Chủ Nhật, tháng 11 25

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) nén hương sau khi chết

Từ hôm làng bàn chữa lại tam quan đến nay, hôm nào ông  chủ nhà tôi cũng bận tiếp khách, bỏ cả công việc. Thằng ở đã phải  càu nhàu, bà chủ đã phải lườm nguýt, mấy con chó dé nhăng nhắc  sủa không dứt tiếng. Hôm nay cũng vậy, những ông kỳ dịch hương  hội vừa ra, bà lão răng móm đầu bạc đã vào. Người ta nói chuyện  với nhau ở trên nhà thờ. Hình như câu chuyện cũng không cần bí  mật. Biết là việc riêng của họ, tôi không có ý nghe ngóng làm gì,  nhưng cái lỗ tai vô tình thỉnh thoảng lại bị lọt vào những câu như  vầy:

- Sức tôi chỉ lo được thế, trăm sự nhờ ông giúp tôi.

- Tôi vẫn hết sức giúp cụ, nhưng ông Điển lễ nhất định không nghe, không lẽ tôi làm phù thủy lại hù gà nhà! 

Tan một hồi tiếng to, tiếng nhỏ, bà lão lững thững chống gậy  trở ra, ông chủ nhà tung tăng đi xuống nhà học với một nụ cười  đắc chí:

- Ở nhà quê, giàu mà lép vế nghĩ cũng khổ thật ông ạ! Tôi  chưa nói sao, ông ta liền hỏi:

- Chắc ông không biết bà lão mới rồi là ai? Và ông ấy lại  giảng:

- Đó là bà Tư Tỵ, thím thằng cả Thân ở xóm dưới. Bà ta góa  chồng từ thuở ngoài hai mươi tuổi. Lúc chồng chết đi, trong nhà  không có hột gì. Chỉ nhờ có chiếc đòn gánh với hai bàn tay, thế mà  trong mấy chục năm, bà ấy tậu được hơn bốn mẫu ruộng, làm được  năm gian nhà ngói, còn tiền cho vay không kể. Làng tôi ai cũng phải phục bà ta có tài làm giàu. Vừa nói, ông ấy vừa ghé vào chỗ  tôi ngồi và tiếp:

- Nhưng mà họ giàu là phải. Ông tính quanh năm khách khứa không có, sưu thuế không mất, làm gì mà chẳng giàu? Nếu  mình mà được như họ, có lẽ còn giàu bằng hai. Tuy vậy giàu như  bà này, cũng chỉ là cái thân tội...

Ngừng lại để vê một mồi thuốc lào, rồi như sợ tôi cướp lời,  ông ta kể luôn một mạch:

- Bà ấy không có con trai. Lúc trước chỉ được một đứa con  gái, nhưng sau nó lại chết mất. Vậy mà bà ta hà tiện rõ "vắt cổ  chày ra nước". Suốt đời cơm ăn với muối, bữa nào hoang lắm mới  dám mua một mớ rau. Tháng năm tháng mười cũng như tháng ba  tháng tám, nếu không độn khoai, thì độn ngô, chẳng bao giờ nấu  cơm toàn gạo. Những năm gạo đắt, thường chỉ ăn khoai ăn ngô trừ  cơm. Thế nhưng nhiều lúc vẫn phải đổ đi hàng trăm, hàng chục.  "Là vì ông lý ông phó làng tôi, đều tay ghê gớm. Thấy bà ta có, nay  người này hỏi vay vài chục, mai người kia hỏi vay vài chục. Cho họ  vay, ấy là mất hút, chớ có bao giờ họ trả. Nhưng nếu không cho họ  vay, họ sẽ bới bèo ra bọ, khó mà yên lành với họ. 

"Bà ta cũng đã chịu khó luồn lọt. Nội các đàn anh trong làng,  nhà nào có giỗ có chạp, hay có cưới xin khao khoán, dù không mời,  bà ta cũng đến, với một món đồ lễ: đám nhỏ vài chai rượu, đám lớn  thì vài đồng bạc. Những lúc làng có công việc, ví như chữa đình,  chữa chùa chẳng hạn, bà ta đều có xuất tiền công đức, không tuần  chay nào không mất nước mắt. Vậy mà các ông hào lý vẫn không  tha cho, hễ gặp dịp bóp được là họ cứ bóp.

Tôi hơi ngạc nhiên và hỏi: - Bà ấy không có họ hàng nào ư? Cớ sao người ta chịu để  người ngoài ăn hiếp mãi người trong họ như vậy?

- Họ hàng xa cả, chỉ có cả Thân là gần, chính nó được ăn  thừa tự bà ấy. Nhưng mà thằng ấy tệ lắm, nó cũng đục khoét bà ta  như mọt. Năm trước thua bạc, nó đã bán của bà ấy mất hơn mẫu  ruộng, bà ta cũng phải cắn răng mà chịu. Nhiều lúc nó còn thông  với các ông hào lý kiếm cớ mà xoay bà ta. Cái việc bây giờ cũng là  ở nó mà ra, chứ ai!

Nói đến đây, như đã dứt mạch, ông ấy thông điếu đặt thuốc,  hút một hơi dài. Rồi lại tiếp tục:

- Hiện nay bà ấy đương xin đặt hậu ở làng. Việc này, kỳ thủy  không phải tự ý bà ta. Vì thằng cả Thân, thấy thím còn vài mẫu  ruộng và mấy gian nhà, nó muốn bán nốt, nhưng trong làng chẳng  có ai mua, hắn mới bàn với ông Điển xui cho bà ta đặt hậu, nếu  việc xong, ông Điển phải chia cho nó một nửa số tiền. Ông kia bằng lòng. Nó liền về nhà tán với bà cụ thế này: đáng lẽ, sau khi  bà ấy trăm tuổi, bao nhiêu gia tài sẽ về nó cả. Nhưng nó có tính  chơi bời, sợ rằng không thể giữ được. Muốn cho chắc chắn, bây giờ  đem một phần ruộng mà giao cho làng, sau này làng sẽ cúng giỗ  cúng tết bà ấy mãi mãi. Bà ta nghe cũng bùi tai, liền bảo nó đi nói  với các ông kỳ dịch xin nộp một mẫu ruộng để làm ruộng hậu, một  trăm bạc để làng sung công, và sửa con lợn cỗ xôi, trước lễ thánh,  sau kính làng. Một đám đặt hậu như thế, ở làng tôi kể cũng là  hậu. Các ông hào lý nhận lời. Chờ đơn "ký hậu" làm xong, bà ta đã  mắc vào tròng, bấy giờ họ mới giở ngón: ông Điển đòi năm chục,  chánh hội, lý trưởng mỗi người đòi ba chục. Có được thế họ mới ký  tên vào đơn, thì việc mới xong. Thấy thế bà ta chết ngã cổ ra, đã  toan xin thôi. Nhưng họ lại dọa: nếu mà bà ấy bỏ dở việc này, ấy là  bà đã đánh lừa làng, họ sẽ đệ đơn trình quan và sau khi bà ấy chết  đi, làng không khiêng nữa. Bà ấy hoảng quá, không dám nói đến  chuyện lôi thôi đặt hậu, chỉ xin rút bớt số tiền "nhuận bút" của các  vị hào lý mà thôi. Mấy bữa nay bà ta luôn luôn đến đây là cốt nhờ  tôi nói đỡ với họ. Tôi đã khuyên họ nên nghĩ phúc đức về sau, không nên bóp nặn người ta thái quá. Chánh hội, lý trưởng và các  tộc biểu bằng lòng mỗi người bớt cho mười đồng, nhưng ông Điển  lễ nhất định đòi đủ năm chục. Công việc nhà quê có rắc rối không?  Ngoài cổng lại thấy có tiếng chó sủa, ông Điển lễ với tấm áo the  quấn cổ, lộc cộc chống chiếc gậy song đi vào. Xăm xăm đến cửa nhà  khách, ông ta nhìn ông chủ nhà tôi và hỏi một cách tự nhiên:

- Thế nào! Lúc nãy con mẹ Tư Tỵ nó nói với ông ra sao? Ông chủ nhà tôi liền mời ông ta ngồi vào ghế và đáp:

- Nó vẫn chối khan chối vã là không có tiền.

- Ông cho gọi nó đến đây! Tôi sẽ liệu xoay cách khác. Vâng lệnh ông chủ, thằng nhỏ lật đật vác gậy ra đi. Một lúc  sau, bà lão Tư Tỵ đã đến với một dáng bộ khúm núm. Sau khi  chào ông Điển lễ, bà ấy ngồi phệt xuống mặt thềm gạch. Ông Điển  lên giọng hách dịch:

- Tôi đòi năm chục đồng bạc, bà tưởng là đắt hay sao? Nếu  đắt thì thôi, tôi không cần. Một người như bà, sau khi nhắm mắt,  kiếm được kẻ thắp cho nén hương cũng khó lắm thay, huống chi  muốn được cả làng cúng lễ. Cũng vì làng chữa tam quan, cần đến  tiền tiêu, cho nên chúng tôi phải cố thu xếp cho bà. Nếu như lúc  khác, bà có hàng nghìn cũng không lo nổi. Bà thử nghĩ kỹ mà xem. 

Bà lão nói giọng phều phào của người móm: 

- Thưa cụ, tôi không dám tiếc các cụ, chỉ vì trong nhà chưa  sẵn, ruộng bán không có ai mua, đi vay không được...

Ông Điển không để cho bà ấy nói hết lời: 

- Nếu vậy thì bà gạt ruộng cho tôi cũng được. Không phải  văn tự văn khế gì hết, hễ bà bằng lòng thì tôi cứ bảo chưởng bạ  dịch số, rồi bà điểm chỉ vào sổ, thế là xong.

Hình như bà lão biết mình chẳng sống ở đời bao lâu nữa,  không tiếc cái của mồ hôi nước mắt làm gì, nên phải miễn cưỡng  vâng lời. Cả bọn cùng giải tán. 

Hôm sau, ông chủ nhà tôi vừa cười  vừa nói với tôi:

- Bà Tư Tỵ đã phải sang sổ cho ông Điển lễ hơn năm sào  ruộng rồi đấy. Ông ấy đã ký đơn rồi, chừng vài ngày nữa bà ta sẽ  phải chồng tiền hậu và giao ruộng hậu cho làng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét