cũ của nơi đó, hoặc là “Dốc phi lao”, thì sẽ gợi cảm, gợi nhớ biết bao nhiêu. Sao người ta cứ mải mê dán hết tên người này với tên người nọ vào những chỗ như thế, để mà làm gì, để làm hỏng hết các kỉ niệm của đời sống? Đường đi trên đê trước khi xuống con dốc ấy rậm rịt những ổi là ổi, ngút ngát, thơm tho, thời đó chưa có đường đê ngoài như bây giờ. Những làng quanh đó thì tuyệt đẹp, các ao ngòi, vườn hoa, vườn quả thông nối sang nhau, tha hồ lang thang. Muốn mua hoa quả, khách mua nhiều khi phải đánh thức chủ nhà đang ngủ trưa thức dậy, để họ mang sào ra vặn trẩy quả. Đi quá Quảng Bá thì đã là những cánh đồng làng quê Nhật Tân, Phú Thượng, Chèm Vẽ đìu hiu yên ả. Trường văn hóa thể thao của thành phố thì ở chỗ Quần Ngựa, cuối đường Đội Cấn, đã là đủ tiêu chuẩn tản cư. Dọc đường Đội Cấn đi từ trung tâm thành phố đến Quần Ngựa, chỉ thấy các làng, hồ nước, ruộng rau, và các đầm sen thơm ngát. Nay thì cả vùng này đã lọt thỏm trong “trung tâm nội đô mới” của Hà Nội.
Phố phường Hà Nội còn rất vắng dân cư, còn chưa chuyển sang “làm việc thông tầm”. Buổi trưa tan tầm người đi làm còn kịp đạp xe về nhà, đắp lò mùn cưa, dóm lửa bếp củi, vo gạo thổi cơm, dọn mâm ăn uống, cả ngủ trưa chớp nhoáng nữa, để rồi mới lại đạp xe đi làm buổi chiều. Trẻ con thường mê đắp lò mùn cưa cho bố mẹ: đặt cái chai thủy tinh vào giữa cái lò tôn sắt, như một cái xô nhỏ, nhồi lèn mùn cưa xung quanh cái lọ, trích mở lấy bớt mùn cưa qua “cửa lò” ở phía dưới cho thông khí vào tới tận cái thân chai, rồi nhẹ rút cái chai ra. Cả một tác phẩm nghệ thuật !
Thời đó cả Hà Nội, mà cũng là cả phía Bắc, chỉ có đúng ba tờ báo hằng ngày, mỗi tờ bốn trang, các trang nhất giống hệt nhau, các nửa trên của trang thứ tư “Tin thế giới” cũng giống hệt nhau luôn, nhiều chỗ ở trên các trang hai, trang ba là những đoạn đăng “tiếp theo…” của các bài của trang nhất và trang bốn… Nội dung bản sắc của mỗi tờ báo chỉ còn đặt cược được ở những chỗ trống còn lại. Tờ báo tuy giá 5 xu, một đồng là mười hào, là một trăm xu, nhưng người nghèo muốn đọc báo không mất tiền thì… đạp xe hay cuốc bộ ra chỗ tòa báo!
Các ngày thứ hai liền sau ngày chủ nhật có trận bóng đá, dân nghèo nghiện bóng chen nhau ở trước cửa của tòa báo thành phố để đọc trang cuối của tờ báo thành phố, dán ở trong cái hộp gỗ có mái che, phía trước có cửa bọc lưới sắt mắt cáo, toét cả mắt để đọc xuyên thủng qua được cái lưới này. Hồi đầu cửa hộp gỗ này lắp kính, nhưng hay bị vỡ, nên rồi mới chuyển sang lưới mắt cáo thông minh. Số báo ngày thứ hai này sẽ có mẩu bài, may mắn thêm nữa thì có tấm ảnh, tường thuật lại trận bóng đá buổi chiều chủ nhật trước đó, từng lời lẽ rất căn đo để lường trước các cơn ganh tị của các fan của hai đội tham đấu. Sáng ngày chủ nhật nếu bạn rỗi rãi thì có gì thả bộ ghé vào sân Câu lạc bộ ở ven Bờ Hồ cạnh nhà hàng Phú Gia, ngồi ở các bậc khán giả ngoài sân có cây cao tỏa bóng mát, dự trận đấu giải cờ tướng. “Bên trắng, tốt ba tiến một”, tiếng loa phát ra, người phụ trách bàn cờ lớn loay hoay dịch con “Tốt” vĩ đại trên cái bảng cờ treo chỗ sân khấu. Một ván cờ đi luôn cả một buổi sáng trong cơn thảo luận mưu tướng mẹo sĩ say sưa của khán giả, chả ai thấy sốt ruột.

Hôm nay, còn tìm ra được ai có cái tinh thần “không chống cự lại thời gian” như thế ở Hà Nội được nữa không? Không thể còn được.
Cảm xúc con người đã đổi thay, vũ bão. Tết không thay đổi được chăng?
Cuốn phim Tết xưa
Hồi nhỏ mỗi khi đi đâu, dẫu chỉ trong vài ngày, rồi trở về Hà Nội qua cây cầu Long Biên lượn khúc thanh thoát trên những con sóng sông Hồng ngậm đỏ phù sa đang nghì ngoạp mãi sâu tít dưới kia, lòng tôi thoắt se lại, thiêng liêng, tự nhủ mình rằng, không bao giờ, không bao giờ tôi sẽ xa được Hà Nội. Nơi yêu thương này, có xóm giềng, có bè bạn, từ thuở lọt lòng. Vẫn chuyện năm nọ cái trường tản cư ở Quảng Bá rồi bị ngập mưa lớn kéo dài, mà đã sang nửa sau của năm học, tình thế Hà Nội thì đã yên ổn hết lo đạn bom, trường này thế nào được đặc cách về giảng dạy học tập tạm ngay tại… bên trong khu Văn Miếu ! Dãy nhà này, tổ violon, tổ violoncelle, dãy nhà kia, tổ sáo, tổ nhị, dãy nhà nữa, tổ hội họa, tổ piano… Ngẫu nhiên vô cùng được làm “những học sinh cuối cùng của Văn Miếu”, trong nửa năm trời! Lúc này các trường học bình thường khác vẫn chưa được mở trở lại ở Hà Nội. Thật là một Hà Nội vô cùng “của ta”.
Hà Nội trở về thanh bình, sau nhiều năm thời chiến trống vắng. Trong éo le thời cuộc cũng có cả may mắn, suốt mấy chục năm trời thành phố này hầu như không có chút thay đổi gì về kiến trúc nhà cửa, phố xá, chúng chỉ bị cũ kĩ đi, cổ kính thêm đi, và cư dân thì “ở đâu ở đó”, không được xáo trộn. Tất cả điều này cho những người trong cuộc có một không gian-thời gian vô cùng đặc biệt, đầy định hình, định sắc, định tâm của một thành phố rất “của mình”.
Nhiều buổi trưa tan học về, bạn bè mấy đứa kéo nhau ra thuê thuyền đôi ở Hồ Gươm, chèo bơi say nắng, leo cả lên đảo Tháp Rùa cho thỏa lòng hiếu kì. Hà Nội bé bỏng, con đường mình đi học không bao giờ cần phải có mũ nón áo mưa, nhờ những mái hiên rộng rãi tuyệt vời chạy suốt từ Khách sạn Métropole, rồi dọc Tràng Tiền, rồi lượn sang Hàng Bài cho đến ngay gần cổng trường. Mấy tấm pano vẽ quảng cáo phim ở ba cái rạp chiếu phim trên đoạn đường này luôn thời sự hóa cho mình tình hình phim ảnh, mê phim gì quá thì khi tan học ghé qua mua vé luôn. Mấy tiệm sách “Quốc Văn”, “Ngoại Văn” trên đoạn đường này cho mình rành rọt các đầu sách vở mới, cứ như thành trí thức đến nơi. Hà Nội quen chân, cảm như thuộc từng viên gạch lát ở các vỉa hè, từng cây sấu mùa về quả chín vàng đỏ trên các con phố. Hà Nội quen tai, từng âm thanh bánh xe điện rít lên những cung điệu rất riêng biệt ở mỗi cung đường, ngồi trên xe điện nhắm mắt lơ mơ mà mình cũng đã biết rõ ràng là mình đang phố nào, chỗ nào… Thế mà rồi cũng như bao nhiêu người, tôi phải đi xa khỏi Hà Nội… Để cho lòng mình càng ắp đầy thương nhớ.
***
Bây giờ nếu Tết về gặp lại người xưa mà họ đã quá khác trong Tết xưa, nhỡ họ lại cảm xúc xa lạ với cái cách mà họ vẫn cảm xúc khi xưa? Bây giờ nếu Tết về gặp lại bức tranh phố phường ngày Tết đã quá khác khi xưa?
Mà chính tôi đây, có gì để bảo đảm được đâu rằng tôi vẫn như xưa, vẫn xúc cảm như xưa khi Tết Hà Nội về ?
Nên vấn vương vừa nãy là thực tế hơn hết, trước khi thành quá muộn.
...........................................................................................
..................................................................
............Tuy nhiên........................
........
Có người bảo, thời bao cấp, quanh năm là lo toan, vất vả, chỉ 3 ngày Tết là sung túc, nhàn nhã. Thế nhưng khi quá khứ đã ở lại sau lưng, trong tâm trí nhiều người bất chợt trào dâng nỗi nhớ, kỷ niệm của một thời gian khó lại ùa về...


Trong vô số sự kiện có thể gây sung sướng thời bao cấp, thì Tết là sự kiện sung sướng hơn cả. Nhà tôi, cứ đến ngày ông Công ông Táo lên chầu giời là thế nào mẹ tôi cũng háo hức hỏi bố tôi năm nay được phân bao nhiêu cân thịt.
Ngày thường, theo chế độ tem phiếu, mỗi cán bộ, công nhân được phân 3 lạng thịt/tháng. Tết đến, ngoài chế độ cao hơn (5 lạng/khẩu) thì hầu như cơ quan nào cũng mổ lợn chia cho cán bộ. Cơ quan bố tôi dịp Tết cho đến 5 - 7 cân thịt, có năm còn cho tới 15 cân. Năm đó, quê ngoại tôi cho thêm mấy con gà, vậy là nhà tôi ăn Tết to.
Khi Tết đến, nỗi lo lắng chiếm nhiều thời gian của các gia đình nhất là nồi bánh chưng, thường là do các gia đình tự gói. Nhà tôi hay gói bánh chưng vào 27 Tết. Mỗi lần đến ngày này tôi lại lăng xăng trải chiếu, đặt mâm, chọn trong đống lá dong vài chiếc lá bé xíu để tự gói cho mình một chiếc bánh. Lúc đậu đã đồ xong, thịt đã ngấm đủ hành, mắm, hạt tiêu, gạo sẵn sàng trong rá là lúc cả nhà bắt tay vào “sản xuất”.
Bố tôi gói bánh rất nhanh, lại vuông và chặt tay lắm, hơn chục cân gạo mà loáng cái đã xong. Đến khoảng 5 giờ chiều, bố tôi cho bánh vào nồi, nới rộng mấy ông đầu rau, nhét vào những thanh củi to như ống chân rồi “khai hỏa”. Có lần vừa châm lửa bố vừa vui vẻ hát bài “Nổi lửa lên em” khiến chúng tôi cười ngặt nghẽo.
Bánh chưng được luộc đun từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, bố tôi bảo ít nhất cũng phải luộc đủ 12 tiếng bánh mới dền, không bị lại gạo. Đêm luộc bánh chưng, chị em tôi thức đến 2 – 3 giờ sáng rồi ngủ ngay trên chiếc chiếu trong bếp.
Cũng có năm nhà tôi và nhà chú thím hàng xóm luộc bánh chung. Gọi là chú thím nhưng nhà tôi và nhà chú thím ấy không có quan hệ họ hàng gì. Những năm đó, dù người tứ xứ đã bắt đầu đổ về Hà Nội nhưng chất làng xã còn rất đậm, vẫn gọi nhau bằng những danh xưng như người trong một gia đình. Mỗi khi nhà ai có việc gì là hàng xóm lăn vào giúp, coi như việc nhà mình.
Khi luộc bánh chung thì phải dùng sợi lạt đánh dấu để tránh nhầm lẫn, bởi mỗi nhà gói bánh theo một chất lượng khác nhau. Bánh nhà nào có nhiều thịt, đậu được coi là niềm tự hào của gia chủ, vì nó chứng minh cho sự khá giả.
Một thời quy gai xốp
Ngày thường, trẻ con chúng tôi chỉ quanh quẩn với kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, kẹo bột. Tết đến, thứ bánh không thể thiếu là quy gai xốp. Thực ra bánh quy gai và quy xốp là hai loại khác nhau, nhưng vì thường xuất hiện cạnh nhau nên người ta quen miệng gọi bánh quy gai xốp. Bánh quy gai trông như chiếc đũa cả, dài chừng 6 cm, rộng 2cm, ở một mặt bánh có những hàng gai đâm lên tua tủa. Còn bánh quy xốp có nhiều hình thù khác nhau, nhưng làm cùng chất liệu (đường, trứng, bột mì) như quy gai.
Thường thì trước Tết khoảng 15 ngày, mấy mẹ con tôi rồng rắn mang nguyên liệu ra tiệm làm bánh của hợp tác xã, để đó rồi hôm sau ra lấy bánh về. Nhưng nhiều người khác thì cẩn thận hơn, họ chờ làm xong thì lấy luôn. Có thể do người ta nghe nơi này, nơi kia bị làm “nhầm” bột hoặc thiếu đi chút ít đường, trứng nên các bà nội trợ áp dụng phương châm “cẩn tắc vô áy náy”. Bánh mang về rồi, mẹ tôi lấy giấy báo ủ kỹ, cho vào trong những chiếc thùng tôn đựng gạo. Mẹ bảo như thế bánh mới giòn.
Đến ngày 30 Tết, khi nhà cửa đã được quét dọn, bày biện tươm tất, lúc đó quy gai xốp mới được cho vào những chiếc đĩa xinh xinh trên bàn. Mẹ bảo, ăn bánh vào lúc giao thừa mới ngon, nhưng chị em tôi thì đã xơi trộm ngay từ khi mang về. Mồng một Tết, nếu có trẻ con hàng xóm sang chơi, ngoài 5 xu, 1 hào mừng tuổi, thế nào bố mẹ tôi cũng đưa kèm thêm dăm ba chiếc quy gai xốp. Dù trong mớ bánh có những chiếc nướng quá lửa, cháy đen cả cạnh, nhưng ăn sao vẫn thấy ngon thế, thơm thế.
Mỗi năm Tết về là chị em tôi lại tất bật với quần áo, giày dép. Theo tiêu chuẩn, bố và bà nội tôi được 10 mét vải xanh chéo/năm, mẹ thường dùng vải này may quần cho chúng tôi mặc đi học. Còn đến Tết, mẹ mua vải ngoài thị trường, mịn và đẹp hơn để may cho chị em tôi những bộ cánh mới. Sau những năm 1980, bố tôi hay phải đi công tác miền Nam nên Tết đến chị em tôi còn được bố mua cho quần bò Levis, dép sa – pô, những thứ trong mơ.
Giấc ngủ tuổi thơ
Khi trăm thứ bà rằn cho một cái Tết hoàn tất, cả nhà háo hức trong bữa cơm chiều 30 Tết. Còn đến lúc ba chiếc kim đồng hồ chuẩn bị chập vào con số 12, chị em tôi vừa xem mẹ cúng giao thừa vừa nóng lòng chờ bố về xông đất. Khi đã lớn hơn, cũng có năm giao thừa tôi đi chơi cùng đám bạn. Ngày đó quán xá rất ít nên mọi cuộc đi chơi đều dẫn đến Hồ Gươm. Tại đây chúng tôi chụp ảnh, xong rồi làm vài con mực với món tương ớt cay xé lưỡi.
Mồng một Tết, chị em tôi dậy từ rất sớm để nhận tiền mừng tuổi từ bố mẹ và chờ... khách đến. Tuy nhiên, khi có khách, chúng tôi biết ý “đi chỗ khác chơi”, chỉ lúc các cô, chú gọi mới bẽn lẽn lại gần, dù đã như mở cờ trong bụng. Ngày ấy, cha mẹ rèn con nghiêm lắm, cha mẹ chưa cho phép, cấm có dám cầm thứ gì của ai.
Hết 3 ngày Tết, mọi thứ nhanh chóng quay trở lại nhịp sống thường ngày, người lớn đi làm, trẻ con đi học, ra đường lại thấy quần xanh chéo, xe đạp, cặp lồng tung tăng khắp phố, trong ngõ xóm cơm rang lại nhảy lách tách trong chảo, tất cả lại cần mẫn trong suốt một năm để đón đợi cái Tết năm sau, với bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, túi quà Tết, quy gai xốp theo tiêu chuẩn nhà nước.
Năm 1986 – năm đầu tiên chấm dứt thời kỳ bao cấp, dường như đã có không ít người bỡ ngỡ. Mấy chục năm ăn có nhà nước lo, Tết có nhà nước chu cấp đã trở thành một thói quen, không dễ gì từ bỏ ngay được. Thế nhưng sự chống chếnh ấy cũng nhanh chóng qua đi, giờ đây nếu nói đến cảnh xếp hàng từ nửa đêm sắm đồ Tết hẳn nhiều người sẽ thấy rất khôi hài. Tất cả những câu chuyện đó đã trở thành quá vãng, thành kỉ niệm mang nhiều sắc thái, chua xót lẫn ngọt ngào, mừng vui hòa tiếc nuối.
Một mùa xuân lại về, tôi nhớ cái cảm giác se lạnh, mưa phùn giăng giăng ngoài sân, da thịt tôi cảm nhận được hơi ấm từ ngọn lửa, từ nồi bánh chưng đang sôi lục bục và dường như từ cả những câu chuyện mà bố mẹ tôi nói với nhau. Giờ bố tôi đã đi xa, nhà không gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến, tôi cũng không còn được ngủ bên cạnh hơi ấm của ngọn lửa. Có lẽ đó là những giấc ngủ mà chỉ tuổi thơ mới có được.

Câu nói ghi dấu một thời
Buồn như mất sổ gạo; Mặt nghệt như mất sổ gạo; Mua được gạo không mốc sướng lâng lâng cả ngày;
Một trăm lời nói không bằng ống khói Honda;
Bây giờ yêu nghĩa là vèo xe cup/Xe đạp anh xịt lốp cả tư mùa (Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)
Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần;
Một yêu anh có Sen-ko; Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng; Ba yêu nhà cửa đàng hoàng; Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô;... Bảy yêu anh vững tay nghề; Tám yêu sớm tối đi về có nhau; Chín yêu gạo trắng phau phau; Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày. (Bài thơ 10 yêu, lược bớt một số câu).

Thứ Ba, tháng 2 4

những câu chuyện thời bao cấp (12)

Nhớ không nguôi tiếng pháo Tết ngày xưa




Trừ những bạn chào đời từ năm 1994 trở lại đây, còn lại không một ai trong người Việt chúng ta mà chưa từng nghe đến tiếng pháo Tết trong đời.



Nhớ không nguôi tiếng pháo Tết ngày xưa

Trừ những bạn chào đời từ năm 1994 trở lại đây, còn lại không một ai trong người Việt chúng ta mà chưa từng nghe đến tiếng pháo Tết trong đời.




Cứ mỗi năm Tết về, tôi bồi hồi nhớ những kỷ niệm xưa, lúc mà pháo chưa bị cấm. Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng pháo đì đùng, mùi khói pháo thơm nồng lưu huỳnh, quyện với mùi nhang trầm cúng 23 tháng Chạp, cúng Giao thừa,,,,vv trong cái tiết lạnh, lất phất mưa phùn ở miền Trung. Cái cảm xúc đó không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm. Trước Tết, tiếng pháo nổ lẻ tẻ do tụi con nít đốt, hay từng tràng pháo đốt cúng Tất Niên vang lên ở một nơi nào đó trên phố, làm cho những người tha phương, đi làm ăn xa chưa kịp về quê giật mình nhớ về cố hương của mình. Tiếng pháo Tết là nguồn cảm hứng để cho biết bao nhạc sỹ tài ba sáng tác ra những ca khúc bất hủ về Tết và Xuân. Ở miền Bắc thì có pháo Hòa Bình, pháo Đồng Kỵ của Bắc Ninh, ở trong Nam thì có pháo Điện Quang. Đặc điểm rất chung của pháo miền Bắc và Nam là loại pháo tim đầu nói theo kiểu quê tôi. Nghĩa là viên pháo có ngòi ở một đầu, còn đầu kia người ta dùng hỗn hợp đất sét hoặc nhựa thông khằn lại. Pháo miền Bắc và miền Nam loại thông thường, một bánh dài từ 20 đến 40 cm, được kết đấu đầu vào nhau và kết thành hai lớp. Không có pháo trung hay pháo đại kết xen kẽ trừ loại đặc biệt. Khi châm lửa một bánh pháo loại này, vừa xoay người lại thì bánh pháo đã nổ gần hết. Nổ rất đanh và cực nhanh.
Pháo miền Bắc, giấy nhuộm màu hoa đào còn pháo trong Nam thì giấy được nhuộm màu bã trầu. Hồi nhỏ, tôi hay mổ xẻ từng viên pháo ra xem cấu tạo lớp vỏ, lượng thuốc nổ bên trong, cách bịt đầu và đuôi được làm như thế nào. Tôi có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột là cả hai loại pháo vừa nêu trên không qua nổi pháo Nam Ô, một làng chài thuộc quận Liên Chiểu, gần chân đèo Hải Vân, cách Đà Nẵng quê tôi 20 km. Nam Ô nổi tiếng trên cả nước với hai đặc sản địa phương. Đó là nước mắm và pháo. Khi các chuyến xe Bắc Nam đi ngang qua đây, hành khách thường mua nước mắm và pháo về làm quà cho người thân. Pháo Nam Ô độc đáo ở chổ là pháo tim giữa. Tức ngòi pháo được cắm ngay giữa thân viên pháo. Không như pháo miền Bắc hay miền Trung, ngòi pháo được cắm ở một đầu rồi dùng kìm xiết lại và đầu kia thì được trét đất sét hay nhựa thông nên nổ hay bị phịt đầu. Pháo Nam Ô thì viên pháo tiểu có đường kính 10 mm so với đường kính 7 đến 8 mm của hai loại pháo kia. Pháo Nam Ô được kết thành phong dài tối thiểu là 1 m. Loại 2 m khá phổ biến.
Loại đặc biệt thì tùy túi tiền của người mua. Thích dài 10 m, 20 m để thả từ sân thượng lầu 3 hay lầu 4 của mấy nhà giàu ngoài phố đều được đáp ứng. Loại nào cũng thường được kết một lớp. Một phong pháo dài 1 m thì được chia ra 4 đoạn để kết vào 3 viên pháo trung cho mỗi đoạn. Khi đốt, dây cháy đến đoạn đầu tiên 3 viên pháo trung sẽ nổ đùng đùng đùng, rồi tiếng pháo tiểu tẹt tà rẹt tẹt tẹt tẹt, rồi đùng đùng đùng, tẹt tà rẹt tẹt tẹt tẹt,,,,,Tiếng nổ của pháo trung đùng đùng mạnh mẽ. Tiếng pháo tiểu đanh tai. Tốc độ nổ của phong pháo lúc dồn dập của pháo tiểu, lúc khoan thai của pháo trung và pháo đại. Tất cả tạo thành một bản giao hưởng đầy uy lực. Do có điểm khác biệt như vậy và nhìn bánh pháo khi cuộn tròn đồ sộ khá ấn tượng, pháo Nam Ô trở nên nổi tiếng trên cả nước.

Gần nhà tôi có ông thầy chùa quê ở Nam Ô. Cứ mỗi dịp gần Tết là cái lò pháo của ổng rộn ràng tiếng cười nói vì có thêm nhiều người vào làm. Mỗi người một công đoạn nhất định. Giấy báo, giấy xi măng mua về được nhộm rồi phơi đỏ rực cả sân chùa. Sau đó, giấy được cắt ra thành từng bản dài để làm thân pháo. Ông thầy chùa này đặc biệt chỉ làm pháo đặt chứ không sản xuất pháo hàng loạt để bỏ chợ. Pháo đặt có hai loại. Loại thân giấy báo, giấy vở cũ của học trò thì giá rẻ hơn. Tuy là giấy báo nhưng qua các công đoạn lăn cuốn và xe chặt bằng con lăn tay gỗ nên từng viên pháo có lớp vỏ chắc như lõi trục chỉ. Loại pháo vỏ được quấn bằng giấy xi-măng là loại đắt tiền nên giá cao hơn. Pháo quấn bằng giấy xi-măng thì nổ như sấm sét. Cả phong pháo nổ tan xác không còn một viên.
Bọn con nít mà nhào vào kiếm pháo lép thì chỉ có tiu nghỉu như mèo bị cắt tai vì chả tìm được viên pháo lép nào để về lấy thuốc hoặc làm ngòi gắn vào lại để đốt chơi. Các thân pháo sau khi được xe và quấn chặt thì được quăng sang một bên. Một công đoạn khác quan trọng không kém là bịt đầu. Pháo Nam Ô không dùng đất sét hay nhựa thông, mủ cây để khằn mà từng thân pháo được người thợ cắm vào một cây gỗ dài khoảng bốn tấc. Trên đầu cây gỗ này có một cái lõi thép đường kính khoảng 5 mm, ngắn hơn chiều dài thân vỏ một trái pháo khoảng 7 mm. Người thợ sau khi cắm vỏ trái pháo vào cây gỗ thì tay trái xoay cái cây gỗ theo chiều kim đồng hồ. Tay phải thì dùng cái dụng cụ giống cái tuốc-nơ-vít dẹp nhỏ để tách từ một đến 2 lớp giấy đè mạnh xuống đến khi chạm cái lõi sắt bên dưới. Hai tay cứ thoăn thoắt đến khi lớp giấy trên cùng được xếp chặt tạo thành một cái nút rất cứng. Xong vứt qua một bên. Anh nào ẩu, muốn làm cho nhanh thì tách nhiều lớp giấy đè xuống để mau xong và đỡ mỏi tay. Cách này làm pháo hay phịt đầu. Bóp vào đầu mới bịt bằng hai ngón tay mà nó bẹt dí thì đích thị là làm dối kiểu này. Nếu ông thầy biết được là a lê hấp, cho nghỉ việc ngay. Nói về thuốc pháo Nam Ô. Nó cũng khác xa với thuốc pháo miền Bắc hay miền Nam. Nó có màu nhũ bạc chứ không xám xịt như thuốc pháo Bình Đà hay đỏ gạch cua như thuốc pháo Điện Quang.
Hồi nhỏ tôi hay lân la qua chùa chơi và xem mọi người làm pháo dịp gần Tết. Tôi mới hỏi ông thầy chùa “Thưa thầy, có phải thuốc pháo của thầy làm bằng clo-rát kali, bột nhôm, lưu huỳnh không vậy? Ông thầy mới giựt mình “Ủa, răng mà mi biết. Ai nói mi rứa?” “Dạ bữa trước con đọc trong cuốn Hóa Học Vui có nghe nói clo-rát kali là loại chất nổ mạnh dùng làm pháo nên đoán thầy dùng nó để làm thuốc pháo. Thầy chỉ con tỷ lệ % pha chế với!” Tôi đáp. Ổng nói “Đúng rồi đó! Nhưng mà mi còn con nít, lo học hành đi. Sờ vô mấy cái ni nó nổ cho cụt tay, đui mắt có ngày”. Tôi đoán là ông thầy khuyên tôi thật tình tuy có điều là cái công thức gia truyền đó thì sức mấy mà ổng chỉ cho tôi. Hỏi thì hỏi vậy chứ lúc đó tôi cũng không ham mua từng loại hóa chất về để pha chế thuốc pháo vì các cửa hàng hóa chất quốc doanh của thành phố không có bán clo-rát kali. Chắc có lẽ chất này là chất nổ nguy hiểm nên không được bán đại trà chăng. Tôi có xem công đoạn trộn thuốc pháo của ông thầy chùa. Sau khi vào phòng riêng đóng kín cửa, ổng tự tay pha clo-rát kali, lưu huỳnh, bột nhôm và một số phụ gia theo tỷ lệ bí truyền rồi ổng mang cái thau chứa hỗn hợp đó đưa cho người công nhân có tay nghề cao để anh ta cho tất cả vào một cái cối đá lớn để cà nhuyễn.
Công đoạn này phải làm thật nhẹ nhàng và thận trọng. Tuyệt đối không được giã mạnh xuống hỗn hợp thuốc nếu không muốn cả cái cối phát nổ. Hỗn hợp này sau đó được chuyển qua công đoạn vào thuốc và bịt nốt đầu còn lại của quả pháo. Về cơ bản là quả pháo đã hoàn tất, chỉ chờ cắm cái ngòi vào thân pháo là xong một viên pháo lẻ. Thuốc làm ngòi là hỗn hợp pha từ ni-trát kali, lưu huỳnh và than xoan cà mịn, có màu đen óng nên còn được gọi là thuốc đen. Tất nhiên, tỷ lệ % các chất được trộn với nhau cũng là một bí mật. Giấy làm ngòi là loại giấy mỏng như pơ-luya nhưng rất dai. Xem các công đoạn, tôi thấy vê ngòi pháo và kết pháo là công đoạn khó nhất. Nó đòi hỏi người thợ có tay nghề cao mới làm cái ngòi pháo cháy đều. Ngòi nhỏ cho pháo tiểu có đường kính gần 1 mm, ngòi lớn cho pháo trung 1.5 mm, ngòi cho pháo đại hoặc để làm trục chính, “xương sống” chịu được sức nặng của một phong pháo đường kính có từ 4 đến 5 mm. Khi đặt pháo thì ông thầy sẽ hỏi người đặt muốn phong pháo cháy nhanh hay cháy chậm. Rồi ông sẽ gia giảm lượng thuốc ngòi để nó cháy nhanh chậm theo ý muốn của khách. Muốn cháy nhanh thì thêm nhiều ni-trát kali và bớt than xoan đi, muốn chậm thì ngược lại. Thêm vào đó, khi kết pháo lại thành phong dài, người kết sẽ chừa cái ngòi ngắn hay dài nữa. Nhiều lần tôi thấy đích thân ông thầy chùa ngồi kết pháo. Tay ông cầm cái trục chỉ như dân vá lưới thoăn thoắt lên xuống, kết từng viên pháo tiểu, pháo trung và pháo đại. Những phong pháo đích thân ông kết là những phong pháo rất đặc biệt làm theo đơn đặt hàng cho những người khách đặc biệt của ông.

Mặc dù pháo Nam Ô chất lượng tốt, được sản xuất và tiêu thụ tại Đà Nẵng và các vùng quê lân cận, nhưng tại các sạp, các cửa hiệu bán hàng Tết tại trung tâm thành phố trên đường Hùng Vương, Ông Ích Kiêm, Triệu Nữ Vương, bên trong chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới thời đó, ta có thể thấy những bánh pháo Bắc và Nam nằm xen kẽ, làm phong phú và đa dạng thêm cho các món hàng Tết. Người mua những loại pháo này thường là những chú, bác đi tập kết và lấy vợ ngoài Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, họ đưa gia đình con cái vào Đà Nẵng để công tác và sinh sống tại đây. Có lẽ sau nhiều năm ăn cái Tết Bắc, gia đình họ vẫn không quên được bánh pháo Bắc rất đặc trưng. Vì thế, loại pháo tim đầu này vẫn có một lượng người tiêu thụ nhất định. Có một loại pháo Bắc nữa mà theo tôi là rất độc đáo mà tụi con nít rất thích. Đó là pháo chuột mang từ ngoài Bắc vào. Pháo chuột cũng là pháo tim đầu, được kết một lớp, dài hai tấc không hơn không kém và được nhuộm màu xanh lục, màu đỏ, màu vàng và màu trắng giống như bốn màu của các quân bài tứ sắc. Pháo chuột ít nguy hiểm vì lượng thuốc pháo rất nhỏ. Khi đốt lên, nó nổ cái bép. Đốt cả phong, nó nổ lép bép nghe rất vui tai.

Hồi đó, dịp gần Tết là các hàng tạp hóa thường bán pháo viên Nam Ô, pháo chuột lẻ hoặc nguyên cả phong cho trẻ con và cả người lớn chơi. Người bán đi mua pháo tiểu Nam Ô từng bịch về treo lên lủng lẳng cùng các loại bánh kẹo. Có người thì xổ cái bao ny-lông cho nguyên bịch pháo vào cái hũ thủy tinh để cạnh các hũ kẹo trông khá bắt mắt. Mua bao nhiêu viên thì tính tiền bấy nhiêu như thuốc lá lẻ vậy. Tôi thấy mấy anh lớn tuổi trong xóm, ra quán bà Sáu mua điếu thuốc, cái kẹo và không quên vài viên pháo. Châm thuốc rít vài hơi, cho cái kẹo vào mồm nhai nhồm nhoàng và móc túi lấy viên pháo ra và châm ngòi. Cầm trên tay đợi cái ngòi cháy gần sát thân pháo rồi quăng ra. Nổ cái đoàng! Làm giật mình đám con gái mới lớn đi học ngang qua. Mấy chị này mặt tái mét. Đi qua rồi mà cứ nhìn lui sợ pháo dính…mông. Tay thanh niên đốt pháo và tụi con nít khoái chí cười hô hố. Trong các loại pháo cầm trên tay châm lửa và ném đi thì đáng sợ nhất là pháo Bắc (trừ pháo chuột) và pháo Nam. Không ít người đú đởn mà pháo nổ trên tay khi chưa kịp vứt ra xa. Hậu quả là toác thịt trên tay đỏ hỏn hoặc nhẹ hơn thì bàn tay tê rần, đau buốt mất cảm giác vài ba ngày mới khỏi, vì ngòi pháo của hai loại pháo này cháy rất nhanh. Có thể nói là nhanh như chớp. Vừa châm ngòi thì xoẹt đoàng ngay lập tức. Tôi cũng bị dính vài lần nên không bao giờ dám cầm tay mấy loại này mà châm lửa đốt nữa.

Vì là thời bao cấp khó khăn nên không phải con nít đứa nào cũng được ba mẹ cho tiền mua pháo đốt chơi. Cho nên là ngoài pháo gây tiếng nổ thì không biết ai đó đã nghĩ ra cái súng bắn diêm hay cái đập ruồi để gây tiếng nổ chát chúa không kém. Trước tiên là cái súng bắn diêm bằng gỗ thường được làm theo hình dáng súng lục hoặc súng trường. Ông thợ mộc nào khéo tay thì sẽ làm cái thân gỗ rất đẹp và tương đối giống súng thật. Gần Tết, các xưởng mộc nhận làm thêm mặt hàng này theo đặt hàng của tụi trẻ con. Ông thợ mộc sẽ chọn một miếng gỗ dày từ 2 đến 3 phân. Vẽ hình dáng khẩu súng ngắn rồi cưa theo hình vẽ. Sau khi chà giấy nhám thì khoét một cái khoang từ mặt trên xuống dưới chỗ cò súng. Khoan thêm một lỗ xuyên từ mũi nòng súng dài tít ra tận chuôi súng, chạm ô trám hai bên báng súng và đánh vẹc-ni, gắn cò mi-ca vào là có thể giao cái xác súng gỗ cho khách hàng. Khi lấy súng về thì kiếm cái van xe đạp hỏng, tháo cái kim van ra, gắn cái van vào đầu nòng. Sau đó đi kiếm một que thép đường kính cỡ đầu đũa dài hơn thân nòng súng. Mài thon một đầu rồi tra vào van xe đạp sao cho nó vừa khít, còn đầu kia thì uốn lại thành hình cái móc. Kiếm một sợi cao su to bản, buộc hai đầu sợi dây cao su vào đầu nòng súng, đầu kia tròng vào cái móc.
Khẩu súng đã sẵn sàng. Bây giờ là phần test súng. Lấy một bao diêm quẹt. Rút ra một cây và cho nó vào cái van xe đạp, đầu que diêm thò ra. Lấy thêm một hai que diêm nữa, kê nó vào miệng van để bào lớp thuốc diêm cho thêm vào để nổ cho to. Xạ thủ nhẹ nhàng kéo cây thép thọc vào lỗ van để nghiền hỗn hợp bột diêm cho mịn và nóng lên. Tiếp theo là bóc một miếng vỏ thành bao diêm nơi mà que diêm được cà vào để phát lửa. Cho miếng giấy tẩm diêm sinh đó xoay mặt vào lớp thuốc trong van và lại hạ que thép xuống để tọng chặt nó vào. Khẩu súng đã “armed”. Khi bắn chỉ việc kéo cái que thép ra sau, giống như động tác lên nòng của súng thật. Để mũi que thép nằm ở vị trí gần mép miệng van. Giương lên, bóp cò, cái lẫy cò nẩy lên, đẩy que thép bập vào lỗ van theo lực ép của dây cao su. Que thép tác động một lực mạnh vào hỗn hợp thuốc diêm trong môi trường kín. Đoàng! Tiếng nổ chát chúa, đinh tai phát ra từ khẩu súng, làn khói mỏng bốc lên. Như thật!




Từ những năm đầu thập kỷ 1990 trở về trước, pháo là một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến.



                     

               Từ Bắc đến Nam, có không ít làng nghề sống bằng nghề làm pháo như làng Bình Đà, Đồng Kỵ





                  Những ngày giáp Tết, các đại lý pháo như thế này xuất hiện trên khắp các phố phường.



                                                                    
Cả người lớn và trẻ em đều háo hức với pháo.

Chẳng đến bao giờ mới được nghe tiếng pháo, ngửi mùi thuốc pháo nồng nồng trong cái rộn ràng của mùa xuân đây.