Dũng còm bị mất tích không hiểu vì lý do gì. Dân thị trấn đoán rằng nó không muốn ở với ông bố keo kiệt và độc ác nên bỏ đi theo gánh xiếc. Bằng cớ là đứa bé mất cùng với chiếc xe mui khum cũ kỹ kia. Hẳn là người chủ gánh xiếc đã giấu nó trong cái thùng xe ọp ẹp được che bằng tấm vải sơn loang lổ những hình vẽ. Bà vợ to béo của ông ta đủ sức giấu hai đứa trẻ sau lưng… Cũng có người đoán Dũng còn bị mẹ mìn bắt đem bán. Điều này được các bà mẹ chúng tôi tin ngay. Và ngày nào cũng vậy, các bà mẹ răn đe chúng tôi rằng: mẹ mìn không chỉ bắt trẻ con, lớn hơn chúng mày nó cũng bắt được. nó cho ngửi thuốc mê rồi dẫn lên núi. Con gái mười ba tuổi bán cho người Mèo làm vợ. Con trai mười ba tuổi bắt mang thuốc phiện lậu sang bên Tàu… Kèm theo lời dọa dẫm đó là một chế độ kiểm soát gắt gao. Thậm chí, có bà còn mua cả xích chó về xích con vào cột nhà. Ba tuần lễ liền tôi không được đi chơi đâu ngoài buổi học. Kể ra điều đó cũng có thể chịu được, nếu những cơn mưa đầu xuân không rơi xuống. Ồ, các bạn có nhớ những cơn mưa này không nhỉ? Chúng đẹp như không phải mưa mà như bạc ròng tuôn chảy. phố xá lấp lánh những sợi tơ dài, reo lanh tanh và nhảy nhót trong ánh mặt trời chiếu rọi. Mưa thật đẹp nhưng lòng chúng tôi đầy lo phiền. Bạn biết đấy, gia tài riêng của tôi và Loan hạt mít chôn ở đảo Hoa Vàng giữa dòng sông Xanh. Dưới gò đất giữa đảo cách cây duối còng một thước có một chiếc thùng nhôm. Trong thùng, tôi và Loan cất chiếc hộp đựng bánh quy. Trong hộp có một tập tiền mừng tuổi. Toàn những tờ giấy bạc mới cứng, cọ lên mặt còn kêu sột soạt. Tờ nào tờ nấy mát rượi và bốc mùi thơm phức. Ngoài xấp tiền giấy còn một đống tiền hào. Hào nào cũng sáng trắng như bạc, chưa hề bị xây sát hoặc hoen ố một li. Chiếc hộp đựng bánh quy đó là nửa phần kho tàng của hai đứa tôi. Nửa phần kia gồm có một pho tượng vũ nữ bằng bạc đúc của bà ngoại Loan hạt mít cho, một xấp vải vụn các màu có thể may hàng chục bộ váy áo cho búp bê, một gói lớn hạt dưa hấu phơi khô. Những thứ này chúng tôi mới gói tạm bằng lượt giấy dầu, định sẽ kiếm tấm vải đi mưa bọc thêm bên ngoài cho khỏi thấm hơi đất. Chưa kịp làm thì xảy ra vụ Dũng còm mất tích và do đó chúng tôi bị trói chân ở nhà như những con chuột bạch bị nhốt trong lồng. Trời mưa thế này, vải có thể bị ẩm mục, hạt dưa sẽ thối. chưa kể tới hơn ba trăm củ khoai nghệ vùi bên cạnh gò sẽ lần lượt nảy mầm và thế là đi đứt...
Buổi chiều, tôi đã học hết những bài học cho cả tuần, làm hết lô bài tập toán, lý. Tôi ngồi nhìn hai cánh cửa đóng im ỉm. bên ngoài, mẹ tôi đã khóa một ổ khóa đồng đóng im ỉm. Qua khung cửa sổ, khoảng trời xanh chan hòa ánh nắng hiện lên. Cành ổi đu đưa, mấy quả ổi trái mùa chín trắng ngà. Lũ chim liêu điêu vừa nhảy vừa hót như trêu chọc đứa bé bị giam lỏng trong nhà. Tôi định ném cho chúng một hòn sỏi nhưng nghĩ thương tình nên lại thôi. Đúng lúc đó, gương mặt bầu bĩnh của Loan hiện lên ngoài cửa sổ:
- Bê.
Loan gọi tôi, miệng cười tươi tắn.
- Loan, sao đằng ấy đến đây được?
Tôi mừng rỡ lao tới khung cửa sổ. Hai gương mặt chúng tôi áp vào nhau. Loan trả lời:
- Tớ nhận đi xếp hàng mua thịt phiếu là được bay khỏi nhà ngay.
Nói xong, Loan chìa cho tôi xem chiếc rổ con đựng thịt lợn với dừa cùi và rau cải. Tôi thở dài:
- Mưa to qua, kho tàng ngoài đảo nguy mất.
Loan gật đầu:
- Tớ cũng lo ngay ngáy. Vải nhựa xin được rồi mà không có cách nào chuồn được… Nhưng tối nay tụi mình sẽ bay.
Tôi hỏi:
- Sao cơ?
Loan thì thầm:
- Tối nay câu lạc bộ thanh niên có biểu diễn văn nghệ. Hai đứa mình xin phép đi xem rồi trốn ra sông lấy thuyền bà An Lạc bơi ra đảo. Tuyệt chưa?
Tôi ậm ừ
- Nhưng ai lại đi nói dối mẹ…
Xưa nay, tôi chưa hề nói dối mẹ lần nào. Bố tôi ở một đồn biên phòng xa tít tắp nơi phương bắc. Vài ba năm bố mới về phép một lần. Nhà chỉ có hai mẹ con. Vì thế, mẹ tôi là tất cả quyền uy, tình thương mến, niềm an ủi và hy vọng. Mẹ tôi vẫn dạy tôi dối trá là tật xấu nhất trên đời… Không lẽ bây giờ tôi lại nói dối mẹ? Nhưng nếu tôi nói thật, mẹ chẳng bao giờ cho tôi đi và kho tàng trên đảo sẽ tiêu ma… Lạy trời, một lần thôi, chỉ một lần này thôi…
Tôi nghĩ bụng và gật đầu bảo Loan:
- Thôi được, cũng đành vậy.
Loan thở phào sau một lát im lặng chờ đợi. Rồi nó nhanh nhẹn hỏi tôi:
- Sáu giờ rưỡi nhé?
Tôi đáp:
- Sáu giờ. Đi sớm một chút.
Loan nói:
- Đúng hẹn nhé. Tớ về đây.
Cô hạt mít biến mất.
Chiều, ăn cơm xong, tôi xin phép mẹ ra câu lạc bộ nghe ca nhạc. Mẹ tôi không nghi ngờ chút nào, bằng lòng ngay. Tôi cảm thấy mặt tôi nóng ran lên như hơ lửa khi mẹ tôi cúi đầu bình thản trên chồng vở của học sinh, nhúng cây bút sắt vào lọ mực đỏ chấm bài.
“Con xin lỗi mẹ, chỉ lần này thôi…”
Tôi thầm nói tỏng lòng rồi vội vã bước ra phố. Đi giữa dòng người tấp nập, ồn ào, tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Loan hạt mít đã đứng chờ tôi dưới gốc cây phượng ở ngã ba đầu thị trấn:
- Mau lên, hết trăng bây giờ.
Lúc ấy, trăng thượng tuần lơ lửng như mảnh ngọc lam treo trên trời. chúng tôi đi hối hả. Hết rặng đèn đầu thị trấn, chỉ còn ánh trăng mờ nhạt trải trên dải đường xám, trên những mảnh ruộng và những đám đất trộng xung quanh. Tới bờ sông, mồ hôi đã ướt dính trong lưng áo.
Loan thì thào:
- Trống ngực tớ đánh khiếp quá, đằng ấy có thế không?
Tôi đáp rắn rỏi:
- Không.
Kỳ thực, tim tôi cũng đang nhảy thon thót vì hồi hộp. Chưa bao giờ chúng tôi ra đảo lúc đêm tối như hôm nay. Trước khi xảy ra vụ mất tích Dũng còm, chẳng ai giam cầm chúng tôi và vì thế vài ba ngày một lần, chúng tôi thong thả ra sông, gỡ thuyền bơi ra đảo. vừa bơi, vừa ngắm cảnh mặt trời rực rỡ chiếu trên làn nước biếc và những cánh buồm thấp thoáng gần xa.
Bây giờ, dòng nước trôi dưới ánh trăng mờ trông bàng bạc, xam xám như một con trăn kỳ quái. Những bụi cây nhỏ ven bờ nước, ban ngày nhìn rất xinh tươi lại giống những con thú đang vờ vịt ngủ, chờ cơ hội nhảy chồm lên vồ mồi. thỉnh thoảng một con chim đêm bay qua buông tiếng kêu:
- Két ét ét ét….
Loan níu chặt tay tôi, gọi giật giọng:
- Bê.
- Gì thế?
- Có đi nữa không?
- Sao lại không?
Tôi gằn giọng đáp, hất tay cô bạn ra. Loan hạt mít cắm cúi bước, không dám hỏi thêm câu nào.
Mép nước đã sát dưới chân. Tôi định hướng tìm cây cọc buộc thuyền. Đây rồi. Chiếc thuyền tôn của bà An Lạc cột vào cọc bằng một dây xích lớn. gió đánh khiến sợi dây xích đập xoang xoảng. Những gợn nước vỡ dưới mạn thuyền giống đàn rắn con đang bò. Có tiếng huýt gió vang lên phía bờ kia nghe rờn rợn. Tôi lạnh cả gáy. Lúc đi chỉ hăm hở nghĩ tới lúc mở hộp tiền thơm phức ra ngắm, không nghĩ tới cảnh dòng sông đêm tối tăm ghê rợn thế này. Nhưng không lẽ quay lại?... Thứ nhất, mất toi buổi tối. Thứ hai, Loan hạt mít cũng sẽ cho tôi là thứ thỏ nhút nhát như nó. Nghĩ vậy, tôi mím môi nhảy ào xuống thuyền. Bàn chân bị động mạnh, đau nhói. Tôi vớ vội cọc chèo. Lần này, cọc chèo lại đập vào chân tôi một cú đau hơn. Loan hạt mít vừa nhảy theo tôi, bật lên rên rỉ:
- Đằng ấy ơi, về đi, tớ sợ lắm.
Tôi đang tức giận vì đau, quay lại quát to:
- Sao hèn thế? Vì mình mà người ta phải nói dối mẹ, đi ra đây… Giờ lại đòi về… Không biết xấu hổ hay sao?
Hạt mít lặng im. Có lẽ hai cái mép nhỏ hênh hếch của nó đang mếu xệch trong bóng tối. tôi thương hại cô bạn, nhưng vẫn lầm lỳ làm mặt giận đập mái chèo bồm bộp xuống nước. Tiếng chèo đập nước khiến tôi trở lại bình tĩnh. Con thuyền đã lìa bờ mỗi lúc một ra xa. Tới giữa dòng, nhìn những gợn nước loang loáng trôi dưới mạn thuyền, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: Nhỡ Loan ngã xuống sông thì sao? Và nỗi lo ập đến khiến tôi lạnh toát cả người. Quãng sông này nhiều vực, người ta đồn là lắm ma nam. Tháng sáu năm trước có hai chị em cô bé làng bên chết đuối. Năm kia, một ông lão gù ngớ ngẩn xuống sông tắm buổi trưa, đột nhiên kêu ú ớ từng tràng rồi cũng chìm nghỉm luôn. Lâu hơn nữa, thời mẹ tôi còn nhỏ, cũng đã có một cô gái xinh đẹp nhảy xuống sông tự vẫn vì bị ép duyên. Nhớ tới những chuyện đó, tôi sởn gai ốc. Tuy nhiên, tôi không thể lộ cho Loan biết những ý nghĩ của mình. Tôi cố gắng chèo đều đặn. Loan hạt mít ngồi thụp sâu trong lòng thuyền , tay níu mạn thuyền, tay bám chặt chân tôi. Con thuyền trôi và dần dần dải bờ bên kia đã hiện ra dưới ánh trăng non.
- Kíu íu íu íu… ít ít ít…
Một tiếng kêu rất lớn, thảng thốt, đột nhiên ré lên xé màng nhĩ chúng tôi. Một hơi gió lạnh đột ngột phả mùi hôi lạ vào mặt. Kèm theo hơi gió là một khối đen vụt qua. Loan rú một tiếng, giật mạnh quần tôi. Tôi loạng choạng suýt ngã khiến con thuyền tròng trành muốn lật. phải gắng hết sức, tôi mới giữ cho thuyền thăng bằng trở lại. Định thần rồi, tôi mới thấy cái khối đen vừa vụt qua mặt chính là một con chim lớn. Chính nó cất tiếng kêu ghê rợn và phả ra mùi hôi hăng hắc. Đó là một con lênh đênh. Loài chim này tôi vẫn nghe những người bắn chim nói tới. Nó là loài chim lớn nhất vùng đồng bằng. Mỗi con nặng tới hàng chục cân. Thịt nó dai, không ngon nhưng nhiều và nạc. Nó thường nổi lềnh bềnh trên mặt nước như con thuyền không chèo lá. Người săn chim thường ngậm hơi lặn dưới nước, đầu đội cụm bèo Nhật Bản hay chiếc lá môn, lặng lẽ đi tới gần rồi lừa miếng túm đôi chân con vật. Còn bây giờ nó làm chúng tôi tắc thở vì sợ. Con chim vẫn đập đôi cánh nặng nề, vừa bay vừa tiếp tục buông tiếng kêu khàn khàn hoảng hốt. Tiếng chim kêu vang trên mặt nước, khuấy động trời đêm. Tôi bảo Loan:
- Con lênh đênh đấy, sợ gì…
Loan không đáp, thở dốc từng hồi. Con lênh đênh đã bay xa. Tôi đập mái chèo thật mạnh để xua nỗi sợ hãi…
Chừng hai chục mái chèo nữa, chúng tôi tới đảo Hoa Vàng. Tôi neo thuyền rồi đi tới gò đất chôn kho tàng. Nỗi sợ hãi tan biến. chúng tôi vui vẻ hẳn lên. Loan tong tả bước, miệng hát ư ử. Tôi bảo:
- Giá ban ngày, thế nào mình cũng hái được nửa đấu quả duối chín.
Gò đất chôn của cải của chúng tôi đã sụt một góc sau mấy trận mưa. Hòn đá chôn làm dấu lăn xuống chân gò. Tôi nhìn quanh, đêm vắng lặng, không một bóng người. Trăng thượng tuần xanh như lá non đã ngả lên những ngọn tre đen thẫm làng bên. Tôi bảo Loan:
- Canh gác nhé.
Rồi tôi quỳ xuống, rút cây xà beng cụt giấu trong bụi duối cạnh gò bẳt đầu đào. Non nửa thước đất là tới cái thùng nhôm. Tôi mở nắp thùng thật khó nhọc vì rỉ sắt đã cắn chặt lại. May sao, hộp đựng tiền bên trong vẫn còn nguyên. Chúng tôi ghé mắt nhìn những đồng hào sáng trắng và ngửi mùi xấp tiền mừng tuổi còn thơm phức một cách thú vị. Sau đó tôi đậy hộp, quấn hai lớp vải sơn rồi mở gói đựng vải vụn với pho tượng bạc ra xem. Chợt Loan kêu lên:
- Có người kìa.
Tôi quay lại. quả tình sau lưng chúng tôi hiện lên một bóng đen. Cái bóng nhỏ bé đó đi dọc theo mép nước lúc mờ lúc tỏ. Nghe tiếng hét của Loan, nó sựng lại như cái cọc, rồi cứ như vậy, đứng trơ trơ. Loan đã run rẩy. Hơi thở nóng hổi của nó phả vào vai tôi. Tôi bảo Loan:
- Không phải là trộm. Nếu là trộm, nghe kêu nó đã chạy.
Loan thì thào:
- Hay là ma?
Tôi bảo bạn:
- Đừng sợ. Để tớ ra xem. Đằng ấy cứ bọc lại gói vải cho cẩn thận rồi bỏ vào thùng.
Nói xong, tôi tiến về phía bóng đen kia. Vừa đi tôi vừa bẻ một cành duối vung vẩy. Bà ngoại tôi vẫn bảo: ma quỷ sợ nước tiểu và roi dâu. Không có roi dâu, tôi dùng roi duối vậy. Tôi quật cây roi vun vút trong không khí. Khi đã thấy rõ bóng đen, tôi dừng lại hỏi?
- Ai kia? Người hay ma?
Bóng đen lắp bắp trả lời:
- Em…
Tôi quát to hơn nữa và thấy tay mình bỗng run như gặp rét:
- Em là ai?
Bóng đen nói nhỏ như mất hơi:
- Em là…
Tôi hỏi dồn dập, nửa thị uy nửa tự trấn tĩnh mình:
- Nói mau, em là ai? Làm gì ở đây?
Bóng đen đáp lại vội vã:
- Em là… đi chụp cá… Em đi chụp cá…
Tôi tiến lên vài bước nữa và nhận ra một thằng bé còi cọc đen thủi đen thui. Khi nó nói, chỉ có hàm răng trắng ánh lên. Lưng nó đeo chiếc giỏ và tay cầm chụp. tôi bỗng thấy mủi lòng, chả lẽ một đứa bé gầy guộc như vậy mà đêm đêm lặn lội đi kiếm ăn? Nó còn thua mình vài ba tuổi…
Tôi định bước tới, nhưng một câu chuyện cũ lại hiện lên trong trí nhớ khiến tôi dừng bước. Chuyện thế này:
Năm năm mươi tư giải phóng thủ đô, bộ đội ta về tiếp quản các thành phố và thị trấn. Đêm đêm các anh thường thay nhau đi tuần tra. Một lần đã khuya, hai anh bộ đội gặp một đứa bé lên năm giữa ngã ba đường. Thằng bé khóc nức nở, kể rằng bị lạc mẹ từ chặp tối. hai anh bộ đội cũng thương xót cõng nó tới đồn công an. Từ ngã ba tới đồn công an, chừng non nửa cây số. thằng bé trên lưng lúc nhẹ như bấc, lúc nặng như chì. Anh bộ đội kinh ngạc hỏi:
- Cháu lạ thật, lúc nặng lúc nhẹ như ma ấy…
Thằng bé cất tiếng cười sằng sặc:
- Hay là ma thật đấy…
Và nó thè cái lưỡi dài hơn cái đòn gánh liếm vào mặt anh bộ đội…
Chuyện đó bà Tô béo bán bún riêu kể khiến tôi chùn bước. tôi suy nghĩ vài giây rồi ngồi ngay xuống tiểu tiện. Nếu cái bóng kia là ma, hẳn nó phải biến ngay. Nhưng không, nó vẫn đứng im và lặng lẽ quay đầu đi. Vậy nó là một thằng bé bằng xương bằng thịt. Tôi đến gần nói:
- Xin lỗi nhé, tao phải làm thế vì sợ mày là ma.
Thằng bé sửng sốt nói:
- Ma gì cơ?
Tôi giải thích:
- Ma là linh hồn người chế đêm đêm hiện về.
Thằng bé nói:
- Đêm nào em cũng đi chụp cá. Khắp bãi sông này và đầm bên kia – Nó giơ tay chỉ - cả hồ sen nữa. Chẳng thấy ma bao giờ.
Tôi lặng thinh, hơi ngượng. Thằng bé chụp cá thấp hơn tôi một cái đầu.
- Mày được nhiều cá chưa?
Đứa bé đáp:
- Chỉ đủ niêu kho thôi. Chưa có cá bán. Hôm nay đen quá, toàn cá nhỏ.
Tiếng nói của nó thật dịu dàng, ngoan ngoãn. Tôi bỗng muốn gần gũi và thân ái.
- Nhà em ở đâu? – T ôi hỏi.
- Trong làng, ven đám hồ kia. – nó đáp.
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của chú bé, thấy mặt đầm loang mờ ánh nước và những khoảng tối đen của các đám cây. Tiêng lịch kịch từ gò đất vẳng tới đã tắt. Tôi đoán Loan đã chôn xong thùng nên gọi to:
- Loan ơi, lại đây.
Khi Loan tới, tôi giới thiệu:
- Đây là chị Loan, bạn chị. Còn đây là chú bé đi chụp cá. Tên em là gì nhỉ?
- Em là Cọt.
- Cọt? Sao tên buồn cười thế.
- Mẹ em đặt tên em là Cau. Nhưng em nhỏ quá nên người làng gọi em là Cọt. Hai chị về nhà em chơi nhé.
Loan ngần ngừ. Tôi nhìn về phía thị trấn còn sáng đèn, bảo bạn:
- Mới hơn bảy giờ thôi. Tụi mình đi chơi một lát rồi về cũng kịp.
Chú bé chụp cá mau miệng nói:
- Về nhà em đi. Chỉ có mình mẹ em thôi. Mà mẹ em thích có khách tới chơi lắm… Về bây giờ khoai vừa chín nục. Trước khi đi cá, em đã vùi nồi vào đống trấu.
Ồ, đêm lạnh thế này mà ngồi ở một căn bếp chốn làng quê, ăn khoai mật hầm thì thú vị tuyệt. Tôi sốt sắng nói:
- - Đi.
Cậu bé Cọt thoăn thoắt đi trước. Tôi và Loan bước theo sau. Từ phút ấy, đêm tối lẫn sông nước không còn chút nào vẻ bí hiểm đe dọa chúng tôi nữa. Vừa đi chúng tôi vừa chuyện gẫu. Toàn những chuyện vu vơ mà cười giòn như bắp rang.
Nhà Cau nhỏ xíu, giống như chòi canh dưa hấu. Cổng làm bằng hai cành tre vít cong lại. Chú bé nhấc cánh cửa rào rào cho chúng tôi vào. Sân vắng lặng. Tôi hỏi:
- Nhà em không nuôi chó hay sao?
Chú bé đáp:
- Có gì mà phải nuôi chó!
Nói xong, nó cười hì hì như ông cụ. Tôi hiểu, nhà chú nghèo nên chẳng có gì cần canh giữ. Cau tiến sát tấm cửa liếp, cởi giỏ cá đeo bên hông. Trong nhà, tiếng gọi vọng ra:
- Cau về đấy hả con?
Giọng trong như nước mưa vậy.
Chú bé đáp:
- Con về đây. Mẹ thắp đèn lên đi. Nhà ta có khách.
Người mẹ đáp lời ngay, thánh thót như tiếng nói của một đứa bé đứng trong dàn nhạc lễ ngày xưa:
- Chờ mẹ một tí. Có đèn ngay đấy.
Tiếng lịch kịch khe khẽ, rồi sau đó ánh đèn dầu le lói rọi chiếu ra. Một bàn tay nhẹ nhàng nâng liếp cửa:
- Ai đấy? Xin mời vào nhà chơi.
Một người đàn bà nhỏ xíu, y hệt thằng bé Cau hiện ra. Nhưng sau đó cô thụt vào trong nhà, nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp trả lời.
- Các chị vào nhà đi.
Chú bé giục chúng tôi. Rồi lau tay lên vạt áo, nó rót nước ra chén mời mọc. Những chiếc chén Bát Tràng xoàng xĩnh vẽ hoa xanh được rửa sạch bóng. Cả bóng đèn hoa kỳ cũng được lau đến trong suốt, nhìn rõ từng hạt bọt thủy tinh. Nhà Cau nghèo nhưng sạch sẽ và ngăn nắp.
- Nước vối ủ, mẹ em cho thêm gừng thơm lắm.
Chú bé nói. Chúng tôi uống nước, không những thấy thơm mà còn thấy vị ngọt đọng mãi ở đầu lưỡi.
- Thằng Cau thích nước vối ủ pha gừng lắm. Đi cá về làm một chén là ấm người lên ngay.
Người đàn bà nói, đoạn nheo mắt cười. Mắt cô rất to, xanh biếc, mi dài và cong. Sống mũi cô thẳng và cao, chi chít những vết tàn nhang. Gương mặt cô khác hẳn những gương mặt đàn bà ở làng quê mà tôi thường gặp.
Chú bé Cau đã bưng nồi khoai lên. Nó kêu:
- Mẹ đỡ hộ con tí. Nóng quá.
Người đàn bà lật đật đứng dậy, đỡ nồi khoai cho con. Lúc đó, tôi mới thấy rõ là lưng cô bị gù gập lại. một cái bướu lớn nằm ngay dưới vai trái. Trông cô xiêu lệch và nhỏ tẹo như con cua bị bẻ một bên càng.
- Các cháu ăn khoai đi.
Cô mời. Lần này nhờ ánh đèn tôi thấy rõ những gợn tóc hung đỏ bao quanh gương mặt cô, đẹp như tóc của một tài tử phương tây, và làn da trắng nõn. Cô là một người lai. Một người lai tàn tật.
Tôi không dám nhìn người đàn bà lâu hơn nữa, cúi xuống bát khoai đang bốc hơi nóng hổi. Còn cô, cô ngồi trên giường, lấp sau lá màn nhuộm nâu và nhẹ nhàng nói chuyện:
- Chủ nhân nhà này là em Cau đó. Nó đi học một buổi, đi cá, đi tôm một buổi. Tiền bán cá bán tôm, mua muối, hương hoa ngày lễ Tết, áo quần chăn màn mùa đông. Còn thóc thì hợp tác xã bán cho rẻ. Ngày mùa, Cau đi mót thêm lúa, thêm khoai. Chỉ có cô là chẳng được tích sự gì…
Cau nhăn mặt, gắt:
- Mẹ lại nói chuyện cà kê gì thế? Chán lắm…
Nói xong, chú bé quay đi. Dường như nó muốn che giấu nỗi xúc động trước chúng tôi. Còn người mẹ, thì khẽ thở dài, ngước nhìn con bằng cặp mắt long lanh và dịu dàng nói:
- Thì mẹ kể cho các chị ấy nghe. Có gì sai đâu?...
Chú bé im lặng.
Mẹ chú vuốt ve chú bằng những ánh mắt chan chứa yêu thương lẫn tự hào.
Chờ chúng tôi ăn khoai xong, Cau giục:
- Đi đi, khéo không trộm nẫng hết giàn câu của các chị.
Tôi ngẩn người, hỏi:
- Giàn câu nào?
Lại tới lượt Cau ngẩn ngơ:
- Giàn câu của các chị… Thế không phải là các chị đi canh giàn câu cho bố mẹ hay sao?
Hóa ra Cau tưởng chúng tôi ra sông canh giàn câu. Ở thị trấn có vài gia đình sống bằng nghề câu giàn. Họ cắm từng dây cần câu mắc sẵn mồi và ngồi canh. Lâu lâu lại đi tuần một lượt gỡ cá mắc mồi và thay mồi mới khi mồi cũ đã bị rỉa hoặc nhạt vì ngấm nước. Câu giàn là lối câu nhàn nhã nhất trong nghề câu kiếm sống. Nhưng muốn câu giàn phải có một số vốn to
Cau vẫn băn khoăn nhìn chúng tôi:
- Em tưởng là…
Tôi bấm Loan gật đầu:
- Ờ, ờ…
Chúng tôi chào cô chủ nhà, ra đi. Quen đường, tôi đã có thể phân biệt được cành tre ngả phía trước lẫn bãi phân trâu bên vệ cỏ. Tới ngã rẽ, chúng tôi chia tay nhau. Cau đi về phía đầm nước. Chúng tôi trở lại dòng sông. Trí nhớ khá tốt khiến tôi tìm được lối tắt đi ra đảo mà chú bé Cau đưa chúng tôi lúc trước. Đang đi, chợt tiếng gà gáy te te trong làng vẳng ra. Thú phiêu lưu chợt tan biến. Nỗi lo âu khiến cả hai chúng tôi lạnh cả người. Loan khẽ nói:
- Chết rồi Bê ơi! nửa đêm gà mới gáy thế chứ.
Nhìn sang bên kia sông, thị trấn đã tắt đèn. Tôi cũng hoảng sợ.
Loan tỉ tê nói tiếp:
- Mẹ tớ đánh chết thôi.
Tôi gắt:
- Có gan đi chơi thì phải có gan chịu đòn chứ! Đằng ấy có im đi không, tụt xuống sông bây giờ…
Chưa dứt lời, Loan kêu hự. Nó tụt xuống nước thật, kéo cả tôi theo. May sao tôi bình tĩnh lôi được cô bạn lên, nhưng áo quần hai đứa ướt lướt khướt. tôi không dám gắt nữa, ngọt ngào dỗ bạn:
- Cứ bình tĩnh, sắp tới đảo rồi.
Quả nhiên, Loan không kèo nhèo kêu than nữa, túm áo tôi lặng lẽ bước. Lát sau chúng tôi tới đảo. Vừa lúc đó, bên kia sông hiện lên hàng chục đốm lửa li ti. Những đốm lửa thoạt đầu còn nhoà trong sương đêm, sau hiện rõ dần lên, giống như những ngôi sao màu vàng ngâm trong đáy nước. Tôi che mắt nhìn kỹ hồi lâu và nhận ra những cây đèn bão đang lắc lư tiến đến bờ sông. Bóng người bị vuốt dài ra, như những cây cột đèn di động. tất cả hơn hai mươi cây đèn. Vậy là đoàn người đi tìm chúng tôi ít nhất cũng hơn số hai mươi. Tôi chắc mẹ tôi và cô Lưu - mẹ Loan hạt mít – đã khóc chạy ngược chạy xuôi khắp thị trấn tìm kiếm, báo công an và nhờ cậy bất cứ ai. Nỗi ân hận khiến tôi nao nao trong dạ. Lúc mải vui, tôi đã không nghĩ tới cơ sự này.
Loan níu tay tôi, lo lắng hỏi:
- Làm sao bây giờ?
Tôi đáp
- Lặng im đừng nói năng gì cả. Giống như người bị ma rủ ấy. Không thì chết đòn.
Lúc đó, tôi chưa kịp nghĩ ra cách nào hơn. Sau này, tôi mới thấy lối thoát đó đem lại một kết quả tuyệt diệu. Đám người trong thị trấn tới bờ sông cất tiếng gọi. Trong những tiếng gọi đó, nghe thấy tiếng mẹ tôi và tiếng cô Lưu yếu ớt như hụt hơi, run run như vừa gọi vừa khóc. Tôi cay sè cả mũi. Loan thút thít chùi nước mắt vào tay áo. Tôi khẽ bấm cô bạn:
- Im ngay.
Tiếng gọi bên kia sông lắng dần. Rồi tiếng bàn tán vẳng sang rõ mồn một:
- Chúng nó không có ở đây. Thôi về đi.
- Không còn ngõ nào không sục tới. Chẳng lẽ con mẹ mìn nào đó lại tóm được một lúc hai đứa lớn ngồng như vậy sao?
- Bây giờ chúng nó có thuốc mê. Người lớn như mình cũng lú lẫn nữa là trẻ…
- Năm nay lắm chuyện buồn quá.
- Tôi đã bảo mà, chưa hết hạn sao Chổi. Các cụ đã nói: “Sao Chổi quệt đuôi vào trái đất là phải chịu đủ ba mươi sáu tai nạ mới tới lúc yên hàn. Thôi về đi…
Những cây đèn lắc lư, lắc lư. Chợt bà An Lạc tru tréo lên:
- Thôi chết rồi, chiếc thuyền của tôi đâu? Tôi vẫn buộc nó vào cây cọc này mà… Cả một sợi dây xích sắt to tướng…
Đám người xôn xao:
- Đúng rồi, hai đứa bé lấy thuyền bơi đi rồi.
tiếng bà An Lạc vẫn san sát:
- Còn chệch đi đâu nữa? Cái thuyền tôn tôi vẫn bơi sang sông lấy bèo cho lợn ấy. Chẳng mấy con ranh này thi ma khênh đi hay sao?
- Chết thật, đêm hôm thế này mà rủ nhau bơi thuyền. Chúng nó điên hay sao?
- Điên gì! Ma đã quyến rũ thì trèo lên mái nhà cũng cứ trèo như không. Tôi đây này, to như hộ pháp mà năm hai mươi tuổi còn bị ma rủ đi vòng quanh đầm nước suốt đêm. Sáng bảnh mắt, người đi làm đồng mới dắt về nhà…
Một giọng thanh niên rắn rỏi vút lên:
- Thôi bà con trật tự. Có thể các cháu rủ nhau sang bên hồ nhổ củ ấu thì sao?… Hai thanh niên bơi sang tìm đi…
Tiếng nói vừa ngừng, hai bóng người đã nhảy tòm xuống nước. Họ bơi rất nhanh về phía chúng tôi.
- Thuyền bà An Lạc đây rồi.
Một tiếng reo cất lên, nghe quen quá mà tôi không nhận ra người nói. Bên bờ kia, có tiếng hỏi:
- Tìm thấy hai đứa bé không?
Người thanh niên vừa cất tiếng reo đáp thật to:
- Đang tìm…
Rồi anh nhảy lên thuyền, bơi ngược dòng sông. Anh đã nhận được hai cái bóng mờ mờ của chúng tôi dưới bụi duối:
- Các em đấy phải không?
Anh mừng rỡ cất tiếng hỏi, trong khi chiếc thuyền lừng lững trôi trước mặt chúng tôi. Tôi bấm chặt tay Loan, nhất quyết không đáp. Anh chàng không thấy trả lời liền nhảy xuống nước lội bì bõm tới nơi chúng tôi ngồi:
- Sao không nói năng gì cả, hai cô bé? Trời ơi, ướt sũng rồi…
Anh kêu thật to rồi bế xốc từng đứa một đặt vào lòng thuyền. Lúc đó tôi nhận ra anh. Anh tên là Chiến, đấu thủ bóng bàn của thị trấn. Chúng tôi thường chiêm ngưỡng anh trong những trận đấu giao hữu tại câu lạc bộ thị trấn, một ngôi nhà to lớn có những dây cờ lụa nhiều màu bay phất phới quanh năm. Khi chúng tôi đã ngồi yên trên thuyền, anh bắt đầu chèo về phía bờ bên kia. Lúc đó, bạn anh mới tới nơi liền bám vào mạn thuyền bơi trở về. Tới bờ, anh lại bế từng đứa lên. Mẹ tôi ôm chặt tôi vào lòng. Cô Lưu cũng vồ lấy Loan, vừa khóc vừa cười như điên dại:
- Con ơi là con. Ma quỷ rủ rê thế nào mà đêm hôm mò ra sông nước. Lạy đức thánh Trần, lạy bà cô miếu Cội… Từ rày lễ lạt hương khói tháng hai lần, con không dám đơn sai…
Người đàn ông kể chuyện ma rủ đi quanh đầm nước lúc này đắc ý nói oang oang:
- Đã bảo mà, đã sáng mắt ra chưa?…
Không ai đáp lời. Hẳn mọi người đều tin rằngchúng tôi bị ma rủ thật. Nếu không, họ đã thi nhau mắng mỏ. Và chúng tôi ít nhất cũng lĩnh đủ một chục con lươn trên mông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét