Thứ Hai, tháng 3 18

HÀNH TRÌNH NGÀY THƠ ẤU (truyện dài ) Chương 14

                                               NHỮNG NGÀY THẦN TIÊN


Tôi muốn kể lại quãng đường ông già Mộc đưa tôi từ phố Lạng về bản Muốn, những con suối tôi đã đi qua, những vòi nước phun từ kẽ đá mát lạnh và trong suốt, những con bướm to lớn kỳ dị chưa bao giờ tôi gặp trong đời… nhưng như vậy thì sẽ tốn vô khối trang giấu và thời giờ của các bạn. Tôi chỉ nói về quãng đời thần tiên tôi đã sống với ông già ở bản Muốn.Một bản nhỏ, nép mình trong thung lũng, bốn bề núi non vây bọc, nhưng xinh đẹp và thú vị đúng với cái tên của nó. Ai chưa đến đó thì muốn đến. Ai đã ở đó thì chẳng muốn đi. Cả bản có trên hai chục nóc nhà. Nhà nọ cách nhà kia chừng vài trăm thước, người ở bản gọi là cách nhau vài quăng dao. Nhưng đứng ở sàn trước nhà này nói với sang sàn trước nhà kia vẫn cứ nghe thấy. có lẽ không gian ở đây tĩnh lặng và mỗi âm thanh đều được các vách núi ném vọng lên gấp ba lần. Nhà ở bản Muốn toàn là nhà sàn kiên cố, dựng bởi hàng chục cây cột lớn, tầm cao mỗi cây cột đúng bằng hai chiều cao từ mặt đất lên tới nóc đình dưới vùng xuôi. Đi trong nhà, người chỉ thấp chưa đầy góc cột. Có thể dựng gỗ cưa xẻ, đóng đồ mộc ngay trong nhà. Sàn nhà lát gỗ tấm dày. Trước nhà, nối tiếp với cầu thang chính là sân ken bằng gỗ cây hoặc gỗ tấm, rộng chừng ba bốn chiếc chiếu. Sân sau nhà hẹp chừng non một thước, nối với cầu thang phụ, thường là nơi kê chum đựng nước, sắn mới dỡ ngoài nương về, củi khô sắp sẵn để tiện rút vào bếp đun. Gian dùng làm bếp đun kế với cầu thang phụ. Một gác gỗ chạy lưng chừng gian để chất các bồ đựng thóc nếp, thóc tẻ, khoai sắn khô cho lợn, ngô đậu và các thứ giống. Chính giữa sàn thường có một ô vuông khuôn bằng sắt hoặc đắp bằng đất ngăn cho lửa khỏi cháy lan ra gỗ sàn. Suốt mùa thu và mùa đông, những thân củi lớn dài chừng hai thước, châu đầu trên khuôn bếp. Ngọn lửa cháy không ngưng nghỉ, khi bùng lên rực rỡ, khi âm ỉ leo lét quanh các đốm than hồng. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể nướng khoai, nướng sắn, rang bỏng nếp hoặc bày những trò nấu ăn khác trên cái bếp lửa cháy trường kỳ đó. Đi qua gian bếp tới gian chính, nối liên sân trước và cầu thang lớn. Gian chính có khi rộng bằng cả năm gian nhà dưới xuôi cộng lại. Lần đầu tiên bước lên, tôi và Loan cứ ngỡ ngàng đi hết đầu nọ tới đầu kia, tường như mình lạc vào cái cung điện bằng gỗ của một bộ lạc nào đó còn sót lại. Phía bên trái gian nhà chính là một dãy bốn căn buồng nhỏ, có cửa gỗ dày, khép kín đáo. Ông già Mộc bảo những gian đó là để cho đàn bà, con gái trong nhà. Từ khi vợ và các con ông bị giặc Pháp giết, ông vẫn giữ nguyên chăn nệm, gối màn trong mỗi ngăn. Cứ đến mùa hè ông đem ra suối phơi giặt. Khi đưa tôi và Loan về, ông cũng đem những tấm nệm, những tấm chăn thêu ra trước sân phơi nắng, đập bụi. Chúng bốc lên mùi nấm mốc. Tôi nhìn gương mặt rắn rỏi như tạc bằng đá của ông già Mộc, biết rằng ông đã từng đau khổ và cô đơn, rằng ông thương chúng tôi bằng tình thương chân thực và bằng trái tim khao khát yêu thương của một ông già đơn chiếc. Sau khi đun nước nóng cho chúng tôi tắm giặt, ông bảo chúng tôi giũ nệm trải trong các ngăn buồng. Ông gọi một ông già rậm râu bên nhà tới. Ông nói một tràng tiếng Nùng. Lát sau, ông già rậm râu về lấy một con dao nhọn sáng loáng. Tôi trông thấy đã sởn gai ốc. Muốn gì đây cũng là xứ lạ. Chúng tôi không khỏi còn chút hồ nghi. Ông già Mộc với ông già rậm râu nói với nhau vài câu, chỉ trỏ đám lợn đang chạy lông nhông dưới sàn. Sau đó hình như họ thỏa thuận với nhau nên gật đầu một cách hỉ hả và cùng chạy xuống cầu thang phụ. Người hò, người hét, cuối cùng hai ông cũng túm được một con lợn lang cỡ bốn năm chục cân. Té ra, ông già Mộc gọi ông già rậm râu tới nhờ thịt lợn. Bấy giờ chúng tôi mới hoàn hồn.
Tôi không ngờ ông già Mộc đón chúng tôi thịnh soạn và trịnh trọng như thế. Hôm đó, ông thịt lợn, giã giò nạc, giò mỡ, làm lòng theo đúng kiểu miền xuôi. Còn thủ lợn và bốn chân giò, ông đem luộc lên bày tất cả vào một chiếc nông nhỏ, giống như chiếc mẹt dưới xuôi, đan bằng tre cật sợi tâm vàng óng.
Lặn mặt trời, ông đứng trước sân, khum tay che miệng làm loa hú gọi những người thân trong bản. người đầu tiên nghe tiếng hú của ông là một bà nạ dòng mặc áo dài nhuộm chàm, thắt lưng chàm bỏ múi. Bà lại đứng quay mặt về hướng núi hú gọi người khác. Người nọ gọi người kia theo kiểu dây chuyền. Cứ như thế chừng non nửa tiếng đồng hồ, thung lũng vang đầy những tiếng hú bổng trâm, cao thấp. Rồi người nọ theo người kia lục tục kéo đến. tôi rất ngạc nhiên vì người nào cũng đem theo một bó nứa rất dài. Ông già Mộc giải thích đó là bó đuốc. Đi chơi buổi chiều phải đem theo đuốc để soi đường lúc trở về. Người khách nào tới cũng ra cầu thang phụ rửa chân. Nước ở đây giống như vòi nước máy ở thành phố. Nhưng nó không chảy trong các ống thép mà chảy qua các ống nứa dài, ống nọ nối ống kia bắc ngang lưng núi, ăn sâu mãi tới đầu nguồn suối. Sau khi rửa sạch chân, khách bỏ dép dưới cầu thang, đi chân đất vào nhà, qua gian bếp, gian chính mà tới sân trước. Ông già Mộc bảo: “Khách thân tình được đi cửa sau, khách lạ, khách quý đi cửa trước”. Khi khách khứa đã xếp chân ngồi thành vòng tròn, ông già Mộc xoa tay nói:
- Hôm nay, tôi gặp hai đứa cháu dưới xuôi lên chơi. Tôi thịt con lợn mời bà con bản tới ăn mừng. miếng xôi người đàn ông hông vụng, miếng thịt người già nướng không ngon, nhưng trong bụng vui, mời bà con uống rượu.
Nói xong tiếng Kinh, ông lại dịch sang tiếng Nùng. Đám dân bản nhìn chúng tôi, người gật gù, người cười cười, người đưa tay vuốt tóc hoặc nắm tay hai đứa. Tự nhiên biến thành một nhân vật trung tâm được mọi người chú ý, tôi ngượng đỏ mặt. Loan hạt mít tự nhiên hơn tôi. Nó cứ tít mắt lại mà cười. Trong đám dân bản, bà nạ dòng mặc áo dài chàm biêt tiếng Kinh khá sõi.Bà ta quay sang nói dồn dập:
- Ôi dà, các cháu xinh đấy, trông các cháu ngoan đấy. Bao nhiêu tuổi rồi?... Á à…mười ba tuổi mà to vậy?... Lên ở bản Muốn là đẹp gái ra nhiều lắm đấy. Da hồng như cánh hoa đào. Rồi không muốn về dưới xuôi nữa đâu…
Chờ cho bà hết bài diễn thuyết lộn xộn và nồng nhiệt đó, ông già Mộc bưng hũ rượu rót vào từng chén. Ông có mười hai chiếc chén sứ Giang Tây rất đẹp. Không hiểu sao, bao nhiêu năm chiến tranh, qua những lần chạy giặc khổ sở như vậy mà ông vẫn giữ được nguyên vẹn những thứ của dễ vỡ đó?...
- Nào chúc hai cháu mạnh giỏi, ngoan ngoãn… Chúc bà con khỏe, cứng cáp chân tay, săn thú thú chết gieo lúa nương lúa nương đầy giàn.
Ông già Mộc bưng chén rượuc chúc. Những người khác cũng lần lượt chúc theo. Bữa ăn bắt đầu. Ba con dao nhỏ sắc lẻm đặt ba góc. Thịt nướng, thịt luộc, lòng lợn để nguyên trên từng chiếc nống xinh xắn, sạch sẽ. Ai ưng ăn miếng nào, cầm dao xẻo miếng nấy. Thoạt tiên, mọi người còn nói chuyện. Tới nửa chừng bữa ăn, rượu ngà ngà, ông già Mộc vào trong nhà lấy ra một cây đàn tính. Ông rậm râu lúc nãy cầm dao giết lợn trông thành thạo như một ông hàng thịt chính công, bây giờ cầm cây đàn tính gẩy. Cặp mắt đen của ông trở nên dại dại, hiền từ.
- Tính tính tinh… tang tình tình tang tính…
Âm điệu réo rắt của cây đàn hòa lẫn tiếng hát trầm đục, hòa lẫn tiếng suối reo xa xa vọng tới và tiếc nước chảy róc rách trong các ông dẫn nước thành bản nhạc lạ lùng, không bao giờ có thể quên. Đệm vào giai điệu đó là tiếng chày giã gạo ở các cối nước thì thụp đều đặn, khiến tôi tưởng như thời gian ở đây dài dằng dặc một năm bằng một thế kỷ ở vùng đồng bằng.
Mặt trời đã lặn từ lâu. Thoạt tiên còn nhìn rõ lờ mờ mặt người. Sau chỉ thấy những bóng đen ngồi đối diện hoặc cạnh ta. Mọi người say hát, không ăn và uống rượu nữa. họ cứ hát hết bài này sang bài khác. Những giai điệu không khác nhau là bao. Dân ca vùng này khác hẳn những bài quan họ dưới quê tôi, nó buồn, lặng lặng như cảnh núi non tĩnh mịch vậy. Khi đất trời đã tối đen như mực tàu, ngôi sao bạc nhỏ lấp láy trên đỉnh núi, ông già Mộc mới vào nhà lấy cây đèn ba dây lên thắp. Ánh sáng khiến đám người đang mê mẩn vì những bài ca kia bừng tỉnh lại. họ tiếp tục trao đổi những câu chuyện, tiếp tục uống rượu, ăn thịt, và cười khe khẽ mỗi khi ông già Mộc pha trò. Người bản thường ít cười. nếu không có ông già Mộc, hẳn suốt bữa ăn họ chỉ lầm rầm hoặc hát như vậy. Ngọn đèn ba dây sáng lay động một khoảng rộng. Ngoài xa, núi non chập chùng đen thẳm. Tiếng kêu của những con vật, chắc con hoẵng hoặc nai, tôi đoán vậy vì nó giống như tiếng kê của con nai, con hoẵng tôi đã được xem phim vọng tới. Bữa ăn đêm vùng núi đượm một vẻ kỳ dị khiến tôi thú vị. Tôi hít thở khí trời mát lạnh hơi sương, tìm một góc vắng nằm dài, ngắm những vì sao li ti gắn trên trời. Khuya lắm, bữa tiệc mới tan. Mọi người lục tục đốt đuốc ra về. Đứng trên sàn nhìn xuống, trông như có một con rắn lửa lượn giữa thung lũng.
- Nhìn kìa, đẹp chưa?...
Tôi kêu lên, chỉ cho Loan hạt mít. Nó đứng sát vào tôi, khẽ nói:
- Ờ thú thật. Thú vị thật. trong phim cũng chưa thấy cảnh này đấy nhé.
Chúng tôi đứng ngắm những đốm lửa một lúc lâu cho tới khi chúng tan tác đi nhiều ngả, khuất sau những vườn bưởi, vườn dâu gia, những nếp nhà sàn, mới vào nhà.
- Nào các cháu, giúp ông một tay nhé – ông già Mộc gọi.
Từ lúc chúng tôi đặt chân lên sàn, ông không cho chúng tôi mó tay vào một việc gì thuộc về bếp núc. Tới lúc ông cất tiếng gọi, tôi nhanh nhẹn đáp:
- Vâng. Chúng cháu đi rửa bát chén, ông nhé.
- Không đâu, không đâu… - ông già Mộc lắc đầu – Bát chén mai rửa nước nóng. Giờ ông cháu ta làm thịt cho tươi.
- Vâng. Các món thịt cháu vẫn biết làm.
Tôi đáp lời, xẵ tay áo chuẩn bịthái thịt để kho hoặc làm ruốc bông theo kiểu miền xuôi. Nhưng ông già Mộc lại lắc đầu:
- Không phải vậy.
Ông gọi tôi:
- Cháu lại đây. Cứ mỗi lần ông bảo, cháu lại rắc một bát muối vào cối, rắc từ từ và thật đều.
Rồi ông gọi Loan:
- Cháu nhặt thịt ném vào cối cho ông. Khi nào ông bảo thôi thì ngừng tay lại.
Chúng tôi đi theo ông vào gian bếp, chờ đợi. ông vần ra một chiếc cối đá to như chiếc cối chìm giã gạo dưới đồng bằng, nhưng rất cao và dày. Chày giã dài hơn một thước. Đặt cối đặt chày xong, ông bưng ra chiếc thúng lớn đựng thịt lợn đầy tới cạp. Những miếng thịt đã pha sẵn, đều tăm tắp, miếng nào cũng nặng chừng năm sáu lạng. Rồi ông lại lấy ra một chiếc sọt tre đáy nhỏ, miệng rộng, tựa hình cái chum và một ôm rơm mới thơm mùi nắng. Sau đó ông bảo Loan cầm từng tảng thịt ném vào cối, tôi thì rắc muối lên. Ông vừa giã vừa đảo cho những hạt muố sắc cắm sâu vào thớ thịt. Hết mặt nọ, lật mặt kia. Khi những tảng thịt đã thấm muối, ông xếp ra sọt. Đáy sọt lót rơm. Thịt xếp xong một lượt lại ém rơm lên lượt nữa. Hết thúng thịt thì đống rơm to tướng cũng sạch trơn. Chiếc sọt tre đầu thịt tới tận ngọn. Ông già Mộc bưng sọt thịt muối đặt nơi thoáng gió:
- Cứ thế này, ông cháu ta có thể ăn thịt luôn trong hai ba tháng mà vẫn tươi ngon.
Xong việc, chúng tôi rửa mặt rửa tay chân bằng nước nóng rồi đi ngủ. Tôi với Loan nằm cùng một ngăn buồng, trên đắp chăn, dưới trải nệm. Cả hai đưa đều bâng khuâng, trăn trở vì thấy cuộc sống của mình biến động không thể nào lường trước. Nỗi vui, nỗi buồn, lòng mong nhớ, sự thắc thỏm xáo trộn trong lòng. Nhưng khoảnh khắc đó cũng chỉ kéo dài được năm mười phút. Rồi chúng tôi ôm nhau ngủ.
Hôm sau, mặt trời lên khỏi núi tôi mới tỉnh dậy. Loan vẫn còn ngủ say. Má nó đỏ hồng. tôi để cho bạn ngủ, lặng lẽ bước ra ngoài buồng.
- Lại đây uống nước cho ấm bụng.
Ông già Mộc gọi. Ông ngồi bên bếp, uống trà. Tôi nhìn chạn bát đã thấy bát chén rửa sạch, úp từng hàng, từng lối. Trên bếp, chõ xôi đang bốc hơi thơm lựng. Ông già Mộc đưa cho tôi chiếc ấm đồng tobằng cả chiếc gầu múc nước, bảo:
- Nước nóng đó, rửa mặt đi.
Tôi ra cầu thang sau, hứng nước lạnh giá chảy long tong từ ông mương vào thau, rồi pha nước nóng trong ấm để rửa mặt. Rửa nước nóng khi hí trời tê tê lạnh thật thú vị. Tôi vào bếp, trách ông già Mộc không gọi tôi dậy sớm rửa bát chén, thu dọn nhà cửa. Ông bảo:
- Cháu ngoan đấy. Nhưng ông ít ngủ, ông làm cho vui tay vui chân. Các cháu đang tuổi no ăn no ngủ mà không được phỉ sức thì ốm người đi… Nào, ngồi đây uống nước với ông, chờ bạn dậy rồi ăn xôi sáng.
Tôi hỏi:
- Mặt trời lên khỏi núi, sao ông không phải đi nương?
Ông già cười:
- Ông có một mình, nuôi lợn, nuoi bò, làm đồ mộc cũng chưa tiêu hết tiền, đi nương nhiều làm gì nữa?... Đó, cháu nhìn đàn bò của ông xem…
Ông chỉ xuống khe sàn. Dưới chuồng thênh thang có tới mười lăm con bò. Còn lợn thì khoảng ba chục chú. Gà lớn, nhỏ đậu tựng bầy trên các thanh ván gác ngang, cao thấp khác nhau. Có hơn mười chiếc ổ rơm treo giáp vách gỗ quây chuồng. Quả thực, so với người nông dân miền xuôi, gia tài của ông già quá đồ sộ. Tuy nhiên, mùi phân bò, phân lợn, mùi nước tiểu khai nồng từ dưới sàn bốc lên khiến tôi khó chịu. Nhất là buổi sớm, khi gió thung lũng chưa tới lùa đám hơi lưu cữu hôi hám đó đi. Tôi hỏi:
- Sao ông không làm chuồng nuôi bò, nuôi lợn, gà riêng? Ở thế này mùi khó chịu lắm. Ở lâu sinh bệnh ra đấy.
Tôi định nói ở thế này mất vệ sinh, nhưng sợ ông giận nên đành nói trệch đi như vậy. Ông già Mộc gật đầu:
- Ông biết chứ. Dưới xuôi, mình có làm chuông bò bên dưới nhà ở đâu… Ông đang vận động bà con trong bản làm chuồng bò, chuồng lợn riêng. Nhưng phải dần dần. Không mỗi lúc mà thay đổi được. Bà con ở đây quen ở như bây giờ. Họ bảo người ở trên, bò lợn ở dưới thì hổ sợ hơi người không dám tới bắt bò bắt lợn. Làm chuồng riêng, hổ về khênh đi hết. Ông học tập trên huyện về gần một năm nay mà đã ăn thua đâu. Bữa trước, bà Kín (tôi biết là bà nạ dòng mặcáo dài nhuộn chàm sang ăn cơm tối qua) vừa làm chuồng bò nhốt riêng hôm trước, hôm sau con cọp thọt về tha con bò cái chửa đi mất. Ai nấy sợ hãi bỏ cả. Giờ chỉ còn mình ông cương quyết quây chuồng bò, chuồng lợn riêng. Cháu có thấy đám gỗ dựng giáp sàn sau không? … Đó là gỗ cọc chuồng. Nhưng còn thiếu nhiều gỗ ván lắm.
- Ô, ông yên trí, cháu sẽ giúp ông lấy gỗ làm chuồng bò. Cháu khỏe không kém con trai đâu, ông ạ. Ở nhà cháu vẫn vật nhau với tụi chúng nó đấy…
Tôi hăng hái xắn tay áo lên.
Ông già Mộc nhìn tôi, hấp háy cười, ánh lửa trong mắt ông vui như đang nhảy múa:
- Ô, cháu ngoan quá. Cháu chỉ nói thế là ông ấm lòng, đủ sức vác gỗ về làm chuồng bò rồi… - Ông cầm cánh tay tôi, lăc lắc – Tay này phải tốn năm gian nhà thóc, ba gian nhà thịt mới vác nổi gỗ rừng… Cháu nghe chưa?...
Lúc đó Loan hạt mít lò dò từ trong buồng bước ra. Tôi giục nó đánh răng, rửa mặt để còn ăn xôi sáng. Tôi đói bụng rồi. Quái lạ, hình như ở trên này dạ dày tiêu nhanh gấp đôi dưới phố. Tôi chưa bao giờ thấy mình ăn khỏe và háu ăn như thế.
Ăn xong, ông già Mộc bảo chúng tôi cùng lên nương dỡ sắn. Chúng tôi tưởng dỡ sắn về nấu ăn nhưng ông bảo sắn ở đây chỉ nấu cho lợn. Năm nào, không may mất mùa, người bản mới ăn độn sắn vào nếp hông xôi. Từ nhà lên nương đường không dài, nhưng phải leo dốc khá cheo leo. Chúng tôi cứ bám theo gót ông già mà đi. Dọc đường, ông chỉ cho chúng tôi những nguồn nước trong suốt vọt từ kẽ đá ra. Người bản kê ống nứa vào hứng. Mỗi nhà tìm một nguồn nước. Cụm nhà nào gần nhau thì bắc chung ống máng dài. Dòng suối chảy qua phía bắc thung lũng rất xiết nên đặt được hơn mười chiếc cối giã gạo. Gạo trong các cối trắng muốt. gạo nhà ai nhà nấy tới lấy. Không được trộm của ai. Thảng hoặc nếu có kẻ cắp thì đó chỉ là những con chuột núi lông xù dạn dĩ to bằng con mèo nhỏ. Chúng đã quen với cối nước nên bò tới, thò mõm vục ăn gạo ngay khi chày vẫn thùm thụp nện xuống chạm cả vào râu. Những con chuột đó là những tên trộm không tòa án nào xử được. Chúng quá tinh ranh. Dẫu có gài bẫy cũng đố ai bắt được. Dọc theo dòng suối, giữa các cối gạo nước thường có những cây cổ thụ hoặc những mái lều con, người bản làm để trú nắng mưa khi lên nương hoặc đi đường. Từ trên cao nhìn xuống, chúng giống như những hộp diêm xinh xắn. Phía dưới các cối giã gạo, nơi dòng suối đã trở nên hiền hòa, nước mỏng và tràn lên bái sỏi phẳng lì thì không còn những cây đại thụ mà chỉ có rau cải xanh um ven bãi và những đám hoa rừng đủ màu sắc nở trong các búi cỏ dại. Mặc dì mặt trời lên cao, sương đọng trong các đám cỏ vẫn chưa tan hết, chúng phản chiếu ánh nắng như những hạt thủy tinh. Sơn ca núi từ lưng chừng trời đâm nhào xuống cỏ, rồi lại từ những búi cỏ xanh rờn bay vút lên, buông tiếng hót vang lừng.
Tôi đứng trên nương lau mồ hôi, cùng Loan ngắm nhìn cảnh núi non, lắng nghe chim hót và thấy lòng lâng lâng như đang chắp cánh bay lượn. Tôi ước chi mình được là con chim kia, suốt tháng năm bay lượn dưới ánh nắng rực rỡ, giữa khoảng không xanh thẳm của bầu trời, và cất tiếng hót mê say, ngợi ca cảnh núi non hùng tráng… Ồ, giá như vậy, giá chúng tôi có cánh bay như vậy!...
Ý nghĩ của tôi không kéo dài được thêm vì ông già Mộc bỗng đứng thẳng lưng, giơ bàn tay che mặt, nhìn trời rồi gọi:
- Hai cháu ơi, về nhà thôi. Trời sắp dông rồi đấy.
Tôi nhìn quanh. Chẳng thấy một đám mây đen nào. Cũng không có ráng mây mỡ gà, mỡ chó. Chỉ một vệt mây tê tê vắt ngang dãy núi phía đông và trời bỗng dưng lặng gió. Ông già Mộc đặt chiếc đòn gánh tre, hai đồng trồng hai quầy sắn, gọi lần thứ hai, hối hả hơn:
- Về mau thôi các cháu. Dông đến nơi rồi. Khí trời oi như thịt voi để qua đêm… Về thôi…
Miệng nói, chân ông bước. chúng tôi vội vã bước theo ông. Mỗi đứa ôm trong tay một chùm sắn nguyên gốc nặng tới năm sáu cân. Ông già Mộc ngoảnh lại:
- Các cháu ném sắn xuống, mai kia lấ cũng được. Từng này, lợn đủ ăn ba bốn ngày rồi.
Tôi tiếc rẻ chùm sắn ngon. Dưới xuôi, tụi tôi vẫn mua sắn luộc chia nhau từng khúc ăn vào giờ ra chơi. Tôi nói:
- Cháu mang được mà.
Ông già bảo:
- Không. Các cháu vứt hết đi, chạy cho nhanh.
Tôi ngần ngừ:
- Nhưng nếu đêm nay lợn rừng ra ăn hết…
- Nó ăn hết thì tôi, không tiếc. Đi nhanh lên.
Ông nói gấp gáp. Chúng tôi đành vứt bỏ hai chùm sắn, đi theo ông. Đường xuống núi còn khó hơn đường lên vì rất dễ ngã. Chỉ vô ý sẩy chân là đập đầu vào đá hoặc lăn xuống hẻm như chơi. Chúng tôi đi tay không mà toát mồ hôi mới theo kịp ông già. Quả nhiên chưa hết dốc, mây đã từ đâu cuồn cuộn bay tới trong nháy mắt, như bùa phép của loài ma quỷ. Gió từ cánh rừng thổi tới, rú lên từng hồi. Cây cối đổ ngả nghiêng, xiêu vẹo. Khi ba ông cháu chúng tôi vừa bước lên cầu thang phụ, mưa ào ào đổ xuống.
- Ôi chà chà, thật là may…
Ông già nói. Chúng tôi im thin thít. Giá chúng tôi không chịu nghe lời ông thì đã ướt như chuột lột từ chân dốc kia rồi. Mọi người rửa chân, vào nhà ngồi quanh bếp lửa sưởi. Ai nấy đều đã thấm rét. Nước trong ông máng không chảy long tong như mọi khi mà ào ào như thác xối. Chiếc chum hứng đầy tràn. Hơi nước bên ngoài bay mờ mịt vào cả trong bếp, nơi ngọn lửa hồng nhảy nhót, tỏa hơi ấm và gieo nỗi yên ấm vào tâm hồn chúng tôi. Tôi bỗng nhớ tới con sơn ca vúi lúc nãy vừa bay lượn, cất tiếng hót thánh thót trên bầu trời. Giờ này không biết nó núp trong hốc cây hay hang đá? Hẳn đôi cánh ướt đã cụp lại để giữ hơi ấm trong cơn mưa rừng lạnh buốt này. Vừa mới đây thôi tôi đã thèm khát ước ao số phận của nó. Nhưng bây giờ, tôi biết mình lắm. Không, con người vẫn hơn tất cả. Dẫu cùng cực hay nguy khốn, con người có khối óc, có đôi tay và do đó con người sẽ có một mái nhà trú ẩn. Tôi xòe bàn tay lên đám than hồng, nhìn cảnh trời mưa bão mịt mùng và bâng khuâng nhớ tiếng hót của con sơn ca bé nhỏ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét