Thứ Năm, tháng 9 19

Bí Mật Hồ Cá Thần - (Nguyễn Quang Thiều) chương 2

Chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Hai anh em tôi chạy ra sân. Cả xóm trại đã í ới những tiếng đàn ông gọi nhau. Họ đang khiêng thuyền lên mặt đê để đi xuống đầm nước. Lũ trẻ con xóm trại như được thông báo trước, cũng kéo nhau lên mặt đê. Cả đầm Vực im phăng phắc trong buổi sớm mùa hạ.
 Những chiếc thuyền nan đã được hạ xuống nước. Trên mỗi chiếc thuyền lưới đã chất đầy. Tiếng chèo khỏa nước, người thúc nhau thả lưới làm náo động cả vùng đầm. Những người đàn ông xóm trại chia làm bốn nhóm thả lưới thành một vòng tròn rộng bao bọc lấy lòng đầm. Tiếng gõ vào mạn thuyền đồng loạt vang lên. Tiếng động và lưới quét làm cho lũ cá mè nhảy lao xao. Vòng khép của lưới mỗi lúc một thu nhỏ lại.
 Ở phía bờ đầm sát chân đê, lũ trẻ chúng tôi đứng tụm vào nhau. Thằng Mên đứng bên cạnh tôi thì thầm:
 - Người ta sẽ bắt được con cá anh nhỉ?
 Một đứa trẻ lên tiếng thách thức:
 - Đố mà bắt được nó. Cá thần chứ có phải thường đâu.
 Một đứa khác hỏi:
 - Ai bảo mày là cá thần?
 - Bà thằng Mên bảo thế. Bà nó bảo ở đáy đầm có một bà sư vẫn sống coi chùa.
 - Chùa thì có. Bà tao cũng bảo thế. Nhưng sư thì làm sao mà sống được dưới nước.
 Thằng Mên vội nói:
 - Bà sư có phép đấy.
 Một đứa trẻ hỏi:
 - Thế sư và cá thần, ai giỏi hơn?
 - Sư phải giỏi hơn chứ
 Đứa trẻ kia cãi lại:
 - Làm sao mà mày biết được?
 - Người thì phải giỏi hơn. Thế mày có giỏi hơn con dế của mày không?
 Cuộc cãi nhau của bọn trẻ chúng tôi chợt im bặt khi những người săn cá đồng loạt kêu lên. Ở giữa vòng lưới nổi lên cái đầu con cá như một cái chum sành đựng thóc. Rồi con cá lại từ từ chìm xuống. Tiếng hò hét, tiếng gõ vào mạn thuyền vang lên dồn dập. Vòng lưới dày đặc rùng rùng thu nhỏ lại.
 - Kéo lưới!
 Lão Bương gào lên ra lệnh. Tất cả đàn ông trên các con thuyền đồng loạt kéo lưới, lũ trẻ chúng tôi như nín thở. Nhưng tay lưới vẫn thấy nhẹ. Khi lưới được kéo lên gần hết thì họ thấy lập lờ trong lòng lưới một vật gì đó dài và đen như một khúc gỗ.
 Một người đàn ông kêu lên:
 - Cẩn thận nó lại giả vờ chết đấy!
 Nhưng cái vật dài và đen kia không phải con cá mà là một bức tượng phật rêu phủ đầy.
 - Phật dưới chùa đấy. - Bố tôi nói to.
 - Mang lên bờ đi.
 - Mang làm gì cho tốn công, vứt lại xuống đầm ấy.
 Lúc đó lão Bương đã áp thuyền sát bức tượng và nói:
 - Cho tớ mang về làm củi đun.
 Nói xong lão cầm mái chèo gõ vào bức tượng gỗ:
 - Tượng gỗ mít đây mà. Củi này còn đượm chán.
 Lão Bương sai hai anh con trai kéo bức tượng lên thuyền và chèo vào bờ. Lũ trẻ chúng tôi chạy ùa lại xem bức tượng. Bức tượng như vẫn còn nguyên vẹn và phủ đầy rêu. Chỉ có đôi mắt tượng là rêu không phủ. Tuy đôi mắt tượng đã mờ đi bởi ngâm dưới nước nhiều năm, nhưng tôi cảm thấy đôi mắt ấy vẫn nhìn được mọi người.
 Những người đàn ông xóm trại bực bội thu lưới và khiêng thuyền vượt qua bờ đê về nhà. Lũ trẻ chúng tôi hò nhau chạy lên mặt đê. Chúng tôi sung sướng vì lòng tin của chúng tôi đã đúng. Con cá đó là con cá thần và không ai có thể bắt được.
 Khi hai anh em tôi về đến nhà thì bà tôi đang ngồi im lặng trên chiếc giường tre. Trên bàn thờ, ba nén hương sắp tàn.
 Tôi bảo bà:
 - Bà ơi, bố cháu và các bác không bắt được con cá.
 Bà tôi không nói gì, chỉ khẽ thở dài.
 - Nhưng họ kéo được tượng phật ở dưới chùa bà ạ.
 Thằng Mên khoe. Nghe vậy, bà tôi
 - Phật à?
 Tôi nói:
 - Cháu nhìn thấy cả mắt Phật. Nhưng cháu sợ lắm, mắt ông ấy như mắt người thật, cháu thấy như là chớp chớp.
 - Đâu rồi? - Bà tôi vội hỏi - Ông Phật ấy đâu rồi?
 - Ông Bương mang về nhà rồi. - Tôi thưa. - Ông ấy bảo để làm củi.
 - Giời phạt! Giời phạt!
 Bà tôi kêu lên và đi như chạy sang nhà ông Bương. Hai anh em tôi chạy theo bà.
 Hai anh con trai lão Bương đang phơi lưới ngoài sân. Ở hiên hè, lão Bương ngồi uống trà và hút thuốc lào. Thấy bà tôi tất tả vào sân, lão Bương:
 - Chào cụ, mời cụ vào xơi nước.
 Bà tôi không đáp lại lời mời của lão mà gắt hỏi:
 - Ông để ngài đâu rồi?
 - Ngài nào? A! - Lão Bương phá lên cười. - Cái khúc gỗ vớt dưới đầm chứ gì. Kia kìa.
 Theo tay lão Bương chỉ, chúng tôi nhận ra bức tượng Phật để nằm ở sát tường bếp. Bà tôi bước lại bức tượng, giọng bà run rẩy: “Nam mô a di đà phật…”. Đứng sau bà, tôi nhìn vào đôi mắt phật. Tôi cảm thấy đôi mắt phật chớp chớp.
 - Ông cho người trả lại chùa đi. - Bà tôi nói.
 - Ấy thưa cụ, được khối củi chứ ít à? - Lão Bương lắc lư cái đầu - Chùa ở đâu mà trả, ra bùn cả chứ còn gì nữa.
 Bà tôi nói to:
 - Ông cần bao nhiêu củi tôi đổi cho ông. Tôi mang ngài về, tôi trả lại chùa.
 - Ấy, tùy cụ… - Lão Bương nói, có vẻ tiếc.
 Bà tôi nhờ người mang bức tượng về sân nhà. Bà thắp mấy nén hương trước bức tượng và lầm rầm khấn.
 Đến chiều trời nổi giông và mưa đổ xuống như trút. Sấm nổ inh tai trên nóc nhà. Khi bữa cơm tối muộn mằn của các gia đình xóm trại đã xong, trời vẫn mưa dữ dội. Mỗi lần chớp lóe lên thì bức tượng lại hiện ra uy nghi và như đang giận dữ quát mắng. Bà tôi đội nón, khoác áo tơi lá đi gọi mấy đứa cháu ngoại của bà đến giúp bà. Các anh tôi xúm nhau vào khiêng bức tượng. Bà sai tôi xách chiếc đèn bão đi theo bà.
 Đến bờ đầm, bà sai các anh đặt bức tượng xuống. Bà chắp tay khấn vái một hồi lâu, rồi cho thả bức tượng phật xuống đầm.
 Trên đường trở về khi lên đến mặt đê bà tôi dừng lại. Bà tôi đứng im lặng trong mưa nhìn xuống đầm nước tối đen. Một lát sau bà nói:
 - Năm xưa đê vỡ ở chỗ này đây
 Khi bà cháu tôi định quay về thì tôi nhận ra trên mặt đê phía trước có người qua ánh chớp. Tôi sợ quá kêu lên:
 - Bà ơi! Có người!
 - Ai? - Bà tôi hỏi - Ở đâu?
 Tôi chỉ tay về phía bóng người. Bà tôi cầm lấy đèn bước về phía tay chỉ. Tôi bám chặt sau bà. Khi đến gần bóng đen, bà tôi giơ cao ngọn đèn. Trong ánh đèn, tôi thấy một người khoác chiếc áo tơi lá, đội mũ lá, đứng quay về phía đầm Vực. Bà tôi lên tiếng.
 - Ai kia? Ma hay người?
 Người đó quay lại và khẽ nói:
 - Tôi đây. Tôi là Bộc đây mà.
 - Ông Bộc! - Bà tôi kêu khẽ - Mưa gió ông ra đây làm gì?
 - Tôi… tôi... - Ông Bộc ấp úng - Tôi định đi soi cá.
 Thấy nói đi soi cá, tôi vội nói:
 - Cho cháu đi với, ông Bộc nhé.
 Ông Bộc cười:
 - Cháu không đi được đâu, có ma đấy- Cháu không sợ.
 - Bạo nhỉ? - Ông Bộc nói. - Thôi để hôm khác.
 Bà tôi xách đèn bước lại gần ông Bộc. Tôi thấy ông Bộc lúng túng quay đi.
 - Về đi ông. - Bà tôi nói khẽ.
 Ông Bộc im lặng. Một lát sau ông nói:
 - Hai bà cháu về trước đi.
 Tôi nghe thấy bà tôi khẽ thở dài. Rồi bà bảo tôi:
 - Về đi cháu.
 Hai bà cháu tôi bước đi. Được một đoạn, tôi quay lại. Trong ánh chớp của mưa đêm, tôi thấy ông Bộc đứng đó như một cây dứa dại khô.
 Đến khuya thì mưa đột ngột tạnh hẳn. Mây tan và trăng lên. Tôi tỉnh giấc thấy bà tôi đang ngồi ngoài hiên nhà. Tôi rón rén chui ra khỏi màn đến bên bà.
 - Sao bà không ngủ? - Tôi thì thầm hỏi.
 - Bà nghe thấy tiếng mõ và tiếng tụng kinh.
 Nghe bà nói, tôi ngồi sát vào bà hơn. Người bà tôi sực mùi trầu quế. Hai bà cháu ngồi im lặng. Đêm im ắng và xa xăm vô cùng.
 Chợt
 - Cháu có nghe thấy gì không?
 - Dạ, không.
 - Tiếng kêu i i đấy, nghe thấy không?
 Tôi bắt đầu cảm thấy sợ. Tôi như nín thở và dỏng tai lên. Đêm vẫn im phăng phắc, ánh trăng lành lạnh vẫn chảy loang trên những vòm lá trong vườn. Bất chợt từ trong đêm, tôi nghe thấy tiếng “i i” kéo dài từ đâu đó vọng về.
 - Cháu nghe thấy… - Giọng tôi tắc lại. Bà tôi nói nhỏ.
 - Tiếng cá thần đấy.
 - Cá thần hở bà? Vì sao nó lại kêu?
 Bà tôi nói:
 - Chắc có chuyện buồn.
 - Cá thần cũng biết buồn hở bà? - Tôi hỏi lại.
 Bà ôm tôi vào lòng. Mùi trầu quế của bà sực nức làm tôi đỡ sợ. Bà nói:
 - Thần cũng buồn cháu ạ. Có khi thần còn buồn hơn cả người. Vì thần biết nhiều chuyện hơn người.
 Tiếng “i i” lại vọng về và như dài hơn lần trước. Chưa bao giờ, đêm lại huyền bí như bây giờ. Lúc ấy, tôi chợt lo lắng cho bố tôi. Tôi hỏi:
 - Bà ơi, cá thần có trả thù những người bắt nó không?
 - Có. Nếu ai đó cứ cố tìm cách giết nó. Nhưng cá thần sẽ tha thứ. Thần dễ tha thứ, cháu ạ.
 Nghe bà nói vậy, tôi không còn thấy sợ hãi chút gì nữa. Tôi muốn chạy ra đầm nước để nói với cá thần hãy tha thứ cho bố tôi và những người đàn ông khác của xóm trại.
 - Đi ngủ đi cháu. - Bà tôi nói và dắt tôi vào giường.
 Tôi nằm xuống, không sao ngủ được. Thằng Mên em tôi đã ngủ say từ tối. Thi thoảng nó lại cười khanh khách trong mơ.
 Thấy tôi chưa ngủ, bà bảo:
 - Ngủ đi cháu.
 Tôi xoay về phía bà, hỏi:
 - Bà ơi, ông Bộc ra đê làm gì thế?
 Bà tôi nằm im lặng, lâu sau bà mới nói khẽ:
 - Ông ấy cũng muốn bắt con cá. Hơn năm chục năm nay rồi, ông ấy tìm cách bắt con cá. Tội nghiệp.
 Nghe bà nói, tôi vội ngồi dậy.
 - Sao ông ấy lại tìm cách bắt con cá? Để làm gì hở bà?
 Bà tôi lại thở dài:
 - Bà không biết. Cả làng cũng không ai biết. Mọi người bảo ông ấy lẩn thẩn. Nhưng bà thì không nghĩ thế. Tội nghiệp. Ngày trước, ông ấy là người có tội.
 - Ông ấy có tội hở bà? Ông Bộc có tội gì hở bà?
 - Bà nói ra cháu cũng chưa hiểu được. Thôi ngủ đi cháu. Bà thì không bao giờ tin ông Bộc có tội.
 Tôi nằm xuống. Nhưng không sao ngủ được. Tôi nghĩ về ông Bộc, và tự hỏi: “Ông Bộc cũng có tội hay sao?”.
  Ông Bộc là người lớn tuổi thân thiết của anh em tôi và lũ trẻ xóm trại.
 Ông sống độc thân trong ngôi nhà nhỏ ở cuối xóm. Bà tôi bảo ông chưa bao giờ lấy vợ. Sau ngày hòa bình 1954, ông bỏ làng đi đâu không biết. Gần mười năm sau ông trở về cất một túp nhà lá ở cuối xóm, làm nghề đánh cá sông và câu cá đầm Vực nuôi thân.
 Buổi sớm, tôi và thằng Mên mò đến nhà ông Bộc.
 Vừa thấy hai anh em tôi ở đầu ngõ, ông đã lên tiếng:
 - Vào đây. Ông vừa đi bắt ba ba về. Vào đâyo xem này.
 Hai anh em tôi xúm quanh chiếc vại sành lớn đặt ở cạnh bể nước. Trong vại có đến năm, sáu con ba ba rất lớn. Lâu lắm rồi ông Bộc mới lại đi bắt ba ba. Gần năm nay, ông yếu hẳn và nhiều lúc cảm thấy sợ nước. Những con ba ba to gần bằng cái mũ cắt nằm chồng lên nhau im thin thít. Thi thoảng chúng mới thò cái đầu ra khỏi mai, ngước đôi mắt bé tí nhìn chúng tôi. Tôi thấy những con ba ba thật hiền lành. Bà tôi biết chúng tôi hay sang nhà ông Bộc xem ba ba thì dặn: “Hai cháu đừng có thò tay vào mà ba ba nó cắn. Nó mà cắn thì chẳng làm sao gỡ ra được. Chỉ trừ khi có sấm”. Chúng tôi hỏi bà: “Ba ba sợ sấm hả bà?”. Bà bảo: “Ừ”. Chúng tôi lại hỏi: “Tại sao nó lại sợ mỗi sấm?”. Bà tôi nghiêm giọng: “Vì sấm là ông giời. Nó chỉ sợ giời thôi”. “Thế không có sấm thì làm sao?”. Bà tôi cười: “Thì người ta kéo cối xay lúa. Nó nghe tưởng là tiếng của giời, nó nhả ra”.
 Ông Bộc là người có tài bắt ba ba nổi tiếng cả một vùng. Bố ông xưa kia cũng chỉ sống bằng nghề bắt ba ba và câu cá quả. Vào mùa hạ, ông Bộc dậy rất sớm ra đầm Vực. Ông men theo bờ đầm và quan sát trên mặt nước. Ba ba khi bơi dưới mặt bùn nhả tăm rất nhiều. Nhìn tăm, ông Bộc biết được tăm nào là tăm ba ba và to hay nhỏ. Cứ thế ông lặn xuống nước, chỉ một loáng ông đã lôi được con ba ba lên bờ. Lũ trẻ xóm trại cũng đã nhiều lần được ông cho đi theo để xem ông bắt ba ba.
 Ông Bộc nuôi ba ba trong những chiếc vại sành. Ông bảo như thế ba ba mới không trốn đi được. Ông kể với chúng tôi ba ba là giống rất khỏe. Thuở bố ông Bộc còn sống, bố ông bắt được một con ba ba lớn. Ông cụ phải dùng cối đá để úp con ba ba đó. Sáng sau tỉnh dậy, không thấy cái cối đá đâu nữa. Ông cụ chạy đi tìm thì thấy cái cối đá từ góc sân đã được chuyển ra cửa ngõ. Hóa ra con ba ba cứ vừa bò trong cái cối đá vừa đẩy cái cối đá đi suốt đêm.
 Cứ đến phiên chợ Đình hay chợ Thá, ông Bộc lại bắt lũ ba ba nhốt vào hai cái lồng sắt mang bán và lúc nào cũng vậy, sau buổi chợ chúng tôi kéo đến nhà ông để nhận quà. Ông không bao giờ quên mua quà cho chúng tôi. Món quà mà tôi thích nhất là những ông tướng thời xưa mặt đỏ, râu dài, tay cầm gươm uy nghi, làm bằng bột nếp pha màu. Tôi chỉ từ giã những ông tướng bột uy nghi kia khi nào các ông đã bị mốc xanh, mốc vàng phủ kín cả mặt mũi, mũ áo mà thôi
 Những năm trước kia đầm Vực ba ba nhiều vô kể. Có những ngày, ba ba lên bờ phơi nắng. Chúng nằm san sát những mô đất quanh bờ đầm. Hồi đó, chúng không sợ người như bây giờ. Có những bác thợ cày lên bờ đầm ngồi nghỉ. Bác thợ cày nhìn thấy một tảng đá mốc thếch bèn ngồi lên ung dung hút thuốc lào. Mãi lâu sau, thấy tảng đá mình đang ngồi cứ nhúc nhích, nhúc nhích, bác thợ cày thấy lạ lật lên xem thử. Một cái bụng ba ba vàng ươm phơi ra.
 Bây giờ ba ba ít đi nhiều. Người xóm trại chẳng mấy khi thấy chúng lên bờ. Chỉ có ông Bộc là biết chúng ở đâu.
 Trêu chọc lũ ba ba trong vại sành chán chúng tôi rủ nhau vào nhà. Trong ngôi nhà nhỏ có một cái cửa ra vào duy nhất, ông Bộc đang ngồi lặng im trên chiếc phản gỗ. Tôi chợt nhớ lại đêm qua ông đứng trên đê trong đêm mưa gió. Tôi nhớ đến lời bà tôi nói về ông. “Ông Bộc có tội ư? Ông ấy có tội gì nhỉ?”. Câu hỏi ấy vang lên trong tâm hồn trẻ thơ của tôi.
 Thấy chúng tôi bước vào, ông nói khẽ:
 -Hai đứa vào đây. Ông phần chuối cho các cháu đây, ăn đi.
 Thằng Mên tham ăn, vặt ngay một quả ăn vội vàng. Tôi huých nó một cái. Nó kêu lên:
 - Ơ! Sao anh đánh em?
 Tôi nói:
 - Mày tham lắm. Chưa mời ai đã ăn.
 Thấy vậy, ông Bộc cười:
 - Cứ ăn đi, ăn thoải mái. Ngoài vườn nhà ông còn mấy buồng đang ín.
 Tôi cầm quả chuối ông Bộc đưa, im lặng nhìn ông. Nhà ông ẩm thấp và nhợt nhạt ánh sáng. Gương mặt ông Bộc như đang nổi chìm trong ánh sáng chen những khoảng tối trong ngôi nhà. Lúc đó, tôi muốn hỏi ông Bộc: “Ông ơi! Người ta bảo ông có tội, có phải thế không ông?”. Nhưng tôi không làm sao nói được.
 Chỉ một loáng, thằng Mên đã ăn hết ba quả chuối. Nó nằm xoài trên phản, cúi đầu xuống gầm phản, nói:

 - Ông ơi! Lính của ông đi đâu hết rồi?
 Ông Bộc cười khà khà:
 - Chúng nó đi chơi cả rồi. Chưa đến bữa mà.
 Lính của ông Bộc là lũ cóc dưới gầm phản nhà ông. Ngôi nhà của ông ít ánh sáng và thường ẩm thấp. Quanh nhà lại mọc um tùm các loại cây nên cóc rất nhiều.
 Một lần đi câu cá về, hai ống quần ông bám đầy cỏ may. Chúng tôi bảo ông để chúng tôi nhặt giúp. Ông xua tay bảo: “Để ông sai lính của ông nó làm”. Chúng tôi chẳng hiểu ông nói gì. “Lính nào hở ông?”. Chúng tôi hỏi. Ông cười: “Cứ đợi đấy, đợi đấy”. Nói xong ông vứt cái quần bám đầy cỏ may vào gầm phản. Lâu sau, ông bảo chúng tôi thử nhìn xuống gầm phản xem sao. Chúng tôi cúi rạp mình nhìn xuống và trố mắt ngạc nhiên khi thấy một bầy cóc lớn bé đang thi nhau đớp những bông cỏ may bám vào hai ống quần ông. Chúng làm việc một cách cần mẫn và tự giác, không thèm để ý đến chúng tôi.
 Cũng từ đó, cứ mỗi lần lên đê chơi là chúng tôi lại mang những cái quần bám đầy hoa cỏ may đến nhà ông để nhờ lũ lính của ông nhặt giúp.
 Hai anh em tôi tha thẩn ở chơi với ông đến gần trưa, cho đến khi mẹ tôi gọi chúng tôi về ăn cơm. Trước khi về, ông Bộc ghé tai tôi nói nhỏ: “Chiều lại đây ông cho theo sông gỡ vẹ cá”. Tôi mừng rơ “dạ” thật to và chạy một mạch về nhà.
 Vào lúc ngang chiều tôi trốn thằng Mên sang nhà ông Bộc. Hai ông cháu tôi xuống sông. Ông Bộc chỉ có một chiếc thuyền nan nhỏ do ông tự làm. Sông mới vào hạ nên nước chưa lớn lắm để vẫn có thể thả vẹ được. Hai bờ sông, ngô bắt đầu đang bạc râu. Chúng tôi trèo lên thuyền và bơi đi. Ông Bộc thả khoảng hai chục vẹ cá chép. Vẹ là một loại bẫy cá chép. Đó là một cái lồng bằng tre cứng trông giống cái lồng gà. Vẹ có một cái cửa để cho những con cá chép to có thể chui vào. Trong vẹ có một hòn đá để giữ vẹ và mồi nhử được bọc trong một cái túi vải để chống nước cuốn mất. Vẹ được buộc vào một cây sào nhỏ cắm xuống lòng sông để đánh dấu. Vẹ thả từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau thì cất lên.
 Con thuyền trôi nhẹ nhàng trên mặt sông rộng. Nhà tôi có một chiếc thuyền lớn hơn thuyền nhà ông Bộc nhiều và được đóng bằng gỗ. Nhưng chẳng mấy khi bố tôi cho chúng tôi theo thuyền. Vừa bơi thuyền đến nơi thả vẹ, ông Bộc vừa nói:
 - Chỉ ít bữa nữa là không thả được vẹ. Mưa nhiều nước sông cao và đục thì cá chép không ăn vẹ nữa.
 Lúc này, tôi nhìn ông Bộc khác vô cùng với khi ông ngồi trong ánh sáng nhợt nhạt của ngôi nhà. Tôi thấy ông mỉm cười và khe khẽ hát một bài gì đó.
 Khi đến bãi thả vẹ, ông bảo tôi:
 - Ông sẽ cho cháu nhấc một vẹ.
 Những cái vẹ lần lượt được kéo lên, nhưng vẫn không có cái nào có cá. Tôi hỏi ông:
 - Hay là cá vào lại ra rồi, ông?
 Ông Bộc
 - Vẹ ông nhạy lắm, vào là hết đường ra. Bắt đầu có mưa rồi, cá chép ít ăn vẹ. Phải đợi sang hẳn thu ông mới thả.
 Đến một cái vẹ khác, ông bảo tôi:
 - Cháu kéo cái vẹ này lên đi. Cẩn thận, cá to đấy.
 Tôi ngồi sát mép thuyền. Tôi thấy hồi hộp. Tôi từ từ kéo cái dây buộc vẹ lên. Một lúc sau tôi thấy dây buộc vẹ rung mạnh. Tôi kêu khẽ:
 - Có cá rồi ông ơi!
 Ông Bộc cười:
 - Có chứ.
Cuối cùng, vẹ đã hiện ra trên mặt nước. Con cá chép trong vẹ quẫy dữ dội tìm lối thoát. Tôi sung sướng kéo chiếc vẹ vào lòng thuyền. Con chép quẫy nghiêng ngả chiếc vẹ. Một con cá chép sông rất to, đôi râu đỏ chảy dài hai bên miệng, những chiếc vảy to trông như bộ giáp vàng.
 Chúng tôi nhấc được thêm hai con cá nữa. Mỗi chiếc vẹ bao giờ cũng chỉ bẫy được một con chép mà thôi.
 Lúc này, mặt trời đã xuống sát dãy núi phía tây. Mặt sông tím lại. Những ngọn gió mỏng bắt đầu lùa trên mặt nước. Ông Bộc khỏa nhẹ mái chèo đưa thuyền về bến. Tôi ngồi ở mũi thuyền nhìn ông. Trông ông bé bỏng và yếu đuối vô cùng. Bỗng có tiếng cá quẫy rất mạnh ở phía sau. Tôi thấy ông Bộc giật mình. Ông ngừng tay khỏa chèo và quay lại:
 - Con cá. - Ông Bộc khẽ
 Chiếc thuyền từ từ quay ngang. Ông Bộc vẫn ngồi im lặng nhìn những vòng sóng lớn đang lan rộng trên mặt sông đã tan vào bóng tối. Lúc đó tôi lại nhớ đến lời bà tôi. Và tôi tự hỏi, ông cần con cá ở đầm Vực làm gì mà hơn năm mươi năm nay ông theo đuổi nó.
 Khi những vòng sóng đã mất hút, ông Bộc khẽ thở dài và quậy chèo bơi thuyền đi.
 - Ông ơi! Sao ông muốn bắt con cá thần ở đầm Vực?
 Tôi buột miệng hỏi ngay. Nghe tôi hỏi, ông cũng lại khẽ giật mình và ngừng tay chèo. Ông nhìn tôi rất lâu rồi hỏi:
 - Ai nói cho cháu điều này? Bà cháu phải không?
 - Vâng - Tôi đáp.
 - Đúng vậy cháu ạ - Ông Bộc nói rất chậm - Ông muốn bắt được con cá ấy. Con cá ấy đã cứu ông, đồng thời cũng giết ông.
 -Nó giết ông? - Tôi nói như kêu. - Cháu không hiểu.
 Ông Bộc gác mái chèo lên. Con thuyền chầm chậm trôi theo dòng nước. Ông Bộc và tôi ngồi im lặng trong lòng chiếc thuyền nan nhỏ giữa sông. Chợt ông hỏi tôi:
 - Cháu có nghĩ ông là người có tội không?
 Là cậu bé mười hai tuổi, tôi vô cùng lúng túng trước câu hỏi của ông.
 - Bà cháu bảo người ta cho ông là người có tội. - Tôi nói bà cháu không tin.
 - Bà cháu không tin thật không?
 Ông hỏi và nhìn về phía tôi chờ đợi.
 - Bà cháu không tin.
 Sau câu nói đầy quả quyết của tôi, ông Bộc bỗng nấc lên. Ông khóc! Tôi chưa bao giờ nghĩ là ông khóc, và tôi hoảng hốt. Trong lòng thuyền nhỏ giữa dòng sông rộng, tiếng khóc của ông cô đơn. Lát sau ông thôi khóc và đưa ống tay áo quệt nước mắt.
 - Ông không có tội. - Ông nói, giọng đau khổ. - Có phải thế không cháu?
 - Vâng. - Tôi đáp.
 - Đã hơn năm mươi năm nay rồi, nhiều người nghĩ là ông có tội. Chỉ có một người biết rõ là ông không có tội…
 - Ai vậy ông? - Tôi vội hỏi.
 - Đó chính là con cá ở đầm Vực.
 - Con cá thần ư? - Tôi kêu lên.
 - Nó chỉ là một con cá sống lâu năm. Nó không phải là cá thần. Con cá ấy chỉ có một mắt.
 - Tại sao con cá ấy lại biết ông không có tội?
 - Vì nó cất giấu một vật, và vì vật ấy ông trở thành k
 - Ông kể cho cháu nghe đi. - Tôi năn nỉ - Vật ấy là cái gì?
 - Ông có kể, cháu cũng chưa hiểu được đâu. - Ông nói - Khi nào cháu lớn ông sẽ nói cho cháu nghe. Thôi ông cháu mình về đi, kẻo bà cháu mong.
 Nói xong, ông khỏa mạnh mái chèo. Con thuyền kẻ một đường thẳng về bến làng.
 Lên bờ, ông Bộc bắt con cá chép lớn nhất đưa tôi mang về biếu bà. Tôi lặng lẽ về nhà. Bà tôi đang nấu cơm trong bếp. Tôi đưa con cá cho bà và nói:
 - Ông Bộc là người không có tội bà ạ.
 Bà ngước mắt nhìn tôi, im lặng. Và khi bà cúi xuống, tôi nghe thấy tiếng bà thở dài.
 Buổi tối sau bữa cơm, tôi đi lững thững lên đê. Tôi thấy người lớn sao toàn chuyện khó hiểu. Tại sao con cá thần đầm Vực lại giữ cái điều bí mật của ông Bộc? Tại sao ông lại khóc? Tại sao bà tôi lại thở dài? Tôi không hiểu được.
 Tôi ngồi trên mặt đê nhìn xuống mặt đầm Vực mênh mông đầy bí ẩn. Đom đóm từ các lùm cây ven bờ đầm và dưới chân đê đang ùa ra. Tiếng nhái và côn trùng kêu ran ran. Hình như tôi nghe thấy tiếng con cá thở rất gần và nước đầm Vực xao động. Rồi đột nhiên, một tiếng đập nước rất lớn vang lên. Mặc dù trời tối, nhưng tôi vẫn nhìn thấy một cột nước trắng dựng lên và đổ ào xuống mặt đầm. Tôi nín thở, người sởn da gà. Rồi con cá bơi lướt trên mặt đầm như một chiếc thuyền gắn máy.
 Chỉ một lúc sau, mặt đầm trở lại phăng phắc. Tôi nghe thấy tiếng “i i” từ mặt nước vọng lên. Bỗng có tiếng người sau tôi:
 - đấy ư?
 Tôi thót mình quay lại và nhận ra ông Bộc.
 - Nó đấy, con cá đấy. - Giọng ông Bộc thì thào. - Cháu có tin ông sẽ bắt được nó không?
 Tôi không trả lời ông Bộc. Tôi không tin ông bắt được con cá. Những người đàn ông xóm trại với đủ dụng cụ đánh bắt mà cũng không làm gì nổi nó, huống hồ ông Bộc già yếu và bé nhỏ thế kia. Tôi chỉ thấy thương ông, thương luôn cả nỗi băn khoăn về con cá của ông.
 - Ông sẽ bắt được nó.
 Ông Bộc lại thì thào. Rồi ông cười. Tiếng cười như chỉ đủ để ông nghe thấy. Tôi cảm thấy sợ. Đôi mắt ông trong đêm như chợt chói lên.
 - Ông sẽ bắt được nó.
 Rồi ông lại cười một mình.
 Nghe tiếng tôi, ông Bộc chợt tỉnh. Ông lập cập nắm lấy tay tôi. Ông lầm lũi dắt tôi xuống chân đê. Đưa tôi về đến ngõ thì ông quay lại. Tôi thấy bóng ông lập cập trên đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét