Thứ Tư, tháng 1 29

những câu chuyện thời bao cấp (11)

Rét, tìm mua chiếc áo Nato mặc đi công trường mà khó quá, cái đẹp thì giá trên giời, lục tủ còn cái áo lông Đức nhưng dài mặc không vừa, tiện đây xem qua các dân chơi thời xưa như thế nào .


'dân chơi' thời bao cấp


Mốt thời trang trong giai đoạn bao cấp và đầu đổi mới luôn hằn sâu trong tâm trí nhiều người thế hệ trước những ký ức về sự khốn khó, thiếu thốn, nhưng lại theo cách vô cùng ấn tượng.

Bất cứ ai đã từng để lại tuổi thanh xuân ở giai đoạn bao cấp và đầu đổi mới thì đều có cả một “kho truyện” để kể lại cho thế hệ em, con cháu mình nghe. Thời kỳ ấy không huy hoàng niềm hạnh phúc như đúng bản chất nó phải thế, mà trái lại hằn sâu trong tâm trí những người đã từng sống thứ miền ký ức về sự khốn khó, thiếu thốn theo cách vô cùng ấn tượng. Người ta nhắc lại cụm từ “bao cấp", "đầu đổi mới” thường với 2 trạng thái ngược nhau: một là trầm ngâm suy tư, hai là cười phá lên đầy vui vẻ sảng khoái. Thứ kỷ niệm về thời kỳ đặc biệt ấy khi ngẫm lại chỉ có thể là niềm đau hoặc một hoài niệm đẹp.
Những chuyện vô đề về các “dân chơi hàng xịn”
Đầu thập kỷ 60, mốt của thanh niên là diện quần ống tuýp, loại quần này tiêu chuẩn là phải chật, thật chật, đến mức lúc thay ra cần có người kéo ống quần hộ thì mới đúng điệu. Nam thanh niên để đầu "đít vịt"– kiểu tóc để dài, chải keo sáp bóng nhoáng, vuốt túm chỉa chỉa về phía sau, cưỡi hiên ngang con xe Pha vo rít (Favorite) đi ngoài đường là ai cũng phải ngoái nhìn.
Tầm sau giải phóng, ảnh hưởng với phong trào phản chiến hippy, người ta quay sang “cuồng si” mốt áo vải thô bó chẽn cùng quần ống loe rộng và để tóc dài phóng khoáng.

Thanh niên thời đó rất thích mốt quần loe trẻ trung 

Cách ăn mặc như vậy đối với giới trẻ rất được ưa chuộng, song về tình hình xã hội thì cách phục sức kiểu này rất “có vấn đề”, bị xếp vào hàng văn hóa lai căng, không đứng đắn. Một số đơn vị hành chính còn treo biển rất rõ ràng “Không tiếp quần loe”“Chúng tôi không tiếp những người mặc quần loe, quần tuýp, để tóc bù xù”. Thậm chí trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên tình nguyện cờ đỏ chuyên chăm chăm đi cắt quần ống loe. Xử nhẹ là cắt dọc đường li trước, nặng là cắt phần ống quần rộng. Đầu đít vịt hay tóc tai râu ria xồm xoàm dài quá quy định nếu bị bắt cũng đều phải cắt trụi hết. Bên cạnh đó tiêu chuẩn đánh giá dân chơi thời ấy không nằm ngoài câu vè sau:
"Một yêu anh có Pơ giô (peugeot) 

Hai yêu anh có Selko đàng hoàng 
Ba yêu anh có bộ đồ sang 
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô...”

  Xe đạp pơ giô (trên), đồng hồ Poljot  và đồng hồ Seiko
Đến những năm cuối 70, đầu năm 80, do tình hình khan hiếm hàng hóa nên đã bắt đầu xảy ra nạn buôn lậu tại các đầu mối cửa khẩu nước ta. Những con buôn vận chuyển hàng lậu được người dân “ưu ái” gọi bằng một cái tên khá kì dị: dân bám mích. Tay nào buôn hàng trót lọt được vài bữa là đã giàu lên nhanh chóng, và tất nhiên họ đều diện những bộ cánh thời thượng nhất bấy giờ. Dạo ấy, vải Pho Canada là loại thịnh hành và được ưa thích nhất bấy giờ. Thứ vải này được người bây giờ miêu tả lại bằng sự châm chọc “May đồ bằng Pho Canada, mặc mùa đông thì lạnh run, mùa hè diện vào lại nóng chảy mỡ”. Chê bai là vậy nhưng vào thời đó, phải khá giả lắm mới có mà mặc. Phất lên nhanh nhờ buôn gạo, bột mì, phân bón, dân bám mích không thoát khỏi thành ngữ sâu cay “ Trưởng giả học làm sang”. Giữa mùa hè nắng chang chang đổ lửa, thế mà các tay chơi “dân bám mích” vẫn cố đóng nguyên cả bộ kiểu ký giả may bằng vải Pho Canada, đầu đội mũ phớt len, đeo kính râm, đi đôi sa bô nặng chịch...trông vô cùng bức bối, ngột ngạt. Đối với những quán ăn hay hàng giải khát, hôm nào gặp được toán dân chơi đóng bộ bảnh chọe này là biết ngay đã vào dịp vớ bở, tha hồ mà chặt chém…
Cho tới giữa năm 80 đến đầu 90, danh xưng “dân chơi hàng hiệu” chuyển sang cho những người may mắn có người nhà đi xuất khẩu lao động hoặc đi học ở nước ngoài về. Màu mốt nhất thời đấy là các tông cỏ úa, tím than. Người sành thời trang là phải diện áo lông Đức hoặc áo bay Nga mặc quần giả bò cưỡi Custom Minks, Simson, Suzuki 100 mận chín, Honda Super Cub C50... Một bộ hoàn chỉnh như vậy đáng giá bằng cả một gia tài vì thế nên nếu có “ cưa” cô nào là đổ cô ấy. "Một trăm lời nói không bằng ống khói Hon Đa” - như các đại gia, thiếu gia ngày nay, các dân chơi thời xa vắng như thế này luôn được người đời nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ pha chút thèm thuồng, ghen tị.
 Áo Nato một thời rất "hot"
"Anh chàng" đi Suzuki mận chín là điển hình của dân chơi bấy giờ với mũ cối, áo Nato
Một thanh niên "chịu chơi" khác với style rất lãng tử 
Để hoàn thiện cho phong cách, chắc chắn phải có...tờ 10 đồng đút ngay ngắn vào túi áo trước ngực

Gần hơn chút nữa, vào cuối 80 đầu 90, định nghĩa người ăn diện đúng điệu là phải mặc áo chim cò Thái Lan, quần bò mài… trông rất hoa lá cành, đỏm dáng.

Thiếu nữ "băng đỏ" xinh đẹp với một trong những cách mặc thời trang nhất giữa thập niên 80: Áo len cổ lọ bên trong, áo lông Đức bên ngoài. Người ngồi bên cạnh cũng rất hợp thời cùng áo Nato và mũ bò kiểu Levi's
Và những nghề chỉ thời ấy mới có
Có những thứ chỉ tồn tại ở một thời điểm nhất định. Những nghề phục vụ sự mặc thời bao cấp là một trong những thứ như vậy. Xuất phát từ việc mọi cái đều phải nhận qua tem phiếu, nhiều người dân rơi vào tình cảnh quần áo giày dép thiếu thốn, vải vóc không dư thừa, một năm con em cán bộ công nhân viên chức nội thành cũng chỉ được phát có khoảng 2,5 mét vải. Chính bởi vậy nên người thời ấy rất giữ gìn trang phục, bởi nếu rách tả tơi quá thì cũng không có cái khác để mà thay. Phỏng theo nhu cầu ấy, một số nghề nho nhỏ nhưng đặc biệt đã nở rộ.
Hồi ấy có nghề may lộn lại quần. Sở dĩ có nghề này xuất phát từ việc thiếu vải. Mỗi người chỉ có khoảng 1 -2 cái quần để mặc đi mặc lại, mặc đến khi sờn rách, bạc màu. Thế là người ta đem chiếc quần “Chử Đồng Tử’’ ra hiệu nhờ tháo hết đường chỉ ra, lộn bên trong ra bên ngoài hoặc cắt đôi ống quần xoay đằng trước ra đằng sau rồi mới may lại. Mặt trong quần do ít tiếp xúc với ánh nắng nên vẫn còn rất mới, nếu không may có chỗ rách nào thì mạng lại bằng chỉ cùng màu.
Lại có giai đoạn Hà Nội nở rộ các hàng chuyên hàn dán dép nhựa, dép cao su. Người ta nấu chảy các miếng nhựa, cao su vụ để tra vào chỗ bị đứt, mẻ. Ngoài ra còn có nghề làm dép râu rất được chuộng. Đế dép được làm bằng vỏ xe nhà binh cũ, quai dép bằng ruột xe. Vỏ xe và ruột xe được cắt nhỏ, gọt theo dạng bàn chân, xỏ lỗ để luồn quai. Dép râu mang ít mòn, ít hư chỉ tội là hay bị đen chân do ruột cao su và kiểu dáng không thanh nhã, nặng nề, xấu xí.
Nghề vá sửa dép cao su, dép nhựa đã từng có thời rất phổ biến

Nghề “thợ nhuộm” đã có từ lâu ở miền Bắc, sau 1975, nghề này có cơ hội phát triển ở miền Nam do nhiều người có nhu cầu nhuộm đen quần áo cho sạch hoặc để “đỡ thấy dơ” hơn, tiện cho công việc lao động. Cũng có người đi nhuộm đồ trắng hay màu thành đenchỉ để tỏ ra cũng thuộc nhóm người lao động. Đồ được đem đi nhuộm là áo quần quân đội từ áo quần kaki vàng của sĩ quan, đến đồ xanh, đồ rằn ri của lính hay đồ trắng cảnh sát,… đều bị nhuộm thành màu đen hết.

    Nghề chuyên nhuộm các loại quần áo có màu thành màu đen

Ngoài ra còn một số nghề độc đáo khác như may áo vải bao bột mì, nghề phân kim (thu mua vụn vàng bạc để chế tác lại), sang sợi vá quần áo…đến nay đã gần như tuyệt diệt).

Thứ Hai, tháng 1 27

những câu chuyện thời bao cấp (10)

Những ký ức màu hồng


Nhớ về thời bao cấp, đầu tiên tôi nghĩ ngay đến những bức ảnh đen trắng không thật rõ nét, có chung hình nền là cánh cửa mở ra sân của nhà bác tôi, còn nhân vật chính là tôi hoặc chị gái tôi vào các sáng mùng một Tết.


                                                                                                Phiếu đường 


Nhớ về thời bao cấp, đầu tiên tôi nghĩ ngay đến những bức ảnh đen trắng không thật rõ nét. Ảnh của gia đình Nuni.Cũng như vậy, hầu hết những gì chúng tôi có thêm ngoài ba bữa cơm thời bấy giờ, đều do tự làm. Bánh xèo, bánh rán, bánh nếp, bánh trôi, bánh chay, bánh quy,… và tất nhiên là bánh chưng và các loại mứt vào dịp Tết nữa. Bốn gia đình cô bác ruột của tôi (sống chung trong một khu nhà) còn thường rủ nhau làm bột sắn, nhưng là để uống hoặc nấu chè, dư ra mới bán bớt cho người quen, chứ không phải để kiếm tiền thật sự như một số gia đình khác.
Các bác trai và bố tôi thì sửa xe đạp, đóng chuồng gà, sửa điện – nước, chữa TV, thông cống chung, cọ rửa nhà vệ sinh hai ngăn – cũng là chung của cả bốn hộ. Theo cách hiểu ngày nay, họ là những self-made man đích thực. Bố tôi còn tự quét vôi ngôi nhà chỉ rộng 20m2 nhưng trần cao đến 4m2 của gia đình chúng tôi. Một lần, tôi đã khiến mọi người, kể cả bố tôi, phá ra cười khi tôi nhận xét, “nhà mình lúc nào trông cũng như vừa mới quét vôi vì tường chỗ đậm chỗ nhạt”.
Có lẽ lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những thiếu thốn vật chất của cuộc sống.Trong ngõ chúng tôi ở, gia đình nào cũng đều làm thêm một việc gì đó, thời vụ hoặc quanh năm, để cải thiện thu nhập: gấp phong bì, cắt ba via đồ nhựa, đan mặt ghế mây, vẽ guốc gỗ, cuốn thuốc lá, nướng bánh quy, rang lạc… Nếu nhà hết việc, chúng tôi lại kéo sang nhà hàng xóm giúp những việc đơn giản, đổi lại, sau khi trả hàng, các cô chú hàng xóm thế nào cũng thưởng cho chúng tôi thứ gì đó ăn được – tôi nhớ nhất là những  chiếc bánh gai hơi quá đậm mùi dầu chuối.
Chị họ tôi cực khéo tay thì kiếm thêm bằng nghề bô-đê, xi-mốc. Hồi đó chị nổi tiếng ăn diện, không phải vì có tiền sắm sanh mà vì chị tự may được cho mình những bộ quần áo rất lạ mắt. Chị chỉ có hai chiếc áo len, nhưng cứ cách năm lại tháo ra đan kiểu mới, trong đó có hẳn một chiếc áo cổ lính thủy mà tôi nghĩ đến giờ vẫn không lỗi mốt. Tôi thường giúp chị gỡ len và xem chị duỗi len bằng hơi nước bốc lên từ một nồi nước sôi. Tôi sống với chị nhiều hơn sống với bố mẹ, trong căn xép trên nóc buồng tằm của ông anh trai chị. Chị không bao giờ dạy tôi cắt may khâu vá, nhưng cho tôi được thoải mái sử dụng máy khâu, kéo may, vải vụn cùng kim và những con chỉ màu của chị. Bởi vậy, đến gần cuối cấp hai, tôi đã có thể tự sửa mấy cái áo sơ mi chật của bố tôi thành áo của tôi: hạ vai, khoét lại nách, tháo túi áo bên ngực phải cho ra dáng áo nữ. Tôi mặc đến lớp nhưng không dám khoe với ai. Có một bí mật mà mãi sau này tôi mới biết là chị họ tôi cực ghét việc may vá, cực chẳng đã mới phải làm để kiếm tiền phụ gia đình và có đồ diện đi chơi với bạn trai. Từ khi cuộc sống dễ chịu hơn, chị đoạn tuyệt hẳn kim chỉ, rảnh lúc nào chỉ thích chăm cây cảnh và chăm mèo.
Khi thời bao cấp chấm dứt, tôi mới hơn mười tuổi. Có lẽ lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những thiếu thốn vật chất của cuộc sống cũng như những nỗi lo toan của người lớn, nhờ thế mà ký ức của tôi về thời kỳ đó chỉ một màu tươi đẹp. Ngày nay, tôi dễ dàng mua được cho mình cái ăn cái mặc hằng ngày, “chuyên môn” của tôi chỉ là  kiếm tiền để đối lấy sản phẩm của những chuyên môn khác, nhưng cái cảm giác hạnh phúc khi cùng người thân làm ra một sản phẩm gì đó, dù chỉ nho nhỏ như một món ăn, hay cảm giác hồi hộp khi cùng nhau thử nghiệm những sáng kiến “gia chánh”, hầu như không còn trở lại. Mãi đến sau này, các bác gái và mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn rủ nhau cùng làm một mẻ rượu nếp hoặc mấy dây lạp sườn, cho đến khi những mối quan tâm khác như xây nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái và chăm các cháu nội ngoại chiếm hết quỹ thời gian của họ.

Thứ Sáu, tháng 1 17

những câu chuyện thời bao cấp (9)

Chuyện làm đẹp của chị em


Những chuyện làm đẹp thời bao cấp như dùng đũa cả để quấn xoăn tóc, bắt chấy bằng dầu hỏa... luôn là những ký ức đẹp trong mỗi chúng ta.
Làm đẹp thời bao cấp là một đề tài buôn chuyện thú vị của nhiều người thế hệ trước.
Buồn vui làm đẹp
Với chuyện mái tóc, có một vấn nạn khó tránh khỏi, đó là nhiễm chấy rận. Lũ bọ kí sinh gan lỳ này ngang nhiên trơ trẽn thách đố với thứ nước gội đầu bồ kết truyền thống. Tốc độ sinh đẻ của chúng cũng lan nhanh kinh khủng khiếp. Những mái tóc dầy, dài và… cơn ngứa dồn dập trở thành nỗi ám ảnh của bao người phụ nữ thời bấy giờ.
Một lần nữa, liệu pháp dân gian và sản phẩm thủ công lại trở thành người bạn thân cứu cánh, lược bí cùng hạt na, dầu hỏa chưa bao giờ được trọng vọng đến vậy. Đối phó với kẻ thù của phái đẹp, dùng hạt na giã nát hay dầu hỏa bôi lên đầu chưa đủ mà còn phải lấy lược bí chải lại cho hết chấy và trứng chấy. Thủ công hơn, nhiều người còn cầm chiếc đèn dầu hơ hơ lên đầu để chấy thấy hơi nóng chạy toán loạn cho dễ bắt, bắt được con nào thì tuốt lên theo chiều dọc sợi tóc, sau đó lấy móng tay dí cho chết hoặc được con chấy “cụ” thì đưa lên miệng cắn cái “tách” nghe rất vui tai.
Cho tới tận bây giờ khi chấy không còn đất sống bởi xà phòng, hóa chất thì nhiều cá nhân đương thời vẫn không thể nào quên được miền kí ức trong đó có cả hình ảnh ngồi bắt chấy cho nhau bên hiên nhà tràn đầy tính cộng đồng và tràn ngập cảm xúc.

Mái tóc dày mượt mà là niềm tự hào của thiếu nữ Việt xưa (Minh họa: Diễn viên điện ảnh Diễm My và Chánh Tín).

...nhưng cũng sẽ là nỗi lo lắng mỗi khi bị nhiễm chấy!
Trong thời kỳ bao cấp, chỉ các mậu dịch viên hoặc gia đình nào khá giả có người đi xuất khẩu về mới có những món mỹ phẩm hiếm có lúc bấy giờ như Va sơ lin sáp nẻ (Vaseline) Liên Xô, nước hoa Bungary. Phái đẹp con nhà giàu cũng chỉ có một vài hãng mỹ phẩm Pháp để lựa chọn như son phấn của hãng Houbigal, Coty, nước hoa của Chanel, Pompeia và xà phòng thơm của Candom. Còn lại những gia đình khác thì đến xà phòng để giặt, xà bông để tắm cũng phải dùng rất tiết kiệm vì rất ít, mà xà phòng hồi ấy lại rất cứng và hôi. Vì thế nên mới có chuyện là hễ có gói hàng từ nước ngoài về là mọi người lại hít hà gói đồ đạc say sưa và thích thú gọi đó là mùi “Tây”.
Nhiều người sau bao nhiêu năm vẫn không thể quên được niềm hân hoan khi có được cục xà bông Liên Xô thơm lừng. Họ kể rằng cục xà bông ngoại được trân trọng lắm, cất thật kỹ trong lớp khăn mùi xoa để khăn được “lây” chút thơm, và phải vào dịp quan trọng lắm mới dám dùng. Việc gian nan đi tìm phương thức làm đẹp thời bao cấp trong điều kiện thiếu thốn khiến người ta trân trọng nhiều thứ xung quanh mình hơn.

Lược bí - người bạn đồng hành đắc lực của mái tóc một thời.
Ở thời chưa xa ấy, người ta rất linh hoạt trong việc tìm phương thức làm đẹp. Không có dụng cụ chuyên dùng để uốn xoăn, các bà các mẹ lấy chiếc đũa cả hơ nóng trên lửa để cuốn tóc tạo lọn bồng bềnh. Không có máy duỗi, đêm mùa đông trước khi đi ngủ lấy chiếc khăn len quấn nhiều vòng chèn sát tóc vào cổ và người để cho tóc được thẳng. Muốn tóc “xù mì” sau khi gội người ta tết tóc thật chặt để tạo nếp dập li ti…
Từ những phương thức ấy, cũng đã nảy sinh ra biết bao chuyện dở khóc dở cười, như chuyện chiếc đũa cả bị hơ nóng đỏ, không để ý vội cuốn tóc vào khiến cho tóc không quăn lại mà cháy xém một mảng đen xì khét lẹt. Hay như chuyện một cô nữ văn công nọ đến giờ đi diễn mà thỏi son gió hiếm hoi của cô không biết lăn đi đâu mất, đành ra tạm hàng rào hái ít hoa dâm bụt giã nát, lấy màu nước đỏ thắm… bôi tạm lên má, lên môi cho có màu. Lúc mới trát màu lên tươi hồng, tưởng vậy đã êm xuôi nhưng để một lúc đã chuyển sang thâm xì khiến mọi người ai cũng không nhịn được cười. Những chuyện như thế, ngày nay, khi được kể lại, đến “thân chủ” dù sau 10, 20 năm nhưng vẫn phải đỏ mặt ngại ngùng, tất cả chỉ tại “cái tội” ham làm đẹp.
Khi xu hướng làm đẹp ngoại tràn vào thị trường Việt
Vào thập niên 80, nước ta cũng tự sản xuất ra được một số loại hóa mỹ phẩm như nước hoa hiệu ỷ Lan, Hoa Nhài có mùi thơm nhẹ nhàng hoặc kem gội đầu. Tuy nhiên nước hoa nội địa không giữ được mùi lâu và kem gội đầu thì có mùi khó chịu nên người dân vẫn chuộng các sản phẩm tương tự đến từ Thái Lan.

Gôm xịt tóc tạo kiểu nổi tiếng ngày ấy.
Đến đầu thập kỷ 90, chúng ta đã bắt đầu thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của những món mỹ phẩm, dưỡng da “ngoại lai”, nhiều nhất là của Thái Lan, Trung Quốc, một số nước Đông Âu. Ít ai trải qua thời thanh niên trong khoảng thời gian này mà lại không biết tới những cái tên như phấn Bông Lúa, phấn Con Én, UB, UE, AC, son gió Thái Lan, sáp nẻ Liên Xô… Mặc dù công nghệ chế tạo mỹ phẩm không phát triển như bây giờ, nhưng không rõ nhờ bí quyết gì khiến cho những sản phẩm này có màu tươi, mùi thơm nồng rất đặc trưng và đặc biệt là bám rất lâu.

Phiên bản phấn Bông Lúa ngày nay.
Hồi ấy, đến người phụ nữ xuề xòa cũng phải sắm cho mình một thỏi son gió Thái Lan màu cam vừa làm hồng má, vừa làm thắm môi. Đặc điểm của loại son gió này – đúng như cái tên, phải ra gió mới có màu nên rất dễ bị đánh quá tay, má và môi lên màu hồng rực. Khác với phấn ngày nay với đủ tông màu phù hợp cho nhiều sắc độ của làn da, các loại phấn Thái Lan đều chỉ có một tông duy nhất – đó là trắng, trắng như bột mì.
Ngoài ra, người ta cũng chuộng sử dụng các loại phấn mắt có những gam màu vô cùng cơ bản như xanh dương, xanh lá để trang điểm cho đôi mắt của mình. Câu nói “mắt xanh mỏ đỏ” có lẽ cũng bắt nguồn từ gu trang điểm rất thịnh hành thời bấy giờ là: lông mày mảnh cong kẻ đậm, da đánh phấn trắng “bốp”, môi đỏ, mắt màu xanh lá rất nổi bật.


Gu trang điểm thời bấy giờ thường rất đậm, kể cả đối với nghệ sĩ lẫn người dân thường.
Nếu như Sài Gòn trước giải phóng, được tiếp nhận văn hóa Mỹ nên phong cách để tóc rất kiểu cách, sành điệu, thì sau giải phóng lại trầm lắng hơn, đi vào guồng quay làm đẹp chung của phụ nữ cả nước.
Mái tóc phụ nữ Việt cũng theo xu hướng ngoại mà thay đổi dần dần. Các tiệm uốn tóc ngày một xuất hiện nhiều với phong phú các dụng cụ chuyên dụng hơn chiếc đũa cả hơ nóng ngày xưa. Người ta cũng làm quen dần cùng các sản phẩm tạo kiểu như gôm xịt tóc, gel lỏng đặc giữ nếp, thuốc uốn đầy mùi amoniac… Những mái tóc chân phương khi xưa biến thành những kiểu tóc uốn phi dê xoăn tít hoặc từng búp quăn với phần mái chải bồng cao thời thượng. Người ta chạy theo các mốt của hình mẫu ngôi sao ngoai quốc như mốt "Ôxy", mốt "Mai-ca" (một nhân vật trong phim "Mai-ca của Liên Xô), mốt Mariana (nhân vật trong phim "Người giàu cũng khóc" của Brazin), hay vào năm 1987, chị em đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc về mang theo mốt tóc Xuri (ca sĩ nổi tiếng thập niên 80 của Tiệp Khắc)...

Thiếu nữ với mốt tóc tỉa sole.




Có một giai đoạn ai ai cũng để đầu phi dê.
Ngoài ra không thể không nhắc tới một thời điểm mà đi tới hàng cắt tóc gội đầu nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tấm bảng kiểu tóc mẫu của Thái Lan. Khách hàng thường theo mấy cái mẫu ấy mà yêu cầu thợ tạo kiểu cho mình. Trào lưu cắt tóc Thái Lan này còn tồn tại mãi cho tới cuối thập niên 90.
Chuyện làm đẹp thời bao cấp lắm gian nan, ấy thế mà bất cứ ai khi nhắc lại cũng phải tủm tỉm cười. Điều đó chứng minh rằng những kỷ niệm như thế dù trong thiếu thốn nhưng đã và mãi luôn là những ký ức đẹp.
Theo KHÁM PHÁ

Thứ Năm, tháng 1 2

những câu chuyện thời bao cấp (8)

Giấc mơ hàng hiệu Liên Xô


Vào thời bao cấp, khoảng tầm những năm 80 đổ lên, chuyện buôn bán tại thị trường “chợ trời” đã bắt đầu nở rộ. Ngày ấy, những thanh niên đi du học nước ngoài và sau này là những người đi xuất khẩu lao động tại các nước Đông Âu đã mang về các loại mốt thời trang thời thượng lúc bấy giờ. Người ta tiếp nhận những thứ phục trang, xe cộ từ nước ngoài mang về như trẻ nhỏ thôn quê khao khát thứ đồ chơi xịn. Đó là sự thèm thuồng, mơ ước khi nghĩ về và chút ngưỡng mộ pha cảm giác ganh tị khi nhìn thấy chúng hiển hiện trong cuộc sống. Tâm lý từ xa xưa này so với thái độ mê đắm của các tín đồ thời trang với các món hàng hiệu cao cấp ngày nay cũng chẳng kém lòng nhiệt thành là bao.





                   
                                          Thanh niên khoảng năm 75-80 hay thích để tóc và ăn mặc kiểu Liên Xô (cũ)


Nhắc tới thời bao cấp, có lẽ chúng ta vẫn hình dung ra một bức tranh toàn cảnh của những cá nhân ăn chưa no, mặc chưa ấm. Tuy vậy thực chất thời ấy, vẫn có những người giàu và khá giả, dù số ấy khôn nhiều. Chẳng thế mà ngày đó người ta sẵn sang trả vài cây vàng cho một chiếc xe máy, 3 chỉ vàng cho một chiếc mũ cối… Tính ra một dân sành chơi bao cấp với đủ bộ xe Minsk, mũ cối, quần bò, áo bay là đã mang theo mình gánh nặng bằng cái nhà, với trị giá quy đổi từ vàng sang tiền bây giờ là phải cả trăm triệu.
Cũng bởi thị hiếu dân sành điệu, có cung ắt có cầu, những người từ nước ngoài về tranh thủ những chuyến đi xa xứ để đánh quả lẻ thêm ít hàng hóa về bán cho các dân chơi. Ông Trần Thắng, một người đã từng đi học ở Liên Xô (cũ) cho biết: ”Hàng tháng, ngoài việc được chu cấp cho toàn bộ chi phí học hành, ăn ở, chính phủ Liên Xô cũng “trợ cấp” thêm cho cánh nghiên cứu sinh chúng tôi một khoản để chi tiêu lặt vặt. Tận dụng món tiền đó, cộng thêm với việc trong thư vợ tôi bảo ở quê nhà người ta chuộng xe đạp với quần áo Liên Xô, thế là trong 3 năm tôi không đụng tới một đồng nào trong khoản “viện trợ” quý giá ấy. Trước ngày trở về quê hương, tôi ra chợ mua một chiếc va li thật to, 2 chiếc xe đạp, 7 cái áo, 9 cái quần, thế là hết sạch tiền. Sau đó, tôi tháo hết bộ phận của chiếc xe đạp ra nhét kín va li. Đống quần áo thì mặc hết lên người, ních chặt đến mức tứ chi như không cử động nổi, vô cùng khó chịu. Điều hay là những người bạn Liên Xô lúc chia tay cùng không thấy thắc mắc gì về hình dáng to sù sụ của tôi, có lẽ họ cũng quen rồi. Khi về Việt Nam, tôi phải nhờ một người quen thạo buôn bán để “tẩu tán” hộ mấy món này vì hồi đó, du học sinh của Đảng mà lại đi giao dịch chợ đen thì mang tiếng chết. Cũng may là vừa chào buổi sáng thì đến trưa là đã hết hàng ngay”.
Ông Tuấn Hoàng tại Láng Hạ thì nhớ lại chuyện đi bán hàng lén lút ngày xưa: “Tôi trước cũng vốn là cán bộ công nhân viên chức nhà nước với đồng lương ít, tem phiếu phát nhỏ giọt không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình. Điều kiện như thế làm gì có tiền mà đi buôn hàng. Đến tầm năm 85 bên mình nở rộ ra mốt Thái Lan với áo sơ mi kẻ, áo chim cò, quần bò, áo thun cổ lọ không tay… nên tôi tranh thủ tận dụng nhờ người quen đinh cư bên Thái Lan gửi ít hàng về.
Mỗi đợt nhận được vài cái quần bò, bán rẻ thì một chiếc cũng phải 2 chỉ vảng, có chiếc hàng độc, người ta kì kèo tôi bán với giá 4 chỉ. Nghe tưởng dễ nhưng mọi chuyện thực ra không suôn sẻ như vậy. Vì hồi đấy tôi là công nhân viên nhà nước nên bán chác gì cũng phải thậm thụt ghê lắm, nhất là với những mặt hàng có giá trị, lơ mơ là bị khiển trách như chơi. Để bán hàng, tôi mặc hết đồ mới lên người, đi ra chợ Hòa Bình phố Huế (hay còn gọi là chợ Trời), hễ ai có nhu cầu mua là lần từng lớp áo, vạch lên cho họ xem chất lượng, mẫu mã hàng. Buồn cười nhất là chuyện đi thử quần áo, cả khách cả chủ kéo nhau ra… nhà vệ sinh công cộng, vào đó mặc đồ xem có vừa không, giá cả “thuận mua vừa bán” là đồng ý luôn. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh chóng. Cẩn thận là thế, song "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, trong một lần bán mua bất cẩn, tôi bị lộ và nhận được cảnh cáo của cơ quan. Vì xấu hổ với anh em đoàn thể, nên tôi đã có một quyết định táo báo là xin nghỉ để làm kinh doanh ngoài. Sẵn có ít vốn từ việc buôn quần áo Thái Lan, tôi xoay sang buôn đủ loại vải từ dạ, voan, pô dơ lin, sa tanh... Thế là từ một tay bán hàng cò con nhỏ lẻ, tôi đã trở thành cơ sở bỏ xỉ vải như bây giờ cũng là có nguyên nhân cả”.


Những kiểu mốt đến từ Thái Lan: Quần bò, áo sơ mi kẻ, áo cổ cao không tay
Mặc dù từng bán biết bao nhiêu chiếc quần bò xịn, nhưng ông Tuấn tự cảm thấy hối tiếc vì “thời đó tôi chưa bao giờ có nổi một chiếc quần bò Thái đúng nghĩa”. Ông tự nhận có lẽ cái nghèo đã ăn sâu vào máu quá lâu, đến nỗi mà, đến bây giờ quần áo ngày xưa – những kỷ vật ấy ông vẫn ngay ngắn xếp vào một ngăn tủ, không vứt đi cái nào. Những món đồ này, dù không còn mới, tuy cũ nhưng không nát, rất ít vết bẩn, sờn rách.
“Các cháu giờ đầy đủ nên ăn mặc phí quá, cứ hết mùa chúng lại hò nhau đem quần áo còn mới tinh ra để làm giẻ lau nhà. Không như thế hệ ngày trước, thanh niên luôn giữ gìn kỹ những bộ đẹp nhất, chỉ dịp lễ Tết hoặc dịp trọng đại mới lôi ra dùng, mặc xong giặt cẩn thận và cất vào tủ. Trân trọng và quý hóa lắm. Rồi khi có những bộ đồ mới, niềm vui của chúng tôi như vỡ òa. Giới trẻ bây giờ chắc không cảm nhận được điều hạnh phúc ấy. Có lẽ đấy là một trong những thứ quý giá mà thời đói khổ mang lại cho thế hệ đã từng sống ở giai đoạn này – sự trân trọng và tìm mọi cách chinh phục cuộc sống” – Ông Tuấn trầm ngâm.