Thứ Hai, tháng 12 31

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) CỖ OẢN TUẦN SÓC

Hơn một năm nay, cả làng M.H. ai cũng ái ngại cho ông Linh  Phúc. Nào phải là người ăn hoang làm biếng cho cam, ông ấy rất  tằn tiện và chịu khó làm việc, cả đời không dám tiêu hoang một  xu, cả năm không hề chơi không nửa ngày. Trước kia còn vợ, vợ  làm, chồng làm, tuy không thừa thãi, nhưng không đến nỗi phải đi  vay. Từ đầu năm ngoái, bà Phúc "về với tổ tiên" sau nửa năm nằm  liệt với bệnh hậu sản, mấy sào tư điền bán hết, vẫn chưa trang  xong số tiền thuốc và tiền ma chay, ông ấy mới mang công mắc nợ.  Kể ra số nợ của ông ấy vay cũng không lấy gì làm to. Nhưng ở  thôn quê, cái giống nợ lãi nó đẻ dữ lắm; một năm, một đồng thành  hai, còn là hạng thường, hơn nữa, có khi một đồng thành gần ba  đồng. Chỉ nuôi báo cô vài chục bạc nợ, hai bàn tay trắng của ông ta  cũng đủ nhược rồi, huống chi dưới nách lại vướng năm đứa con  mọn, đứa bé còn bú, đứa nhớn mới mười bốn tuổi. Cái thân gà sống mổ xổi, phỏng kiếm làm sao cho chúng đủ no. Sau khi bà vợ  mồ yên mả đẹp, ông ấy đã phải dứt tình cậy người nuôi giúp đứa  nhỏ và cho đứa lớn đi ở không công. Trong nhà chỉ để lại ba đứa  nhỡ. Bây giờ trong cái gia đình một bố ba con, hoàn toàn trông vào  một chiếc đòn gánh. Quê quán ông ta chẳng gần với chợ Xa à?  Hàng ngày, trời nóng cũng như trời lạnh, trời nắng cũng như trời  mưa, sáng ra, sau khi thổi nấu cho các con ăn, ông ấy liền vác luôn  chiếc đòn gánh xuống làng T.B. gánh thuê cho mụ hàng cháo một  gánh "cháo đúc" lên thẳng chợ Xa, chiều đến, lại từ chợ Xa đài về  bến đò Đ.C. cho bọn B.Đ. một gánh lá trầu hoặc các hàng vặt.  Đường đi cũng không xa xôi cho lắm, chuyến đi chừng năm cây số,  chuyến về độ sáu cây số. Mỗi ngày chỉ chạy mười một cây số, kể  còn nhàn hạ gấp trăm phu xe. Vả lại, gánh hàng của mụ hàng  cháo chỉ có nồi cháo và thúng bánh đúc, trọng lượng độ vài chục  cân, với sức ông ấy, cái sức quen theo chân trâu của người lực  điền, kể cũng chẳng thấm vào đâu. Độc địa là gánh hàng cho bọn  B.Đ. Hình như với ông Phúc, mấy mụ B.Đ. vẫn có mối thù tiền  kiếp, cho nên, hễ đã thuê đến ông ta gánh đưa, họ liền rủ nhau  dồn hai ba gánh làm một. Cái thúng của họ xếp trong quang, ít khi  để cho chiếc quang có chỗ bỏ trống. 

Ai bảo xương cứng, tôi xin nhất định cãi là xương dẻo. Bởi vì  mắt tôi đã thấy cái lúc ông Phúc xoay trần trùng trục để cho bên  vai đỡ chiếc đòn gánh đeo những thúng hàng của bọn B.Đ. thì cái  xương vai cong lõm hẳn xuống, chẳng khác một chiếc vòng cung để  ngửa. Kĩu kịt trên vai ông ấy, cái đòn gánh luôn luôn co lên, ẻo  xuống như con cá mè giẫy cạn. Mỗi khi đầu đòn gánh lướt xuống,  ấy là mỗi lần cái vai ông ấy lệch đi, cái cổ ông ấy rụt lại, cái mồm  ông ấy nhành ra, cái sườn ông ấy nghiêng sang một bên. Vậy mà  đôi chân ông ấy vẫn cứ nhon nhón bước rảo để đưa cái đầu cung  cúc cúi xuống đằng trước, y như con cuốc lủi trong ruộng lúa. Người ta bảo như vậy không phải là khỏe. Chỉ vì gánh nặng nên  phải đi thật nhanh, nếu đi chậm, có khi sẽ bị ngã gục xuống đất.  Xưa kia nghe người nhà quê mỉa nhau "vai u thịt bắp", tôi vẫn  không hiểu là gì. Bây giờ được thấy chân tướng cái vai ông Phúc,  tôi mới biết nó là một tiếng tả thực. Trời ơi, đôi vai mới lạ làm sao!  Nó giống hệt lưng con lạc đà, mỗi bên có một cái bướu lớn chừng  bằng quả soài tượng. Cố nhiên hai cái bướu ấy cũng đều bằng thịt.  Nhưng nó là thứ thịt cứng rắn, ấn không thấy lõm, bấm không  thấy đau, màu da xù xì và mốc thếch như da trăn gió. Ông Phúc  gọi nó là thịt thành chai và kể với tôi:

- Hồi tôi còn đi cày ruộng, hai vai cũng vẫn nhẵn nhụi như  vai các ông. Từ khi bắt đầu xoay sang cái nghề gánh mướn, vì chiếc đòn gánh đè xuống nặng quá, thớ thịt đầu phải giập nát vì  sưng u lên, lúc ấy đặt chiếc đòn gánh lên vai, người tôi thấy buốt  từ đầu đến gót, tưởng như chết điếng đi được. Vậy mà tôi cứ phải  gánh -nếu không gánh thì lấy gì nuôi các cháu -gánh đi độ vài thôi  đường rồi nó ê đi, không thấy đau nữa. Tôi tưởng thế nào nó cũng  nung mủ. 

Nhưng mà không, nó cứ việc sưng, tôi cứ việc gánh, trong vài  bốn ngày, chỗ sưng đét đi và lớp da ngoài dần dần dày lên, thành  ra hai cái bướu đó. Bây giờ hai cái bướu ấy rất có ích lợi cho tôi. Là  vì nhờ nó ngăn đệm ở giữa, chiếc đòn gánh không thể tì sát đến  xương, nên dù gánh nặng đến đâu cũng vậy, chỉ mỏi ống chân và  mỏi xương sống, chứ không bao giờ đau vai. Tôi hỏi đi gánh như  thế mỗi ngày ước chừng được bao nhiêu tiền. Ông ta lắc đầu và  đáp:

- Nào có được là mấy nỗi! Gánh cháo chỉ ba bốn xu, còn gánh  lá trầu, ngày nắng bỏng đất họ mới trả cho hào hai, hôm nào mát  trời chỉ được độ tám chín xu.

Thế là mỗi ngày ông ấy kiếm được chừng mười lăm xu. 

Bấy giờ vật giá còn hạ, với số tiền ấy, ông ta cũng đủ mua  ngô, mua khoai để nuôi năm cái dạ dày, tuy mỗi ngày vẫn phải bớt  ra mấy xu để góp lại mà trả lãi tháng cho người chủ nợ. Giả như  ông ta còn là hạng trai trong làng thì thôi, như thế cũng đủ để  sống mà chờ đàn con khôn lớn. Chết vì đầu năm đến giờ, ông ta lại  mới lên ngôi "ông trùm". Với thôn quê, ông trùm là hạng đàn anh  chiếu theo ngôi thứ mà thăng, không phải chạy chọt gì cả. Số ngạch ông trùm không có nhất định, nhiều ít tùy theo tục làng.  Thuở xưa, ông trùm tức là những người hợp với lý trưởng chủ  trương tất cả việc làm. Từ ngày thôn quê có cuộc cải lương, quyền  của ông trùm chỉ còn trong việc lễ bái, nhưng cũng vẫn tiếng là  hạng đàn anh. Ở làng M.H. tất cả có hai mươi bốn ông trùm. Lên  trùm tuy không phải khao dân làng, nhưng hàng năm cả hai mươi  bốn ông ấy phải chia lượt nhau mà sửa oản chuối cúng thần trong  hai ngày rằm và mùng một của mỗi tháng, người ta gọi chung là lễ  "sóc vọng". Vừa "vọng", vừa "sóc" mỗi năm có hai mươi bốn kỷ,  đáng lẽ mỗi người chỉ gánh một lần là đủ. Nhưng mà theo lệ làng  này, số oản mỗi kỳ cúng rồi, phải chia khắp từ già lão xuống đến  bàn nhất và các chức dịch, mỗi người một chiếc. Nghĩa là phải hơn 

trăm chiếc mới đủ. Như vậy, mỗi người sửa riêng một kỳ, e rằng  nặng quá, người ta mới định mỗi kỳ hai người. Bởi vậy mỗi người  một năm mới phải gánh lễ vọng hai lần. Ông Phúc là rốt "bàn trùm", lượt oản thứ nhất ông ấy phải sửa vào ngày mồng một  tháng sáu. Tôi tuy không phải là người làng M.H. nhưng đến trọ  học ở làng ấy và nhà trọ tôi lại ở gần nhà ông ta. Từ khoảng trung  tuần tháng năm, trong lúc lật đật đi vay tiền sưu, tôi thấy ông ấy  đã lo đến cái lễ "sóc" nó đương sắp tới sau lưng. Rồi đến hai mươi  tháng năm, suốt đêm trời mưa tầm tã, gió tây nổi lên đùng đùng.  Sáng ra, gió im, mưa tạnh tôi qua trước nhà ông ấy, đương thấy  ông ta hùng dũng đứng trên mái nhà, bốc những rạ lợp ném mãi  xuống đất. Tưởng là hôm qua nhà bị gió "chốc", tôi hỏi bằng giọng  chia buồn:

- Ông lợp lại nhà đấy ư? Trận gió ban đêm tai hại lắm nhỉ! 

Ông ta uể oải trả lời: - Không! Nhà tôi có bị "chốc" đâu, mà phải lợp lại! Tôi dỡ đi  đây!

Rồi, như hiểu sự ngạc nhiên ở trong đầu tôi, ông ấy nói tiếp: 

- Tuần sóc tháng sáu đến lượt tôi phải sửa oản ra thờ, nhà  không sẵn, vay không ai tin, tôi đành dỡ hai gian nhà làm củi để  bán lấy tiền mua gạo. Đáng lẽ tôi định để vài bữa nữa mới dỡ,  nhưng vì thấy trời mưa dầm, chắc là củi đắt, nên mới dỡ từ hôm  nay. Thôi thì túng kiết quanh năm, hãy cho qua cái lúc này. Bao  giờ trời cho mở mặt, bấy giờ lại làm nhà khác. Vả lại, có bốn bố  con, ở vào hai gian một chái cũng còn vừa chán. 

Vừa nói, ông ấy vừa dùng cái cưa xì xoẹt cưa đứt cây tre "cái  nóc", rồi rút nó ra và quăng xuống đất một cách giận dữ. Dưới nhà  nồi niêu, thúng mủng, bát đĩa, rổ rá, lổng chổng ở gian bên kia. Ba  đứa bé con to vo ôm nhau ngồi trên chiếc giường đầy những rác  cẵn. Tối ba mươi, vào khoảng nửa đêm, tôi tình cờ lại đi qua cửa  nhà ấy. Bấy giờ cái đầu nhà bị phá hai gian vẫn còn bỏ trống chưa  có bức vách. Nhưng mà trong nhà đèn thắp sáng choang. Lố nhố  dưới bóng đèn, tôi thấy độ hai chục người chia làm bốn tốp, vây  quanh bốn chiếc mâm gỗ đầy những thịt đậu đặt trên chiếc chiếu  sàm sạp trải ở mặt đất. Tiếng cười tiếng nói vui như ngày tết.  Người ta khen ông Phúc hết lòng lo việc thờ. Người ta bảo ông Phúc phá nhà bán củi, thật là một người tháo vát. Người ta tán  dương oản của ông ấy tốt và chuối của ông ấy mẫm. Rồi người ta thúc bách ông ấy đi mua lấy chai rượu nữa. Ba đứa bé con vẫn rau  ráu ngồi ở đầu thềm hình như chúng thiếu chỗ ngủ. Sáng mai ông  Phúc gặp tôi liền phô:

- Thế mà đêm qua nhà tôi cũng hết năm chai rượu và hơn  đồng bạc rau đậu, ông ạ. Cái nhà phá ra, bán cả tre, rạ được bốn  đồng rưỡi. Mua gạo, mua chuối hết non hai đồng, còn hơn hai đồng  chỉ vào bữa chén không đủ. Khốn nạn, tôi có muốn tốn làm gì. Bà  con có lòng chạy đến, không thể không được. 

Tôi hỏi:

- Bao giờ ông lại sửa tuần sóc thứ hai? 

Thứ Sáu, tháng 12 21

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) MỘT TIỆC ĂN VẠ

Hôm ấy nhằm phiên chợ Đình, cái chợ mà cả làng Đ.G. đều  sống về nó. Tôi đi đến đầu làng ấy giữa lúc người làng đi chợ  đương đông. Quái lạ! Làm sao hôm nay không có đàn ông, trên  đường rặt những đàn bà. Kẻ gồng rau, người gánh gạo, bà này  gồng chiếc lồng lợn, bà kia quẩy đôi lồng gà, hết lũ dài dến lũ  ngắn, người ta tiếng to tiếng nhỏ, nhao nhao nói chuyện với nhau.

- Khốn nạn! Trông thấy tình cảnh ông Sửu mà tôi thương  quá. Hôm qua đến giờ, bà vợ lúc nào nét mặt cũng ủ rầu rầu, ông  chồng chỉ nằm thở dài, có lúc đấm mãi hai tay vào ngực, hàm răng  nghiến lại kèn kẹt...

Bà ấy còn định nói nữa, nhưng bị bà khác cướp lời: 

- Tôi cũng ái ngại cho ông ấy. Tội nghiệp! Cả vợ lẫn chồng ai  cũng hiền lành biết điều, thật thà như đếm. Không hiểu cớ gì lại bị  nhiều người ghét bỏ đến thế? Phen này không khéo hết cả cơ nghiệp!

Một bà thứ ba nói xen: - Các bà là bậc nhân đức từ bi, các bà cứ thương ông ấy.  Riêng tôi, tôi chẳng thương một chút nào!... Anh em ít, cánh vế  không có, thế mà vẫn không biết thân, lại còn cứ bướng, thì ai người ta để cho yên lành!

Lại một bà nữa tiếp theo:

- Phải, bà nói phải đấy! Mình ở trong làng, sống nhờ làng,  chết nhờ làng. Cái người đã dám vác miệng chửi làng, thì bị trừng  trị là đáng kiếp lắm. Hơi đâu mà thương.

Rồi một bà nữa cãi lại: - Các bà đừng nói thế, oan cho ông ta! Chẳng qua ghét nhau  thì họ gắp lửa bỏ vào bàn tay... chứ đời nào ông ấy dám động đến  làng. Luôn mấy năm nay, hết người này ăn hiếp, lại đến người kia  đè lấn, ông ấy vẫn nhịn như nhịn cơm sống, có dám bướng bỉnh với  ai đâu! 

Còn nữa! Làn sóng dư luận còn kéo dài mãi ở dọc đường. Nhưng nó mỗi lúc mỗi theo những gánh gà lợn, rau gạo đi xa dần,  nên khi bay lại tai tôi, không còn rõ là tiếng gì nữa. Cố nhiên tôi  không có ý nghe chi những chuyện giữa trời, nhưng vì nó đã ngẫu  nhiên lọt vào tai, tôi cũng ngẫu nhiên bận óc vì nó. "Chắc là trong  làng đã có người nào bị đánh bị trói gì đây". Với câu phỏng đoán đó  vơ vẩn trong óc, tôi lững thững đi vào cổng làng. Người làng ở  trong các xóm, lũ lượt kéo ra con đường giữa làng, già có, trẻ có,  con nít cũng có. Trái lại với quang cảnh của đoạn đường lúc nãy, ở  đây rất nhiều đàn ông, thỉnh thoảng mới có một người đàn bà. Với  những tiếng cười cười, nói nói, vui như đám hội, người ta đổ xô về  nẻo cuối làng. Xen lộn vào sự xôn xao của đám đông người, ở trong  các xóm, lại có tiếng lợn eng éc. "Không phải là chuyện đánh nhau,  trói nhau, có lẽ người ta sắp sửa có cuộc ăn uống. Phải rồi, hôm  nay đàn ông vì bận ăn uống, nên mới nhường hết quyền đi chợ  Đình cho bọn đàn bà, đoạn này toàn là đàn ông", tôi vừa cải chính  cái câu của tôi phỏng đoán mới rồi, vừa im lặng đi theo một con  đường với lũ người ấy. Và tôi đã từ biệt họ khi đến khỏi đình: họ đi  tấp nập kéo vào điếm đình, thì tôi rẽ sang nhà Khóa Trúc, người  bạn đồng học với tôi năm xưa. Bởi vì chúng tôi có hẹn trước nên  lúc ấy anh Trúc đương vơ vẩn đón tôi ở chỗ đầu ngõ. Đường đi tuy  rằng hơi xa, nhưng nhà anh này lại ở kề với sân điếm và chỉ cách  khu điếm một bức rào bằng găng tây. Vào ngồi trong nhà anh ấy,  tôi còn thấy rõ hết thảy cảnh tượng trong điếm. Cái điếm rộng quá! 

Ngoài một tòa chính ở giữa lại có hai tòa giải vũ kèm ở hai  đầu, mỗi tòa độ bốn năm gian. Đám người lúc nãy lần lượt tiến vào  đến cửa điếm. Các ông già và người cao tuổi lên thẳng tòa chính,  còn người ít tuổi và đám con nít thì xuống hai tòa giải vũ. Giây lát,  ba bọn đàn ông lực lưỡng khiêng ba con lợn bị trói đặt vào trước sân, và một lũ người khác đài tải tới đó đủ hết các thứ: bát, đĩa,  dao, thớt, rổ, rá và nồi ba mươi. Rồi đó, bọn này bắc nồi đun nước,  bọn kia đè lợn chọc tiết. Bắt đầu câu chuyện, tôi phải hỏi ngay anh  Trúc:

- Đám ấy là đám gì, đám gì mà có đủ từ ông bạc đầu đến lũ  trẻ con!

Anh Trúc mỉm cười đáp: 

- Đó là một đám ăn vạ!

Rồi vừa pha nước, anh ấy vừa tiếp: 

- Cái tục ăn vạ, thiên hạ cũng nhiều nơi có. Nhưng mà có lẽ  không đâu nặng bằng làng tôi. Bởi vì theo lệ làng tôi, quyền hành  của bốn "trùm nhất" lớn lắm, bao nhiêu công việc trong làng đều  do bọn họ quyết định, lý dịch cũng phải theo họ. Người nào cưỡng  lại với họ, ấy là họ sẽ tìm cách ăn vạ. 

Như đã thấy tôi không hiểu  "ăn vạ" là gì, anh Trúc uống cạn chén nước rồi thêm:

- Chắc anh chưa được chứng kiến cuộc ăn vạ nào thì phải! Có  gì đâu, người nào có lỗi với "làng" thì "làng" cứ việc mua lợn, mua  rượu, mua gạo đem ra điếm làng mà ăn. Phí tổn bao nhiêu, người  có lỗi đó phải chịu. Hôm nay họ ăn vạ lão Sửu. Tội nghiệp! Lão ấy  hiền lành, thật thà nhất làng tôi đấy! Chỉ vì nhà đã lép vế, lại có  bát ăn, một hôm một ông trong bốn ông "trùm" đến nhà hỏi vay  gánh lúa, lão ta đi vắng, mụ vợ chối là không có, ông trùm kia lấy  làm thù, cách vài hôm sau hắn mượn việc làng sinh sự cãi nhau  với lão ấy, rồi hắn vu cho lão ta chửi làng và đem chuyện đó trình  "làng". "Làng" là bọn đó chứ có ai đâu! Chúng với hắn cũng như  một đào một kép, cho nên khi thấy hắn trình, chúng liền hùa nhau  bắt vạ lão Sửu.

Anh Trúc rót chén nước nữa cho tôi, rồi tỏ vẻ ái ngại: 

- Cuộc ăn vạ này, chúng làm hại lão ta đến hơn trăm bạc. Bởi  vì chúng ăn to lắm, ăn suốt từ trên đến dưới. Những đứa con nít  toét mắt, ỏng bụng mà anh thấy đó, cũng đều được ăn tất cả.  Chúng nó cũng là "làng". Hễ ai là "làng", hôm nay đều được ra ăn,  chỉ trừ đàn bà và những trẻ con ẵm ngửa.

Tôi vẫn chưa hiểu: 

- Thế thì những tiền mua lợn, mua rượu, mua gạo đó ai ứng  ra cho làng?

Anh Trúc trả lời: 

- Chẳng ai phải ứng hết thảy, họ đi mua chịu tất cả. Mà hễ  họ đã hỏi mua, thì ai cũng bán. Bởi vì bán chịu cho "làng" như thế,  sau này có thể tính với khổ chủ một giá rất cao và tính bao nhiêu,  khổ chủ phải trả bấy nhiêu, không được bớt xén một đồng nào hết.

- Nếu như khổ chủ không chịu thì sao? 

- Khổ chủ không chịu thì họ phải lấy tiền làng mà chi. Nhưng rồi họ sẽ họp làng tại đình, đóng chiếc đinh cù vào cột đình  và phát thệ rằng: "Nhà ấy đã không thèm tuân lệ làng, từ sau trở  đi, những lúc làng có ăn uống, không ai được ngồi với người nhà  ấy, và rồi nhà ấy có người nào chết, bất kỳ đàn ông, đàn bà, họ xa,  họ gần, làng sẽ không khiêng". Ở thôn quê, cái người lúc sống không ai ngồi với, lúc chết làng không khiêng cho, là người cực  nhục, sống cũng như chết. Vì vậy từ xưa đến nay, họ đã ăn vạ  người nào, người ấy cứ phải bán nghiệp mà trả. Không ai dám bướng.

Anh ta đương nói, thì ở bên điếm, có tiếng nói lớn:

- Thưa "chạ"! Hôm nay từ trên già lão đến dưới trai đinh, tất  cả hơn hai trăm xuất, ăn ba con lợn có lẽ không đủ, xin "chạ" cho  bắt thêm một con nữa.

Thế rồi, một lúc sau, lại nghe có tiếng lợn kêu. Cuộc ăn uống  linh đình mãi đến quá trưa mới tan. 

Chiều hôm ấy, tôi còn ở đó, đã  có tin nói lão Sửu thắt cổ chết ở trong nhà, lý dịch còn đi khất  quan về khám. 

Thứ Ba, tháng 12 18

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) MIẾNG THỊT GIỖ HẬU

Hôm ấy vào khoảng thượng tuần tháng chạp. Trời đương quang đãng, tự nhiên thấy tối sầm lại. Gió bắc ở đâu kéo đến đùng  đùng. Những đám mây đen tự phía chân trời lù lù tiến lên giữa trời, rồi hóa ra một tấm màn màu tro phủ kín bầu trời. Bằng cái  hăng hái của người chạy mưa, tôi cứ trông thẳng cổng làng H.Đ.  cắm đầu đi thật rảo bước. Tấm màn màu tro dần dần thấp xuống  rồi những luồng chớp nhằng nhằng như đàn rắn vàng đuổi nhau ở  nẻo xa xa. Rồi những tiếng sét vỡ trời từ góc trời nọ, dồn nhau sang góc trời kia chẳng khác tiếng những tảng đá lớn từ đỉnh núi  lăn xuống chân núi. Hột mưa rào rào sa xuống, như muốn giúp sức  cho sự giá lạnh. Hai má tôi đã thấy buốt, hai tay tôi đã thấy cóng.  Trong cái quán ở đầu cổng, đàn ông đàn bà đương chen vai nhau  đứng vây chung quanh mấy bó mạ chiêm. Những lúc phong vũ bất  tình, ai cũng muốn giữ thân nấy, khi nào họ chịu nhường chỗ cho  một người lạ? Tôi đành đội mưa dò trên con đường lầm lội, định cố  đi tới nhà một người bạn rồi nghỉ luôn thể. Nhưng khi mới đến sân  đình, trời càng mưa to, không thể liều đi được nữa, tôi phải lánh  lên thềm đình. Ở ngoài cổng đình lù lù tiến vào một lũ độ trên  mười ông lão già. Ông nào cũng như ông nấy, đầu đội nón lá, lưng  khoác áo tơi, tay chống một chiếc gậy tre lộc cộc. Sau khi đã chao  chân vào cái vũng nước dưới giọt đình, các cụ lẩy bẩy trèo lên thềm đình, và lò dò bước lên sân đình với những tiếng thít tha  đáng ái ngại. Hết bọn ấy, lại tiếp bọn khác. Các cụ lẻ tẻ đến mãi.  Những bọn sau không được đông như bọn trước, mỗi bọn độ vài  bốn người. Trên đình có tiếng mâm bát lẻng kẻng. Mùi hương ngào  ngạt trong đám tiếng người lào xào. Hẳn là người ta cúng lễ gì đó.  Tôi không để ý và chăm chăm nhìn những giọt nước từ mái ngói  chảy xuống sân gạch. 

Trời tháng chạp mà sao mưa to làm vậy? Chỉ trong một lát  sân đình nước chảy lênh láng, bong bóng trôi trên mặt nước lềnh  bềnh. Gió bấc mỗi lúc mỗi thêm dữ dội; nó hắt hột mưa tua tủa vào  chỗ tôi đứng, như muốn đuổi tôi lên đình để xem cảnh tượng trên  ấy ra sao. Dưới bức chấn song ở phía sau đình, một chiếc mâm cao  sơn đỏ chễm chện kê giữa mảnh chiếu rách cạp. Trước mâm có để  mấy bó vàng hồ, một chai rượu và mấy quả cau. Trên mâm là một  tảng xôi vuông vắn bằng cái lá nem và một miếng thịt lợn luộc ước  chừng hai cân trở lại. Nén hương cắm trong mâm xôi cháy đã hết  nửa, tàn hương rụng trên mặt xôi đen xì. Các cụ túm năm, tụm ba,  bó gối ngồi trong mấy chiếc chiếu trải liền bên cạnh bao lơn. Tất cả  độ bốn chục cụ, cụ nào cũng sắc mặt xám mét. Thấy tôi nhô lên,  các cụ đều ngơ ngác nhìn. Lâu lâu, một cụ sẽ cất cái giọng run run  của người bị rét:

- Ông khách vào chơi nhà ai?

Tôi đáp rất lễ phép:

- Thưa cụ, tôi vào thăm ông tú Tĩnh

Cụ khác lên giọng phều phào:

- Ấy! Nhà tôi cũng ở liền ngõ với ông ấy. Ông hãy ở đây lát  nữa cùng đi với tôi.

Thì ra cụ này chính là cụ Thượng làng ấy. Sau khi tôi tỏ ý  cám ơn, một cụ nữa ngó vào cụ ấy và nói:

- Thôi hết hương rồi! Cụ Thượng "vái hạ" đi cho!

Cụ Thượng sẽ gật đầu, rồi lom khom đứng ra phía trước  mâm xôi, cúi đầu vái luôn ba vái. Trong đám có tiếng dõng dạc, tôi  không nhận ra tiếng cụ nào:

- Thằng Mới hạ mâm xuống để làm cỗ đi. Tất cả bốn mươi  sáu xuất, mười một cỗ rưỡi, với một cỗ nhà chứa, một cỗ cho mày.  Làm mười bốn cỗ, còn thừa hai phần! Nghe không?

Với một tiếng dạ không được lễ phép cho lắm, thằng Mới  nhanh nhẩu bưng mâm xôi thịt đến chỗ dao thớt giữa khi một cụ ít  tuổi trong bọn lệch kệch nhắc mấy bó vàng ra chỗ bệ đình, phì phò  thổi chiếc mồi rơm, châm lửa. 

Thằng Mới làm cỗ mới nhanh làm sao! Đống vàng cháy chưa  hết nửa, mười bốn mâm cỗ đã xong cả rồi. Nó bưng từng mâm đặt  ra các chiếu. Mỗi mâm chỉ có một đĩa thịt mỏng, một bát nước  mắm và một cục xôi bằng bánh xà phòng ba xu. Bốn một, tám hai,  các cụ tự do ngồi vào các cỗ, không ai phải mời ai. Cụ Thượng sai  thằng Mới bổ cau quệt trầu đưa ra thết tôi:

- Mời ông xơi tạm miếng trầu. Chúng tôi xin thất lễ ông chén  rượu. Hôm nay làng tôi có giỗ ông hậu. Mọi khi còn làm to hơn.  Bây giờ thời buổi cải lương, nên có giảm đi đôi chút.

Chai rượu bị rót ra hai cái bát ở mâm thứ nhất, lần lượt  chuyển xuống đến mâm cuối cùng. Các cụ bắt đầu cầm đũa. Một  cụ lại gọi thằng Mới:

- Còn thừa hai phần, mày đem một phần chiếu lại lên mâm  cụ Thượng, còn một phần nữa thì để cho người quá lộ!

"Người ta sắp sửa bố thí xôi thịt cho mình đây chắc?" Tôi đương tự hỏi như vậy, thì ở trong đám vừa thấy có người cắt nghĩa:

- Ông khách hẳn chưa biết hai chữ "quá lộ" là gì. Chính nghĩa thì là những người qua đường, nhưng đây chúng tôi chỉ nói  riêng bọn ăn mày. Là vì trong lúc dân làng ăn uống, thường thường vẫn có ăn mày đến xin. Dù ít dù nhiều, thế nào cũng phải  cho họ. Bởi vậy, đám nào làm cỗ, cũng phải để dành cho họ, nếu họ  không đến thì cho thằng Mới.

Dứt lời, các cụ lần lượt chia đũa mời nhau "đưa cay". Câu  chuyện "cái giá cắn đôi" của đất Hà Nội, tôi mới được nghe chưa  từng được thấy, nhưng ở đám này tôi đã mục kích được một kiểu  ăn uống còn có lễ độ hơn thế. Miếng thịt gắp lên, các cụ chỉ sẽ  "nhấm" một chút xíu, rồi lại đặt luôn xuống bát của mình. Có lẽ  cái chỗ bị "nhấm" nó chỉ lớn bằng hạt đỗ. Ngoài sân sấm vẫn ù ù,  những hạt mưa đã nhỏ dần dần, chiều trời cũng quang dần. Tôi  đương vơ vẩn trông trời trông đất, chợt thấy có tiếng đũa đặt xuống mâm leng keng. Chai rượu đã hết, các bát rượu đã cạn, các  cụ đã cùng bãi tiệc, xôi thịt còn lại, đương bị chia ra làm phần. Tuy  đứng xa tôi cũng trông rõ: mỗi phần chỉ có hai ba miếng thịt xâu  vào cái tăm và một hòn xôi bằng quả ổi con đặt ở trên mảnh lá  chuối. Mưa tạnh, các cụ lần lượt đứng dậy, ai nấy đội nón chống  gậy mặc áo tơi, lò dò bước xuống sân đình với một dáng bộ run rẩy.  Cụ Thượng phều phào bảo tôi:

- Nào! Ông khách có vào nhà ông tú Tĩnh thì đi với lão. Hình như có vài hớp rượu, cơn rét của cụ lại càng tăng thêm.  Ra khỏi đầu đình, hai ống chân cụ loạng choạng, xiêu vẹo, mấy lần  xuýt ngã. Tôi phải chạy lại gần cụ, nắm lấy cánh tay và dắt cụ đi.  Bằng hai hàm răng đập vào nhau cầm cập, cụ vừa đi vừa nói chân  tình:

- Tôi gần tám mươi tuổi đầu, mà lúc mưa rét thế này, cũng cố  dò đi ăn uống, chắc ông sẽ cho là già tham ăn. Thực ra, tôi có thiết  gì miếng xôi, miếng thịt! Sở dĩ cố đi, chỉ vì có mấy đứa cháu. Ở nhà  quê gạo ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền mua thịt? Nếu không có  miếng phần việc làng, thì những trẻ con quanh năm không được  biết mùi thịt ra sao. Bởi thế, tôi phải dò đi, để lấy phần về cho  chúng nó...

Câu chuyện chưa hết, cụ Thượng vừa tới cổng nhà, mấy đứa  trẻ con, mặt xám như gà cắt tiết, thấy cụ liền reo một cách mừng  rỡ như người được của:

- A! Ông đã về! Phần của cháu đâu?

Hình như chúng nó đợi cụ đã lâu lắm. 

Thứ Hai, tháng 12 17

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) MÓN NỢ CHUNG THÂN

Thường thường ô tô chở khách chạy đường Hà Nội - Thái  Nguyên, vẫn bị tài xế "om" ở C.Đ. để đón khách, hoặc ăn cơm. Có  khi cao hứng, họ còn tán chuyện bù khú với bọn hàng quà, đến  hai, ba giờ đồng hồ, hành khách giục giã mặc kệ. Hôm ấy, tôi và  ông L. cũng bị họ giam lại đó. Bấy giờ đương giữa mùa hè, trời  nắng như thiêu. Vì ở trên xe chật quá, chúng tôi cũng muốn thoát  lá cái chỗ "người như nêm cối" để xuống hàng nước nghỉ mát, cho  nên dù bị chờ đợi quá lâu, cũng không ai thấy sốt ruột. Thình lình  một chiếc xe nhà ở nẻo xa xa lạch cạch kéo đến, cái xe hình như  đóng đã lâu ngày, vải mui đã rách, gọng mui đã bựt, hai càng đã  hết màu sơn, hai bánh lấm bê lấm bết, trên xe không có người  ngồi. Uể oải qua cửa hàng nước, anh xe cúi chào ông L.

- Lạy cậu.

Rồi hắn đỗ xe bên đường, lau qua những giọt mồ hôi nhễ  nhại trên trán, và hắn vừa thở vừa bước vào hàng. Trông bộ dạng  hắn, không hơn một người ăn mày. Quần đã xơ cả hai gấu, áo đã  vá hàng chục mụn mà hãy còn hở một bên vai, cái nón trên đầu đã  tả tơi như tàu lá chuối bị bão. Hạ nón úp xuống mặt chõng của  nhà hàng, hắn ngửa chiếc bát lên chõng và giục nhà hàng múc  nước. Ông L. nhìn tôi và nói:

- Thằng này là người làng tôi. Nó vẫn kéo xe cho ông T.T. Rồi ông lại nhìn người kia và nói:

- Mày đánh xe đi đâu?

Anh xe òng ọc uống hết bát nước, rồi đáp: 

- Bẩm cậu, con ra Hà Nội để đón cụ con.

Ông L. ra bộ ngạc nhiên: 

- Ở Hà Nội về làng ta, chỉ hết một hào ô tô. Thế mà cũng bắt  xe nhà đi đón, sao mà cụ mày cẩn thận quá vậy!

Anh xe lắc đầu: 

- Không phải cẩn thận. Chỉ vì độ này ở nhà không có việc gì,  cụ con sợ con chơi không, nên mới bắt con đánh xe đi đón cho khỏi  tốn một hào chỉ.

Rồi hắn nói tiếp:

- Trong mấy năm nay, cụ con đi đâu một bước cũng dùng xe  nhà. Không chịu mất một đồng tiền xe, tiền tàu nào hết. Nhiều  hôm con phải chết dở với cái xe ấy.

Như muốn mượn câu chuyện của hắn để tiêu thì giờ, ông L.  lại gặng:

- Xe hỏng hay sao?

Anh xe cầm chiếc nón rách vừa quạt vừa nói: - Nào nó có hỏng đi cho, đã phúc nhà con! Rồi hắn ngửa mặt nhìn ông L.:

- Thưa cậu, từ làng ta đến làng V.Đ ước chừng bao nhiêu cây- lô-mếch?

Ông L. bấm đốt ngón tay và đáp:

- Tất cả đến sáu chục cây. Làng ta đến Hà Nội hơn mười cây,  Hà Nội đến Hà Đông hơn mười cây, Hà Đông vào V.Đ hơn ba mươi  cây.

Anh xe nhành mồm lè lưỡi: 

- Trời ơi! Sáu chục cây số kia! Thế mà năm ngoái, khi sang V.Đ đưa ma, cụ con cũng bắt con kéo đi đấy. "Bữa ấy, cũng vào  mùa hè; cụ con dậy từ gà gáy, sai người gọi con đưa xe ra cổng.  Ngoài đường, trời tối như mực, con phải đi dò từng bước, kẻo sợ  đâm xuống vệ đường. Lệ thường ở nhà cụ con, chắc cậu đã biết,  hôm nào cũng đến chín giờ thì ăn cơm sáng. Hôm ấy, vì còn sớm  quá, người nhà chưa nấu cơm, cụ con cũng đi lòng không, thì con  còn được miếng gì vào miệng! Ra đến Hà Nội, con đã đói, nhưng  phải cố gượng và tưởng thế nào vào đến Hà Đông, cụ con cũng cho  ăn quà. Té ra không, khi qua Hà Đông cụ con chỉ cho vào hàng uống một bát nước, rồi lại bắt kéo đi liền. Trời nắng, bụng đói, con  đã vàng cả hai mắt, uể oải lôi đôi càng xe, chẳng khác gì thằng ốm  dở. Tới V.Đ. cụ con vào nhà đám, con phải nằm lử trong xe. Đến  lúc người nhà gọi cho ăn cơm, thì con mệt quá, nhai không buồn  nuốt. 

"Hôm sau, đưa đám xong rồi, cụ con lại bắt kéo về. Tuy rằng  sáng nay có được ăn uống no nê, nhưng vì hôm trước phải chạy  kiền kiệt cả ngày, cho nên con thấy mỏi mệt hết sức. Tới Hà Đông,  con đi thủng thẳng bước một, giống như người đi xe giờ. Cụ con  bảo con cố kéo về đến Hà Nội sẽ nghỉ. Nhưng đến Thái Hà chân  con như bị rời ra, không thể nào mà bước đi được. Cùng quá, cụ  con bảo con kéo vào nhà một ông bạn trong ấp, để cho con ngủ một  đêm. Nói đến đấy, anh xe đứng dậy, đến chỗ chúng tôi xin mồi  thuốc lào:

- Ấy, con đi làm như thế, mà một đồng xu mua thuốc không  có, quanh năm cứ phải ăn xin. Nhiều khi con đã cố từ, nhưng nghiện nặng quá, không sao từ được!

Ông L. véo thuốc cho hắn: 

- Thế, tiền công của mày để đâu?

Hắn đón mồi thuốc bằng một dáng buồn rầu:

- Bẩm cậu, nhà con nó quến đi mất. Ông L. tỏ vẻ ái ngại:

- Vợ mày đi mất rồi à?

- Bẩm không! Nhà con nó mới chết ạ!

Vừa nói, hắn vừa trở lại chỗ ngồi của hắn bằng một bộ điệu  chán nản. 

Ông L. lại hỏi:

- Thế sao nó lại quến được tiền công của mày? 

- Thưa cậu, cho con hút xong điếu thuốc, sẽ xin kể để cậu  nghe.

Rồi hắn vội vàng đặt thuốc vào điếu, lấy đóm châm lửa. Và  bằng thái độ của kẻ nghiện nặng nhưng nhịn đã lâu, hắn hóp hai  má hút một hơi dài. Như muốn để cho hơi thuốc ngấm vào xương  cốt, hắn cố ngậm khói trong miệng hồi lâu, rồi mới há miệng cho  nó từ từ đùn ra. Hai mắt lờ đờ nhìn sang ông L. hắn tiếp:

- Cảnh con bây giờ khổ quá, cậu ạ! Từ giữa năm ngoái, nhà  con bị bệnh hậu sản, nhưng nó vẫn gượng đi làm. Đến đầu tháng  mười thì nó ốm nặng, suốt ngày suốt đêm chỉ nằm trên giường và  ho khù khụ. Bấy giờ con vào làm cho cụ con mới được một tháng,  tiền công lĩnh rồi, lại phải vay thêm năm đồng nữa, lấy tiền thuốc  men cho nó. "Giả sử trời để nó sống, thì số tiền ấy, chúng con trả  trong vài tháng cũng hết. Chẳng ngờ thuốc uống không chuyển,  bệnh nó chẳng những không bớt, lại cứ mỗi ngày một tăng, rồi cuối  tháng một, nó chết."

Nói đến đấy, hắn bỗng ngừng lại. Một giọt nước mắt từ trong  khóe mắt rơi xuống mặt đất. Im lặng chừng độ nửa phút, hắn lại  rẽ ràng nói thêm:

- Lệ của làng ta, chắc cậu đã rõ. Một người nằm xuống, dù  giàu dù nghèo, nhà chủ cũng phải giết một con lợn đãi "phe" một  bữa dấm ghém, phe mới khiêng cho. Không được thế, thì phải nhờ  cậy họ mạc khiêng giúp. Nhà con tuy còn ít tuổi, nhưng nó là  người thiên hạ và cũng hẳn hoi với con, nếu để họ khiêng, thì sợ  tủi vong hồn nó, và rồi con cũng không mặt mũi nào trông thấy  anh em nhà vợ nữa. Vì thế, con phải cố lo bữa rượu để mời hàng  giáp. "Một con lợn, mươi nồi gạo, vài chục chai rượu, tất cả cũng  hơn ba chục đồng, chưa kể quan ván của nó. "Trong nhà không có  đồng nào, một chốc phải tiêu đến bấy nhiêu tiền, cậu bảo lấy ở đâu  ra? "Nếu nhà vợ con mà được giàu có, thì con cũng không khổ lắm.  Nhưng mà bên ấy cũng không có gì, bà nhà con và các cậu nó chỉ  giúp cho được hơn mười đồng. 

Còn thiếu, con lại phải kêu cụ T. "Cụ con bằng lòng cho con  vay thêm hai nhăm đồng nữa, với năm đồng trước thành ba chục  đồng. Cho người khác vay, cụ T. vẫn đều tính lãi mỗi đồng một  tháng sáu xu, vì con là kẻ tôi tớ cụ con cũng thương, nên mỗi đồng  một tháng chỉ lấy năm xu, nhưng tháng nào phải trả lãi ngay tháng ấy, còn gốc chịu đến bao giờ cũng được. "Tiền công của con ở  đấy, mỗi tháng được một đồng rưỡi; trừ vào tiền lãi là vừa. Từ cuối  năm ngoái đến giờ, quần áo rách như bươm bướm, con cũng không  có đồng nào mà may.

Rồi với hai hàng nước mắt giàn giụa, hắn kết luận:

- Đời con không còn lúc nào trả xong được món nợ ấy. Bây giờ  đã vậy, không biết rồi khi về già, không kéo nổi cái xe kia nữa, thì  làm thế nào?

Ông L. cười và bảo tôi: 

- Một bữa "lệ làng" có thể gây cho người ta món nợ lãi chung  thân không trả hết. 

Thứ Ba, tháng 12 11

Ngô Tất Tố

Làm no ( đọc xong không biết cười hay mếu nữa)

Qua những rặng tre bị ngâm đã lâu, cành lá úa rực, xiêu đổ,  chiếc thuyền nan của chúng tôi phải len lỏi, chỗ thì phải cúi đầu  để chui qua những cây sắn đổ, chỗ thì phải đè một cành cây cổ thụ  xuống nước, chỗ thì phải gạt những trà rào trôi nhấp nhô trên mặt  nước đỏ ngầu và phải đẩy cong con sào mới vượt được cụm bèo tây  ứ lại. Chiếc thuyền mỗi chốc chòng chành làm cho tôi lảo đảo, nhưng cái ý muốn mục kích cảnh điêu linh cùng khổ của dân lụt  đã làm cho tôi quên cả nhọc nhằn. Một vùng nước mông mênh bát  ngát, bao nhiêu những nhà tranh vách đất chỉ còn trông thấy những mái úp sập sè hình như những quần đảo ẩn hiện chập chùng theo làn nước bạc mà rập rờn như phao. Những thuyền nan,  những mảng chuối nhấp nhô chen chúc tựa lá tre dưới những rặng  cây lả lướt. Đàng xa kia, trên những gò, đống mấp mô thấy lố nhố  những sừng trâu cong vắt; con đứng, con nằm, thỉnh thoảng lại  nghe tiếng rống lên như báo cho chủ biết nỗi thèm rơm đói cỏ của  nó Người ta bảo trận vỡ đê Đồn Vàng nước to hơn năm Quý Tị.  Thằng bé chở thuyền cho tôi ngoảnh lên hỏi: 
- Cậu định đi đâu? 
Tôi thẫn thờ đáp: 
- Đi đâu cũng được! 
Thuyền qua một rặng trúc, nhìn vào bên trong thấy có ba  gian nhà tranh xiêu lật lại đằng sau. Trước nhà, biệt ra một khu  vuông vắn như một cái ao, tôi đoán chừng đó là cái sân. Trước sân  đóng bốn cái cọc tre, trên bắc cái chõng, chiếc rổ đeo lủng lẳng một  bên, chiếc sào vó ghệch lên thành chõng. Phía dưới là một cái  mảng ghép bằng bốn cây chuối. Từ cái chõng đi vào trong nhà, có  một cái cầu tre vắt ngang. Một người đàn ông, vóc rạc hom hem,  đầu trọc tếu, ngồi thu hình trong chiếc áo bành tô rách mướp, nét  mặt đăm đăm nhìn xuống tăm nước đục lờ. Tôi hỏi: 
- Nhà ai đây? 
- Đây là nhà bác ba Tụy. 
- Rẽ vào chơi đã. 
Thằng bé khom lưng lái mũi thuyền vào trước sân, len qua  những cụm bèo tây đóng chuồng trong những chiếc vành nong kìm  bằng chiếc nạnh tre có những bè muống, bè ngổ, bè dừa quấn quýt  xung quanh. Bác Tụy trông thấy tôi, vồn vã hỏi: 
- Kìa ông Ký đã về chơi đây ư? Các ông ở tỉnh về được dịp bơi  thuyền chở mảng thế này thì thích lắm nhỉ. Mời ông lên đây, cái  chõng này còn chắc chắn, ông ngồi chơi xem tôi kéo vó cho vui. 
Tôi ghé thuyền sát cái mảng chuối, rồi bước lên. Bác khúm  núm với cái điếu cày treo trên cọc, mời tôi hút thuốc, tôi không  biết hút. Bác bèn lấy thuốc giắt trên kẽ tai, đặt vào nõ điếu, thổi cái mồi rơm, rụi than vào điếu, rúc một hơi thật dài, cái điếu rít  lên như tiếng chim sẻ, một làn khói xanh từ miệng bác đưa lên  khét lẹt, những cái xương sườn theo nhịp thở mà vươn lên rụt  xuống trước cái bộ ngực gầy nhom. Mấy đứa trẻ lau nhau, nghe  tiếng người lạ chen chúc nhau thò cổ ra trước mái tranh mà nhìn.  Những cái bộ mặt gầy còm hốc hác ấy như thiếp một màu vàng lợt,  làm nổi những cặp mắt trõm lờ đờ, đần độn. Tôi đưa đà hỏi: 
- Thế nào, bác kéo cá có được khá không, cho tôi mua một  bữa nào, có con nào to không? Ngồi kéo vó giữa sân cũng thú nhỉ. 
Câu nói của tôi như nhắc bác chưa cất vó. Bác nhoẻn mép  nhìn tôi, rồi vui vẻ pha trò, gạn bán mẻ vó bác sắp cất. Nói rồi  khom lưng, bãi càng, kẹp đầu sào xuống dưới háng, hai tay giương  thang, cất vó lên, giọt nước theo bốn gọng thánh thót chạy xuống,  dưới lòng vó thấy hơi động, dần dần lên khỏi mặt nước, mấy cặp  mắt nhìn cả vào, thấy mẻ vó được hai con cua kềnh và bốn con giếc  con. Bác vơ vó vào để bắt, ngoảnh lại hỏi tôi: 
- Ông trả cháu bao nhiêu? 
- Độ một hào chứ mấy! 
Bác cười khanh khách và nói: 
- Nếu thế thì nhà cháu phong lưu chán! 
Bác nói rồi ngoái tay với cái giỏ bỏ vào. Tôi điểm một câu  chúc của phường hội tát: 
"Sí sốc một chốc đầy giỏ" rồi nhổm lên nhìn vào trong giỏ thì  mới có độ một vốc tay tép mại, hai con ốc nhồi và một mẻ vó bác  mới bỏ vào sau. Bác khôi hài: 
- Thế là nhà cháu đã được một niêu hai tay bưng rồi đấy ông 
ạ! 
Thoảng tiếng trẻ con trong mái tranh đưa ra: 
- Bố ơi, bố làm bánh đa cho con ăn. 
Tôi ngạc nhiên hỏi: 
- Bác lại có cả nghề làm bánh đa nữa ư? 
Bác ngặt nghẽo cười: 
- Vâng, bánh đa nhà cháu là thứ bánh đa mới chế, chưa ai  biết làm cơ. Ông ngồi đây, cháu làm cho ông xem. 
Bác nói rồi chui vào trong nhà, một lát đem ra một nắm đất  sét trắng, một cái mê rổ, một cái khăn vuông. Bác dúng cả khăn  lẫn đất xuống nước cho ướt, rồi đặt lên chõng, căng thẳng chiếc  khăn vuông, phiết một lần đất lên thật mỏng, đoạn đặt vào mê rổ,  lại chui vào nhà, thổi lửa nướng. Chỉ trong chớp mắt, bác đã bưng  ra, trông trong mê rổ thấy một lượt đất khô cong, lũ con bác kéo  nhau ra xúm xít chung quanh rổ. Bác mời tôi thử nếm bánh đa bác  mới chế, tôi ngẩn người chưa hiểu bác nói thật hay bỡn, thì bác  tách ra một miếng bỏ vào miệng, nhai giòn khau kháu, lũ con bác  cũng xô nhau bẻ lấy mà ăn một cách ngon lành. Bác bảo: 
- Đấy là thứ quà vặt của các cháu, nếu ông biết thứ ăn thay  cơm của nhà cháu thì cháu xin đưa ra để ông xem. 
Bác nói rồi chui vào lấy ra một cái nồi đất to chìa cho tôi  xem, và đố tôi biết là cái gì. Tôi thấy bác gạt một lần tép vụn ở  trên, dưới lộ ra một lớp đen đen, xếp từng miếng mỏng như miếng  bánh dầy. Nhìn gần lại, thì thoáng ngửi một mùi nằng nặng, khăn  khẳn, như mùi thối tai. Tôi nín thở, lắc đầu xin chịu để bác giảng  cho tôi nghe thức ăn quái gở ấy. Bác đắc chí cười rũ ra bảo tôi: 
- Cũng đất đấy! Người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính  nhà cháu sống về đất đấy ông ạ! Món này là một thứ cơm nắm của  nhà cháu, làm công trình hơn một tí. Mới đầu là lấy đất sét trắng  về, vật đi vật lại như ta nặn đầu rau, rồi thái từng miếng mỏng  như ta thái bánh dầy, đặt vào mủng, mẹt đem phơi khô. Khi dùng  nó thì phải có nõn sắn lót thật dầy xuống đáy nồi, rồi mỗi lượt đất lại một lượt cá tép, rồi cho vài duộc tương. Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ lửa đun mãi cho tương cạn cá  chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất sét đỏ như  miếng hồng tầu thế là được. Tôi hỏi: 
- Ăn như thế mùi mẽ ra làm sao? 
Bác bảo: 
- Nó quanh quánh như ta nhai miếng bánh dày, lại đậm vì có  tương có cá đưa đi, không phải ăn đồ ngoài. 
- Thế ăn vào có thấy gì không?  
- Việc quái gì! Nó chỉ phải cái nặng bụng hơn các thứ rau cỏ  khác. Lần đầu cháu ăn rặt đất thì thấy tanh tanh và chán lắm, ăn  vào rồi hôm sau thấy mền mệt, chắc là không có béo bổ gì, cho nên  cháu nghĩ ra cách om với cá thì ăn ra chiều dễ chịu hơn. Tôi hỏi: 
- Ai bảo bác rằng đất sét ăn được? 
Bác nói: 
- Nào có ai bảo đâu, cũng là một cách ăn liều của cháu. Hôm  nước vào đã già nửa tháng, trong nhà hết ăn, mẹ cháu phải ra tỉnh  kiếm việc làm. Bữa sáng hôm ấy chỉ có mấy củ khoai lang đủ cho  cháu ăn thôi, cháu đành nhịn đói, để anh em nó trông nhau ở nhà,  một mình chở mảng ra cái ao trước cửa đình để lặn xuống đánh củ  súng. Lặn ngụp mãi chưa dò thấy cụm củ súng nào cả, mà lòng  không dạ đói, lặn mãi mệt quá. Cháu cố lặn một hơi thật dài, mò  mãi chẳng thấy gì, bèn xắn vội nắm đất sét ngoi lên. Thấy chất đất  vừa dẻo, vừa trắng, ngửi thấy tanh tanh, nhân lúc đói ngoạm chơi  một miếng, nhai rồi nuốt đi, không thấy gì, ăn hết nắm đất, thấy  đỡ cồn cào. Cháu liền bỏ cả củ súng, hãy xắn mấy cục đất đem về  đã. Đương lềnh bềnh trên mảng chuối trở về, bỗng thấy mập mờ  cái vó trôi, cháu mừng quá đuổi theo vớt được cả vó lẫn gọng là cái  vó này đây. Cả nhà cháu mới ăn đất được dăm hôm nay, các cháu  cũng chịu khó ăn cả, nhưng mới đầu chưa biết cách chế biến, ăn  chóng chán lắm, cách om đất với cá này nhờ có cái vó nên cháu  mới nghĩ ra. Tuy vậy, cũng cần phải đổi bữa luôn. 
- Đổi bữa bằng gì? 
Bác chỉ tay ra mấy đám trước sân: 
- Kìa ngổ dừa, bèo tây, còn cụm rau muống là của quí nhất,  hiếm nhất, cháu còn đương gây chưa dám ăn đến, vì chưa biết bao giờ nước ra khỏi làng. Trong những thứ rau ấy thì ngổ với dừa dễ  ăn hơn, nhưng sợ ăn mãi nó cụt đi, cháu phải ăn độn thêm bèo tây. 
- Bác làm thế nào mà ăn? 
- Muối dưa cụm sen kia, vặt lá vặt rễ, chỉ để cái vú, phơi hơi  tái đi rồi muối như ta muối dưa cải, lấy vỉ nén cho chặt. Giá không  có muối mặn thì ăn nó chẳng khác gì nhai cái ngọn mía nhạt, mà  lại lăn tăn ngứa! Thứ ấy là thứ đồ ăn, ăn kèm với cháo cám thì  ngon tuyệt! Đã nửa tháng nay, cả nhà cháu không biết một hột  cơm, hột gạo là gì cả, mà cám cũng ít có, vì chỉ hôm nào kéo cá  được một vài con to, bán được dăm ba xu thì mới dám mua cám ăn,  cám là thứ quý nhất, chỉ ăn cho có hơi gạo đó mà thôi, chứ ăn nó  thì lấy đâu. Một hôm, cháu nghĩ buồn cười quá ông ạ. Đong được  cám về, thằng bé lớn nhà cháu lấy nồi đổ nước lên đun, lóng cóng  thế nào nồi vỡ, không đun được nữa. Cháu bèn vớt cám ra, nắm lại  một nắm, ngoài trát một lần đất sét bỏ vào bếp nung. Thế mà ăn  ngon hơn bánh khảo phục linh đấy ông ạ. Giá được rặt cám mà ăn  thì còn nói gì nữa, khốn nỗi họ lại pha mùn cưa vào cho được nhiều  lãi, thì ăn chẳng còn lý thú gì cả, chỉ thấy ráp sì thôi. 
Tôi chợt trông thấy cây cau, cây nào cũng cụt cả, vội hỏi: 
- Sao cau cụt cả thế kia? 
Bác nói: 
- Nó cũng đã chui vào mồm cả rồi đấy. 
- Cau mà cũng ăn được ư? 
- Ông tính cái gì vào lửa mà chẳng ăn được. Ôi chà, nghĩ cái  nguồn cơn ăn cổ cau mà sợ. Lần đầu, cháu chặt một cái, bóc hết bẹ  xanh rồi thái như thái măng phơi, cứ thế luộc rồi đem ra ăn: ăn  rồi, bố con rạo rực nằm mất một ngày, chân tay cứ rời rã ra, bọt  mép phèo ra, bụng vẫn tỉnh mà không sao cựa được, sau hỏi ra  mới biết phải luộc bỏ nước đi, ngâm hết nửa ngày nữa mới ăn được. Ăn hết cau rồi, thấy làng nước họ đua nhau đi tìm củ chuối  để ăn, cháu cũng vớ được vài cái đem về bung. Ăn nó có phần mát  ruột mà chắc dạ hơn ăn bèo tây, rau ngổ, hơn cả ăn đất sét, đất sét  phải cái nặng, làm rỗng cả ruột ra, về sau ăn cái gì cũng mãi mới  no! 
Nhưng củ chuối đâu mà ăn được hàng tháng trên mặt nước,  chỉ được ít lâu là nó thối nhũn ra thì còn ăn gì được nữa. Cháu cứ  ăn liều mà nhiều cái cả làng phải bắt chước cháu. Cháu còn nhớ một năm trời không làm lụt, nhưng phải năm đói kém quá, làng  nước nhao cả lên. Mẹ cháu năm ấy lại vừa ở cữ, thành ra lúng  túng với nhau, chẳng đi làm đâu được, ở làng chẳng ai mướn làm  gì cả, cháu chỉ nghĩ cách ăn trừ bữa cái ni lại ăn trừ bữa cái kia.  Lần đầu cháu đi qua nền Văn chỉ thấy một đám cải rừng, xanh tốt  lắm, cháu nhấm thấy thơm thơm, liền hái một chét đem về ăn thử,  thế mà luộc chấm tương ăn thú lạ; nhà cháu ăn ba bốn ngày làng  nước mới biết thì chẳng còn gì cả. Cháu lại xoay ra tìm cách khác  xem ra lợn ăn được cái gì thì người ăn được cái ấy. Một lần cháu  ăn liều mà ngon. Đương mùa nhãn, cháu thấy ở chợ người ta vứt  rất nhiều hột, cháu mới quét lấy được trên lưng thúng đem về. Lấy  dao gọt hết vỏ đen đi, đổ vào ngâm một đêm cho hết chát, rồi tra  vào nồi, bung như ta bung ngô, thế mà đem ra ăn cứ bùi nghìn  nghịt như hạt sen, đã ngon lại chắc dạ; thế là cháu cứ tìm đi các  chợ, để nhặt hết hạt nhãn đem về tích lại một gánh, vợ chồng ăn  uống no nê mà chẳng ai biết cách ăn của cháu thế nào. Rồi sau họ  biết, họ đặt vè để chế cháu, cho nên làng ta bây giờ đã có câu Nói  dối thằng Trà, ăn ma thằng Tụy. ông tính thế có tức không, mình  có ăn cắp ăn trộm của ai đâu, không có, ăn xằng ăn bậy cho qua  ngày đoạn tháng, họ cũng chế, họ bảo là ăn ma ăn mãnh. Cháu  thấy họ chế; tức mình giấu biệt những cách ăn độn ăn lót của nhà  cháu cho bõ ghét. Cháu còn nhiều cách ăn giản tiện mà ngon, cháu chế biến cũng khéo, cho nên họ lo đói, cháu chẳng biết đói là  cái gì, chỉ có ngon hay không mà thôi, làm thế nào cháu cũng có  cái ăn, không chịu đói bao giờ. ông tính con sâu con bọ, con giun  con dế nó còn chẳng lo đói huống nữa là mình, phải thế không ông? 
- Phải, sống qua trong nạn đói mà vẫn giữ được lòng ngay  thẳng, thật thà thì còn gì quý hóa bằng. Giá bác tài nấu nướng thế  mà ra Hà Nội mở hiệu thì... 
Bác phá lên cười, rồi tiếp câu nói của tôi: - Thì... cho chó nó ăn!... ông nhỉ? 
Ánh nắng chiếu xiên qua nan chõng, chiếu xuống làn nước đỏ  ngầu, gặp trận gió rung rinh trên mặt nước thành những đàn rắn  ngoằn ngoèo. Một tảng vỏ mít lềnh bềnh trôi vào gọng vó, bác Tụy  chỉ tay mà bảo: 
- Kìa, tảng vỏ mít kia đã cứu sống vợ chồng con cái nhà cháu  ba ngày đấy ông ạ! 
Nói đoạn, lấy sào kều ngửi, lắc đầu: 
- Hỏng, thối cả. 
Vứt tõm xuống nước rồi kể tiếp: 
- Thằng bé lớn nhà cháu năm nay lên tám. Ấy chính năm đẻ  nó thì gặp trận đói to, vì hai năm mất mùa liền, nhân dân lại xao  xuyến về dịch lệ. Nhà cháu quanh năm ăn độn, ăn lót, ăn thường,  nhưng bu cháu mới đẻ, nếu cho ăn xằng xịt vào thì sợ ốm đau khổ  cả mẹ lẫn con, cho nên dù sao cháu cũng cố kiếm cho mẹ cháu mỗi  bữa một niêu cơm riêng để lấy sữa cho con bú, còn cháu thì ăn thế  nào cũng được. Gặp nạn đói mới biết cái khổ của hạng sức dài vai  rộng như chúng cháu, đi xin không ai cho, làm mướn không ai thuê, thế mà lại lâm vào cảnh vợ mọn con thơ thì lại càng khổ nữa!  Hôm ấy trong nhà chỉ còn đủ gạo để thổi bữa sáng cho mẹ cháu,  còn cháu thì có hai bát ngô bung. Ăn xong, cháu vác thuổng, bủa  sang chợ, đón công xem ai mượn đánh gốc bổ củi thì cháu làm. 
Ngồi từ sáng tới non trưa, chẳng ai hỏi tới, chợ thì vãn, bụng  thì đói, mà chắc mẹ con nhà cháu cũng đang mong chờ bữa. Cái  nông nỗi mong chờ vơ vẩn làm cho cháu nóng ruột bội phần. Tần  ngần ngồi bên đống vỏ mít, ruồi nhặng bậu đen ngòm, cháu nghĩ  cách ăn tranh chúng nó, bèn ngả nón bốc đem về, đổ vào rổ sề đem  ra ao rửa sạch, gọt hết gai đi, rồi thái cả sơ lẫn cùi, cho vào nồi  đun thật dừ. Tra mắm muối cho vừa vặn. Còn mấy chục bát hột  tìm trong đống vỏ vẫn định luộc riêng, rồi nấu cháo cho bu cháu  ăn, nhưng nó thấy cháu nhường nhịn chẳng đành lòng, nên cùng  ăn cả. Cháu bèn giã cả hột cho vào thành một thứ canh vừa bùi  vừa ngọt, ăn thú quá! Một điều sung sướng nữa là ăn vào, sáng  hôm sau hai bầu sữa của bu cháu thẳng căng, thằng cháu bú no  nê, không cằn nhằn như mấy bữa trước. Thế là mấy hôm sau cháu  cứ việc đi chợ khuân vỏ mít về làm bữa, ăn rồi lại kỳ cạch thái  phơi bỏ lọ, thứ thì lựa rặt cùi để kho ăn với cơm. Nhưng mà mít nó  là giống có mùa, không thể trông vào đấy mà ăn mãi được. Cháu  nghĩ ngay ra cách ăn bã đậu. 
- Bã đậu chắc ăn chóng chán lắm thì phải, vì tôi ngửi mùi nó  ngang ngang khó chịu lắm, nhất là khi nó đã ôi. 
- Làm cho không có mùi ngang ngang, mà không bao giờ ôi  được mới tài chứ! Cháu tìm ra cách ăn được, nhất định bí truyền,  thành ra các tướng cũng bắt chước cháu ăn, rồi bỏ cả đấy ông ạ! 
- Làm cách nào mà ăn? 
- Khó gì đâu! Chỉ có mẹo một tý thì bã đậu đã thành một thứ  xôi vò thượng hảo hạng! Mới đầu hãy tãi ra cái nia, phơi trong  râm, nhưng đừng để cho ruồi nhặng đậu vào, thỉnh thoảng lấy đũa  cả đánh đi đánh lại cho rời ra rồi cho vào chõ đồ, rắc thìa muối cho  đậm, hơi bốc lên là bạt hết mùi chua, mùi ngái mà ông bảo là  ngang ngang, muốn kỹ đem đồ hai lượt thì tốt lắm. Ăn bã đậu béo  người, tuy mất tiền mua nhưng cũng rẻ, cứ bốn bố con nhà cháu,  một ngày chỉ hai xu bã đậu là no phính! 
- Mỗi năm bác phải ăn độn lót thế độ mấy tháng? - Quanh năm ấy ông ạ! Có chăng chỉ những ngày giỗ tết thì  dù túng kiết thế nào cũng cố dành dụm kiếm lưng cơm quả trứng,  thoi vàng nén hương cho tinh sạch. Những ngày ấy mới là ngày ăn  uống sang trọng của nhà cháu, tưởng ăn một bữa hết hai hào chỉ,  giá cứ quanh năm ăn thế thì núi cũng phải lở, ông nhỉ? 
- Nhưng ăn rồi lại kiếm ra thì sợ gì ? 
- Kiếm như chúng cháu nghĩ mà buồn! Chỉ mong một ngày  được ba xu với hai bữa cơm no cũng còn khó thay, ấy bu cháu ra  tỉnh chuyến này nếu ở được mỗi tháng một đồng kia đấy, nhưng  mà... 
Thoáng một vẻ buồn hiện trên nét mặt bác, tôi mỉm cười nói  giỡn: 
- Thôi lại nhớ mẹ đĩ rồi! 
Bác cũng gượng cười nói chữa: 
- Không, giá cháu nhớ thì cháu đã chẳng bảo đi, nhưng cháu  chỉ lo nước Hà Nội chóng ngay xương lắm! Đi làm đỡ nạn mấy  tháng khi về lại quen đi, không gồng gánh nặng nhẹ được thì khổ,  ấy cũng nhiều người thế đấy, rồi sau vợ chồng sinh chán nhau hoặc bỏ chồng theo những anh bồi bếp để ăn trắng mặc trơn, nhiều  anh mất vợ vì thế đấy. 
- Có "tâm" là lòng, "ý" là lòng chứ, ai cũng thế thì còn ai dám  đi làm lụng gì nữa. Vả lại bác gái nhà bác bồ chề xốc xếch thế thì  việc gì!... 
Bác nghe câu khuyên giải của tôi, nét mặt lại bình tĩnh như  thường. Tôi bỗng nhắc bác: 
- Kìa từ nãy tới giờ, mải nói chuyện mà quên cả cất vó? Dễ vợ  chồng con sộp nó đem nhau vào ở cữ trong vó của bác rồi cũng nên! 
Bác khanh khách cười, tay nâng sào vó, khom lưng rút khung gọng vó, nước sóng sánh chuyển động chiếc bèo tây đang  đủng đỉnh trôi xuôi. Mẻ vó suông! Bác khoan khoan cho vó xuống, tôi thẫn thờ nhìn ánh nước rập rờn trên bức vách. 

Thứ Hai, tháng 12 10

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) LỚP NGƯỜI BỊ BỎ SÓT

Hôm ấy, một hôm về cuối mùa đông, cách đây độ hơn mười  năm, trời xế chiều, tôi mới đến nhà cụ Thượng Lão Việt. Cái nhà  mới lạ làm sao! Nó là một túp lều tranh lụp xụp, đầy cảnh thê  thảm, nhưng lại có vẻ vui vẻ. ở gian bên này khách khứa tấp nập.  Người ta cười cười nói nói sốt sắng đợi hơi thở cuối cùng của ông  cụ già. Cụ Thượng nằm to vo trên chiếc giường tre trong gian bên  kia. Mặt cụ ngoảnh vào bức vách. Lưng cụ uốn gù con tôm. Bức  chăn dạ đỏ phủ trên mình đã hóa màu gạch non vừa vặn đậy kín  từ vai đến gối. Cái đầu trắng xóa và đôi bít tất thủng gót đeo ở cổ  chân đều bị để lộ ra ngoài. Cánh dại che ở trước cửa chỉ còn lơ thơ  vài nan. Gió Bắc tự do đưa mãi hơi lạnh từ ngoài sân vào vách.  Mấy cục củ tre nhóm trên đống trấu cạnh giường đã hết ngọn lửa,  khói đang nghi ngút tỏa khắp nhà. Cụ Thượng từ từ mở hai bàn  tay gầy guộc khoác nhau ở đằng sau gáy, nặng nhọc trở mình ra  ngoài, chào tôi bằng hai con mắt cảm động khi tôi rón rén ghé vào  giường cụ, và sẽ lên tiếng hỏi cụ. 

Biết bao nhiêu sự hối hận rung động lòng tôi! Nó trách tôi  đến thăm cụ muộn quá. Với cụ, tôi không phải là kẻ họ hàng thân  thích, hay người cùng tỉnh cùng huyện. Sở dĩ biết nhau chỉ vì một  chuyến tàu thủy chạy từ Hà Nội xuống Nam Định, chuyến tàu chở  dân lều chõng lần cuối cùng. Bấy giờ tàu cạn ở trên cửa Luộc, phải  dừng lại đó suốt hai ngày một đêm để chờ con nước. Trong lúc suốt  ngày đêm lênh đênh ngồi trên mặt nước để nghe những tiếng "dì  xế dì" và "xám xế xám" của bọn mạch nô đo nước, người ta dễ thân  với nhau, nếu đã cùng nhau ăn cùng mâm và nằm cùng chiếu. Nhờ vậy tôi mới trở nên người bạn của cụ, dù tôi kém cụ hơn ba  chục tuổi và không phải cùng làm một nghề với cụ. Cụ yêu tôi về  tính hoạt động. Còn tôi thì tôi trọng cụ ở chỗ từng trải, chất phác, có can đảm, không câu nệ, luôn luôn nhìn đời bằng con mắt lạc  quan, nhất là những lúc rung đùi mà cất chén rượu, cụ đã tỏ ra  người có chí khí. Bấy giờ, cụ đương buôn than, thường lên Hà Nội  mua hàng tải về Nam Định. Nhưng cụ cũng có biết chữ, chữ quốc  ngữ đủ để đọc báo, chữ Hán thì có thể hiểu những cuốn Tam quốc  chí hay là Chinh đông chinh tây. Sau mấy ngày tình cờ hội ngộ,  chúng tôi biệt nhau khi tàu cập bến Nam Định. Từ đó, tuy không  gặp nhau, nhưng mà hai bên vẫn có thư từ đi lại. Mỗi lần cụ đổi  nghề này làm nghề khác, đều có viết giấy cho tôi. ân hận hơn hết  là cái giấy mời tôi đến làng Lão Việt dự tiệc bảy mươi, cái tiệc  người ta ăn vạ cụ về tội dám sống đến bảy chục tuổi để là "cụ  thượng" làng ấy. 

Lúc ấy, tôi đã định đi, rồi lại ngần ngại không đi. Thế rồi, ba  năm sau, một bữa tôi nhận được một bức thư của cụ và tôi giật  mình đánh thót, khi coi đến mấy dòng này:

"Tôi nay sắp sửa từ giã cái làng Lão Việt, từ giã hết thảy  những yêu ghét trong khoảng bảy mươi năm trời. Gan ruột tôi đang bồn chồn không muốn ở lại một ngày nào nữa. Sở dĩ chưa  nhắm mắt được là vì còn mớ tâm sự muốn ngỏ với ông. Nếu lần  này mà không được gặp ông, thì cái tâm sự ấy, tôi đành đem xuống suối vàng để nói với lũ quỉ sứ..." Chao ôi! Một chữ bao nhiêu  đau đớn! Có lẽ cụ đã viết bằng nước mắt. Còn một lẽ nào để tôi  chậm sự lên đường trong vài giờ? Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên  khi thoạt bước đến trước cổng nhà cụ. Trong khu vườn xoan kề bên  cổng, người ta đã buộc một con trâu kềnh. Theo cái giá rẻ hồi ấy,  nó cũng đáng đến bốn chục bạc. Cạnh đó, một bó nứa khô, mấy  chiếc đòn tre, lổng chổng dựa vào gốc xoan và mấy bó rơm tanh  bành quẳng ở giữa vườn. Thoáng coi những vật liệu ấy, đủ thấy  một cuộc vật trâu đang được dự bị tại đó. 

Ngó vào trong cổng, một tòa rạp lớn nghênh ngang dựng ở  ngoài sân, mái cót còn chưa lợp kín. Dưới rạp giường, phản, bàn  ghế đã kê sẵn sàng. Nong bát, nong đĩa, chum đựng nước, cối giã  giò, rồi nồi ba mươi... không biết mỗi thứ là bao nhiêu cái, la liệt  bày khắp ngoài rạp. "Tội nghiệp! Cụ Thượng đã chết mất rồi! Con  cháu đã đương sắp đồ làm ma đây rồi! Mình không được nói với cụ  một câu nào, sao mà phụ phàng cụ thế?..." Với sự bùi ngùi ấy, tôi  bỡ ngỡ bước vào trong sân. Mấy chục con mắt đổ dồn vào tôi. Không ai biết tôi là người nào hết. Bởi vì tôi đến nhà cụ, lần này là lần đầu. Sau khi tôi tự giới thiệu, một người đàn ông, độ bốn mươi  tuổi, tươi cười bảo tôi:

- Rước ông vào chơi trong nhà! Ba bốn hôm nay hôm nào thầy tôi cũng nhắc đến ông.

Thì ra người đó chính là con trai cụ Thượng. Lúc đó tôi mới  biết cụ Thượng còn sống. 

Đưa tôi vào đến cạnh giường cụ Thượng, người ấy chỉ kịp rót  cho một chén trà nguội, rồi ông ta sấp ngửa chạy đi, coi bộ đương  bận rộn lắm. Cụ Thượng tuy đương ốm nặng, nhưng nó chỉ là bệnh  già, cũng như cái cây hết nhựa, chứ không có chứng gì khác. Vì  vậy tinh thần vẫn còn tỉnh táo. Tuy đã xa nhau đến gần mười  năm, mà khi thoạt nghe tiếng tôi, cụ liền nhận ngay ra tôi và cố  quay mặt ra chỗ tôi ngồi! Cái mặt mới đáng sợ chứ! Nó sạm như  ngả bùn, đôi mắt trũng hoáy, đôi má hóp lại, hai cái gò má dô lên,  người ta có thể ngờ là một chiếc đầu lâu, nếu không có đôi con  ngươi lóng lánh. "Sao mình không đi thăm cụ tự mấy tháng trước  để đáp tấm lòng ân cần của cụ trong mấy năm xa nhau? Bây giờ  đã đến thế này, cụ còn sức đâu mà kể với mình những điều cụ định  kể? Thật là mình đã phạm một tội lớn! Chính mình đã làm cho cụ  thấy áy náy trước khi từ giã cõi đời!... Tôi đang phàn nàn với tôi  như vậy thì cái bàn tay cẳng gà của cụ chờ choạng nắm lấy tay tôi.  Rồi cụ cất giọng rên rên như sắp đứt hơi:

- Đáng lẽ tôi sẽ im lặng mà chết, không thể nói thêm câu  nào, dù tôi vẫn muốn nói. Bởi vì luôn hai bữa nay người tôi đã hết  khí lực, không đủ sức để đưa câu nói ở trong miệng ra. Không hiểu  vì sao mới nghe tiếng ông, tự nhiên tôi thấy trong mình hơi mạnh  hơn trước. Có lẽ bây giờ tôi đã có thể nói nhiều với ông. Ngừng lại  giây lát, cụ tiếp:

- Tôi sẽ là người chết oan! Ông nên nhớ cho như thế!

Nghe đến câu ấy, tôi phải hết sức sửng sốt, nhưng vẫn cố giữ  vẻ bình tĩnh. Cụ vẫn ngập ngừng cất từng tiếng một:

- Đời tôi thế nào, ông đã biết rõ. Nhiều lúc tôi vẫn tự phụ: tuy  không thông minh, nhưng không đến nỗi ngu đần. Nhất là tôi  không lười biếng...

Xen vào đó, một tiếng thở dài, rồi cụ lại nói đều đều:

- Thật vậy, từ thuở mười bảy tuổi đầu đến giờ, tôi không chơi  không ngày nào, trừ ra những ngày đau ốm. Thôi thì cày sâu cuốc bẫm, buôn ngược bán xuôi, không quản ngại một việc gì cả. Có lúc  đã lên mỏ Hích lăn lộn với đám phu mỏ... Những việc tôi làm, bất  kỳ việc nào, tuy không phát đạt, nhưng không thất bại bao giờ,  chẳng lãi nhiều thì lãi ít. Vậy mà suốt đời nghèo xác, nghèo xơ, ăn  không đủ, mặc không đủ, cả nhà có một thằng con đành để nó dốt  nát. Ông bảo là vì cớ gì!

Tiếng cười nói ở gian bên kia làm cụ im đi một lúc như để  chờ câu trả lời của tôi. Lâu lâu cụ mới cắt nghĩa:

- Ấy là bởi gánh việc làng. Cái làng Lão Việt nhà tôi có thể  đại diện cho cả hương thôn già cỗi của nước Việt Nam. Vì nó là chỗ  để chứa hủ tục. Bất kỳ hủ tục nào, làng tôi đều có đủ cả. Vì thế mà  tôi suốt đời còm cọm, chỉ để đóng góp là vừa. Bây giờ tôi sắp nằm  xuống, lại sắp để lại cho thằng con tôi một cái gánh nặng. Những  sự linh đình ông thấy ở ngoài sân kia, sẽ là món nợ mà một đời nó  chưa chắc trả hết... Đuôi con mắt cụ bỗng có một giọt nước rỏ  xuống dưới chiếu, cụ cố nói cho ra giọng cứng:

- Hủ tục không phải là thứ thiên kinh, địa nghĩa, nó vẫn có  thể thay đổi, nếu phái trí thức để ý đến sự khai hóa cho dân quê.  "Nhưng vì chúng tôi là một lớp người bị bỏ sót trong lđá tre xanh,  con mắt của phái trí thức ít khi ngó tới. Bởi vậy, những cái tục lệ  quái gở, mọi rợ mới được tự do kế tiếp nhau, chồng chất lên vai  chúng tôi. "Nhiều lúc tôi muốn hắt cái gánh nặng ấy đi, nhưng sức  một mình không thể làm nổi, đành phải è cổ mà chịu. 

"Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một  gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây  giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan  uổng không? Vậy mà nó vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai  đả động đến nó. Lạ thay! Tôi ước ao rằng: sau khi tôi đã nhắm  mắt, ông sẽ đem những tội ác của nó mà phơi ra bóng mặt trời"...

Lúc này tiếng nói của cụ đã thấy nhỏ dần. Vì sợ cụ mệt, tôi  tạm cáo từ để ra chỗ khác. Gần tối, tôi lại tới đó. Cụ vẫn ngoảnh  mặt trở ra như có ý đợi tôi. Khi thấy tôi đến, cụ cố gắng sức đưa ra  những tiếng thì thào và rời rạc:

- Một nước giống như một cái xe bò, lớp trí thức là người làm  bò, lớp dân quê là người đẩy xe. Nếu kẻ đẩy còn bị những dây lệ  buộc chặt hai chân, thì kẻ làm bò tài giỏi bậc nào cũng không thể  kéo được cái xe bò lên dốc... Vì vậy... tôi chỉ mong mỏi các ông đưa  mắt đến chỗ bẩn thỉu, tối tăm... trong đá tre xanh".

Hết câu đó, cụ bỗng trợn ngược hai mắt, đờm ở trong cổ kéo  lên khè khè. Cả nhà nhớn nhác xúm lại. Cụ đã tắt thở. Cái lúc  trong nhà im lặng bỏ tiền và gạo vào miệng người chết, thì ở ngoài  vườn người ta cũng hò reo để vật con trâu. Từ lúc đưa đám tang cụ  Thượng, lời cụ vẫn văng vẳng bên tai tôi. Sau mười năm lang thang nay đây mai đó, tới đâu tôi cũng thấy chứng cớ về sự từng  trải và nỗi đau đớn của cụ. Cụ quả là người chết oan. Cho được an  ủi vong hồn của cụ, tôi phải minh oan cho cụ và cho những người  như cụ bằng thiên phóng sự này.