Giấc mơ hàng hiệu Liên Xô
Vào thời bao cấp, khoảng tầm những năm 80 đổ lên, chuyện buôn bán tại thị trường “chợ trời” đã bắt đầu nở rộ. Ngày ấy, những thanh niên đi du học nước ngoài và sau này là những người đi xuất khẩu lao động tại các nước Đông Âu đã mang về các loại mốt thời trang thời thượng lúc bấy giờ. Người ta tiếp nhận những thứ phục trang, xe cộ từ nước ngoài mang về như trẻ nhỏ thôn quê khao khát thứ đồ chơi xịn. Đó là sự thèm thuồng, mơ ước khi nghĩ về và chút ngưỡng mộ pha cảm giác ganh tị khi nhìn thấy chúng hiển hiện trong cuộc sống. Tâm lý từ xa xưa này so với thái độ mê đắm của các tín đồ thời trang với các món hàng hiệu cao cấp ngày nay cũng chẳng kém lòng nhiệt thành là bao.
Thanh niên khoảng năm 75-80 hay thích để tóc và ăn mặc kiểu Liên Xô (cũ)
Nhắc tới thời bao cấp, có lẽ chúng ta vẫn hình dung ra một bức tranh toàn cảnh của những cá nhân ăn chưa no, mặc chưa ấm. Tuy vậy thực chất thời ấy, vẫn có những người giàu và khá giả, dù số ấy khôn nhiều. Chẳng thế mà ngày đó người ta sẵn sang trả vài cây vàng cho một chiếc xe máy, 3 chỉ vàng cho một chiếc mũ cối… Tính ra một dân sành chơi bao cấp với đủ bộ xe Minsk, mũ cối, quần bò, áo bay là đã mang theo mình gánh nặng bằng cái nhà, với trị giá quy đổi từ vàng sang tiền bây giờ là phải cả trăm triệu.
Cũng bởi thị hiếu dân sành điệu, có cung ắt có cầu, những người từ nước ngoài về tranh thủ những chuyến đi xa xứ để đánh quả lẻ thêm ít hàng hóa về bán cho các dân chơi. Ông Trần Thắng, một người đã từng đi học ở Liên Xô (cũ) cho biết: ”Hàng tháng, ngoài việc được chu cấp cho toàn bộ chi phí học hành, ăn ở, chính phủ Liên Xô cũng “trợ cấp” thêm cho cánh nghiên cứu sinh chúng tôi một khoản để chi tiêu lặt vặt. Tận dụng món tiền đó, cộng thêm với việc trong thư vợ tôi bảo ở quê nhà người ta chuộng xe đạp với quần áo Liên Xô, thế là trong 3 năm tôi không đụng tới một đồng nào trong khoản “viện trợ” quý giá ấy. Trước ngày trở về quê hương, tôi ra chợ mua một chiếc va li thật to, 2 chiếc xe đạp, 7 cái áo, 9 cái quần, thế là hết sạch tiền. Sau đó, tôi tháo hết bộ phận của chiếc xe đạp ra nhét kín va li. Đống quần áo thì mặc hết lên người, ních chặt đến mức tứ chi như không cử động nổi, vô cùng khó chịu. Điều hay là những người bạn Liên Xô lúc chia tay cùng không thấy thắc mắc gì về hình dáng to sù sụ của tôi, có lẽ họ cũng quen rồi. Khi về Việt Nam, tôi phải nhờ một người quen thạo buôn bán để “tẩu tán” hộ mấy món này vì hồi đó, du học sinh của Đảng mà lại đi giao dịch chợ đen thì mang tiếng chết. Cũng may là vừa chào buổi sáng thì đến trưa là đã hết hàng ngay”.
Ông Tuấn Hoàng tại Láng Hạ thì nhớ lại chuyện đi bán hàng lén lút ngày xưa: “Tôi trước cũng vốn là cán bộ công nhân viên chức nhà nước với đồng lương ít, tem phiếu phát nhỏ giọt không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình. Điều kiện như thế làm gì có tiền mà đi buôn hàng. Đến tầm năm 85 bên mình nở rộ ra mốt Thái Lan với áo sơ mi kẻ, áo chim cò, quần bò, áo thun cổ lọ không tay… nên tôi tranh thủ tận dụng nhờ người quen đinh cư bên Thái Lan gửi ít hàng về.
Mỗi đợt nhận được vài cái quần bò, bán rẻ thì một chiếc cũng phải 2 chỉ vảng, có chiếc hàng độc, người ta kì kèo tôi bán với giá 4 chỉ. Nghe tưởng dễ nhưng mọi chuyện thực ra không suôn sẻ như vậy. Vì hồi đấy tôi là công nhân viên nhà nước nên bán chác gì cũng phải thậm thụt ghê lắm, nhất là với những mặt hàng có giá trị, lơ mơ là bị khiển trách như chơi. Để bán hàng, tôi mặc hết đồ mới lên người, đi ra chợ Hòa Bình phố Huế (hay còn gọi là chợ Trời), hễ ai có nhu cầu mua là lần từng lớp áo, vạch lên cho họ xem chất lượng, mẫu mã hàng. Buồn cười nhất là chuyện đi thử quần áo, cả khách cả chủ kéo nhau ra… nhà vệ sinh công cộng, vào đó mặc đồ xem có vừa không, giá cả “thuận mua vừa bán” là đồng ý luôn. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh chóng. Cẩn thận là thế, song "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, trong một lần bán mua bất cẩn, tôi bị lộ và nhận được cảnh cáo của cơ quan. Vì xấu hổ với anh em đoàn thể, nên tôi đã có một quyết định táo báo là xin nghỉ để làm kinh doanh ngoài. Sẵn có ít vốn từ việc buôn quần áo Thái Lan, tôi xoay sang buôn đủ loại vải từ dạ, voan, pô dơ lin, sa tanh... Thế là từ một tay bán hàng cò con nhỏ lẻ, tôi đã trở thành cơ sở bỏ xỉ vải như bây giờ cũng là có nguyên nhân cả”.
Những kiểu mốt đến từ Thái Lan: Quần bò, áo sơ mi kẻ, áo cổ cao không tay
Mặc dù từng bán biết bao nhiêu chiếc quần bò xịn, nhưng ông Tuấn tự cảm thấy hối tiếc vì “thời đó tôi chưa bao giờ có nổi một chiếc quần bò Thái đúng nghĩa”. Ông tự nhận có lẽ cái nghèo đã ăn sâu vào máu quá lâu, đến nỗi mà, đến bây giờ quần áo ngày xưa – những kỷ vật ấy ông vẫn ngay ngắn xếp vào một ngăn tủ, không vứt đi cái nào. Những món đồ này, dù không còn mới, tuy cũ nhưng không nát, rất ít vết bẩn, sờn rách.
“Các cháu giờ đầy đủ nên ăn mặc phí quá, cứ hết mùa chúng lại hò nhau đem quần áo còn mới tinh ra để làm giẻ lau nhà. Không như thế hệ ngày trước, thanh niên luôn giữ gìn kỹ những bộ đẹp nhất, chỉ dịp lễ Tết hoặc dịp trọng đại mới lôi ra dùng, mặc xong giặt cẩn thận và cất vào tủ. Trân trọng và quý hóa lắm. Rồi khi có những bộ đồ mới, niềm vui của chúng tôi như vỡ òa. Giới trẻ bây giờ chắc không cảm nhận được điều hạnh phúc ấy. Có lẽ đấy là một trong những thứ quý giá mà thời đói khổ mang lại cho thế hệ đã từng sống ở giai đoạn này – sự trân trọng và tìm mọi cách chinh phục cuộc sống” – Ông Tuấn trầm ngâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét