Một ngày hôm qua tôi thấy bác Hai Đắc đến nhà tôi trọ trước sau tới mười một lần: lần đầu tiên trời mới sáng rõ, lần cuối cùng chừng hết canh hai. Trừ ra lần thứ mười một vì tối quá, không thể trông rõ, còn các lần trước, tôi đều gặp bác. Lạ thay, lần nào cũng vậy, sau khi thấy nói ông chủ nhà tôi đi vắng, thì bác lập tức lật đật trở về với cái bộ mặt đầy vẻ sợ hãi. Hôm nay, trời còn mờ mờ, đã thấy tiếng bác vấm véo gọi cổng. Ông chủ nhà tôi cũng chưa về, nên bác không vào. Rồi cách một giờ sau, bác lại hoảng hốt chạy đến. Và vẫn bị thất vọng như lần trước, bác lại lủi thủi đi về bằng một dáng điệu cực kỳ buồn rầu. Với bác, tôi không phải là chỗ quen thuộc, vì trọ trong làng B.X. đã lâu nên tôi cũng có biết mặt, biết tên, hơn nữa tôi còn biết bác là người đần độn, hiền lành, nhà khá, có trâu cày, có ruộng cấy. Bởi vậy, nay thấy thái độ khẩn cấp của bác, tự nhiên tôi cũng để ý suy nghĩ. Và tôi đoán rằng: chắc bác đã phạm một tội quan trọng, nếu không chứa đồ quốc cấm, tất là lỡ đánh chết người. Nhưng mà tôi lầm. Nếu bác mắc phải một trong hai việc đó, thì từ hôm qua đến giờ, làng nước đã đồn ầm lên rồi, người ta đã gông cổ bác điệu lên quan rồi, khi nào bác được xổng xểnh chạy đi, chạy lại? Huống chi một người cẩn thận như bác, đời nào có thể xảy ra những việc ghê gớm ấy? Thế thì cớ gì bác phải tìm ông chủ nhà tôi gấp quá như thế? Trời cũng không thể đoán được! Bóng nắng đã đến nửa thềm, bác lại lù lù tiến vào trước sân giữa những tiếng sủa xô xát của đàn chó dữ.
- Cụ đã về chưa? Anh nhỏ!
Thằng nhỏ vì phải đuổi chó cho bác nhiều lần, nó cũng phải phát cáu với bác:
- Chưa về! Làm gì mà đến hỏi luôn thế! Chỉ quấy rầy! Bác giả vờ như không nghe tiếng và lại quay mặt trở ra, toan đi. Vì muốn rõ cái chuyện cấp bách của bác, tôi cố gọi bác vào trong buồng học và hỏi:
- Bác tìm cụ Chánh có việc gì mà kíp như vậy? Nói cho tôi biết, xem tôi có giúp được chăng?
Bác cám ơn tôi và đáp:
- Chỉ có cụ Chánh họa chăng mới cứu được tôi. Nếu hôm nay mà cụ không về, thì tôi đành phải ngồi tù. Rồi, như trong bụng nóng nảy không thể ngồi yên, bác lại đứng dậy toan ra. Tôi phải an ủi, giữ bác ở lại để hỏi cho hết câu chuyện. Nể tôi quá, bác lại nén lòng ngồi xuống và kể đầu đuôi cái nạn phi thường của mình.
Thì ra trưa hôm kia, làng ấy làm lễ "thượng điền". Đó là cái lễ để trình với vua Thần nông và các cụ tiên nông trong làng đời xưa biết rằng: làng mình cày cấy đã xong.
Cũng như lễ "hạ điền" cử hành trong khi bắt đầu cắm cây lúa xuống ruộng, lễ này tại các thôn quê làng nào cũng có. Bởi vì làng B.X năm nay trời cho mưa nắng thuận hòa, suốt một vụ cấy, không nhà nào phải tát một khau nước nào, hơn nữa, hễ cấy đến đâu lúa cứ xanh tốt ngùn ngụt đến đấy, không cần phân tro gì hết. Người ta tin rằng nhờ có quỷ thần ủng hộ mới được như thế. Cho nên, nhân ngày "thượng điền" làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui. Trong khi cúng tế, thịt lợn để nguyên cả đãnh, lòng lợn cũng để nguyên cả giàn, nhưng phải thái lấy tám bát đủ cả dồi, tim, gan, phổi, lá lách, dạ dày, để bày vào mâm xôi thờ, người ta gọi là lòng thờ. Tế xong, đồ lễ hạ xuống, phận sự bốn người "bàn hóa" phải giữ công việc làm cỗ. Theo lệ làng, phần của trai làng chỉ có xôi thịt. Ngoài ra sỏ lợn, lăm lợn, nhỡn lợn, mũi lợn, rồi móng chân lợn và khấu đuôi lợn đều phải để làm phần biếu, để biếu từ cụ Chưởng lễ đến ông bàn nhì. Còn riêng tám bát lòng thờ thì phải để kính tám ông trên nhất có ra lễ thánh trong lúc cúng tế. Vì vậy, số lòng lợn ấy lại có biệt hiệu là "lòng mũ áo". Bác Hai Đắc mới lên "bàn hóa" từ đầu năm nay. Trong bữa "việc làng" hôm kia, bác cũng dự một chân làm cỗ. Công việc thái thịt, bày thịt cho phần trai đinh, sức bác làm dư đi rồi. Rắc rối cho bác, chỉ có cái số phần biếu. Thể lệ kính biếu, không phải chỉ nói bằng miệng mà thôi. Ông nào được biếu thứ nào, đã có sổ sách biên chép rõ rệt. Cuốn sổ ấy có chữ cả làng ký kết, lại có trình quan trên duáệt y, nó là một pháp luật của làng, không ai được phép thay đổi. Một người "bàn hóa" biết chữ, khi chia phần biếu có thể giở sổ mà coi. Nhưng với những người không biết chữ nào, ít nhất cũng phải tập sự hai năm mới thuộc, bởi vì một năm chỉ được học việc có bảy tám lần mà thôi. Bác Hai Đắc không biết chữ gì, và lên bàn hóa mới già nửa năm, cố nhiên bác không thể thạo được chức vụ. Tuy vậy, hôm đó nhờ có ba người tuổi trên cáng đáng, cho các phần cũng không lầm lẫn. Khổ cho bác, chỉ tại một "xâu lòng thờ" của cụ Chưởng lễ. Hôm ấy cụ Chưởng lễ có ra chủ tế, phần cụ phải có một xâu lòng thờ là dĩ nhiên rồi. Tế xong cụ cũng mũ áo lễ thánh như các ông khác, theo lệ, cụ lại được hưởng xâu nữa. Bác Đắc không hiểu lệ đó, chỉ để phần cụ một xâu. Đến khi thằng nhỏ đệ phần vào nhà, cụ Chưởng lễ kiểm lại số thịt thấy thiếu, tức thì cụ sai đầy tớ gọi bác đến nhà, ghép bác vào tội tự nhiên cất phần của cụ, và bảo cho bác biết rằng: việc ấy cụ đã nhất định đưa lên quan xét, rồi cụ sai đuổi bác ra, không cho nói thêm câu nào. Mấy lần bác đã cậy người xin giúp, đều không đắt nhời. Bây giờ chỉ còn một cách nhờ cụ Chánh Cựu - tức là ông chủ nhà tôi - nói đỡ. Xưa nay cụ Chưởng lễ vẫn nể cụ này, nếu như cụ này chịu giúp cho bác, họa may bác được thoát nạn... Vì thế bác phải khẩn cấp đi tìm ông chủ nhà tôi. Nói đến đây, thấy bác rơm rớm nước mắt và thêm:
- Năm xưa một người bàn hóa cũng đánh mất phần của cụ Chưởng lễ, và bị cụ ấy đi kiện. Hai bên vật nhau từ huyện lên tỉnh lại sang Hà Nội. Rút lại, người bàn hóa đó tốn kém đến gần nghìn bạc mà vẫn bị phạt một đồng. Ấy là anh ta nhà giàu, biết lý luật, lại biết tòa nọ, sở kia, còn không chống nổi cụ ấy. Huống chi như tôi, tiền không có, từ thuở mẹ đẻ đến giờ không đến cửa quan bao giờ... nếu bị kiện, mười phần chắc phải ngồi tù cả mười. Rồi bác gạt nước mắt đứng dậy.
Ngoài sân nghe có tiếng giày sền sệt kéo trên mặt gạch. Ông chủ nhà tôi đã về. Bác Hai Đắc vội vàng nép vào cây cột gần đó, và vái một vái cực kỳ cung kính. Ông chủ nhà tôi điềm nhiên đi vào trong nhà. Sau khi bỏ khăn và cởi áo ngoài treo lên đinh cột, ông ấy ghé vào chỗ tôi, vớ lấy cái điếu, châm lửa hút thuốc. Chờ cho ông ta thở hết hơi khói trong miệng, bác Đắc khúm núm đi ra trước chiếc phản ngựa, thụp xuống lễ luôn hai lễ.
Ông chủ nhà tôi có vẻ ngạc nhiên và hỏi giật giọng:
- Mày làm cái gì thế, Đắc?
Bác Đắc với bộ lưng khom khom như hình con tôm, chắp tay đứng ở ngoài thềm, nước mắt chảy ra giàn giụa:
- Lạy cụ, xin cụ cứu con...
Ông chủ nhà tôi vẫn một giọng sửng sốt:
- Mày làm sao?
Bác này như líu lưỡi lại:
- Lạy cụ cứu con!
Ông chủ nhà tôi phải gắt:
- Nhưng mà cứu cái gì chứ? Thằng này điên à?
Bác Đắc đứng bên cửa vừa mếu vừa kể cho ông ấy nghe việc đánh mất phần của cụ Chưởng lễ và bị cụ ấy đe kiện. Ông chủ nhà tôi nhìn tôi, và cười tủm tỉm:
- Cái phái tổng lý chúng tôi có gớm hay không?
Rồi ngoảnh sang nhìn bác Đắc, ông ấy lại gặng:
- Bây giờ mày bảo tao đi lạy mướn cho mày à?
Bác Đắc chỉ nằn nì mãi một câu:
- Lạy cụ, xin cụ cứu con!
Ông chủ nhà tôi ngần ngừ một hồi, rồi đáp:
- Nói với con mọt già ấy khó lắm, phi tiền không xong. Nhưng cứ về đi, lát nữa tao đi cho. Chiều lại đây, công việc thế nào tao bảo.
Bác Đắc sung sướng vái chào chúng tôi rồi ra. Mặt trời tà tà, ông chủ nhà tôi khăn áo chỉnh tề ra đi. Một lúc lại thấy trở về và nói với tôi:
- Tôi đã biết mà. Lão Chưởng lễ làng tôi đểu lắm, cái gì cũng tiền. Tôi đến nói hộ thằng Đắc, lão ta nhất định đòi hai điều này:
một là thằng Đắc giết lợn mời làng tế thánh để lấy một xâu lòng thờ biếu hắn; hai là nó đền cho hắn trăm bạc. Mà hắn đã nói một trăm, ít ra cũng phải sáu chục mới xong. Ấy ở nhà quê khó thế, ông ạ! Có của đã chắc giữ được mà ăn đâu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét