Thứ Năm, tháng 5 30

Săn cá thần ( truyện dài ) chương 1

Trong một lần đang chán đời, cả nể, tôi theo một thằng bạn đi câu cá, thế rồi từ ấy đời tôi rẽ sang một lối khác, theo một cách thức không ai ngờ. Câu chuyện rất dài, nếu bạn là người thiếu kiên nhẫn, tôi khuyên bạn không nên đọc tiếp, thật lòng đấy.
Vốn dĩ tôi cũng chẳng phải là người kiên nhẫn, vì thế suốt mấy năm đi làm cho một công ty tư nhân, tôi thường phát điên lên với những bản báo cáo, những con số, những công việc không tên linh tinh, tôi trở nên dễ cáu kỉnh với đồng nghiệp, kể cả với sếp. Dễ hiểu là con đường hoạn lộ của tôi hầu như vô vọng. Đôi lúc tôi thực sự không biết loại công việc gì trên đời là phù hợp với mình, hoặc điều gì có thể khiến mình say mê lâu dài. Tôi cũng chẳng có thú vui gì đáng kể, ngoài đọc sách.
Cuộc sống cứ như một giấc mơ vậy, lúc tỉnh ra thì đã quá muộn. Một ngày kia tôi chợt nhận ra mình đã là một tay cạo giấy quèn vật vờ như bao kẻ khác, đã là một gã đàn ông có vợ và một cậu con trai nhỏ lên sáu tuổi.Cậu con trai bắt đầu vào học lớp một đúng lúc nền kinh tế thế giới suy thoái, công ty tôi sa sút theo, thu nhập của tôi trở nên thảm hại. Cuộc sống vợ chồng nói chung thi thoảng cũng có lúc cơm không lành canh chẳng ngọt, âm ỉ như vỉa than cháy ngầm, nhưng gặp lúc kinh tế khó khăn thì nó được thể bùng lên thành những đám cháy mà chẳng ai buồn dập tắt. Dường như từ lâu, trước khi lấy nhau, vợ tôi đã lờ mờ cảm nhận được rằng bản chất tôi là một kẻ sống bên lề, nghĩa là tôi hiện diện ở đó, nhưng hồn tôi lại ở một nơi nào đó có trời mới biết được. Tôi không nhiều tham vọng, không cầu tiến, không máu làm giàu, cũng không rượu chè cờ bạc gái gú. Tôi đơn giản chỉ là một kẻ tẻ nhạt nhất trên đời.
Thế rồi một ngày nọ, thằng bạn tôi rủ đi câu cá ở sông Thiêng mãi tận một huyện nào đó xa xôi vùng Tây Bắc. Đang lúc cãi cọ với vợ, tôi gật đầu liền, vì mọi chuyện nói chung cũng chẳng thể tồi tệ hơn được nữa. Tôi lên công ty xin nghỉ nốt những ngày phép quý báu rồi về nhà vớ vài bộ quần áo, nhắn tin cho vợ: Anh đi công tác vài ngày, có gì về nói chuyện sau. Thế là lên đường.
Thằng bạn tôi làm kinh doanh, có công ty riêng, nó nhanh nhẹn hoạt bát, khá thành đạt, đi với nó thì không bao giờ phải lo chuyện tiền nong. Tên nó là Tú, mọi người gọi là Tú khỉ, vì nghe đâu nó thuộc dạng “hầu tướng” hay quý tướng gì đấy. Quả thực trông nó giống con khỉ đột thật! Được cái thằng này nhiệt tình với bạn bè không ai bằng. Gọi điện cho tôi nó suồng sã: “Đi câu với tao khỏi lo, tao bao từ A đến Z, ăn ở ngủ nghỉ ị đái phịch phặc thích gì cũng chiều, mà có khi mày lại học được chữ Nhẫn, ủ mưu về khéo lại làm được chuyện nhớn cũng nên, tóm lại câu cá hay lắm, cũng như câu gái ấy!”
Nó đánh xe đến đón tôi đầu ngõ, chiếc xe 7 chỗ màu bạc quen thuộc. Cửa mở ra, thấy bên lái phụ một em sành điệu con hàng hiệu, kính mát đen sì che hết khuôn mặt. Tôi mở cửa ghế sau, thấy một em nữa cũng gần y hệt em kia tươi cười nhìn tôi, nước hoa thơm lừng. Thôi xong! Tôi nghĩ bụng, câu kéo đéo gì, lại gái mú rồi!
Tôi mỉm cười đáp lại em ghế sau. Tú khỉ lấy ngón trỏ kéo kính mát xuống nháy mắt với tôi rất đểu cáng, ra dáng tay chơi thứ thiệt. Bố khỉ cái thằng! Nó dấn ga, chiếc xe chồm lên thẳng hướng quốc lộ 6.
Em ghế trước tên Nhung, em ghế sau tên Hằng, là đôi bạn thân, thằng Tú khỉ giới thiệu một cách cầu kỳ vòng vèo sao đó. Tôi ừ hữ, chả mấy quan tâm, nghĩ bụng chắc lại hàng họ chuyên cặp kè đại gia đây. Tôi đang chìm dưới hố, chỉ muốn được ở yên dưới đó, không buồn muốn biết phía trên kia có chuyện gì xảy ra nữa. Hình như tôi cũng cố tỏ ra lịch sự, hỏi han qua loa hai em cho phải phép, rồi sau đó úp cái mũ lưỡi trai vào mặt. Ngủ, tôi muốn ngủ một giấc dài, không bao giờ tỉnh dậy nữa.
***

Sông Thiêng bắt nguồn từ đâu đó mãi vùng Thượng Lào, nó chảy sang đất Việt Nam vài trăm cây số, sau đó quay trở lại Lào, rồi nhập vào sông Nậm Ou – một trong những dòng sông thuộc lưu vực sông Mê Kông. Một nhánh khác của Sông Thiêng tách ra, thông với sông Mã, và chảy xuôi về Biển Đông. Chính hệ thống sông ngòi chằng chịt phức tạp, cộng với địa hình hiểm trở, đã tạo ra nhiều ghềnh thác ngoạn mục bất ngờ, nhiều vực nước xoáy âm u kỳ bí, và thêu dệt nên những câu chuyện khó tin. Tú khỉ vốn là thành viên lâu năm của một câu lạc bộ dã ngoại, chuyên lọ mọ rừng rú câu cá, săn bắn. Cách đây vài tuần, dân bản xứ ở sông Thiêng gọi điện cho Tú khỉ, báo tin rằng ở ngay gần biên giới, một con cá to khủng khiếp đã xuất hiện trở lại sau nhiều năm biến mất, dân ở đó gọi là cá thần. Nghe nói nó có tuổi thọ lên đến vài chục năm, cách đây vài nó năm đã từng nuốt sống hàng chục con chó của dân bản trong vòng một tháng. Thậm chí ngay cả những con bê và nghé non theo trâu bò mẹ mon men ra bờ sông uống nước cũng bị nó đớp chân lôi tuột xuống sông. Tóm lại, nó giống như một con quái vật hơn là một con cá thần.
Có một điều khó hiểu, là không ai xác định được nó là loài cá gì. Cá sấu cũng không phải, cá chiên không, lăng cũng không. Giả thiết cá hô sông Mê Kông ngược lên cũng bị loại bỏ. Cá lóc bông gấm khổng lồ, một loài lai tạp nửa trăn nửa cá chuối, một loài cá dữ ăn thịt phổ biến ở Thái Lan và Lào, cũng bị loại bỏ. Theo những người dân ở khu vực khúc quanh dòng sông, nơi vực xoáy mà con “cá thần” trú ngụ, thì con cá này có cái sống lưng to như con trâu mộng, dài dễ đến ba mét, có lần nó nổi lên trúng thuyền nan đò ngang, làm lật thuyền, nhưng may mắn là lúc đó không có khách, và tay lái đò thạo sông nước, bơi giỏi, nên thoát chết.
***

Khi chúng tôi đến nơi, trời tờ mờ sáng, khắp mặt sông phủ một lớp sương lơ lửng, có vẻ đầy bí ẩn và nguy hiểm. Nhưng thú thật là tôi chẳng cảm thấy gì. Tôi vốn không tin vào những lời đồn đại. Mặt khác, tôi đang thờ ơ với tất cả, có lẽ ngay cả với cái chết.
Đúng như tôi dự đoán, hai em kia là “hàng họ” mà Tú khỉ bỏ tiền ra mua đứt một tuần đi phượt cùng hai thằng tôi. Tú khỉ định nghĩa từ “phượt” nghĩa là đi chơi lượt phượt và phịch gái. Giờ đây tiếng lóng phát triển nhanh đến chóng mặt, chỉ vài ngày không ngồi quán nước, bạn đã có thể không hiểu thiên hạ nói với nhau chuyện gì nữa rồi. Đêm trước ở khách sạn, trong một thị tứ nào đó bên đường, mặc dù rất mệt mỏi nhưng tôi cũng cố làm chuyện đó cho xong. Công bằng mà nói, em Hằng đó khá xinh, cao ráo, người ngợm đâu ra đấy. Mà chẳng biết có phải tên Hằng thật hay không nữa, quan trọng quái gì, khi nào về đến Hà Nội là gặp nhau làm ngơ ngay thôi. Nhưng lúc ấy tôi chẳng nghĩ xa đến thế. Ừ thì Hằng, chị Hằng ngồi gốc cây đa, còn tôi là chú Cuội. Bạn không cần biết tên tôi, cứ gọi tôi là Cuội, và cứ coi như đây là một câu chuyện phét lác để giết thời gian.
Tú khỉ lôi đồ nghề câu cá trong cốp xe và trên nóc xe ra, hắn đúng là một tay chuyên nghiệp. Những cây cần bóng láng và đủ thứ máy móc, trị giá bằng cả một gia tài. Hai chiếc xuồng Kayak được bơm hơi lên, lều trại dựng ra, rồi áo phao chuyên dụng. Hắn nói thao thao bất tuyệt, giảng giải về công dụng và cách sử dụng từng món đồ. Hai em gái há hốc mồm ra nghe như nuốt từng lời, tôi lơ đãng châm thuốc ngắm những dãy núi hùng vĩ xa xa. Tôi bỗng có ý nghĩ loài người thật là nhỏ bé, ngớ ngẩn, và tất nhiên là rất phù phiếm.
Tôi đã ba mươi sáu tuổi đầu, sắp tứ tuần đến nơi, vậy mà tôi vẫn có cảm giác như chưa thực sự bắt đầu một cái gì. Hãy nhìn Tú khỉ, thằng bạn tôi, ở nó toát ra vẻ sành sỏi trải đời, đầy tin cậy. Không chỉ gái, mà tất cả những kẻ khác khi ở bên nó đều cảm thấy được an toàn, và mọi thứ đều là có thể. Dường như nếu muốn, nó có thể mua đứt cả con sông này bằng một dự án thủy điện, hoặc điên rồ hơn, nó có thể đem xe tải mang tiền đến đổ xuống sông cũng đủ thành một con đập vậy.
Đấy, nó khiến cho tôi có những ý nghĩ buồn cười vậy đấy. Giờ nó đang lúi húi dựng lều cho cả bọn, hai cô gái thì chuẩn bị bữa sáng. Đã cuối thu đầu mùa đông, buổi sáng khá lạnh. Vào mùa này chúng tôi sẽ không lo những trận lũ quét hay lũ ống, cũng không lo cái nắng đổ lửa thiêu đốt, hoặc những cơn gió Lào thổi qua. Đây là cái mùa dễ chịu nhất trong năm, để đi câu cá và hưởng thụ, như thằng bạn tôi nói, bên người đẹp chân dài.
Nhưng sao tôi chỉ cảm thấy trống rỗng, vô nghĩa.
- Ê ông kễnh! – Thằng bạn tôi gọi – Đi giúp các em kiếm củi khô về hâm nóng đồ hộp rồi đun nước pha cà phê, có mang theo cồn khô, cả bếp gas du lịch nữa, nhưng tập sinh hoạt theo kiểu bộ lạc bầy đàn đi xem nào, mày lười quá đấy!
- Bày vẽ rách việc! – Tôi càu nhàu, nhưng rồi cũng đi loanh quanh vơ một đống củi khô mùa lũ còn sót lại khắp nơi, trên những bụi cây ven bờ sông.
Theo dấu vết để lại, cơn lũ khiến nước sông dâng cao dễ đến dăm mét so với hiện tại, có thể dễ dàng hình dung sức hủy diệt của nó thật kinh hoàng. Những tảng đá to bằng cả gian nhà bị cuốn trôi về đây, nằm la liệt, mắc kẹt lại giữa khe núi. Những thân cây cổ thụ bị quăng lên khe đá, chồng chéo, và cây cối hai bên bờ bị cuốn trôi sạch, trơ đất đá, một số ít sống sót thì phủ đầy rác rưởi, bùn đất.
Chúng tôi tập kết ở một doi cát khá bằng phẳng, có những bụi cây dại thưa bao quanh, cạnh một tảng đá lớn nhẵn thín, mọc sừng sững, có lẽ nó ăn liền với dãy núi đá và đã đứng đó hàng trăm năm, chịu mọi thử thách bão lũ. Theo hướng dẫn của Tú khỉ, tôi nhóm lửa sát tảng đá, tránh gió tạt, đồng thời hơi nóng ám vào tảng đá sẽ sưởi ấm chúng tôi rất lâu sau khi lửa tắt.
Hai cô gái bày bánh mỳ ra những chiếc đĩa giấy, họ trải một tấm bạt lớn ngoài trời. Giờ tôi mới để ý, khi không son phấn trông họ khá nhợt nhạt, dưới cái lạnh vùng núi. Tôi không rõ lắm về thế giới của gái gọi, nhưng có lẽ trên đời này chẳng có cái gì gọi là điển hình. Báo chí thì ngược lại, luôn biết cách biến những cô gái như thế này thành một thứ mẫu số chung, phổ biến, cho đám độc giả hiếu kỳ đọc ngốn ngấu. Sự thực thì em Hằng cũng có làm một công việc quái gì đấy mà tôi vừa hỏi xong đã quên béng mất, cũng có lương hẳn hoi, nhưng nhà thì phải thuê (cùng em Nhung). Em Nhung thì lại làm cho một vài công ty du lịch nào đó, hình như em này khoe học du lịch ra, nghe có vẻ rất hợp lý. Duy chỉ có điều, tôi chưa buồn hỏi một ngày đi khách của các em bao tiền, chuyện đó Tú khỉ lo, không đến lượt tôi. Mà ai lại hỏi thô lỗ thế bao giờ.
Đêm trước, em Hằng phục vụ tôi rất nhiệt tình, chuyên nghiệp. Thế nên mặc dù đang rất chán đời và mệt mỏi, thằng cu của tôi vẫn cứ hoàn thành xong nhiệm vụ. Vậy mà khi bắt đầu, tôi đã lo là nó sẽ không thể hứng lên nổi nữa kia. Như đã nói, cô gái khá đẹp, ăn mặc và trang điểm gợi tình, có thể khiến một cụ già trong quan tài bật dậy. Tôi không phải một ông già, và hình như cũng chưa chán đời đến mức muốn chết.
Hai cô gái đến bên đống lửa sưởi ấm, khuôn mặt họ ửng hồng. Tôi giữ thái độ im lặng, chăm chú xem xét những hộp thịt sao cho chúng khỏi bị tràn ra và cháy xém. Mùi thơm rất hấp dẫn. Mùi củi cháy và thịt hộp, cộng với mùi nước hoa gợi tình từ hai cô gái.
Tốt thôi, với gái thì ta chẳng tốn công à ơi hay làm bộ làm tịch, ngứa mắt thì thậm chí có thể chửi mắng và đuổi cổ thẳng thừng. Thú thật là tôi hơi bất ngờ khi thấy hai cô gái này trong xe thằng Tú khỉ, cứ ngỡ là chỉ có hai thằng với nhau đi câu cá, gọi là lấy cái cớ để suy ngẫm lại về những vấn đề của mỗi thằng, theo kiểu rất tao nhã chay tịnh. Ai dè!
Khi chỉ có đàn ông với nhau, câu chuyện sẽ rất khác. Chắc chắn Tú khỉ sẽ bớt ba hoa xích tốc về mọi thứ trên đời, bớt khoe mẽ và hài hước rẻ tiền, theo cái kiểu như nó đang thể hiện bây giờ. Còn tôi, có lẽ tôi sẽ mở mồm ra than vãn đôi chút, về cái tình cảnh của mình. Nhưng mọi chuyện giờ khác hẳn, xôi thịt và trần trụi, cá thì như một con quái vật, đâu có cảnh tao nhã như trong bài thơ Mùa thu câu cá của cụ Nguyễn Khuyến!
Hai cô gái hỏi gì đó, khiến tôi dứt khỏi dòng suy ngẫm. Trong một thoáng, tôi không nhớ tên và phân biệt được em nào với em nào.
-Em hỏi gì ấy nhỉ? – Tôi hỏi lại.
-Anh định nướng thịt hộp thành than à? – Một em đáp.
-À anh không để ý. Mùi khét quá à? – Tôi lơ đãng nói và nhấc những hộp thịt ra.
Tú khỉ đã dựng xong lều, đang rửa tay ở bờ sông, nó đang bắt đầu quay trở lại với dáng đi lòng khòng như đười ươi. Ngày xưa bọn tôi gọi nó là Tú béo thịt chó, vì nó rất thích ăn thịt chó, lại to béo, đi đứng khệnh khạng như sa đì. Tôi cũng không hiểu tại sao nó lại thân với tôi nhất, như thể nó bị tôi át vía vậy. Mà tôi thì có cái vẹo gì đâu cơ chứ!
-Bụp thôi, đói quá rồi – Tú khỉ hú lên một tiếng rồi vỗ tay vào mồm bôm bốp, bắt chước điệu bộ khỉ, làm hai em kia cười ré lên.
-Mày không cần làm trò cũng khỉ lắm rồi cu ạ – Tôi lẩm bẩm.
-Chết cười với mấy anh này! – Một trong hai em nói, rồi cả hai tiếp tục cười rũ rượi.
-Mày vui vẻ lên tí xem nào! – Tú khỉ cười nhăn nhở – Làm gì mà cứ quàu quạu thế hả?
Tôi nhún vai không nói gì, xúc thịt hộp phết vào bánh mỳ, nhai nhồm nhoàm. Sương mù vẫn giăng giăng trên mặt sông. Tán rừng già bên kia vách núi lờ mờ hiện ra. Tiếng thác nước réo phía xa ầm ầm vọng về. Vẫn chưa thấy tia nắng nào xuyên qua được mây mù và núi cao. Dân cư ở đây cũng thưa thớt, từ lúc đến tôi chưa bắt gặp bóng dáng ai. Con đường vành đai biên giới trải đá hộc và những con đường mòn um tùm lau lách, những vết dao trên thân cây sung gần bờ sông, đó là tất cả những gì báo hiệu rằng nơi đây có sự hiện diện của con người. Khu vực này từng là điểm nóng buôn lậu ma túy trong nhiều năm. Năm ngoái, lính biên phòng và đám buôn ma túy có một trận đấu súng nảy lửa, đám kia bị tiêu diệt gần hết, một số chạy thoát sang Lào, biệt tăm. Một lúc nào đó trên đường đi, Tú khỉ đã kể những chuyện ấy. Lúc đó tôi không mấy để ý, chỉ nghĩ bụng chắc hắn phét lác định dọa rồ mấy em kia là chính. Nhưng khi nhìn thấy địa hình khúc sông với những núi non hiểm trở này, tôi nghĩ những thông tin đó có lẽ là xác thực.
Lúc bữa sáng kết thúc, trời vẫn âm u sương khói, tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu gì sẽ hửng nắng. Tú khỉ lẩm bẩm chửi đổng câu gì đó rồi bắt đầu chuẩn bị mồi câu. Hai cô gái kia dọn dẹp đống rác, những thứ còn lại của bữa sáng. Tú khỉ bắt cất đi những vỏ lon đồ hộp và nilon, nó bảo để mang về thành phố vứt vào thùng rác. Tôi khá ngạc nhiên, kín đáo ngó vẻ mặt của Tú khỉ, trông thái độ nó rất nghiêm chỉnh, không ngờ một thằng ba bựa như nó mà lại có ý thức về việc bảo vệ môi trường đến thế.
Tôi rót cà phê ra mấy cái cốc giấy, mở nắp hộp sữa, pha cà phê sữa cho hai cô gái, còn tôi và Tú khỉ uống cà phê đen pha đường. Tú khỉ rất kén cà phê, nó hay rủ tôi la cà những quán cà phê vỉa hè Hà Nội, hai thằng thường ngồi nhâm nhi ly đen đá đọc báo, có khi cả buổi chả nói với nhau câu nào.
Thực ra trên xe Tú khỉ có lắp cả máy làm đá và ngăn ướp lạnh đồ uống chạy điện ắc quy. Nhưng hôm nay trời lạnh quá, chúng tôi uống đen nóng. Giống như hầu hết những gã đàn ông có tiền khác, Tú khỉ say mê đồ chơi xe hơi, sùng bái thiết bị hi-tech, xe nó lắp đủ thứ linh tinh trên đời, có lẽ chỉ thiếu mỗi giàn hỏa tiễn nữa thôi.
Ngồi trên chiếc ghế vải khung nhôm, loại chuyên dụng dành cho dân câu (ở tay vịn còn có cả chỗ để cốc), tôi nhâm nhi cà phê, rít thuốc lá, khoái trá ngắm thằng bạn quý hóa của mình tất bật chuẩn bị đồ nghề. Giống như một người lính đang tháo lắp vũ khí, những động tác của nó nhanh nhẹn, chính xác. Bày la liệt ra tấm bạt những món đồ chơi nào cần câu, máy câu, cước, chì, lưỡi câu… Trong chốc lát nó lắp ráp mọi thứ lại thành những bộ cần câu hoàn chỉnh, không thừa không thiếu bộ phận nào. Nó vừa lắp ráp vừa giảng giải cho tôi cách sử dụng, cách câu cá, rằng phải ném mồi ra thế nào, thu dây vào làm sao, khi cá cắn phải làm những gì… Tôi gật đầu bừa phứa, không thể nhớ nổi cái quy trình rắc rối ấy. Ngày xưa, tôi câu cá rất đơn giản, chỉ một cây cần trúc, dây cước, phao lông gà, lưỡi câu móc con giun, thế là xong. Tú khỉ tỏ ra rất nghi ngờ khi thấy tôi cứ gật gù, nó liên tục giảng giải, nhai đi nhai lại mày phải nhớ thế này, mày phải làm thế nọ, mày hiểu không, mày hiểu chưa, mày hiểu chưa nào…
- Đéo hiểu mấy! – Tôi sốt ruột cắt lời nó – Mày nhìn mặt tao có ngu lắm không?
- Ha ha ha! – Tú khỉ cười sằng sặc – Trông cái mặt mày lúc giận dỗi thì cũng hơi ngu ngu thật. Đến lúc bị rối cước thì ngồi đấy mà khóc đợi Bụt hiện lên nhá.
- Để rồi xem! – Tôi lẩm bẩm nhìn đi chỗ khác.
Hai cô gái đang làm gì đó phía bờ sông, họ vừa nói chuyện, vừa cọ rửa những chiếc thìa dĩa và vỏ hộp. Làn sương khói lơ lửng trên mặt sông khiến họ nổi bật kỳ lạ. Một cô mặc chiếc áo dạ màu đen, cổ áo giả lông chồn, cô ta bất chợt té nước lên cô gái mặc áo đỏ, khiến cô này cười ré lên những tiếng lảnh lót, sau đó bắt đầu té nước lại. Hẳn là nước sông rất lạnh! Tú khỉ đang mải mê chơi đồ hàng cũng phải giật mình quay ra nhìn, nó chửi đổng một câu rất tục, rồi tiếp tục quay lại với đống đồ chơi của mình.
Tôi khép vạt áo khoác, chụp thêm chiếc mũ lưỡi trai, rụt đầu rụt cổ lại.
- Tối qua thế nào? – Tú khỉ hỏi trống không.
- Cũng tạm ổn.
- Tạm thôi à?
- Nói chung là ngon.
- Ê, nói chung là thế đéo nào, ngon là ngon chứ sao lại nói chung?
- Ờ thì ngon.
- Tao nói thật nhá – Tú khỉ đổi giọng – Mày quên con mẹ nó mọi chuyện khác đi hộ tao cái, đã đi chơi là phải vui vẻ, tận hưởng, về tính sau. Con vợ mày nó bố láo thì giải tán khẩn trương, tầm này gái ngon kiếm đâu chả được. Mày hiểu không? Đừng có để đàn bà nó lấn tới, cứ phải rắn với chúng nó, mày hiểu không?
- Đéo hiểu.
Tú khỉ câm tịt, nó lắc đầu bỏ đi. Đến chỗ chiếc xe đậu giữa bãi đất trống, nó lôi ra từ cốp xe một cái thùng nhựa dán băng dính kín mít.
Tôi tò mò:
- Cái gì đấy?
- Chờ tí khác biết.
Nó lôi mấy chiếc lưỡi câu to tướng ra, lấy bông quấn vào, dùng dây chỉ buộc chặt vòng quanh. Xong xuôi, nó cẩn thận tháo băng dính, và mở nắp thùng ra. Tôi ngó vào, chỉ thấy một chất keo lỏng sóng sánh màu vàng vàng nâu nâu.
Thiếu chút nữa thì tôi nôn ra hết bữa điểm tâm sáng. Một thứ mùi thum thủm kinh khủng, tràn ngập hết không gian, làm ô uế hết bầu không khí trong lành buổi sáng vùng sơn cước. Tôi bịt mũi chạy bán sống bán chết ra phía bờ sông, Tú khỉ cười ha hả khoái trá sau lưng, tôi quay lại nhìn thấy nó cầm mấy cái lưỡi câu ngoáy lấy ngoáy để vào cái thùng đó. Tôi vục nước sông rửa mặt và khạc nhổ ầm ĩ, mấy cô gái ngạc nhiên hỏi có chuyện gì. Tôi ho sặc sụa không trả lời được, chỉ khoát tay khua khua về phía Tú khỉ. Có cảm giác như lỗ mũi tôi đang bị một lũ giòi hôi hám bò lúc nhúc bên trong, nó ám cái thứ mùi ấy không sao tẩy đi được.
Tôi quay sang, thấy hai cô gái đứng chết sững, nét mặt khó tả. Có lẽ họ đã ngửi thấy cái mùi lạ kia, nó đã kịp bay tới bờ sông. Thế rồi, không ai bảo ai, cả hai cô gái cùng bịt mũi, quay đầu bỏ chạy như bị ma làm.
Tú khỉ có vẻ rất khoái trá trước màn hài kịch ấy, nó vục đầu vào cái thùng nhựa hít hà:
- Ôi thơm quá đi, thơm quá đi mất, ngon quá! Mồi này người còn muốn ăn, nói gì là cá!
- Thằng điên! – Tôi cố gắng kiềm chế cơn buồn nôn đang dâng lên, giọng như hụt hơi – Mày bị dở người hả Tú khỉ?
- Mồi này đặt mua ở bên Thái đấy nhá, mất mấy chục đô đấy, tưởng à?
- Mấy chục đô cái cục cứt ấy, cứt còn thơm hơn, bọn câu cá chúng mày toàn một lũ bệnh hoạn!
- Ha ha ha! Rồi xem! Bọn cá với lăng cá chiên rất khoái món này đấy! – Tú khỉ cười ha hả rồi vác bó cần câu đi về phía tôi.
Ngay lập tức tôi chạy về phía những cô gái. Tú khỉ bắt đầu ném mồi ra phía vực nước sâu, sau đó nó cắm cần câu vào những cái giá đỡ găm vào bờ cát. Tất cả có bốn chiếc cần, giống nhau y hệt, chỉ khác màu.
- Cần màu đen của tao nhá! – Nó hét lên – Màu đỏ của mày, màu vàng của em Nhung, màu xanh của em Hằng, nhớ chưa?
- Tất cả đều là của mày hết đấy, bọn tao thèm vào, thằng của nợ! – Tôi trả lời, trong khi hai cô gái cười khúc khích sau lưng.
Tú khỉ thậm chí chẳng buồn tự ái, nó vẫn cười ha hả mãi không thôi, nó nắn nót chỉnh sửa những chiếc cần câu, cẩn thận gắn những chiếc chuông lục lạc nhỏ vào đầu cần, sau đó khuỳnh khuỳnh quay trở lại với cái thùng nhựa, như một con đười ươi vui vẻ.
Tôi nhún vai châm một điếu thuốc, quay lại nói với hai cô gái: “Anh không giống nó, tối nay hai em ở chung lều với anh!”
Hai cô gái nhìn nhau cười ré lên.
- Tao nghe thấy hết rồi nhá! – Tú khỉ nói vọng lại – Tối nay cho hai em xử lý nó, đằng nào anh cũng thức câu cá cả đêm.
- Chịu anh thật đấy! – Cô gái áo đỏ kêu lên.
- Nó là thằng điên hạng nặng, anh biết từ lâu rồi – Tôi nói.
Tú khỉ đậy điệm cái thùng nhựa lại rồi xách ra đặt gần mấy cái cần câu. Mùi hôi thối vẫn thoang thoảng trong không trung, bất kể tôi đốt thuốc lá mù mịt. Bất giác tôi mỉm cười nghĩ đến cảnh tối nay trong lều, bên đống lửa trại ấm áp, tôi nằm giữa hai cô gái nóng bỏng, còn Tú khỉ lọ mọ một mình bên bờ sông, trong màn đêm âm u biên khu, dưới một bầu trời ngàn vì sao lấp lánh. Cuộc đời thật lạ kỳ, còn lòng người thì thật lạ lùng!
Đúng lúc đó, có tiếng chuông lục lạc reo leng keng, một trong bốn chiếc cần câu đang giật đùng đùng. Tôi nhận ra nó chính là chiếc cần câu màu đỏ.
- Màu đỏ! Màu đỏ! Của tao! Của tao nhá! Cấm sờ vào! – Tôi hét lên quẳng vội điếu thuốc và lao tới, tim đập thình thịch.
Tôi tóm lấy chiếc cần câu, nó rung lên bần bật, cước căng như dây đàn, chạy loằng ngoằng xé nước, rít lên những tiếng rin rít man rợ. Tôi không thể kéo con quái vật ấy lên nổi, như thể dưới làn nước kia là một con trâu mộng thực sự vậy, mỗi khi nó kéo mạnh, chiếc cần câu cong veo chỉ chực gãy, và máy câu lại nhả cước kêu tành tạch ro ro như xích líp xe đạp. Tú khỉ luôn mồm hò hét chỉ đạo, còn hai cô gái đứng bên cạnh thì rú lên từng cơn, nhảy tưng tưng loi cha loi choi. Mặc dù trời lạnh, mồ hôi tôi túa ra ướt đẫm, mắt cay xè. Chỉ trong chốc lát, hai cánh tay tôi mỏi rã rời. Tôi đành đưa chiếc cần câu cho Tú khỉ, nó lập tức vồ lấy và bắt đầu vật lộn với con cá, chạy tới chạy lui bên bờ sông, văng tục ầm ĩ, phấn khích như phát điên.
Tôi ngồi xuống một tảng đá, thở hổn hển, tim vẫn đập thùm thụp. Dường như bao nhiêu máu trong cơ thể dồn cả về đôi cánh tay, tôi nghĩ chắc mặt mình đang tái dại. Tôi cảm thấy vô cùng ghen tị với Tú khỉ, nó tự tin và khéo léo vờn con cá, lúc thu dây vào, lúc lại nhả ra, vừa co kéo vừa luôn mồm: “Mày thích chạy à, bố mày cho mày chạy thoải mái nhá, chạy đi, mệt chưa con? Mệt rồi chứ gì? Mệt rồi thì để cụ mày kéo vào, tuổi gì mà chạy hả con? Vào đây, vào đây với anh mày! Thế! Thế! Ngoan lắm! Nào, vào đây! Aaaaa! Mày lại chạy à? Chưa mệt hả em? Thôi, cho anh xin nào cưng! Anh xin lỗi! Aaaaa! Từ từ đã nào! Để anh nới dây cho mày chạy, chờ tí, chờ tí! Đcm nhà mày!…”
Máy câu lại rít lên ro ro. Con cá dưới sông bị lôi vào gần sát bờ, có lẽ khi chạm vào đáy cát nó bị giật mình và lấy hết sức lực còn lại giãy mạnh, quay đầu phi một phát trở ra giữa dòng, tí nữa thì lôi luôn gần một tạ thịt của thằng bạn tôi xuống theo dòng sông cuồn cuộn kia. Tôi nhảy đến tóm thắt lưng Tú khỉ, hai cô gái thấy thế cũng bắt chước, tóm lấy thắt lưng tôi.
Được tiếp sức, Tú khỉ càng phấn khích, nó hét lên: “Chết anh cũng phải phịch nhau với mày, vào đây cưng, vào đây với bọn anh!” – Vừa nói nó vừa kéo mạnh cần câu, nhanh tay guồng máy câu. Từng mét cước được thu dần, thu dần vào. Những cánh tay của nó vạm vỡ là thế mà cũng đã run rẩy, không hiểu do quá sức, hay do tinh thần bị kích động cao độ. Để tao, tôi nói rồi tóm lấy cây cần câu, Tú khỉ nhường ngay lập tức, đến lượt nó túm lấy thắt lưng tôi, và có lẽ phía sau đuôi vẫn là hai cô gái.
Con cá đang cố chống cự, nhưng nó đã bắt đầu yếu rồi, không còn hung hăng như trước. Có lẽ phải đến nửa tiếng vật lộn rồi chứ ít đâu. Tôi bắt chước Tú khỉ, chống đốc cần câu vào bụng, lấy hết sức kéo con cá vào, cứ kéo vào được chút nào là nhanh tay hạ cần câu cho cước chùng bớt rồi quay máy câu thật nhanh thu cước vào. Thi thoảng con cá lại cố vùng chạy, đòi ra cước, nó liệng liệng vòng cung tít sâu dưới làn nước. Tôi chỉ mong sao chuyện này mau kết thúc, bởi vì sợi dây cước mỏng manh kia thật đáng ngờ, nó vừa căng như dây đàn, lại vừa co giãn như dây chun, và dường như bất cứ lúc nào cũng có thể đứt phựt.
Cuối cùng con cá cũng chịu nổi lên trên mặt nước, mặc kệ tôi kéo vào. Từ xa xa, nhìn phần lưng nó nổi trên mặt nước như một thân cây chuối dài thượt, cái đầu to tổ chảng.
- Kéo vào, kéo vào nhanh lên! Nó mệt rồi, nó thua rồi! – Tú khỉ hét vào tai tôi – Cá chiên, cá chiên mày ạ! Ôi mẹ ơi! Chưa bao giờ tao nhìn thấy con cá chiên nào to thế này. A! Ha ha ha! Đéo phải cá chiên, con này là cá lăng! Lạy Chúa nhân từ! Cá lăng mới hay chứ các em của anh, cá lăng này về Hà Nội bán một triệu một cân nhà hàng đặc sản còn phải tranh cướp nhau, các em ạ. Chúng nó có trả trăm triệu anh cũng đé.o thèm bán con này nhá!
- Điếc tai quá! Đừng có hét vào tai tao nữa! – Tôi gắt – Tao lại cắt cước thả cá ra bây giờ! Mau ra bắt nó vào nhanh lên!
Tú khỉ nhảy phắt ra mép sông, lao ùm xuống làn nước lạnh giá, trên tay nó là đôi găng từ lúc nào. Con cá đã bị lôi vào gần bờ, chỉ còn lờ đờ ngoe nguẩy, cái mồm há ngoác ra trông phát khiếp! Tú khỉ thọc hai bàn tay đeo găng vào cái mồm con cá, lôi xềnh xệch con cá theo bờ cát thoai thoải, rồi thì cũng đến lúc con cá bị lôi tuột lên chỗ khô ráo, cách xa bờ nước. Chẳng bao lâu nữa, nó sẽ vĩnh viễn rời xa cái thế giới dưới nước kia, và cả thế gian này, cái con cá hung dữ ấy. Tôi buông cây cần câu, tiến lại gần chỗ con cá. Tú khỉ như phát rồ, nó nhảy tưng tưng, hai tay đấm ngực bình bịch, mồm tru lên, hú từng cơn ư ử, như trong phim King Kong. Hai cô gái cười ngặt ngẽo, mỗi khi thấy con cá giãy họ lại thét lanh lảnh.
Tôi thở hắt ra nhè nhẹ, mừng vì đã thoát nợ, hai cánh tay gần như tê liệt. Con cá trông thật kỳ dị, cái đầu nó to tướng, bóng láng, hai mắt bé tí, râu dài, có hai cái ngạnh lớn lởm chởm răng cưa ở gần mang, thân nó màu vàng vàng pha lẫn đen xám, đuôi và vây ánh đỏ, bụng hầu như toàn màu trắng.
Tôi nhìn đồng hồ, lúc đó hơn 10h sáng. Chúng tôi ăn sáng đâu như lúc 8h, kết thúc lúc khoảng 8h30, và Tú khỉ bắt đầu mở cái thùng nhựa ghê tởm kia ra đâu đó lúc 8h45. Tạm coi như cá dính câu lúc 9h sáng, vậy là mất toi một tiếng đồng hồ quần nhau với con cá này, nó khiến chúng tôi thở cả ra đằng tai.
- Bây giờ tính sao? – Tôi hỏi Tú khỉ – Xẻ thịt nó à?
- Phí quá! – Nó ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi quay lại nhìn con cá trân trối, mặt thuộn ra, lẩm bẩm như tự hỏi mình – Làm gì với nó bây giờ nhỉ? Làm thế nào mang được nó về nguyên vẹn bây giờ?
- Cá thần đây hả anh? – Một cô gái hỏi.
- Không, con này ăn thua mẹ gì so với cá thần! – Tú khỉ đáp – Cá thần chắc phải gấp vài chục lần con này.
- Con lạy bố! Thế thì bố gọi thêm vài chục thằng Tú khỉ nữa đến mà bắt cá thần nhá, con chịu! – Tôi nói.
- A! Sợ rồi à? Cảm giác thế nào? Phê không?
- Đau tim bỏ mẹ! – Tôi đáp – Cá gì cứ lồng lên như rồng lộn ấy, kinh đéo tả!
- Rồi mày sẽ nhớ cái cảm giác ấy suốt đời, rồi sẽ nghiện câu cá thôi, con giai ạ! – Tú khỉ hơn hớn nói.
Tôi không nói gì, chỉ rút thuốc lá ra châm, lững thững đi dọc bờ sông. Những ngón tay tôi run rẩy kỳ lạ, mặc dù cơn kích động đã qua đi, nhưng dường như trong bán cầu não vẫn đọng lại cảm giác ngất ngư, giống như chút cặn lắng đọng lại, đang tan dần, giống như sau một cơn cực khoái kéo dài. Quả là một thứ trải nghiệm đáng kể, nó khiến tim đập mạnh, máu như sôi lên, nỗi sợ hãi và bản năng săn bắt trỗi dậy, trộn lẫn với nhau, khiến tôi biến thành một kẻ khác.
Trong hơn một tiếng đồng hồ vật lộn với con cá, tôi quên bẵng đi mọi chuyện trên đời, quên nốt cả bản thân, như thể tôi đang sống một cuộc sống khác, trong một thế giới khác. Tôi bắt đầu lờ mờ hiểu ra lý do tại sao có nhiều gã điên tìm đến thú vui đam mê săn bắn, câu cá, tìm lại bản ngã của mình trong những cuộc hành xác chốn xa xôi heo hút như thế này.
Những tiếng cười lanh lảnh của hai cô gái dội vào vách đá bên kia sông rồi vọng lại. Họ vẫn đang vui đùa bên con cá. Tú khỉ đang bắt hai cô gái tạo dáng chụp ảnh cùng con cá, nó vừa bấm liên tiếp vừa buông ra những câu ví von ỡm ờ nào đó, nó bắt hai cô gái ôm con cá, chu miệng lại như đang hôn vào miệng cá.
Sương tan dần, tia nắng đầu tiên bắt đầu liếm láp những ngọn cây, rồi tới doi cát bên bờ sông. Tôi thả người vào chiếc ghế vải, cốc cà phê nguội ngắt, nhưng rất ngon, nhất là sau những gì vừa trải qua. Tôi nghĩ tôi có thể ngồi mãi trong chiếc ghế êm ái này, nhấm nháp cà phê, đốt thuốc lá, ngồi mãi mãi không đi đâu hết, sau đó chết đi.
Tôi bỗng nhận ra trên bãi cát trước mặt tôi chỉ còn hai chiếc cần câu màu đen và màu vàng, chiếc cần màu xanh đã biến đâu mất. Chỗ cắm giá gác cần chỉ còn là một cái lỗ bị xới tung lên, kéo thành vệt dài về phía dòng sông như một luống cày. Hẳn là trong lúc bọn tôi mải mê chạy xuôi dòng đánh vật với con cá lăng kia, một con cá khác đã chén mồi, sau đó lôi tuột cả bộ cần câu xuống sông. Phải chăng đó mới chính là con quái vật mà chúng tôi đang săn đuổi?
Tôi gọi Tú khỉ lại và chỉ cho nó thấy những vết tích còn lại, nó cứ đi đi lại lại bần thần nhìn mãi cái vết cày đáng sợ kia, mồm lẩm bẩm những câu kinh ngạc.
Giờ đây Tú khỉ đã hoàn toàn quên phéng con cá lăng ban nãy, nó chỉ còn ý nghĩ rằng chúng tôi vừa hụt mất con cá thần, theo đúng lối tư duy của một gã làm ăn, bao giờ cũng sợ mình đã bỏ qua những cơ hội nào đó. Lẽ ra phải sung sướng vì ngay buổi sang đầu tiên đã câu được con cá lăng bự, thì bây giờ nó đang vò đầu bứt tai hết sức đau khổ và tự chửi rủa mình đã để sổng mất con cá thần (nó nhất định cho rằng đó chính là con cá thần).
- Tất cả chỉ tại con cá ranh con này! – Tú khỉ bực bội đá bụp một cú vào con cá lăng đang nằm trên bãi cát, khiến con cá lật ngửa ra giãy giãy.
- Mày đúng là bệnh nặng rồi! – Tôi nói – Thôi để tao thả con cá về với nước nhá, hành hạ nó thế đủ rồi.
- Ừ phải đấy, thả nó đi anh ạ, đừng thịt nó phải tội! – Một cô gái hưởng ứng.
- Đm, gái thì biết cái đé.o gì mà bi bô, đừng có nói leo! – Tú khỉ quay lại lườm lườm, khiến hai cô gái chết khiếp, cụp mắt xuống.
- Anh đã bảo rồi, thằng này vừa sổng ở Trâu Quỳ ra mà – Tôi nói.
Tú khỉ lầm lì bỏ đi, nó lôi trong túi đồ câu ra một con dao găm sáng lóa. Con cá lại bị lôi xềnh xệch ra bờ sông. Bằng một nhát dao sắc ngọt, Tú khỉ rạch một đường ở bụng con cá, bộ lòng cá được nó làm sạch, bỏ riêng. Hình ảnh con cá bị mổ ruột máu me trông rất khiếp, ngay cả khi đã bị moi ruột, tôi vẫn thấy con cá ngoe nguẩy cái đuôi.
Tú khỉ bắt đầu xẻ thịt con cá. Bằng những nhát dao chính xác, nó lọc ra những miếng thịt cá dài ngay ngắn, bọc nilon, xếp cẩn thận vào thùng đá. Cái đầu cùng xương xẩu bỏ riêng vào một cái nồi inox. Tôi đoán rằng nó đang chuẩn bị một bữa thịnh soạn. Riêng cái đầu cá, có lẽ phải chục người ăn mới hết. Cái con cá ranh mà Tú khỉ nói, nó phải nặng ít nhất hai chục ký.
Trong suốt nghi lễ hành quyết con cá, Tú khỉ không hề ngẩng đầu lên nhìn ai, thi thoảng nó lại ngó qua những chiếc cần câu, một cách chăm chú. Tôi cũng chẳng buồn chọc ghẹo nữa, tôi biết tính thằng này, nó mà đã tập trung làm việc gì thì như thể nó biến thành một gã câm điếc vậy.
Tôi cùng hai cô gái kéo những chiếc xuồng Kayak ra vụng nước lặng phía hạ lưu, tìm cách chèo chống. Xem ra bơi xuồng không dễ như tôi tưởng, đôi lúc nó cứ quay tròn chứ nhất định không chịu đi theo ý muốn, khiến hai cô gái đứng trên bờ cười lăn cười bò. Càng cố vật lộn, tôi càng khiến chiếc xuồng mất phương hướng, nó bị dòng nước cuốn ra xa bờ, và trôi dần về phía vực xoáy. Ngay lúc đó, tôi chưa ý thức được mối nguy hiểm đang cận kề, không hề biết rằng mình sắp đem tính mạng ra làm trò đùa. Những cô gái la hét thất thanh, nhưng chiếc xuồng quay tròn, và tiếng nước ghềnh thác réo sôi khiến tôi không nghe rõ tiếng họ đang cố gọi tôi vào. Một thứ khác đang thu hút sự chú ý của tôi, nó thôi miên tôi bởi dáng vẻ kỳ vĩ, đầy cám dỗ.
Giống như mắt bão, như vòi rồng, ở giữa vực xoáy là một cái lỗ sâu hoắm, rộng khủng khiếp! Từ đó phát ra những âm thanh trầm trầm, ù ù, xen lẫn muôn vàn tiếng rầm rầm giống như thác đổ mưa tuôn. Và chiếc xuồng đang bị hút về phía đó, không sao cưỡng lại được.
Cảnh tượng chết chóc ấy như thôi miên và cám dỗ, không sao cưỡng lại được, khiến tôi muốn buông xuôi, lao vào cái lỗ xoáy đó, vả lại bao nhiêu sức lực cũng đã rời bỏ tôi. Trong một tích tắc, tôi nghĩ thế là mọi chuyện đã an bài, đây là trạm dừng chân của tôi, đây là ga cuối cuộc hành trình mệt nhọc bấy nhiêu năm, kiếp người. Tôi buông tay chèo, tận hưởng chút nhàn nhã cuối cùng, trước khi bị cuốn vào vực xoáy. Tôi sẽ bắt đầu một hành trình mới, khám phá bí ẩn của cái chết, ở thế giới bên kia. Vĩnh biệt tất cả!

Nỗi sợ hãi tê liệt xuất hiện trong giây lát, như một cơn trụy tim, rồi sau đó biến mất, tôi đã sẵn sàng để chết.
Vào chính thời điểm đó, tôi bỗng thấy một sợi dây thong lọng quăng vào người mình. Ngoái đầu lại, tôi thấy một ông già đứng trên chiếc bè, và một người nữa phía sau đang chèo chống với dòng nước. Ông ta la hét gì đó, nhưng tôi không sao nghe thấy. Tôi lắc đầu tuyệt vọng, định tháo sợi dây ra. Nhưng ngay khi đó ông già giật mạnh, sợi dây siết chặt lại trói chặt ngang người tôi. Tất cả cùng trôi về phía vực xoáy. Càng tốt, tôi nghĩ thầm, chết cả dây cho vui!
Những ý nghĩ u ám khiến tôi chỉ muốn kết thúc mọi chuyện. Nhưng cuộc sống thật buồn cười, chẳng lúc nào nó chiều theo ý muốn của tôi, ngay cả khi tôi muốn nó kết thúc. Ông già quăng một sợi dây khác vào tảng đá nhô lên giữa sông, sau đó ra sức kéo, chiếc bè dạt vào sát tảng đá và được neo lại. Nhanh như sóc, bọn họ nhảy phốc lên tảng đá, và bắt đầu kéo nốt tôi vào.
Tôi để kệ họ muốn làm gì thì làm, không hiểu tại sao họ lại phải cố gắng cứu tôi, bất chấp nguy hiểm. Họ kéo tôi lên tảng đá nước tung bọt trắng, trơn trượt, ướt sũng, tôi rét run cầm cập, đầu óc đông đặc, mụ mị. Tôi nhìn thấy Tú khỉ đang bơi lại gần trên chiếc xuồng Kayak còn lại. Tôi bỗng cười một mình bởi ý nghĩ không ngờ mình lại quan trọng đến thế, khiến khối kẻ khổ sở vì mình. Tú khỉ đã bơi đến nơi, nó cho xuồng cập vào sát tảng đá. Ông già nói gì đó, họ hét vào tai nhau thì đúng hơn. Ông già khoát tay chỉ vào bờ, Tú khỉ gật gật đầu, nó tóm một đầu sợi dây chão buộc ngang lưng, rồi bắt đầu bơi xuồng trở lại vào bờ.
Cuối cùng Tú khỉ cũng bơi vào đến bờ, nó cột dây vào gốc cây sung, sợi dây được căng ngang là là mặt sông. Ông già tháo đầu dây ở tảng đá, buộc vào chiếc bè, cẩn thận hơn, ông ta buộc luôn sợi dây vào thắt lưng tôi. Ông ta đứng cạnh tôi chèo chống, và bắt đầu thả cho bè dạt vào bờ, người còn lại thì ngồi lên chiếc xuồng Kayak của tôi, nó cũng được buộc với chiếc bè. Lúc này tôi mới nhận ra đó là một cô gái trẻ, mặc bộ quần áo sẫm màu. Chiếc bè rời xa lực hút của vực xoáy ở giữa sông, nhờ có sợi dây neo vào gốc cây, nó ngần ngừ chòng chành, bị hai hấp lực giằng co nhau, cuối cùng thì sợi dây chiến thắng, chiếc bè xuôi dòng và dần dần tiến vào bờ.
Việc đầu tiên mà Tú khỉ làm sau khi cởi trói cho tôi, là đấm một cú vào mặt tôi.
- Mày bị điên à? – Nó rít lên – Mày định làm ma ở xó này à.
- He he, chưa điên bằng mày – Tôi ngã phịch xuống bãi cát, cười một cách ngớ ngẩn.
Tú khỉ phát khùng, nó xông vào đạp tôi thêm phát nữa. Những người xung quanh xúm lại can ngăn. Ai đó khoác cho tôi chiếc khăn bông khô ráo. Họ dìu tôi về chỗ mấy cái lều, lột quần áo ướt của tôi ra, mặc quần áo mới, bắt tôi ngồi sưởi ấm bên cạnh đống lửa. Họ đưa cho tôi một cốc rượu. Tôi uống cạn như một cái máy. Họ cũng bắt tôi ăn một vài thứ gì đó nữa, tôi không nhớ rõ, tôi bắt đầu ngà ngà say, và sau đó lăn ra ngủ lúc nào không biết.
Khi tôi tỉnh dậy, trời đã về chiều. Qua ô cửa sổ nhỏ xíu ở cửa lều, tôi nhìn thấy những đám mây trắng xốp đang bay lang thang trên nền trời màu xanh nhạt. Tôi đang nằm trong cái túi ngủ, như một cái kén ấm áp, thò mỗi cái đầu ra. Đầu óc tôi nhẹ bỗng, trôi bồng bềnh theo những đám mây. Tôi hé cửa lều nhìn ra ngoài, thấy nắng chiều nhuộm vàng bãi cát, dát vàng luôn cả dòng sông.
Tôi bắt đầu nhớ ra mọi chuyện. Vậy là thiếu chút nữa thì tôi đã không bao giờ còn nhìn thấy mặt trời nữa, ánh nắng này, bãi cát này, dòng sông kia, và tất nhiên là cũng chẳng còn được hít thở khí trời này. Tôi chưa bao giờ mảy may nghi ngờ về sự cần thiết, ý nghĩa, và giá trị của khí trời. Như thể điều đó là một thứ quà tặng hiển nhiên, miễn phí, thậm chí là thừa thãi trên thế gian. Vậy mà hãy hình dung xem, chỉ cần một chút xíu nữa thôi là tôi đã rơi xuống vực xoáy kia, và chỉ cần vài phút thiếu không khí, tôi đã làm mồi cho con cá thần, đã chết.
Chết là gì nhỉ?
Là không còn sống nữa. Mà sống là gì nhỉ? Là hành trình đi đến cái chết, phải không nhỉ? Vậy tại sao chúng ta lại không tìm đường tắt để tới cái đích ấy thật nhanh cho xong chuyện? Sống là gì nhỉ? Là tồn tại vật vờ trên cõi đời này ư? Sống nghĩa là cố gắng chống lại cái chết đang đến từ từ, chậm rãi, không thể cưỡng lại, phải thế không? Sống là quá trình lão hóa, suy nhược, lụi tàn, để rồi biến mất. Sống là lo sợ chờ đợi, sống trong sợ hãi, về ngày mai, ngày kia, sau này, đoạn cuối cái hành trình mà ta đã biết trước đích đến. Phải vậy không?
Họ đang nướng cá, mùi thơm sực nức. Ông già và cô gái vẫn còn đó, họ đang nấu nướng bên đống lửa. Tôi vẫn cảm thấy ngượng ngùng, vì những hành động ngu ngốc ban trưa, không muốn chui ra khỏi lều và giáp mặt bọn họ.
Mặt trời khuất sau dãy núi đá, trời sập tối rất nhanh. Tú khỉ đem bình ắc quy ra chong đèn, nó bất chợt nhìn thấy tôi. Mày còn thập thò trong đấy làm gì? Nó hất hàm. Mau ra chào ân nhân đi! Phúc ba đời nhà mày!
Trong chốc lát, tất cả bọn họ ngừng tay quay sang nhìn tôi. Ông già mỉm cười lắc đầu, rồi tiếp tục xào nấu, ông ta gắp một món gì đó lên nếm thử, sau đó vội nhấc chiếc nồi xuống. Cô con gái lật lật những xiên cá nướng. Hai cô gái kia thì đang dọn bát đũa.
Tôi sượng sùng chui ra khỏi lều, sớm muộn gì cũng phải ra ngoài đó. Tôi lại gần đống lửa, không biết nên bắt đầu như thế nào.
- Cháu cảm ơn! – Tôi lúng búng – Cảm ơn bác…
- Không có gì! – Ông ta quay sang vỗ vai tôi cười cười – Mà sao mày liều mạng thế?
- Cháu không định thế, cháu không biết…
- Lần sau đừng có dại thế – Ông ta phẩy tay – Khối người chết ở đấy rồi đấy, năm nào mùa lũ cũng vài mạng, chết trôi ở đâu về đến đây là nổi lên bằng hết, đã gọi là sông Thiêng mà lại. Mà thôi, ra ăn cơm đã.
Cô con gái ngẩng lên nhìn tôi, trong bóng chiều nhập nhoạng, tôi vẫn kịp nhận ra cô ta rất xinh đẹp. Những ánh lửa bập bùng, và vẻ e lệ trong đôi mắt loang loáng đó. Tôi đi theo bọn họ về phía mâm cơm, cảm thấy mình thật ngu ngốc, yếu đuối.
Hai cô gái kia kín đáo liếc nhìn tôi, cố giấu những nụ cười tủm tỉm trên môi, khiến tôi càng lộn ruột. A! Bọn họ nghĩ tôi là một thằng ngốc đây!
Tú khỉ cố tỏ ra vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra, nó rót rượu vào những chiếc cốc giấy, không hiểu nó lôi ở đâu ra một chai rượu trắng. Tôi nhớ rằng trên xe chỉ mang theo bia lon, đồ hộp, bánh mỳ và mỳ tôm.
- Nào! Uống mừng thằng cuội này thoát chết nào! – Tú khỉ nâng cốc, nó thoáng nhìn tôi rồi quay sang phía hai cha con ông già kia – Ly này con xin thay mặt thằng bạn dại dột của con, tạ ơn bố và em đây đã liều mình cứu nó.
- Thôi có gì đâu – Ông già đỡ lời – Thấy chết mà không cứu thì sau này tao còn dám nhìn mặt ai. Cũng may con bé nhà tao nó nhìn thấy lúc chúng mày bắt đầu lôi xuồng ra bơi, tao gọi nhưng chả đứa nào nghe thấy, đi mà tạ ơn nó ấy!
- Con cảm ơn bố! Cảm ơn em gái! – Tôi cầm ly rượu, tay hơi run run – Ly này con xin uống cạn, nếu bố không chê, con xin được nhận bố là bố nuôi, nhận em đây là em kết nghĩa.
- Được đấy! – Tú khỉ vui vẻ nói – Thế là phải đạo đấy!
- Thôi thôi! – Ông già xua xua tay – Có gì đâu cơ chứ, uống thì uống, bố con thì bố con, cần gì bày đặt cho rắc rối. Tao là tao cứ đơn giản thế thôi, chỉ sợ chúng mày chê bố con tao nhà quê, chứ tao sợ gì mà không nhận chúng mày làm con?
Nói rồi ông ta ngửa cổ uống cạn cốc rượu. Tôi cũng làm theo. Rượu rất ngon, khá nặng, có mùi thơm là lạ. Tất cả nhìn cô con gái ông ta chờ đợi. Thoáng chút ngần ngừ, rồi cô gái cũng uống cạn hết cốc rượu, khiến hai cô gái còn lại lắc đầu lè lưỡi.
- Ha ha ha! Hay lắm! – Tú khỉ cười ha hả – Hai em cùng anh uống chứng kiến, uống đi!
- Đúng rồi, uống chứng kiến đi! – Ông già cười hưởng ứng – Lên miền núi phải uống theo kiểu miền núi đấy nhá!
Hai cô gái chối đây đẩy, nhưng õng ẹo mãi không xong, rốt cuộc rồi cũng phải uống cạn cùng Tú khỉ.
- Tao họ Lý, tên là Văn – Ông già thủng thẳng nói, rồi chỉ tay vào cô con gái – Nó tên là Vân.
- Con là Trần Tiểu Đăng – Tôi nói.
- Gọi là Đăng cuội, bố ạ! – Tú khỉ thêm vào – Nó nói dối như cuội ấy.
- Còn nó là Tú khỉ – Tôi nói – Vì nó hay làm trò khỉ, trông cũng giống khỉ nữa.
- Vâng, không bằng cái trò của mày ban sáng đâu, đồ con khỉ! – Nó giơ cốc rượu về phía tôi dứ dứ. Bọn họ cười ầm.
Men rượu khiến người tôi nóng bừng. Đồ nhắm khá ngon, gồm có chả cá nướng, cá quấn lá dong vùi tro, lòng cá xào măng, canh cá nấu măng chua. Câu chuyện chuyển sang chủ đề ẩm thực của người Thái, phong tục sinh sống, và cuối cùng là chuyện về con cá thần.
Ông Văn vốn người gốc Hưng Yên, sống bằng nghề chài lưới, hai vợ chồng ông lên đây khai hoang từ cuối những năm bảy mươi, mãi vài năm sau họ mới có với nhau duy nhất một cô con gái. Vào năm 1986, lúc cô con gái mới được hơn một tuổi, vợ ông bị một trận lũ ống cuốn mất tích. Ông cho rằng số phận ông gắn với dòng sông này một cách đặc biệt, bí hiểm, kể từ khi ông gặp con cá thần, và nhất là sau cái chết của vợ.
- Nhìn đây này! Chỉ vì con cá thần đấy! – Ông Văn giơ bàn tay phải lên cho chúng tôi thấy, bấy giờ tôi mới nhận ra nó bị cụt mất hai đốt ở ngón trỏ và ngón giữa – Chúng mày đừng dính vào cá thần, đen lắm!
Tất cả lặng đi chờ đợi, nhưng ông ta không kể gì thêm về chuyện đó, lặng lẽ rót cho mình một cốc rượu rồi uống cạn.
- Nó có to như người ta đồn không? – Túkhỉ cố gặng hỏi.
- To lắm! To bằng mấy cái xuồng kia cộng lại là ít, mà đấy là hồi xưa, chứ giờ không biết bằng chừng nào. Thằng lái đò hôm nọ có kịp nhìn thấy nó đâu, ùm phát là lật thuyền, sợ chết khiếp, bơi một mạch thẳng vào bờ, chỉ đoán già đoán non là nó chứ đã kịp nhìn thấy đâu. Nó biến đâu mất mấy năm nay. Hồi xưa mỗi năm nó chỉ nổi một vài lần, thường là sau mùa lũ. Bọn thợ cá sông Đà mấy năm liền mò sang đi săn, theo nó sang tận Lào, đi năm thằng chết hai, ba thằng còn lại về cũng thành dở người. Đen lắm!
- Xin lỗi bố nhá! – Tú khỉ cắt ngang – Con đéo tin chuyện thần thánh, con nói thật. Chẳng qua là chuyện mê tín, dân mình hay có kiểu một đồn mười, làm gì có con cá to thế ở cái sông này. Ở sông Mê Kông thì may ra, chứ làm sao nó sống được ở đây? Nghe nói mùa cạn còn lội qua sông được, đúng không?
- Đúng là mùa cạn lội qua sông được, nhưng tao tận mắt nhìn thấy nó. Với lại, cái vụng nước kia sâu lắm, tao lặn xuống…
Ông Văn dường như khó chịu khi Tú khỉ tỏ ra nghi ngờ về con cá, ông ta còn muốn nói thêm gì đó, nhưng ngần ngừ một lát rồi thôi, im lặng nhấp rượu. Cô con gái nhìn ông ta vẻ ra lo lắng, từ đầu đến giờ cô ta vẫn chưa nói một lời nào.
- Sao em ít nói thế? – Tôi hỏi.
- Dạ, vầng! – Cô ta chỉ nói vậy, hơi mỉm cười.
- Tính nó thế thành quen rồi – Ông Văn giải thích – Hai bố con có khi cả ngày chả nói với nhau câu nào.
- Con chỉ mong lấy được người vợ như thế thôi – Tú khỉ nói – Con bỏ vợ cũng chỉ vì nó nói lắm quá, điếc hết cả tai.
- Có mà vợ bỏ anh thì có – Một trong hai cô gái kia õng ẹo – Người đâu mà khó tính khiếp lên được! Phụ nữ thì phải nói nhiều chứ sao?
- Ha ha, anh rất chi là dễ tính nhá! – Tú khỉ cười nhăn nhở – Giờ em chỉ cần ít nói một tí là anh lấy ngay, thề đấy!
- Thôi chả dám! Em biết anh dễ tính thế nào rồi!
- Cũng có vài đám đánh tiếng dạm hỏi, chả hiểu sao cái con này nó không chịu – Ông Văn nói tiếp – Học hết phổ thông là nó nhất định ở nhà phụ giúp chài lưới, chợ búa, bảo đi học lấy cái nghề gì mà sống nó không nghe, bảo lấy chồng cũng không, nhiều lúc nghĩ chán lắm!
- Bố lại thế rồi! – Cô con gái kéo tay ông Văn.
- Còn không nữa à? – Ông ta nói to – Gái lớn thì phải lấy chồng, chứ ở nhà để thành bà cô già dở người à?
Cô gái định nói lại với bố câu gì đó, nhưng vừa lúc ấy phía bờ sông có tiếng chuông lục lạc kêu reng reng. Mải ăn uống và trò chuyện, chúng tôi đã quên khuấy đi mất những chiếc cần câu vẫn đang cắm ở bờ sông.
Tất cả ngừng nhai, nhìn nhau giây lát. Thế rồi Tú khỉ kêu lên đầu tiên: “Cá cắn rồi!”. Nó đứng dậy lao ra bờ sông, mất hút trong bóng đêm. Tôi nhìn theo, bỗng cảm thấy ớn lạnh xương sống, phía ấy tối om om, chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành.
- Cầm đèn pin ra đây mau! – Tú khỉ hét toáng lên phía bờ sông – Cá to lắm! Nhanh lên!
- Bình tĩnh! – Ông Văn đáp lại – Cứ bình tĩnh, cá to nó không chạy ngay đâu mà lo!
- Con này to lắm, chắc là cá thần đấy! – Tú khỉ nói vọng lại.
Ông Văn chộp chiếc đèn pin lững thững đi ra bờ sông, chúng tôi đi sau. Tú khỉ đang xuống tấn, ưỡn người kéo co, chiếc cần câu cong veo, đầu cần gắn dạ quang giật giật liên hồi. Thú thật là tôi không mấy hứng thú, chỉ miễn cưỡng đi theo bọn họ, và một phần nào đó là do tò mò. Nghĩ đến cảnh vật lộn với con cá ban sáng, tôi cảm thấy kinh hoàng, hai cánh tay vẫn còn đang đau nhức. Tú khỉ thì không, nó vẫn còn rất hăng. Tiếng máy xả cước kêu ro ro, đâu đó trong làn nước tối tăm kia, một con quái vật đang lồng lộn cố gắng chạy thoát. Ông Văn soi đèn pin về phía đó, chiếc đèn pin sạc loại cực mạnh, nhưng chúng tôi cũng chỉ thấy một phần mặt nước cuộn chảy, loang loáng ánh sợi cước di chuyển.
Lần này Tú khỉ không còn tỏ ra kích động như ban sáng, nó nghiến răng gồng mình kéo con cá vào, chỉ gầm gừ trong cổ họng: “Mày chết với ông này! Chết với ông này!”
- Kéo vào được thì kéo ngay lần đầu! – Ông Văn nói – Đừng để nó chạy lần nữa là mệt lắm đấy!
- Con đang cố đây! – Tú khỉ rít qua kẽ răng – Để xem cá thần của bố tuổi gì mà chạy?
- Không phải nó đâu – Ông Văn cười khà khà – Nếu là nó thì mày xuống sông rồi.
- Được rồi, bố cứ chờ đấy! – Tú khỉ hổn hển nói, càng ra sức kéo.
Ông Văn tiến lại gần sờ tay vào sợi cước rồi búng búng trên cần câu, nó kêu tưng tửng như đàn bầu vậy:
- Bố làm cái gì thế? – Tú khỉ kinh ngạc.
- Búng thế cho nó đau, với lại để xem con cá to chừng nào – Ông Văn cười cười – Con này giỏi lắm hai chục cân thôi.
- Con này chắc chắn phải to hơn con ban sáng – Tú khỉ cãi.
- Ờ, rồi xem! – Ông Văn ngạo nghễ nói, tiếp tục búng búng vào sợi dây cước. Ngay lập tức đầu cần câu lại bị dúi xuống, máy câu ra cước vèo vèo. Tú khỉ vặn phanh hãm hết cỡ, nhưng cước vẫn liên tục xả.
- Bố giết con rồi! Sắp ra hết cước mất rồi! – Tú khỉ kêu lên tuyệt vọng, nó dùng tay trái tóm vào cuộn cước trong máy câu, không cho nó quay nữa, lấy hết sức kéo chiếc cần trở lại.
Một tiếng động lớn phía xa xa, nghe như thể có một con lợn tạ rơi xuống sông vậy.
- Nó nhảy lên đấy! – Tú khỉ hét – Nghe thấy không? Nó nhảy lên là nó sắp đi rồi đấy. Ha ha, cá thần sắp đi xa với anh rồi các em ơi!
- Cá chày – Ông Văn thủng thẳng nói, cá chày mới nhảy như thế.
- Bố tinh vi quá đấy! – Tú khỉ nói trong hơi thở phì phò, nó đang quay máy câu cật lực để thu cước vào, con cá có vẻ đã chịu thua, thi thoảng có thể nghe thấy tiếng giãy giụa của nó trên mặt sông. Qua ánh đèn pin, mỗi khi Tú khỉ kéo mạnh, tôi thấy một hình dáng lờ mờ rẽ sóng phía xa xa.
Thế rồi phía đó bỗng tung tóe nước, một tiếng động khủng khiếp từ đó dội lại khiến tôi giật bắn mình. Ánh đèn pin chao đảo. Những cô gái thét lên kinh hãi. Tú khỉ ngã ngửa ra phía sau, cả khối thịt gần một tạ của nó rơi huỵch xuống bãi cát, trên tay hình như vẫn khư khư cây cần câu.
- Cái quái gì đấy hả bố già? – Tú khỉ lồm cồm bò dậy.
- Tao cũng không biết! Kinh quá! Mày xem còn cá không? – Ông Văn soi đèn pin vào Tú khỉ, rồi soi trở lại phía lòng sông.
- Vẫn còn! Vẫn còn cá, nó vẫn giãy, nhưng nó mệt lắm rồi thì phải! Ha ha ha! – Tú khỉ reo lên, nó guồng máy câu nhoay nhoáy.
Tôi nhận ra hai cô gái kia đang bấu chặt vào hai cánh tay tôi, run rẩy. Cô con gái ông Văn thì đứng nép sau lưng bố, cô ta cũng có vẻ sợ. Nếu không có đông người ở đây và mấy cốc rượu trong người, hẳn là tôi cũng đã vãi cả đái ra quần. Tôi cố trấn tĩnh và căng mắt nhìn theo ánh đèn pin, chờ xem đó là cái loại cá gì mà có thể giãy giụa và tạo ra cái thứ âm thanh khủng khiếp như thế.
Cuối cùng con cá cũng bị kéo vào chỗ bờ cát thoai thoải. Ông Văn đưa đèn pin cho tôi rồi lội xuống lôi con cá lên. Tôi soi đèn vào con cá.
Tất cả chúng tôi đứng chết lặng. Tôi cảm thấy toàn thân mình nổi da gà, tóc gáy dựng ngược.
Một cảnh tượng quái đản hiện lên trong ánh đèn pin: Một con cá chày to tướng, nhưng hầu như chỉ còn mỗi cái đầu, máu chảy ròng ròng, và vẫn đang giãy giụa. Đúng hơn là nó đang co giật liên hồi cái phần ngắn ngủn ấy, mồm ngáp ngáp. Một nhát cắt gọn gàng đến gần sát cái mang của nó, rõ ràng là thế, nhát cắt khiến toàn bộ phần ngon lành nhất của con cá biến mất, chỉ để lại cho chúng tôi phần xương xẩu nhất, đó là cái đầu cá còn lại. Cái gì đã cắt lìa con cá? Cái quái gì chứ? Tôi có thể nhìn thấy chiếc lưỡi câu xuyên qua mồm con cá, lòi đầu lưỡi ra ngoài, phía hàm trên. Một phần ruột con cá lòng thòng thòi ra từ nhát cắt, đẫm máu. Đôi mắt con cá bắt ánh đèn, phát sáng, vằn ánh đỏ.
Có lẽ tất cả mọi người đều hiểu đã có chuyện gì đã xảy ra, nhưng nhất thời không ai cất nổi một lời. Ông Văn cứ ú a ú ớ gì đó, thậm chí chẳng buồn nhớ ra phải mang cái đầu cá lên bờ.
Hai cô gái rú lên, càng bấu chặt vào tay tôi đau điếng, khiến tôi sực tỉnh.
- Bố mang lên đây xem nào! – Cuối cùng tôi lên tiếng.
- Cái quái gì thế này? – Tú khỉ như lạc giọng đi – Con cá của con đâu rồi?
- Đây, đây, cứ bình tĩnh! Để tao mang lên! – Ông Văn nói rồi cẩn thận đặt cái đầu cá lên bãi cát ven sông.
- Phần còn lại của con cá đâu? – Tú khỉ lật lật cái đầu cá, như thể đây là một trò đùa vậy, như thể cái phần thân con cá được giấu ngay đâu đó.
- Tao đoán là một con gì đấy ăn mất rồi – Tôi nói, giọng khản đặc.
- Con gì? – Tú khỉ quay sang nhìn tôi, rồi quay sang nhìn ông Văn, nhưng ông ta không nói gì, cứ trân trối nhìn cái đầu cá đỏ lòm.
- Hừm! Hừm! Còn con gì vào đây nữa? – Tôi hắng giọng cố gắng nói thật to, nhưng như thể bị hụt hơi vậy, vẫn cứ khản đặc – Con gì, con gì có thể đớp một cú ngọt xớt như thế này chứ? Con gì mà có thể đớp đến rầm một phát như thế chứ?
- Chả lẽ cá thần thật, hả bố? – Tú khỉ quay sang huých huých ông Văn, nhưng ông ta không trả lời ngay, chỉ cau mày lật cái đầu cá lên xem xét.
- Tao không biết – Cuối cùng ông Văn nói – Cũng có khi là một con cá lăng bự, tao chưa từng gặp con cá lăng nào bự đến mức cắn cụt được con cá chày như thế này, nhưng vết cắn thì giống cá lăng.
- Chính là con cá thần rồi! – Tú khỉ khẳng định – Hóa ra cá thần chỉ là một con cá lăng bự bự, thế thôi.
- Không phải cá lăng, tao đã nhìn thấy rồi, nó chẳng giống cá gì hết – Ông Văn nói.
- Chắc bố sợ quá nhìn gà hóa cuốc, thế thôi.
- Ừ, sợ thì đúng là sợ, nhưng tao đã nhìn thấy nó rất gần, đầu nó… Mà thôi, kệ chúng mày, tao đã bảo rồi…
Ông Văn bỗng im bặt, không nói hết câu. Ông ta đứng dậy đi về phía mép nước rửa tay, rồi lầm lì quay trở lại chỗ mâm cơm, thái độ rất khó hiểu. Mấy cô gái cũng kéo nhau quay về bên đống lửa. Tú khỉ đá đá cái đầu cá, lúc này đã hết co giật, cái mang cá cũng thôi phập phồng. Được rồi, tao sẽ câu con cá thần này cho coi, Tú khỉ nói, giờ uống rượu tiếp đã. Tôi soi đèn pin cho nó rửa tay, rồi hai thằng cùng quay lại mâm cơm. Suốt bữa ăn còn lại, chúng tôi chỉ nói về con cá. Nhưng lạ một điều, ông Văn không hé thêm bất kỳ một thông tin gì về con cá thần, ông ta luôn thoái thác trả lời, điều này khiến Tú khỉ càng tò mò, nó tìm cách khích bác cho ông Văn kể chuyện đụng độ con cá năm xưa, nhưng vô ích. Cuối cùng, khi đêm đã khuya, hai bố con ông Văn ra về, mặc cho Tú khỉ nằng nặc giữ lại. Ông Văn có vẻ đã say mèm, nói gì cũng ầm ừ, nhưng cô con gái khá cương quyết, cô ta dìu ông bố đứng lên. Tú khỉ nhìn tôi hất hàm. Tôi lắc lắc đầu. Tú khỉ cau mày. Cuối cùng tôi cũng đứng lên cầm đèn pin đi theo họ.
- Anh về đi, nhà em gần đây thôi.
- Không sao, anh đưa hai bố con về cho biết nhà luôn.
- Không cần đâu, anh quay lại đi!
- Lát nữa anh quay lại cũng được mà.
Tôi rảo bước đỡ một bên vai ông Văn, ông ta lảm nhảm cái gì đó không rõ, cả ba loạng choạng đi theo con đường mòn ven sông. Tiếng nước réo, những bụi lau lách um tùm, và những tán cây tối thẫm rung rinh theo gió. Người ông Văn mềm oặt, chỉ chực chảy xuống vệ đường, cũng may ông ấy khá nhẹ cân, chứ không phải là như Tú khỉ.
Tôi chẳng biết nói gì nữa, chỉ cố gắng giữ cho ông Văn khỏi ngã lăn quay, và chế ngự nỗi sợ hãi. Tôi sợ gì? Có thể là sợ bóng đêm, thú dữ, rắn rết, dòng sông, quái vật, ma quỷ, thậm chí sợ nốt cả cây cối… Dường như mọi thứ đều trở nên đáng sợ, ma quái!
Im lặng đi như thế áng chừng một cây số thì đến nhà họ, một căn nhà nhỏ bên đường mòn, nhìn ra bờ sông. Trong nhà tù mù ánh đèn, cô gái mở cửa bật công tắc đèn điện. A! Có điện! Tôi thở phào, tỏ ra ngạc nhiên ở cái chốn heo hút này mà cũng có điện.
- Điện máy phát – Cô gái giải thích – Máy phát đặt ở khe nước bên kia đường.
- À, ra thế.
Ông Văn lại nói lảm nhảm gì đó, chúng tôi dìu ông ta vào chiếc giường trong buồng, cô gái đắp chăn cẩn thận cho bố, rồi chúng tôi quay trở ra gian giữa. Ngôi nhà đơn giản đến sơ sài, tuy nhiên vẫn có một chiếc ti vi nhỏ. Tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ cũ kỹ chỗ bàn nước.
- Quanh đây không có ai ở sao?
- Có chứ, làng người Thái cách đây hơn một cây. Làng người Mường thì ở bên kia sông. Đồn biên phòng cũng gần đây.
- Ở chỗ heo hút thế này thì ghê chết đi được! – Tôi buột miệng.
- Quen rồi anh ạ – Cô gái rót cho tôi một cốc nước.
- Thôi, cảm ơn em! – Tôi đứng lên – Hôm nay không có bố con em thì chẳng biết thế nào…
- Không có gì anh ạ – Cô gái cúi đầu.
Tôi ngần ngừ định nói thêm gì đó, nhưng rốt cuộc lại chả biết nói gì, mà cũng chẳng còn cớ gì chùng chình ở lại căn nhà này. Tôi bước ra ngoài sân.
- Chào em nhá, em gái! – Tôi lí nhí.
- Vâng, anh về cẩn thận! – Cô gái đáp – Cần gì các anh cứ bấm còi xe, ở đây cũng nghe thấy.
- Được rồi, cảm ơn em! Có gì mai kia gặp lại.
Tôi thở dài bật đèn pin, quay trở lại con đường mòn. Mặc dù đèn pin cực mạnh, nhưng tôi vẫn thấy nó chưa đủ sáng. Dường như tất cả mọi thứ xung quanh tôi đều là những cạm bẫy và nguy hiểm rình rập. Đâu đó là những tiếng sột soạt trong bụi lau, tiếng nước sông réo, những con thuồng luồng hay quái vật nào đó đang trườn dưới đáy sông, dõi theo từng chuyển động của tôi. Trên cao, trong những tán cây đung đưa, có những cặp mắt nào đó đang nhìn xuống, những bóng ma, những linh hồn vật vờ, hồn ma những kẻ chết trôi, hồn ma của những thầy cúng, thầy mo, từ muôn vàn năm trước, nơi rừng thiêng nước độc này.
Tôi bỗng nhớ đến chiếc giường trải nệm êm ấm ở nhà, nơi có lẽ vợ con tôi đang ngủ say. Một thoáng tiếc nuối và buồn bã khiến tôi thở dài. Nhưng tôi vẫn phải dấn chân bước đi, trong đêm tối, trong nỗi sợ hãi không ngừng. Men rượu bay đâu hết. Tôi không hiểu tại sao khi sắp rơi vào cái vực xoáy đó, tôi lại không cảm thấy sợ hãi như thế này. Có thể khi đó mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Tôi rùng mình nghĩ đến cảnh nếu rơi xuống nước, rất có thể đã bị con quái vật nào đó xé xác dưới dòng sông kia. Hình ảnh con cá chày bị cắn cụt thân mình lại hiện ra. Tôi rảo bước, chỉ muốn chui vào lều, bên đống lửa ấm áp. Hoặc một ước muốn tầm thường và xa vời hơn, ngay lập tức quay trở về cuộc sống thường nhật, dù nó chán ngắt.
Cuối cùng tôi cũng đã nhìn thấy ánh lửa trại bập bùng. Tôi rảo bước, thở phào nhẹ nhõm. Tú khỉ đang thắp điện loay hoay làm gì đó ở bờ sông. Tôi lại gần phía nó.
- Mày làm gì đấy?
- Câu cá, chứ còn làm cái quái gì nữa? – Nó đáp.
Nó đang loay hoay móc một chiếc lưỡi câu khổng lồ vào cái đầu con cá chày còn lại, nó cũng đã kịp lôi ra một bộ cần câu to hơn hẳn những bộ cần câu trước đó.
- Mày định câu nó thật à?
- Thật chứ sao – Nó khinh khỉnh – Tao sẽ dùng cái đầu cá này làm mồi.
- Nguy hiểm lắm, bỏ đi!
- Nguy hiểm gì, cùng lắm là gãy cần, đứt cước, vài trăm đô lẻ chứ mấy.
- Mày không thấy nó đớp cụt con cá chày thế nào à?
- Tao đứng trên bờ, lo gì chứ?
- Nó chả đớp cụt mấy ngón tay ông Văn đấy thôi?
- Ông ấy có bảo nó cắn cụt hồi nào đâu? – Tú khỉ dừng tay, quay sang nhìn tôi – Mà sao mày không ở lại với em nó luôn đi?
- Em nào?
- Em Vân chứ còn gì nữa, bố nuôi, cô em gái kết nghĩa, hí hí! Anh em thì phải yêu thương nhau chứ, hí hí!
- Mày đúng là…
- Thôi vào lều ngủ đi, kệ tao! Tao đến đây là để câu cá, tìm cảm giác mạnh.
- Ừ thì kệ xác mày! Nếu có bị cá cắn cụt chim cũng đừng có gọi tao nhá! – Tôi nói rồi quay lại chỗ mấy chiếc lều bên đống lửa. Hai cô gái đang thò đầu ra gọi tôi í ới, họ cũng sợ chết khiếp cái cảnh âm u núi rừng nơi đây.
Tôi cho thêm một cây củi to vào đống lửa, rồi chui vào lều vớ i hai cô gái, họ đã chuẩn bị sẵn chăn gối. Và tôi nhận ra họ chẳng hề mặc gì trên người, cả hai.
Hai cô gái trẻ rúc rích cười, lột quần áo tôi ra. Hình như họ vẫn làm chuyện này hàng ngày, quen thuộc, như thể ta đánh răng rửa mặt mỗi sáng vậy. Thỉnh thoảng những động chạm của họ khiến tôi nhồn nhột, nhưng quả là một cảm giác lạ lùng khó tả. Một mặt, tôi không thể phân biệt được cô nào với cô nào, mặt khác điều đó lại khiến họ giống như là chị em sinh đôi vậy, sự hưng phấn được nhân đôi, cộng thêm cả nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó. Tôi vốn dĩ khá nhút nhát trước phụ nữ. Trước khi lập gia đình tôi cũng có vài mối quan hệ, nhưng sau đó nhiều năm liền tôi chỉ biết đến vợ. Tôi hay nhìn vào ngực những cô gái trẻ, ngắm nghía những thân hình gợi cảm. Họ có thể là đồng nghiệp, hàng xóm, những cô chạy bàn quán bia, quán cà phê, gái đứng bar, nhân viên thu tiền điện thoại, y tá, lễ tân văn phòng… thậm chí đa số trong số đó là những cô gái nhìn thấy trên phố, trạm xe buýt, tất cả chỉ là những hình ảnh thoáng qua. Thật ngạc nhiên, tôi chẳng hề tơ tưởng một hình bóng nào.
- Nhung đâu?
- Đố anh đấy! – Cô bên trái trả lời.
- Tối quá, anh chả nhìn thấy gì.
- Thế thì đố anh ai là Hằng – Cô bên phải cười hì hì – Tay ải tay ai, tay ẻm tay em.
- Gọi nốt thằng bạn anh vào chơi trò chim ải chim ai – Tôi nói.
Hai cô gái cười ré lên.
Thực ra ánh lửa xuyên qua vải lều đủ để tôi nhìn thấy toàn bộ thân hình họ, nhưng cho dù có sáng như ban ngày đi nữa thì tôi cũng chả phân biệt được ai với ai. Họ là hai cái lò sưởi ấm áp mềm mại, mịn như sa tanh. Còn hơn thế, họ nóng bỏng hừng hực, khiến tôi lo sợ rằng mình không đáp ứng đủ cho cả hai. Lò sưởi bên trái đang làm nóng phần trên cơ thể tôi bằng hai quả đồi phì nhiêu, lò sưởi bên phải ngịch ngợm vùng nhạy cảm bên dưới bằng một thứ mềm mại và ướt át. Chuyện này thật điên rồ! Tôi nghĩ bụng.
- Lẽ ra anh nên có ba đầu sáu tay mười hai con mắt mới phải.
- Mười hai cái cu chứ? – Cô bên trái nói, khiến cô bên phải đang hì hụi phía dưới ngẩng lên cười tí sặc.
- Á á! Cẩn thận em làm anh chẳng còn cái nào bây giờ! – Tôi kêu lên.
- Nhưng mà mười hai cái thì nhét vào đâu cho hết? – Cô bên trái nói, sau đó bọn họ lại lăn ra cười rũ rượi.
- Các cậu các mợ nho nhỏ cái mồm hộ cái! – Tú khỉ nói vọng vào từ phía bờ sông – Cứ hô hố thế thì có bố cá thần cũng đéo dám vào ăn!
- Anh cá là thể nào Tú khỉ cũng bị cá thần cắn cụt chim cho coi! – Tôi thì thào – Mà chắc gì nó đã còn chim, nhỉ? Hôm qua em nào ở với nó?
- Em! – Cả hai cô đồng thanh.
Thế rồi hai cô gái càng cười tợn, khiến Tú khỉ lần nữa càu nhàu chửi thề gì đó ngoài bờ sông, như một gã dở người.
Dứt cơn cười, mọi chuyện diễn ra đúng như nó phải thế, trần trụi và vui vẻ. Họ rất biết cách vắt kiệt sinh lực của tôi, tận hưởng khoái lạc, khiến tôi có cảm giác như mình biến thành một siêu nhân vậy. Họ khiến chính tôi cũng phải ngạc nhiên về bản thân mình.
- Thế nào? – Một trong hai cô hỏi khi mọi chuyện kết thúc.
- Anh thích, khoái lắm!
- Khoái thế nào?
- Cực khoái. Khoái cực!
- Em hỏi khoái như thế nào cơ mà?
- Ừ… thì như lần đầu kẹp ba vượt đèn đỏ ấy.
- Lại còn không đội mũ bảo hiểm! – Cô kia thêm vào.
- Ngay trước mũi công an nữa chứ…
- Thế anh Tú khỉ là công an à?
Hai cô gái cười rinh rích, khiến tôi cũng phì cười. Có vẻ họ cũng không đến nỗi quá ngốc nghếch. Tôi bắt đầu thấy thích họ.
Tôi bỗng nhớ từng đọc đâu đó một câu đại ý là khi người ta bước qua một lằn ranh thuộc về phạm trù đạo đức, người ta sẽ hiểu rằng thực ra nó cũng vớ vẩn như bất cứ mọi thứ khác trên đời này. Tiếng nước sông réo ì ầm. Tôi châm một điếu thuốc, ngắm nhìn màn đêm đầy sao qua ô cửa sổ nhỏ của chiếc lều. Đâu đó ở trên kia, nơi xa lắc, ánh sáng xanh nhấp nháy của những vì sao gợi ý nghĩ đến sự vô hạn và hữu hạn, sự vĩnh hằng của thời gian, hay cái ngắn ngủi của khoảnh khắc hiện tại. Tôi bật cười với ý nghĩ người ta hay dùng chữ những lạc thú xác thịt, trong khi đúng ra nó phải là những lạc thú tinh thần.
Hai cô gái dường như bắt đầu thiêm thiếp ngủ. Tiếng thú hoang tác lên phía núi xa vọng lại, chấp chới cánh chim ăn đêm chao lượn vụt qua bầu trời. Thi thoảng tiếng một con cá quẫy trên mặt sông. Tôi tự hỏi đâu đó dưới đáy sông kia, con cá thần đang làm gì? Liệu nó có ngủ không nhỉ? Hay nó đang luồn lách qua những hang hốc ngầm, đang sử dụng những giác quan kỳ lạ của nó để nhìn theo kiểu mắt cá cái thế giới tối tăm phía dưới đó, đang suy nghĩ theo kiểu của cá, đang ve vãn một con cá khác, đang yêu đương, đang làm tình, đang tận hưởng những lạc thú xác thịt? Đang suy nghĩ về suối nguồn và biển cả, vô hạn và hữu hạn, hư vô và hiện tồn. Đang triết lý kiểu cá. Tôi mỉm cười nhắm mắt lại hình dung mình là con cá, đang lang thang trong làn nước giá lạnh tăm tối, cảm nhận những dòng nước xiết bằng sóng âm. Tôi nghe những thay đổi áp suất dọc thân mình, hai tay biến thành vây, hai chân biến thành đuôi. Giống như những tay chụp ảnh chuyên nghiệp, mắt tôi là hai cái ống kính mắt cá, nhìn cuộc đời là những tấm ảnh 360°, tròn xoe, mà mỗi mắt lại nhìn đi một nơi. Hai mắt, thậm chí có khi là mười hai con mắt. Tại sao không?
Con cá, nó có biết đến cái cảm giác gọi là cô đơn không nhỉ?
Từ lâu, tôi đã quá quen với sự cô đơn, đến nỗi quên béng mất nó. Dường như nhắc đến nó là quá xa xỉ. Nói thế nào nhỉ? Nhắc đến nó đồng nghĩa với nỗi xấu hổ, yếu đuối, cứ như là gái. Đàn ông thì nên cô độc và kiêu hãnh theo kiểu hãy bước đi và đừng nên nghĩ suy
Tôi thì hay suy nghĩ mông lung lan man và chả chịu bước đi đâu quá cái thành phố nhỏ bé đó, với những lộ trình quen thuộc đến buồn chán của mình. Tôi cố nhớ lại xem ngoài Tú khỉ, còn có ai mà tôi có thể chia sẻ những ý nghĩ của mình. Chịu, tôi không thể tìm thấy ai. Vợ tôi là một phụ nữ bình dị, với những suy nghĩ bình dị, cô ấy thuộc về một thế giới khác. Tôi và Tú khỉ có một sợi dây liên hệ nào đó bí ẩn, nhưng ngược lại, tôi cũng chẳng thấy nó có điểm gì giống mình trong cách suy nghĩ, thậm chí chúng tôi thường xuyên sa đà vào những vụ tranh cãi.
Tôi cố nhớ lại xem ước muốn lớn nhất mình từng có là gì. Hình như là trở thành người chiến thắng trong Ai là triệu phú thì phải. Mặc dù tôi đọc khá nhiều sách, nhưng chưa đủ để thành Ngài Biết Tuốt, nên nó cũng chỉ là ý nghĩ giống như muôn vàn ý nghĩ thoảng qua khác kiểu giá như mình có triệu đô, giá như mình bất tử, giá như có kiếp sau, giá như mình là Thượng Đế… Một trong những lúc nào đó, tôi từng ước rằng giá mà mình thực sự ao ước một cái gì đó, đủ để khiến mình theo đuổi đến cùng. Khỉ thật! Giấc mơ con đè nát cuộc đời con! – Giờ câu thơ này dường như đã trở thành một ẩn dụ phổ biến, được ưa thích, gần như một thứ tiếng lóng, mang tính chất giễu nhại, và thậm chí người ta chẳng buồn quan tâm đến xuất xứ hay ý nghĩa ban đầu của nó nữa.

Tôi chìm vào giấc ngủ say từ lúc nào không biết. Đêm đó tôi mơ thấy mình là một con cá thần, với những phép màu đầy quyền năng, tung tăng bơi lội bên hai nàng tiên cá…

                                                                                      còn tiếp......................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét