Thứ Bảy, tháng 5 25

Săn cá thần ( truyện dài ) chương 2

 Ngày hôm sau là một ngày rất dài. Lúc tôi tỉnh dậy thì trời đã hửng nắng, trong khi bầu không khí vẫn khá lạnh. Hai cô gái biến đâu mất. Tôi thò đầu ra ngoài dụi mắt nhìn quanh. Bãi cát chói chang, dòng sông phản chiếu những tia nắng lấp lánh nhảy nhót. Những chiếc cần câu vẫn giương lên im lìm. Không thấy Tú khỉ ở đó. Đống lửa gần tàn, chỉ còn âm ỉ chút than dưới đống tro xốp. Giấc ngủ sâu khiến tôi cảm thấy rất khỏe khoắn. Rất lâu rồi tôi không ngủ ngon đến thế, cũng rất lâu rồi tôi không mơ mộng gì.
Tôi thụt đầu vào trong chăn, lơ mơ nhìn những đám mây loãng trôi trên bầu trời qua ô cửa nhỏ, cố nhớ lại giấc mơ đêm trước, trong lúc cơn ngái ngủ êm ái vẫn còn đang ngất ngư dễ chịu. Tôi cố nhớ lại một con cá thần hạnh phúc thì cảm giác như thế nào. Có chút gì đó khơi gợi, mời gọi, khích lệ tôi tưởng tượng về cái thế giới thiếu vắng lý trí tuyệt vời ấy. Đôi lúc tôi có cảm tưởng mình nắm bắt được dấu vết của nó, để rồi lại để vuột mất, và càng về sau càng xa vời. Dường như việc đó quá khó khăn, chỉ còn cách là tiếp tục lơ mơ ngủ, quay trở lại tiếp tục giấc mơ cũ, cánh cửa duy nhất đi vào thế giới thần tiên. Vô ích, mọi thứ nhạt nhòa dần, như màn sương lấp đầy dần vườn địa đàng.
Đúng lúc đó, mặt trời di chuyển đến chỗ ô cửa sổ của cái lều, nó rọi thẳng vào mắt tôi. Một màu đỏ tràn ngập dễ chịu, tuyệt đẹp! Tôi tận hưởng nụ hôn ấm áp của nó liếm từ từ trên mi mắt, trên gò má, di chuyển chậm rãi trên khuôn mặt tôi. Rồi tôi không cưỡng được ý muốn mở mắt ra thử ngắm nó. Tôi he hé mắt. Chói lóa. Làm sao để có thể vừa đẹp dịu dàng mà lại vừa chói lóa? Tuổi thọ của nó là 10 tỷ năm, mà nó đã sống được 5 tỷ năm, vậy là 5 tỷ năm nữa rồi nó cũng ra đi, biến mất, như chúng ta mà thôi. Bây giờ chính là tuổi thanh xuân của mặt trời, phải tranh thủ khi nó còn đó, dù rất khó để có thể nhìn ngắm nó một cách trọn vẹn, đầy đủ. Tất nhiên ta có thể nhìn thẳng vào nó, nếumuốn đốt cháy võng mạc của mình. Một số loài cá sống dưới đáy biển sâu, trong hang hốc, khi bị lôi lên phơi dưới ánh mặt trời hoặc bị rọi đèn, mắt chúng nổ tung.
Con cá thần có hình dáng thế nào? Không hiểu tối qua nó có cắn câu hay không mà chẳng thấy Tú khỉ đâu, cả hai cô gái nữa.
Một ý nghĩ chợt đến, khiến tôi lạnh xương sống, tỉnh cả ngủ. Tôi vùng dậy mặc vội quần áo rồi chui ra khỏi lều.
- Tú khỉ ơi! – Tôi gọi to – Tú khỉ!
- Cái gì đấy? – Nó càu nhàu từ phía chiếc lều bên cạnh, giọng khàn khàn, vẻ cáu kỉnh.
- Tao tưởng mày làm mồi cho cá thần rồi – Tôi thở phào, tiến lại chiếc lều.
Vạch cửa ra, tôi hơi bất ngờ. Tú khỉ nhăn mặt lại vì chói mắt. Hai cô gái nằm hai bên lầm bầm gì đó, rúc sâu vào chăn.
- Mày vô duyên nhở! – Tú khỉ tiếp tục càu nhàu – Để im bọn tao ngủ thêm một tí, kiếm thêm ít củi đi, lạnh quá!
- Kệ mày! Đi mà kiếm lấy!
Tôi chưng hửng quay ra bờ sông. Mặt trời đã lên khá cao, không khí ấm dần. Mấy chiếc cần câu cắm trên bãi cát im lìm. Tôi bỗng cảm thấy rất chán nản. Tôi châm thuốc, ngồi xuống chiếc ghế vải, nó đẫm sương. Ngồi một lúc hút hết điếu thuốc, tôi không chịu nổi cái cảm giác buồn chán, và đói nữa, bèn đi một vòng loanh quanh tìm củi khô. Đằng nào cũng cần củi để sưởi ấm và đun nấu.
Những cành củi thì rất nhiều, nhưng một số quá to không thể tha về nổi, một số lại nằm dưới cát ướt sũng. Hôm qua chúng tôi đã nhặt hết những cành củi ở loanh quanh vài trăm mét gần khu trại, giờ buộc phải đi xa hơn để lấy. Tôi quyết định đi xuôi dọc bờ sông, vừa đi vừa gom những cành củi nhỏ lại thành đống, để lúc quay về vác một thể. Những cành gỗ lũa này đốt rất đượm, lâu tàn, một số chùm rễ cây bị nước bào mòn khá đẹp mắt, hình thù kỳ dị, như những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng. Trên bãi cát, tôi nhận ra những vết chân chim, cả những dấu vết gần giống như vết chân mèo. Có thể là vết chân chồn, hoặc cầy cáo, hoặc mèo rừng. Tôi không rành về tất cả những thứ đó. Tối qua tôi đã sợ chết khiếp khi đi trên con đường mòn trên kia, đâu biết rằng có thể trong bóng tối chỉ có những con vật hiền lành, vô hại. Một con hoẵng, một con chim ăn đêm, vài con dơi…
Giờ đây, dưới ánh nắng ban ngày, cảnh vật hiện lên rõ ràng, chẳng có vẻ gì nguy hiểm. Tôi luồn lách qua những bụi cây dại mọc khắp bờ sông, sục sạo tìm những khúc gỗ khả dĩ có thể làm củi được. Tôi cứ đi mãi, mải mê nhặt củi, quên bẵng cả cái đói.
Thế rồi tôi sững người lại, khi chợt nhận ra phía trước thấp thoáng có bóng người, khá gần. Tôi vội ngồi thụp xuống, nấp sau một bụi cây, căng mắt ra quan sát.
Đó chính là Vân, con gái ông Văn, cô ta đang tắm dưới sông. Chính tiếng khỏa nước đã khiến tôi chú ý. Không hiểu sao cô ta không thấy lạnh nhỉ? Nửa người nhô lên khỏi mặt nước, cô ta đẹp tuyệt trần, trong ánh nắng vàng như rót mật. Tóc búi, bờ vai mảnh thon nhỏ, bộ ngực săn chắc nhô cao, cái eo thon thả óng mượt. Ánh mặt trời xuyên qua làn nước trong vắt, rọi xuống đáy cát trắng rồi phản chiếu lên làn da trắng mịn màng của cô ta, khiến như thể cô ta đang tỏa sáng vậy. Nước rất trong, tôi có thể nhìn thấy toàn bộ những gì ở dưới nước. Tôi cảm thấy người nóng bừng.
Bất chợt cô ta ngẩng lên nhìn về phía tôi. Đã quá muộn để thoái lui. Ánh mắt cô ta đầy vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó là sợ hãi, có cảm giác như ánh mắt cô ta lạc hẳn đi, mờ dại. Tôi cũng quá bất ngờ và sợ hãi, xấu hổ, lúng túng không thốt được lời nào. Cô ta thét lên một tiếng rồi lội vào bờ, vớ lấy một thanh củi khô gần đó. Hoàn toàn khỏa thân, cô ta từ từ tiến về phía tôi. Bỏ mẹ! Cô ta định làm gì chứ? Tôi định tháo lui, có lẽ nên chạy thật nhanh, hạ hồi phân giải.
- Đứng lại! – Cô ta quát – Đứng lại không chết bây giờ!
- Anh không, anh không… – Tôi lắp bắp và định lùi lại – Anh không cố ý! Thật mà!
- Đứng im! – Cô ta lại quát.
Tôi đành đứng im, nghĩ bụng thôi thì cố nghiến răng chịu một gậy vậy, chết vì gái đẹp cũng không phải là cái tội. Quả thật cô ta rất đẹp! Mặc dù sợ chết khiếp, tôi cũng vẫn kịp liếc nhìn xuống thân hình tuyệt mỹ của cô ta, rất gần, rất đẹp! Chết thì chết, sợ gì! Hôm qua cô ta cứu tôi, thì hôm nay hoàn toàn có quyền giết tôi. Một lần nữa, tôi đã sẵn sàng để chết.
Cô ta lấy hết sức phang cây củi vào đầu tôi. Thế là hết, tôi nghĩ thầm và nhắm mắt lại. Chỉ nghe tiếng gió vù một cái, một tiếng bụp ngay sát tai. Tôi mở mắt ra, thấy mình vẫn sống. Một con rắn lục đang uốn éo nằm dưới đất, khiến tôi sởn gai ốc, có lẽ nó ở trên bụi cây và chuẩn bị cắn tai tôi. Cô gái vụt thêm một gậy nữa vào cái đầu hình tam giác của nó, con rắn quằn quại, rồi từ từ đờ ra.
- Anh không biết, anh cứ tưởng là… – Tôi lắp bắp.
- Nhắm mắt lại ngay! – Cô ta quát.
Tôi nhắm mắt lại, đồng thời ăn một cái tát tức thì. Tiếng bước chân cô ta bỏ đi. Tôi he hé mắt ra. Phải nói là cô ta có thân hình miễn chê, nhìn từ phía sau cũng hoàn hảo, cái eo lưng tuyệt đẹp! Cô ta đi về phía bãi cát, mặc lại quần áo. Trước khi bỏ đi, cô ta lườm tôi một cái rõ dài, khiến tôi cảm tưởng như mặt mình bị cháy xém, và cái má vừa ăn tát thì vẫn bỏng rát. Tôi nghĩ tôi sẵn lòng chết vì cô ta.
Ngày thứ hai thời gian trôi qua chậm chạp. Có lẽ bởi vì sau đó không có chuyện gì đáng kể xảy ra. Tôi mệt mỏi và kiệt sức. Cho đến trưa, ánh nắng phản chiếu từ bãi cát trắng đôi lúc khiến tôi rơi vào một trạng thái lơ mơ. Những ý nghĩ u ám lởn vởn trong đầu.
Tú khỉ sau một đêm thức trắng không thu được kết quả gì, nó cũng trở nên dễ cáu kỉnh, lầm lì ngồi đồng ngoài bờ sông. Hai cô gái thì tỏ ra chán nản vì nơi này không có sóng điện thoại, và họ không biết làm trò gì khác ở nơi đây, giống như tôi vậy.
Vào lúc ăn trưa, khi tôi quay về với bó củi tướng, ba kẻ kia đã thức dậy. Tôi khui những hộp thịt cho vào cái nồi, cùng với măng tươi hai bố con ông Văn để lại từ hôm trước, nấu một bữa mì tôm hoành tráng. Chúng tôi im lặng ăn. Tôi không kể gì về chuyện gặp con gái ông Văn ở bờ sông và suýt bị con rắn lục cắn, tất nhiên. Nhưng tôi gợi ý với hai cô gái rằng ở đây vắng vẻ, hoàn toàn có thể tắm tiên được, và nên thế. Tú khỉ không hưởng ứng câu đùa ấy, nó im lặng nheo mắt nhìn ra phía bờ sông lấp lánh nắng, như đang mải theo dõi mấy chiếc cần câu. Hai cô gái cũng chỉ nhếch mép cười chiếu lệ.
Sau đó chúng tôi uống cà phê. Tôi mệt mỏi nhưng không thể ngủ tiếp được nữa, cả Tú khỉ và hai cô gái cũng vậy. Mặt trời lên cao, thậm chí ánh nắng khá gắt, trong khi bầu không khí vẫn se lạnh. Chui vào lều thì chật và ngột ngạt, chúng tôi quyết định trải tấm bạt ra dưới gốc cây sung to, để tránh ánh nắng. Chả biết làm gì khác, chúng tôi chơi bài. Luật chơi rất đơn giản, ai về bét thì phải cởi một món quần áo trên người, và mỗi lần về nhất cũng chỉ được mặc lại một món đồ.
Trò này cũng vui vẻ và giết được thời gian chừng một tiếng đồng hồ, bởi vì chỉ một loáng, tôi và Tú khỉ cho hai cô gái nhẵn nhụi. Có lúc tôi và Tú khỉ chỉ còn mỗi quần sịp, nhưng rồi gỡ gạc lại rất nhanh. Chừng dăm ván không về nhất được, hai cô gái chán nốt trò bài bạc. Tú khỉ lại ra bờ sông kiểm tra những chiếc cần. Hai cô gái mặc lại quần áo chui vào lều ngủ.
Tôi nằm dưới gốc cây thử há miệng chờ sung. Dưới bóng râm của tán lá, không khí hơi lành lạnh. Bấy giờ bầu trời rất xanh và trong, chỉ lơ thơ vài gợn mây, nắng vàng rực rỡ, nhưng lòng tôi vẫn trĩu nặng. Khi không biết làm gì, những ưu phiền lại xâm chiếm. Tôi cố quên đi chuyện cãi cọ với vợ, nhưng không thể, nó vẫn còn đó lơ lửng. Tôi nghĩ đến tương lai mù mịt ở công ty, với núi công việc chồng chất đang chờ đợi khi tôi quay về, tôi nghĩ đến những khoản tạm ứng và nợ nần, những chiếc hóa đơn sắp phải thanh toán, và tủ lạnh thì rỗng không. Tôi nghĩ đến đứa con trai mới lên sáu của mình, trách nhiệm với nó còn nặng nề và lâu dài, suốt đời. Tôi không muốn là một người chồng tồi, và nhất là ông bố tồi.
Những vấn đề của cuộc sống thực tế, là một cái gì đấy khó mà chạy trốn được. Cuộc sống mưu sinh luôn luôn là khắc nghiệt, giống như cuộc đấu tranh sinh tồn của muôn loài khác, và thường là khốc liệt hơn.
Ngay cả Tú khỉ trong những lúc như thế này, tưởng chừng như nó rảnh rỗi, ngồi hàng tiếng đồng hồ trên bãi cát nhìn vô định xuống dòng sông, để mặc thời gian trôi đi. Nhưng ai mà biết được trong đầu nó đang toan tính những chuyện quái quỷ gì? Rất có thể nó đang nghĩ cách trốn thuế, buôn lậu, đáo nợ ngân hàng, thanh lý hàng tồn, cắt giảm nhân viên, đối phó với kiểm toán, hối lộ, hạ gục đối thủ kinh doanh… Hàng tỉ thứ mà một thằng làm buôn bán kinh doanh phải nghĩ cách giải quyết. Như chính nó đã vô tình nói lộ ra từ khi rủ rê tôi, đi câu cá có thể là lúc người ta đang ủ mưu làm chuyện gì đó. Không bao giờ tôi thực sự biết rõ Tú khỉ đang kinh doanh những cái của nợ gì. Hồi đầu những năm chín mươi nó buôn bán sửa chữa vặt vãnh đồ điện tử điện lạnh, máy giặt bãi. Hồi ấy có dạo đến nhà tôi thấy nó đang ngồi say sưa quấn mấy cuộn dây đồng vào những tấm thép, để làm thành chấn lưu đèn neon, nó cẩn thận dán lên những chiếc chấn lưu rởm ấy cái tem Điện Cơ Thống Nhất, trong khi mồm ư ử hát nhạc vàng: “Từ khi anh thôi học, lòng thương biết mấy cho vừa…” – Chả là hồi ấy đang thịnh hành “Tâm sự người lính trẻ”, đi đâu cũng thấy toàn những “Rừng lá thấp” với lại “Xuân này con không về”… Trong khi tôi vào những năm đầu học đại học, thì Tú khỉ đã phải, như cách nó nói, là bước vào đời bằng chân trái. Trốn nghĩa vụ quân sự hay tìm cách đút lót sao đó, nó ở nhà đi buôn bán mánh mung các kiểu, từ ve chai, bia cỏ, nước ngọt có ga, làm hàng giả đủ loại. Như chấn lưu chẳng hạn, nó có thể nhái gần như y hệt từ Điện Cơ Thống Nhất cho đến Quốc Phòng. Ngay từ hồi học phổ thông, nó đã có thể sửa từ những chiếc ti vi Neptune đời ơ kìa cho đến những chiếc JVC màu 7 hệ (hồi ấy đã là loại hiện đại lắm rồi). Tôi không hiểu nó học lỏm tất cả những thứ ấy ở đâu nữa. Tôi chỉ thấy nó suốt ngày đá bóng, thả diều, và kiếm chác vặt vãnh từ những thứ đồng nát. Trong khi những thằng như tôi trong lớp suốt ngày chỉ chúi đầu vào sách vở, thì nó học ngoài đường phố và vỉa hè.
Nhưng không hiểu sao nó lại thân tôi nhất lớp. Có lẽ vì thi thoảng tôi cho nó chép bài. Nhưng đó không hẳn là lý do chính. Tôi chưa tìm ra lý do mà nó khoái tôi.
Tú khỉ học lẹt đẹt, nhưng vẫn tốt nghiệp phổ thông. Bù lại, nó rành mọi xó xỉnh chợ giời, dân buôn bán lô đề, các mối hàng họ đủ kiểu. Giống như một cái ăng ten, nó luôn biết xu hướng thị hiếu của dân tình, khi nào họ khoái chơi cassette hay chơi amply Nhật loa Nga (hồi đó thông dụng là loa S-90D), khi nào họ chán, khi nào thì chuyển sang chơi giàn Kenwood hay Aiwa…
Bạn bè cần mua sắm ti vi tủ lạnh xe máy hay bất cứ gì đều tìm đến nhờ nó. Hầu như chẳng có nghề gì nó làm quá lâu, mỗi thứ một tí. Hồi chợ xe Phùng Hưng còn chưa giải tán, đến hỏi Tú khỉ là tìm được ngay. Tháng sau quay lại hỏi chúng nó bảo anh xuống chợ giời tìm chỗ mấy hàng bán loa. Tháng sau nữa hội bán loa lại bảo anh xuống Hải Phòng xem sao, Tú khỉ đang oánh hàng dưới ấy. Tú khỉ được tất cả hội “thợ” buôn bán nhỏ gọi là “thợ cứng”, là “đa hệ” – nhạc gì cũng nhảy.
Tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh đến nhà chơi thấy nó đeo kính lúp cầm mỏ hàn, nhà khét lẹt mùi dây điện lẫn mùi thơm nhựa thông cháy, những bảng mạch điện tử la liệt, những cái vỏ nhựa hầm bà làng đủ loại. Hàng bãi thượng vàng hạ cám mỗi thứ một tí, chả cái nào giống cái nào, và nó ngồi giữa đống rác ấy, say sưa hát “Tâm sự người lính trẻ”.
Bẵng đi một thời gian, nghe nói nó chuyển sang oánh hàng Tàu, chắc là hàng điện tử và điện lạnh. Có dạo thấy bảo gây ra một vài phi vụ gì bị bể mánh, chạy chọt trốn chui lủi mãi. Sau đó dần dần cũng êm, nó quay sang buôn xe máy tàu đúng lúc cơn sốt xe đang sôi sục. Như thường vẫn thế, nó dừng đúng lúc, trước khi thị trường bão hòa. Khi đó nó đã kiếm được một mớ. Vài năm sau nó mở công ty, và có trời mới biết được công ty nó làm cái quái gì. Nhiều lần nó nửa đùa nửa thật bảo tôi về làm ăn với nó. Nhưng tôi chả gật mà cũng chả lắc.
Tú khỉ lấy vợ sớm, và cũng giải tán sớm, sau khi có với nhau đứa con gái ba tuổi. Không rõ vì sao, nhưng tôi đoán vợ nó không chịu nổi một thằng chồng nay đây mai đó lang bạt như Tú khỉ. Đứa con gái nó hình như vừa vào cấp III, hiện lúc sống bên nội, lúc về bên ngoại. Tôi nhớ nó có đôi mắt to, ướt, và buồn, như mắt những con khỉ người ta nuôi trong lưới sắt ở vườn bách thú. Mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, Tú khỉ hay phát khùng lên, gạt phăng đi, hoặc lảng sang chuyện khác.
Giờ đây nó ngồi đó, im lìm như pho tượng. Không thể hiểu nổi những lý do đã khiến chúng tôi có mặt ở cái chốn heo hút này, để nhớ về một thời tuổi trẻ hình như đã trôi qua lúc nào. Tú khỉ chìm nổi lênh đênh bao nhiêu, thì tôi phẳng lặng bấy nhiêu. Thậm chí bảo tôi kể ra một vài dấu ấn giống như cột mốc trong đời, tôi cũng chẳng biết phải kể những gì.
Hồi mới quen vợ, cô ấy hỏi tôi kỷ niệm đáng nhớ của anh về thời sinh viên và những năm học phổ thông là gì. Tôi nghĩ ngợi một lúc, rồi bảo: Anh quên xừ mất rồi. Cô ấy cười ngặt nghẽo, cho rằng tôi có khiếu hài hước. Chắc đó là lý do cô ấy muốn lấy tôi. Ừ thì lấy nhau, cũng chẳng sao.
Nhưng tôi nghĩ chẳng có gì đáng buồn cười trong chuyện này. Đa số những gã mà tôi biết, trong những lúc bia bọt, đều kể lại những lý do rất vớ vẩn đã khiến họ đeo nhẫn cưới. Tại lúc đấy giá vàng đang rẻ chẳng hạn. Hoặc có ông chú kinh doanh nhà hàng cho thuê tiệc cưới, đang mùa ế ẩm. Bao cao su bị thủng, tính nhầm ngày… Hoặc là có lý hơn kiểu ông nội bị ốm sắp đi xa, muốn thấy đít tôn yên bề gia thất. Bà cô Việt kiều hơn chục năm mới về, tranh thủ làm đám cưới trước khi bà ấy lại đi. Vân vân và vân vân những lý do kiểu ấy. Nhưng lý do tôi hay nghe nhất, đó là cưới vợ để bớt chơi bời, khỏi hỏng người.
Khi biết tôi và vợ đang hục hoặc, Tú khỉ tỏ ra rất thông cảm, thậm chí hí hửng, như thể nó và tôi đang chung một chiến hào vậy. Tôi không thích cái ý nghĩ ấy. Tôi khác nó. Tôi không muốn con trai mình lớn lên có một đôi mắt buồn.
Ngoài kia nắng vẫn chói chang. Dòng sông trôi đi, trôi mãi, miên man. Tiếng nước réo giống một bản giao hưởng lộn xộn mà các nhạc cụ tìm cách rượt đuổi nhau không ngừng nghỉ.
Như tôi đã nói, đó là một ngày rất dài…
Có những lúc tôi đã nghĩ cuộc phiêu lưu đó không có thực, chỉ là một cơn ác mộng không đầu không cuối, hoặc tôi đã ở thiên đàng, hoặc cũng có thể là dưới địa ngục. Thực sự tôi không biết phải kể chuyện nào trước chuyện nào sau nữa. Những sự việc xảy ra sau ngày thứ hai ở khúc sông đó với tôi chỉ còn là những mảnh vụn ký ức rời rạc, chắp vá, một thời gian sau tôi hầu như hoàn toàn quên mất khái niệm thời gian.
Tôi sẽ cố gắng kể lại những gì rõ nét nhất còn sót lại trong trí nhớ, may ra sẽ chắp nối lại được những sự kiện đó. Con cá thần có hàm răng lởm chởm. Cú quật đuôi khủng khiếp của nó. Cái đầu nửa như đầu cá mập, nửa như đầu con trăn khổng lồ. Đôi mắt nhỏ hơi giống mắt trâu. Những người đàn ông mang súng. Hình ảnh ông Văn bê bết máu. Một trận động đất hay một cơn lũ quét tràn qua, những thân cây húc vào vách đá, màu trắng bạc lấp lánh trên nóc xe, trong ánh sáng trắng đục buổi sáng, và một cái hang sâu thăm thẳm dẫn từ đỉnh núi thông xuống lòng sông, xuống âm ti, nơi những vong hồn chưa siêu thoát vẫn còn vật vờ trú ngụ ở đó…
Tôi nhớ đã nhìn thấy bốn người đàn ông đang tiến lại gần. Lúc đó trời xâm xẩm tối, nhưng tôi vẫn nhận ra rằng hai trong số bọn họ khoác súng, đó là hai khẩu AK47. Ngay lập tức dường như toàn bộ máu trong cơ thể tôi đông đặc lại, ngừng chảy, và cuống tim lìa ra. Trong óc tôi thoáng nghĩ đến đám buôn hàng trắng qua biên giới, luôn manh động và sẵn sàng làm mọi thứ có thể.
Chúng tôi chưa hề mảy may nghĩ đến những sự cố kiểu đó, như thể nó chỉ tồn tại trong những bài báo mà thôi. Tú khỉ đang quay mặt về phía bờ sông, không hề hay biết. Hai cô gái thì bận nấu nướng bên đống lửa, chỉ có tôi biết đám người kia đang lặng lẽ tiến đến, bóng họ in trên ráng chiều chạng vạng. Làm gì bây giờ?
Nếu là Tú khỉ, hẳn nó sẽ có phản ứng nào đấy, chứ tôi thì chỉ là một kẻ hiền lành và nhát gan. Nhất thời tôi cứng đờ người chẳng biết phải làm sao, chỉ cảm thấy nỗi sợ hãi choáng váng.
Một kịch bản rùng rợn hiện lên: Tôi và Tú khỉ sẽ bị dí súng vào đầu, chúng sẽ trói hai thằng tôi lại, sau đó thay nhau làm nhục hai cô gái. Rất có thể sẽ là như thế, và chưa biết mọi chuyện sẽ còn đi đến đâu. Cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc… Biết bao chuyện kinh khủng như thế có thể vẫn diễn ra nơi rừng sâu núi thẳm này mà chúng tôi không hề ngờ nó lại có thể xảy ra đối với mình. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ tất cả những chuyện này là một định mệnh đen tối có liên quan đến con cá thần, như ông Văn đã cảnh báo. Dù nó diễn ra cách này hay cách khác, thì hình như chúng tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Suốt một ngày dài mệt mỏi dài lê thê, rồi sẽ kết thúc như vậy sao?
Trong những lúc sợ hãi và yếu đuối, con người ta bỗng tin vào chuyện thần bí. Tôi chợt nghĩ đây là quả báo cho những tội lỗi của tất cả chúng tôi, những kẻ rỗi hơi rửng mỡ, không dưng dẫn xác tới đây chuốc lấy cái tai họa này. Một thoáng hối hận trong lòng. Tôi nghĩ đến vợ con, người thân, và những điều còn dang dở trong cuộc đời, cầu mong họ sẽ tha thứ cho tôi. Vĩnh biệt! Xin vĩnh biệt cuộc đời!
Tôi chờ đợi mọi chuyện xảy ra, chỉ trong giây lát nữa.
***

Tôi cố hình dung lại khuôn mặt cậu con trai của mình. Tôi đã đặt tên nó là Hải Đăng. Mọi người hay đùa Đăng bố Đăng con như đèn dầu đèn pha. Thật buồn cười phải không? Tôi đã đặt tên con trai như thế để mong rằng đời nó sẽ không leo lét như cuộc đời tôi. Vợ tôi tên là Nguyệt, nàng trong sáng như trăng rằm, chỉ bất hạnh một điều là nàng đã lấy phải tôi, một kẻ vô dụng bất tài trên cõi đời này. Tôi vẫn tin rằng cái tên họ có ảnh hưởng một cách logic và sâu sắc đến số phận một con người. Tôi không trách cha tôi đã đặt tên mình là Tiểu Đăng, vì ý nghĩa thực sự của nó mang chút gì khiêm nhường, chỉ là một ánh sáng nhỏ trong bóng đêm, thậm chí nghe cũng dễ thương nữa phải không?
Nhưng tôi muốn con trai mình phải tỏa sáng, dẫn dắt những con tàu, nó sẽ phải là một người bố tốt hơn tôi, là chỗ dựa cho vợ con, là một ngọn hải đăng đứng giữa phong ba bão tố, chỉ dẫn cho những linh hồn lạc lối.
Than ôi! Đã quá muộn để có thể quay trở lại, giờ đây tôi đã tuột dốc không thể cứu vãn, mắc kẹt trong một hoàn cảnh không ngờ. Tôi chỉ có thể gửi lại những lời nhắn gửi cuối cùng cho con trai, qua câu chuyện này, bằng cách nào đó. Hy vọng sau này khi lớn lên nó sẽ hiểu mọi chuyện, và may ra, nó sẽ tha thứ cho người bố đã đi xa. Bạn hãy kể lại cho con trai tôi câu chuyện này, hãy kể lại, đừng quên lược bỏ tất cả những chi tiết nhạy cảm và khiếm nhã không cần thiết. Ý tôi là hai cô gái điếm kia, đó là sự thật, nhưng họ đến rồi đi khỏi cuộc sống, biến mất, như chưa hề tồn tại. Tôi không muốn nói về chuyện đó nữa, nó chẳng có gì đáng tự hào. Giờ đây, khi mọi chuyện đã qua, khi tôi đã vượt qua mọi ràng buộc, chuyện đó cũng chẳng khiến tôi hối hận hay xấu hổ. Nó đã xảy ra, thế thôi. Có thể các bạn sẽ tự hỏi tại sao tôi nhảy từ thái cực này đến thái cực khác nhanh như vậy, từ một câu chuyện bông phèng ban đầu bỗng dưng lại trở nên trầm trọng đến thế? À, thì đời là vậy, chả ai học được chữ ngờ hết. Hôm nay cuộc sống của chúng ta còn đang phẳng lặng, thế mà hôm sau đã như một cơn bão lũ, cuốn phăng đi mọi thứ.
***

Tôi muốn kể rằng vào ngày thứ mấy đó không rõ, khoảng ngày thứ năm hoặc thứ sáu, khi mà chúng tôi hầu như phát điên lên vì con cá thần, tôi và Tú khỉ lúc nào cũng chực xông vào táng nhau vì những chuyện không đâu, mụ mẫm đi bởi nỗi giận dữ, bất lực, tuyệt vọng, thì một cơn lũ quét cuối mùa ập đến, cuốn trôi tất cả mọi thứ, tất tật. Tôi không nhớ hết mọi chi tiết đầy đủ câu chuyện lộn xộn ấy nữa, chỉ biết là Tú khỉ bơi giỏi là thế mà thiếu chút nữa bị cơn lũ nhấn chìm.
Chúng tôi ở một nơi ngoài vùng phủ sóng điện thoại, cũng chẳng có lúc nào nghe đài đóm, nên không hề biết cơn lũ quét đến. Đêm trước đó chúng tôi có nghe thấy ầm ì xa xăm, nhưng không thấy giọt mưa nào, thời tiết trở lạnh và âm u. Có thể đó là tiếng mìn đánh cá kiếm bữa tươi của cánh công nhân làm đường, hoặc họ phá đá ta luy, tôi và Tú khỉ phỏng đoán một cách ngớ ngẩn. Mấy hôm trước lúc vào đây chúng tôi nhớ có một cung đường đang sửa chữa, công nhân dựng lán trại ngay bên đường, cạnh suối, chúng tôi không hề nghĩ đến chuyện người ta chẳng bao giờ nổ mìn vào ban đêm cả. Những dãy núi cao che chắn hết ánh chớp, và sương mù dày đặc khiến chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng. Chúng tôi nằm trong lều, chìm vào giấc ngủ mệt nhọc.
Thực ra đó là tiếng sấm ì ùng ở phía tây vọng lại, tít sâu vùng rừng rú nào đó bên Lào, do ảnh hưởng từ một cơn bão, kéo theo mưa gió dữ dội mấy ngày trời. Sau này chúng tôi mới biết có một đập nước bị vỡ, nước ở thượng lưu đổ về với một tốc độ và sức tàn phá khủng khiếp.
Khi đó trời đã hửng sáng, không rõ là mấy giờ. Như mọi khi, tôi cố ngủ rốn thêm chút nữa, ngắm những đám mây xám đang lởn vởn trên bầu trời, qua ô cửa sổ tí xíu của cái lều. Tú khỉ thì í ới gọi tôi dậy ăn sáng, nó đi lại bên ngoài càu nhàu gì đó, rồi tiếng bước chân thậm thịch nặng nề của nó xa dần, có lẽ nó đi về phía bờ sông. Mặc kệ, tôi chẳng thiết ăn uống gì nữa, chỉ muốn được yên thân, lười biếng nằm ngắm những đám mây u uẩn kia.
Thế rồi mặt đất rung chuyển, có âm thanh trầm trầm vọng đến, to dần, to dần, không thể tả nổi cái thứ âm thanh ấy, nó như những tiếng nổ lớn, mặt đất như muốn nứt toác ra và sắp sửa chôn vùi mọi thứ.
- Cuội ơi dậy mau! Có cái đéo gì ấy! – Tú khỉ kêu lên xa xa.
- Động đất à? – Tôi đáp lại, thấy chiếc lều rung bần bật, cảm nhận rõ phía dưới lưng, mặt đất đang rung chuyển dữ dội.
- Lũ ống, lũ quét! – Tú khỉ lạc giọng hét lên – Chạy mau! Chạy mau lên bờ! Mau lên!
Tôi vùng dậy lao như tên bắn ra khỏi lều, thoáng nhìn thấy Tú khỉ phía hạ lưu bờ sông bắt đầu bị những cơn sóng lũ đầu tiên tràn tới tạt ngang, nó ngã xuống chới với, cố gắng sải tay bơi vào bờ. Tôi ở cách xa phía bờ sông nên kịp chạy về phía gốc cây sung, trước khi dòng lũ hung hãn tràn xuống toàn bộ bãi cát rộng. Điều may mắn duy nhất là chúng tôi đã chọn cái bãi cát này tập kết, chứ nếu hạ trại nơi dòng sông chảy qua hẻm núi phía trên đó vài trăm mét thì chắc chắn đã chết mất xác. Tôi run rẩy nhìn phía trên đó, nước dâng cao dễ đến ba bốn mét, đục ngầu màu nâu đỏ, tung tóe, như thể hàng trăm tấn sô cô la sữa bỗng dưng ông giời hứng lên khuyến mãi miễn phí xuống cái xứ khỉ ho cò gáy này vậy. Khi tràn xuống bãi cát, dòng bùn loãng ấy giảm bớt tốc độ, nhưng vẫn còn rất hung hãn. Những thân cây lao xuống như điên, va vào nhau rầm rầm, cắm vào bờ, lộn nhiều vòng, chổng cả rễ cùng những cành lá lên, không theo một quy luật gì. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Tú khỉ lập cập bước lại phía tôi, trông nó như một con trâu đầm. Do nước cuốn mạnh, hình như nó còn dạt vào bờ phía xuôi dòng trước cả tôi. Khi chạy vào đến gốc sung, ngoái lại tôi thấy nó đã leo lên đến chỗ con đường mòn. Hú vía!
- Kinh đéo tả! Sao lại có lũ vào cái mùa này cơ chứ? – Tú khỉ run run nói, răng va vào nhau lập cập.
- Lũ cuối mùa kiểu này, kiểu này… mấy chục năm mới có một lần… – Tôi lắp bắp cố lý giải theo những gì còn nhớ được – Trận kỷ lục tao đọc là năm, năm bao nhiêu ấy nhỉ, mấy hôm trước vừa đọc trên mạng…
- Đọc cái con cặc, nhìn xe của tao kìa, cái xe! Thôi xong!
Hai thằng ngẩn người há hốc mồm nhìn chiếc xe đỗ ở giữa bãi cát, nước đã ngập đến nắp ca pô, rồi chiếc xe chao đảo ngập ngừng, sau đó xoay ngang, từ từ nhúc nhích trôi xuôi dòng, khẽ dập dềnh như một con rùa. Hình ảnh cái giá chở hàng bằng hợp kim nhôm trên nóc xe là thứ cuối cùng mà chúng tôi nhìn thấy, nó ánh lên màu trắng bạc, đẹp một cách phi lý, trong thứ ánh sáng ảm đạm buổi sáng đó, rồi nó cũng biến mất nốt, chìm nghỉm chỗ vực xoáy khổng lồ nơi cuối dòng, đúng chỗ lần trước tôi suýt bị cuốn vào. Những tảng đá giữa sông đã hoàn toàn biến mất, tất cả chỉ còn là một dòng sông bùn chảy sôi sục, mênh mông.
Tôi nhìn sang Tú khỉ, mắt nó như mờ đục đi, thất thần, im lặng một cách đáng sợ. Tôi bỗng dưng cảm thấy có lỗi. Tôi vỗ vỗ vào vai nó, cố tìm cách an ủi:
- Bọn bảo hiểm có đền bù xe bị lũ cuốn không? Gọi là cái gì nhỉ? Thiên tai à? Bất khả kháng à?
- Đm, tao đang lạnh gần chết! – Giọng nó ráo hoảnh.
- Cái xe… – Tôi nói.
- Quên mẹ nó đi! – Nó quay sang ngó nghiêng nhìn tôi từ đầu đến chân – Mày có bị làm sao không?
- Tao chạy kịp, không sao.
Tôi cũng quan sát khắp người nó, có vài vết trầy xước ở cánh tay, quần áo dính bết bùn. Trầm ngâm một lát, nó thở dài nhìn ra dòng sông, rồi nói thủng thẳng:
- Đéo chết mất xác là may rồi, xe cộ cái đéo gì! May mà tao giải tán hai con hàng về trước, không thì đéo đỡ được! Bật lửa đâu? Tao lạnh quá!
- Để tao xem đã.
Tôi sờ túi quần thấy cồm cộm, đêm trước lạnh quá, tôi mặc cả quần jean ngủ, và chiếc bật lửa gas rẻ tiền vẫn nằm yên đó. Vấn đề là củi đâu ra?
Sau vài ngày ở đây, chúng tôi đã vét sạch những gì có thể đem đốt được, báo hại lúc này, khi mà Tú khỉ dù khỏe như trâu mộng cũng đang run cầm cập vì ngấm nước lạnh. Chỉ còn mỗi cách, chạy bộ đến nhà ông Văn.
Hai thằng loanh quanh cố gắng tìm chút gì khả dĩ có thể đốt được, nhưng không thể. Tôi bảo với Tú khỉ là có lẽ nên cố gắng chạy về phía nhà ông Văn thì hơn, may ra trong lúc chạy sẽ ấm người lên. Phía ấy có bếp lửa, có chăn ấm. Hy vọng cuối cùng của chúng tôi, nếu như nước lũ không ngập tới căn nhà đó. Chúng tôi chỉ còn duy nhất bộ quần áo trên người, chiếc bật lửa, vài đồng lẻ trong ví của tôi. Tôi chưa kể rằng trước đó vài hôm, tôi đã làm mất ví của Tú khỉ, trong đó chứa toàn bộ tiền mặt, giấy tờ, thẻ rút tiền, bao cao su, ảnh con gái Tú khỉ, và những thứ của nợ gì nữa không biết…
Chúng tôi bắt đầu chạy dọc con đường mòn, bên cạnh dòng lũ đang cuốn phăng những thân cây và đủ thứ rác. Tôi nhận ra rằng tốc độ dòng sông chảy còn nhanh hơn chúng tôi chạy. Ban nãy, chỉ chậm vài tích tắc thôi, là cả hai thằng tôi đã về hầu hạ cho Hà Bá.
Tôi thoáng nghĩ đến con cá thần, không hiểu nó có bị cuốn phăng đi hay không. Nếu có bị cuốn trôi, cũng đáng đời nó. Tại sao ư? Nó là nguyên nhân khiến những thảm họa này xảy ra với chúng tôi, theo những cách oái oăm nhất. Từ từ rồi tôi sẽ kể lại ngay sau đây.
Toàn bộ chuyện này từ đầu đến cuối thật điên rồ và ngu xuẩn, chính con cá thần đã nuốt chửng chiếc mề gà to bự của Tú khỉ vào cái họng lởm chởm của nó, ngay trước mắt tôi. Vốn dĩ hay mang lắm thứ linh tinh trong người, lại to béo, Tú khỉ luôn đeo cái mề gà ấy trước bụng như một vật bất ly thân. Trong mề gà đó nó để máy ảnh, điện thoại, chìa khóa xe ô tô, bật lửa, nhẫn cưới từ cuộc hôn nhân cũ, chìa khóa két sắt… thôi thì trăm thứ hổ lốn khác nữa.
Hôm đó thế quái nào tôi ngồi lại trông đống cần câu, còn nó thì đi bộ đến nhà ông Văn xin ít rau xanh về nấu mì. Từ hôm nhìn cô con gái ông Văn tắm suối, tôi không dám một mình đến căn nhà ấy nữa, cô gái cũng không qua lại đây, chỉ có ông bố thi thoảng thả bè xuôi dòng đâu về, tiện thể ghé qua hỏi thăm bọn tôi.
Trước khi đi, Tú khỉ bỏ lại cái mề gà nặng nề xuống bãi cát, ngay bên cạnh chỗ tôi ngồi. Lát cất vào lều hộ tao, nó nói, rồi sau đó đi tắt bờ sông về phía nhà ông Văn, vừa đi vừa lầm bầm nói kháy tôi. Lẽ ra nó có thể lên xe bấm vài hồi còi gọi ông Văn, nhưng như thế thì phiền ông ấy quá, mất công ông ấy đi đi lại lại. Đi bộ cho giảm cân đê, tôi bảo nó, mày lúc nào cũng như một con lợn sề.
Đúng là thằng lười! Lại còn ra vẻ tốt bụng nữa à? – Nó quặc lại, nhưng rồi rốt cục vẫn giao lại đống cần câu cho tôi trông chừng. Nó nhanh chóng biến mất phía những lùm cây.
Chẳng biết tôi có phải là người tốt bụng hay không, nhưng mọi chuyện tồi tệ thường được bắt đầu từ những ý định tốt đẹp.
Tú khỉ đi được một lát, tôi nhận ra một trong những thẻo câu hình như bị dòng nước đẩy dạt vào bờ. Tôi nhấc cần câu cuốn dây vào xem xét kỹ lưỡng, mồi câu vẫn còn nguyên. Đó là một con cá chày chừng vài lạng mà chúng tôi câu được trước đó. Một phần bởi những ngày qua chúng tôi đã ăn cá chán chê, một phần là ở đây chẳng còn gì khác khả dĩ có thể làm mồi để câu con cá quái vật kia. Ngay cả cái thứ mồi dẻo thum thủm kia cũng đã sắp hết, chúng tôi dành để câu những con cá nhỏ, rồi thì hì hục tìm cách đào giun câu. Thật là buồn cười, không ở đâu quy luật cá lớn nuốt cá bé lại rõ ràng như ở đây. Dùng mồi giun để câu lên một con cá nhỏ bằng hai ngón tay làm mồi, tiếp theo chúng tôi sẽ câu được con cá to gần bằng bàn tay. Tiếp tục dùng con cá bằng bàn tay đó làm mồi, thường là sẽ vớ được con cá lăng hoặc cá chày to bằng bắp chân, cũng có khi là một chú cá chiên. Nhưng sau đó thì mọi chuyện cứ như đùa, khiến chúng tôi cay cú đến phát điên. Một hoặc vài con cá nào đấy, có hàm răng sắc bén, nó sẽ cắn cụt mất con mồi bự của chúng tôi, và luôn né tránh được những chiếc lưỡi câu. Nếu móc lưỡi câu ở đầu, nó cắn phần đuôi, nếu móc lưỡi câu vào đuôi thì nó cắn đầu. Móc hai lưỡi ở cả đầu và đuôi thì nó ngoạm mỗi khúc giữa, như thể nó đọc được tất cả những cạm bẫy và ý nghĩ của chúng tôi vậy. Có lần, tất cả những chiếc cần câu của chúng tôi bị đứt cước một cách bí hiểm, không hề thấy chuông kêu. Lúc đó chúng tôi đang gà gật ngáp vào bữa ăn trưa thì phải, khi nhìn ra phía bờ sông thấy tất cả chỉ còn những sợi cước lòng thòng đang phất phơ theo gió, ánh nắng khiến nó giống như những sợi tơ nhện lóng lánh, trêu ngươi. Tú khỉ lọ mọ tiến về phía những chiếc cần câu, nó bóp lon bia trên tay bẹp rúm, chửi thề ầm ĩ, rồi ném cái lon ra giữa dòng sông. Tôi phì cười nhớ lại cái bộ mặt như khỉ phải mắm tôm của nó lúc đó, và nó cũng chẳng còn chút ý thức gìn giữ môi trường quái gì nữa, xả rác hồn nhiên không chút áy náy.
Tôi cúi xuống xem xét kỹ lưỡng lại con cá chày làm mồi, nó vẫn nguyên xi, đầy đủ cả ba bốn cái lưỡi câu. Chúng tôi đã cải tiến phương pháp buộc mồi, dùng những chùm lưỡi ba chấu móc thêm vào lủng lẳng. Hầu như con cá cắn vào chỗ nào cũng dính chấu. Thế nhưng từ lúc cải tiến, chả thấy động tĩnh gì nữa, như thể lũ quái vật dưới lòng sông kia biết tỏng những mẹo mực đó, chúng đang thi gan với bọn tôi hay sao ấy không biết.
Tôi tiến đến sát mép nước, hai tay đưa cây cần về sau lưng, rồi lấy hết sức vụt ra đằng trước. Tú khỉ gọi đây là tư thế bổ củi. Sau những ngày làm quen và luyện tập, tôi đã có thể ném mồi thành thạo không thua gì nó. Mặc dù vậy, nó vẫn luôn tìm ra những lý do nào đó để chế nhạo tôi. Trông mày câu cá cứ như chão chuộc đang nhảy ấy, nó bảo, làm gì mà cứ chồm hỗm thế chứ!
Tôi nghiến răng nghiến lợi vụt thật mạnh, cảm thấy cái mồi sao mà nặng kỳ lạ. Chỉ nghe vù một tiếng, tôi nhìn thấy một vật kỳ dị bay loằng ngoằng ra giữa sông, rơi đánh ùm, nước bắn tung tóe. Cái quỷ quái gì thế nhỉ? Tôi tự hỏi thầm, chưa kịp nhận ra đó chính là cái mề gà to tướng của Tú khỉ. Tôi cuốn vài vòng máy câu, thấy nặng trịch. Quay lại phía sau, tôi hiểu ra vấn đề: Khi đưa cần qua vai để ném mồi, những chiếc lưỡi câu ba chấu to tướng đã móc vào chiếc mề gà mà Tú khỉ bỏ lại, và mọi chuyện xảy ra sau đó thì đã rõ.
Tôi cuống cuồng guồng máy câu, sợ rằng nước đã kịp ngấm vào chiếc mề gà bằng da đó và làm ướt hết máy ảnh, điện thoại… Chỉ còn mỗi hy vọng cuối cùng là Tú khỉ đã kéo phéc mơ tuya kín hết tất cả các ngăn.
Chiếc mề gà bị lôi xềnh xệch ngược dòng, nó nổi hẳn trên mặt nước, tôi cố gắng không ngơi tay cho nó khỏi bị chìm. Thế rồi tôi bỗng nhìn thấy từ xa một đợt sóng ngầm trồi lên, sau đó nó nhanh chóng trở nên giống như một quả thủy lôi lao như tên bắn về phía chiếc mề gà. Tôi rụng rời chân tay, linh cảm một điều chẳng lành sẽ phải chứng kiến.
Giống như một cảnh trong phim “Hàm cá mập”, tôi nhìn thấy cái vây lưng nổi lên trước tiên, nó xé nước như mui tàu ngầm. Rồi thì sóng tung tóe dưới ánh mặt trời, một hàm răng lởm chởm ngoác ra đớp trọn chiếc mề gà, cái đầu đen đúa, đôi mắt nhỏ loáng thoáng, sau đó tất cả rơi đánh rầm xuống lòng sông, dậy sóng. Mọi chuyện xảy ra chỉ trong vài tích tắc. Tôi há hốc mồm, cho đến khi cảm thấy sức nặng từ chiếc cần câu. Biết tả thế nào đây? Có lẽ nó giống như sợi dây câu được nối với một đoàn tàu hỏa đang từ từ chuyển bánh rời sân ga vậy, sau cú táp khủng khiếp kia, con quái vật có vẻ không thèm lặn xuống ngay, mà nó khoan khoái ngậm con mồi từ từ chìm xuống.
Tôi sực tỉnh khi bị cây cần câu lôi dần về phía mép nước, với sức mạnh không gì cản nổi. Chỉ có hai lựa chọn, buông cần, hoặc cố giằng đứt sợi dây dù dai ngoách đủ sức chịu tải vài chục cân kia. Tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, nghiến răng nghiến lợi thử sức. Hoặc gãy cần, hoặc đứt dây, hoặc tôi bị lôi tuột xuống sông. Nỗi sợ hãi tạm thời được chế ngự. Cùng lắm thì tôi buông cây cần câu, thế thôi. Tôi đứng trên bờ, và trước mặt là bãi cát thoai thoải, nước nông chỉ đế ngang đầu gối. Con quái vật kia có lẽ không thể trườn lên đây được. Tôi lấy hết sức hét lên một tiếng man dại, hy vọng Tú khỉ và ông già phía xa sẽ nghe thấy.
Ngay lúc đó, tôi tin là không thể câu được con quái vật khổng lồ ấy, nó đúng như một con trâu mộng, nhưng hung bạo hơn nhiều. Chỉ thấy phần đầu của nó thôi cũng đủ làm hàng triệu nơ ron thần kinh tê liệt và ra đi. Giống như một cú điện giật vậy. Ngay cả khi chúng tôi hợp sức lại với tất cả những gì có trong tay, thì cũng chịu thua nó thôi.
Tôi ngồi xuống đạp mạnh hai chân vào bờ cát ẩm, cố cưỡng lại, nhưng nó vẫn chậm rãi lôi xềnh xệch tôi đi, khiến hai bàn chân cày xuống cát thành hai cái luống sâu hoắm. Chiếc cần câu cong veo, tôi gần như nằm ngửa trên bãi cát. Và rồi bàn chân tôi bắt đầu chạm làn nước lạnh, sau đó cả người tôi bị lôi tuột xuống nước. Phải buông thôi, tôi thoáng nghĩ, hoặc là chết. Cần câu không gãy, dây không đứt, mà con cá thì vẫn đang từ từ kéo tôi ra phía nước sâu.
Tôi cuống cuồng đứng dậy hạ đầu cần xuống, đây là giải pháp cuối cùng, toàn bộ cần câu và dây câu thẳng hàng nhau, tôi tóm vào máy câu cho nó khỏi xoay, rồi lấy hết sức vừa hét lên vừa giật mạnh về phía sau một cú. Le lói chút hy vọng là con cá sẽ bị đau và há mồm ra, nhả lại cái mề gà, hoặc là dây câu sẽ đứt, vớt vát được chiếc cần câu. Nếu có con dao thì tôi đã cắt dây ngay không chút đắn đo, nhưng ai mà ngờ được chuyện này?
Dây đứt, chẳng biết là do tôi kéo mạnh, hay do nó bị hàm răng sắc lẹm của con quái vật cứa đứt nữa. Tôi ngã bắn về phía sau, trên tay vẫn nắm chặt chiếc cần câu.
Tôi lồm cồm bò dậy, biết rằng đây không phải một cơn mê sảng. Con quái vật thực sự có tồn tại, giữa ban ngày ban mặt, và có thể nó đúng là một con cá thần đã thành tinh. Nó là một thứ nằm ngoài thuyết tiến hóa, một sai sót nhầm lẫn của tạo hóa, một con cá đột biến gien, tinh quái, lì lợm, có linh hồn của ma quỷ.
Tôi chợt nhận ra từ lúc tới đây, dường chúng tôi như đã bị quỷ ám vậy. Phải rút lui thôi, tôi nghĩ thầm, mọi chuyện dường như đã đi hơi xa rồi.
Nhưng tôi đâu biết rằng lúc đó đã quá muộn để có thể quay trở lại.
Cuối cùng tôi và Tú khỉ cũng lê lết về đến Hà Nội sau trận lũ kinh hoàng đó. Mất ba ngày vạ vật  ăn chực nằm chờ ở nhà ông Văn trong lúc người ta sửa chữa những cung đường bị sạt do trận lũ gây ra. Đó là những ngày dài mệt mỏi, chán nản, bi quan, chúng tôi hầu như không nói với nhau câu nào. Ông Văn thi thoảng tìm cách động viên hai thằng tôi, nhưng chúng tôi luôn đáp lại bằng những câu khách sáo kiểu như: “không sao không sao đâu bố, của đi thay người là mừng rồi, không sao đâu mà, cái xe được hãng bảo hiểm đền bù mà…”
Nhưng đôi lúc tôi thấy Tú khỉ ngồi thẫn thờ bên bờ sông, nhìn vô định vào dòng nước đục ngầu chảy xiết đó, hỏi gì cũng ừ hữ. Đã có lúc tôi từng nghĩ thằng này quen ném tiền qua cửa sổ, nhưng có lẽ tôi đã nhầm. Một kẻ lăn lộn kiếm tiền như nó hẳn luôn coi trọng giá trị đồng tiền, đằng này trong phút chốc nó bỗng dưng mất toi chiếc xe bạc tỉ, thử hỏi sao không choáng váng?
Với tôi thì hầu như luôn luôn ở trong tình thế mọi chuyện chẳng thể tồi tệ hơn được nữa, nên tôi thờ ơ với mọi biến cố đời mình. Tôi đã nghỉ trễ mấy ngày phép, nghĩ đến cái lúc trở lại văn phòng công ty, đối diện với tay trưởng phòng và núi công việc buồn tẻ ở đó, tôi phát ốm cả người.
Tôi nghĩ đến khuôn mặt rầu rĩ lạnh nhạt của vợ chào đón ở nhà, với những cuộc cãi vã, những câu nói cộc lốc trống không thiếu chủ ngữ, hoặc có thể chỉ là sự im lặng nặng nề. Những bữa cơm nguội ngắt, bầu không khí gượng gạo, và vẻ mặt đầy tự kỷ của thằng bé con nữa. Nghĩ đến tất cả những điều đó, tôi thở dài hắt ra một hơi và chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Cuộc đời, thật là chán quá đi!
Thế rồi cũng đến lúc phải quay về, người ta đã sửa xong đường, Tú khỉ tháo cái đồng hồ mà nó gọi là đồng hồ thủy quân lục chiến ra mang gạ gẫm khắp chợ cóc xóm huyện, nhưng chả ma nào thèm mua, dù chỉ với cái giá rẻ mạt. Theo lời nó, đây là một cái đồng hồ rất đắt tiền, đa tác dụng, đo được đủ thứ áp suất, độ cao, nhiệt độ, độ ẩm, kiêm la bàn… v v…
Ông Văn thấy thế bèn đưa cho tôi ít tiền mua vé xe khách và ăn uống để quay về. Tú khỉ đưa cho ông ấy chiếc đồng hồ, nhưng ông ấy nổi cáu: “Tao lấy cái đồng hồ của mày để làm mắm à thằng ranh con?”
-         Thì bố cứ giữ lấy, để con còn có cớ quay lại đây dịp nào đấy chứ? – Tú khỉ chống chế yếu ớt, vừa nói vừa cười gượng gạo. Chưa bao giờ nó lại phải ngửa tay xin xỏ vay mượn dúm tiền lẻ như thế này, hẳn là nó cảm thấy rất tệ.
-         À thế ra nếu không để lại cái đồng hồ thì chúng mày không thèm quay lại đây chứ gì?
-         Có  chứ bố – Tú khỉ gãi tai -  Chắc chắn bọn con sẽ quay lại bắt con cá thần, chắc chắn đấy… phải không hả Cuội? – Nó quay sang nhìn tôi dò hỏi. Tôi đành gật đầu chiếu lệ, chứ tôi không chắc rằng tôi có muốn quay lại cái chỗ chết tiệt này nữa hay không, nếu không muốn nói thẳng ra là có dí súng vào đầu có lẽ cũng không khiến tôi trở lại nơi này nữa. Mọi chuyện đã kết thúc, game over, sẽ không có lần thứ hai tôi tham gia những trò phiêu lưu của Tú khỉ, không bao giờ…
-         Thôi được rồi, được rồi, cất cái đồng hồ đi – ông Văn xua tay nói – chúng mày quay lại đây lúc nào cũng được, năm sau, hay là năm sau nữa, tùy, chừng nào tao còn sống thì cứ coi như đây là nhà, con Vân thì chúng mày cứ coi nó như là em gái, được chưa? Thôi mau về đi, còn công việc làm ăn, còn gia đình, trăm thứ bận bịu ấy chứ, khi nào rảnh lên đây chơi với tao là được rồi, đừng có ham cá mú làm gì cho mệt, tao đã bảo rồi, dính vào nó là đen lắm!
-         Nhưng con vẫn còn cay lắm, chưa tóm được nó con chưa thể quên vụ này – Tú khỉ hậm hực.
-         Thôi thôi mau về đi kẻo lỡ xe! – Ông Văn xua tay như đuổi hai thằng tôi ra khỏi nhà.
Để mặc họ đôi co với nhau, tôi đi ra khoảng sân nhỏ trước cửa nhà tìm cô con gái, cô ta đang cơm nước trong bếp. Tôi đứng ở cửa hắng giọng. Thoáng thấy tôi, cô ta ngẩng đầu lên nhìn rồi lại cắm cúi nấu nướng, tay cầm que củi cời cời bếp lửa, vầng trán lấm tấm mồ hôi, xinh đẹp tuyệt trần. Trong thoáng chốc, tôi thấy trái tim mình run rẩy, trĩu nặng, và tôi phải kìm nén một hơi thở dài nhè nhẹ.
-         Bọn anh về đây, chào Vân nhé! – Tôi nói.
-         Vâng, các anh đi may mắn! – Cô ta lí nhí.
-         Bọn anh sẽ quay lại khi nào rảnh rỗi – Tôi bỗng buột miệng nói dối.
-         Vâng.
-         Anh rất muốn quay lại sớm, nhưng chưa biết khi nào… - Tôi lại tiếp tục nói dối, như thể đó là điều tôi muốn thật sự vậy.
-         Vâng.
-         Bọn anh rất quý mến gia đình ta, bố em rất tốt, em cũng thế, rất cảm ơn bố con em… anh không biết phải nói sao nữa…
-         Không cần phải nói, em hiểu mà! – Cô ta bỗng ngẩng lên nhìn tôi, mắt loang loáng ánh lửa, và ươn ướt, không rõ tôi có bị quáng gà hay không nữa, nhưng có lẽ là có, đôi mắt cô ta có lửa.
-         Tạm biệt em! Bọn anh sẽ sớm quay lại! – Tôi nuốt nước bọt khan, nói một cách khó khăn mấy từ đó, lí nhí, như thể nó cứ bị mắc ở cổ họng vậy. Tôi quay bước ra sân đi về phía Tú khỉ và ông Văn đang chờ. Tú khỉ ông ổng chào vọng vào bếp tạm biệt cô em kết nghĩa, có vẻ nó đã lấy lại phong thái tự tin và vui vẻ.
Chúng tôi leo lên chiếc xe ôm Minsk chờ sẵn, kẹp ba ra phố huyện bắt xe khách. Tú khỉ ngồi giữa, tôi ngồi sau.  Trước khi xa khuất, tôi ngoái lại, thoáng thấy ông Văn đứng ở cổng vẫy tay, cô con gái nép phía sau nhìn theo chúng tôi. Tôi cố giơ tay lên vẫy chào lại, có lẽ tôi sẽ không gặp lại họ. Vĩnh biệt!
-         Lưu luyến cô em gái xinh đẹp quá hả? - Tú khỉ nói, không thèm ngoái lại nó cũng biết tôi đang giơ tay vẫy.
-         Lưu luyến cái đếch gì, tao sẽ không bao giờ quay lại chỗ này, chắc chắn là thế.
-         Tốt thôi, lần sau quay lại tao sẽ chén con em gái mày.
-         A, thằng đểu!
-         Làm thằng đểu còn hơn là thằng ngu, mỡ đến miệng còn đéo biết đường mà đớp, phải tay anh thì xong từ lâu rồi em ạ.
-         Mày xôi thịt bỏ mẹ, hay ho gì chứ, đúng là cái loại trẻ không tha già không thương.
-         Mày đúng là thằng ngu, chả hiểu gì về điện, mày không đè gái ra hiếp, nó hận mày cả đời đấy em ạ.
-         Vâng, em biết những thằng hiếp dâm phụ nữ thường có trí thông minh khá cao mà anh.
-         Ha ha, tốt thôi, mày chê thì để anh, không phải nói nhiều – Tú khỉ cười ha hả.
-         Được rồi, ngậm mồm lại, thằng ôn vật! – Tôi cáu - Văng cả nước bọt vào mặt tao rồi đây này!
Từ đó đến lúc lên xe khách, cho đến lúc về Hà Nội, tôi hầu như không nói với Tú khỉ câu nào, bởi tôi chỉ thấy trĩu nặng trong lòng, còn chán nản hơn cả lúc bắt đầu chuyến đi. Phần tệ nhất của câu chuyện bây giờ mới bắt đầu.
Khu chung cư cũ nát xập xệ, cầu thang tối om, tôi nặng nhọc leo từng bước, thi thoảng lại đá phải một cái kim tiêm bọn nghiện vứt bừa bãi. Tôi đã sắp sẵn một câu chuyện cụt lủn trong đầu để kể, nếu vợ tôi tra hỏi, nhưng tôi đoán là chuyện đó phải vài ngày sau. Còn bây giờ có lẽ cô ta sẽ lầm lì xưng xỉa cái mặt không thèm nói năng gì hết. Tôi bỗng ước gì cái cầu thang này dài vô tận, và tôi cứ leo mãi, leo mãi, không bao giờ về đến nhà hết, cứ leo mãi cho đến già nua, rồi chết đi. Như thế kể cũng hay đấy nhỉ, chết trên đường về nhà. Hừ, người ta gọi là chết như trong phim!
Nhưng đời thì không như trong phim, cuối cùng tôi lê lết hết những bậc thang và dừng lại trước cánh cửa căn hộ 502, nhà tôi, nghe như keo dán 502 ấy nhỉ? Đúng rồi, đây là nhà tôi, nhưng nó khóa ngoài im ỉm. Đã 6 giờ chiều, nhẽ ra giờ này vợ con tôi phải ở nhà. Tôi linh cảm chuyện tồi tệ đang chờ đón mình sau cánh cửa kia, nhưng tôi chưa nghĩ ra nó tệ đến đâu. Chiếc chìa khóa cửa đã bị mất trong trận lũ, tôi thò tay vào qua cái lỗ trên cửa, mò mẫm sợi dây treo chìa khóa dự phòng giấu trong hốc tủ giày dép kê gần đó, mãi rồi cũng thấy.
Bước vào nhà, mùi khen khét ngột ngạt là lạ, có vẻ như cả tuần nay không ai ra vào. Tôi bật đèn lên, thấy nhà cửa bừa bãi, nhưng trống trải, chỗ góc bàn học thằng bé con nhẵn nhụi chả thấy sách vở và đồ chơi nó đâu. Tôi mở tủ, trong đó chỉ còn vài bộ quần áo cũ của vợ, giày dép cũng biến mất. Chắc cô ả lại giận dỗi dắt con bỏ về nhà bố mẹ rồi đây, tôi nghĩ bụng.
Đói và mệt, tôi chả buồn gọi điện cho cô ta nữa, tôi bật bình nước nóng, lấy bộ quần áo tắm rửa qua loa. Tủ lạnh trống rỗng, đã rút phích điện. Lục mãi tìm được gói mì tôm sắp hết hạn sử dụng, tôi đun nước úp mì nuốt tạm, định bụng sau đấy ngủ một giấc dài, mọi chuyện tính sau.
Trong lúc đang cố nuốt những sợi mì tôm hôi rình, tôi mới để ý thấy một tờ giấy trên mặt bàn ăn, chặn cái gạt tàn. Hóa ra đó là một lá thư ngắn gọn: “Hai mẹ con tôi hết chịu nổi anh rồi, anh về ly dị giải quyết dứt điểm cho xong, thủ tục cũng đơn giản nhanh chóng thôi, tôi đã tìm hiểu rồi”
Dù sao, sau đó tôi cũng đã nuốt hết bát mì.
Quá mệt mỏi với chuyến xe khách nêm chật cứng người, mệt mỏi cả tinh thần và thể xác, nên đêm đó tôi ngủ mê mệt. Tôi mơ thấy cô con gái ông Văn đang tắm, vẫn cơ thể tuyệt ngần ấy, khỏa thân hoàn toàn, khêu gợi, khiến tôi ngây dại. Bỗng đâu xuất hiện con cá thần, cái con quái vật gớm ghiếc ấy, nó lại nổi lên giữa vụng nước xoáy, nó rẽ sóng phi vào bờ ngoạm ngang người cô gái, tôi sợ chết khiếp, muốn hét lên mà không thể hét nổi. Thế rồi Tú khỉ đột nhiên xuất hiện, nó lao ra cầm con dao nhọn đâm liên tiếp vào đầu con cá, lôi cô gái ra khỏi cái mồm lởm chởm răng đó. Còn tôi thì cứ đứng đó nhìn, như một thằng hèn, ngu ngốc. Tú khỉ bế cô ta đi ngang qua trước mặt tôi, nó dứ con dao vào mặt tôi như dọa dẫm, sau đó tiếp tục bế cô ta đi mất. Đôi mắt cô ta nhìn tôi, vẫn đôi mắt có lửa ấy, nhuốm vẻ buồn bã và trách móc. Mặc dù trong giấc mơ, nhưng tôi vẫn cảm thấy ghen tuông, căm ghét thằng Tú khỉ vô cùng, tôi hầu như chắc chắn nó sẽ chiếm đoạt cô gái ấy ngay sau đó, dường như nó có quyền làm như thế sau khi đã cứu cô ta, và cô ta có vẻ cũng ưng chịu. Tôi cũng căm ghét chính bản thân, vì sự hèn nhát của mình. Tôi bật khóc, và tỉnh giấc. Đúng là tôi đã khóc, vì nước mắt vẫn còn ướt ở khóe mắt, chảy xuống 2 bên thái dương. Một giấc mơ tồi tệ hết chỗ nói!
Lúc đó gần về sáng. Tôi ra đi văng nằm, châm một điếu thuốc, không sao ngủ lại được. Qua ô cửa kính, bầu trời đêm nhợt nhạt, nhấp nháy những ngôi sao xanh lạnh lẽo xa xôi. Tôi lại ước gì có thể ngủ lại được, và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Cuộc đời tôi đúng là cuộc đời bỏ đi, ngay đến cả một giấc mơ tử tế cũng không có nốt.
Tôi cứ nằm đó nhìn bầu trời sáng dần ngoài ô cửa sổ, trời lạnh, rất lạnh, nhưng tôi mở cửa sổ mặc kệ cho gió lạnh lùa vào nhà. Tôi chờ đến lúc trời sáng hẳn để đi ra phố ăn một bát phở tử tế, rồi lê xác lên công ty. Chuyện nó phải thế, chẳng thể trốn đi đâu được, tôi sẽ phải nghe những lời khiển trách, những lời khó nghe, bực bội, những ánh mắt khó chịu…
Nhưng tôi cũng đã nhầm, họ chẳng trách móc gì tôi hết, họ chỉ đơn giản đưa cho tôi lá đơn xin thôi việc. Tốt nhất cậu nên ký vào lá đơn này, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng, họ nói. Tôi hầu như ký ngay lập tức, chẳng đắn đo gì, tôi đã quá chán nản và buông xuôi mọi thứ, kệ mọi chuyện đến đâu thì đến, tôi đếch cần gì nữa.
Tôi qua phòng tài chính kế toán ký tá nốt giấy tờ, lĩnh nốt vài đồng lương còm rồi quay về góc bàn làm việc thu dọn mấy thứ lặt vặt cá nhân, lạnh nhạt chào tạm biệt vài người đồng nghiệp cùng công ty. Họ an ủi tôi cũng khá lạnh nhạt, cho phải phép. Cho đến lúc này, tôi đã quên hầu hết tên họ, và cũng chẳng nhớ nổi khuôn mặt họ như thế nào nữa.
Trong khi tôi đang thu dọn đồ đạc, chuông điện thoại bàn reo, Tú khỉ gọi điện, nó hẹn tôi ra quán cà phê quen thuộc gần đó. Tôi hỏi có chuyện gì nó không chịu nói, bảo cứ ra cà phê đã. Tôi nhanh chóng thu dọn nốt sách vở tài liệu, vài bức ảnh, và rời khỏi văn phòng công ty. Vĩnh biệt! Tôi cũng sẽ không bao giờ trở lại nơi này nữa, nơi mà tôi đã tự chôn mình trong nhiều năm, chỉ chuốc lấy phiền muộn, thất bại.
Khi tôi đến quán cà phê thấy Tú khỉ đã ngồi đấy chờ sẵn từ lúc nào, nó đang săm soi gì đó trên cái laptop mang theo. Thấy tôi, nó có vẻ hào hứng và bồn chồn. Tôi sực nhớ giấc mơ đêm qua, cảm thấy quặn lên một cơn đau bụng, máu nóng dồn lên đầu, tôi chỉ muốn hắt một chậu nước rửa bát vào cái mặt nó lúc này. Tôi gọi một cốc cà phê đen đá đậm đặc và tu một hơi gần cạn.
-         Tao uống hai cốc liền rồi đấy – Tú khỉ hí hửng nói.
-         Thế có chuyện gì vậy? – Tôi lạnh nhạt hỏi.
-         Mày nên tự xem đi thì hơn – Nó xoay cái laptop sang cho tôi xem, trên đó hiển thị một tấm ảnh loằng ngoằng nhiều đường nét và các con số.
-         Có vẻ nó giống như một cái bản đồ – Tôi nói.
-         Nó chính là cái bản đồ – Tú khỉ nói – Nhìn có quen không?
-         Chả quen, có gì thì nói nhanh khỏi vòng vo mất thời gian.
-         Mày không nhận ra à, đây chính là chỗ tao với mày câu cá chứ còn gì, chỗ này khúc quanh dòng sông, chỗ này thác nước, còn chỗ này chính là nhà ông Văn…
-         Rồi sao? – Tôi sốt ruột ngắt lời nó – Ảnh vệ tinh Wikimap với Google Map nhìn có phải rõ hơn không, cái này nhìn loằng ngoằng chả ra làm sao cả.
-         Thì cái nền bản đồ vẫn là nó đấy, nhưng hơi khác một chút, mày đã bao giờ nghe nói đến hộp đen ô tô chưa?
-         Có nghe qua, rồi sao?
-         Trên xe tao có lắp hộp đen, định vị GPS – Tú khỉ trịnh trọng tuyên bố.
-         À, vậy là chuyện về cái xe hả? – Tôi bĩu môi.
-         Mày cứ từ từ, chưa hết đâu em ạ, để nghe anh nói đã chứ. Đm, chưa gì đã làm anh mất hứng – Tú khỉ cau có chửi thề.
-         Được rồi, thế tóm lại là tìm thấy cái xe hả? – Tôi xuống thang, nghĩ đến cái xe tiền tỉ của nó. Bảo hiểm có lẽ không chi trả cho những vụ việc kiểu này, nhất là khi mà chẳng có ai xác nhận cho sự mất tích của chiếc xe.
-         Tất nhiên là tìm thấy – Tú khỉ đắc thắng nói – Nó trôi đi chừng dăm cây số rồi dừng lại, mắc kẹt đâu đấy đáy sông, hoặc dạt vào bờ, ngay sát biên giới.
-         Mày định quay lại trục vớt? – Tôi hỏi.
-         Tất nhiên.
-         Bao giờ?
-         Khoảng 1 tuần nữa, tao còn phải thu xếp chuyện làm ăn, đang rối bung bét hết cả.
-         Chúc may mắn, thằng điên, tao sẽ không quay lại chỗ đấy đâu.
-         Lần này tao cũng đéo cần mày đi cùng, nói thế cho nhanh, nhưng có chuyện này lạ lắm. Mày nói là con cá thần nuốt cái mề gà của tao phải không?
-         Ừ, sao? Thế bây giờ mày vẫn đéo tin à?
-         Tao thì vẫn đéo tin, nhưng mà có chuyện này rất kỳ quặc. Để tao nói cho nghe, cái xe của tao, ngay cả chìa khóa của nó cũng có chức năng định vị GPS. Mày nhìn cái đường đỏ đỏ này nhá – Tú khỉ chỉ vào màn hình laptop – Đường đỏ là hành trình của cái xe. Đấy, lịch trình được nhà cung cấp ghi lại hết, tọa độ và thời gian, đủ cả, ngày giờ tao với mày xuất phát, cho đến lúc bị lũ cuốn, còn đây là hành trình trôi theo dòng lũ của nó, trong vòng có nửa tiếng đồng hồ nó đã bị cuốn đến chỗ này và mắc kẹt ở đó suốt từ hôm ấy đến nay.
-         Rồi sao? – Tôi sốt ruột ngắt lời.
-         Rồi sao à, còn đây là đường màu xanh, là hành trình của cái chìa khóa, bọn sản xuất cái xe này nó định vị GPS cả chìa khóa, mã hóa lằng nhằng và theo dõi bằng hệ thống phần mềm, thông qua vệ tinh, để chống ăn cắp xe, mỗi khách hàng mua xe đều có thể truy cập qua mạng internet để theo dõi tình trạng xe của mình. Mày nhìn xem nhá, hành trình cái chìa khóa cho đến lúc mày kêu nó bị con cá nuốt, về cơ bản là vẫn trùng với màu đỏ, nghĩa là như hình với bóng, đúng không nào – Tú khỉ click chuột vào bản đồ, chỉ chỏ lung tung và tiếp tục nói, nước bọt văng cả vào màn hình – Đây là chỗ cái chìa khóa chia tay cái xe này, theo dõi hành trình của nó nhá, 30 phút sau nó xuôi dòng khoảng hơn 1 cây số. Nào, xem tiếp này, nó nằm yên đó tầm 45 phút, sau đó lại xuôi tiếp hơn 1 cây số trong 30 phút nữa. Tiếp theo, mẹ kiếp, nó bơi ngược dòng quay lại đúng cái chỗ ban đầu trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Đấy chính là phần kỳ quặc. Chưa hết, những ngày sau nó liên tục di chuyển xuôi ngược, lần xuôi dòng xa nhất là sang tận Lào, lần ngược dòng xa nhất là chân thác Pa Háng cách điểm câu đấy chừng hơn cây số, nhưng có lúc tự dưng nó biến mất, có thể do nó lặn quá sâu, mất sóng…
-         Ừ hay nhỉ! – Tôi mỉa mai – Cái chìa khóa hiện đại thật, ngoài định vị GPS nó còn biết bơi nữa nhỉ?
-         Tiên sư thằng thù dai này, lại còn đá đểu tao nữa, ừ thì giờ tao tin đúng là nó nuốt cái mề gà của tao. Tao sẽ quay lại tóm sống nó, mổ phanh bụng nó ra, lấy lại những gì đã mất…
-         Kệ mày, tao chả quan tâm – Tôi hờ hững ngáp.
Tú khỉ chưng hửng ra mặt, nó gập laptop lại, đốt thuốc, và bắt đầu gọi cốc cà phê thứ ba. Thằng này tuyên bố nó có thể uống được cả chục cốc cà phê đặc một ngày, tôi thì không tin chuyện đó, chỉ cần hai cốc cà phê là tôi đã nôn nao hết cả ruột gan, tim loạn nhịp.
Tôi cũng đốt thuốc nhâm nhi nốt chỗ cà phê, lơ đãng nhìn ra ngoài bầu trời ảm đạm, lạnh lẽo, nó tỏa thứ ánh sáng nhợt nhạt xuống dòng người lếch thếch đang trôi đi trên phố.
-         Có chuyện gì à? – Tú khỉ dò hỏi – Con vợ mày nó làm ầm ĩ lên à?
-         Không, chả có gì mà ầm ĩ cả – Tôi đáp – Nó bỏ đi rồi.
-         Mang cả thằng bé con đi à?
-         Tất nhiên.
-         Căng nhỉ, thế còn công việc thì sao?
-         Công việc à? – Tôi cười khẩy chỉ vào đống đồ đạc tài liệu để trên ghế bên cạnh – Đấy, chúng nó vừa đuổi việc tao rồi, giờ tao chính thức ra đường.
-         Cũng đến lúc rồi, lương lậu thế thì nghỉ từ lâu rồi mới phải.
-         Ừ, nghỉ thì nghỉ, sao phải xoắn, nhỉ?
-         Rồi đâu khắc có đó, rồi sẽ ổn cả thôi – Tú khỉ vỗ vỗ vai tôi.
Tôi ừ hữ cho xong, nhưng tôi không biết mọi chuyện rồi sẽ như thế nào. Nói thì dễ, chứ khó mà tôi có thể ổn thỏa cho được. Trong túi tôi chỉ còn ít tiền lương họ vừa thanh toán. Có lẽ tôi sẽ phải vay Tú khỉ một khoản tiền để trang trải nợ nần, các loại hóa đơn điện, nước, điện thoại, v v…
Tôi chưa biết sẽ làm gì trong những ngày tới, mọi thứ đang rối tung, mờ mịt, xám xịt. Đầu óc tôi trống rỗng, bất cần, và sẵn sàng buông xuôi, sẵn sàng ký vào mọi loại giấy tờ, dù đó là lá đơn ly dị hay lá đơn xin thôi việc. Nếu có lá đơn xin vào tù, chắc tôi cũng sẽ ký nốt. Tôi chỉ muốn được rảnh nợ, chạy trốn, và không muốn một ai tìm ra mình.
-         Đêm qua tao có một giấc mơ mày ạ – Tú khỉ nói.
-         Thế à? – Tôi đáp, cay đắng nhớ lại cơn ác mộng của mình.
-         Tao mơ thấy con cá đấy – Tú khỉ nói, chính là con cá đấy, mặc dù chưa từng nhìn thấy nó, nhưng tao chắc chắn là nó, con cá thần ấy.
-         Ừ – Tôi ậm ừ cho xong, mắt vẫn nhìn ra dòng người trôi trên phố.
-         Tao còn mơ thấy em Vân nữa – Tú khỉ tiếp tục nói – Em ấy… hí hí… em ấy đang tắm tiên bên bờ sông nữa nhá…
-         Ừ…
-         Ổ ôi hàng họ em ấy ngon thôi rồi, hí hí…
-         Hừ, em ấy ngon thì ai cũng thấy cả – Tôi cười khẩy.
-         Ờ để tao kể tiếp cho nghe, em ấy đang tắm thì con cá phi vào định ăn thịt, mày thì đứng đực mặt ra nhìn, nên tao xông ra cứu em nó…
-         Hả? – Tôi há hốc miệng quay phắt lại nhìn nó – Sao lại thế được?
-         Sao lại không? – Tú khỉ nhăn nhở – Mày lúc đéo nào chả nhát chết? À không, trừ những lúc mày quá ngu, ngu đến nỗi quên cả sợ chết, như cái hôm bơi xuồng ra vực nước ấy…
-         Không thể như vậy được! – Tôi nói – Mày cứu em ấy như thế nào?
-         Thì tao rút dao bơi ra đâm chết con cá rồi bế em ấy lên bờ, ổ ôi da thịt em ấy cứ gọi là… hí hí, nghĩ lại vẫn thấy sướng tê dại…
-         Không thể như thế được! – Tôi kêu lên – Rồi sao nữa?
-         Sao lại không chứ? Kể ra thì hơi phũ với mày thật, nhưng tao mơ đưa em ấy vào rừng rồi thịt em ấy ngay tại chỗ, ổ ôi em ấy ngọt thịt thôi rồi, hí hí…
-         Thế còn tao thì sao? – Tôi hỏi, giọng run run, toàn bộ gai ốc trong người nổi lên từ lúc nào.
-         Mày ấy à? – Tú khỉ bĩu môi - Mày sợ chết khiếp đứng một góc, sau đấy mày lại có vẻ còn định giở trò ghen tuông nữa.
Tôi bỗng thấy choáng váng đầu óc, xây xẩm mặt mày. Một nỗi sợ hãi như làn sóng lan truyền trong người, chạy từ chân lên đến đỉnh đầu, da gà nổi khắp người, tóc gáy dựng ngược. Tôi phải nói cho thằng Tú khỉ biết, rằng chúng tôi đã cùng mơ một giấc mơ giống hệt nhau. Điều này là rất quái đản, vô cùng kỳ lạ, không bình thường chút nào. Bây giờ, vấn đề là tôi phải nói làm sao cho nó hiểu và tin rằng tôi cũng đã có một giấc mơ y hệt như thế? Nói chính xác phải là tôi đã có một cơn ác mộng tồi tệ, nhưng lại giống y hệt như giấc mơ ngọt ngào của nó. Chỉ có một điều có thể lý giải cho sự trùng hợp kỳ lạ này, nhưng tôi không dám tin vào điều đó, thậm chí mới chỉ nghĩ đến thôi tôi đã nổi hết cả gai ốc.
Tôi là một kẻ vô thần, chưa từng tin vào ma quỷ thánh thần, nhưng hình như tôi bắt đầu buộc phải tin rằng con cá này, con quái vật này, nó là một con vật không bình thường, dường như bằng cách nào đó nó có thể tác động đến tinh thần, suy nghĩ của tôi và Tú khỉ, chia rẽ chúng tôi, ngay cả trong những giấc mơ. Nếu vậy, nó chính là ma quỷ.
-         Tú khỉ này, nghe cho rõ tao nói này, mày đã quên hoặc cố tình không kể nốt một chi tiết quan trọng trong giấc mơ của mày, phải không? – Tôi bảo nó – Mày đã quên kể rằng khi bế em Vân đi ngang qua, mày còn dí dao vào mặt dọa tao? Đúng không nào?
-         Hả?
Lần này đến lượt Tú khỉ há hốc mồm kinh ngạc nhìn tôi, mãi không nói nên lời.
-         Làm sao, làm sao mày biết được chuyện đấy? – Cuối cùng nó ấp úng.
-         Vì đêm qua tao cũng mơ y hệt như mày, y hệt! – Tôi đáp.
Tôi và Tú khỉ mất toi cả ngày ngồi ở cái quán cà phê đó mà suy luận đủ thứ chuyện xung quanh hai giấc mơ kỳ quái ấy. Thi thoảng mỗi thằng lại nhớ ra được một chi tiết nhỏ cùng xuất hiện trong cả hai giấc mơ, ví dụ như tôi nhớ ra rằng Tú khỉ đâm ba nhát dao vào đầu con cá, nó hoàn toàn đồng ý với tôi về chuyện đó. Nó nói thêm rằng nhát đầu tiên nó đâm thẳng vào mắt con cá, tôi rùng mình nhớ lại giấc mơ đó, đúng là tôi còn nhớ nhát dao đầu tiên của nó đã chọc mù cái con mắt ti hí của con quái vật ấy thật, lúc đó mặc dù trong mơ nhưng có lẽ tôi cũng đã sợ đến vãi cả đái.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhau rằng chuyện này là hoàn toàn điên rồ, nhưng nó đã xảy ra. Vấn đề là liệu nó có ý nghĩa gì?
-         Mày có bao giờ tin vào định mệnh không? – Tôi dè dặt hỏi Tú khỉ vào cuối buổi chiều hôm đó, lúc chúng tôi đã chán chê những suy đoán, và cơn choáng váng đã qua đi. Tôi chỉ sợ nó sẽ cười vào mũi tôi. Nhưng sau những chuyện đã xảy ra, tôi nghĩ là có thể hỏi nó câu đó.
-         Có, tao tin chứ! – Tú khỉ suy nghĩ hồi lâu rồi nói chậm rãi, trang trọng – Tao tin vào định mệnh, ít ra là bây giờ tao có thể tin chắc đây là định mệnh.
-         Ý mày là sao? Tao chưa hiểu.
-         Trước kia chưa bao giờ tao tin vào những chuyện vớ vẩn như này… – Tú khỉ nói vẻ đăm chiêu - Nhưng hôm nay tao phải tin, tao cảm thấy như thế.
-         Ý mày là tin vào thần thánh ma mãnh ấy hả? – Tôi hỏi – Ý tao là mày tin vào vấn đề tâm linh huyền bí?
-         Ừ, gọi là tâm linh được đấy.
-         Vậy chuyện này nghĩa là sao? – Tôi vẫn cố gặng hỏi – Theo mày liệu nó có ý nghĩa gì? Điềm dữ? Điềm lành? Đen đủi hay may mắn?
-         Tất nhiên là điềm lành, đem lại may mắn rồi.
-         Lành á, may mắn á? – Tôi bối rối – Tao không nghĩ mất việc với bị vợ bỏ là may mắn đâu.
-         Mày có bao giờ đánh đề không? – Tú khỉ bỗng hỏi lại tôi một câu chả liên quan.
-         Chưa từng – Tôi đáp.
-         Vậy hôm nay mày thử đánh đề đi, tâm linh đấy, định mệnh của tao là hôm nay tao sẽ ăn đề to thật là to, trở thành tỉ phú, ha ha ha, ý nghĩa đấy, điềm đấy em giai ạ, hôm nay cá thần báo mộng cho anh Tú béo ăn đề, báo lá cải mai đưa tin trong tích tắc anh Tú béo vô danh tiểu tốt trở thành đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ôi mẹ ơi! Hi hi hi!...
Tú khỉ cười khùng khục vẻ đầy khoái trá, rồi nó cười hi hí ha hả, sau đó cười hô hố, cười lăn cười bò, cười đến tưởng như đứt hơi chết sặc, cười đến nỗi nước mắt nước mũi chảy giàn dụa. Tất cả nhân viên quán cà phê bỏ dở việc quay sang nhìn chúng tôi như hai thằng dở người. Tôi chỉ muốn đạp cho nó một phát vào mặt, hóa ra nó đang nỡm tôi, nó đang đóng kịch nãy giờ. Thằng xỏ lá!
-         Tao về đây, thằng điên – Tôi bực bội đứng lên.
-         Về đâu hỡi em? Hớ hớ  – Tú khỉ vẫn chưa dứt cơn cười – Đi về đâu hỡi em, hớ hớ, khi trong lòng em đang cáu, hớ hớ… Thôi tao đùa tí thôi, chưa gì đã giận dỗi như gái ấy, ở lại đây đi về nhà làm đéo có ai chờ. Gọi cơm ăn ở đây đi, rồi chờ xem…
-         Chờ cái gì? – Tôi lại ngồi xuống.
-         Cứ chờ khắc biết!
Tú khỉ gọi cơm rang rồi hai thằng cùng ăn, nó vừa ăn vừa lôi laptop ra lục lọi, tôi loáng thoáng thấy nó lật những bức ảnh chụp con dao đa tác dụng của nó, hết phóng to thu nhỏ. Lát sau nó liếc xem đồng hồ rồi móc một chiếc điện thoại ra gọi, đó là một chiếc Iphone 4 mới cứng, hẳn rồi, nó đã kịp tậu từ lúc nào.
-         A lô, bà béo à? – Tú khỉ nói oang oang vào điện thoại – Ai ai cái đéo gì, Tú béo đây, số kia mất rồi, chưa kịp lấy lại, giờ dùng tạm số này nhá. Ghi cho mấy con đề này, hả, cái gì, cái gì? Thôi thôi đéo phải nhắn tin mất thời gian lắm đọc luôn cho nhanh này, ờ bà thích thì lấy giấy bút ra mà ghi lại nhá. Mấy giờ rồi còn nhắn với chả nhe, sốt ruột! Ờ, con 68 với con 86 mỗi con 10 củ, ờ thế thôi, dạo này yếu lắm, lót thêm bộ lộc phát mỗi con 1 củ, ờ đúng rồi bộ có 8 con, tổng cộng 28 củ nhá, ờ đúng rồi giá 75 thì còn 21 củ, thế nhá!
-         Mày đánh đề đấy à? – Tôi hỏi – Mày đánh đề thật đấy à?
-         Chứ sao? – Nó tưng tửng – Để xem con cá thần với em Vân báo mộng có linh ứng không nhá.
-         Mày điên rồi! – Tôi thốt lên – Mày moi đâu ra con số ấy? Mà nhỡ trượt thì sao? 28 củ là hai mươi tám triệu hay hai triệu tám?
-         Là hai mươi tám triệu, thằng nhà quê ạ – Tú khỉ cao giọng – Phế 25% còn 21 triệu. Nếu ăn tao sẽ chia đôi cho mày, thua tao chịu.
-         Kinh quá! Tao không ngờ mày cờ bạc gớm mặt.
-         Ăn thua gì, tao từng phang những tiếng bạc to hơn thế nhiều, vài trăm củ một con đề, nó mà nổ mấy con đấy thì giải nghệ đi du lịch hết đời luôn.
-         Thật á? – Tôi tròn mắt nhìn nó.
-         Chứ đùa à, tao từng kiếm sống  bằng cờ bạc,  làm bóng, làm số, đủ cả.
-         Làm bóng làm số là sao?
-         Làm bóng là làm cá độ bóng, làm số là ôm bảng lô đề, chuyển số, nôm na là làm chủ bóng, chủ lô chủ đề, đại khái thế. Sợ không dám ôm thì chuyển bảng, ăn phần trăm.
-         Bây giờ mày còn làm không?
-         Không, giờ hứng lên thì chơi thôi.
-         Thế bây giờ thực sự thì mày đang làm cái gì?
-         Cho vay lãi, bất động sản, chứng chiếc, buôn bán, xuất nhập khẩu, gì có lãi thì làm.
Tôi lắc đầu lè lưỡi, không thể tưởng tượng thằng bạn mình lại liều mạng đến thế. Tôi từng nghe nói nhiều về những tay cờ bạc khuynh gia bại sản, nhưng không ngờ Tú khỉ cũng là một tay cờ bạc khát nước đến thế.
-         Tại sao mày lại chọn con số đấy? Số bao nhiêu ấy nhỉ? – Tôi hỏi.   
-         Số 68 và số 86. Đánh lót thêm bộ 68, hay gọi là bộ lộc phát, tính cả chính số và bóng thì bộ đề có 8 con cả thảy là 68-86-63-36-18-81-13-31. Rất đơn giản, em Vân sinh năm 1986, con dao của tao rất may tao từng chụp vài bức ảnh để trong laptop, số serie của nó mày đoán xem là bao nhiêu?
-         Mày đùa à? Nó cũng trùng số 86 á?
-         Gần đúng, nó có hai số cuối là 68.
-         Thế tại sao nó không phải là 2 số đầu tiên của serie ấy?
-         Mày chả hiểu gì về điện cả, nếu cô đã thương rồi báo mộng, cô sẽ báo mộng đơn giản thôi hiểu không? Loằng ngoằng quá đánh cả trăm số à thằng ngu?
Tú khỉ xoay cái màn hình và phóng to ảnh con dao cho tôi xem, đúng là số serie dập chìm ở cán dao có dãy số dài, 2 số cuối là số 68 thật. Tôi gật gù ngẫm nghĩ, kể nếu kết quả xổ số hôm nay có số cuối trùng hợp như thế thì đúng là hy hữu thật. Thằng bạn tôi thật lắm trò và quái đản. Chợt có một ý nghĩ khiến tôi giật mình.
-         Mày nhầm rồi – Tôi thốt lên – Năm sinh của em Vân là năm 1985.
-         Tao nhớ ông Văn bảo là năm 1986 chứ? – Tú khỉ vặc lại – Hôm đầu tiên uống rượu tao nhớ ông ấy bảo năm 86 mà.
-         Năm 86 là năm bà vợ chết, nhớ chưa? Ông Văn bảo lúc đó em Vân được 1 tuổi, tao nhớ mà.
-         Thôi xong! – Tú khỉ vội xem đồng hồ – Thôi xong, nó lẩm bẩm - Hết giờ báo thêm rồi, giờ này ở Tăng Bạt Hổ bọn hội đồng nó bắt đầu quay rồi. Đm, sao mình lại đãng trí thế nhỉ? Hôm nay nó mà nổ con tám lăm thì ức lòi mắt!
Sau một hồi chửi thề và vò đầu bứt tai, nó mở trang thông tin kết quả xổ số ra theo dõi tường thuật trực tiếp, từng con số lần lượt hiện ra. Tôi cũng hồi hộp lây, dán mắt vào màn hình. Kết quả giải đặc biệt sẽ quay sau cùng. Họ đang quay đến giải sáu. Còn giải bảy nữa là sẽ đến giải đặc biệt. Tôi cảm thấy hai tai mình đỏ bừng, tim đập thình thịch liên hồi kỳ trận. Nó bảo nếu ăn sẽ chia đôi. Tôi không rõ nếu ăn to thì sẽ được bao nhiêu tiền, nhưng chắc là rất nhiều.
-         Nếu ăn to thì mình sẽ được bao nhiêu?
-         Bảy trăm bảy – Tú khỉ đáp luôn – Cứ bình tĩnh đi cu. Đm, lô 68 hai nháy, 86 cũng hai nháy, phang lô thì cũng ăn to cả đôi rồi.
-         Bảy trăm bảy là 77 triệu hay 770 triệu? – Tôi vẫn chưa hình dung ra tỷ lệ ăn thua.
-         Bảy trăm bảy mươi triệu chứ còn gì, 1 ăn 70 mà, sao mày ngu quá vậy? – Tú khỉ đáp, rồi nó bỗng chửi thề – Thôi xong, đm, tan xác rồi, ôi đau quá, nó về con 85 thật rồi.
-         Thế là thua à? – Tôi hỏi – Thua hết sạch cả hai mốt triệu à?
-         Không, tao với mày vừa đánh rơi mất hơn bảy trăm củ.
Tôi nhìn vào màn hình laptop, giải đặc biệt là dãy chữ số đỏ chót 51985. Tôi cảm thấy chết điếng người, tôi cũng hình dung ra Tú khỉ đang cảm thấy như thế nào. Bảy trăm bảy mươi triệu vừa tuột khỏi tay trong tích tắc. Tôi bỗng hiểu cái cảm giác của những con bạc khát nước đang say bạc, giống như tôi và Tú khỉ đang trải qua. Tất nhiên đấy không phải tiền của tôi. Nhưng ngay cả với Tú khỉ, tôi cũng nghĩ nó không hề tiếc nuối số tiền 21 triệu bỏ ra, mà nó đang đau đớn vì đã để mất bảy trăm bảy mươi triệu, ngay cả trừ vốn đi thì nó cũng đang nghĩ là nó vừa đánh rơi mất bảy trăm bốn mươi chín triệu. Có lẽ đó là suy nghĩ phổ biến của những con bạc, họ không hề tiếc nuối cái họ thực sự mất, mà họ chỉ nuối tiếc cái huyễn hoặc và hy vọng vừa thoáng qua đó, rồi tan vỡ ngay trước mắt họ.
-         Mày nhìn đi! – Tú khỉ nói – Mày nhìn kỹ dãy số này đi, có thấy gì không?
-         Có, chính xác đến bốn chữ số liền 1-9-8-5
-         Chính xác luôn cả 5 số, em Vân sinh vào Năm-Một-Chín-Tám-Năm hiểu chưa cu? – Tú khỉ vừa nhấn mạnh từng câu chữ vừa di con chuột vào từng con số 5-1-9-8-5 trên màn hình cho tôi hiểu – Giời ạ! Tao với mày vừa đánh mất vài tỉ, lẽ ra tao với mày có thể mua hết cả bộ số lotto tự chọn 5 số này và ăn trọn giải đặc biệt. Thế đấy em giai ạ, xin lỗi, đm đời quá đen! Ngu quá, tại sao tao lại ngu thế không biết!
Tú khỉ cầm cái điện thoại giơ lên chực ném vào đâu đó trước mặt, tôi hoảng hồn nhảy lên chụp kịp cổ tay nó. Ấy ấy đừng ném, tôi liến thoắng, mày quên là tao còn đang chưa có điện thoại ghẻ nào để dùng đây à? Có ném thì ném vào mặt tao đây này!
Tú khỉ dịu xuống, bình tĩnh lại, nó ngồi vật xuống ghế thở hắt ra. Đám nhân viên quán cà phê sợ xanh mắt.
Tôi và Tú khỉ nhìn nhau thẫn thờ, cả hai dường như vừa cùng chợt nhận ra một điều, đây không phải là chuyện thua hay thắng bạc. Điều này đáng sợ hơn, kích động hơn máu ăn thua nhiều. Nếu đây là điềm báo, là dấu hiệu và linh ứng, thì hoặc là chúng tôi sẽ cực kỳ may mắn nếu lựa chọn đúng, còn nếu không, nhỡ đâu nó chỉ là trò trêu ngươi của định mệnh, thì chúng tôi sẽ vô cùng đen đủi. Nếu quả thật như vậy thì mãi mãi chúng tôi sẽ chỉ phán đoán sai,có những lựa chọn sai lầm, đen đủi, lún sâu vào cơn say bạc, lún sâu vào cuộc phiêu lưu này.

Chưa biết mọi chuyện sẽ còn đi xa tới đâu, nhưng rất có thể nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt của cả hai, hoàn toàn, và triệt để.

                                                              còn tiếp.................................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét