Thứ Bảy, tháng 3 16

HÀNH TRÌNH NGÀY THƠ ẤU (truyện dài ) Chương 13

MỘT ÔNG BỤT GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Buổi sớm hôm đó trời lạnh. Tôi thức dậy, mặc tấm áo bông mới mua rồi bắt tay vào việc quét dọn nhà cửa. Cô Múi đang ngủ. Cô tự cho mình quyền được ngủ muộn vì những việc vặt vãnh đã có hai đứa chúng tôi lo. Loan cũng thức dậy sau tôi, mang rổ măng ra tước nhỏ. Món măng chỉ xào với trứng hay thịt bò là món được gọi nhiều nhất trong các bữa ăn. Hai đứa chúng tôi vừa làm vừa trao đổi về vụ xô xát giữa cô Múi và chủ quán bên cạnh đêm qua. Lúc đó, một ông già bận quần áo chàm, đeo tay nải cũng nhuộm chàm bước vào:
- Chà chà cô Múi đâu mà để hai đứa nhỏ trông hàng?
Tôi mau miệng trả lời:
- Cô Múi còn ngủ ạ. Ông muốn ăn bánh hay uống nước? Chưa có cơm đâu. Cô Múi chỉ nấu cơm đón khách chuyến tàu chín giờ rưỡi sáng thôi.
Ông già đặt tay nải xuống ghế, chăm chú nhìn tôi:
- Ông không ăn cơm. Onng chỉ muốn uống một chén trà với ăn cặp bánh mật.
Tôi bỏ chổi xuống, lau tay, rót nước cho ông. Sau đó tôi gỡ một cặp bánh mật trên dây treo cạnh bức tường, bóc đặt lên đĩa đem tới trước mặt ông:
- Bánh mới lấy chiều hôm qua, còn dẻo lắm ông ạ.
Ông gật đầu tỏ ý hài lòng. Ông ăn bánh chậm rãi, uống từng ngụm trà nhỏ rồi cất tiếng nhẹ nhàng hỏi:
- Cháu này… Ông mới tới đây tháng trước, quán chỉ có một mình A Múi. Hai cháu vừa ở dưới xuôi lên chăng?
- Thưa ông, vâng – Loan đáp – Chúng cháu không định lên đây đâu. Chúng cháu định lên đồn Khậu Phai, xa hơn Cao Bằng gần một trăm cây số nữa. Nhưng chúng cháu bị mất cắp hết quần áo, đồ đạc, không đủ tiền nên đành ở lại đây.
- Đồn Khậu Phai – ông già trầm ngâm nhắc lại, hai hàng lông mày rậm và trắng như cước nhíu lại – Các cháu lên đó làm gì?
- Lên thăm chú Tùng, bố của bạn Bê – Loan giơ tay chỉ vào tôi – Chú Tùng là đại uý, trưởng đồn biên phòng Khậu Phai. Ông đã lên tới trên đó bao giờ chưa?…
- Chưa. Ông chưa lên đó…
Ông già lắc đầu. Rồi sau khi ăn xong cặp bánh mật, uống cạn chén trà, ông hỏi:
- Các cháu có họ hàng với cô Múi không?
- Thưa ông, không.
- Các cháu làm ở đây mỗi tháng được bao nhiêu tiền công?
- Thưa ông, cô Múi chỉ nuôi chúng cháu ăn và cho ngủ nhờ thôi.
- Hả? Hả?…
Ông già nhướng cặp mày trắng lên hỏi. Rồi không chờ chúng tôi trả lời, ông lão lần trong túi áo chàm, lấy ra một gói thuốc lào, vê thuốc nạp vào nõ, châm lửa hút. Khói thuốc ông phả ra làm quán trắng mịt mờ. Lúc đó, cô Múi đã trở dậy. Cô ra bề nước sau nhà, súc miệng ùng ục.
Ông già nhìn chúng tôi hiền từ, chậm rãi nói:
- Ông chưa lên Khậu Phai bao giờ, nhưng ông có đứa cháu là lính biên phòng đóng ở gần đó. Khậu Phai, Khậu Phát, Nường Le, Phìa Khoảng là một dãy những đồn biên phòng ở trên vùng đá cheo leo. Các cháu không thể tự tìm lên đó được. Mà ở đây làm nười ở không công cho cô Múi bán cơm cũng chẳng hay. Ông chỉ có một mình thôi. Nhìn mặt các cháu sáng như gương, ăn nói lễ phép, ông thương lắm. Về ở với ông đi. Ba ông cháu mình sẽ cùng làm nương, cùng săn thú, cùng ăn con cá bắt dưới suối lên. Ông sẽ viết thư gọi thằng cháu của ông về phép. Khi nào đi, nó sẽ dẫn các cháu đi cùng. Nào, các cháu có bằng lòng không?
Tôi nhìn Loan. Loan nhìn tôi. Cả hai chúng tôi đều tin cậy ông già ngay từ phút đầu gặp gỡ và cùng cảm thấy sung sướng đến bàng hoàng khi nghe ông nói những lời giản dị dịu dàng như thế. Cô Múi dưới sân đi lên, khăn mặt vắt trên vai. Ông già bắt đầu nói với cô ý định của ông. Chúng tôi im lặng chờ đợi. Dẫu sao chúng tôi đi, cô Múi cũng mất một món hời, tôi nghĩ thế. Nhưng tôi không ngờ, cô lại đỏ bừng mặt lên, nói sa sả:
- Không được, không được, anh Cao giao chúng nó cho tôi trông nom mà. Bao giờ anh Cao về, tôi mới trả.
Ông già gõ gõ ngón tay lên mặt bàn nước:
- Trông nom gì mà hai đứa phải làm từ tinh mơ, còn cô rúc trong chăn ngủ cho đẫy mắt. Tháng tháng, không cho trẻ lấy vài chục bạc cầm tay. Trông nom trẻ như vậy cũng gần giống địa chủ trông nom tá điền đấy…
Cô Múi đứng sững, nghẹn họng không nói được nữa. Nhưng gương mặt đỏ tía của cô chứng tỏ cô căm uất ông già tới bầm ruột bầm gan. Ông già nghiêm nghị nhìn tôi và Loan, nói như ra lệnh:
- Hai cháu thu xếp quần áo, đi thôi…
Những ngày tháng ở với người đời đã dạy tôi khôn lớn. Như con chồn, con cáo đánh hơi thấy mồi, tôi cũng nhận biết được khá chính xác ai là người tốt, ai là kẻ bất lương. Nhìn cặp mắt ông già, tôi biết ông là một cây đại thụ vững vàng mà tôi có thể tựa vào trong cuộc đời phía trước. Tôi đứng lên, bỏ cây chổi quét nhà ra sân sau, thu dọn đồ vật, gấp quần áo cho vào chiếc túi ngày xưa chúg tô dùng làm túi đựng đồ ăn khi bước vào cuộc hành trình. Chỉ vẻn vẹn hai bộ quần áo. Còn hai bộ mới mua, chúng tôi đã mặc lên người, cùng với tấm áo bông. Số tiền nằm trong cái túi con khâu dính với lưng quần. Chúng tôi bước tới trước mặt cô chủ quán cơm:
- Chúng cháu xin phép cô ạ. Chúng cháu chào cô ạ…
Dẫu sao, tôi cũng muốn coi cô như một ân nhân, mặc dù cô chỉ làm cái việc có lợi cho túi tiền của cô.
Cô Múi không trả lời, mặt hầm hầm đầy sát khí. Tôi nhẫn nại chào cô lần thứ hai. Lần này cô đành miễn cưỡng gật đầu. Ông già trả tiền chén nước trà với cặp bánh mật rồi khoác tay nải lên vai:
- Nào đi
Chúng tôi ra khỏi khu quán cơm, thẳng đường bước vào phố. Những cây đèn lồng lụa đỏ cũ kỹ, những ông phỗng xanh đỏ đầy bụi trông mới mẻ, rực rỡ hẳn lên trong mắt tôi. Cả những chiếc lá bàng đỏ úa rời khỏi cành đang nhào lộn trên không trung cũng như lời chào đón. Tôi thầm nghĩ: “Cuối cùng, mình sẽ gặp những điều may mắn, những con người nhân ái, giàu tình thương”.
Ông già đi rất nhanh. Cứ vài chục bước, ông lại dừng để đợi chúng tôi:
- Ông đưa các cháu vào chợ chơi. Quá trưa ta về bản. Hôm nay là ngày chợ phiên. Trai gái hát vui lắm đấy.
Tiếng là ở phố Lạng đã lâu nhưng chúng tôi bận phục vụ quán cơm của cô Múi nên chưa biết chợ phiên vùng núi ra sao. Nghe ông già nói vậy, tôi thú lắm. Loan nhảy cẫng lên như đứa bé lên ba. Ông già hỏi tên tuổi từng đứa. Chúng tôi lần lượt kể chuyện mình, không hề giấu giếm. Ngay cả món tiền nhỏ bé khâu ở lưng quần chưa bao giờ cho cô Múi biết, tôi cũng đưa cho ông. Ông già cười, xoa đầu tôi:
- Khổ thân con bé. Từng này tiền làm sao đủ mua bánh tét ăn mà đòi lên tận Khậu Phai.
Ông bỏ món tiền còm đó vào túi. Tới lúc vào chợ phiên, ông tiêu hết một món tiền lớn gấp ba số tiền chúng tôi dành dụm. Thoạt tiên, ông đưa hai đứa vào hàng phở chua nổi tiếng của người Hoa. Sau đó lại sang hàng bánh bao nhân xá xíu ăn mỗi người một chiếc lớn. Rồi ông dắt chúng tôi vào chợ chơi. Trai gái người các dân tộc thổi khèn, lượn lờ từng đôi một, hát đối đáp như kiểu hát quan họ, hát ghẹo vùng Bắc Ninh và Vĩnh Phú. Nhưng điệu hát của họ trầm buồn, đều đều, lại khác ngôn ngữ nên chúng tôi không hiểu. Ông già đưa chúng tôi tới dãy hàng bán thắng cố. Hàng chục chiếc chảo gang to tướng, nước đầy tới miệng, luôn luôn sôi sùng sục. Bên trong là những tảng thịt trâu, thịt ngựa, thịt bò thi nhau nhào lộn, váng mỡ lẫn bọt huyết nổi từng đám lềnh bềng. Ông già bảo:
- Dưới lớp thịt ninh kia có các loại xương nữa đấy. Phải có xương nước mới ngọt.
Những người dân miền núi tới chợ ngồi sụp xuống quanh chảo thắng cố. Nước sôi lục bục, khói tỏa nghi ngút. Người bán vớt thịt, xẻo một miếng, múc một bát nước đưa cho người mua. Người mua sì sụp húp nước, cắn thịt nhai ngon lành. Nhưng tôi ngửi mùi mỡ bò bay lên gây gây thì sợ hãi. Tôi nói với ông già:
- Cháu không biết ăn thứ này đâu.
Ông nhìn tôi, cười:
- Chính ông cũng không biết ăn. Cháu đừng sợ ông ép.
Ông dẫn chúng tôi đi một lượt qua những hàng bán hồng, bán bưởi, bán trám, hạt dẻ, củ mỡ, khoai sọ, nấm hương, mộc nhĩ… Lại tới một hàng bán thịt nhuộm hoa hòe đỏ chót lẫn những mảnh tiết đen thái nhỏ. Người ta gọi đó là món ngầu pín. Toàn đàn ông ngồi ăn. Họ ngồi uống rượu từng bát. Tôi hỏi ông già có ăn hay không. Ông cũng lắc đầu. Lòng đầy thắc mắc, tôi hỏi:
- Ông ơi, sao là người vùng này mà ông lại không biết ăn mấy món đó?
Ông già cười:
- Cháu có biết tên ông là gì không?... Ông tên là Mộc. Thời trẻ ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, theo ông chú làm thợ mộc đi lang thang khắp vùng kiếm ăn. Người ta gọi ông là anh thợ mộc. Gọi mãi đến quen miệng, quên cả tê cha mẹ đặt cho. Ông ở trên này, lấy vợ người Nùng. Bà xinh xắn lắm, dệt vải giỏi nhất bản. Ông với bà có hai đứa con. Hai năm sau chiến dịch biên giới, Tây càn giết sạch dân bản. Ông đang săn thú trong rừng nên thoát chết. Từ đó, ông cứ ở một mình, không lấy ai nữa. Từ ngày hòa bình, ông cũng chưa về thăm quê. Quê ông ở Kẻ Sặt. Chắc các cháu cũng chưa tới đó bao giờ?...
Tôi thú nhận:
- Vâng. Cháu chưa lần nào được ra khỏi thị trấn quê hương. Xa nhất cũng chỉ là quê ngoại, cách thị trấn mười lăm cây số.
Ông già Mộc nói tiếp:
- Ở vùng này lâu nhưng ông vẫn không quen được với nhiều món ăn của dân địa phương. Đặc biệt là món thắng cố và ngầu pín. Còn thịt thú rừng biết làm thì ngon lắm. Khi nào săn được, ông sẽ nấu nướng cho các cháu ăn.
Ông dắt chúng tôi dạo qua dãy hàng xén, mua kim chỉ, rất nhiều chỉ màu, phấn viết bảng, giấy viết và bút mực. Ông còn mua cả hai chiếc khung thêu bằng nhôm tròn. Ông mua cả một lô những chiếc vòng đeo tay đủ màu sắc. tôi kinh ngạc hỏi:
- Ông mua đem về bản bán lại hay sao?
Ông cười:
- Ờ, bán lại cho hai cháu.
Ông mua cho chúng tôi hai bộ quần áo hoa nữa, tuy đường may vụng nhưng vải láng rất dày và mịn. Sau đó, ông đưa chúng tôi sang dãy hàng bán cá mắm, mắm tôm, nước mắm khô, cá tép khô… Ông mua mỗi thứ một cân, đựng đầy cái bị cói mà ông rút trong tay nải ra. Đến lúc này, tôi mới hết ngỡ ngàng. Ông già Mộc đích thực là một nông dân vùng đồng bằng. Dẫu đã xa quê mấy chục năm ròng, ông vẫn không thể quên những món ăn quen của thời thơ ấu.
- Nào, hai đứa còn muốn ăn gì nữa không?
Ông hỏi chúng tôi khi đã ra khỏi khu chợ ồn ào, lấm bụi.
- Không, không, chúng cháu no căng bụng rồi ạ.
Tôi vội vã trả lời. Tuy vậy, ông vẫn đưa chúng tôi vào cửa hàng giải khát, gọi nước bát bảo lường xà uống rồi mới lên đường về bản.
- Ông ở có xa không ông?... Đi bộ mấy giờ thì đến nhà – Loan hạt mít hỏi.
- Cũng không xa lắm. nhưng đối với đôi chân của hai cháu thì khá xa đấy. Mình cứ đi chầm chậm thôi. Tới đâu mệ, ta lại nghỉ. Chưa về đến nhà ngay thì ta ngủ nhà bạn. Ông có vô khối bạn bè ở các bản dọc đường.
Tôi cau mày mắng Loan:
- Chưa chi đã ngại xa… Đáng lẽ đằng ấy cứ ngồi bán quán cơm như cô Múi là tốt hơn cả.
Ông già Mộc sợ Loan dỗi nên vội vã gạt đi:
- Ái chà, đừng nói bạn như thế, Loan nó hỏi cho biết đường thôi. Nào, đi đi. Hết đoạn phố này, ông cháu ta sẽ rẽ xuống đường tắt. Đúng trưa, nắng gay gắt. Trời lạ im gió nên chúng tôi đã cởi hết áo bông mà vẫn còn thấy nóng. Thời tiết ở miền núi thay đổi như một kẻ trái tính trái nết. Tuy vậy, tôi vẫn bước phăng phăng. Núi non như gần lại phía trước. Đường chân trời cũng trở nên thoáng đãng, thân thuộc. Những con đường mòn quanh co, uốn lượn qua các sườn non, vắt qua những thung lũng sâu trông như dải lụa mềm. Cảnh trí tươi đẹp quá, khi ta có một người để thương yêu, để tin cậy. Ông già Mộc gánh gánh đồ nặng trĩu đi phía trước chúng tôi. Những bước chân ông rắn rỏi, đều đặn, không có một chút cố gắng nào. Tôi bỗng hình dung rõ ràng, ông là ông bụt hiện lên với cô Tấm trong truyện cổ. Ôi, thật kỳ diệu khi ta bỗng bắt gặp những ông bụt sống cùng ta trên mặt đất, giữa cây cỏ, dưới ánh mặt trời. Những ông bụt hiền lành, bình dị của đời thường. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét