Thứ Hai, tháng 12 10

Ngô tất tố (VIỆC LÀNG) LỚP NGƯỜI BỊ BỎ SÓT

Hôm ấy, một hôm về cuối mùa đông, cách đây độ hơn mười  năm, trời xế chiều, tôi mới đến nhà cụ Thượng Lão Việt. Cái nhà  mới lạ làm sao! Nó là một túp lều tranh lụp xụp, đầy cảnh thê  thảm, nhưng lại có vẻ vui vẻ. ở gian bên này khách khứa tấp nập.  Người ta cười cười nói nói sốt sắng đợi hơi thở cuối cùng của ông  cụ già. Cụ Thượng nằm to vo trên chiếc giường tre trong gian bên  kia. Mặt cụ ngoảnh vào bức vách. Lưng cụ uốn gù con tôm. Bức  chăn dạ đỏ phủ trên mình đã hóa màu gạch non vừa vặn đậy kín  từ vai đến gối. Cái đầu trắng xóa và đôi bít tất thủng gót đeo ở cổ  chân đều bị để lộ ra ngoài. Cánh dại che ở trước cửa chỉ còn lơ thơ  vài nan. Gió Bắc tự do đưa mãi hơi lạnh từ ngoài sân vào vách.  Mấy cục củ tre nhóm trên đống trấu cạnh giường đã hết ngọn lửa,  khói đang nghi ngút tỏa khắp nhà. Cụ Thượng từ từ mở hai bàn  tay gầy guộc khoác nhau ở đằng sau gáy, nặng nhọc trở mình ra  ngoài, chào tôi bằng hai con mắt cảm động khi tôi rón rén ghé vào  giường cụ, và sẽ lên tiếng hỏi cụ. 

Biết bao nhiêu sự hối hận rung động lòng tôi! Nó trách tôi  đến thăm cụ muộn quá. Với cụ, tôi không phải là kẻ họ hàng thân  thích, hay người cùng tỉnh cùng huyện. Sở dĩ biết nhau chỉ vì một  chuyến tàu thủy chạy từ Hà Nội xuống Nam Định, chuyến tàu chở  dân lều chõng lần cuối cùng. Bấy giờ tàu cạn ở trên cửa Luộc, phải  dừng lại đó suốt hai ngày một đêm để chờ con nước. Trong lúc suốt  ngày đêm lênh đênh ngồi trên mặt nước để nghe những tiếng "dì  xế dì" và "xám xế xám" của bọn mạch nô đo nước, người ta dễ thân  với nhau, nếu đã cùng nhau ăn cùng mâm và nằm cùng chiếu. Nhờ vậy tôi mới trở nên người bạn của cụ, dù tôi kém cụ hơn ba  chục tuổi và không phải cùng làm một nghề với cụ. Cụ yêu tôi về  tính hoạt động. Còn tôi thì tôi trọng cụ ở chỗ từng trải, chất phác, có can đảm, không câu nệ, luôn luôn nhìn đời bằng con mắt lạc  quan, nhất là những lúc rung đùi mà cất chén rượu, cụ đã tỏ ra  người có chí khí. Bấy giờ, cụ đương buôn than, thường lên Hà Nội  mua hàng tải về Nam Định. Nhưng cụ cũng có biết chữ, chữ quốc  ngữ đủ để đọc báo, chữ Hán thì có thể hiểu những cuốn Tam quốc  chí hay là Chinh đông chinh tây. Sau mấy ngày tình cờ hội ngộ,  chúng tôi biệt nhau khi tàu cập bến Nam Định. Từ đó, tuy không  gặp nhau, nhưng mà hai bên vẫn có thư từ đi lại. Mỗi lần cụ đổi  nghề này làm nghề khác, đều có viết giấy cho tôi. ân hận hơn hết  là cái giấy mời tôi đến làng Lão Việt dự tiệc bảy mươi, cái tiệc  người ta ăn vạ cụ về tội dám sống đến bảy chục tuổi để là "cụ  thượng" làng ấy. 

Lúc ấy, tôi đã định đi, rồi lại ngần ngại không đi. Thế rồi, ba  năm sau, một bữa tôi nhận được một bức thư của cụ và tôi giật  mình đánh thót, khi coi đến mấy dòng này:

"Tôi nay sắp sửa từ giã cái làng Lão Việt, từ giã hết thảy  những yêu ghét trong khoảng bảy mươi năm trời. Gan ruột tôi đang bồn chồn không muốn ở lại một ngày nào nữa. Sở dĩ chưa  nhắm mắt được là vì còn mớ tâm sự muốn ngỏ với ông. Nếu lần  này mà không được gặp ông, thì cái tâm sự ấy, tôi đành đem xuống suối vàng để nói với lũ quỉ sứ..." Chao ôi! Một chữ bao nhiêu  đau đớn! Có lẽ cụ đã viết bằng nước mắt. Còn một lẽ nào để tôi  chậm sự lên đường trong vài giờ? Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên  khi thoạt bước đến trước cổng nhà cụ. Trong khu vườn xoan kề bên  cổng, người ta đã buộc một con trâu kềnh. Theo cái giá rẻ hồi ấy,  nó cũng đáng đến bốn chục bạc. Cạnh đó, một bó nứa khô, mấy  chiếc đòn tre, lổng chổng dựa vào gốc xoan và mấy bó rơm tanh  bành quẳng ở giữa vườn. Thoáng coi những vật liệu ấy, đủ thấy  một cuộc vật trâu đang được dự bị tại đó. 

Ngó vào trong cổng, một tòa rạp lớn nghênh ngang dựng ở  ngoài sân, mái cót còn chưa lợp kín. Dưới rạp giường, phản, bàn  ghế đã kê sẵn sàng. Nong bát, nong đĩa, chum đựng nước, cối giã  giò, rồi nồi ba mươi... không biết mỗi thứ là bao nhiêu cái, la liệt  bày khắp ngoài rạp. "Tội nghiệp! Cụ Thượng đã chết mất rồi! Con  cháu đã đương sắp đồ làm ma đây rồi! Mình không được nói với cụ  một câu nào, sao mà phụ phàng cụ thế?..." Với sự bùi ngùi ấy, tôi  bỡ ngỡ bước vào trong sân. Mấy chục con mắt đổ dồn vào tôi. Không ai biết tôi là người nào hết. Bởi vì tôi đến nhà cụ, lần này là lần đầu. Sau khi tôi tự giới thiệu, một người đàn ông, độ bốn mươi  tuổi, tươi cười bảo tôi:

- Rước ông vào chơi trong nhà! Ba bốn hôm nay hôm nào thầy tôi cũng nhắc đến ông.

Thì ra người đó chính là con trai cụ Thượng. Lúc đó tôi mới  biết cụ Thượng còn sống. 

Đưa tôi vào đến cạnh giường cụ Thượng, người ấy chỉ kịp rót  cho một chén trà nguội, rồi ông ta sấp ngửa chạy đi, coi bộ đương  bận rộn lắm. Cụ Thượng tuy đương ốm nặng, nhưng nó chỉ là bệnh  già, cũng như cái cây hết nhựa, chứ không có chứng gì khác. Vì  vậy tinh thần vẫn còn tỉnh táo. Tuy đã xa nhau đến gần mười  năm, mà khi thoạt nghe tiếng tôi, cụ liền nhận ngay ra tôi và cố  quay mặt ra chỗ tôi ngồi! Cái mặt mới đáng sợ chứ! Nó sạm như  ngả bùn, đôi mắt trũng hoáy, đôi má hóp lại, hai cái gò má dô lên,  người ta có thể ngờ là một chiếc đầu lâu, nếu không có đôi con  ngươi lóng lánh. "Sao mình không đi thăm cụ tự mấy tháng trước  để đáp tấm lòng ân cần của cụ trong mấy năm xa nhau? Bây giờ  đã đến thế này, cụ còn sức đâu mà kể với mình những điều cụ định  kể? Thật là mình đã phạm một tội lớn! Chính mình đã làm cho cụ  thấy áy náy trước khi từ giã cõi đời!... Tôi đang phàn nàn với tôi  như vậy thì cái bàn tay cẳng gà của cụ chờ choạng nắm lấy tay tôi.  Rồi cụ cất giọng rên rên như sắp đứt hơi:

- Đáng lẽ tôi sẽ im lặng mà chết, không thể nói thêm câu  nào, dù tôi vẫn muốn nói. Bởi vì luôn hai bữa nay người tôi đã hết  khí lực, không đủ sức để đưa câu nói ở trong miệng ra. Không hiểu  vì sao mới nghe tiếng ông, tự nhiên tôi thấy trong mình hơi mạnh  hơn trước. Có lẽ bây giờ tôi đã có thể nói nhiều với ông. Ngừng lại  giây lát, cụ tiếp:

- Tôi sẽ là người chết oan! Ông nên nhớ cho như thế!

Nghe đến câu ấy, tôi phải hết sức sửng sốt, nhưng vẫn cố giữ  vẻ bình tĩnh. Cụ vẫn ngập ngừng cất từng tiếng một:

- Đời tôi thế nào, ông đã biết rõ. Nhiều lúc tôi vẫn tự phụ: tuy  không thông minh, nhưng không đến nỗi ngu đần. Nhất là tôi  không lười biếng...

Xen vào đó, một tiếng thở dài, rồi cụ lại nói đều đều:

- Thật vậy, từ thuở mười bảy tuổi đầu đến giờ, tôi không chơi  không ngày nào, trừ ra những ngày đau ốm. Thôi thì cày sâu cuốc bẫm, buôn ngược bán xuôi, không quản ngại một việc gì cả. Có lúc  đã lên mỏ Hích lăn lộn với đám phu mỏ... Những việc tôi làm, bất  kỳ việc nào, tuy không phát đạt, nhưng không thất bại bao giờ,  chẳng lãi nhiều thì lãi ít. Vậy mà suốt đời nghèo xác, nghèo xơ, ăn  không đủ, mặc không đủ, cả nhà có một thằng con đành để nó dốt  nát. Ông bảo là vì cớ gì!

Tiếng cười nói ở gian bên kia làm cụ im đi một lúc như để  chờ câu trả lời của tôi. Lâu lâu cụ mới cắt nghĩa:

- Ấy là bởi gánh việc làng. Cái làng Lão Việt nhà tôi có thể  đại diện cho cả hương thôn già cỗi của nước Việt Nam. Vì nó là chỗ  để chứa hủ tục. Bất kỳ hủ tục nào, làng tôi đều có đủ cả. Vì thế mà  tôi suốt đời còm cọm, chỉ để đóng góp là vừa. Bây giờ tôi sắp nằm  xuống, lại sắp để lại cho thằng con tôi một cái gánh nặng. Những  sự linh đình ông thấy ở ngoài sân kia, sẽ là món nợ mà một đời nó  chưa chắc trả hết... Đuôi con mắt cụ bỗng có một giọt nước rỏ  xuống dưới chiếu, cụ cố nói cho ra giọng cứng:

- Hủ tục không phải là thứ thiên kinh, địa nghĩa, nó vẫn có  thể thay đổi, nếu phái trí thức để ý đến sự khai hóa cho dân quê.  "Nhưng vì chúng tôi là một lớp người bị bỏ sót trong lđá tre xanh,  con mắt của phái trí thức ít khi ngó tới. Bởi vậy, những cái tục lệ  quái gở, mọi rợ mới được tự do kế tiếp nhau, chồng chất lên vai  chúng tôi. "Nhiều lúc tôi muốn hắt cái gánh nặng ấy đi, nhưng sức  một mình không thể làm nổi, đành phải è cổ mà chịu. 

"Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một  gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây  giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan  uổng không? Vậy mà nó vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai  đả động đến nó. Lạ thay! Tôi ước ao rằng: sau khi tôi đã nhắm  mắt, ông sẽ đem những tội ác của nó mà phơi ra bóng mặt trời"...

Lúc này tiếng nói của cụ đã thấy nhỏ dần. Vì sợ cụ mệt, tôi  tạm cáo từ để ra chỗ khác. Gần tối, tôi lại tới đó. Cụ vẫn ngoảnh  mặt trở ra như có ý đợi tôi. Khi thấy tôi đến, cụ cố gắng sức đưa ra  những tiếng thì thào và rời rạc:

- Một nước giống như một cái xe bò, lớp trí thức là người làm  bò, lớp dân quê là người đẩy xe. Nếu kẻ đẩy còn bị những dây lệ  buộc chặt hai chân, thì kẻ làm bò tài giỏi bậc nào cũng không thể  kéo được cái xe bò lên dốc... Vì vậy... tôi chỉ mong mỏi các ông đưa  mắt đến chỗ bẩn thỉu, tối tăm... trong đá tre xanh".

Hết câu đó, cụ bỗng trợn ngược hai mắt, đờm ở trong cổ kéo  lên khè khè. Cả nhà nhớn nhác xúm lại. Cụ đã tắt thở. Cái lúc  trong nhà im lặng bỏ tiền và gạo vào miệng người chết, thì ở ngoài  vườn người ta cũng hò reo để vật con trâu. Từ lúc đưa đám tang cụ  Thượng, lời cụ vẫn văng vẳng bên tai tôi. Sau mười năm lang thang nay đây mai đó, tới đâu tôi cũng thấy chứng cớ về sự từng  trải và nỗi đau đớn của cụ. Cụ quả là người chết oan. Cho được an  ủi vong hồn của cụ, tôi phải minh oan cho cụ và cho những người  như cụ bằng thiên phóng sự này. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét