Thứ Năm, tháng 11 15

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) GÓC CHIẾU GIỮA ĐÌNH

Trời đã quá trưa. Tôi vừa về đến nhà trọ, đã thấy người nhà  ông L đã sang mời. Lần này là ba. Sáng ngày đã hai lần rồi. Trước  sự ân cần như vậy, ai mà có thể từ chối. Bởi tại hôm nay nhằm kỳ  bình văn, tôi phải có mặt ở trường, nên còn xin khất đến chiều. Kể  ra tôi với ổng không phải có thân tình gì. Vì tôi trọ học ở gần nhà  ổng thành ra quen ổng. Người ta bảo với tôi rằng: Ổng rất thật thà  chăm chỉ. Trước đó chừng mười lăm năm, ổng còn làm nghề cày  thuê, vợ ổng thì chuyên đi ở vú sữa. Cái chính sách tiết kiệm,  trong một thời kỳ khá dài, đã đưa nhà ổng lên đến bậc có máu  mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu. Trong  mấy năm nay, vợ ổng đã không còn sữa, ổng cũng không được  khỏe mạnh như xưa, cho nên cả hai đều tự hưu trí để cùng trông  nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời hồi ấy luôn luôn được mùa,  vận ổng lại càng tấn tới, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc  lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia. Trong cái hạnh phúc của loài người,  ổng không mong gì hơn thế, nếu như làng ổng không có cái đình.  Khổ vì cái làng Đ.Tr. nhà ổng tuy không phải làng văn vật, nhưng  mà rất có trật tự. Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy  cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên  nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh  phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ôíng tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng  vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố  cu, bố đĩ. Điều đó, ổng rất lấy làm bất mãn. Nhiều lần làng khuyết  lý trưởng, phó lý, ổng đã dốc lòng định mưu lấy chút danh phận.  Chỉ vì ổng không biết một thứ chữ nào, cho nên không được như  nguyện. Năm nay, mái đình làng ấy có mấy chỗ dột. Dân làng cũng mong chữa lại, nhưng mà tiền công của làng chỉ vừa đủ để các hào lý đi việc quan, không còn thừa mà mua ngói. Các ông kỳ  dịch liền gọi ổng ra giữa đình, để bán cho ổng cái chức "lý cựu" lấy  một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ. 

Lúc đầu ổng cũng phân vân, vì sợ cái của "không tân mà  cựu" sẽ không được ai quý trọng. Mấy ông kỳ dịch nói rất bùi tai,  họ bảo người ta bỏ hàng năm, bảy trăm, một nghìn để làm ông lý,  ông phó. Đằng này, ông chỉ tốn một trăm bạc, không vất vả gì, mà  rồi cũng được ngồi ngang với họ, ăn biếu ăn xén như họ. Ấy là một  dịp hiếm có, không nên bỏ qua. Nghe vậy, ổng cũng cho là rất có lý  và đã bàn kỹ với vợ. Vợ ổng cũng muốn được làm bà Cựu, nên  cũng khuyên ổng cố lo. Từ nửa tháng trước, ổng đã bán trâu, bán  ruộng, được hơn trăm bạc, để nộp cho làng. Thế là công việc mười  phần đã xong chín phần, chỉ còn khao làng một bữa, thì sẽ thành  danh ông Cựu. Đáng lẽ bữa khao ấy ổng định hoãn đến tháng mười, đợi cho lúa gạo của nhà, đỡ phải vay mượn mất lãi. Nhưng  mấy ông hương lý không nghe. Họ nói để lâu không tiện, dân làng  đã vậy, còn quỷ thần. ừ thì cái áo còn lo được, huống chi cái giải!  Trước một lần, sau cũng một lần, lo lúc nào thì xong lúc ấy. Ôíng  nghĩ vậy, nên mới cố mua bát họ hơn sáu chục đồng để lo cho yên.  Cứ ý bà Cựu, thì cuộc khao này chỉ cốt cho đủ lệ làng, không mời  khách khứa nào cả. Ông Cựu không chịu. Bây giờ ổng đã làm bậc  lý cựu trong làng, không thể xử cách nhom nhem được. Bởi vậy,  ổng định làm thật linh đình. Nhà chật. Trừ khu bếp đun, toàn thể  dinh cư chỉ có bốn gian một chái nhà tranh. Ngày thường, với gia  đình ổng như thế cũng là rộng. Lúc nào có việc, nó không đủ chỗ  để chứa làng xóm họ mạc. Từ chiều hôm qua, ông đã sai mổ con  lợn, để nhờ bà con dựng hộ gian rạp. Bấy giờ đã nửa tháng tám,  công việc ngoài đồng xong rồi, cả làng ai cũng rỗi rãi. Tôi tuy chưa  sang nhà ông, cũng nghe nói số người giúp đáp đông lắm. Mẹ nào  con ấy, chị nào em ấy, người ta kéo vào từng lũ. Cái anh người nhà  sang mời khoe rằng:

- Bữa chiều hôm qua, tất cả năm chục mâm cỗ. Con lợn bảy  yến, chỉ ăn một lượt là hết. Sáng nay ông Cựu lại cho giết ba con  nữa, hai con để họ hàng ăn cơm, một con để đem lễ thờ, rồi biếu  dân làng.

Và hắn nói thêm: 

- Nhưng cũng chưa đủ. Chiều nay còn mời các lão và tư văn,  thế nào cũng phải vài ba con nữa. Rồi hắn giục tôi:

- Rước ông sang ngay đi cho kẻo ông Cựu tôi lại bắt người  khác sang mời. Ở bên ấy, các ông hàng tổng đương đợi ông đấy. 

Anh ta nói đúng. Tôi còn lúi húi rửa mặt, đã nghe có tiếng  lợn kêu eng éc tự phía ngõ ngoài đi vào. Và một lát sau lại có  người nữa sang giục. Thay xong quần áo, tôi theo hai anh người  nhà cùng đi. Từ cổng trở vào, bát đĩa mâm nồi la liệt bày khắp mặt  đất. Trong rạp đông nghịt những người. Đám này không khác gì  các đám khác, ngoài một số người tay dao tay thớt, lại có các ông  chỉ chuyên thuốc phiện và tổ tôm. Tôi ngó hai dãy phản rạp thấy  có ba bàn tổ tôm và bốn bàn thuốc phiện. Thì ra cái bữa thết làng  tuy đã xong từ sáng ngày, nhưng mà các ông kỳ dịch vì có cảm  tình với ông "Cựu mới" cho nên còn lưu lại đó tất cả. Thoáng thấy  bóng tôi, ông Cựu chào hỏi một cách lơi lả và mời tôi vào trong nhà  ngồi với mấy người làng bên. Rồi ông trách tôi đã tệ với ông, vì từ  hôm qua đến giờ mới sang. Theo lệ tôi mở ví lấy một đồng bạc ra  mừng. Ông Cựu ra ý không thích và nói:

- Ông cho nhà cháu mấy chữ chả quý hơn ư? Tiền tuy cũng  quý, nhưng nhà cháu còn có thể kiếm ra được. Hay là để cháu mua  một đôi liễn, rồi ông viết chữ vào cho.

Tôi còn chưa kịp trả lời, thì thấy một người tất tả chạy vào  báo với ông Cựu:

- Tư văn đã vào! Ông Cựu lật đật chạy ra ngoài rạp. Thằng Mới vừa bưng vào đó một mâm cau và một bánh pháo. 

Theo nó, một bọn lố nhố độ hai chục người tiến vào trong rạp.  Sau khi đã nói vài câu chiếu lệ, ông Cựu mời họ sang ngồi nhờ ở  nhà láng giềng, rồi ông giục người bưng cỗ sang đó. Một ông ở bàn  thuốc phiện vào chỗ tôi ngồi, nói chuyện tiếp tôi:

- Ông nó lo một việc này, có lẽ cũng tốn đến hai trăm bạc.  Song cũng còn may! Ông tính không làm việc ngày nào, tự nhiên  thành người kỳ cựu, chễm chện ngồi chiếu cạp điều giữa đình, há  chẳng sướng sao? Vì có chúng tôi giúp cho thì việc mới xong, người  khác đâu được như thế.

Uống rượu xong, tôi từ biệt ra về. Tới cổng lại thấy một lũ  kéo vào. Đó là các lão trong làng vào mừng ông Cựu. Cuộc linh  đình còn mãi đến sáng hôm sau. 

Năm hôm sau nữa, tôi gặp bà  Cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui:

- Chào ông ở nhà, cháu đi làm đây.

Và không đợi tôi hỏi, bà ấy vội vàng cắt nghĩa: 

- Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng và  nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng,  nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng họ? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét