Thứ Hai, tháng 3 25

HÀNH TRÌNH NGÀY THƠ ẤU (truyện dài ) Chương 17

                        ĐƯỜNG LÊN BIÊN GIỚI VỚI CUỘC GẶP GỠ BẤT NGỜ

Gia đình gồm bốn người chúng tôi sống thật vui vẻ. Ông gìa Mộc coi chúng tôi như những đứa con. Chúng tôi thương yêu và quý trọng ông như người cha mình. Dũng còm là đứa thoải mái nhất trong cuộc sống ở bản Muốn. Từ khi ông Rộc trở lại nghề săn, nó theo riết ông ngày đêm. Lúc nó ở nhà, lúc nó qua bên kia núi thăm ông Rộc, thoăn thoắt như con thoi. Hình ản cai Cân, ông bố tồi tệ, hẳn đã phai mờ trong tâm hồn chú bé. Nó hòa nhập với cuộc sống nơi đây một cách lạ lùng, từ cách ăn mặc tới cách nhìn, điệu đi dáng đứng. Bây giờ khó ai có thể phân biệt nó với những đứa bé chính gốc ở bản này. Cả hai ông già đều quý Dũng. Nó đi săn say mê như một thợ săn phường chính thức. Nó đi củi, làm nương cũng giỏi hơn bất cứ đứa trẻ nào trong bản. Đầu óc tinh khôn, tay chân khéo léo nên nó làm con nước, làm cối giã gạo,làm máng dẫn nước rất đẹp. Ông già Mộc mua một con ngựa hồng hai tuổi. Từ đấy đi đâu, hai ông cháu thường cưỡi ngựa, trông oai phong lẫm liệt, không kém gì những viên tướng trong Tam Quốc Chí. Loan hạt mít cũng đã quen với cảnh sống êm ấm, bình lặng này. Tuy nhiên, nó vốn thụ động. Hễ tôi bảo gì, nó sẽ nghe theo như vậy. Còn tôi, dù biết ơn ông già Mộc và thương yêu ông thật sự, tôi vẫn không quên mục tiêu chuyến đi dài. Tôi vẫn nhớ bố tôi và nghĩ rằng nếu tôi có mặt trên cái đồn tiền tiêu phía bắc đó, hẳn bố tôi sẽ vui sướng vô cùng.
Một buổi tối trời lạnh buốt vì đã hoàn toàn sang tiết đông, tôi nói với ông già Mộc:
- Ông ơi, cháu muốn lên Khậu Phai thăm bố cháu. Bao giờ thì ông cho cháu đi?
- Ông biết cái bụng cháu rồi – ông già gật đầu, nhưng mắt ông lại buồn buồn nhìn ngọn lửa – Thư của đứa cháu ông từ Nường Le vừa tới bản tuần trước. Nó hẹn về ăn Tết. Ăn Tết xong, nó sẽ đưa cháu theo.
Tôi khẽ đáp:
- Cháu cảm ơn ông.
Tôi biết ông sẽ rất nhớ, rất buồn khi chúng tôi rời bản Muốn ra đi. Lại căn nhà sàn mênh mông với bóng ông đơn độc lúc ra lúc vào và ngọn lửa chập chờn trong bếp lửa. Nhưng tôi không thể ở lại đây với ông mãi mãi. Tôi phải đi.
Tôi nói:
- Cháu sẽ không bao giờ quên ông. Sau này khôn lớn, cháu sẽ lại tìm về bản Muốn thăm ông.
Ông già Mộc gật đầu:
- Ông biết cháu là đứa trẻ ngoan. Một đứa con hiếu thảo sẽ là kẻ thủy chung với mọi người.
Tôi nhìn ông:
- Cháu còn được ở đây với ông gần hai tháng nữa.
Ông già gật đầu:
- Ờ, ông sẽ cho cháu đi chơi khắp các dãy núi quanh thung lũng ở bản Muốn. Ông sẽ cho cháu xem hết các con suối ngắn suối dài ở vùng này…
Ông già đã giữ lời hứa. Cứ lần lượt, mỗi tuần một lần, ông cho tôi và Loan cưỡi ngựa đi chơi núi, từ ngọn núi phía đông cho tới ngọn núi phía tây. Bên trong dãy núi dài, nó những thác nước nhỏ, đẹp không kém những thác nước chúng tôi thường nhìn thấy trong bưu ảnh. Ông hái cho chúng tôi những trái vả chín mõm, bên trong mật đọng như thạch. Ông giảng cho chúng tôi biết cách tìm hướng đi trong rừng ban đêm và ban ngày, cách phân biệt những trái cây độc với trái cây lành ăn được. Ông chỉ cho tôi những loài hoa rực rỡ và những cây nấm nâu trông đẹp mắt nhưng đụng tới là bỏng rộp da tay, mù mắt, hoặc nấu ăn sẽ ngộ độc. Trời mùa đông, vùng núi, ngày ngắn tẻo teo. Chẳng trách người ta vẫn bảo: Tháng mười chưa cười đã tối. Một tuần trăng qua nhanh như con ngựa hồn đi ngang thung lũng. Chả mấy chốc nọi nhà đã rậm rịch đón Tết Nguyên Đán. Trên này, ít ai cúng ông Táo. Nhưng từ mười rằm, hai mươi trở đi, người bản đã đi vào núi hái lá dong kĩu kịt gánh về. Bản Muốn ở xa đường quốc lộ nên không ai hái lá dong bán. Những bản gần đường, người ta kiếm được bạc trăm bạc nghìn mỗi dịp chuẩn bị Tết như thế này. Hồi ở vùng xuôi, tôi đã từng thấy những toa tàu xanh ngát lá dong chạy về Hà Nội. Ở gia đình chúng tôi, Dũng còm hái một gánh lá dong lớn. Hôm sau, nó lại hái một gánh nhỏ hơn cho ông Rộc. Nó biết gói bánh đòn theo kiểu người trong bản, nó cũng lại biết gói bánh vuông như ở dưới quê. Ông Mộc bảo Dũng ngày hai mươi bảy gói bánh cho nhà, còn hai mươi tám sang gói bánh cho ông Rộc. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ mang lá ra suối rửa, kỳ cọ từng lá lật hết mặt này tới mặt kia, không được để cho giập nát. Lá càng sạch bánh càng lâu thiu. Rửa lá xong phải về đồ xôi, rang bỏng rồi quêt bánh dày. Việc thịt lợn đã có ông già rậm râu người trong bản lo. Ông ra gần như thợ làm thịt lợn cho dân bản. Nhà nào thịt lợn cũng gọi ông. Chưa xong nhà này, đã tất tả sang nhà khác. Hai mươi chín tết, ông mới thịt lợn nhà. Nói là thịt vì ngày Tết, chứ sọt rơm của ông đã có tới dăm sáu chục cân rồi. Nhà nào cũng biếu ba bốn cân, gọi là để đền ơn ông làm giúp. Cả bản dồn lại, số thịt ấy bằng ngả một con lợn tạ. Ở vùng núi, không như phố xá. Ngày Tết, trong bản vẫn cứ giống ngày thường. Không có các cửa hiệu chăng đèn dây chăng vải đỏ quảng cáo hàng, không có người qua kẻ lại đông đúc. Họa chăng, chỉ có tiếng pháo nổ đì đùng ở từng nhà là gợi nhớ tới cảnh lũ trẻ trong phố đốt pháo chơi. Ngược lại, ở các bản, nhà nào cũng trồng nêu, có treo đủ các thứ khánh và các hình thú vật cắt giấy. Dưới chân nêu vẽ vạch vôi trắng hình tròn. Gió đánh những chiếc khánh đồng, khánh bạc treo lanh canh. Ngày Tết Nguyên Đán, nhưng mọi nhà trong bản đều treo cờ. Ngoài ra, không có gì hơn. Hoạt động ngày Tết dồn tụ quanh bếp lửa. Người ta giã giò, gói bánh, rang bỏng, ngào mật, làm chè lam ngũ vị… đều ở bếp. Những chảo gang, chảo đồng ngào ngạt mùi thơm. Người bản Muốn chỉ giỏi làm bỏng. Bỏng họ làm cầu kỳ hơn dưới xuôi. Thoạt tiên, phải hông gạo nếp lên cho vừa chín. Xôi chín, tãi ra các nong phơi và sấy than cho khô. Từng hạt xôi ép dẹt lại, trong suốt. Lúc đó bỏ vào chảo rang. Chảo gang lớn, than bên dưới phải tải đều, đủ độ nóng cho những hạt xôi khô nở dậy từ từ tới hết cỡ. Rang bỏng xong, thắng đường ngào và ép thành khuôn. Làm bỏng kiểu này, bánh bỏng kết khuôn rất chắc, ăn vừa ngọt, vừa dẻo, không nở bồm bộp như cách làm bỏng dưới xuôi. Chè lam và ngũ vị thì cả bản phải nhờ vào tay ông già Mộc.
Hai món này vốn do ông đưa từ dưới quê lên và dạy cho mọi người. Chè lam ông làm đầy đủ vị gừng, thảo quả, vừa ngọt, vừa béo lại dai như cao su. Cầm miếng chè lam thật rắn, nhưng cắn lại dẻo. Để trong thúng phủ bột, hàng tháng không khô, không chảy. Ngũ vị ông làm cũng ngon hơn bất cứ hàng ngũ vị nào thường bán ở các chợ vùng xuôi ngày Tết. Tôi và Loan chỉ lo chạy lăng xăng, làm những việc ông sai vặt cũng đủ thở ra đằng tai. Hóa ra, lo một cái Tết cũng mệt thật. hàng trăm thứ việc không tên cứ đẻ ra ùn ùn chỉ quanh chuyện làm đồ ăn, thức uống. Nhưng đó cũng là những giây phút vui nhất của một năm. Khi tất cả mọi việc đã xong, ông Mộc bưng mâm cơm đặt lên bàn thờ tổ. Rồi ông quay ra bếp bảo chúng tôi vợi nước nóng trong thúng tắm tất niên. Ông tắm gội, thay quần áo rồi lên thắp hương, khấn vái trước bàn thờ rất lâu. Dưới ánh đèn ba dâ và ánh nến chập chờn, trông ông già nua hiền lành và xa lạ với ông ngày thường. Nét mặt ông nghiêm trang quá khiến chúng tôi cũng hồi hộp theo. Tưởng chừng trong đám đèn nến lung linh kia, có những người khác biệt với chung ta, từ cõi mông lung nào đó trở về. Và ông già Mộc đang thầm thì trò chuyện với họ.
Tôi bỗng nhớ, hồi tôi còn bé tí teo, có lần ông tôi nói rằng: “Ta có thể nhìn thấy những người ầm (những người đã chết). Có thể nghe thấy cả tiếng nói của họ, nếu ta được gối đầu lên một chiếc gối làm bằng lông quạ. Không phải lông quạ người đi săn bắt được, mà là lông những con quạ già, chết âm thầm trong góc núi, dưới vực sâu hoặc ở góc bãi tha ma hoang vắng nào đó…”
Lúc ấy, tôi ước chi có được chiếc gối lông quạ thần kỳ. Có nó, chắc tôi sẽ thấy được gương mặt người vợ và hai cô con gái xinh đẹp của ông Mộc. Tôi sẽ nghe tiếng chuyện trò thầm thì của họ với ông. Hẳn họ than phiền rằng từ khi bị giặc giết, họ nhớ bản, nhớ ông suốt đêm ngày, rằng dưới đất không có lửa sưởi nên rất lạnh, rằng họ muốn ông luôn luôn nhớ tới họ và khẩn cầu sức mạnh linh thiêng nào đó cho họ được trở về…
Tiếng pháo nổ từng hồi làm cơn mơ màng của tôi bị cắt đứt. Ông Mộc đã vái hạ mâm, bảo chúng tôi:
- Nào các cháu, ta ăn bữa cơm giao thừa để đón năm mới. Năm nay, ông chúc các cháu mạnh khỏe, không cơn gió độc nào vật ngã, không con thú độc nào làm sây sát chân tay. Ai cũng vui, ai cũng đẹp như manh áo mới vậy.
Bữa cơm bắt đầu sau những lời chúc mừng của ông. Chúng tôi lúng túng vì lần đầu tiên trong đời, chúng tôi nhận những lời chúc mừng trịnh trọng đến thế.
Tôi nâng chén rượu lên, thay mặt cả ba đứa, chúc ông:
- Cháu chúc ông một mùa xuân mới, đẹp như hoa mận trên núi, trong như nước suối qua rừng ổi. Chân tay ông cứng hơn đá lèn, dẻo hơn rễ cây. Tất cả chúng cháu đều luôn luôn thương và nhơ ông như người ông ruột thịt của mình.
Nói xong, mặt tôi nóng rực lên. Tôi không ngờ tôi lại nói được những ý nghĩ của mình trơn tru như vậy. Dẫu sao, tôi cũng chỉ là đứa bé. Ông già Mộc lặng đi vì cảm động, rồi gật đầu:
- Ông biết tấm lòng của cháu. Ông biết các cháu. Các cháu sẽ khôn lớn, sẽ trở thành những con người vững vàng như ngọn núi, không giống như cây cỏ leo ven đường, gió thổi đằng đông ngả sang đông, gió thổi đằng tây lại ngả sang tây… Nào, ông cháu ta uống chén rượu mừng năm mới…
Từ nhà này qua nhà khác, khắp bản Muốn pháo nổ rền vang. Ông già của chúng tôi cạn chén rồi cầm mồi lửa châm bánh pháo treo trước cửa. Ngay tức khắc, từng tràng súng liên thanh nổ giòn giã vang rền.
Dũng còm đầy tự hào nhìn ông già Mộc:
- Ông xem, pháo nhà ta nổ giòn, nổ to nhất bản.
Ông già gật đầu:
- Ông biết, cháu giỏi lắm. Cháu sẽ là người đàn ông khá đấy.
Dũng còm sướng rơn vì lời khen đó. Chẳng là Dũng đã nhồi pháo giỏi hơn cả đám trai bản, mặc dù chính lũ trai bản truyền nghề cho cậu ta.
Dũng còm còn chứng tỏ là người đàn ông thực thụ. Khi ăn cơm xong, nó xuống thang cửa sau, lấy lên một cây đuốc dài quết nhựa trám.
- Ông à, ông cháu ta đã ăn xong bữa cơm đầu năm. Giờ cháu sang thăm ông Rộc kẻo ông Rộc buồn.
Ông già Mộc gật đầu:
- Cháu nghĩ thế là trúng bụng ông. Không nghĩ được điều đó, cháu là kẻ lạ. Nghĩ được điều đó, cháu đúng là cháu ông già Mộc này.
Nói xong, ông đưa Dũng còm ra cửa, tự tay châm đuốc cho nó. Trời đêm mịt mùng thăm thẳm. Chỉ có ngọn đuốc của Dũng còm là điểm sáng duy nhất giữa màn đen mênh mông. Chúng tôi đứng nhìn theo ngọn lửa lay động giữa thung sâu, hắt lờ mờ lên những bóng dáng chập chùng của rừng núi. Cho tới khi đốm lửa nhỏ mất hút, ba ông cháu mới quay vào.
Ông già Mộc bảo chúng tôi đi ngủ. Ông không buồn ngủ, ông sẽ ngồi canh nồi bánh mật. Bánh chưng, bánh đòn đã vớt ra rồi, ông còn gói thêm bánh mật. Tôi hỏi vì sao đã có bánh dày với bỏng, chè lam, ngũ vị, ông còn gói thêm bánh mật cho lãng phí. Ông chỉ cười:
- Khắc có việc cần, cháu à.
Bây giờ, ông ngồi canh nồi bánh sôi lục ục. Còn chúng tôi chui vào trong chăn. Trời càng về khuya càng rét. Loan ngủ ngay. Riêng tôi, tôi thao thức vì chưa thấy người cháu của ông Mộc về. Ban ngày tôi cố gắng không hỏi chuyện đó để ông Mộc khỏi buồn. Tôi sợ ông nghĩ rằng tôi muốn mau mau từ biệt ông. Tuy nhiên, tối đến, khi chui vào trong chăn, tôi lại nóng ruột vì mong ngày được ra đi. Càng gần Tết, nỗi mong càng da diết. Càng gần Tết, tôi càng nhớ bố tôi. Tất nhiê, tôi nhớ cả mẹ nữa. Người mẹ tôi ở dưới phố, mẹ sẽ không buồn như bố tôi ở trên vùng núi cao. Những ngày tháng sống ở nơi đây đã khiến tôi hình dung được lờ mờ cuộc sống của những người lính biên phòng.
Cũng rừng, cũng núi, cũng các bản như ở đây – tôi nghĩ. Nhưng không đẹp, không vui bằng đây vì vùng núi ở đó hiểm trở lắm. Mà còn khổ vì thiếu nước. Anh chiến sĩ đồn Nường Le cháu ông già Mộc đã chẳng viết rằng phải khiêng nước từ dưới vực lên đỉnh núi cao, chia từng ca, vừa đánh răng vừa rửa mặt đó hay sao? Rồi ở đó,làm gì có bếp lửa ấm áp suót năm như nơi đây, làm gì có những chiếc chảo gang, chảo đồng bốc lên mùi thơm ngào ngạt của bỏng nén, chè lam ngũ vị. Nhiều lắm, anh nuôi sẽ chỉ gói cho mỗi người một hai đòn bánh, trong khi ở đây tôi được ngủ trong nệm ấm, ăn đủ thứ ngon, từ bánh trái tới thịt nấu nấm hương, măng khô, mộc nhĩ… Cũng giò chả, cũng nem rán… Không khác gì mộtcái Tết no đủ ở vùng quê. Tôi bỗng nhớ những dịp bố về phép, mỗi lần bố ôm tôi, tôi lại đẩy ra vì áo quần bố có mùi là lạ, tay bố vàng khè khói thuốc lá… Tôi cứ bảo đó là mùi rừng…
- Ôi, tại sao mình lại vô tình và trẻ con như vậy?
Tôi ân hận mãi. Nghĩ liên miên, tôi bống thấy ướt lạnh nơi khóe mắt. Tôi vội vã vùi đầu vào gối, nhắm mắt lại. Nhưng giấc ngủ không tới. Tiếng pháo vẫn cứ nổ đì đẹt khắp bản. Các dãy núi bao quanh thung lũng nhại lại âm vang đó. Ngoài bếp, lửa than tí tách bắn lên. Bóng ông già Mộc vẫn ngồi nghiêm trang như pho tượng đá. Tôi bỗng dưng nhớ bố Thế, người thầy thân yêu của tôi. Rồi tôi lại nhó tới những dãy chai lọ trong phòng thí nghiệm, những chiếc bình cổ cong, các loại kính hiển vi mà chúng tôi đã từng soi vi trùng trong nước cũng như phóng đại một cái chân ruồi. Biết bao lần, bố Thế cho tôi điều khiển nhóm chuyên hóa làm các phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm. Nước rau xanh biến thành màu quỳ tím, chât muối kết tủa dưới các đáy lọ, kèm theo làm khói trắng khét lẹt bay lên… Tôi hình dung hàng phượng vĩ dọc đường tới trường. Bàn tay nổi gân xanh của mẹ tôi đang đẩy que đan. Món chè đường với xôi vò là món cổ truyền mẹ luôn lấy lòng tôi mỗi lần tôi ốm:
- Ăn đi con. Ngày trước cụ ngoại chủ ăn chè đường, xôi vò quanh năm mà khỏe đến chín mươi hai tuổi mới mất…
Thị trấn thân yêu của tôi. Những đường quen, những vườn cây quen thuộc, tưng chiếc ghế, từng bụi cỏ. mảnh hồ đầy rêu quanh ngôi thành cổ. Vuông lụa bay phất phới trên cây cột trước cửa chợ… Những kỷ niệm… Những kỷ niệm chồng chất lên nhau, dồn nén xô ép. Tôi thấy tức thở. Tôi lau nước mắt, âm thầm ghìm nén những cơn nức nở trong họng. Nhưng có lẽ ông già Mộc đã nghe tiếng thút thít của tôi. Tôi thấy ông đưa tay lên cào mái tóc. Rồi ông đứng dậy khẽ thở dài. Ông đi tìm que hương mới để thắp…
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, cả nhà đã ngồi đầy đủ quanh mâm cơm chờ tôi. Dũng còm vừa từ nhà ông Rộc trở về. Nó bảo với tôi rằng nó ngồi nói chuyện với ông Rộc suốt đêm, không hề ngả lưng chợp mắt một phút. Điều đó đáng kính nể thật. Tôi nghĩ bụng: “Trông còm nhom nhe vậy mà nó thực đáng là đàn ông”.
Tôi rửa mặt, chải tóc xong, mọi người cầm đũa bát. Hôm nay con bé Loan bóc bánh mật vừa vớt khỏi nồi. Bánh còn nóng hổi. Ông Mộc bảo:
- Phải để se se đã, ăn nguội mới ngon.
Nhưng chúng tôi không đưa nào đợi cho nguội mà vừa ráo nước đã ăn ngay. Dẫu ăn nóng, bánh cũng rất ngon. Bánh mật giống như bánh nếp, bánh dợm dưới xuôi. Nhân đỗ xanh giã nhỏ ngào đường, có thêm dừa hoặc vừng hoặc thịt nạc tùy thích. Vỏ bằng bột nếp. Nhưng gọi là bánh mật vì vỏ nếp cũng trộn mật. Do đó, luộc phải thật kỹ và rắc ít hàn the cho giòn. Bánh mật vớt ráo nước, cứ treo lên vách nhà nơi gió lùa là để được rất lâu. Vùng núi, trời lạnh nên đường không lên men chua. Ngược lại, gió thổi se khiến vỏ bánh càng dẻo dai và bánh thêm ngọt. Cũng giống như chè đậu đãi, khi để nguội, bốc hơi đi bao giờ cũng ngọt hơn chè nóng mới múc.
Ăn xong, ông Mộc dắt cả ba chúng tôi đi chúc Tết khắp bản. Vào nhà nào cũng từng đấy thứ bánh, thứ chè bày ra. Vao nhà nào cũng phải ăn một tí nên chiều về bụng cứ ngang phè. Dũng còm nằm vật ra gjường kêu:
- Tôi nay cháu không thể ăn thêm một tí gì nữa. Đừng nấu cơm ông ạ.
Ông Mộc bảo:
- Phải nấu cơm cúng chứ. Ngày mùng một mà.
Tôi không chú ý tới mọi việc vì tôi chỉ mong ngóng cháu ông già Mộc trở về. Hễ cứ có tiếng chân bước ngoài cầu thang, tôi lại chạy tọt ra xem. Nhưng buồn thay, toàn là dân bản sang chúc Tết.
Sáng mùng hai, có bước chân rất lạ. lòng khấp khởi, tôi đã tưởng anh chiến sĩ biên phòng. Nhưng hóa ra, đó là người đàn ông thấp bé bẩn thỉu mấy tháng trước đã lạy xin ông già Mộc nấu cho ít cao ngựa bạch. Ngày Tết, ông ta vẫn mặc chiếc áo bông cũ kỹ. Cổ quấn chiếc khăn bông to, cáu ghét. Ông ta đi giày vải đã rách lòi ngón chân. Trông ông ta tiều tụy, thảm hại giữa đám dân bản áo chàm, áo trắng, áo hoa đào mới, mặt tươi tắn vì rượu Tết và men trầu. Ông ta bước vào cửa:
- Năm sớm, chúc ông ăn nên làm ra, phát tài bằng ba bốn năm ngoái.
Ông già Mộc đứng lên đáp lời:
- Không dám, xin cảm ơn ông. Mời ông vào nhà uống rượu đầu xuân.
Rồi ông quay vào bảo chúng tôi dọn mâm cơm cúng xuống:
- Đầu năm, tôi cũng chúc ông điều lành vào nhà, điều dữ đi ra, con người đỏ da, sáng bụng.
Người khách chắp hai tay, vái dài trước bàn thờ rồi quay lại:
- Xin đa tạ ông ạ… Tôi biết ơn ông nhiều…. Tôi biết ơn ông cả đời.
Người đàn ông chọn đúng dịp Tết mà tới là rất khôn ngoan. Ngày Tết, thù hằn cũ xóa bỏ, bụng dạ sáng như gương để mang điều may điều tốt về cho năm mới. dẫu là kẻ xấu xa nhất, ngày Tết đã tới nhà, vái trước bàn thờ gia tộc, đã chúc lời đầu xuân thì được coi là khách và được đối xử rất trân trọng, nhiệt thành. Ông già Mộc đãi cơm rượu ông ta hai ngày liền. Sáng mùng bốn, khi ông ta đi, ông cho không ba lạng cao ngựa bạch. Người khách cầm món tiền bị từ chối, nhét vào trong túi áo ngực, cúi xuống, miệng lắp bắp lời cảm tạ. Trông ông ta rõ là mộtkẻ hèn đang sung sướng.
Chiều mùng bốn, cháu ông già Mộc mới về.
- Chào anh, em mong mãi… Em mong anh từ trước Tết cơ.
Tôi chưa cần ông già giới thiệu tên họ, đã nắm tay anh kéo vào. Người chiến sĩ trẻ măng cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên, rút trong túi áo phong thư:
- Em có thư của bố gửi đây này. Nó bị ướt một góc vì anh gặp cây cầu gãy phải bơi qua suối Nường Le.
Tới lúc đó, ông Mộc mới nói:
- Đây là em Bê, chú đã biết thư cho cháu biết rồi. Còn đây là anh Khiết, bộ đội đóng ở Nường Le. Em Bê có ý đợi cháu từ trong Tết. Chú biết nó mong lên biên giới gặp bố lắm rồi… Được thư của cháu đã lâu, sao giờ mới về tới bản?
Anh Khiết đặt ba lô xuống sàn:
- Mùa lũ vừa rồi gãy mấy cây cầu mà giao thông tỉnh chưa chữa được. Cháu phải bơi qua, vất vả quá. Xe lại đông, phải nằm chờ ở bến ba hôm.
Ông Mộc bảo:
- Giờ đi rửa mặt, nghỉ ngơi rồi ăn cơm đã.
Nhưng anh lắc đầu:
- Cháu được nghỉ đến mồng tám thôi. Chú cho cháu về nhà kẻo bố mẹ cháu mong. Ruột cháu nóng như lửa đốt rồi.
Tôi hỏi:
- Thế nhà anh ở đầu?
Anh chỉ:
- Ở bản khuôn, cách đây hai trái núi.
Ông Mộc gật đầu:
- Thôi được, cho mày về, cầm bánh vừa đi vừa ăn vậy. Ngày mồng tám qua đaay đón em Bê cùng đi, nhớ đấy.
Anh chiến sĩ gật đầu:
- Cháu nhớ rồi. Thủ trưởng đồn Khậu Phai cũng dặn ba bốn lời là đón em Bê lên.
Ông già Mộc buộc một chùm vừa bánh đòn, vừa bánh chưng, lại vừa bánh mật vào ba lô cho Khiết.
- Cháu đói ghê chú à.
Anh nói một cách hồn nhiên, chào chúng tôi rồi xuống cầu thang. Vừa đi anh vừa bóc bánh ăn một cách ngon lành.
Chúng tôi nhìn theo anh. Sau, Dũng còm nói:
- Bê sướng nhé, sắp được gặp bố rồi.
Tôi lặng im. Tôi đang sung sướng thật. Nhưng cùng với niềm sung sướng ấy, tôi lại băn khoăn vì những người ở lại. Loan tất nhiên sẽ đi cùng tôi. Còn Dũng còm, liệu bao giờ ông cậu nó bắt nó quay về cửa hàng phở ở bản Nọi? Rồi quãng đời cô đơn ở cái góc bản ngập phân bò và phân ngựa, với ông cậu, bà mợ lạnh lùng đó, Dũng còm sẽ ra sao?... Và ông già Mộc, khi chúng tôi đi hết, ông sẽ buồn tới bao giờ mới vơi? Sẽ có những ngày mưa dầm,sẽ có những đêm gió núi lạnh lẽo hú quanh chân thang. Ông sẽ ngồi một mình bên bếp lửa, trong ngôi nhà mênh mông này. Khi ông ốm ai sẽ nấu cho ông nồi cháo? Ai sẽ lên nương đào sắn cho lợn ăn khi từng đàn lợn mẹ lợn con đói kêu rít dưới chuồng? Ai sẽ mở gióng cho đàn bòvào rừng buổi sớm và soát lại các chốt cài buổi chiều khi chúng đã no nê trở về nằm nhai lại cỏ. Rồi ai sẽ múc nước nóng vào thau đồng cho ông rửa mặt, bắc lại cái máng nước khi một con chồn hay con mang đi ăn đêm đạp ra ngoài nguồn suối?... Ông già Mộc quay lưng đi vào bếp. Đoán được những ý nghĩ của tôi, ông bảo:
- Cháu cứ đi… Cháu đừng lo cho ông. Trước đến giờ, ông đã sống ở đây quen rồi…
Tôi không nói, nhưng nghĩ: Đành rằng ông đã quen. Nhưng mỗi tuổi một già. Lúc đó con người sẽ yếu chân tay, sẽ mềm lòng. Lúc đó cảnh cô đơn sẽ đáng sợ hơn là khi người ta còn cứng cáp, vững vàng…
Loan biết hết những điều tôi nghĩ. Nó cũng ngồi im, mặt buồn rượi.
Tôi quay sang hỏi Dũng còm:
- Bao giờ thì cậu quay lại bản Nọi? Hay cậu về thị trấn luôn?
Dũng còm ngước mắt lên. Gương mặt nó trang trọng, khắc khổ như gương mặt ông già. Nó bảo tôi:
- Đằng ấy cứ an tâm đi đi. Đừng lo cho tớ. Cũng đừng lo cho ông Mộc. Tớ không về bản Nọi nữa đâu. Tớ cũng không về ở với ông cai Cân làm gì. Ông ấy quý mấy chiếc vòng vàng hơn tớ… Nó ngừng lại, nuốt nước bọt rồi nói tiếp: - Tớ sẽ ở đây. Hai người buồn cộng lại thành một cái nhà vui.
Đang ngồi trong bếp, ông già Mộc quay ra nhìn Dũng còm. Đôi mắt già nua của ông chớp chớp. Chừng như ông ngạc nhiên và cảm động quá. Tôi cũng vậy. Tôi nắm chặt tay Dũng còm:
- Đằng ấy thật là tốt… Đằng ấy ở đây, tớ yên tâm đi được.
Dũng còm mỉm cười:
- Con nai chọn cánh rừng nhiều lá ngon nhất để sống. con người cũng chọn mái nhà nào êm ái nhất với mình… - nó ví von hình ảnh như một người đàn ông vùng núi thực thụ.
Ông già Mộc từ bếp lửa ra, lặng lẽ ôm thằng bé trong đôi tay cứng cáp. Bằng cử chỉ của ông, tất cả chúng tôi đều cảm động và vui sướng. tất cả chúng tôi đều bằng lòng với cuộc sống của mình.
Tôi bảo Dũng:
- Cậu đã gần như một người dân bản Muốn rồi. Nhưng chúng tớ vẫn yêu cậu như yêu thằng Dũng còm nhút nhát hay khóc nhè của thị trần quê hương.
Dũng đáp:
- Tụi mình không quên nhau được đâu.Tớ không muốn về dưới ấy khi chưa đủ tiền xây mộ cho mẹ tớ. Còn các cậu, các cậu nhớ luôn luôn lên đây. Lúc đó tớ đã có thể nướng thịt nai chính tay tớ bắn cho các cậu ăn.
Chúng tôi ngoéo tay nhau. Giây phút đó đẹp đẽ vô cùng.
Tôi đọc đi đọc lại lá thư ngắn ngủi, nhòe nước của bố tôi trong những ngày chờ đợi. Bố đã nhận được thư mẹ, biết rõ mọi chuyện ở nhà. Bôi không trách móc nhiều mà chỉ lo tôi trên đường từ nhà lên biên giới. khi được anh Khiết sang báo tin, bố đã mừng tới chảy nước mắt. Cả các chiến sĩ trong đồn Khậu Phai cũng vậy. Mọi người tưởng chúng tôi bị bắt cóc hoặc mắc tai nạn gì đó trong khoảng thời gian lâu biền biệt đó. Bố đã viết thư đi các nơi, nhờ các đồn công an dọc đường tìm tôi… Ôi, mọi chuyện cuối cùng rồi cũng tốt đẹp cả. Tôi nghĩ và tưởng tượng tới ngọn núi cheo leo có cái tên Khậu Phai, nơi giờ đây bố tôi đang mong chờ tôi từng giây từng phút.
Ngày mồng tám, chúng tôi dậy từ bốn giờ sáng. Nhờ chiếc đồng hồ báo thức cũ ký có cỗ xe ngựa kéo nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn ông Mộcmua từ thời Pháp mà chúng tôi mới can đảm gạt được tấm chăn ấm áp sang một bên. Cái đồng hồ tuy cũ kỹ, troc hết nước mạ nhưng chuông reo cứ lanh lảnh từng hồi, không chịu thua cơn buồn ngủ của chúng tôi. Ông già Mộc bảo Dũng còm nấu cơm, nấu canh măng với chân giò lợn ăn cho mát ruột.
- Buổi sớm ăn cơm tẻ cho no. Suốt ngày đường chỉ được ăn bánh thôi đấy.
Ông bảo vậy. tôi với Loan thu xêpa quần áo, đồ vật. Áo bông mặc vào người rồi. Mỗi đứa còn những ba bộ quần áo nữa, không kể bộ áo hoa mới tin ông Mộc mua cho chúng tôi mặc Tết. Vì thế, cái túi cũ kỹ của chúng tôi trở nên chật hẹp. Ông già bảo:
- Cái túi đó đựng bánh ăn đường. Quần áo cho vào lu.
Ông mở tủ lấy ra chiếc làn mây tròn, cao, đã cũ lắm nhưng còn chắc chắn. Những sợi mây đan nhẵn bóng, màu vàng ám khói. Làn có nắp và có cả quai đeo. Ông bảo chúng tôi xếp áo quần vào đó. Rồi đưa cho tôi một xấp tiền:
- Ông đưa cho cháu năm trăm để đi đường phòng thân. Tiền vé xe ông sẽ đưa riêng cho thằng Khiết. Cháu chỉ dùng tới món tiền này khi nào đường đi gập ghềnh, trắc trở.
Tôi nói:
- Không. Cháu không cần nhiều tiền như vậy. Đã có anh Khiết lo rồi mà.
Ông già Mộc lắc đầu:
- Ông nói cháu phải nghe. Lần trước, cháu đã gặp chuyện không may rồi. đừng để chuyện không may tới hai lần, cháu biết không…
Ông cất tiền cẩn thận vào túi trong của chiếc áo bông tôi đang mặc. Ông còn gài thêm ghim băng nữa, cẩn thận như một người mẹ già. Tôi không dám cảm ơn ông. Vì mọi lời lẽ lúc này đều nhạt nhẽo và vô lý. Tôi cứ lẳng lặng làm theo ông bảo. Sắp xếp mọi thứ xong xuôi, chúng tôi ăn cơm.
Trời lạnh buốt nên ông già Mộc bảo ăn gần bếp cho ấm. chúng tôi vừa ăn xong, chưa kịp uống nước đã thấy ánh đèn pin quét loang loáng trước sàn:
- Chú à, chú dậy chưa?... Em Bê đã sửa soạn xong chưa?
Anh Khiết vừa lên cầu thang vừa hỏi. Tôi mở cửa, anh bước vào, cởi mũ biên phòng, hơi thở phà trắng như sương muối.
- Sao, cả nhà ăn cơm rồi chứ?
Ông Mộc đáp:
- Ăn rồi. Mày đi từ nửa đêm hay sao?
Anh Khiết nói:
- Cháu ăn cơm tối qua rồi ngồi uống rượu với bố mẹ cháu tới nửa đêm. Gà gáy lần thứ nhất, ăn bữa nữa tiếp rồi đi luôn, không ngủ.
Gương mặt tròn đỏ ửng của anh, chứng tỏ anh chẳng hề mệt mỏi chút nào. Anh nhìn chúng tôi, hỏi:
- Đồ đạc, áo quần gói ghém xong rồi chứ?... Không phải mang thức ăn đi đâu. Anh nhiều bánh đòn lắm rồi.
Ông Mộc bảo:
- Phần cháu, cháu cứ mang lên cho anh em trên Nường Le. Tao lo đủ cho hai đứa cháu này rồi.
Tôi nói:
- Em và bạn Loan sẽ cùng đi với anh đấy.
Anh Khiết cười to:
- Thế gặp hổ thì làm sao anh cõng cả hai em mà chạy được?
Ông già Mộc cũng cười:
- Cháu Bê gan to lắm. Còn cháu Loan hay sợ. Đừng có dọa bậy bạ…
Hai cánh cửa mở toang khiến hơi sương lạnh tràn vào nhà. Tôi rùng mình. Nhưng niềm vui sướng trước lúc lên đường khiến tôi đủ can đảm để nhìn vào khoảng không tối đen trước mặt. Anh Khiết hỏi:
- Đi tối không sợ chứ?
Tôi lắc đầu, đeo túi áo quần lên vai rồi quay vòa nhìn ông già Mộc:
- Cháu đi đây… Cháu chào ông. Rồi bao giờ…
Tôi định nói rằng rồi bao giờ có dịp, tôi sẽ trở lại đây, sống với ông một thời gian ở bản Muốn, ở cái thung lũng bây giờ đã trở thành thân thương với mình… Nhưng tôi không nói được hết câu. Nước mắt bỗng dưng trào ra, lăn rất nhanh qua gò má rồi đọng lại nóng và mặn trên môi.
Loan cũng đỏ hoe mắt, nói lí nhí:
- Cháu chào ông ạ.
Ông già Mộc cúi xuống, nói khẽ khàng:
- Ờ hai cháu đi đi… Rồi bao giờ lại trở về bản Muốn thăm ông…
Ông không đưa tiễn các cháu đâu. Ông đi bây giờ, đường đi thì gần, thì nhẹ bước, mà đường về vừa xa vừa nặng chân… Các cháu hiểu bụng ông chứ?... Các cháu lên đường cho may mắn…
Ông quay vào bếp. Tôi nhìn cái bóng cao gày của ông nhòe đi trong vòng sáng của ngon lửa. Gió từ ngoài thung lũng lùa vào, đập cánh cửa cạch một tiếng thật mạnh. Anh Khiết bảo chúng tôi:
- Chào bạn trai rồi đi.
Dũng còm lắc đầu:
- Không. Em sẽ đưa tiễn bạn Bê và Loan qua dãy núi trước nhà.
Anh Khiết thử lại công tắc chiếc đèn cầm trong tay, chào thật to:
- Cháu đi đây, chú à.
Ông già đáp rất khẽ:
- Ờ. Đi cho cứng chân cứng tay nhé.
Dũng còm khép cánh cửa lại. Rồi chúng tôi theo anh Khiết xuống cầu thang. Đường qua bản đen như mực. Nhờ ánh đèn quét loang loáng, chúng tôi mới nhận ra lối. Anh Khiết đi trước. Loan nhút nhát nên đòi bám ngay sau lưng anh. Tôi đi sau lưng Loan. Dũng còm sau rốt. đoàn chúng tôi như đang chơi trò rồng rắn, người nọ nắm áo lưng người kia bước. Đôi khi, một con rắn lao vụt qua chân chúng tôi. Dẫu đã có thuốc trị rắn cắn ông Mộc cho đem theo, chúng tôi vẫn cứ lạnh toát cả người. Anh Khiết bảo:
- Loài rắn trên cây dứ hơn loài rắn bò dưới đất. Đừng sợ cứ đi đi. Anh có thuốc chữa rắn cắn trong túi rồi.
Rồi anh pha trò:
- Rắn cắn các em, anh cõng được ngay. Còn rắn cắn anh, chắc các em phải treo anh lên đòn khiêng như thợ săn treo con gấu bị bắn, đúng không?
Chúng tôi cười câu ví của anh. Anh là người Nùng, cháu gọi vợ ông già Mộclà dì ruột, nhưng anh xuống vùng xuôi từ bé nên còn lém lỉnh hơn nhiều chiến sĩ người Kinh. Suốt đường đi, anh luôn luôn pha trò, trêu cợt hoặc kể chuyện tiếu lâm để chúng tôi quên mệt.
Vượt qua dãy núi bìa thung lũng, trời dần rạng sáng. Đã nhìn rõ hình những cụm gai ven đường, những gốc đại thụ xòe tán im lặng như người khổng lồ giữa trời sương. Các ngọn đèn thấp thoáng hiện ra khi làn mây nặng trĩu trôi xuống khe và lớp sương vây phủ loãng bớt.
Tôi bảo Dũng còm:
- Đằng ấy về đi kẻo đường xa lắm.
Anh Khiết cũng nói thêm:
- Đi đông người nói chuyện vui chứ quay về một mình đường vắng buồn lắm đấy anh chàng ạ. Mà phải đến mười hai cây số chứ không ít đâu.
- Vâng.
Dũng đáp. Nhưng chân nó vẫn bước theo chúng tôi. Tới khi ánh bình minh hửng lên nơi chân trời phía đông, những ngọn cây đã phơi màu xanh dưới ánh sáng, Dũng mới dừng lại:
- Các đằng ấy đi mạnh khỏe nhé. Nhớ viết thư về cho tớ.
Chúng tôi ôm lấy nhau. Giá ở dưới phố, chúng tôi đã chẳng dám làm thế vì sợ tụi bạn chế nhạo. Nhưng ở đây, tự dưng chúng tôi đều xô đến, cả tôi và Loan ôm chặt Dũng còm. Dũng còm cũng ôm lấy chúng tôi hồi lâu.
Rồi tôi nói:
- Chúng tớ đi nhé.
- Ừ, đi…
Đứa nào đứa nấy đều bước vội vã. Tuy nhiên, đi được một đoạn, tôi và Loan cùng ngoái lại nhìn Dũng. Cũng đúng lúc đó Dũng còm quay nhìn chúng tôi. Ba đứa giơ tay vẫy chào nhau lần cuối, bịn rịn mãi không nỡ dứt. Khi Dũng còm đã tụt xuống dưới chân đèo, trông chỉ bằng cái bắp ngô, nó còn ngoái cổ lên nhìn chúng tôi. Chắc hẳn nó chỉ thấy những đám cây xanh rì trên đỉnh đèo che khuất. Rồi cả tôi và Loan cũng không nhìn thấy cái bóng loắt choắt của Dũng nữa. Chúng tôi đang tụt xuống bên này quả núi. Trước mắt chúng tôi là một dòng suối đang róc rách chảy qua lối mòn.
- Tạm biệt nhé, bạn thân mến. nếu không có những ngày ở bản Muốn, chúng ta chẳng bao giờ hiểu nhau và thương nhau đến thế… Sau này, dù tôi đi đến phương trời nào, tôi cũng sẽ không quên bạn và sẽ không quên ngày về bản Muốn…
Tôi thầm thì nói với mình như vậy. Không hiểu sao, tôi vẫn tin rằng sẽ còn đi rất nhiều, đi rất xa. Tôi sẽ phải đi tới cái đỉnh núi ước vọng của mình.
Nào, lên đường.
Tôi tự hạ lệnh. Xốc chiếc lủ đeo trên vai, tôi bước dấn lên theo anh Khiết. Phương đông, bình minh đãn thay cho ánh lê minh xanh nhạt. Bình minh của vùng núi cao, lại vào tiến đầu xuân, không rực rỡ như những bình minh ta thường nghe tả trong sách. Đó là một bình minh êmả, trắng mềm như sữa đọng, dịu dàng như có hàng ngàn đàn cừu trắng toát từ những thảo nguyên.mơ mộng lặng lẽ đi qua bầu trời, lặng lẽ gieo vào tâm hồn ta một thứ ánh sáng êm dịu màu bạc trắng và khiến ta cảm thấu trái tim mình trong trẻo, thanh khiết vô cùng trước thứ ánh sáng đó.
Đường từ bản Muốn lên biên giới không có gì cần ghi lại. Vì không có sự kiệnnào khiến chúng tôi phải vui sướng hay đau khổ, lo âu hoặc hãi hùng. Đã có anh Khiết, người đưa đường, chúng tôi vững tâm bước. Tới đâu đói chúng tôi ngã các thứ bánh trái ra ăn. Ông già Mộc cẩn thận đem cả bánh chưng, bánh đòn, bấnh mật, chè lam, ngũ vị cho vào túi. Lạicó cả một cái giò nguyên và một con gà luộc với gói muối. Đặc biệt, có rất nhiều bánh dày đã sấy khô. Tôi ngạc nhiên vì ngày Tết, ông cho chúng tôi bánh dày khô làm gì?...
Anh Khiết bảo:
- Ông già đã làm gì đều có lý cả. Bánh dày khô là thứ bánh ta sẽ ăn sau cùng. Để hàng tháng cũng không mốc.
Chúng tôi tới phố Lạng vào lúc xế chiều. Ở bến xe lên Cao Bằng, vô số người đợi xe như chúng tôi. Họ bảo ít nhất cũng phải chờ ba ngày nữa. Chúng tôi phải chờ đúng ba ngày thật. Đám khách đợi xe làm quen với nhau rất nhanh, chuyện râm ran từ sáng tới tối. Ban đêm, vì không đủ quán trọ, chúng tôi ngồi với bộ đội, công nhân địa chất ở chân một ngọn đèn gần đó. Có hang rộng, chúng tôi đốt củi sưởi. Rồi người nọ tựa lưng vào người kia ngủ. Tốp này ngủ, tốp kia thức canh. Anh Khiết thật nhanh nhẹn. Anh kiếm được rất nhiều lá khô, rải thành một lớp dày, rồi trải ni lông bên trên cho chúng tôi nằm. Anh mang chiếc võng làm chăn đắp cho hai đứa. Khi chúng tôi ngủ, anh thức canh cho lửa khỏi tắt và đuổi những con muỗi đói trong hang lảng vảng bay tới tìm hơi người. Chúng tôi cũng đã lớn khôn hơn dạo mới tới đây lần đầu tiên nên quen dần với việc ngủ đêm ngoài trời, không còn bị những nỗi sợ hãi, những con mê ám ảnh như đêm ngồi ngủ với anh Cao trước đây. Chúng tôi có ghé vào cửa hàng cô Múi. Cô đang đông khách nên chào hỏi thờ ơ. Chúng tôi cũng nói với cô mấy câu qua quít rồi đi. Trong ba ngày chờ xe đó, tôi đã tìm mua được một vài gói kẹo bạc hà, ông mai cam thảo, kẹo hồng, kẹo nu-ga là mấy thứ bố tôi thích. Lần nào bố về phép, mẹ tôi cũng tìm mua mấy thứ đó cho bố tôi đem đi. Nghe người ta nói trên biên giới rét lắm. Nên tôi mua cho bố một chiếc khăn len dày, hai đôi găng tay len. Còn tôi và Loan thì mua mỗi đứa một chiếc khăn len kẻ ô vuông và hai đôi bít tất. Tôi cũng sắm thêm ít kim chỉ, khuy áo phòng khi cần tới, nhất là loại khuy lớn đính áo của bộ đôi biên phòng. Anh Khiết thấy chúng tôi sắm sửa như vậy, khen ngợi ghê lắm. Anh bảo, trên đó, có một đứa bé như tôi hoặc Loan lên thì cả đồn mừng vui, huống chi có những hai đứa – anh nói – Phải thịt lợn ăn mừng đấy.
Ngày thứ ba, chúng tôi mua được vé, lên xe đi Cao Bằng. Trên chuyến xe đó, ngờ đâu lại xảy ra một cuộc gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ kỳ quái đến nỗi không ai ngờ tới được, dù trong mọt giấc mơ.
Chuyến xe lên đường với số hành khách bốn mươi mốt người. Ai nấy đều kêu la, nhất là mấy người phải rớt lại chờ chuyến sau, vì lý do xe có tới bốn mươi ba chỗ.
- Hai chỗ này có người mua vé rồi.
Anh lái phụ nói thế rồi nhảy lên đóng sập cửa lại. Người đám người bên dưới phản đối, đấm thùng xe ầm ầm khiến anh ta đành mở cửa xe ra rút trong túi quần hai chiếc vé đã đóng dấu thu tiền sẵn:
- Khách bị rớt từ chuyến trước, được mua ưu tiên. Người khách chờ xe dọc đường. Bà con không tin thì xem vé đây này…
Đám người đang nhao nhao đành im re khi nhìn hai tấm vé xe đóng dấu đỏ chót. Ông lái xe chính quay đầu lại, cau mày:
- Thôi đi đi, lôi thôi mãi…
Anh chàng lái phụ đóng rầm cửa xe lại. Trước cặp mắt thất vọng của đám khách rớt phải đợi chờ. Xe chuyển bánh. Chừng hai mươi cây số sau, tới một dãy phố lèo tèo chừng hai ba chục nóc nhà, xe dừng lại. Một con bé buộc khăn đỏ, mặt mũi đen xì nhảy bổ ra, giơ tay vẫy rối rít:
- Đây, đây, bác tài ơi!... Ở đây cơ…
Người lái lại nổ mảy, đánh xe lên chừng hai mươi bước nữa, cho xe đỗ trước cửa một quán cơm, phở, rượu. Tấm biển đề ba chữ ngang nhau, trông thật kệch cỡm. Xe vừa tới, hai ba người đàn ba trạc trên bốn mươi từ trong nhà đi ra. Theo sau họ, hai người đàn ông vác những tải hàng nặng trĩu. Con bé đội khăn đỏ xách một chùm dâu gia lẫn với hai chiếc tay nải, hai cái làn tre to, rất tưởi chạy theo sau. Những người đàn ông khuân hàng lên xe, xếp xong xuôi rồi chạy xuống. Hai bà chủ hàng vào chỗ ghế trống ngồi. Còn con bé trùm cái khăn đỏ chót đó ngồi ngay trên mấy tải hàng, mặc đám khách ngồi cạnh đó cằn nhằn. Nó vặt dâu gia ăn, ném hột ra ngoài cửa xe. Tôi thấy nó quen quen mà nghĩ mãi không ra ai. Tới khi nó quay lại, tôi nhìn rõ mặt và nhận ra Cóc tóc đỏ.
- Ô ô… chị Bê!
Cóc tóc đỏ cũng nhận ra tôi. Nó vùng đứng dậy kêu lên một cách vui vẻ. Rồi rất hung hăng, nó gạt người này, huých người kia, len đến chỗ chúng tôi.
- Cả con Loan tròn cũng ở đây nữa này… - nó đập tay lên vai tôi đau điếng – thế mà cả thị trấn đồn là chị bị bắt cóc đem sang Đài Loan bán, còn con béo kia thì đem lên vùng dân Mèo… há há há… vui thật.
Nó cười ngoác miệng tới tận mang tai, đôi mày đã thưa lại kẻ nhỏ như biến đi đâu mất. không đợi chúng tôi hỏi han, nó tiếp tục nói như bắn súng liên thanh:
- Ối giời ơi, thế mà hai bà cô lại ngồi đây mới chết chứ!... Này Loan béo ơi, mày chẳng biết lo nghĩ hay sao mà cứ tròn quay như con chim cun cút vậy. Lão cai Cân lừa hết vàng, hết tiền rồi giở trò tống cổ mẹ mày ra. Hai bên đánh nhau nhì nhằng mãi nhưng chả phân thắng bại gì, mẹ mày bây giờ sang ở nhờ cô giáo Hạnh, mẹ chị Bê đấy. Phải tay tao, tao cho nó một lưỡi dao bầu. Mẹ mày bây giờ gầy rồi, không béo đỏ phây phây như hồi trước nữa đâu. Bà ấy lại mở hàng bán bánh rán với bánh cuốn, không có sức đi buôn nữa… Thế mày không viết thư về sao?...
Nó cứ nói oang oang như ễnh ương kêu ngày mưa, không để ý tới bộ mặt đỏ tựa như hoa gạo của Loan vì xấu hổ và những cặp mắt tò mò của đám khách ngồi xung quanh. Tôi bảo:
- Kể làm gì những chuyện ấy cho buồn. Kể chuyện làm ăn của cậu xem sao. Cớ gì mà lang thang tới tận đây?
- Em ấy à?...
Cóc tóc đỏ hỏi lại rồi lần thứ hai ngoác miệng ra mà cười, không lý do gì hết. Trông nó đỏm dáng ra vẻ thiếu nữ. lông mày kẻ chỉ, tai đeo hoa, lại to lớn gấp rưỡi tôi nhưng nó cứ xưng em ngọt lịm khiến tôi thẹn đến nóng mặt lên.
- Em vẫn cứ ở chợ với bố em đến hết đời nếu cô em không tới lôi em ra khỏi cái hũ nút ấy. Cô em kia kìa – nó giơ tay chỉ bà lái buôn có nước da đen và cái cổ vạm vỡ đeo dây chuyền vàng ngồi ghế trước – Cô em tới chơi bảo bố em: “Nó lớn đến nơi rồi mà cứ giữ quanh quẩn ở chợ để làm con mẹ dại à? Cho đi theo tôi. Tập buôn tập bán kiếm miếng to mà ăn chứ cứ như anh gà què ăn quẩn cối xay thì hỏng đời…” Thế là em quấn gói quần áo, tếch theo cô em luôn. Em đi được nửa năm rồi đấy. Nghe tin chị bỏ học hai ba tháng thì em đi luôn. Đi miết cho tới bây giờ. Em cũng có tý vốn trong lưng rồi. Khi nào cô em cho nhập làng là em nhập ngay…
Nói tới đó, bộ mặt đầy mụn của nó vênh lên một cách tự hào. Tôi thấy nó mặc áo cánh xẻ, có bô đê gấu và quần sa tanh đen nên hỏi:
- Tiền đâu mà diện thế? Không để làm vốn buôn à?
Cóc tóc đỏ đáp:
- Tiền của em, em để làm vốn. Còn quần áo này là cô em sắm cho. Cô em tốt với em lắm.
Nó khoe một cách hồn nhiên. Tôi bỗng thấy mến đứa con gái thất học và xấu xí đó. Trong nó, có một điểm tốt đẹp là tính thực thà. Tôi hỏi Cóc tóc đỏ về những người trong phố. Nó lần lượt kể cũng với cái giọng oang oang như ễnh ương kêu, không hề biết mệt mỏi và thương lỗ tai đám khách xung quanh. Cuối cùng, nó bỗng chép miệng:
- Kể cũng lạ. Từ dạo đó chẳng có tin tức gì về thằng Dũng còm cả chị ạ. Cái thằng hiền nhất, thẳng thắn nhất nhà lão cai Cân thì bị mất tích. Còn mấy thằng anh nó, toàn một lũ chuyên lừa đảo, ăn cắp như điên.
Tôi liền kể cho Cóc tóc đỏ nghe chuyện gặp Dũng còm ở bản Nọi và nguyên nhân vu bắt cóc Dũng còm. Sau đó, tôi nó:
- Người cậu của nó tính lầm. Tưởng cai Cân xót con phải trả vang. Không ngờ, cai Cân lại xót vàng hơn.Có khi, loại người như lão, bớt con, đỡ cơm nuôi lão lại mừng...
Cóc tóc đỏ tròn xoe mắt, cặp mày thưa và nhạt mà của nó như dựng ngược lên:
- Em không biết cơ sự lại như thế. Cả thị trấn ghét lão quỷ ấy. Tưởng lão ấy chỉ đểu với cô Lưu. Ai ngờ lão hất hủi cả đứa con đẻ của lão. Đến nước này lão chỉ có ở với quỷ sứ dưới âm ty thôi. Chị có biết bây giờ lão làm gì không?
Cóc tóc đỏ ghé vào tai tôi, hỏi. Và lần đầu tiên, tôi thấy nó hạ giọng nói thầm:
- Lão buôn cơm đen. Tức là lão buôn thuốc phiện, hàng quốc cấm ấy. Lão cùng dây với một người quen cô em. Lão đểu quá. Để em dò xem rồi cho lão một vố, trả thù cho thằng Dũng còm và mẹ cái Loan.
Nói xong, Cóc tóc đỏ chau mày. Bộ mặt nó bỗng nhiên rắn câng lại như sành, trông già thêm mười tuổi nữa. Xe chạy thêm một con đèo thì Cóc tóc đỏ và hai bà lái buôn dỡ hàng xuống. Họ không đi tới cuối đường.
- Xin chào nhé… - Tôi giơ tay vẫy Cóc tóc đỏ.
- Chị Bê đi mạnh khỏe nhé é é…
Cóc tóc đỏ hét lên theo. Giọng nó vang vào hai vách núi nghe chói óc. Tôi còn nhìn thấy cái khăn đỏ chót của nó bay phất phơ khi xe đi tới đoạn đường vòng.
Tới Cao Bằng, chúng tôi chỉ nghỉ ăn cơm đúng nửa tiếng rồi lên đường đi ngay. Đường đi không ngắn như đường từ phố Lạng tới bản Muốn. Đi khỏi thị xã Cao Bằng chừng hai mươi cây số gặp một bản Tày. Rồi sau đó toàn là núi rừng vây bủa. Họa hoằn lắm mới gặp một người dắt ngựa thồ hàng đi ngược lại.
Anh Khiết rút khẩu súng ngắn trong bao ra cầm tay. Bây giờ anh ít nói hẳn đi. Anh cũng không pha trò hay kể chuyện tiếu lâm nữa. Anh trở nên điềm tĩnh và thận trọng. Chúng tôi hiểu được điều đó. Chúng tôi chỉ đi nhanh hơn và chăm chú theo dõi đường đi, tai lúc nào cũng giỏng lên chờ nghe tiếng động lạ hoặc nghe lời anh Khiết chỉ bảo.
Ngày đi, đêm anh Khiết mắc võng giữa hai cây cao mọc gần nhau cho chúng tôi nằm. Võng rộng, trở đầu đuôi nằm cũng ấm. Bên trên anh phủ mảnh ni lông che sương. Còn anh, anh trèo lên cây, lấy giây buộc người vào thân cây phòng ngã. Và súng cầm trong tay, thu trước bụng, anh tựa vào canh cây mà ngủ. nhiều buổi sáng, chúng tôi thức dậy trước, thấy anh còn đang ngủ ngon lành trong tư thế ấy.
Ngày nọ nối ngày kia. Chân hai đứa chúng tôi bắt đầu phỏng rộp. Mặc dù thời gian ở bản Muốn, chúng tôi đã quen đi nương. Ông già Mộc quả là người từng trải. Ông đoán trước cuộc hành trình nên đã lo cho chúng tôi đủ đồ ăn. Ba ngày đầu, chúng tôi ăn bánh chưng. Hai ngày sau, chúng tôi ăn bánh đòn và bánh mật. Sang đến ngày thứ sáu, ngày thứ baỷ, hoàn toàn chỉ còn bánh dày khô. Bánh dày khô đêm nhúng nước suối cho mềm rồi nướng lên, lúc đói ăn cũng ngong không kém bánh chưng, bánh đòn. Còn chè lam và ngũ vị là những thứ để dành làm quà cho các chiến sĩ biên phòng, chúng tôi cũng phải lấy ra ăn một ít vào ngày thứ tám. Ngày thứ chín mới tới đồn Khậu Phai.
Trời ơi, tả sao cho được nỗi vui sướng của chúng tôi khi đứng dưới ngọn núi cao chất ngất mà anh Khiết vừa chỉ vừa nói:
- Bê, bố của em ở đỉnh ngọn núi Khậu Phai này.
Chân tôi bỏng rát vì những vết rộp vỡ ra. Cả Loan cũng vậy. Chúng tôi đã vừa bò vừa lê suốt buổi sáng hôm nay để khỏi ngồi lại trong rừng. Anh Khiết phải dìu hai đứa từng đoạn, nhất là lúc qua suối hoặc lên dốc. Bây giờ, nỗi đau đớn tan biến. Tôi giục:
- Đi lên đi, anh cùng lên với chúng em.
Người lính biên phòng cười tủm tỉm:
- Hết đau chân rồi à?
Tôi im lặng, không đáp lời, hăm hở bước.
Khậu Phai quả là một ngọn lèn hiểm độc. Đường lên toàn sỏi và đá trơn. Hai bên, những khối đá tai mèo xếp chồng chất. Chỉ cần ngã xuống là nát thịt, tóe máu ngay. Giữa những tảng đá, thỉnh thoảng lại vọt lên một bụi cây. Nhưng không phải loài cây hiền hoặc hoa thơm, lá ngọt mà là loài gai, thân cành đầy những bó gai nhọn hoắt.
- Chao ơi, tại sao bố mình lại chọn một chỗ kinh khủng thế này mà ở chứ? Dưới kia, thung lũng mượt cỏ xanh, hoặc những ô ruộng connối nhau theo bậc thang đẹp biết bao…
Tôi nghĩ như vậy, nhưng tôi không nói. Mãi sau này khi gần trở về quê, tôi mới hỏi bố tôi điều đó. Và bố tôi đã đáp lại rằng:
- Chiến sĩ biên phòng phải ở nơi nào nhìn rõ kẻ thù nhất. Nơi đó, dù là hang hùm hay ổ rắn vẫn cứ phải dựng đồn tiền tiêu, trấn giữ biên thùy.
Trong ba người chúng tôi leo núi, Loan mệt hơn cả. tôi luôn phải dừng lại để đợi nó. Có những lúc, anh Khiết cõng Loan trên lưng. Trong lòng tôi biết ơn Loan vì sự tận tụy với bạn. Nếu không vì tôi, có lẽ chẳng bao giờ Loan phải chịu đựng những giây phút gian nan khó nhọc như lúc này.
Chừng hơn một giờ sau, chúng tôi mới lên tới đồn. Đúng như tôi tưởng tượng, một cây cột được cắm giữa mảnh sân hẹp đục giữa những tảng đá. Trên cột, lá quốc kỳ đang lượn lờ như một cánh chim. Từng đám mây trắng muốt đi qua. Hơi thở chúng tôi phải ra cũng giống như những làn mây nhỏ. Chúng tôi đang đứng, vừa thở vừa ngắm nhìn quanh cảnh đồn thì một chiến sĩ người to béo phục phịch chạy ra:
- Khiết à, mày đưa con của thủ trưởng lên chơi phải không? Tao nhìn thấy từ dưới bìa rừng kia kìa.
Ngực anh lủng lẳng một chiếc ống nhòm. Thì ra anh đã theo dõi đoàn chúng tôi từ lâu. Anh Khiết đáp:
- Thủ trưởng đâu? Có gì cho ăn, cho uống đi. Vừa đói vừa khát đây này.
Anh chiến sĩ to như hộ pháp kia đáp:
- Thủ trưởng thân chinh dẫn toàn đồn đi tiễu phỉ. Có lệnh đột xuất tuần trước. Cả bên đồn Nường Le chúng mày với Khậu Phắt nữa đấy. Giữ đồn chỉ còn tao với thằng Tỉn thằng Síu. Mấy đứa hậu cần cũng đi theo chiến dịch rồi.
- Liên kết ba đồn hả?... Thế thì thành chiến dịch rồi. Không còn đánh lẻ như mọi bữa nữa… Thế mà mình lại không được đi đánh một trận lớn cho sướng, tức thật.
Anh chiến sĩ to lớn đồn Khậu Phai tò mò nhìn chúng tôi:
- Cả hai đứa đều là con thủ trưởng à?
Anh Khiết gắt:
- Mày hỏi gì mà dốt thế hả? Đây là em Bê,con thủ trưởng. Còn đây là em Loan, bạn của Bê… Chúng tao là khách lên đây mà mày chẳng mời vào nhà, không lấy nước uống, không mang cơm mang bánh ra đãi à?
Anh hộ pháp lúc bấy giờ mới cuống quýt ngượng nghịu nói:
- Ờ, tao quên. Tao gọi thằng Tỉn, thằng Síu nhé?
Anh Khiết hỏi:
- Có ba đứa, mày canh gác, còn chúng nó đi đâu?
- Dám đi đau trong lúc này? Chúng nó ngủ. Phải thay nhau canh gác mà – anh chiến sĩ kia trả lời.
Nghe xong, anh Khiết khoát tay, nói:
- Lềnh, đừng gọi chúng nó dậy làm gì nữa. Mày tìm xem có gì cho chúng tao ăn.
Rồi anh quay lại bảo chúng tôi:
- Vào đây các em… Nhà của các anh không to như nhà sàn dưới bản Muốn đâu.
Anh đi trước, như một chủ nhân thực sự. Anh Lềnh hộ pháp đi theo. Hai chúng tôi trong khi đứng nghe họ chuyện trò đã rét cóng tay, lập cậpbước qua mảnh sân đá. Sân rất hẹp, nhưng có những kẽ nứt dài. Bước vô ý có thể lọt chân, rơi dép xuống đó. Cuối mảnh sân có hai bồn hoa ghép bằng đá, đổ đất mùn trồng dây vạn niên thanh to bằng tai trâu nhưng mép sém vàng vì rét. Ở giữa hai bồn hoa trồng dây leo đó có một mảnh vườn nhỏ, đất rải trên sân, có những viên đá vuông vắn, xếp thành hình ngôi sao bao quanh. Mảnh vườn con con trông hoa cúc và hoa mào gà. Đấy là hình ảnh tươi mát của cuộc sống mà hơi ấm bàn tay con người đã gieo lên đỉnh ngọn núi tai mèo tua tủa những bụi gai này.
“Bao nhiêu năm bố mình đã ở đây”
Tôi nghĩ,khi chui vào một mái nhà lợp tranh dày, xung quanh là hai lượt ván gỗ ghép. Phía ngoài hai lượt gỗ, các chiến sĩ áp một lớp mỏng các tấm tranh, rồi dùng các tấm phên toàn bằng cật tre vàng óng ép chặt lại. Trông bên ngoài, gian nhà giống như một thứ đồ chơi xinh xắn đan bằng tre trúc. Nhưng bên trong, sạch sẽ và ấm áp. Lớp tranh giữa phần tre và gỗ giữ được nhiệt độ. Các chiến sĩ ngăn các gian nhà bằng ván ghép, tấm nào tấm nấy bào nhẵn bóng như đánh xi. Gian ngoài cùng là gian tiếp khách, làm việc, có bếp lửa nhỏ. Trên bếp, một chục cái phễu bằng tôn nối với ống khói ra ngoài trời.
- Hai em ngồi đây nhé. Có khát nước thì lấy nước trong ấm nhôm này này. Anh đi bóc bánh đã – anh Lềnh hộ pháp bảo chúng tôi bằng cái giọng Kinh chưa sõi, rất chậm chạp.
Chúng tôi ngồi xuống bên bếp lửa, trên những chiếc đôn thấp trên đan bằng mây theo kiểu của người Mèo. Ngồi đôn mây thật êm và dễ chịu. Anh Khiết tìm chiếc ca men, rót nước cho tôi và Loan uống trước, anh uống sau. Chè ở đây ngon, nước xanh trong, vị vừa thơm vừa chát. Uống hết nước, vị chát mất đi, cỉ còn mùi thơm và vị ngọt lưu giữ rất lâu trong họng. Chúng tôi uống nước xong, anh Lềnh đem ra một đĩa bánh đòn.
- Ăn đi.
Anh nói cộc lốc rồi tiếp tục cắt đĩa bánh thứ hai. Một đầu sợi lạt tước nhỏ cắn chặt giữa hai hàm răng, đầu kia nằm trong tay phải, đòn bánh bóc trong tay trái. Anh quấn một vòng lạt quanh đòn bánh đã bóc sẵn, kéo căng sợi dây ra là bánh rơi xuống đĩa. Lát nào cũng giống lát nào, đều nhau như cắt bằng máy vậy.
Chờ anh Lềnh đặt đĩa bánh thứ hai xuống cái bàn thấp trước mặt chúng tôi, anh Khiết hỏi:
- Tết ở đồn chúng mày chỉ có thế thôi à?
- Còn chứ!
Anh Lềnh đáp và lại vào gian trong . Lúc sau, anh mang ra một tảng thịt lợn luộc đã khô cong bì.
- Ăn đi. Muối ở trong lọ kia kìa. Có cả mắm tôm rang ớt, ngon lắm.
Anh chỉ cho chúng tôi hai cái lọ độc bình lớn, nút bằng lá chuối khô. Không hiểu sao đồn biênphòng này lại có hai chiếc lọ độc bình đẹp như thế. Đó là hai chiếc lọ cổ, sứ Giang Tây, có vẽ hình tám cô tiên trong rừng. Có cô thổi sáo, cô gảy đàn tì bà, cô cưỡi hạc, cô cầm dải lụa đi trong mây… Hồi nhỏ, ông ngoại tôi cũng cho tôi xem, nhưng chỉ nhỏ bằng cái phích nước hai lít rưỡi, vừa đủ cắm cành đào ngày Tết. Còn ở đồn Khậu Phai, hai chiếc lọ này cao gần bằng đầu chúng tôi, có nghĩa là cao hơn một thước ba. Các chiến sĩ dung một lọ đựng muối, còn lọ kia đựng mắm tôm rang lẫn ớt bột. Có lẽ đó là hai món thực phẩm quý nhất vùng hiểm trở này.
Anh Lềnh lấy mắm tôm ớt ra một cái bát nhỏ. Chúng tôi ăn bánh đòn, thịt lợn luộc với mắm tôm. So với những thứ bánh trái với măng nấu chân giò, nấm hương xào thịt nạc của ông già Mộc ở bản Muốn thì những món ăn ở đây quả là quê kệch. Nhưng chúng tôi vẫn thấy ngon lành. Anh Lềnh bảo:
- Đơn vị vừa thịt lợn xong, đã có lệnh đi. Thế là chẳng xào nấu gì hết, luộc cả con. Cắt để ở nhà một ít, còn đem theo. Tổ ở lại mang lòng xuống dưới bản làm rồi liên hoan với dân. Dân có cho ít bí xanh với rau cải để dưới bếp. Chiều nay ta xào.
Anh Khiết bảo:
- Chiều này ta về đồn Nường Le rồi. Mày xào nấy ngon vào cho hai em bé nó ăn.
Tôi nói:
- Đồn anh cũng đi tiễu phỉ hết rồi. Anh ở lại chơi với chúng em.
Anh Khiết xoa đầu tôi:
- Không được, anh phải về. Thế nào rồi cũng có dịp anh em ta gặp lại nhau.
Tôi chia số bánh chè lam và ngũ vị còn lại làm đôi để anh mang về đồn Nường Le làm quà một nửa. Còn lại, chờ anh Tỉn và anh Síu thức dậy đem ra liên hoan. Anh Lềnh buộc túm ba đòn bánh nếp đưa cho anh Khiết đi đường.
- Cẩn thận đấy – anh bảo bạn.
Anh Khiết đáp lại:
- Đừng lo cho tao. Lo cho em Bê với em Loan đó. Mày phải làm sao mọi sự tốt đẹp cho tới khi thủ trưởng quay về.
Hai người bắt tay nhau.
Chúng tôi đi cùng các anh ra hết khoảng sân nhỏ hẹp của đồn thì anh Lềnh bảo chúng tôi quay lại:
- Vào nhà đi.
Anh nói cộc lốc như ra lệnh. Nhưng chúng tôi còn đứng nhìn theo anh Khiết cho tới khi một đám mây lớn dày như tấm chăn bằng sương lạnh, cuốn chúng tôi vào trong.
- Đã bảo vào đi.
Lại nghe thấy giọng nói của anh Lềnh hộ pháp. Rồi anh dắt tay tôi với Loan đưa vào nhà.
Bắt đầu từ đó là những ngày buồn tẻ. Các chiến sĩ suốt ngày thay nhau canh gác hoặc ngủ. Cả ba anh lại cùng là người Nùng, người Mèo rất ít nói. Khác hẳn với anh Khiết, chẳng bao giò họ gợi chuyện hoặc hỏi chúng tôi muốn gì, muốn đi đâu. Chính tôi phải gợi chuyện hỏi trước. Hóa ra trong ba người, anh Lềnh hộ pháp lại nói chuyện có duyên hơn cả, mặc dù cái giọng ồ ề của anh nghe mà sốt ruột.
Ở trên đồn, thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng sung vọng tới. Các chiến sĩ vẫn bình thản giơ tay sưởi trước bếp mối khi vừa tuần tra quanh núi hoặc đi xuống bản liên lạc với đơn vị dân quân về. Họ bảo tiếng súng ở vùng này ngày nào cũng có. Thường là sung bọn phỉ bắn trộm vào bản hoặc bắn thú để nướng ăn. Bọn chúng chui rúc trong rừng, nguồn tiếp tế ít ỏi nên phải ăn thịt thú là chính. Mỗi khi ta đi tuần tra thường đón nghe tiếng súng săn mà lần tới. Mười bận thì cũng sáu bảy bận gặp phỉ đói hoặc đám lửa nướng thịt thú nhen lên vội vàng giữa rừng còn bốc khói chưa tàn.
Buổi sáng ngày thứ tư, bỗng nhiên có người lố nhố chạy lên đồn. Vừa chạy họ vừa hú gọi rất khẩn cấp. Những người chạy đều đeo súng sau lưng. Anh Lềnh giơ ống nhòm lên ngắm nhìn rồi quay vào, đánh thức anh Tỉn và anh Síu.
Cả ba người cùng ra sân, chuẩn bị sẵn sàng súng đạn, bình nước và thức ăn khô dọc đường. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng Nùng nên tôi không hiểu gì. Loan có nghe lõm bõm được đôi ba câu. Nó vốn có năng khiếu về ngôn ngữ hơn tôi. Nhưng nó cũng chỉ dịch được vài từ: “Dân quân dưới bản, nhanh lắm, phải đi thôi...”. Sốt ruột, tôi dứt áo anh Lềnh:
- Có chuyện gì thế anh?
Anh đáp:
- Dân quân dưới bản lên gọi. Chắc bọn phỉ tới gần núi rồi.
Những người đang leo dốc lên đồn vẫn bám nhau đi. Họ mặc quần áo ka-ki màu lá úa hoặc vải nhuộm chàm, đội mũ nồi hoặc mũ bông biên phòng. Tiếng hú gọi lẫn với hơi thở hổn hển. Họ đã gần lên tới nơi. Anh Lềnh cúi xuống hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Những người đang leo núi thi nhau đáp:
- Nguy lắm, nguy lắm, bộ đội ơi...
Tới khi ba thanh niên với một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi tuổi lên tới nơi, anh Lềnh liền hỏi:
- Thế nào, có phỉ tới hay sao?
Người đàn ông đứng tuổi lắc đầu:
- Chúng tôi vừa đi tuần tiễu về. Không có bọn phỉ nhưng nguy lắm, anh Lềnh à... Dân bản chết hai người, đang còn chết nữa...
Anh Lềnh ngước đôi mắt lúc nào cũng có vẻ ngái ngủ, lì xì:
- Cái gì? Nói cái gì?
Một trong ba thanh niên trả lời:
- Chúng tôi đi tuần tiễu hai ngày. Về, thấy tất cả các nhà trong bản đều ốm. Có hai người già chết rồi... Còn nhiều người cũng muốn chết. Lão thầy mo Triệu đang cúng. Người bản đi qua dãy núi mời lão về.
Khi anh nói, ba người kia thi nhau thở, lột mũ lau mồ hôi ướt dầm dề trên trán. Người đàn ông có vẻ thất vọng:
- Chuyến này đến đốt bản mà đi thôi, anh Lềnh à.
Anh Lềnh bảo:
- Đừng nói chuyện đó.
Rồi anh quay lại bảo anh Tỉn và anh Síu :
- Hai đứa mày ở đây giữ đồn. Tao xuống bản.
Đám dân quân địa phương lục tục xuống trước. Anh Lềnh quay vào nhà lấy mũ bông biên phòng và bi đông nước mang theo. Thấy vậy, tôi nhào tới giữ chặt áo anh:
- Cho em đi với.
Anh lắc đầu:
- Không được. Bản này đã chết người mấy lần rồi. Không xuống được.
Tôi bướng bỉnh nói:
- Họ có chết vì đạn phỉ đâu? Họ chết vì ốm cơ mà... Em làm y tá cho trường đấy. Em đi với anh.
Quả tình chỗ này tôi bịa. Tôi có làm y tá cho trường bao giờ đâu. Nhưng tôi hay qua lại chơi với cô Dung, y tá của thị trấn và tôi có biết võ vẽ đôi điều. Mặc dù tôi đã liều nói vậy, anh Lềnh vẫn cứ tỉnh bơ:
- Không đi được. Lệnh thủ trưởng là bảo vệ em.
Tôi nói:
- Bảo vệ không phải là nhốt trong đồn. Anh xuống bản được em cũng xuống được.
Anh Lềnh không thèm nói gì, bước ra cửa.
Tôi bảo anh, giọng lạnh lùng:
- Anh đi trước, em sẽ đi sau. Em mà lạc, anh chịu trách nhiệm.
Tới đó, anh chiến sĩ hộ pháp bỗng dừng lại nơi ngưỡng cửa bối rối nhìn tôi. Tôi lấy chiếc khăn len kẻ ô, trùm tô hô lên đầu, nói với anh Tỉn và anh Sỉu.
- Loan thức dậy, các anh cứ bảo nó nấu cơm ăn, đừng chờ em nhé. Em đi với anh Lềnh đây.
Vì trong ba người, anh Lềnh là thượng sĩ, còn anh Tỉn với anh Síu chỉ là binh nhất, nên khi tôi đã áp đảo được anh Lềnh thì mọi sự xong xuôi. Hai anh binh nhất chỉ gật đầu một cách hiền từ rồi đứng nhìn tôi chạy theo anh Lềnh xuống núi.
Đám dân quân bản đã đi trước chúng tôi một thôi đường. Bóng họ thấp thoáng phía trước. Anh Lềnh chân cao nên bước thì bằng hai bước của tôi... Anh đi bình thường, tôi cũng phải chạy mới theo kịp. May mà anh biết ý đi chầm chậm để chờ. Con người to lớn trông cù mì thế nhưng nhiều khi lại tỏ ra rất tế nhị. Tôi đã cảm thấy mến anh. Anh cũng quý rôi nên hay ngồi kể tỉ mẩn mọi chuyện cho tôi nghe. Từ chuyện cô vợ chưa cưới của anh bị bướu cổ hiện đang về chữa ở Hà nội lẫn chuyện đứa cháu gọi anh bằng chú có sáu ngón chân. Mẹ thằng bé lấy sợi chỉ thắt cái ngón thừa đi, nhưng không hiểu chị làm thế nào, thằng bé bị sốt, cứ ưỡn bụng lên, mắt trợn ngược rồi chết... Tóm lại, tôi đã có thể coi anh như một người bạn lớn tuổi, đáng tin cẩn. Đi đường với anh thật yên tâm. Chúng tôi tới bản Khum vào giữa trưa. Bóng cây cối lờ mờ in ngay xuống gốc. Không có mặt trời, một vầng mây bạc hắt sáng xuống rừng núi. Bản Khum nằm dưới chân lèn đá, không ở giữa thung lũng tươi xanh như bản Muốn. Nhà cửa ở đây thấp nhỏ, tiều tụy hơn ở bản Muốn nhiều. Những đống phân trâu, phân người lầy như bùn nhão dưới sàn. Ở bản Muốn, người ta làm chuồng tiêu riêng. Ở bản Khum, đi đồng ngay vào chuồng lợn. Tiết trời mù sương, mưa lay phay khiến những con đường dính nhơm nhớp. Phân tràn từ những kẽ hở ván quây chuồng bò, chuồng lợn chảy ra đường. Mùi hôi thối quẩn trong không khí tù hãm, không thoát đi được. Tôi nói với anh Lềnh:
- Người bản này ốm vì bẩn. Phân bò, phân lợn, phân người cao ngập ngụa thế kia, sao không ốm được. Ở bản Muốn, nhà cao, đất rộng, thung lũng thoáng gió mà ông già Mộc với tụi em vẫn vận động dân bản làm chuồng nuôi bò nuôi lợn riêng. Dưới sàn để trống. Bản Khum vừa chật hẹp, vừa bí gió lại ở như thế này tránh sao khỏi bệnh tật...
- Ờ - anh Lềnh gật đầu – thủ trưởng cũng đã giải thích cho các anh và vận động dân bản nhưng chưa được. Nể bộ đội lắm, người bản mới dựng một gian nhà mở lớp học cho trẻ con. Còn họ vẫn quen ở như vậy. Cứ mỗi lần ốm, chết nhiều, người bản lại nhổ nhà, dời sang đất khác. Họ bảo đất đó có ma.
Chúng tôi vào nhà trưởng bản. Chính nhà ông ta cũng đang có người mẹ ốm. Bà cụ nằm trong buồn, chiếc chăn chiên che kín cửa. Anh Lềnh vào, ông trưởng bản rầu rĩ nói:
- Chắc bản ta lại phải dời khỏi núi này. Trời không thương người bản, cứ đuổi mãi thôi. Cái nhà sàn vừa dựng, ở chưa ấm đất. Cái nương vừa phá, chưa đánh hết rễ cây rễ cỏ, chưa thu được hạt lúa vài quây, đã phải nhổ cọc nhổ sàn, địu con địu mẹ đi tìm đất khác. Kiếp người bản Khum là vậy, nghèo suốt đời. Nghèo đời ông sang đời con. Nghèo đời con sang đời cháu...
Mắt ông ta đỏ đục, lờ đờ, trông mệt mỏi và như đang cạn hết sinh khí. Anh Lềnh bảo:
- Tôi vào thăm người bệnh nhé.
Trưởng bản lắc đầu:
- Bộ đôi đừng vào, vào lây bệnh chết đấy. Người già chết còn tiếc huống chi trai chưa vợ chưa con...
Anh Lềnh không nói, lẳng lặng vén tấm chăn chiên bước vào buồng. Mùi hôi lưu cữu trong nhà trộn lẫn hơi phân tươi dwois sàn bốc lên khiến tôi muốn nôn thốc nôn tháo. Nhưng tôi cũng cố gắng bước theo anh Lềnh. Đừng bên ngoài một mình, giữa những người lạ, tôi có cảm giác sợ hãi. Bà già sốt mê man. Không cần đặt tay lên trán bà cụ, tôi cũng thấy hơi nóng từ người bà đang bốc lên hừng hực. Bà già nhắm nghiền mắt, không hay biết gì.
Anh Lềnh nhìn bộ mặt đỏ tím của bà, rồi khẽ thở dài, bước ra. Anh ngồi xuống bên bếp lửa, xòe bàn tay hơ:
- Người bản phát bệnh bao giờ?
Trưởng bản đáp:
- Hai hôm rồi. Từ hôm tôi sang bên kia núi thăm nhà vợ. Bà cụ ở nhà xuống con Mạy ăn cơm. Sáng đó họ thịt con trâu, chia mỗi nhà vài cân xào uống rượu.
Ngừng một lát, ông ta chậm rãi nói tiếp:
- Thầy mo Triệu đang cúng ở nhà bên. Ông ta bảo hễ cúng không được thì phải dời bản ngay tức khắc.
Anh Lềnh cau mày:
- Lão đó nuôi bọn phỉ hàng tháng trời trong nhà. Ta đã cảnh cáo rồi. Có dịp khác là tới bắt thôi.
Trưởng bản vẫn đăm đăm nhìn ngọn lửa bằng đôi mắt buồn rầu:
- Người trong bản nhao nhác lắm. Tôi không biết tính sao. Vợ tôi lại sắp tới ngày nằm cữ.
Anh Lềnh hỏi:
- Sao ông không cho người xuống huyện mời y tá? Đem thuốc cho dân bản uống mới khỏi chứ vừa ốm lại tính chuyện dời bản sao nghe lọt tai...
Trưởng bản lắc đầu:
- Dân bản tin cúng hơn. Tôi ốm, tôi không đi được. Có mấy đứa dân quân còn cứng chân cứng tay thì phải lo chống giữ phỉ. Đàn bà con gái thì làm gì được?
Tôi sẽ giật áo anh Lềnh:
- Bệnh viện huyện có xa không anh?
Anh đáp:
- Đi bộ hai ngày đường. Đi ngựa thì nhanh hơn.
Tôi bảo:
- Anh mượn ngựa, anh với em cùng đi.
Anh Lềnh ngẫm nghĩ, rồi bảo trưởng bản:
- Ông cho tôi mượn ngựa, tôi đi.
Trưởng bản ngước lên:
- Ngày Tết anh cũng đi à?
Anh Lềnh đáp:
- Ngày Tết chúng tôi còn phải tiễu phỉ, có được ngồi bên bếp lửa mà bóc bánh đâu. Việc cứu người ốm cũng như tiễu phỉ, không thể chần chừ được. Ông lo mượn cho tôi hai con ngựa.
Trưởng bản ngạc nhiên nhìn tôi:
- Cả cái bé này cũng đi được à?
Anh Lềnh gật đầu:
- Đi được. Ông tìm ngựa nhanh lên. Cứu sống người nào hay người đó.
Trưởng bản không nói nữa, lẳng lặng xuống cầu thang. Chúng tôi ngồi lại bên bếp lửa chờ đợi. Chừng non nửa giờ sau, ông ta quay lại:
- Có ngựa rồi. Tôi vận động bà con ủng hộ bánh cho anh ăn dọc đường. Cả thóc cho ngựa nữa.
Ông đưa một chùm bánh đòn. Những chiếc bánh đòn vùng này chỉ nhỏ bằng nửa bánh ở bản Muốn. Tôi thấy lòng nao nao vì nghĩ tới sự khốn khó của con người.
Anh Lềnh nói:
- Đi.
Chúng tôi bước xuống cầu thang. Mỗi con ngựa đã có một bị thóc đeo trước cổ. Yên làm bằng bao tải, trên lót vải rách xơ. Anh Lềnh đeo vào lưng chùm bánh ông trưởng bản đưa cho rồi chúng tôi lên ngựa nhằm hướng tây bắc, đi mải miết. Những quãng đường bằng, chúng tôi thúc ngựa chạy đều đều. Đoạn dốc, ngựa đi không, còn người xuống bộ. Xuống thung lũng hoặc xuống đèo, anh Lềnh bảo:
- Nằm xuống, nắm chắc dây cương nhé.
Rồi anh thét ngựa phi nước kiệu. Gió ù ù bên tai khiến tôi chóng cả mặt. Rủi con ngựa lỡ bước hoặc vấp ngã là toi đời. Nhưng may sao, hai con ngựa đều rất khỏe. Đường chúng tôi đi hoàn toàn trôi chảy. Gần chiều, anh bóc bánh đưa cho tôi ăn. Ăn xong, hai anh em tới một con suối. Chúng tôi nhảy xuống, rửa tay, dắt ngựa lội qua. Nước lạnh khiến tôi rùng mình. Khi vừa tới bờ suối bên kia, bỗng có tiếng chim kêu ngay phía trước, trong một lùm cây rậm ven đường:
- Hú mà…
Tiếng chim kêu rất to, nghe như tiếng người thét. Tôi giật mình ngẩng lên nhìn. Còn anh Lềnh thì sững lại. Mặt anh tái mét, đôi mắt thất thần như người trong cơn hoảng loạn. Tôi tưởng anh ốm nên vội hỏi:
- Anh làm sao thế?
Anh Lềnh đứng ngây, không trả lời.
Lúc đó, tiếng chim lại vang lên lần thứ hai:
- Hú mà…
Tiếng chim giống như tiếng người đang ngồi thu mình trong vòm lá dày đặc phía trước thét lên để trêu cợt chúng tôi. Anh Lềnh vẫn đứng im, mặt tái xanh như chàm đổ. Tôi chưa kịp hiểu vì sao thì tiếng chim cất lên lần thứ ba, rõ ràng như một kẻ tai quái rít ngay trên đầu chúng tôi.
- Hú mà…
Hai con ngựa đang đi bị dừng lại, cúi đầu tìm cỏ ven đường. Anh Lềnh vẫn chưa nói được tiếng nào. Tôi thấy bộ mặt to lớn của anh bạc phếch, nhợt nhạt như người trúng gió. Tôi nắm tay anh, da tay anh nổi gai ốc. Tôi nói:
- Anh làm sao thế? Anh có ốm, em xoa dầu cho… Em có lọ dầu trong túi áo bông đây này.
Vừa nói, tôi vừa vỗ vỗ vào lưng anh.
Như chợt tỉnh ra, anh khẽ rùng mình rồi lắp bắp:
- Không, anh không ốm… Không, không… Ta đi thôi…
Anh nhảy lên ngựa, thúc nó chạy như cuồng mặc dù đường rất khó đi. Tôi cố gắng hết sức mới đuổi theo kịp anh được. Vượt khỏi con suối đó chừng ba cây số, chúng tôi tới một con dốc cao. Anh Lềnh nhảy xuống ngựa, quay lại nhìn đoạn đường vừa đi qua như nhìn một con quỷ, một cơn ác mộng hãi hùng:
- Ối dà dà…
Tôi cười:
- Anh làm gì mà phi ngựa như ma đuổi. Em không cẩn thận thì đã ngã gãy cổ rồi.
Anh lắc đầu:
- Ối dà, em không biết đâu…
Anh lại quay đàu nhìn quãng đường vừa đi lần thứ hai, với đôi mắt sợ sệt, kinh hoàng.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì ghê gớm thế?
Anh lắc đầu:
- Chưa nói được. Đi hết đỉnh núi này rồi anh sẽ nói.
Anh bỏ giỏ thóc đeo ở cổ ngựa xuống cho nó ăn. Sau đó, anh bảo tôi dắt ngựa lên dốc. Từ chân con dốc tới đỉnh dốc, thời gian rất lâu. Ươc chừng có tới gần một tiếng đồng hồ. Mặc dù tôi khẩn nài, cầu cạnh, giận dỗi đủ trò, anh vẫn cứ im thin thít. Khi tới đỉnh núi, anh lẩm bẩm nói câu gì đó trong miệng. Rồi anh thở một hơi dài giống như người vừa trút được gánh nặng:
- Bây giờ, nói được rồi… Lúc ở suối, em có nghe thấy gì không?
Tôi đáp:
- Có nghe. Tiếng chim kêu.
Anh Lềnh nói:
- Đúng rồi… đúng rồi… Nhưng không phải là chim thường đâu. Nó là con chim hú mà, nghĩa là con chim gọi hồn. Nó kêu ở đâu, ở đó phải có người chết. Năm trước, trưởng bản nói với anh: “Cách đây sáu năm, bản Khum ở cách đồn Khậu Phai hơn một ngày đường. Bản đang yên lành, bỗng dưng một chiều, con chim hú mà tới kêu ba tiếng. Hôm sau, dân bản bắt đầu ốm chết. Chết dần chết mòn hai phần. Lúc đó, người bản mới dời tới chân núi đồn Khậu Phai”
Tôi nói:
- Em nghe nói con chim kêu như thế gọi là chim bệnh. Loài chim này thường ăn thịt thối mắc trong răng hổ. Nó tới đâu có nghĩa là hổ tới đó vồ người, bắt bò bắt lợn. Đúng không?
- Không, không… - anh Lềnh lắc đầu một cách quyết liệt – Không phải, không phải mà… Anh đã nghe nói tới con chim này từ hồi năm tuổi. Ông anh kể với bố anh. Bố anh lại nói chuyện cho cả nhà… Vùng anh người ta cũng sợ con chim hú mà lắm. Thường thường, cả đời người có khi không nghe thấy tiếng nó kêu. Nhưng đã gặp nó là có chuyện không lành – anh ngừng lại, nuốt nước bọt rồi thì thầm nói tiếp - Những người già sợ không dám nhắc tới tên nó. Ông anh bảo con chim này không bay dưới ánh mặt trời. Nó chỉ đậu ở những vòm lá tối mà người đi rừng không bao giờ nhìn thấy. Ta chỉ biết được nó khi nó chết. Con hú mà chết, xương trắng rơi xuống gốc cây, giống in hệt bộ xương người. Cái đầu nó cũng giống như đầu lâu người, xuơng cánh giống xương tay người, xương chân cũng giống xương chân người.
- Thế anh đã nhìn thấy bộ xương nó bao giờ chưa? – Tôi hỏi.
- Chưa. Nhưng người già nói đúng, nói thiêng lắm.
Anh Lềnh đáp, giọng thành kính, tin cẩn. Tôi hiểu rằng trong tâm hồn người lính vùng này, câu chuyện hoang đường kia đã để lại một dấu ấn không thể nào phai lạt. Làm gì có con chim kêu một tiếng mà hàng loạt người chết, ngoại trừ con chim đó là trái bom tấn vô hình hoặc nó có thể phát ra luồng khí độc hay một khối lượng vi trùng nguy hại tới mức con người không thể nào chống đỡ.
Tuy vậy, tôi im lặng đi bên anh. Trời đã tối từ lúc nào không biết. Anh Lềnh rút chiếc đèn pin từ trong túi ra:
- Hết con dốc này, anh em ta lại lên ngựa được rồi. Cặp ngựa này khá đấy. Gần bằng ngựa của đồn Khậu Phai – Anh nói, giọng rất tự hào – Anh nuôi ngựa giỏi nhất đồn, thủ trưởng thường khen anh luôn đấy.
Có tiếng cọp gầm rất xa vẳng tới. Ông già Mộc đã giảng cho tôi tiếng gầm đó là tiếng hổ đựcgọi hổ cái. Tôi rùng mình, hỏi:
- Tiếng cọp gầm đấy. Anh sợ không?
Anh cười hề hề:
- Sợ gì? Súng trongtay, đèn trong tay đây… Ban ngày, gặp hổ chỉ vụt que nứa nó cũng cong đuôi chạy.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại thế?
Anh Lềnh bảo:
- Có gì đâu! Con hổ nào đã ăn người một lần quen là cứ ăn mãi. Người ta bảo là cọp thành tinh. Còn những con khác thấy người phải sợ chứ… Nó cũng tưởng mình là một con vật có thể gây hại nó được.
Tới đó, anh lại cất tiếng cười hồn nhiên:
- Mình chỉ cần vụt que nứa là nó chạy. Loài hổ sợ nhất nứa. Nứa sắc, cứa đứt da, chảy máu. Mà đã chảy máu là nó cứ đưa lưỡi liếm mãi. Lưới hổ sắc, càng liếm càng rách thịt, chảy máu. Cứ thế, có khi hổ không chết vì đạn mà lại chết vì một vết nứa cứa thôi đấy.
Trời đã tối mịt. Con dốc cũng vừa hết. Anh Lềnhnhắc tôi lên ngựa rồi anh cũng nhảy lên lưng con ngựa của anh, giục chúng đi. Tôi đi sau, anh đi trước rọi đường, ánh đèn pin quệt loang loáng. Bóng anh cao lớn, lúc nhoà lúc hiện trong đêm. Kể cũng lạ, anh sợ tiếng kêu của một con chim đến thế, mà đi trong đêm tối mịt mùng, lúc nào cũng có thể gặp phỉ hoặc thú dữ, anh lại dửng dưng như ta đi giữa đồng lúa. Còn tôi, dù can đảm đến mấy, tôi vẫn sợ hãi trước đêm rừng. Tôi luôn luôn có cảm tưởng một con thú nào đó, hoặc một con hổ, một con gấu, một con trăn khổng lồ, hoặc một bóng đen bí hiểm từ vòm cây rậm rịt sắp nhảy bổ tới ôm choàng lấy tôi. Nhất là trong các xó xỉnh, những vệt sáng xanh cứ nhấp nhoáng như những con mắt lúc mở lúc nhắm, cười cợt. Tôi hiểu đó là vệt lân tinh trên các thân gỗ mục. Nhưng một nỗi sợ hãi khó giải thích vẫn khiến tôi toát mồ hôi gáy. Tôi gọi anh Lềnh:
- Anh Lềnh ơi, anh đi sau, em đi trước cơ.
Anh quay lại bảo:
- Nhưng còn phải soi đường, lại phải phát hiện xem có dấu vết tụi phỉ mò đi ăn lẻ không chứ.
Tôi bí nhưng vẫn cứ nói:
- Không, em cứ đi trước cơ. Đi sau em không thích.
Anh Lềnh ngạc nhiên:
- Sao lại không thích? Đường núi mà, đi hàng một dễ lọt chứ đi song song, ngựa không lách được.
Tôi hết lý, nhưng bóng đêm phía sau lưng tôi mỗi lúc một dày đặc hơn. Và nỗi đe doạ cũng từ trong bóng đêm mênh mông đó, nhòm ngó tôi bằng những đôi mắt lập loè. Tôi kêu lên:
- Anh Lềnh, em không đi nữa đâu!
Anh chiến sĩ hiền lành kinh ngạc trước tiếng kêu đột ngột của tôi, nhảy xuống ngựa:
- Sao thế?
Rồi anh bế tôi sang ngựa của anh, cho ngồi sau lưng. Còn con ngựa của tôi, anh nới dây cương, buộc vào sau yên. Anh ngồi trước, tôi ngồi sau, ôm lưng anh, thỉnh thoảng lại quay đầu nhìn xem có bóng đen nào đuổi theo hoặc con thú dữ nào rình mò không. Từ lúc đó trở đi, tôi hoàn toàn yên trí. Đôi ngựa vẫn bước đều đặn.
- Lọc cọc, lọc cọc, lọc cọc…
Tiếng vó nện xuống đường nghe đều đều như tiếng tích tắc của đồng hồ hoặc tiếng quay của bánh xe lửa nghiến trên đường ray. Nhịp điệu đó khiến ta dễ buồn ngủ. Khi không còn lo âu, sợ hãi nữa, tôi đâm buồn ngủ thật. Hai mí mắt nặng trĩu cứ sập xuống. Thỉnh thoảng, một con chồn đêm lao soạt vào bụi rậm khiến tôi giật nẩy người. Ngoài những vệt lân tinh, không còn ánh sáng nào hơn. Cứ như vậy dăm bẩy lần, tôi không giật mình hoảng sợ nữa. Ngay cả tiếng mang tác ngay ven suối, hay tiếng hổ gầm nói thung sâu nào đó vẳng tới cũng không thề khiến cặp mi mắt nặng trĩu của tôi nâng lên được. Tôi ngủ lúc nào không rõ. Tiếng vó ngựa lọc cọc vẫn cứ vang lên đều đặn. Trong giấc ngủ rất dài, tôi chỉ nghe thấy riêng một thứ âm thanh buồn tẻ đó mà thôi…
Tôi tỉnh dậy khi phố huyện đã hiện ra trước một thung lũng dài, không đẹp bằng thung lũng bản Muốn nhưng rộng hơn. Những ngôi nhà gạch xây trong lòng thung, chạy dọc theo đường chính. Anh Lềnh và tôi tới bệnh viện huyện khi người thường trực chưa mở cửa. Ông ta còn quấn chăn ngáy như hò kéo gỗ trong cái chái nhà lợp ngói đỏ chót, rường cột mới tinh, chưa nhẵn vết rìu.
- Này, này, chưa đến giờ vào thăm bệnh nhân. Buộc ngựa ra ngoài kia không nó ỉa ra cổng bệnh viện bây giờ.
Ônng ta mở mắt gườm gườm nhìn hai chúng tôi, mắng một hồi rồi lại nhắm mắt, rụt đầu vào tấm chăn bông hoa mà ngủ.
Anh Lềnh gọi:
- Chúng tôi không đến thăm bệnh nhân đâu. Chúng tôi cần gặp bác sĩ, mở cửa cho chúng tôi…
Ông thường trực ngồi nhổm dậy, hai mắt đỏ kè:
- Gặp bác sĩ nào chứ? Ở đây có hai bác sĩ mà.
Anh Lềnh đứng ngẩn người, không đáp được. Tôi nhanh trí nói:
- Bác sĩ phụ trách bệnh viện, người có quyền cao nhất ở đây. Ông cứ bảo có người trên đồn biên phòng Khậu Phai về gặp.
Ông già thường trực chăm chăm nhìn tôi và anh Lềnh, rồi khẽ kêu “ái dà dà” trong miệng, chui khỏi cái chăn ấm áp như con sâu kèn chui khỏi vỏ. Ông ta choàng áo bông, chụp lên đầu chiếc mũ dạ cũ, rồi xỏ chân vào đôi guốc tự đẽo lấy, lẹp kẹp đi vào. Chúng tôi buộc ngựa, đứng thi nhau giậm chân cho đỡ rét. Chừng mười phút sau, một người đàn ông bận áo bờ-lu trắng đi ra. Thấy tôi, ông ta vồn vã hỏi trước:
- Cháu vừa ở dưới xuôi lên hả?
- Vâng.
- Cháu người ở đâu?
- Cháu ở Bắc Ninh.
- Ô, con gái xứ Kinh Bắc cũ. Còn chú ở Ninh Bình. Cháu đã bao giờ tới đó chưa?
- Chưa đâu ạ.
- Nhưng chú cháu ra vẫn cứ là người miền xuôi. Trên này, gặp đồng hương là quý lắm…
Nói tới đó, bệnh viện trưởng mới sực nhớ tới người chiến sĩ biên phòng cao lớn vẫn đứng im lặng sau lưng tôi. Ông giơ tay:
- Chào đồng chí. Mời đồng chí vào đây.
Chúng tôi cùng vào, trình bày sự việc ở bản Khum. Ông bác sĩ trưởng viện tên là Tính nói:
- Thực ra việc này Ty y tế phải làm. Nhưng lực lượng cán bộ y tế ở tỉnh mỏng quá, không thể phục vụ hết.Các bản lại ở cách xa đường. Nhất là bản người Mèo trên núi cao, đi hàng tháng trời mới tới. Chuyện các bệnh dịch tràn lan, chết hàng loạt người năm nào cũng có. Nhiều vùng, người bản cúng tới vài trăm lợn và cả đàn trâu bò… Có ca đau ruột thừa mà lập ra bốn đàn cúng. Khiêng tới viện thì ruột đã thối, không thể nào cứu chữa.
Ông bác sĩ ngừng lời. Tôi hỏi:
- Thế chú đi cùng chúng cháu lên bản Khum chứ?
Ông trưởng viện ngập ngừng:
- Tôi không dám bỏ viện đi đâu vì các ca mổ, các ca bệnh lý nguy hiểm cần trực tiếp xử trí nhiều lắm. Nhưng để một y tá đi thì cũng không yên tâm. Một trường hợp lầm lẫn có thể gây chết hàng loạt người và mất uy tín của ngành. Đối với người dân tộc vùng cao, đã mất uy tín một lần thì khó mà lấy lại được.
Tôi nói:
- Chú không thể giao lại bệnh viện cho chú bác sĩ viện phó hay sao? Tới bản Khum rồi về ngay chỉ mất ba, bốn ngày.
Ông bác sĩ Tính cười, phô hai hàm răng vàng khè khói thuốc:
- Cháu có biết mấy năm rồi chú chưa đi phép không?… Năm năm ba tháng. Đứa con út lên năm chưa thấy mặt chú mà chú cũng chẳng được bế nó lần nào. Chỉ nhìn ảnh mẹ nó gửi lên thôi.
Tôi lặng im. Bác sĩ trưởng viện nói tiếp:
- Ở đây chưa có bác sĩ, dân cứ gọi như vậy quen miệng đi thôi. Cả viện này chỉ có chú và chú Hiền là y sĩ. Chú Hiền chuyên khoa ngoại, còn chú phụ trách chung. Sáu y tá có hai người Kinh, còn lại bốn là dân tộc ít người đang đào tạo chưa đủ vững tay nghề. Tình thế khó khăn lắm…
Ông thở dài.
Anh Lềnh lúc ấy mới nói:
- Báo cáo đồng chí, tôi đang làm nhiệm vụ giữ đồn, canh gác bọn phỉ. Tôi phải giao việc cho anh em khác, vượt rừng về đây. Đồng chí cố gắng đi kẻo dân bản Khum chết nhiều lại dời bản. Hiện giờ lão thầy mo Triệu lập đàn cúng dưới đó. Lão bảo cúng không khỏi thì phải đưa dân đi… Tôi thấy có chuyện chẳng lành…
Nhìn đôi mắt lo âu của anh khi nhắc tới chuyện chẳng lành, tôi biết anh không nghĩ về hai người bị bệnh đã chết ở bản Khum thật sự mà lại nghĩ đến tiếng kêu ghê sợ của con chim hú ở bờ suối chiều qua. Tôi năn nỉ:
- Việc quan trọng lắm, chú đi đi..
- Được, chờ tôi nhé.
Y sĩ Tính nói rồi bước đi. Chắc ông tìm y sĩ Hiền dặn dò mọi việc. Xong, ông xách về một túi dết căng đầy những thuốc men, dụng cụ khám bệnh và bảo:
- Đi. Đã đi thì phải thật nhanh, tranh thủ từng giờ từng phút.
Khi ông ra cửa, một cô y tá trắng mũm mĩm chạy theo, đưa túi cơm:
- Chú Tính, phải mang thức ăn dọc đường chứ.
Y sĩ viện trưởng quay lại dặn:
- Cô nhớ theo dõi ca viêm màng não tối hôm qua.
Cô y tá gật đầu:
- Cháu nhớ rồi.
Chúng tôi ra khỏi viện. Y sĩ Tính cưỡi con ngựa ô cao lớn của anh Lềnh. Còn anh, và tôi cưỡi chung con ngựa hồng của tôi. Cả đêm qua nó được đi không nên còn dư sức. Qua cửa hàng ăn uống của huyện, cả ba chúng tôi vào ăn phở. Phở ở đây còn kém phở bản Nọi xa nhưng đói nên đành nhắm mắt nuốt. Ăn xong, tôi mua một chục bánh mật, bánh rán của các hàng dân bán quanh đó. Anh Lềnh không có tiền. Tôi đưa tiền để mua thóc cho ngựa ăn no. Rồi chúng tôi lên đường.
Từ phố huyện tới bản Khum chúng tôi không nghỉ một phút nào, trừ những lúc ăn uống. Ăn hết cơm với xôi nếp của y sĩ tính rồi tới bánh rán bánh mật tôi mua. Ông y sĩ tận tuỵ với nghề cứ luôn miệng giục đi. Ông nóng ruột vì cả những người ốm đang đợi ở bản Khum lẫn những người bệnh ở viện nhà.
Y sĩ Tính không hề ngủ. Mắt ông vẫn sáng quắc mặcdù mặt gầy hốc hác. Anh Lềnh cũng không ngủ. Chỉ có tôi, vì yên trí ngồi ôm lưng anh nên ban đêm tôi vẫn vừa ngồi vừa ngủ được một giấc dài.
Đi suốt ngày, suốt đêm. Sáng hôm sau, người và ngựa tới bản Khum. Lại thêm một nhà nữa có người chết, treo cành lá cữ trước cửa. Tiếng than khóc, tiếng la gọi, tiếng gào rú của thầy mo Triệu, tiếng trống và tiếng chũm choẹ cùng lúc vang rền náo động. Chúng tôi vào nhà trưởng bản trước. Y sĩ Tính không nói nhiều, chỉ gật đầu chào chủ nhà rồi bước vào buồng người bện ngay. Hẳn ông ta đã ở vùng này lâu, hẳn lương tâm người thầy thuốc trong ông thật lớn nênông đã chịu đựng mùi hôi hám tanh tưởi một cách bình thản. Ông khám bệnh cho bà già, hỏi chủ nhà dăm ba câu rồi nói:

- Dịch sốt nhiệt thán. Người bệnh ăn phải trâu hoặc bò chết vì bệnh nhiệt thán.
Ông hỏi trưởng bản bằng tiếng Nùng. Trưởng bản tròn xoe mắt ngạc nhiên, gật đầu đáp:
- Đúng, ông nói đúng lắm. Bà cụ có ăn thịt trâu ở nhà con Mạy, em gái tôi.
Y sĩ Tính bảo:
- Tất cả những ai ăn thịt con trâu đó đều sẽ mắc bênh sốt này.
Trưởng bản hỏi:
- Có chữa được không?
Y sĩ Tính đáp:
- Uống thuốc, tiêm thuốc kịp thời thì chữa khỏi.
Trưởng bản mừng rú lên.Ông ta cuống quít chạy xuống cầu thang:
- Để tôi đi báo cho dân bản biết. Thế là con trâu chết làm hại người bản Khum chứ không phải Trời làm hại người bản Khum. Ôi dà dà…
Ông ta đi một lúc, hối hả quay về, hơi thở tuôn khói ra hai lỗ mũi:
- Bác sĩ đi theo tôi, nhiều lắm… Nhiều người ăn thịt trâu bị ốm lắm.
Ông y sĩ Tính đã tiêm cho bà cụ xong, lấy thuốc dặn cô con dâu bụng chửa vượt mặt, tức là ngườii vợ trẻ của ông trưởng bản, cho bà cụ uống rồi đeo túi thuốc, ra đi.
Anh Lềnh bảo tôi:
- Giờ em với anh về trên đồn chứ?
Tôi lắc đầu:
- Không, ở đây xem chú Tính tiêm.
Anh Lềnh cười:
- Thế em ở lại xem nhé. Anh về một tí rồi xuống bản ngay.
Tôi gật đầu. Anh lên đồn, còn tôi theo trưởng bản và y sĩ Tính đi từng nhà, tiêm và cho người bệnh uống thuốc. Y sĩ Tính giao cho tôi đeo túi thuốc khi đi đường, lấy bông tẩm cồn hoặc xoè diêm đốt lửa sát trùng kim tiêm nên người bản tưởng tôi là một cô y tá bé xíu. Và họ nhìn tôi bằng con mắt thán phục vô cùng.
Vòng hết bản, trời đã tối. Trưởng bản đốt đuốc đưa chúng tôi đến mấy nhà cuối cùng. Mấy nhà này thuộc loại khá trong bản. Có người ốm là họ khắc lập đàn cúng ngay. Tới nhà nào cũng thấy khói hương nghi ngút. Còn đồ lễ buộc lại để đem tới nhà thầy mo Triệu. Đồ lễ gồm mười hai vuông lụa hồng, mười hai vuông vai trắng. Xôi đầy mâm và gà luộc cả con bày lên trên. Nhà nào nhà nấy mấy người ốm vẫn sốt li bì mặc dù tàn hương làm thuốc của thầy mo với giấy đốt rải đầy trán, đầy bụng. Họ nhìn chúng tôi, ngao ngán:
- Thôi mà, không chữa được đâu. Cúng hết lễ lớn, lễ con mà ma vẫn trói người ốm xuống giường, bịt mắt không cho mở.
Rồi họ bảo trưởng bản:
- Người bản Khum ta rồi lại phải cõng nhà bỏ đất này ra đi thôi.
Trưởng bản nói:
- Tiêm thuốc, uống thuốc sẽ khỏi. Cả bản đã được tiên thuốc, uống thuốc rồi. Nay đến nhà mày thôi đấy.
Chủ nhân thờ ơ bảo:
- Làm thì làm thôi. Nhưng con chimhú mà đã kêu ngoài suối lớn rồi. Hai hôm trước, có đứa đi nương về nghe thấy.
Ôi, lại con chim hú mà… - tôi nghĩ. Sao mà nó gây cho người dân vùng núi cao nỗi kinh hoàng ghê gớm đến như vậy.?…
Y sĩ Tính thăm bệnh cho người ốm xong. Ông vẫy tôi lại:
- Cũng là dịch nhiệt thán. Ta chuẩn bị tiêm.
Tôi lấy bông tẩm cồn sát trùng kim. Y sĩ bẻ ống thuốc. Tôi nghĩ mình cũng có thể trở thành một người thầy thuốc được, trừ việc mổ xẻ. Vì cứ nhìn thấy máu là toi chóng mặt quay cuông, muốn ngã luôn. Chúng tôi lần lượt tiêm thuốc cho khóm nhà còn lại của bản Khum. Lúc xuống cầu thang, tôi thở phào:
- Hết rồi, chú Tính nhỉ.
Nhưng trưởng bản biết tiếng Kinh. Ông ta nói:
- Chưa hết đâu. Còn một nhà nữa ở rìa núi. Nhà nó có đứa con mười hai tuổi bị bệnh nghèo quá, chạy vạy vay tiền, vay lúa khắp bản tới chiều nay mới đủ lễ. Hiện thầy mo Triệu đang cúng ngoài đó.
- Có đi nữa không chú?
Tôi hỏi y sĩ Tính. Trời tối đen, gió thổi lạnh tới tận xương. Bó đuốc trưởng bản cầm trong tay cũng đã gần tàn. Y sĩ Tính trả lời không ngập ngừng:
- Đi chứ. Cố gắng thêm chút nữa, cháu à.
Tôi im lặng đi theo ông. Từ đó về sau, tôi hiểu rằng người thầy thuốc thật sự phải có lòng nhân ái sâu xa, phải có tinh thần trách nhiệm cao cả. Những đức tính đó tạo nên phẩm chất riêng biệt cho họ. Không một nghề nghiệp nào đòi hỏi phẩm chất cao như vậy.
Trưởng bản nhìn đường, rồi nói:
- Bác sĩ chờ tôi một lúc nhé. Tôi phải thay đuốc. Trời tối mà đường còn dài.
Nói xong, ông ta hối hả rẽ vào một lối mòn, lên ngôi nhà gần đó nhât. Còn lại tôi và y sĩ Tính đứng trong đêm. Ông kéo tôi tới gần, choàng tay qua vai tôi:
- Rét quá hả cháu? Mới lên đây chưa quen được với thời tiết ghê gớm này. Nhưng quen rồi lại béo ra, má đỏ hây hây ấy. Con gái hợp với khí hậu núi. Chỉ có đàn ông là không. Các chú ở đây, anh nào cũng sụt ít nhất ba bốn cân trở lại.
Tôi hỏi:
- Sao chú không xin về dưới xuôi?.. Ở đây lâu buồn lắm.
Y sĩ Tính cười hiền lành:
- Cháu nói nghe ngon lành như ăn chè đỗ đãi ấy. Nếu xin được chú đã chẳng phải ở liền năm năm không nghỉ phép. Làm gì có ai thay? Không lẽ cứ bỏ mặc người bệnh chết mà đành lòng đi được…
Tôi nói:
- Bố cháu cũng thế. Lần nào về phép, mẹ cháu hỏi, bố cháu cũng bảo chờ cấp trên cho người thay. Chờ mãi mười lăm năm vẫn cứ ở đồn Khậu Phai này.
Y sĩ Tính vỗ vỗ vào lưng tôi:
- Người lên thì ít, người muốn xuống lại nhiều. Việc ở đây cứ ùn lên không đủ sức gánh vác. Mình không muốn bị lương tâm cắn rứt, mình phải đưa vai ra thôi.
Trưởng bản đã xuống cầu thang, cầm bó đuốc lớn cháy rừng rực.
- Ta đi thôi nào.
Giọng ông thào thào, bốc mùi rượu. Hẳn là ông ta đã tranh thủ uống một bát trước khi ra đi.
Trời rét. Sương quấn thành một lớp dày bay là là trên mặt đất, bao quanh các chân núi. Chúng tôi đi trong sương mù như những người bị bệnh mộng du, cứ bập bềnh trôi nổi. Tôi có cảm giác tất cả bị sương đẩy trôi xuống một bờ vực trơn ướt. Nhưng đó chỉ là những bụi cây đẫm nước quệt vào gấu quần tôi. Đi chừng gần một giờ mới tới nhà người bệnh. Chúng tôi lên cầu thang giữa lúc thầy mo Triệu đang la hét, nhảy nhót. Những vuông lụa hồng, vuông vải trắng xếp trên bàn thờ. Cả một mâm xôi trắng với con gà luộc bày bên trên. Hai hàng nến mỡ bò cháy nghi ngút, mùi bốc lên khét lẹt. Mấy tờ giấy bản lão thày mo vẽ bùa chú nguệch ngoạc dán ngay dưới chân nến.
Chúng tôi vào, thầy mo Triệu ngừng lại. Sau khi nghe trưởng bản giảng giải, lão dằn dỗi bảo chủ nhân:
- Thôi nhé, bác sĩ tới tiêm rồi, tôi không cúng đâu. Cái ma về đừng gọi tôi nữa nhé.
Chủ nhân, một người đàn ông trạc ngoài ba mươi, trông gầy gò tiều tụy. Nước da anh ta vàng khè vì sốt rét. Chị vợ cũng ăn bận tồi tàn. Cả hai cuống cuồng chắp tay lạy thầy mo Triệu khi lão dọa bỏ đi.
Trưởng bản nói:
- Bốn nhà ông cúng có người nào khỏi đâu? Phải để cho bác sĩ tiêm mới hết bệnh.
Rồi trưởng bản quay vào nói với vợ chồng chủ nhân:
- Mấy nhà đó nó tiêm thuốc hết rồi.
Ông kể tên một loạt bốn nhà chúng tôi vừa tới và nói:
- Đồ lễ còn bỏ trên bàn thờ, chưa bọclụa đem sang núi cho thầy mo. Tao nói có sai đâu?
Vợ chồng chủ nhân lúc ấy lại cuống quít quay sang lạy y sĩ Tính xin tiêm thuốc cho đứa con độc nhất của họ.
Thấy vậy, thầy mo Triệu đội mũ, cởi áo dài lễ làm bộ định bỏ đi. Người vợ lại chạy tới níu kéo, năn nỉ:
- Thôi mà, thầy thương vợ chồng tôi chứ. Chạy mòn chân mới sắm đủ lễ cúng con ma… Thầy thương cho…
Tình thế thật oái oăm. Đứa bé ốm nằm trong nhà bỗng la lên như người phát cuồng. Y sĩ Tính và tôi chạy vào buồng theo mẹ nó. Trên chiếc giường không trải chiếu mà trải tấm da bò, một thằng bé còm nhom, đầu và hai mắt to thao láo đang kêu la rền rĩ. Nó rú lên từng tràng tiếng Nùng. Hơi thở vừa nóng vừa hôi. Y sĩ Tính bảo tôi:
- Bệnh tới giai đoạn ba rồi. Phải nhanh tay mới thoát.
Chúng tôi chuẩn bị tiêm thuốc ngay trong căn buồng nhỏ hẹp thắp ngọn nến mỡ bò khói mù. Bên ngoài, lão thầy mo Triệu vẫn đang dằng dai nói gì đó với trưởng bản. Tiêm xong, y sĩ Tính bảo tôi:
- Cháu ra ngoài đó chờ. Chú ngồi theo dõi thằng bé này. Nó đang trong cơn nguy kịch.
Tôi ra ngoài nhà. Trưởng bản nhìn tôi. Tôi bảo:
- Tiêm thuốc rồi. Nhưng chú Tính phải ngồi đó theo dõi tiếp. Bệnh thằng bé nặng lắm.
Trưởng bản quay sang hỏi người bố:
- Nó sang nhà bác nó ăn thịt trâu, phải không?
Người bố đáp:
- Đúng rồi. Tôi hết tiền nên không mua.
Trưởng bản nói:
- Vợ chông mày mà ăn thì cũng bị bênh luôn. Nhà anh mày nằm ốm hết rồi. May quá, tao lại đưa vợ tao sang bên kia núi thăm bà cụ.
Lão thày mo Triệu từ nãy vẫn ngồi im. Nghe hai người nói chuyện, thấy mình bị bỏ quên, lão xăm xăm đứng dậy:
- Tôi về đây.
Đeo cái bị lên vai, lão cười nhạt, cặp môi thâm xám hé ra, phô hai hàm răng nhỏ, nhọn hoắt:
- Ôi dà, ma về đừng có trách thầy mo Triệu nhé.
Người đàn ông chủ nhà hớt hải đứng lên, mặt xanh mét:
- Xin thầy ở lại làm lễ. Xin thầy thương cho cháu. Cái ma về, vợ chông tôi chết mất thôi.
Thầy mo dừng lại. Hẳn lão đang dùng dằng giữa sự kênh kiệu với món đồ lễ. Lão vênh mặt đứng quay lưng vào bàn thờ, không nói năng gì.
Trưởng bản thấy vậy, giàn xếp:
- Thôi, đồ lễ đã bày ra rồi, thầy mo cứ cúng. Càng nhiều người ra tay cứu chữa, càng mau lành bệnh chứ sao.
Thầy mo Triệu đủng đỉnh quay vào, bỏ tay nải, khoác áo dài lễ, ngồi trước bàn thờ. Cứ lẩm nhẩm trong miệng, ba que hương cầm tay múa loại xị lên một hồi, lão lại hét thật to, nhẩy cẫng lên rồi ngồi phịch xuống sàn. Động tác đó lặp đi lặp lại, không biết mỏi. Nhìn bộ mặt thâm xì của lão, tôi ghét quá. Lão đã tới làm lễ ở năm nhà trong bản. Đêm nay, người ta phải mang lễ qua núi, tới tận nhà lão để cung phụng lão mặc dù tất cả những người bệnh đều được cứu chữa bằng thuốc của nhà nước. Sáu mươi vuông lụa hồng, sau mươi vuông vải trắng, năm mâm xôi và năm con gà. Đó là cả một gia tài đối với những người dân nghèo nàn ở bản Khum này.
Tôi sực nhớ tới một câu trong bài giảng:
“Ở nơi nào sự ngu dốt thống trị thì nghèo hèn cũng thống trị theo”
Câu nói ấy trôi tuọt theo bao nhiêu câu nói khác vào quên lãng. Tới lúc này, tôi sực nhớ lại và thấm thía chân lý đã vạch ra.
Tôi nhìn chăm chăm vào mặt lão thầy mo. Nhưng lão đang hành nghề. Lão đang múa may trong cái trò của lão. Tôi nhìn cái sàn tre nhẵn thín, nơi lão thỉnh thoảng lại nhảy cẫng lên rồi buông đít rơi phịch xuống. Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ. Tôi bỏ xuống cầu thang…
Ánh đèn, ánh lửa nến hắt xuống mặt đất. Tôi do dẫm bước vào chuồng nhốt súc vật dưới sàn. Nhà này nghèo, chỉ có ba con bò và một đàn lợn. Thấy người lạ, chúng lục tục kéo nhau vào một góc. Tôi kiếm que nứa thật nhọn và cứng. Phải lần mãi, tôi mới rút được nó ra ở hàng rào quây đậu leo và cây cà tím. Tôi nín thở, vào chuồng bò. Ánh nến lọt qua những kẽ sàn, hắt xuống từng vệt dài và rất thẳng. Tôi chờ đúng lúc thầy mo Triệu nhảy cẫng lên. Trước khi lão buông đít rơi phịch xuống sàn, tôi thò que nứa nhon qua kẽ hở, vào đúng nơi mà mông lão sẽ rơi xuống.
Một tiếng hét dài hốt hoảng vang lên. Tôi ném cây que bỏ chạy thục mạng. Không hiểu sao lúc đó trí nhớ của tôi lại kỳ diệu đến thế, mặc dù bình thường tôi là đứa hay quên. Nhưng lúc đó, những nẻo đường trưởng bản đã từng dẫn tôi với chú Tính đi, tôi đều nhớ như in. Đêm tối, xoè bàn tay trước mặt không nhìn rõ, tôi cứ theo trí nhớ mà chạy. Những cành dâu gia, những lá bưởi, loà xòa ven đường quệt vào mặt tôi, ướt lạnh. Mặc, tôi cứ chạy, chạy mãi. Tiếng chân đuổi theo tôi mỗi lúc mỗi nhỏ dần. Lão thầy mo không thể đuổi kịp tôi. Chắc lão đã quay lại.
Lúc đó, tôi mới vừa đi vừa thở, tay đưa lên xoa hai má rát như bỏng ví những cành cây quất vào. Phía trước có anh đèn pin loang loáng.
Dân quân bản đi tuần chăng? – tôi nghĩ. Nhưng giọng nói chậm rãi quen thuộc của anh Lềnh đã vang lên trong bóng đêm:
- Ôi dà, sao em đi có một mình? Chú Tính đâu rồi?
Tôi kêu to:
- Anh Lềnh!
Và tôi lao tới, ôm chặt lấy anh, với nỗi vui sướng không cùng.
- Em đói bụng rồi hả? – Anh Lềnh hỏi tôi.
- Không, không, lão thầy mo Triệu đuổi em.
Tôi hổn hển đáp. Rồi tôi kể vắn tắt chuyện vừa xảy ra. Anh Lềnh lẩm bẩm trong miệng:
- Chết thôi, chết thôi…
Tới đoạn lão buông đít rơi phịch xuống cây nứa nhọn, anh cười khe khẽ trong họng:
- Ô, lão thầy mo đó không tốt, lão độc bụng lắm. Có bị thế cũng đáng.
Anh vuốt tóc tôi, ngạc nhiên hỏi:
- Này Bê, cái khăn len của em đâu?
Tôi đưa tay lên đầu. Lúc đó tôi mới biết chiếc khăn len đã rơi mất dọc đường, khi tôi chạy trốn lão thầy mo. Anh Lềnh bảo:
- Giờ anh đưa em tới nhà trưởng bản ngồi, anh giải quyết mọi việc, tìm khăn đã. Xong, ta về đồn.
Tôi ngoan ngoãn theo anh lên nhà trưởng bản. Ở đó, cô vợ trẻ của ông đãi tôi xôi hông còn nóng với muối ớt. Ăn xong, tôi còn chờ một lúc lâu mới thấy anh Lềnh, trưởng bản và chú Tính về. Chú Tính bảo tôi:
- Con bé này làm chú mât miếng gạc và thuốc cầm máu. Phải phạt cháu thôi.
Trưởng bản nhìn tôi tò mò, cười tủm tỉm. Còn anh Lềnh không nói gì.Anh dựng khẩu súng vào vách sàn, tới ngồi bên bếp lửa giơ tay hơ. Chú Tính kể cho tôi nghe khi bị nứa đâm vào mông, lão thầy mo đau quá kêu thét lên bỏ dở cuộc lễ, chạy xuống cầu thang đuổi theo tôi khiến mọi người ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Không đuổi được tôi, lão đành quay về. Lão thò tay vào mông xem, thấy máu chảy ra, sứt một miếng thịt. Lão kêu rống lên. Chú ra lau vết thương, tẩy trùng, tiêm cho lão một ống Vi-ta-min K cầm máu rồi lấy băng dính dán gạc băng lại. Lão Triệu tức giận định bắt chủ nhà sắm đồ lễ khác làm lại từ đầu nhưng anh Lềnh tới, lão hoảng sợ vội làm lễ tiếp rồi tự tay bưng số đồ lễ về qua núi, không bắt chủ nhânphải mang sang như mọi nhà trong bản.
- Bị một vố đâu, lão mới chừa – tôi nói.
- Cháu làm thế mà không có chú với anh Lềnh ở đó là nguy rồi – chú Tính nói. Chú chỉ trưởng bản, nói tiếp – Ông trưởng bản tiến bộ nhưng dân bản nhiều người còn tin thầy mo. Khi mọi người còn tin thầy mo mà mình làm như vậy, coi như mình xúc phạm tới họ.
Tôi cãi:
- Lão có chữa khỏi cho ai đâu? Lão chỉ lừa họ để lấy đồ lễ.
Chú tính gật đầu:
- Biết vậy mà mình phải lặng im. Mọi sự nóng vội trong đời đều làm hỏng việc.
Trưởng bản loay hoay một lúc trong buồng. Lát sau ông ta bước ra, tay cầm hũ rượu, tay kia cầm miếng thịt nai khô:
- Mời bác sĩ với bộ đội uống một chén rượu mừng. Mấy hôm nay tôi lo thắt ruột. Phải rời bản thì khổ quá.
Cô vợ trẻ của trưởng bản đế thêm:
- Nhiều người sợ thầy mo lắm. Trước đây, vợ chồng chúng tôi cũng sợ lão. Bụng lão rất độc, lão nuôi một bầy sâu râu cọp trong nhà. Định hại ai, lão hại được ngay.
Tôi nhìn trưởng bản, hỏi:
- Sâu râu cọp là gì?
Anh Lềnh khẽ đập vào tay tôi:
- Để cho ông ấy nướng thịt nai không cháy hết.
Đúng là trưởng bản đang gạt than để nướng thịt nai thật. Ông lấy con dao sắ, lạng tảng thịt nai khô thành từng lát mỏng, nhúng vào một bát nước vàng thẫm, hình như mật mía pha với ớt giã rôi đặt lên than nướng.
Anh Lềnh giải thích cho tôi nghe:
- Những người già vẫn bảo: Săn cọp về phải đốt trụi râu đi hãy làm thịt. Đừng để cho ai cắt được cái râu ấy. Râu cọp đem cắm vào ông măng ba tháng chín ngày sẽ trở thành sâu. Con sâu này chuyên ăn thịt sống, cũng giốn như cọp vậy. Phải nuôi nó bằng thịt sống. Một năm, nó dài bằng ngón tay trỏ, to bằng cái đũa lớn đơm xôi. Cứt sâu ỉa ra là thuốc độc. Chỉ cần thả một hột ngô cứt sâu râu cọp vào chum nước, cả nhà ăn đều chết. Thế nên người ta sợ loài sâu này. Những kẻ nuôi giống sâu này là thứ người hiểm ác.
Tôi lắng nghe. Và tôi chợt nhớ tới ngày ỏ bản Muốn. Khi từ hang Khỉ Trắng đi về, ông già Mộc đã hỏi ngay bà Kín:
- Lúc thịt cọp, bà có thấy người bản đốt râu nó đi không?
Và bà Kín gật đầu:
- Đốt rồi. Đốt xong mới xẻ thịt…
Chao ôi, thật là những chuyện lạ lùng, kỳ ảo, không khác chi truyền thuyết hoang đường.
Nhưng mùi thịt nai khô nướng bốc lên lẫn với mùi rượu cay nồng lại hoàn toàn có thực. Những lát thịt nai đã được lật đều hai mặt sém vàng, mùi ớt cay với mùi mật mía cháy thơm tở khắp gian nhà. Cô vợ trẻ của trưởng bản đặt thêm bát muối giã nữa.
- Người nhà tôi ăn mặn lắm mà.
Cô ta nói. Và trưởng bản gật gù, tỏ vẻ hài lòng trước cử chỉ ân cần của cô vợ.
- Tôi biết ơn bác sĩ, biết ơn bộ đội lắm. Ta cùng uống rượu mừng.
Ông ta rót cho tôi một bát rượu đầy:
- Cháu cũng uống đi chứ. Uống cho vui lòng người bản Khum… Ta ước ao một đứa con quá. Một đứa con có đôi mắt đen như đôi mắt của cháu đây này.
Đầu ông ta lắc lư, dù ông ta mới uống hơn một nửa bát rượu. Ông ta nhìn mọi người, uống nôt nửa bát còn lại. Y sĩ Tính, anh Lềnh lần lượt uống. Còn tôi, tôi khẽ nhấp một tí rồi trút rượu sang bát anh Lềnh. Ngọn lửa cháy ở giữa chúng tôi, rọi lên gương mặt mọi người làn ánh sáng rung rinh, đỏ rực của nó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét