Những ký ức màu hồng
Nhớ về thời bao cấp, đầu tiên tôi nghĩ ngay đến những bức ảnh đen trắng không thật rõ nét, có chung hình nền là cánh cửa mở ra sân của nhà bác tôi, còn nhân vật chính là tôi hoặc chị gái tôi vào các sáng mùng một Tết.
Phiếu đường
Nhớ về thời bao cấp, đầu tiên tôi nghĩ ngay đến những bức ảnh đen trắng không thật rõ nét. Ảnh của gia đình Nuni.Cũng như vậy, hầu hết những gì chúng tôi có thêm ngoài ba bữa cơm thời bấy giờ, đều do tự làm. Bánh xèo, bánh rán, bánh nếp, bánh trôi, bánh chay, bánh quy,… và tất nhiên là bánh chưng và các loại mứt vào dịp Tết nữa. Bốn gia đình cô bác ruột của tôi (sống chung trong một khu nhà) còn thường rủ nhau làm bột sắn, nhưng là để uống hoặc nấu chè, dư ra mới bán bớt cho người quen, chứ không phải để kiếm tiền thật sự như một số gia đình khác.
Các bác trai và bố tôi thì sửa xe đạp, đóng chuồng gà, sửa điện – nước, chữa TV, thông cống chung, cọ rửa nhà vệ sinh hai ngăn – cũng là chung của cả bốn hộ. Theo cách hiểu ngày nay, họ là những self-made man đích thực. Bố tôi còn tự quét vôi ngôi nhà chỉ rộng 20m2 nhưng trần cao đến 4m2 của gia đình chúng tôi. Một lần, tôi đã khiến mọi người, kể cả bố tôi, phá ra cười khi tôi nhận xét, “nhà mình lúc nào trông cũng như vừa mới quét vôi vì tường chỗ đậm chỗ nhạt”.
Có lẽ lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những thiếu thốn vật chất của cuộc sống.Trong ngõ chúng tôi ở, gia đình nào cũng đều làm thêm một việc gì đó, thời vụ hoặc quanh năm, để cải thiện thu nhập: gấp phong bì, cắt ba via đồ nhựa, đan mặt ghế mây, vẽ guốc gỗ, cuốn thuốc lá, nướng bánh quy, rang lạc… Nếu nhà hết việc, chúng tôi lại kéo sang nhà hàng xóm giúp những việc đơn giản, đổi lại, sau khi trả hàng, các cô chú hàng xóm thế nào cũng thưởng cho chúng tôi thứ gì đó ăn được – tôi nhớ nhất là những chiếc bánh gai hơi quá đậm mùi dầu chuối.
Chị họ tôi cực khéo tay thì kiếm thêm bằng nghề bô-đê, xi-mốc. Hồi đó chị nổi tiếng ăn diện, không phải vì có tiền sắm sanh mà vì chị tự may được cho mình những bộ quần áo rất lạ mắt. Chị chỉ có hai chiếc áo len, nhưng cứ cách năm lại tháo ra đan kiểu mới, trong đó có hẳn một chiếc áo cổ lính thủy mà tôi nghĩ đến giờ vẫn không lỗi mốt. Tôi thường giúp chị gỡ len và xem chị duỗi len bằng hơi nước bốc lên từ một nồi nước sôi. Tôi sống với chị nhiều hơn sống với bố mẹ, trong căn xép trên nóc buồng tằm của ông anh trai chị. Chị không bao giờ dạy tôi cắt may khâu vá, nhưng cho tôi được thoải mái sử dụng máy khâu, kéo may, vải vụn cùng kim và những con chỉ màu của chị. Bởi vậy, đến gần cuối cấp hai, tôi đã có thể tự sửa mấy cái áo sơ mi chật của bố tôi thành áo của tôi: hạ vai, khoét lại nách, tháo túi áo bên ngực phải cho ra dáng áo nữ. Tôi mặc đến lớp nhưng không dám khoe với ai. Có một bí mật mà mãi sau này tôi mới biết là chị họ tôi cực ghét việc may vá, cực chẳng đã mới phải làm để kiếm tiền phụ gia đình và có đồ diện đi chơi với bạn trai. Từ khi cuộc sống dễ chịu hơn, chị đoạn tuyệt hẳn kim chỉ, rảnh lúc nào chỉ thích chăm cây cảnh và chăm mèo.
Khi thời bao cấp chấm dứt, tôi mới hơn mười tuổi. Có lẽ lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những thiếu thốn vật chất của cuộc sống cũng như những nỗi lo toan của người lớn, nhờ thế mà ký ức của tôi về thời kỳ đó chỉ một màu tươi đẹp. Ngày nay, tôi dễ dàng mua được cho mình cái ăn cái mặc hằng ngày, “chuyên môn” của tôi chỉ là kiếm tiền để đối lấy sản phẩm của những chuyên môn khác, nhưng cái cảm giác hạnh phúc khi cùng người thân làm ra một sản phẩm gì đó, dù chỉ nho nhỏ như một món ăn, hay cảm giác hồi hộp khi cùng nhau thử nghiệm những sáng kiến “gia chánh”, hầu như không còn trở lại. Mãi đến sau này, các bác gái và mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn rủ nhau cùng làm một mẻ rượu nếp hoặc mấy dây lạp sườn, cho đến khi những mối quan tâm khác như xây nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái và chăm các cháu nội ngoại chiếm hết quỹ thời gian của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét