Thứ Sáu, tháng 11 30

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) MỘT CHIẾC LĂM LỢN

Bấy giờ bóng đã chiều cả. Mặt trời chỉ cách ngọn tre của dãy  làng xóm xa xa độ vài con sào. Chân trời phía tây dần dần hiện  những tia đỏ. Dưới đồng còn đông người làm. Trong rừng ngô đậu  xanh rì, tiếng hát theo gió đưa đi réo rắt. Tôi vừa đi đến ngã tư rẽ  vào con đường làng Đ.C và những giọng lên bổng xuống chìm của  bọn gái quê xới đậu, vun ngô như đương bảo tôi khoan bước để  thưởng cái cảnh trời xuân mình mị. 

Bỗng ở trong nẻo đầu làng có  tiếng thét lớn, như phá cái bầu tịch mịch của cánh đồng chiều, làm  cho các đám hát xướng đều phải im bặt. Càng đi gần lại, tiếng thét  càng dữ thêm. Tiếp đến tiếng chửi phũ phàng của cơn thịnh nộ, rồi  đến tiếng kêu làng nước inh ỏi. 

Trong khu văn chỉ của làng Đ.C.  bóng người đen kịt. Và ở cổng làng cũng như các ngả đường khác,  đàn ông đàn bà tất tả chạy ra. Ai cũng như nấy, mỗi người trong  tay đều có một món khí giới, hoặc sào, hoặc gậy, hoặc cán cuốc,  hoặc đòn gánh, có người thì vác cái vồ đập đất. Tứ chi bát mạch,  nhất tề đổ vào khu đất văn chỉ với một bộ điệu hùng hổ. 

Đánh!  Đánh! Đánh! 

Mấy tiếng thét đánh vừa dứt, cuộc hỗn chiến tức thì  bắt đầu. Đòn gánh giơ lên, tai cuốc bổ xuống, tiếng chí chát của  các khí giới đụng nhau xen lộn với tiếng kêu, tiếng chửi, tiếng gầm  gào, nghe thật gớm ghiếc. Tôi phải dừng lại ở một quãng xa để chờ  đến lúc tan cuộc, vì rằng đường đi đã bị chiến trường ngăn cản,  không có lối nào qua được. Tấn náo kịch mỗi lúc một thêm kịch  liệt. Các toán viện binh các nơi vẫn tiếp tục kéo đến ầm ầm. Đáng  sợ nhất là mấy mụ đàn bà. Xắn váy, xắn áo và quấn búi tóc vểnh  ngược, các mụ liều mạng xông vào trận địa như một đội quân cảm  tử. 

Tôi phải rùng mình sởn gáy, khi thấy một người lực điền thẳng tay giơ vồ đập đất bổ vào đầu một ông già vừa chui ra khỏi  vòng vây. Ông già ấy loạng choạng, lảo đảo như con gà toi giẫy  chết rồi ngã phục vị xuống đất. Người lực điền kia lại vác chiếc vồ  nghênh ngang vào trận. Giữa đám túi bụi, thấp thoáng có bóng  xanh xanh. Khi đã lách qua vòng vây, bóng xanh xanh liền hiện ra  thành hình người. Ôì! Lạ! Trong đám ẩu đả lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa bạc! Tuy rằng đứng ở đằng xa, tôi  cũng trông rõ hình dạng. Người ấy hàm râu đã dài, cái áo thụng  lam đã toạc vạt trước, trên trán có một vết đỏ chạy thẳng từ trán  xuống cằm, có lẽ là vết máu chảy. Chỉ kịp lật mũ vất xuống vệ  đường, người ấy vén tay áo thụng, giằng lấy chiếc gậy của một  người khác, rồi quay vào đám đông người, ra sức vụt lấy vụt để.  Hình như bây giờ đến hồi loạn chiến, người ta chỉ cốt đánh cho  sướng tay, bất phân ai là phe thân, ai là phe thù. Vì vậy, giao chiến đã lâu mà vẫn chưa phân thắng phụ. Phía trong cổng làng  chợt có tiếng hiệu rúc hồi. Một đoàn tuần phu độ hơn mười người,  kẻ vác giáo, người vác mã tấu, tấp nập đi theo lý trưởng tiến lên  khu đất văn chỉ.

- Trói lại! Trói hết cả lại! Điệu về đình kia! Đánh nhau chết  người ra đấy, tội vạ ai chịu?

Lý trưởng thét vừa dứt miệng, cả bọn tuần đinh hăng hái  sấn vào đám đông, đàn áp một cách hùng dũng và can đảm. Các  tay chiến sĩ tuy đương "ham đánh" nhưng cũng còn sợ pháp luật,  thấy bóng tuần phiên tiến vào, ai nấy tản mác lùi ra, kẻ này chạy  vào trong làng, người kia trốn xuống dưới ruộng. Trên bãi chiến  trường còn lại bọn tuần đinh với một đám độ hơn mười người hầu  hết có mặc áo thụng. 

Cái gì thế nhỉ? Cớ sao người ta lại bận lễ phục để đi đánh  nhau? Hay là ở đây cũng là cửa Khổng, sân Trình, cho nên dù là  đánh nhau, cũng phải giữ lễ? Giông tố đã yên, tôi bèn lại chỗ văn  chỉ để về trong làng, và luôn thể coi qua cho biết tình hình cuộc  đại chiến. 

Té ra những ông áo thụng còn lại đó rặt là "tư văn" và  đều bị thương tất cả. Đau nhất là ông Cựu Thỉnh. Ông ấy bị một  vết ở má bên phải. Hình như nó là vết thương của mấu đòn gánh  đập vào -gò má bị khuyết mất một miếng thịt khá to, cái xương lòi  ra, máu chảy rành rạch xuống vai áo thụng. Rồi đến ông Cựu Bình. Không biết ông này bị những cái gì đánh vào má trông thảm  quá, giữa trán bươu lên như quả ổi lớn, gò má bên trái sưng húp  như cái đồng chai úp vào. 

Con mắt bên ấy híp lại như mắt lợn ỷ. Rồi đến ông Phó Đê,  cái ông bị một cái vồ lúc nãy. Ông ấy mất mảng tóc đỉnh đầu, thịt  non phơi ra đỏ hỏn. Cả ba ông đó cùng phải nằm liệt dưới đất, thi  nhau kêu rên hừ hừ. Còn các ông khác, hoặc bị thương ở mặt, hoặc  bị thương ở tay, hoặc bị thương ở vai hay cổ, tuy cũng đau lắm,  nhưng còn có thể ngồi gượng. Sau khi sai người lấy chiếu đắp cho những người đau nặng, lý trưởng cắt bọn tuần phiên, một nửa ở đó  canh gác, một nửa thì đi lùng bắt những kẻ có dự vào cuộc chiến  tranh. Rồi hắn về nhà đóng ngựa lên huyện, khất quan về khám.  Lúc ấy trời đã gần tối, những người làm đồng lũ lượt trở về. Một  người cùng đi một đường với tôi, đã được chứng kiến trận ẩu đả ấy  và có biết rõ nguyên úy. Cứ như anh ta đã nói, thì căn do của tấm  thảm kịch chỉ tại một chiếc lăm lợn. Làng Đ.C. cũng như làng khác, vẫn có riêng một số người chuyên coi về việc tế tự, người ta  gọi là "tư văn" hay là "văn giáp", hoặc "văn hội", có làng gọi là  "quan viên". Mỗi khi làng có cúng tế thì từ chủ tế đến việc rước  nến, bưng đài, đều do tư văn phải làm. 

Theo nguyên tắc, hội "tư văn" tức là môn đồ của Khổng phu  tử. Bởi vì trong số hội viên, trừ những người dưới do làng bầu ra,  các người đứng đầu phải là những bậc khoa hoạn. Làng nào không  có khoa hoạn, thì lấy những người chức sắc thay vào. Hàng năm,  cứ đến ngày "đinh" của tháng giữa mùa xuân và ngày "đinh" của  tháng giữa mùa thu, tư văn làm lễ tế tại văn chỉ, gọi là xuân đinh  và thu đinh. Đó là lễ riêng của hội tư văn, người ngoài không ai  được dự. Nhưng không phải là tế Khổng tử. Quyền tế Khổng tử  thuộc về nhà vua và các văn miếu hàng tỉnh, hàng phủ, còn dân  gian thì chỉ được tế những vị "tiên đạt" của làng mình. Làng Đ.C.  không có khoa mục. Chức Chưởng lễ của hội tư văn vẫn thuộc về  cụ Bá Trung. Đáng lẽ mỗi khi trong làng có tế, bất kỳ là tế ở đâu,  cụ ấy vẫn được giữ ngôi tế chủ. Nhưng vì tuổi già, lễ bái khó nhọc,  cho nên cụ ấy vẫn giao công việc chủ tế cho ông Cửu Nghĩa. Theo  lệ nhất định, những khi làng làm lễ bằng lợn, cái sỏ lợn phải để  biếu cụ Chưởng lễ, còn cái cổ lợn thì cắt làm hai khoanh tròn - người ta gọi là cái lăm -một khoanh biếu ông tả văn, một khoanh  nữa thì để biếu một ông nào đã gánh công việc chủ tế. Chủ tế là  ông tả văn, ông ấy sẽ được hưởng cả đôi lăm, nếu chủ tế là cụ  Chưởng lễ, thì phần cụ ấy phải có một lăm một sỏ. Mọi khi hai cái  lăm của con lợn tế thần đều là phần ông Cửu Nghĩa. 

Bởi vì ông ấy vừa quyền tế chủ lại vừa viết văn. Nhưng độ  này ông Cửu Nghĩa ốm nặng, ngày mai tư văn làm lễ xuân đỉnh  chắc là ông ta không thể ra làm chủ tế. Chức ấy phải cắt đến người  thứ ba. Từ chiều hôm nay, tư văn có sửa tuần rượu đệ lên văn chỉ  làm lễ "túc yết". Ai vào chủ tế ngày mai, hôm nay phải lên văn chỉ  mà khấn, để các tư văn lễ theo. Chiếu theo ngôi thứ, chức chủ tế ngày mai đến ông Cựu Thỉnh, và rồi ông ấy sẽ được hưởng cái lăm  lợn dư huệ của ông Cửu Nghĩa. 

Ông Cựu Bình lấy thế làm tức. Bởi vì, nếu ông Cựu Thỉnh từ  chối, thì chức tế chủ và cái lăm lợn ngày mai sẽ về ông ta. Đợi lúc  ông Cựu Thỉnh xúng xính mũ áo, sắp sửa vào khấn, ông Cựu Bình  ngăn lại và nói:

- Ông định khấn như thế nào, phải đọc trước cho cả tư văn  cùng nghe cái đã! 

Cái đó mới hiểm độc chứ!

Một người suốt đời chưa học chữ nào như ông Cựu Thỉnh thì  đọc văn khấn làm sao cho trôi. 

Bí quá, ông Cựu Thỉnh phát cáu:

- Khấn thế nào, tôi không phải trình với anh.

Ông Cựu Bình càng làm già: 

- Không phải trình tôi, thế thì nếu anh khấn cha, khấn mẹ về  đó, tư văn cũng phải chịu à?

Ông Cựu Thỉnh đương cơn tức tối, liền tát cho ông Cựu Bình  một cái và thét:

- À! Thằng này mày chửi ông à? 

Ông Cựu Bình cũng không chịu nhịn, túm luôn lấy cổ áo thụng ông này và đấm vào gáy một chặp. Trong đám tư văn, có  người là họ ông Thỉnh, có người là họ ông Bình, thấy hai bên đánh  nhau, kẻ thì kêu làng cầu cứu, người thì xông vào đánh giùm. Lúc  này, người làm dưới đồng còn đông, những kẻ thù ghét cả hai ông  kia, thi nhau kéo lên đánh hôi, cốt để gieo vạ cho kẻ thủ xướng, vì  thế mới ra cuộc đại chiến, và mới đến bấy nhiêu người bị thương.  Nửa đêm hôm ấy quan huyện mới về biên án. Ngay lúc đó, những  người bị thương đều được khiêng lên nhà thương. Khi họ đi đường,  người ta còn nghe tiếng rên ầm ầm... 

Thứ Tư, tháng 11 28

những câu chuyện thời bao cấp (3)


Chuyện 'tán gái' thời bao cấp

Thời bấy giờ, cứ anh nào có dép nhựa trắng tiền phong, xe đạp hay mũ cối Tàu là như thể hot boy bây giờ, 'lấy le' với gái ghê lắm.

Những thanh niên thời ấy, bây giờ trẻ nhất cũng đã U50. Nhớ lại thời bao cấp, ai cũng kêu cái thời sao khổ thế. Nhưng khi kể chuyện tán gái hồi đấy, họ mỉm cười, kẻ cười mỉm. Ông Nguyễn Văn Quảng, 57 tuổi, từng là sinh viên đại học Tổng Hợp Hà Nội những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Năm thứ hai, ông phải lòng một cô sinh viên khóa dưới.
“Cô này da trắng, tóc dài chấm hông, nhiều anh mê lắm, toàn những đứa có sừng có mỏ cả. Mình cũng thuộc dạng khá, học hành được nhưng trong đám cưa nàng, loại như mình đổ đi không hết, lại phải tội nghèo. Hồi mình đỗ đại học, thầy u giết được con lợn mời cả xóm đến mừng, tiễn mình đi, thế là từ đó giao mình cho nhà nước nuôi dạy chứ chả cho được đồng nào”, ông Quảng kể.
Mỗi lần định đến thăm nàng, nghĩ đến hai bộ đồ sờn cũ của mình, chàng sinh viên Nguyễn Văn Quảng thấy nản. Dĩ nhiên, ông cũng làm như các bạn bè ở hoàn cảnh mình khi đó vẫn làm: mượn đồ. Áo mượn người này, quần mượn người kia, cứ mới mới chút là được, không khó kiếm. Nhưng muốn gây ấn tượng tốt thì phải có những đồ thời thượng, kiểu như hàng hiệu bây giờ. Thế nên cứ đến thứ 5 hằng tuần là Quảng lại nhắc cậu bạn trong ký túc xá: “Nhớ là tao đăng ký từ trước rồi đấy nhé”, ý nói đến đôi dép nhựa trắng Tiền phong và cái xe đạp của anh chàng.
Cái xe đạp hồi đó cũng giống như xe máy Dreams với thế hệ sinh viên 7X hay xế hộp với sinh viên 9X vậy, có nó là nghiễm nhiên thành hot boy. Còn dép nhựa trắng Tiền phong thì giá trị chả kém gì giày hàng hiệu bây giờ. Thế nên anh chàng quê Hải Phòng sở hữu cả hai món này là người được cầu cạnh nhiều trong khu ký túc. Bạn bè cậu nào cũng muốn mượn để “lấy le” với các em. Họ đua nhau hối lộ khổ chủ, nào thuốc lá, nào kẹo lạc, nào giặt hộ quần áo… chỉ cốt chiều thứ 7 được mượn dép, mượn xe.
Yêu thì yêu vô cùng, nhớ ghê gớm lắm, nhưng vì mấy lần trước đã xuất hiện như “dân chơi” trước mặt nàng rồi nên những hôm không mượn được đồ, Quảng đành nằm nhà, nhất là khi không mượn được dép. “Không có xe đạp thì còn giả vờ tinh tướng là cho thằng bạn mượn đạp về quê thăm thầy u, chứ hôm trước đi dép Tiền phong, hôm nay đi dép rách là lòi đuôi ra ngay”, ông Quảng giải thích.
Ảnh minh họa đám cưới thời bao cấp
Ảnh minh họa đám cưới thời bao cấp
Còn ông Phạm Thành, 60 tuổi, cho biết hồi trai trẻ, ông không có xe đạp, cũng chẳng có dép nhựa Tiền phong, nhưng lại có một món “hàng hót” thời bấy giờ, đó là mũ cối Tàu, giá bằng cả chỉ vàng. Có điều khác với bạn bè, Thành không coi đó là thứ để làm “các em” lác mắt về độ ăn chơi của mình, chỉ là anh thích cái mũ ấy, và quý như vàng, đi đâu cũng mang, và dứt khoát không cho ai mượn. Ngoài ra thì khi đi cưa cẩm, Thành chỉ ăn mặc bình thường, gọn gàng sạch sẽ là được.
Đợt ấy người đẹp mà Phạm Thành chinh phục có vẻ đã xuôi xuôi. Sáng chủ nhật, hai người đi dạo Bờ Hồ, rồi Thành mua sách tặng nàng, mời nàng ăn kem Tràng Tiền. Những tưởng đi chơi trong buổi sáng rồi chở nàng về, vì chiều nàng còn có việc bận, ai ngờ nàng hứng khởi quá nên quyết định hoãn công việc sang dịp khác để tiếp tục cuộc dạo chơi. Đến quá trưa thì cũng phải ăn và người trong mộng của Thành lại có nhã ý ăn phở. Kể ra Thành chẳng nghèo đến mức hai bát phở cũng không mua nổi nhưng lúc nãy trót vung tay nên hết sạch tiền.
“Từ sáng đến giờ đã ra vẻ phong lưu, nàng thích gì là mua tặng, muốn gì là chiêu đãi, giờ có bát phở cũng không mời được thì ê mặt quá, nhưng chẳng biết nói thế nào. Nghĩ chưa xong thì hai đứa đã vào đến quán, nàng ngồi xuống rồi. Cực chẳng đã, mình đành giả vờ buồn đi vệ sinh, bảo nàng chờ rồi lẻn ra chỗ cách đó vài phố, bán cái mũ cối cho bọn phe. Nhìn điệu bộ hớt hải của mình, biết mình vừa vội vừa cần tiền gấp nên chúng nó ép giá thê thảm. Tiếc đứt ruột, nhưng cũng đành”, ông Thành cười kể lại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ông Lê Văn Tịnh, 65 tuổi, nói: “Người ta cứ bảo bây giờ dân tình chạy theo đồng tiền, chứ thực ra thời bao cấp cũng vậy thôi, nghĩa là thời nào cũng có người coi đồng tiền là trên hết. Hồi đó khốn khó, nên cái chuyện vật chất càng quan trọng, lại càng đặt mục tiêu lấy được anh giàu, nếu không phải có chút chức sắc thì cũng phải là cánh lái xe, hay những người đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô về, giống như bây giờ chân dài chỉ muốn câu đại gia vậy. Hồi đó mình ngây thơ quá, trót dại mê nhan sắc một cô, rồi chuốc nhục mà về”.
Cô gái ấy là sinh viên khoa văn. Thấy nàng đi đứng tao nhã, ăn nói dịu dàng rõ con người thanh lịch, ông Tịnh bèn dùng thế mạnh thơ phú của mình để tấn công, nghĩ mình vừa đẹp trai, lại có tài, kiểu gì nàng cũng đổ. Rồi thấy bài thơ nào của mình nàng cũng nhận, đọc xong mắt chớp chớp ra chiều cảm động lắm, ông Tịnh hy vọng tràn trề. Những bài thơ nồng cháy tình yêu ấy ông chỉ viết riêng cho nàng, ấy vậy mà sau đó nhiều cô gái biết và thuộc, nhiều cậu trai khác "copy" gửi cho bạn gái, điều đó chứng tỏ nàng thấy chúng rất hay và đem ra khoe với mọi người. Ông Tịnh nghĩ, nàng chưa “nhiệt tình” với mình hơn chắc cũng chỉ vì gái đẹp thường kiêu kỳ mà thôi.
Một hôm đến nhà nàng, ông Tịnh đánh bạo nói lời yêu và bày tỏ ước mơ lấy nàng làm vợ. Nàng cũng chớp chớp mắt, khiến kẻ si tình muốn đứng cả tim vì chờ đợi. Rồi lời vàng cũng được thốt ra từ miệng ngọc, khiến chàng trai rụng rời: “Nhà anh có tủ lạnh không?”. Thấy “đối tượng” mặt tái mét, chẳng nói ra lời, nàng tự xác định luôn là không có. Rồi nàng ái ngại thanh minh cho chuyện “đòi” tủ lạnh, hình như nói về chữ hiếu gì đó, nhưng ông Tịnh không nghe nổi nữa, cáo từ ra về.
Ông sốc chẳng phải vì mình không có tủ lạnh để cưới giai nhân (dù sự thật đúng là không có) mà vì không thể ngờ nàng thơ khả ái vừa nghe tỏ tình đã kê ngay tủ lạnh vào mồm mình như vậy. Nghĩ đến những bài thơ viết bằng cả trái tim và sự tài hoa, những mong xứng đáng với sắc đẹp và tâm hồn sinh viên khoa văn của nàng, ông Tịnh tê tái cả người vì xấu hổ.
Nói về chuyện yêu đương thời ấy, bà Trần Thùy Liên, 54 tuổi, tâm sự: “Cánh phụ nữ chúng tôi ngồi với nhau thường nói chuyện chọn chồng. Tuy ít ai nói thẳng ra nhưng tôi biết, rất nhiều cô có nhan sắc chỉ muốn nhăm nhăm. Thế nên mới có chuyện nhầm lẫn đau đớn như cô Phước làm cùng cơ quan tôi”.
Cô bạn này nhan sắc rất khá, công việc đã ổn định nên rất nhiều anh nhắm nhe, trong đó có anh Mộc. Anh Mộc mặt mũi dễ coi và nói chuyện rất có duyên, hài hước nên nhiều cô mê. Bản thân Phước cũng rất thích Mộc nhưng đối xử với anh khi thân mật, lúc lạnh lùng, rồi vài tháng sau thì từ chối anh để tập trung vào một chàng “có máu mặt”. Có lần ngồi hàn huyên, Thùy Liên có hỏi Phước về anh Mộc thì cô nói, cô thích anh lắm nhưng không yêu được vì anh nghèo.
Ít lâu sau, qua một người trong ngành đến liên hệ công tác, chị em trong cơ quan mới biết nhà anh Mộc rất giàu chứ không bần hàn như cái vẻ ngoài giản dị, lôi thôi của anh thể hiện. Ngồi nghe nhà anh có đến 2 cái xe Cup 50, có đài cassette mà người Phước cứ tái đi như muốn lả. Sau đó, cô phát phiền đến mức đổ bệnh. Người trong cơ quan bảo chắc cô đấm ngực hằng đêm vì đã ném đi cục vàng mà không biết. Nghe nói Phước có ý bật đèn xanh cho anh Mộc trở lại nhưng anh đã yêu người khác rồi.
“Nói vậy nhưng không phải cô gái đẹp nào thời đó cũng chạy theo vật chất cả”, bà Liên bảo, “Như chị gái tôi, có mấy anh phó tiến sĩ ở Nga về theo đuổi, mà trước sau vẫn chỉ yêu anh Thắng là bạn hồi cấp ba. Anh ấy làm ở huyện bên cạnh, cứ chiều thứ 7 là còng lưng đạp xe 40 cây số về thăm chị, rồi chở chị đi chơi. Không có tiền nên họ chẳng ăn uống gì, chỉ đạp xe mấy vòng rồi về”.
“Xe đạp hồi đó hỏng hóc như xịt lốp, sang vành, tuột xích liên tục là thường, nên nhiều bữa ‘đi tình yêu’ về mà anh chị tả tơi như đánh trận, mặt mũi, áo quần đều nhem nhuốc, mồ hôi đầm đìa. Có mấy lần, trên đường từ cơ quan về thăm chị, anh Thắng bị hỏng xe, mãi 10 giờ tối mới về đến nơi”, bà Liên kể.
Chị gái bà Liên và người yêu thời đó giờ đã có chung 3 đứa con, 1 đứa cháu. Nhớ về thời bao cấp, họ không còn rùng mình về những thiếu thốn, khó khăn, chỉ thấy những kỷ niệm tình yêu lãng mạn mà đến con cháu cũng phải ghen, phải nể.
Theo Phụ nữ ngày nay

Chủ Nhật, tháng 11 25

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) nén hương sau khi chết

Từ hôm làng bàn chữa lại tam quan đến nay, hôm nào ông  chủ nhà tôi cũng bận tiếp khách, bỏ cả công việc. Thằng ở đã phải  càu nhàu, bà chủ đã phải lườm nguýt, mấy con chó dé nhăng nhắc  sủa không dứt tiếng. Hôm nay cũng vậy, những ông kỳ dịch hương  hội vừa ra, bà lão răng móm đầu bạc đã vào. Người ta nói chuyện  với nhau ở trên nhà thờ. Hình như câu chuyện cũng không cần bí  mật. Biết là việc riêng của họ, tôi không có ý nghe ngóng làm gì,  nhưng cái lỗ tai vô tình thỉnh thoảng lại bị lọt vào những câu như  vầy:

- Sức tôi chỉ lo được thế, trăm sự nhờ ông giúp tôi.

- Tôi vẫn hết sức giúp cụ, nhưng ông Điển lễ nhất định không nghe, không lẽ tôi làm phù thủy lại hù gà nhà! 

Tan một hồi tiếng to, tiếng nhỏ, bà lão lững thững chống gậy  trở ra, ông chủ nhà tung tăng đi xuống nhà học với một nụ cười  đắc chí:

- Ở nhà quê, giàu mà lép vế nghĩ cũng khổ thật ông ạ! Tôi  chưa nói sao, ông ta liền hỏi:

- Chắc ông không biết bà lão mới rồi là ai? Và ông ấy lại  giảng:

- Đó là bà Tư Tỵ, thím thằng cả Thân ở xóm dưới. Bà ta góa  chồng từ thuở ngoài hai mươi tuổi. Lúc chồng chết đi, trong nhà  không có hột gì. Chỉ nhờ có chiếc đòn gánh với hai bàn tay, thế mà  trong mấy chục năm, bà ấy tậu được hơn bốn mẫu ruộng, làm được  năm gian nhà ngói, còn tiền cho vay không kể. Làng tôi ai cũng phải phục bà ta có tài làm giàu. Vừa nói, ông ấy vừa ghé vào chỗ  tôi ngồi và tiếp:

- Nhưng mà họ giàu là phải. Ông tính quanh năm khách khứa không có, sưu thuế không mất, làm gì mà chẳng giàu? Nếu  mình mà được như họ, có lẽ còn giàu bằng hai. Tuy vậy giàu như  bà này, cũng chỉ là cái thân tội...

Ngừng lại để vê một mồi thuốc lào, rồi như sợ tôi cướp lời,  ông ta kể luôn một mạch:

- Bà ấy không có con trai. Lúc trước chỉ được một đứa con  gái, nhưng sau nó lại chết mất. Vậy mà bà ta hà tiện rõ "vắt cổ  chày ra nước". Suốt đời cơm ăn với muối, bữa nào hoang lắm mới  dám mua một mớ rau. Tháng năm tháng mười cũng như tháng ba  tháng tám, nếu không độn khoai, thì độn ngô, chẳng bao giờ nấu  cơm toàn gạo. Những năm gạo đắt, thường chỉ ăn khoai ăn ngô trừ  cơm. Thế nhưng nhiều lúc vẫn phải đổ đi hàng trăm, hàng chục.  "Là vì ông lý ông phó làng tôi, đều tay ghê gớm. Thấy bà ta có, nay  người này hỏi vay vài chục, mai người kia hỏi vay vài chục. Cho họ  vay, ấy là mất hút, chớ có bao giờ họ trả. Nhưng nếu không cho họ  vay, họ sẽ bới bèo ra bọ, khó mà yên lành với họ. 

"Bà ta cũng đã chịu khó luồn lọt. Nội các đàn anh trong làng,  nhà nào có giỗ có chạp, hay có cưới xin khao khoán, dù không mời,  bà ta cũng đến, với một món đồ lễ: đám nhỏ vài chai rượu, đám lớn  thì vài đồng bạc. Những lúc làng có công việc, ví như chữa đình,  chữa chùa chẳng hạn, bà ta đều có xuất tiền công đức, không tuần  chay nào không mất nước mắt. Vậy mà các ông hào lý vẫn không  tha cho, hễ gặp dịp bóp được là họ cứ bóp.

Tôi hơi ngạc nhiên và hỏi: - Bà ấy không có họ hàng nào ư? Cớ sao người ta chịu để  người ngoài ăn hiếp mãi người trong họ như vậy?

- Họ hàng xa cả, chỉ có cả Thân là gần, chính nó được ăn  thừa tự bà ấy. Nhưng mà thằng ấy tệ lắm, nó cũng đục khoét bà ta  như mọt. Năm trước thua bạc, nó đã bán của bà ấy mất hơn mẫu  ruộng, bà ta cũng phải cắn răng mà chịu. Nhiều lúc nó còn thông  với các ông hào lý kiếm cớ mà xoay bà ta. Cái việc bây giờ cũng là  ở nó mà ra, chứ ai!

Nói đến đây, như đã dứt mạch, ông ấy thông điếu đặt thuốc,  hút một hơi dài. Rồi lại tiếp tục:

- Hiện nay bà ấy đương xin đặt hậu ở làng. Việc này, kỳ thủy  không phải tự ý bà ta. Vì thằng cả Thân, thấy thím còn vài mẫu  ruộng và mấy gian nhà, nó muốn bán nốt, nhưng trong làng chẳng  có ai mua, hắn mới bàn với ông Điển xui cho bà ta đặt hậu, nếu  việc xong, ông Điển phải chia cho nó một nửa số tiền. Ông kia bằng lòng. Nó liền về nhà tán với bà cụ thế này: đáng lẽ, sau khi  bà ấy trăm tuổi, bao nhiêu gia tài sẽ về nó cả. Nhưng nó có tính  chơi bời, sợ rằng không thể giữ được. Muốn cho chắc chắn, bây giờ  đem một phần ruộng mà giao cho làng, sau này làng sẽ cúng giỗ  cúng tết bà ấy mãi mãi. Bà ta nghe cũng bùi tai, liền bảo nó đi nói  với các ông kỳ dịch xin nộp một mẫu ruộng để làm ruộng hậu, một  trăm bạc để làng sung công, và sửa con lợn cỗ xôi, trước lễ thánh,  sau kính làng. Một đám đặt hậu như thế, ở làng tôi kể cũng là  hậu. Các ông hào lý nhận lời. Chờ đơn "ký hậu" làm xong, bà ta đã  mắc vào tròng, bấy giờ họ mới giở ngón: ông Điển đòi năm chục,  chánh hội, lý trưởng mỗi người đòi ba chục. Có được thế họ mới ký  tên vào đơn, thì việc mới xong. Thấy thế bà ta chết ngã cổ ra, đã  toan xin thôi. Nhưng họ lại dọa: nếu mà bà ấy bỏ dở việc này, ấy là  bà đã đánh lừa làng, họ sẽ đệ đơn trình quan và sau khi bà ấy chết  đi, làng không khiêng nữa. Bà ấy hoảng quá, không dám nói đến  chuyện lôi thôi đặt hậu, chỉ xin rút bớt số tiền "nhuận bút" của các  vị hào lý mà thôi. Mấy bữa nay bà ta luôn luôn đến đây là cốt nhờ  tôi nói đỡ với họ. Tôi đã khuyên họ nên nghĩ phúc đức về sau, không nên bóp nặn người ta thái quá. Chánh hội, lý trưởng và các  tộc biểu bằng lòng mỗi người bớt cho mười đồng, nhưng ông Điển  lễ nhất định đòi đủ năm chục. Công việc nhà quê có rắc rối không?  Ngoài cổng lại thấy có tiếng chó sủa, ông Điển lễ với tấm áo the  quấn cổ, lộc cộc chống chiếc gậy song đi vào. Xăm xăm đến cửa nhà  khách, ông ta nhìn ông chủ nhà tôi và hỏi một cách tự nhiên:

- Thế nào! Lúc nãy con mẹ Tư Tỵ nó nói với ông ra sao? Ông chủ nhà tôi liền mời ông ta ngồi vào ghế và đáp:

- Nó vẫn chối khan chối vã là không có tiền.

- Ông cho gọi nó đến đây! Tôi sẽ liệu xoay cách khác. Vâng lệnh ông chủ, thằng nhỏ lật đật vác gậy ra đi. Một lúc  sau, bà lão Tư Tỵ đã đến với một dáng bộ khúm núm. Sau khi  chào ông Điển lễ, bà ấy ngồi phệt xuống mặt thềm gạch. Ông Điển  lên giọng hách dịch:

- Tôi đòi năm chục đồng bạc, bà tưởng là đắt hay sao? Nếu  đắt thì thôi, tôi không cần. Một người như bà, sau khi nhắm mắt,  kiếm được kẻ thắp cho nén hương cũng khó lắm thay, huống chi  muốn được cả làng cúng lễ. Cũng vì làng chữa tam quan, cần đến  tiền tiêu, cho nên chúng tôi phải cố thu xếp cho bà. Nếu như lúc  khác, bà có hàng nghìn cũng không lo nổi. Bà thử nghĩ kỹ mà xem. 

Bà lão nói giọng phều phào của người móm: 

- Thưa cụ, tôi không dám tiếc các cụ, chỉ vì trong nhà chưa  sẵn, ruộng bán không có ai mua, đi vay không được...

Ông Điển không để cho bà ấy nói hết lời: 

- Nếu vậy thì bà gạt ruộng cho tôi cũng được. Không phải  văn tự văn khế gì hết, hễ bà bằng lòng thì tôi cứ bảo chưởng bạ  dịch số, rồi bà điểm chỉ vào sổ, thế là xong.

Hình như bà lão biết mình chẳng sống ở đời bao lâu nữa,  không tiếc cái của mồ hôi nước mắt làm gì, nên phải miễn cưỡng  vâng lời. Cả bọn cùng giải tán. 

Hôm sau, ông chủ nhà tôi vừa cười  vừa nói với tôi:

- Bà Tư Tỵ đã phải sang sổ cho ông Điển lễ hơn năm sào  ruộng rồi đấy. Ông ấy đã ký đơn rồi, chừng vài ngày nữa bà ta sẽ  phải chồng tiền hậu và giao ruộng hậu cho làng. 

Thứ Bảy, tháng 11 24

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) NGHỆ THUẬT BĂM THỊT GÀ

Từ khi thôi học, tính ra đã gần mười năm, bây giờ tôi mới lại  gặp Lăng Vân. Những chuyện tích lại trong một thời gian khá dài,  lúc ấy được dịp xuất hiện nó đã làm cho chúng tôi đều phải quên  ngủ, tuy đêm đã khuya. Ngoài sân trời tối như mực và mưa sùi  sụt, nước mưa rả rích giội xuống đầu thềm, như thêm vẻ chứa chan cho mối tình cửu biệt. Gà bắt đầu gáy. Dưới bếp bỗng có  tiếng người khậm khoặc. Rồi thấy bóng đèn lập lòe. Một lát sau,  nghe có tiếng gà đập cánh phành phạch và kêu quang quác. Tôi  ngạc nhiên hỏi:

- Người nhà đã sắp làm cơm đấy sao?

Lăng Vân lắc đầu: - Không! Sáng mai nhà tôi phải chứa hàng xóm. Chứa xóm cố nhiên không phải là một đầu đề để nói chuyện.  Chúng tôi lảng ra chuyện khác. Đồng hồ điểm hai tiếng mới cùng  trùm chăn nằm ngủ. Giấc ngủ của tôi đương ngon, thình lình bị  tan bởi mấy tiếng lộc cộc của guốc, và gậy nện xuống thềm gạch.  Tôi bừng mắt ra, trời đã sáng rõ, trong nhà lố nhố mấy ông cụ già  khăn áo tề chỉnh, Lăng Vân đang xoăn xoe chào mời các cụ một  cách cung kính. Giữ lễ xã giao với người lạ, tôi vội tung chăn ngồi  dậy và đương lúng túng chưa biết nên ở đó hay lánh đi đâu, Lăng  Vân đã bưng đến chỗ tôi ngồi một bộ bàn chè, một siêu nước sôi,  bảo tôi cứ việc pha nước và uống tự nhiên. Người đến mỗi lúc một  đông. Già có, trẻ có, đứng bóng có. Toàn là đàn ông tất cả. Trong  nhà giường phản chật hết, người nhà phải quét cái thềm mưa ướt  rờm rợp, rồi trải chiếu lên, để làm chỗ ngồi cho mấy ông tí nhau.  Hàng xóm vẫn lục tục kéo đến với những bàn chân đất lấm bê bết.  Ai cũng như nấy, sau khi đã đến bể nước giội qua, người ta đi nhón lên thềm, chùi chân vào cái chổi rơm làm phép, rồi bước xàm  xạp lên chiếu.

- Sao không lấy gì mà che, lại đi đội trời thế kia! Nước mưa  ướt cả đồ lễ!

Tiếng thét dõng dạc của một ông già ở phản bên kia vừa dứt,  thì ở dưới sân, một người vừa lù lù bưng mâm xôi gà lên thềm và  đặt vào chiếc phản giữa. Rồi một người khác để luôn lên đó hai  chai rượu lớn. Con gà cũng không nhỏ lắm, ước chừng một người  ăn cố mới hết. Cỗ xôi vừa kín cái lòng mâm đồng, nó phải độ bốn  đấu gạo! Còn hai chai rượu thì đầy ăm ắp, hạng chai ba phần tư  lít. Mọi người ngồi yên, một ông đàn anh ra lệnh:

- Hàng xóm đã đến đông đủ! Thằng Mới đem làm cỗ đi! Thì ra cái người đội mâm xôi gà lúc nãy chính là mõ làng.  Hắn dạ một tiếng thật dài rồi khép nép đứng tựa bên cột:

- Thưa các cụ làm bao nhiêu cỗ?

Ông đàn anh ấy lại lên giọng: 

- Mày trông xem có bao nhiêu người kiến tại.

Thằng Mới liếc mắt một lượt từ trong nhà ra đến ngoài thềm,  rồi thưa:

- Bẩm ba mươi người tất cả.

Ở đầu dãy phản tay phải, thấy có tiếng hỏi: - Hàng xóm ta mười mấy suất, cụ còn nhớ không? Rồi có tiếng đáp:

- Năm ngoái bảy mươi tám suất, năm nay mới thêm năm suất thế là tám mươi ba suất cả thảy.

Ông đàn anh vừa rồi nhìn vào thằng Mới:

- Vậy thì phải làm hai mươi ba cỗ, tám cỗ kiến tại, một cỗ  chứa, một cỗ cho mày, còn mười ba cỗ làm phần.

Câu nói của ông ấy khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Một con gà  và bấy nhiêu xôi mà làm đến mấy chục cỗ, thì làm ra sao? Chắc là  còn có món gì khác nữa. 

Tôi nghĩ như thế. Nhưng mà không. Chẳng có chi hết. Người  nhà chỉ bưng lên thềm hai thúng bát đĩa, một con dao, một cái  thớt, một liễn nước mắm và hai chồng mâm. Thằng Mới lễ bễ bưng  mâm xôi gà ra thềm. Hắn nhấc con gà sang chiếc mâm khác, rồi  chữa cỗ xôi hình tròn ra hình vuông. Ôì lạ! Con gà làm được hơn  hai chục cỗ, thật là một kỳ công! Tôi phải giả vờ đứng dậy ra sân  để đến tận nơi mà coi cho rõ. Thằng Mới đặt thử con dao lên mặt  cỗ xôi, hắn tính lẩm bẩm giây lát, rồi xắn một chiều làm sáu, một  chiều làm bốn. Sau khi lấy một miếng xôi véo ra từng tí để phụ  vào các miếng kia, hắn nhấc mâm xôi sang một bên cạnh và kéo  cái thớt vào chỗ trước mặt. Cái thớt khí trũng, hắn gọi thằng nhỏ  đổi cho cái khác và hắn lẩm bẩm một mình:

- Băm thịt gà cần phải dao sắc, thớt phẳng. Nếu mà dao cùn  thớt trũng thì thịt sẽ bong hết da!

Vừa nói, hắn vừa với sang thúng đĩa lấy đủ chục chiếc, bầy la  liệt trên mặt thềm. Thằng nhỏ đã xách lên đó chiếc thớt mới nguyên, sắc gỗ nghiến còn đỏ đòng đọc. Nhanh nhảu, hắn sờ ngón  tay vào lưỡi con dao, xem có bén không. Và hắn lật cái trôn bát liếc  luôn ba lượt thật mạnh. Bấy giờ mới giở đến bộ lòng gà. Mề, gan, tim, phổi, các thứ đều được thái riêng và được bày riêng vào một  góc đĩa. Tuy nó mới chỉ một dúm cỏn con, nhưng trong mười đĩa  không đĩa nào thiếu một thứ nào. Rồi hắn nhấc cả con gà ra thớt.  Bắt đầu chặt lấy cái sỏ, sau mới chặt đến miếng phao câu. Thình  lình thấy hắn đứng lên ngoảnh mặt vào phía mấy ông đàn anh:

- Thưa trình các cụ, hôm nay sỏ gà pha mấy? Phao gà pha mấy?

Một ông trong bọn nhìn qua vào đám nhiều tuổi, hình như để  đếm đầu người, rồi đáp:

- Ở đây chỉ có năm cụ và bốn ông đàn anh. Vậy thì sỏ gà pha  năm, phao gà pha bốn.

Hắn lại ngồi xuống chỗ cũ. Trước hết ghè dao vào giữa hai  miếng mỏ gà để cắt cái sỏ ra làm hai mảnh. 

Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm  đôi và mảnh mỏ trên làm ba. Tôi không biết những miếng thịt gà  này có đều nhau không, chỉ thấy tất cả năm miếng, miếng nào cũng có dính một tí mỏ. Tiếp đến cuộc pha phao câu. Công việc tuy  không lấy gì làm khó, nhưng hắn làm cũng vẫn có vẻ khác người.  Bốn miếng phao gà, miếng nào cũng có đầu bàu, đầu nhọn, chẳng  khác nào một cái chũm cau chẻ tư. Sỏ gà bày vào một đĩa, phao gà  bày vào một đĩa. Hắn lại cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm  hơn mười miếng và bày với đôi chân gà làm thêm một đĩa nữa.  Bây giờ thì đến mình gà. Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt  riêng hai cái tỏi gà bỏ góc mâm. Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn  ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo  chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh. Mỗi mảnh  đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm  con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà  hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên,  không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có  khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón  tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt,  nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau,  cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà  băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da,  không còn dính nhau mảy may. Trông những miếng thịt gà của  hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát,  không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước. Băm xong con gà,  hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một  cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là  bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con  gà, hắn đã băm được 92 miếng. Lăng Vân cười và hỏi tôi:

- Anh đã chịu nghề băm thịt gà của ông Mới làng tôi chưa?  Nhà hắn ba đời làm cái nghề ấy, thì mới thạo được như thế. Người  khác dễ ai làm nổi!

Tôi chịu lắm. Và tôi muốn dâng cho ông Mới ấy cái chức nghệ  sĩ. 

Thứ Năm, tháng 11 15

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) GÓC CHIẾU GIỮA ĐÌNH

Trời đã quá trưa. Tôi vừa về đến nhà trọ, đã thấy người nhà  ông L đã sang mời. Lần này là ba. Sáng ngày đã hai lần rồi. Trước  sự ân cần như vậy, ai mà có thể từ chối. Bởi tại hôm nay nhằm kỳ  bình văn, tôi phải có mặt ở trường, nên còn xin khất đến chiều. Kể  ra tôi với ổng không phải có thân tình gì. Vì tôi trọ học ở gần nhà  ổng thành ra quen ổng. Người ta bảo với tôi rằng: Ổng rất thật thà  chăm chỉ. Trước đó chừng mười lăm năm, ổng còn làm nghề cày  thuê, vợ ổng thì chuyên đi ở vú sữa. Cái chính sách tiết kiệm,  trong một thời kỳ khá dài, đã đưa nhà ổng lên đến bậc có máu  mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu. Trong  mấy năm nay, vợ ổng đã không còn sữa, ổng cũng không được  khỏe mạnh như xưa, cho nên cả hai đều tự hưu trí để cùng trông  nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời hồi ấy luôn luôn được mùa,  vận ổng lại càng tấn tới, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc  lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia. Trong cái hạnh phúc của loài người,  ổng không mong gì hơn thế, nếu như làng ổng không có cái đình.  Khổ vì cái làng Đ.Tr. nhà ổng tuy không phải làng văn vật, nhưng  mà rất có trật tự. Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy  cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên  nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh  phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ôíng tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng  vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố  cu, bố đĩ. Điều đó, ổng rất lấy làm bất mãn. Nhiều lần làng khuyết  lý trưởng, phó lý, ổng đã dốc lòng định mưu lấy chút danh phận.  Chỉ vì ổng không biết một thứ chữ nào, cho nên không được như  nguyện. Năm nay, mái đình làng ấy có mấy chỗ dột. Dân làng cũng mong chữa lại, nhưng mà tiền công của làng chỉ vừa đủ để các hào lý đi việc quan, không còn thừa mà mua ngói. Các ông kỳ  dịch liền gọi ổng ra giữa đình, để bán cho ổng cái chức "lý cựu" lấy  một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ. 

Lúc đầu ổng cũng phân vân, vì sợ cái của "không tân mà  cựu" sẽ không được ai quý trọng. Mấy ông kỳ dịch nói rất bùi tai,  họ bảo người ta bỏ hàng năm, bảy trăm, một nghìn để làm ông lý,  ông phó. Đằng này, ông chỉ tốn một trăm bạc, không vất vả gì, mà  rồi cũng được ngồi ngang với họ, ăn biếu ăn xén như họ. Ấy là một  dịp hiếm có, không nên bỏ qua. Nghe vậy, ổng cũng cho là rất có lý  và đã bàn kỹ với vợ. Vợ ổng cũng muốn được làm bà Cựu, nên  cũng khuyên ổng cố lo. Từ nửa tháng trước, ổng đã bán trâu, bán  ruộng, được hơn trăm bạc, để nộp cho làng. Thế là công việc mười  phần đã xong chín phần, chỉ còn khao làng một bữa, thì sẽ thành  danh ông Cựu. Đáng lẽ bữa khao ấy ổng định hoãn đến tháng mười, đợi cho lúa gạo của nhà, đỡ phải vay mượn mất lãi. Nhưng  mấy ông hương lý không nghe. Họ nói để lâu không tiện, dân làng  đã vậy, còn quỷ thần. ừ thì cái áo còn lo được, huống chi cái giải!  Trước một lần, sau cũng một lần, lo lúc nào thì xong lúc ấy. Ôíng  nghĩ vậy, nên mới cố mua bát họ hơn sáu chục đồng để lo cho yên.  Cứ ý bà Cựu, thì cuộc khao này chỉ cốt cho đủ lệ làng, không mời  khách khứa nào cả. Ông Cựu không chịu. Bây giờ ổng đã làm bậc  lý cựu trong làng, không thể xử cách nhom nhem được. Bởi vậy,  ổng định làm thật linh đình. Nhà chật. Trừ khu bếp đun, toàn thể  dinh cư chỉ có bốn gian một chái nhà tranh. Ngày thường, với gia  đình ổng như thế cũng là rộng. Lúc nào có việc, nó không đủ chỗ  để chứa làng xóm họ mạc. Từ chiều hôm qua, ông đã sai mổ con  lợn, để nhờ bà con dựng hộ gian rạp. Bấy giờ đã nửa tháng tám,  công việc ngoài đồng xong rồi, cả làng ai cũng rỗi rãi. Tôi tuy chưa  sang nhà ông, cũng nghe nói số người giúp đáp đông lắm. Mẹ nào  con ấy, chị nào em ấy, người ta kéo vào từng lũ. Cái anh người nhà  sang mời khoe rằng:

- Bữa chiều hôm qua, tất cả năm chục mâm cỗ. Con lợn bảy  yến, chỉ ăn một lượt là hết. Sáng nay ông Cựu lại cho giết ba con  nữa, hai con để họ hàng ăn cơm, một con để đem lễ thờ, rồi biếu  dân làng.

Và hắn nói thêm: 

- Nhưng cũng chưa đủ. Chiều nay còn mời các lão và tư văn,  thế nào cũng phải vài ba con nữa. Rồi hắn giục tôi:

- Rước ông sang ngay đi cho kẻo ông Cựu tôi lại bắt người  khác sang mời. Ở bên ấy, các ông hàng tổng đương đợi ông đấy. 

Anh ta nói đúng. Tôi còn lúi húi rửa mặt, đã nghe có tiếng  lợn kêu eng éc tự phía ngõ ngoài đi vào. Và một lát sau lại có  người nữa sang giục. Thay xong quần áo, tôi theo hai anh người  nhà cùng đi. Từ cổng trở vào, bát đĩa mâm nồi la liệt bày khắp mặt  đất. Trong rạp đông nghịt những người. Đám này không khác gì  các đám khác, ngoài một số người tay dao tay thớt, lại có các ông  chỉ chuyên thuốc phiện và tổ tôm. Tôi ngó hai dãy phản rạp thấy  có ba bàn tổ tôm và bốn bàn thuốc phiện. Thì ra cái bữa thết làng  tuy đã xong từ sáng ngày, nhưng mà các ông kỳ dịch vì có cảm  tình với ông "Cựu mới" cho nên còn lưu lại đó tất cả. Thoáng thấy  bóng tôi, ông Cựu chào hỏi một cách lơi lả và mời tôi vào trong nhà  ngồi với mấy người làng bên. Rồi ông trách tôi đã tệ với ông, vì từ  hôm qua đến giờ mới sang. Theo lệ tôi mở ví lấy một đồng bạc ra  mừng. Ông Cựu ra ý không thích và nói:

- Ông cho nhà cháu mấy chữ chả quý hơn ư? Tiền tuy cũng  quý, nhưng nhà cháu còn có thể kiếm ra được. Hay là để cháu mua  một đôi liễn, rồi ông viết chữ vào cho.

Tôi còn chưa kịp trả lời, thì thấy một người tất tả chạy vào  báo với ông Cựu:

- Tư văn đã vào! Ông Cựu lật đật chạy ra ngoài rạp. Thằng Mới vừa bưng vào đó một mâm cau và một bánh pháo. 

Theo nó, một bọn lố nhố độ hai chục người tiến vào trong rạp.  Sau khi đã nói vài câu chiếu lệ, ông Cựu mời họ sang ngồi nhờ ở  nhà láng giềng, rồi ông giục người bưng cỗ sang đó. Một ông ở bàn  thuốc phiện vào chỗ tôi ngồi, nói chuyện tiếp tôi:

- Ông nó lo một việc này, có lẽ cũng tốn đến hai trăm bạc.  Song cũng còn may! Ông tính không làm việc ngày nào, tự nhiên  thành người kỳ cựu, chễm chện ngồi chiếu cạp điều giữa đình, há  chẳng sướng sao? Vì có chúng tôi giúp cho thì việc mới xong, người  khác đâu được như thế.

Uống rượu xong, tôi từ biệt ra về. Tới cổng lại thấy một lũ  kéo vào. Đó là các lão trong làng vào mừng ông Cựu. Cuộc linh  đình còn mãi đến sáng hôm sau. 

Năm hôm sau nữa, tôi gặp bà  Cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui:

- Chào ông ở nhà, cháu đi làm đây.

Và không đợi tôi hỏi, bà ấy vội vàng cắt nghĩa: 

- Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng và  nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng,  nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng họ? 

Thứ Bảy, tháng 11 10

Mùa Săn

Tác giả: Hồ Thị Huệ Hài

Ông Bàng cầm khẩu súng lên ngắm, khẩu súng rất vừa tay, mới lắm, còn thơm vùi vécni, mùi dầu. Ông Bàng nhờ một người lái buôn Pháp nhập súng về cùng với nhiều hộp đạn. Đây là khẩu súng Uynséttơ đờ luých 290 khẩu độ 22 (Winchester calip 22) một loại súng săn danh tiếng thế giới. Ông Bàng có thú săn bắn và sưu tập súng săn. Hiện tại trong nhà ông có khẩu Braoning otômaticlốt (Brơning automaticload) của Bỉ với khẩu Brugiơ 10/22 của Mỹ và một vài khẩu súng trường quân sự cải tiến làm súng săn. Ông thuê thợ chạm trổ ngà voi, ốp vào báng súng trông rất đẹp. Thế nhưng ông vẫn thích khẩu Uynséttơ vì cái vẻ quý phái pha chút cổ điển của nó. Phòng khách nhà ông ở Sài Gòn có đặt chiếc tủ lớn đánh vécni mầu cánh kiến chạm trổ công phu bên trong cái giá gác súng và nhiều dụng cụ săn bắn. Ngoài ra trong những dịp chuyện trò với giới kinh doanh ông luôn luôn đem chuyện săn bắn ra nói. Theo ông không có thứ thể thao nào tốt bằng đi săn, nó thú vị vì vừa nguy hiểm vừa hồi hộp, nó đòi hỏi sự can đảm, sức mạnh và nhẫn nại, nó biểu lộ nam tính mạnh mẽ nhất. Săn thú được thì chuyện săn đàn bà đẹp dễ dàng!
Ông Bàng là một thương gia giàu có ở Sài Gòn. Ông có đồn điền cà phê với ngôi biệt thự làm toàn bằng gỗ tẩm dầu đen ở Buôn Ma Thuột. Ông giao nhà và đồn điền cho một người cháu họ của vợ ông, hắn tên là Quán gọi vợ ông bằng dì. Hắn là tay thợ săn chuyên nghiệp. Hắn không dùng súng săn, hắn bắn súng trận chuyên tìm hạ thú dữ với loại đạn cưa đầu.
Hồi ấy ở Sài Gòn có vài cửa hiệu bán đầy đủ dụng cụ đi săn: súng đạn, dao găm, lều bạt dùng cho những tay săn tài tử hay chuyên nghiệp. Họ bán cả giáo mác cung nỏ của người Thượng cho Tây thực dân mua về nước làm quà kỷ niệm. Có những chiếc nỏ mà cánh làm bằng cây chà rang lâu năm, phải là người khỏe lắm mới giương cung nổi. Người ta bán theo súng những hộp đạn săn loại 24 viên, 48 viên, vỏ đạn bằng giấy mầu xanh đỏ trông đẹp như những thỏi son của quý cô. Bên trong giấy là những viên đạn chì với thứ thuốc đạn mầu đen lóng lánh như mảnh vụn than đá. Mỗi khi đạn nổ chín viên chì túa ra như bầy ong dữ, con thú khó thoát. Mấy tay thợ săn chuyên nghiệp bắn xong người ta lấy vỏ giấy và phần đế dồn làm lại viên đạn khác, họ cho loại thuốc đạn quân sự mầu xám tro có sức tống mạnh hơn, thay chì bằng những viên bi thép có sức công phá dữ dội hơn, hạt nổ đã nổ rồi người ta cậy ra lấy hạt nổ đạn súng garăng thế vào. Lúc này viên đạn chỉ có ba hoặc bốn viên bi thép nhưng có thể hạ những con thú dữ như hổ báo trâu rừng.
Chiều hôm kia được điện của Quán, ông Bàng và vợ là Phượng đáp máy bay bay lên Buôn Ma Thuột. Quán lái xe đến phi trường Phụng Dực đón. Sáng hôm nay họ chuẩn bị cuộc đi săn nhiều ngày trong rừng. Ông Bàng đứng ở nhà trên soi mình vào tấm gương lớn ngạo nghễ nhìn bóng dáng oai vệ, phì nộn, khỏe mạnh - dấu hiệu của người đàn ông giàu có và thành đạt. Ông thấy mình giống như Tây thuộc địa, mặc bộ kaki vàng, đầu đội nón cối bằng lie (điền điển) có gắn chiếc pha đèn săn, chân đi đôi ủng da cao cổ thắt dây dù, bụng thắt nịt da to bản, quanh nịt có chỗ dắt đạn, có bao da dắt con dao găm cán bằng ngà voi chạm trổ công phu, thêm một cái bi đông đựng nước. Vai ông khoác khẩu súng săn đặt trong cái bao bằng da bò non thuộc còn để lông trông vừa man dã vừa mỹ thuật. Cả người ông toát lên mùi da thuộc và mỗi bước đi đều phát ra tiếng kêu kin kít. Ông Bàng chỉ còn đợi lão I Đi đánh bóng cái sắc cốt nữa là lên đường.
I Đi, một lão già không biết cả tuổi mình, lão thuộc dân tộc Ê Đê, dân tộc đông người nhất ở Tây Nguyên. Lão I Đi ngồi trong xó nhà cạnh con béc giê đánh bóng túi da cho chủ. Ông Bàng dặn: "Xiarê" (đánh sáp) nhanh lên nhưng không được làm ẩu, đánh thế nào mặt da bóng lên như gương mới được. Lão I Đi có thời sống với Tây đồn điền lão nói tiếng Pháp sành hơn tiếng Việt. Trước nữa thì lão là tay săn tài ba của buôn làng. Nhờ lão mà thú dữ chẳng dám về làng bắt gia súc, bắt người. Lão thông thuộc mọi con đường rừng kể cả tính tình của từng loại thú. Giờ đây lão già rồi lại tật nguyền, bàn tay bên phải còn bốn ngón. Ngón tay bóp cò đã bị chặt đứt tiện sát gốc.
Từ khi người chủ đồn điền về Pháp lão xin tới ở giữ nhà cho ông Bàng và để cho người quản gia tên là Quán sai vặt. Mấy năm gần đây da lão càng ngày càng sần sùi. Người Thượng hay bị bệnh lác. Lúc đầu lão cũng tưởng mình bị bệnh này. Hóa ra không phải, mấy năm sau xượng sụn trong sống mũi lão sụp dần. Người ta nói lão bị "cam ăn" chắc là hít phải mùi hoa phấn bướm hay nấm độc ở trong rừng. Họ bày lão lấy lá cà dược (Benlladone) phơi héo quấn làm thuốc lá hút vào phì ra bằng mũi. Khói độc làm cho lão ngây ngất giống như người say sóng. Bệnh chẳng đỡ, xương mũi lão sụp hẳn. Mặt lão biến thành dị dạng. Ngón tay ngón chân của lão bắt đầu mất cảm giác, tê buốt, không thể duỗi ra được, hai vành tai nhỏ dần cong queo như tai chuột. Đúng là bệnh phong hủi. Lá cà dược gây ảo giác. Đêm lại, nằm xuống nhắm mắt lão thấy ma núi lôi lão vào rừng chặt hết mấy ngón chân tay. Lão quay về buôn hỏi già làng. Già làng nhìn mặt lão nói: "Con ma nó ăn thịt người nó gặm mũi, gặm tay chân, gặm hết thịt thì chết!" I Đi hỏi: "Con ma nó có đòi cúng không?" Già làng nói:
- Nó không ăn thịt heo gà dê trâu bò.
- Cúng nó ché ủ rượu với chiêng đồng được không?
- Nó không chịu đâu?
I Đi hỏi:
- Vậy con ma núi nó thích ăn cái gì?
- Ăn vàng!
Già làng nói tiếp:
- Mài vàng ra mà uống cho con ma nó ăn, nếu không thì chết! (Người ta cũng thường truyền tụng bệnh phong hủi uống vàng cầm nó lại được).
I Đi trở về buồn bã. Vàng ở đâu lấy mài cho con ma rừng nó ăn? Thế nhưng một hôm nhân súc bồn rửa mặt lão thấy trong ống nước có cái nhẫn vàng. Lão mừng lắm, như thế là "Giàng" đã cứu lão. Lão nghĩ vàng đây là của trời cho, không cần phải giấu giếm, lão đeo chiếc nhẫn vàng vào ngón tay trỏ bàn tay phải. Chiếc nhẫn rất chật, lão cố ấn vào. Đốt ngón tay lão sau đó sưng vù. Mấy ngày sau Phượng tri hô lên việc mất vàng. Lão bị buộc tội trộm. Phượng kêu lão lên gay gắt hỏi:
- Vàng ở đâu mà lão có?
- Của "Giàng" cho
Phượng nói:
- Nói láo! Đồ ăn trộm!
- Không, của Giàng cho thực mà, ở trong ống nước.
- Giàng cho lão vàng để làm gì?
Mài ra cho con ma rừng nó uống, nó tha không ăn thịt người...
Phượng thét:
- Vớ vẩn. Lôi hắn ra đồn cảnh sát người ta đánh cho một trận nhừ tử rồi bỏ tù.
Ông Bàng dùng tiếng Pháp giảng giải cho lão nghe, nghe xong lão hỏi một cách rất ngây thơ:
- Trả lại có bị tù không?
- Không.
Lão ngơ ngác nhìn ba người. Lão cố tháo chiếc nhẫn nhưng không được. Đốt tay lão sưng vù. Lão hỏi:
- Không tháo được thì làm sao?
Phượng lạnh lùng:
- Chặt ngón tay ra mà lấy!
Nghe xong, lão già không nói rằng, ra sau bếp kê ngón tay lên đầu cọc gỗ dùng rựa chặt phăng! Lão lượm chiếc nhẫn vấy máu đem đưa bà chủ. Từ đó ngón tay bóp cò của lão không còn nữa. Con hổ bị chặt móng vuốt rồi, lão trở thành con chó già bệnh hoạn tàn phế sống lẩn quẩn trong nhà nhờ cơm thừa canh cặn.
Quán đứng trong ga ra cưa đầu mấy viên đạn súng garăng. Hắn dùng êtô kẹp từng viên đạn. Cầm cưa sắt cưa bỏ mũi nhọn. Garăng là một loại súng trường cũ kỹ có từ thời thế chiến thứ nhất. Súng này trang bị cho bọn lính Lê dương. Khẩu súng rất dài và nặng. Đạn của nó mỗi băng chỉ có bốn viên, đầu đạn bằng thép bọc đồng. Nếu cưa bỏ đầu viên đạn không bay xa nhưng lại có sức công phá ghê gớm. Vết thương xương thịt vỡ ra toang hoác như cái mồm đầy máu. Bắn thú dữ phải có thứ đạn này. Nếu là con Min, một loại trâu rừng nguyên thủy rất khỏe và rất hung dữ bắn một phát không giết được nó, tất nó sẽ giết mình.
Kích cỡ khẩu súng garăng so với người thường trông to nặng, khó bắn, song đối với Quán lại chẳng to tý nào. Thằng này dáng bộ cao lớn dềnh dàng, mầu da ngăm đen hàm răng trắng trông chẳng khác gì lính Ma Rốc. Mấy mụ đàn bà thấy mẫu người dầy dạn phong trần đầy sinh lực và nam tính của hắn thì mê ngay. Hiện nay hắn là thợ săn chuyên nghiệp. Trước kia hắn là tên du thủ du thực, đi lính rồi trốn lính, tìm việc làm không có cuối cùng được dì Phượng cho về làm quản gia coi nhà và đồn điền cho ông Bàng ở Buôn Ma Thuột. Hắn với Phượng cùng một tuổi, có bà con xa. Dì Phượng và mẹ hắn chị em ra sao hắn không biết mà dì cũng chẳng rõ lắm. Trước mặt mọi người họ vẫn kêu nhau bằng dì cháu. Hồi nhỏ hai người ở chung một nhà. Hai đứa bé sống cạnh nhau chơi giỡn với nhau như hai đứa con trai, như hai con vật nhỏ. Dần dần lớn lên chúng vẫn chơi với nhau như thế ở trong nhà chẳng ai quan tâm ngăn cản trò đùa nguy hiểm này. Cho đến tuổi dậy thì, có sự đòi hỏi thì cũng có những cuộc thí nghiệm đầu tiên, chúng nó tự khám phá rồi dấn sâu mãi vào. Cho đến khi dì Phượng lấy ông Bàng cả hai vẫn tiếp tục đi lại với nhau. Quán muốn gặp Phượng cứ kiếm cớ gì đó điện cho ông Bàng lên đồn điền. Ông này đi săn đều có Phượng đi theo. Những chuyến săn ngủ lại trong rừng hàng tuần lễ hai người tìm cách ân ái với nhau trong rừng già. Những chỗ đó thì đừng hòng tìm thấy họ. Những cuộc chung đụng giữa thiên nhiên hoang dã kiểu thú rừng nầy có sức thu hút mãnh liệt hai con người tràn trề sinh lực.
Phượng từ phòng tắm trần truồng khoác hờ cái khăn tắm mầu hồng bước ra. Buổi mai Buôn Ma Thuột lạnh lắm phải tắm nước nóng, người nàng hơi nước bốc lên mờ mờ. Phượng ngồi trước bàn phấn nhìn bóng mình trong gương, buồn. Buồn nhất là chiếc cằm thanh tú chẽ đôi ngày trước nay thịt đã đầy lên, cổ xuất hiện thêm cái ngấn thịt thứ hai làm cho cổ trông như ngắn hơn. Gò má nàng càng đầy ra và nặng nề thêm. Dưới mắt xuất hiện hai túi thịt làm cho cái nhìn trở nên u ám. Phượng nhủ thầm: Mấy năm nay ít vận động lại ăn nhiều, béo quá, với lại cũng đã bốn mươi mốt tuổi rồi, cái tuổi bắt đầu rối loạn, phát phì là phải. Thôi cố gắng kéo dài cái nhan sắc với những trò vui được thêm năm nào hay năm ấy rồi tu tỉnh cũng vừa. Phượng tô kem tô phấn lên mặt một lớp thực dày. Lúc này trông mặt nàng chẳng khác chiếc mặt nạ trong những tuồng cổ Nhật Bản. Có tiếng chân rón rén sau lưng, không nhìn Phượng cũng biết. Hắn từ sau bịt mắt nàng hỏi:
- Đố biết ai?
Phượng nói:
- Tay chân đầy mùi dầu mỡ, đừng làm hư phấn người ta mới tô!
Hắn cúi xuống áp mặt mình vào chiếc mặt nạ Nhật Bản đó rồi mở hai tay ra nói:
- Trông "dì cháu" có xứng đôi không?
Phượng vùng vẫy trách yêu:
- Thằng cháu mất dạy dám làm càn, coi chừng lão, cửa đóng chưa?
- Chưa, đóng làm gì cho lão nghi. Sương nhiều lắm, đứng nhà trên nhìn xuống đây giống như biển mây.
Phượng hỏi:
- Lão ta đâu?
- Người hùng của dì đang sửa soạn súng ống đạn dược cho cuộc đi săn của nhà triệu phú quý tộc. Ông ta trang bị từ đầu đến chân toàn ba cái thứ vũ khí của đàn bà trẻ con.
Ngẫm nghĩ một lúc Phượng hỏi:
- Lão I Đi làm gì? Sau lần chặt tay đó hắn có thù mình không?
- Lâu rồi lão cũng đã quên. Người Thượng mộc mạc lắm, họ không biết oán hận dai đâu, với lại tôi đã nói tội trộm đưa vào tù người ta chặt cả bàn tay chứ không phải chỉ chặt một ngón, lão tin. Lão nói lão không ăn cắp, lão nhặt được trong ống nước lúc súc bồn rửa mặt.
- Có thể lão nói đúng. Chắc là năm đó tôi rửa tay xà phòng trơn làm cho chiếc nhẫn rơi ra. Tội nghiệp, nhưng thôi đã lỡ rồi...
Quán cúi xuống:
- Cho "thơm" một cái rồi chuồn ngay.
Hắn hít mùi phấn hương trên cặp má đầy chất kem nhờn. Hắn hất nhẹ, chiếc khăn lông mầu hồng phấn rơi ra để lộ một thân thể đẫy đà, bụng dưới tròn trịa mỡ màng, toàn thân nàng mát rượi.
Phượng thét:
- Đừng làm ẩu, vào trong rừng hãy hay, ra mau!
Hắn đi ra Phượng kêu giật lại:
- Vào rừng dụ cho lão đi thật xa, làm gì thì làm.
Quán lên nhà trên, cười thầm, một ý nghĩ nham hiểm chợt bùng lên: Lần này cho lão ta cơ hội thử khẩu súng săn mới mua với hung thần của rừng già. Khẩu Uynsettơ thứ đồ chơi của đàn bà trẻ con này mà gặp phải con Min, con trâu rừng nặng cả tấn, đang bị thương, hung dữ đã giết biết bao tay thợ săn lành nghề rồi, kể như lão ta nộp mạng cho nó. Mấy tháng nay con trâu rừng này là nỗi kinh hoàng của dân thợ săn. Chắc nó vẫn còn trú ngự ở chỗ ấy.
Quán đi ra ngoài rồi Phượng đứng lên nhìn vóc dáng mình trong gương, nghĩ: hơi có nặng nề, nhưng còn đẹp chán! Nàng mặc quần tây đi rừng, khoác áo sơmi mầu đỏ rực như tiết gà, xỏ chân vào đôi ủng, xô cửa trở ra.
Bốn người lên xe. Quán lái, ông Bàng ngồi ghế trước, I Đi và Phượng ngồi băng sau. Mới sáu giờ, thành phố đầy mây. Buôn Ma Thuột vào những năm đầu thập kỷ sau mươi thành phố còn nhỏ lắm, dân cư thưa thớt, đầy nét hoang sơ, rừng già áp sát thành phố. Giữa phố phường và rừng già nhiệt đới chẳng có ranh giới rõ ràng gì cả. Có nhiều con đường mà bên này là phố xá đông đúc bên kia là rừng già với tất cả vẻ hoang vu, cổ thụ tầng tầng lớp lớp, dây leo quấn quanh chằng chịt như những con trăn mốc. Thực là một thành phố đúng tên gọi phố núi. Ra khỏi phố trời sáng nhờ nhờ. Lạnh lắm, mặt trời lên hay chưa chẳng ai biết, sương đục như nước vo gạo. Sương mờ mịt đến nỗi ngồi trên xe Landrover một loại xe chuyên đi rừng, nhìn xuống đất không thấy mặt đường. Xe chạy như bay trong mây. Quán mở đen pha thực sáng, ánh đèn chỉ xé được màn sương vài mét rồi sương mù đặc quánh nuốt mất ánh sáng. Quán nói:
- Không thấy gì cả. Không biết con đường nằm đâu, làm sao đi? I Đi xuống xe cầm đèn pin đi trước dò đường cho tao!
I Đi xuống xe, bóng lão mờ mờ như ma quái. Lão bước trong sương cầm đèn dốc về sau, ánh sáng vàng vọt như ma trơi. Nhưng tới đây thời tiết lạnh lùng của phố núi một lần nữa làm ra sự lạ trong chớp mắt. Gió rừng bỗng nhiên nổi dậy ào ào xô tan mây mù, lúc đầu lùa chúng xuống những thung lũng rồi thổi tan biến đi đâu mất. Mặt trời đột ngột chói lòa. Một cánh rừng hoa hướng dương dại bạt ngàn sáng bừng lên mầu vàng tươi thắm trong sắc nắng ngọt lịm. Rừng hướng dương dại này có người còn gọi là dã quỳ mênh mông, đang lái xe trên con đường đất đỏ, Quán bẻ quặt tay lái. Chiếc xe càn lên những bụi dã quỳ, xe mở ra một lối đi làm cho cây ngã rạp hai bên. Quán hỏi:
- Dượng thích săn gì tôi đưa đến?
- Săn nai. Tôi có hứa với mấy người bạn đem ngạc nai về cho họ nấu cao ban long.
Quán cười thầm về hình ảnh cặp sừng. Hắn quay lại sau bắt gặp cái cười của Phượng cũng in hệt hắn. Quán nói:
- Được rồi, chúng ta sẽ tới đầm lầy cắm trại ven hồ. Mấy người Thượng có cho tôi biết nửa khuya, lúc gần sáng có hai con nai, chà to như con bò, cặp sừng giương lên như cả bụi cây nứt ra tới bảy nhánh thường đến đây uống nước. Dượng có cơ hội để thử súng.
Ông Bàng nói:
- Yên trí, loại này không nổ chứ nổ thì có thịt!
Quán là tay chuyên nghiệp, hắn rất sành địa thế vùng này. Đang lái xe trong rừng bạt ngàn hắn vẫn tìm ra cái đầm lầy khổng lồ, một nơi đất trũng, chung quanh đồi tranh bao bọc. Mùa mưa nơi đây đầy nước, vịt trời, chim nước rất nhiều. Mùa nắng, hồ cạn, giữa hồ còn đọng lại vài vũng nước là nơi thú rừng tìm đến giải khát và đầm mình. Cây cối chung quanh đấy lúc nào cũng xanh tươi. Cỏ trên mấy ngọn đồi quanh đầm chỉ mọc tốt trong mùa mưa, qua mầu nắng kéo dài tới sáu tháng không một giọt nước, tất cả đều héo hon. Một mồi lửa cũng có thể biến ngọn đồi thành biển lửa. Quán hiểu được vì sao trên những ngọn đồi thoai thoải ở cao nguyên chỉ có cỏ tranh ngoài ra không một loại cây nào mọc được. Thiên nhiên khắc nghiệt đào thải tất cả chỉ chừa lại loài cỏ tranh. Trong nửa năm khô hạn chúng sống tiềm sinh, chỉ có bộ rễ còn chứa mầm sống. Ngọn lửa mùa hạ đốt cháy phần lá để lại lớp tro tàn là lớp phân bón hảo hạng và khi mùa mưa tới đánh thức mầm sống dậy, đọt tranh trồi lên như những mũi kim nhọn. Nơi đây quyến rũ loài hươu nai, chúng ăn mầm tranh mới nhú và liếm chất tro có vị mặn, xong xuống hồ uống nước. Có khi chúng rủ nhau lội cả bầy sang bên kia hồ. Chỗ này thu hút những loài thú ăn thịt. Nơi đây là chỗ săn bắn lý tưởng. Thời đó ít ai bắn nai. Thịt nai nhiều lắm bán như cho cũng chẳng ai mua, họ chỉ mua để làm nai khô đem nơi khác bán. Người ta bắn nai chỉ cốt lấy sừng nấu cao.
Riêng bầy trâu rừng không ở đây. Vùng cư trú chính của chúng ta là Đức Lập nằm sát biên giới Việt Miên. Huyện Đức Lập là một khu rừng mưa nguyên sinh tiêu biểu nhất cho rừng nhiệt đới. Nơi đây có lẽ là địa phương lạnh lẽo nhất nước, nơi cư trú của loài Min. Người mình, người Thượng ít ai dám bắn chúng, chỉ có vài nhà săn người Pháp, nhưng đã có người bỏ mạng.
Quán không hiểu tại sao con Min hung dữ này lại bỏ Đức Lập xuống Buôn Ma Thuột. Đây là một hiện tượng lạ của núi rừng, hoặc nó bị thương, bị bệnh và bị bầy đàn xua đuổi hay là đi tìm kẻ thù gây thương tích cho mình. Những con thú kiểu này cực kỳ hung dữ và nguy hiểm. Hắn đã chuẩn bị hơn mười viên đạn thép cưa đầu để phòng thân. Nhưng viên đạn nguy hiểm đầu tiên hắn dành cho ông Bàng với khẩu súng sang trọng của ông ta.
Họ dừng xe hạ trại. Tây Nguyên có một thứ thời tiết rất lạ. Đêm nào trời rét, sáng dậy mây mù nhiều thì ngày hôm đó nắng gay gắt. Nắng và rét xen kẽ nhau cộng với thứ gió khô làm cho da dẻ đàn bà trẻ con lúc đầu hồng lên sau thì rạn nứt nẻ cả. Đi chuyến này họ mang theo nhiều đồ hộp, gạo thịt chuẩn bị cho một mùa săn lâu dài. Trong khi ông Bàng cho xem xét vũ khí, lão I Đi lo cơm nước thì Quán vào rừng tìm vết chân thú, kỳ thực hắn và Phượng hẹn hò nhau. ở trong rừng đừng hòng tìm ra họ. Họ yêu nhau trên thảm lá mục, trong bụi rậm mạnh bạo hoang rợ chẳng khác gì dã thú.
Quán hiểu rất rõ tập tính của từng loại thú rừng. Hắn biết loài Min chỉ xuống dầm mình vào lúc gần sáng khi mặt trời chưa lên, lúc này con vật cảm thấy an toàn nhất. Nó cần chuẩn bị toàn thân một chút bùn dầy để ngày hôm sau chống lại lũ côn trùng. Hắn phân công và dành cơ hội nguy hiểm chết người cho ông Bàng. Quán nói:
- Tôi thức canh từ đầu hôm tới nửa đêm, dượng từ nửa đêm về sáng.
Ông Bàng đồng ý. Hắn ôm súng ra cạnh bờ hồ. Đêm xuống, không khí ướt đẫm lạnh dần, muỗi rừng vo ve, hắn cóp sẵn thuốc thoa vào người chống muỗi. Hắn chợt nghĩ mọi thằng đàn ông, lão Bàng hay bất cứ thằng nào, hễ rơi vào khung cảnh lạ, nhất là những đêm trong rừng như thế này thế nào cũng nổi cơn thèm đàn bà. Sẵn có vợ lão đó thì giờ này thế nào cũng xảy ra chuyện ái ân. Thế nào lão Bàng cũng tống I Đi ra rừng ngủ. Tưởng tượng tới cảnh đó Quán phát điên. Sau hắn lại tự trách: Tại sao trưa qua mình không dặn Phượng trước, đàn bà chúng có trăm nghìn phương kế để thoái thác khi họ không thích. Song, hắn lại tự cười mình. Mình là thứ trộm cắp làm sao cấm chủ nhà dùng đồ đạc của nó?
Nai, heo rừng, chồn, cáo và rất nhiều con vật khác xuống hồ kiếm nước, có con chịu nhìn đèn, một số Quán đã nhận ra, một số không biết vì mỗi loài thú đều có cặp mắt ánh lên sắc mầu khác nhau trong ánh đèn săn. Quán không nổ một phát súng nào. Hắn sợ tiếng súng xua đuổi con Min. Hắn xem mặt đồng hồ dạ quang, đã ba giờ sáng. Hắn cúp súng trở về. Hắn vén mép lều lên thấy hai thân thể trần truồng quấn lấy nhau, hắn thấy mình nghĩ không sai. Hắn lui ra đánh tiếng:
- Ba giờ rồi, đến phiên dượng.
Ông Bàng hỏi:
- Có con gì không?
- Không, xui quá, chẳng có con gì. Tới phiên dượng chắc là có, vì ông bà ta có nói: "nhứt chạng vạng, nhì rạng đông" là giờ thú rừng hoạt động mạnh nhất. Sắp sáng rồi chúng thường tìm uống nước thật no dành cho một ngày hoạt động. Thôi, tôi ra rừng ngủ đây, dượng nhớ gặp con gì cũng bắn để ngày mai có thịt tươi.
Quán giả vờ ôm chăn gối ra rừng. Khi trông thấy ánh đèn săn của ông Bàng đã khuất xa hắn trở vào lều. Hắn tung chăn thấy Phượng vẫn còn trần truồng, người nàng rất ấm, hắn ghì lấy hôn tới tấp, Phượng la: "Mạnh quá làm người ta đau!". Hắn rít: "Đồ chó cái, bao nhiêu cũng không đủ, chiều nay no rồi tưởng thôi, tại sao lại còn chịu cho lão?". Phượng nói: "Làm sao từ chối được, từ chối lão nghi". Quán thấy ăn nằm với người đàn bà vừa trải qua cuộc yêu đương với thằng đàn ông khác lại có cái gì vừa nhờm tởm, vừa quyến rũ.
Gần sáng sương mù như rây bột xuống khu rừng mặt hồ. Sương mù càng lúc càng dày. Lão Bàng ngồi một lúc thấy lạnh và thèm thuốc nhưng không dám hút sợ khói thuốc xua đuổi thú rừng. Lão nghe có tiếng chân thình thịch, một thứ âm thanh rất nặng nề, rồi tiếng ọc ạch bàn chân cắm vào bùn, kế đó là tiếng bì bõm, lão biết con thú đã lội tới nước. Lão bật đèn săn đưa ánh sáng lướt qua lướt lại trên hồ, căng mắt ra nhìn, mặt hồ mờ sương như nước sôi bốc khói. Lão nghe tiếng con vật thở phì phò giống mấy con trâu tắm trong ao làng. Lão tập trung ánh sáng vào chỗ ấy chỉ thấy một vùng sương xao động. Thấp thoáng có mảng đen bóng hiện ra rồi mất đi, tiếng con vật khịt mũi thở phì phò. Ông Bàng hướng mũi súng vào nơi đó, nghĩ: Con gì thì con cũng bắn. Ai lại thức cả đêm trở về tay không? Với khẩu Uynséttơ này thì con gì mà không nộp mạng, trong một tích tắc lão thấy cặp sừng bóng loáng thoáng qua, lão bóp cò.
Trong sương lạnh, không khí đậm đặc hơn, tiếng nổ cũng đậm và nó như bị nén chặt lại vỡ tung xé màn đêm. Sau tiếng nổ có tiếng nước xao động. Một âm thanh có gì đó giống như tiếng hộc, tiếng con thú ngã xuống một cách nặng nề. Rồi tất cả yên lặng. Lão nghĩ, chết rồi, ngày mai dùng dây lôi lên. Thôi trở về ngủ thêm giấc nữa.
Quán và Phượng nghe tiếng nổ. Mỗi người nghĩ một cách. Quán nghĩ chỉ có một phát chắc chắn không giết được con thú, may ra nó không bị thương và đã bỏ chạy, còn rủi làm cho nó bị thương thì thế nào nó cũng đã trừng trị kẻ thù. Giờ này lão có thể trở thành đống thịt nát nhừ. Phượng lo sợ ông Bàng sắp về, nàng hối: "Thôi đủ rồi, cuốn gói ra ngoài nhanh lên đi, lão sắp về..." Vài phút sau Phượng rủ: "Anh với tôi đi xem đi?" Quán nói: "Không được, chưa biết sự thể ra sao, nguy hiểm lắm, đợi sáng". Có ánh đèn săn lấp lóa. Quán thất vọng, hóa ra lão ta còn sống. Ông Bàng mừng rỡ khoe: "Hạ rồi, nhưng không biết là con gì, chắc to lắm, trời sáng sai lão I Đi lội xuống nước dòng dây lôi vào. Thôi gần sáng rồi thức lão dậy nấu nước pha cà-phê".
Lúc này sáu giờ sáng, trời đầy sương, người đứng cách nhau ba bốn mét không thấy, tất cả núi rừng nhờ nhờ, một mầu sữa đục lạnh lẽo. Trong rừng có thứ sương lạ, mầu nó phớt xanh và hình như nặng hơn nên chìm xuống đất quấn quít trong từng bụi cây. Người đi rừng gọi là hơi đá. Hơi đá lạnh lẽo rờn xanh có mùi ngai ngái lá mục và mùi khó chịu của loài nấm chó. Người ta nói sơn lam chướng khí là thứ này đây.
Lão I Đi nhóm lửa, lão chợt dừng tay nghe ngóng. Lỗ tai người rừng của lão thính hơn, lão nghe thấy tiếng động bất thường, cả phút sau ba con người thành thị mới nhận ra tiếng nện chân thình thịch trên mặt đất. Gió rừng nổi lên và sương bắt đầu tan. Quán chạy vào rừng lấy súng lên đạn lách cách, hối:
- Dậy, nhanh lên, cầm lấy vũ khí!
- Chuyện gì?
- Không phải nai, dượng bắn nhầm con Min, hung thần của núi rừng, nó đang tìm tới đây. Gió đã thổi sương tan chắc chắn thế nào nó cũng tìm ra chúng mình.
Ông Bàng:
- Sợ gì, nó không chết cũng bị trọng thương.
Bây giờ Quán mới nói thật:
- Đạn chì không giết được nó đâu. Phải bắn vỡ xương sọ của nó bằng đạn thép cưa đầu. Mấy hòn đạn chì của dượng chạm vào cái sọ cứng như đá của con Min giống như đất sét nhồi nhão ném vào đá.
Ông Bàng vẫn nói giọng cả tin:
- Cứ để nó đó cho tôi, lên xe hết đi.
Quán nghĩ, à lão nầy tới số. Quán thét bảo I Đi dập tắt lửa, sợ con thú theo mùi khói. Quán lên xe, Phượng và I Đi theo bỏ lại tất cả đồ đạc. Ông Bàng không chịu lên xe. Ông cầm khẩu Uynséttơ tựa lưng vào thân cây dạng hai chân hướng mũi súng tới trước, tư thế người hùng, ra lệnh: "Các người sợ cứ lái xe chạy nhanh đi!". Xe chưa kịp chạy thì con thú xuất hiện. Trong sương mờ con Min hiện ra như một ác quỷ. Người nó bám đầy bùn đất rong rêu, máu và nước chảy ròng ròng. Con vật to kinh khủng, nó hiện ra bất ngờ như bóng ma. Đuôi nó dựng ngược, đầu ngước lên đánh hơi, nó đã thấy kẻ thù. Loài thú rừng có một tập tính, một nghi lễ thiêng liêng man dã trước cuộc chiến đấu sinh tử lần cuối, nó cúi mình, chân trước cào đất văng tung tóe ra sau uy hiếp kẻ thù. Ông Bàng nâng súng lên nhắm. Quán hét: "Bắn nhanh rồi chuồn!". Ông Bàng bóp cò. Mấy viên đạn chì chỉ làm cho con Min rùng mình lùi lại một bước rồi lao tới. Ông Bàng quăng súng bỏ chạy, nhờ sương mù, con trâu mất dấu. Nó quay lại chiếc xe. Quán sợ hãi cuống cuồng cho xe nổ máy nhưng vẫn không vào số được. Chiếc xe không chịu nhúc nhích. Con Min lao tới, sức mạnh khủng khiếp như tảng đá lăn xuống dốc hất tung chiếc xe, cả ba văng ra ngoài. Quán nhanh chân phóng vào rừng. Hai người hùng trong giây phút nguy ngập đã bỏ trốn cả; Phượng lồm cồm bò dậy. Cái áo sơ mi mà đỏ chói của nàng giờ đây như hút lấy cặp mắt con thú. Con Min đã khuỵu hai chân trước, vẫn cố lấy tàn lực đứng lên. Lão I Đi kịp vớ lấy khẩu garăng, không chậm một giây lão nhào tới che chắn cho Phượng. Lão run rẩy khó khăn lắm mới cho ngón tay giữa vào cò súng đúng lúc đó cặp sừng nhọn hoắt xô tới cùng với tiếng nổ nghẹn lại vì bắn như kề vào sát sọ con thú. Cái khối thịt đen đầy bùn đất bị viên đạn thép cưa đầu tống lui, chặn đứng, nhận chìm nó xuống. Con thú quỳ hai chân trước giống như phủ phục trước vị sơn thần. Đầu nó vỡ toang, xương sọ văng nhiều mảnh, óc trộn máu thành một thứ giống như bã đậu trộn với nước sốt cà chua văng đầy áo sơ mi mầu đỏ của Phượng. Nếu ngón tay bóp cò không bị chặt đứt có thể lão I Đi đã hạ con thú trước đó vài mét rồi...
Mặt trời lại mọc, gió rừng thức dậy xua tan sương mù, trời sáng rõ ràng. Lão I Đi bị xô ngã văng xa nằm sõng soài trên thảm lá khô. Cả ba người kéo lại. Quán quỳ xuống nghe tiếng tim lão và tiếng thở réo sôi trong lồng ngực. Quán cởi nút áo, trước ngực lão một lỗ sâu hoắm từ trong trào ra từng đợt từng đợt một thứ không phải là máu, nó giống như bọt xà phòng mầu hồng vương những dây máu. Người ta biết sừng con Min đâm thủng phổi lão, máu trộn với không khí thành bọt tuôn trào từng đợt theo nhịp thở. Lão muốn nói điều gì đó nhưng không mở miệng được. Lão còn sống. Lão sống và thở phòi phọp không phải bằng mũi mà là bằng cái lỗ trong ngực. Người ta đỡ lão lên xe. Khi xe chạy tới trước cửa phòng cấp cứu bệnh viện tỉnh thì chất bọt ngưng trào. Lão chết.
Hôm đem lão đi chôn, không hiểu nghe tin ở đâu già làng đã tới. Già làng tóc bạc phơ, ốm nhom, ở trần, đóng khố, da lưng mốc thếch nhăn nheo như da voi. Già làng ngồi xuống cạnh huyệt, móc trong người ra một khúc gỗ cà te nhỏ đẽo theo hình ngón tay rất giống. Ngón tay gỗ có ba đốt và cả móng. Già làng nói:
- Thằng I Đi nó không biết cầm cái rựa đốn cây phát rẫy, nó không biết chọc lỗ gieo hạt. Nó không biết xuống khe bắt cá, lên rừng hái trái, tuốt lúa giã gạo. "Giàng" sinh ra hắn để hắn lên rừng bắn con beo con cọp hung dữ xuống làng bắt trâu dê, bắt cả người. "Giàng" cho hắn cái ngón tay bóp cò bây giờ mất rồi hắn xuống dưới đất lấy gì mà sống? Lão cúng cho hắn cái ngón tay nầy...
Mấy người chuyền tay nhau ngón tay bóp cò bằng gỗ, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Người ta trao ngón tay cho Phượng. Nàng run rẩy cầm lấy và tháo chiếc nhẫn vàng đeo vào ngón tay gỗ ném xuống huyệt cùng với những nắm đất dần dần lấp đầy.

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) MỘT ĐÁM VÀO NGÔI

Nhà bác Cả Mão mọi ngày thường im phăng phắc, hôm nay  bỗng nhiên linh đình như đám giỗ nhỏ. Dưới cầu ao, hai người đàn  ông lực lưỡng đang châu đầu trên chiếc rổ thưa, tỉ mỉ nhổ từng sợi  lông tơ cho một con gà trong rổ. Trên bờ ao, một con chó xồm bị  trói bốn chân, nhe răng nằm trên vũng máu lênh láng. Cạnh nó,  một nồi nước sôi khói bốc nghi ngút và bốn năm người, cũng hạng  đàn ông lực lưỡng, kẻ cầm gáo múc nước, người cầm dao sắp sửa  cạo lông. Từ cổng đến thềm, tấp nập những người đi lại. Tôi mới  nhô vào đến sân, bác Cả lật đật chạy ra đón lên nhà trên với một  bộ điệu vui vẻ. Ở gian bên kia, độ bảy tám ông ngổn ngang nằm  vây một chiếc khay đèn thuốc phiện. Với những cặp môi thâm xịt  và dài vều, và những chiếc quần cháo lòng, áo ba-đờ-xuá rách lòi  khố tải, các ông ấy như muốn bảo cho tôi biết đây toàn là hạng kỳ  dịch kiêm tín đồ của đức chúa Phù dung. Dãy phản bên này, hai  bàn tổ tôm kế nhau. Bàn trong vang những tiếng ăn, tiếng phỗng,  bàn ngoài đương ỏm tỏi cãi nhau về sự đánh thấp đánh cao. Chủ  nhân lễ phép mời tôi vào ngồi trong chiếc tràng kỷ kê ở gian giữa,  đối mặt với tòa bàn thờ hương khói vắng tanh. Mấy ông trong bàn  tổ tôm thi nhau nhìn tôi bằng nửa con mắt trông nghiêng, giữa khi  vài ông ở bàn thuốc phiện lần lượt ngóc cổ như đàn rắn lửa. Rồi thì  ai nấy lại cùng theo đuổi công việc của họ, người hút cứ hút, người  đánh bài cứ đánh bài.

- Ông có lòng đến đây mừng cho nhà cháu, thật là quý hóa!  Xin mời ông xơi tạm chén nước.

Bác Cả Mão đương một tay gãi tai, một tay bưng chén chè nụ  đặt trước mặt tôi, bên bàn tổ tôm bỗng có tiếng gọi:

- Anh Cả đâu! Cho mượn hai đồng đánh thêm hội nữa. Đen  quá, cả hội chẳng ù ván nào!

Bằng một tiếng vâng đầy giọng thành tâm, bác Cả Mão nhanh nhẩu chạy xuống nhà dưới, để tôi ngồi đó với bác Hai Thìn,  một người em ruột bác ấy. Thơ thẩn chưa biết nên nói chuyện gì,  tôi có dịp nghĩ đến cái câu của bác Cả Mão mới nói. Với bác, tôi chỉ  là người trọ học ở nhà láng giềng. Vì năng gặp bác, thành ra quen  biết. Hôm nay là ngày "vào ngôi" cho thằng con bác mới đẻ được ba  tháng nay, bác vẫn mến tôi nên cố mời tôi sang chơi. Ở làng khác,  vào ngôi chỉ là một lệ rất thường, người ta phí tổn độ vài ba chục,  hay vài ba trăm quả cau là xong. Sao trong đám này lại có cỗ bàn  linh đình, và sao ở trước mặt khách, ông chủ lại nói đến câu "mừng cho nhà cháu"? Hay là riêng với làng này, vào ngôi là một  việc hỷ? Nếu vậy, có lẽ mình phải mất một món tiền mừng. óc tôi  còn đương vẩn vơ, bác Cả Mão đã ở nhà dưới chạy lên. Cung kính  trao hai đồng bạc cho một ông trong bàn tổ tôm, bác ấy tung tăng  ra sân, khiến tôi không kịp nói chuyện. Dưới bếp, có tiếng dao thớt  ký cốc, mùi xôi ngào ngạt đưa lên nhà trên. Một ông trong đám  thuốc phiện dõng dạc cất cái giọng khàn khàn:

- Anh Cả đâu! Lên đây tôi bảo!

Một tiếng dạ lớn, bác Cả Mão từ sân vào thềm, rồi khoanh  tay đứng tựa vào cột:

- Bẩm cụ dạy gì con ạ? - Trưa lắm rồi đấy! Liệu mà giục bảo chúng nó sắp đồ lễ mau  lên! Rồi anh phải thân hành đến mời cụ Điền lại chơi, kẻo cụ lại  ăn cơm nhà.

Lại một tiếng dạ rất lễ phép, bác Cả rón rén lui ra. Tiện dịp,  tôi bảo bác ngồi xuống chỗ tôi ngồi và móc ví lấy một đồng bạc  mừng bác. Nhưng bác khăng khăng từ chối, nói rằng việc này  không có lệ mừng. Ngoài thềm có tiếng lẻng kẻng. Một người xách  chiếc mâm đồng sáng choang đặt lên cái bàn ở trước mặt tôi. Rồi  một người khác để luôn thúng xôi vào đó. Bác Cả Mão núc hai bàn  tay như thầy phù thủy bắt quyết và nói với tôi:

- Bên này chật quá, mời ông sang nhà chú cháu. Ông nhạc  tôi cũng ở bên ấy. May quá, tôi đang muốn tránh cái bầu không khí khó chịu. Nghe lời chủ nhân, tôi liền theo bác Hai Thìn đi luôn. Nhà này cũng thấy lố nhố những người, nhưng toàn là người  tôi quen. Qua một tuần trà, bác Hai Thìn nhìn tôi và nói bằng giọng sung sướng:

- Anh tôi lo công việc này cho cháu tất cả cũng hết đến trăm  rưỡi bạc. Ấy là chúng tôi khôn khéo, xoay xở thì việc mới xong,  người khác ở vào địa vị chúng tôi, dù có mấy trăm, vị tất đã lo nổi!  Câu nói của bác khiến tôi hết sức ngạc nhiên:

- Sao nhà các ông hoang quá như vậy? Tôi thấy người ta "vào  ngôi" cho con chỉ tốn độ vài đồng bạc là cùng!

Bác Hai xua tay và nói bằng giọng thì thầm:

- Nào có phải hoang! Ông tính ở đời ai muốn mất tiền! Đó là  sự bất đắc dĩ. Nói giấu gì ông, nhà tôi không phải gốc gác ở làng  này. Ông thân chúng tôi ở vùng Nam lên đây sinh cơ lập nghiệp,  rồi mới đẻ ra anh tôi và tôi. Thế là tới ở làng này, nhà tôi mới ở có  hai đời. Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư ba đời mới được  "thành tổ". Nghĩa là được ngang hàng với mọi người khác. "Làng  này lại ngặt hơn nữa, từ xưa đến giờ họ không cho một người  ngoài nào nhập bạ. Vì thế, anh tôi và tôi cũng như ông thân chúng  tôi, đều không có ngôi ở đình. "Chắc ông cũng biết ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã. Những lúc tứ quý kỳ phúc,  người ta thì phần ăn, phần gói, mình thì chẳng có miếng gì. Những lúc hội hè, đình đám, người ta rước cờ, rước quạt, mình chỉ  đóng vai khiêng chiêng. Như thế cũng đã khổ rồi. Hơn nữa, lỡ có  cha già mẹ héo, làng giáp có chôn cho đâu! Chính lúc ông thân bà  thân chúng tôi qua đời, anh em tôi đều phải nhờ cậy hàng xóm  khiêng giúp. Rồi khi xong việc, chúng tôi muốn theo mọi người nộp  lệ cho làng con trâu, họ cũng không thèm nhận cho. Cái đó mới cực  cho chứ!

- Người ta không nhận thì càng khỏi mất. Việc gì mà cực! Tôi mỉm cười và đáp một câu khôi hài như vậy. Bác Hai vẫn  nói một cách thật thà:

- Thế được còn nói gì nữa! Anh em chúng tôi, trời cho trong  nhà cũng đủ bát ăn, mỗi người cũng có được con trâu cày và dăm  mẫu ruộng. Thế mà không thể nộp được lệ làng cho cha và mẹ, tức  là tiếng xấu để đời... Mỗi khi nghĩ lại những nông nỗi ấy, anh tôi  và tôi tức chết người đi được. Trước đây, chúng tôi đã cố luồn lọt mấy ông đàn anh, để xin nhập bạ, nhưng mà bấy giờ hãy còn cụ  Bá, cụ ấy nghiệt lắm, nhất định bảo nhà tôi đến ở làng này chưa  được ba đời, không thể nhận lời. Chúng tôi đành phải cắn răng mà  chịu. Bởi vậy lần này anh tôi sinh được mụn cháu, lại may gặp lúc  cụ Bá đã mất, chúng tôi phải cố vào ngôi cho nó.

- Nhưng mà các ông tiêu những món gì mà hết đến hơn trăm bạc?

Bác Hai càng hạ giọng xuống, sau khi liếc mắt ngó qua những người chung quanh:

- Ông bảo những công việc ấy, nói bằng miệng không được ư?  Phải mất tiền cả đấy! Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai  chục, cụ lý trưởng mười lăm đồng, ông phó lý và ông phó hội mỗi  người mười hai đồng, thư ký, trưởng bạ, mỗi người mười đồng, hương trưởng, lý cựu, tộc biểu, trương tuần mỗi người năm đồng.  Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ  chiều hôm qua đến giờ...

- Nếu đã mất tiền cho họ thì thôi cái bữa ăn uống có được  không? Bày vẽ làm gì cho tốn?

Bác Hai lắc đầu: - Không được ông ạ! Ở chốn thôn quê, ăn uống là sự đầu tiên.  Muốn gì thì gì, hễ không có ăn thì việc không thành. Lúc trước,  anh tôi cũng nghĩ như ông, đã định chước sự ăn uống vì đã rắc tiền  khắp mặt chức dịch. Nhưng ông chánh hội không nghe. Ông ấy nói  rằng thế nào cũng phải đấm miệng cho các bô lão, và bọn trai đinh  bò bướu một bữa. Nếu không họ sẽ phá ngang, tất nhiên sẽ có cản  trở.

Trước mặt có người đi qua, bác Hai ngừng lại một lát chờ cho  người ấy đi khỏi, rồi tiếp:

- Một bữa ăn này, ít ra anh tôi cũng phải tiêu đến năm, sáu  chục đồng. Vì kiêng tiếng làm thịt lợn, sợ rằng làng nước cho là  hứng mỡ, nên mới đi chợ mua thịt. Sự thực, mua thịt lại quá giết  lợn. Sáng ngày đi lấy vừa lòng lợn vừa thịt lợn tất cả mười một  đồng bạc, đáng lẽ cũng đủ chàn chát, nhưng cụ chưởng lễ thích ăn  thịt cầy, nên ông lý trưởng bắt phải giết thêm con cầy. Chẳng nhẽ  mời dân mời làng ăn uống trong nhà, ngoài đình lại không có gì.  Bởi thế chúng tôi phải sửa cỗ xôi, con gà để ra lễ thờ. Bấy nhiêu  món hết ngót hai chục rồi. Còn tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đốn họ đánh tổ tôm. Ông đã biết rõ, mọi khi làng tôi có  ai dám đánh "góp một"? Lớn lắm chỉ "góp năm hào". Hôm nay vì  tiền nhà chủ bỏ ra, được thì ăn, thua không phải trả, nên họ hò  nhau đánh góp hai đồng. Rồi đấy ông xem, đến lúc đứng dậy, ai  cũng thu hết, anh tôi đưa ra bao nhiêu mất hút bấy nhiêu, chẳng  lấy lại được đồng nào hết... Lúc nãy tôi nói trăm rưỡi, còn là hà  tiện, xong việc có lẽ hết hơn, chứ bấy nhiêu tiền không thể nào đủ. 

Bác Hai còn muốn nói nữa. Bên nhà bác Cả chợt nghe có  tiếng ầm ầm, bác ấy lật đật xin lỗi đứng dậy:

- Mời ông ngồi chơi với các cụ tôi. Tôi phải chạy sang bên kia.  Làng đã vào rồi!

Tiếng ầm ầm bên nhà bác Cả mỗi lúc một to, trước còn cười  nói, sau đến quát tháo, cuối cùng thì đến những tiếng mách tục  mách qué. Lâu lâu cuộc xô xát lại dữ dội thêm, bác Hai Thìn hốt  hoảng chạy về, vừa thở vừa nói:

- Khổ quá, mấy ông bô lão lại còn bẻ vành bẻ vẻ, nhất định  nói rằng: hương ước không có chỗ nào nói cho người ngoài vào ngôi. Cụ Điền hết sức giàn xếp không được. Ông chánh hội và ông  lý trưởng bảo anh tôi phải chồng hai chục đồng bạc -tiền ngay cốc  cộc - để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên. Thôi thế cũng còn là  may.

Cuộc ăn uống kéo dài mãi đến gần tối, nhưng không xảy ra  sự gì nữa. Cách ba bữa sau, bác Cả Mão sang nhà tôi trọ, dạm bán  cho ông chủ nhà một mẫu hai ruộng, lấy trăm đồng bạc để trang  công nợ. Vui vẻ bác khoe với tôi:

- Tất cả, tôi lo hết gần hai trăm. Của nhà có non một trăm,  còn thì đều phải đi vay. Nhưng tôi cũng lấy làm hả. Từ nay trở đi,  cháu đã có ngôi đình, chúng tôi sẽ được ăn miếng thịt phần việc  làng của nó!...