Thứ Hai, tháng 12 31

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) CỖ OẢN TUẦN SÓC

Hơn một năm nay, cả làng M.H. ai cũng ái ngại cho ông Linh  Phúc. Nào phải là người ăn hoang làm biếng cho cam, ông ấy rất  tằn tiện và chịu khó làm việc, cả đời không dám tiêu hoang một  xu, cả năm không hề chơi không nửa ngày. Trước kia còn vợ, vợ  làm, chồng làm, tuy không thừa thãi, nhưng không đến nỗi phải đi  vay. Từ đầu năm ngoái, bà Phúc "về với tổ tiên" sau nửa năm nằm  liệt với bệnh hậu sản, mấy sào tư điền bán hết, vẫn chưa trang  xong số tiền thuốc và tiền ma chay, ông ấy mới mang công mắc nợ.  Kể ra số nợ của ông ấy vay cũng không lấy gì làm to. Nhưng ở  thôn quê, cái giống nợ lãi nó đẻ dữ lắm; một năm, một đồng thành  hai, còn là hạng thường, hơn nữa, có khi một đồng thành gần ba  đồng. Chỉ nuôi báo cô vài chục bạc nợ, hai bàn tay trắng của ông ta  cũng đủ nhược rồi, huống chi dưới nách lại vướng năm đứa con  mọn, đứa bé còn bú, đứa nhớn mới mười bốn tuổi. Cái thân gà sống mổ xổi, phỏng kiếm làm sao cho chúng đủ no. Sau khi bà vợ  mồ yên mả đẹp, ông ấy đã phải dứt tình cậy người nuôi giúp đứa  nhỏ và cho đứa lớn đi ở không công. Trong nhà chỉ để lại ba đứa  nhỡ. Bây giờ trong cái gia đình một bố ba con, hoàn toàn trông vào  một chiếc đòn gánh. Quê quán ông ta chẳng gần với chợ Xa à?  Hàng ngày, trời nóng cũng như trời lạnh, trời nắng cũng như trời  mưa, sáng ra, sau khi thổi nấu cho các con ăn, ông ấy liền vác luôn  chiếc đòn gánh xuống làng T.B. gánh thuê cho mụ hàng cháo một  gánh "cháo đúc" lên thẳng chợ Xa, chiều đến, lại từ chợ Xa đài về  bến đò Đ.C. cho bọn B.Đ. một gánh lá trầu hoặc các hàng vặt.  Đường đi cũng không xa xôi cho lắm, chuyến đi chừng năm cây số,  chuyến về độ sáu cây số. Mỗi ngày chỉ chạy mười một cây số, kể  còn nhàn hạ gấp trăm phu xe. Vả lại, gánh hàng của mụ hàng  cháo chỉ có nồi cháo và thúng bánh đúc, trọng lượng độ vài chục  cân, với sức ông ấy, cái sức quen theo chân trâu của người lực  điền, kể cũng chẳng thấm vào đâu. Độc địa là gánh hàng cho bọn  B.Đ. Hình như với ông Phúc, mấy mụ B.Đ. vẫn có mối thù tiền  kiếp, cho nên, hễ đã thuê đến ông ta gánh đưa, họ liền rủ nhau  dồn hai ba gánh làm một. Cái thúng của họ xếp trong quang, ít khi  để cho chiếc quang có chỗ bỏ trống. 

Ai bảo xương cứng, tôi xin nhất định cãi là xương dẻo. Bởi vì  mắt tôi đã thấy cái lúc ông Phúc xoay trần trùng trục để cho bên  vai đỡ chiếc đòn gánh đeo những thúng hàng của bọn B.Đ. thì cái  xương vai cong lõm hẳn xuống, chẳng khác một chiếc vòng cung để  ngửa. Kĩu kịt trên vai ông ấy, cái đòn gánh luôn luôn co lên, ẻo  xuống như con cá mè giẫy cạn. Mỗi khi đầu đòn gánh lướt xuống,  ấy là mỗi lần cái vai ông ấy lệch đi, cái cổ ông ấy rụt lại, cái mồm  ông ấy nhành ra, cái sườn ông ấy nghiêng sang một bên. Vậy mà  đôi chân ông ấy vẫn cứ nhon nhón bước rảo để đưa cái đầu cung  cúc cúi xuống đằng trước, y như con cuốc lủi trong ruộng lúa. Người ta bảo như vậy không phải là khỏe. Chỉ vì gánh nặng nên  phải đi thật nhanh, nếu đi chậm, có khi sẽ bị ngã gục xuống đất.  Xưa kia nghe người nhà quê mỉa nhau "vai u thịt bắp", tôi vẫn  không hiểu là gì. Bây giờ được thấy chân tướng cái vai ông Phúc,  tôi mới biết nó là một tiếng tả thực. Trời ơi, đôi vai mới lạ làm sao!  Nó giống hệt lưng con lạc đà, mỗi bên có một cái bướu lớn chừng  bằng quả soài tượng. Cố nhiên hai cái bướu ấy cũng đều bằng thịt.  Nhưng nó là thứ thịt cứng rắn, ấn không thấy lõm, bấm không  thấy đau, màu da xù xì và mốc thếch như da trăn gió. Ông Phúc  gọi nó là thịt thành chai và kể với tôi:

- Hồi tôi còn đi cày ruộng, hai vai cũng vẫn nhẵn nhụi như  vai các ông. Từ khi bắt đầu xoay sang cái nghề gánh mướn, vì chiếc đòn gánh đè xuống nặng quá, thớ thịt đầu phải giập nát vì  sưng u lên, lúc ấy đặt chiếc đòn gánh lên vai, người tôi thấy buốt  từ đầu đến gót, tưởng như chết điếng đi được. Vậy mà tôi cứ phải  gánh -nếu không gánh thì lấy gì nuôi các cháu -gánh đi độ vài thôi  đường rồi nó ê đi, không thấy đau nữa. Tôi tưởng thế nào nó cũng  nung mủ. 

Nhưng mà không, nó cứ việc sưng, tôi cứ việc gánh, trong vài  bốn ngày, chỗ sưng đét đi và lớp da ngoài dần dần dày lên, thành  ra hai cái bướu đó. Bây giờ hai cái bướu ấy rất có ích lợi cho tôi. Là  vì nhờ nó ngăn đệm ở giữa, chiếc đòn gánh không thể tì sát đến  xương, nên dù gánh nặng đến đâu cũng vậy, chỉ mỏi ống chân và  mỏi xương sống, chứ không bao giờ đau vai. Tôi hỏi đi gánh như  thế mỗi ngày ước chừng được bao nhiêu tiền. Ông ta lắc đầu và  đáp:

- Nào có được là mấy nỗi! Gánh cháo chỉ ba bốn xu, còn gánh  lá trầu, ngày nắng bỏng đất họ mới trả cho hào hai, hôm nào mát  trời chỉ được độ tám chín xu.

Thế là mỗi ngày ông ấy kiếm được chừng mười lăm xu. 

Bấy giờ vật giá còn hạ, với số tiền ấy, ông ta cũng đủ mua  ngô, mua khoai để nuôi năm cái dạ dày, tuy mỗi ngày vẫn phải bớt  ra mấy xu để góp lại mà trả lãi tháng cho người chủ nợ. Giả như  ông ta còn là hạng trai trong làng thì thôi, như thế cũng đủ để  sống mà chờ đàn con khôn lớn. Chết vì đầu năm đến giờ, ông ta lại  mới lên ngôi "ông trùm". Với thôn quê, ông trùm là hạng đàn anh  chiếu theo ngôi thứ mà thăng, không phải chạy chọt gì cả. Số ngạch ông trùm không có nhất định, nhiều ít tùy theo tục làng.  Thuở xưa, ông trùm tức là những người hợp với lý trưởng chủ  trương tất cả việc làm. Từ ngày thôn quê có cuộc cải lương, quyền  của ông trùm chỉ còn trong việc lễ bái, nhưng cũng vẫn tiếng là  hạng đàn anh. Ở làng M.H. tất cả có hai mươi bốn ông trùm. Lên  trùm tuy không phải khao dân làng, nhưng hàng năm cả hai mươi  bốn ông ấy phải chia lượt nhau mà sửa oản chuối cúng thần trong  hai ngày rằm và mùng một của mỗi tháng, người ta gọi chung là lễ  "sóc vọng". Vừa "vọng", vừa "sóc" mỗi năm có hai mươi bốn kỷ,  đáng lẽ mỗi người chỉ gánh một lần là đủ. Nhưng mà theo lệ làng  này, số oản mỗi kỳ cúng rồi, phải chia khắp từ già lão xuống đến  bàn nhất và các chức dịch, mỗi người một chiếc. Nghĩa là phải hơn 

trăm chiếc mới đủ. Như vậy, mỗi người sửa riêng một kỳ, e rằng  nặng quá, người ta mới định mỗi kỳ hai người. Bởi vậy mỗi người  một năm mới phải gánh lễ vọng hai lần. Ông Phúc là rốt "bàn trùm", lượt oản thứ nhất ông ấy phải sửa vào ngày mồng một  tháng sáu. Tôi tuy không phải là người làng M.H. nhưng đến trọ  học ở làng ấy và nhà trọ tôi lại ở gần nhà ông ta. Từ khoảng trung  tuần tháng năm, trong lúc lật đật đi vay tiền sưu, tôi thấy ông ấy  đã lo đến cái lễ "sóc" nó đương sắp tới sau lưng. Rồi đến hai mươi  tháng năm, suốt đêm trời mưa tầm tã, gió tây nổi lên đùng đùng.  Sáng ra, gió im, mưa tạnh tôi qua trước nhà ông ấy, đương thấy  ông ta hùng dũng đứng trên mái nhà, bốc những rạ lợp ném mãi  xuống đất. Tưởng là hôm qua nhà bị gió "chốc", tôi hỏi bằng giọng  chia buồn:

- Ông lợp lại nhà đấy ư? Trận gió ban đêm tai hại lắm nhỉ! 

Ông ta uể oải trả lời: - Không! Nhà tôi có bị "chốc" đâu, mà phải lợp lại! Tôi dỡ đi  đây!

Rồi, như hiểu sự ngạc nhiên ở trong đầu tôi, ông ấy nói tiếp: 

- Tuần sóc tháng sáu đến lượt tôi phải sửa oản ra thờ, nhà  không sẵn, vay không ai tin, tôi đành dỡ hai gian nhà làm củi để  bán lấy tiền mua gạo. Đáng lẽ tôi định để vài bữa nữa mới dỡ,  nhưng vì thấy trời mưa dầm, chắc là củi đắt, nên mới dỡ từ hôm  nay. Thôi thì túng kiết quanh năm, hãy cho qua cái lúc này. Bao  giờ trời cho mở mặt, bấy giờ lại làm nhà khác. Vả lại, có bốn bố  con, ở vào hai gian một chái cũng còn vừa chán. 

Vừa nói, ông ấy vừa dùng cái cưa xì xoẹt cưa đứt cây tre "cái  nóc", rồi rút nó ra và quăng xuống đất một cách giận dữ. Dưới nhà  nồi niêu, thúng mủng, bát đĩa, rổ rá, lổng chổng ở gian bên kia. Ba  đứa bé con to vo ôm nhau ngồi trên chiếc giường đầy những rác  cẵn. Tối ba mươi, vào khoảng nửa đêm, tôi tình cờ lại đi qua cửa  nhà ấy. Bấy giờ cái đầu nhà bị phá hai gian vẫn còn bỏ trống chưa  có bức vách. Nhưng mà trong nhà đèn thắp sáng choang. Lố nhố  dưới bóng đèn, tôi thấy độ hai chục người chia làm bốn tốp, vây  quanh bốn chiếc mâm gỗ đầy những thịt đậu đặt trên chiếc chiếu  sàm sạp trải ở mặt đất. Tiếng cười tiếng nói vui như ngày tết.  Người ta khen ông Phúc hết lòng lo việc thờ. Người ta bảo ông Phúc phá nhà bán củi, thật là một người tháo vát. Người ta tán  dương oản của ông ấy tốt và chuối của ông ấy mẫm. Rồi người ta thúc bách ông ấy đi mua lấy chai rượu nữa. Ba đứa bé con vẫn rau  ráu ngồi ở đầu thềm hình như chúng thiếu chỗ ngủ. Sáng mai ông  Phúc gặp tôi liền phô:

- Thế mà đêm qua nhà tôi cũng hết năm chai rượu và hơn  đồng bạc rau đậu, ông ạ. Cái nhà phá ra, bán cả tre, rạ được bốn  đồng rưỡi. Mua gạo, mua chuối hết non hai đồng, còn hơn hai đồng  chỉ vào bữa chén không đủ. Khốn nạn, tôi có muốn tốn làm gì. Bà  con có lòng chạy đến, không thể không được. 

Tôi hỏi:

- Bao giờ ông lại sửa tuần sóc thứ hai? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét