Thứ Năm, tháng 9 19

Bí Mật Hồ Cá Thần - (Nguyễn Quang Thiều) chương 8

Việc họp bàn bắt con cá một mắt của lũ trẻ xóm trại phải kéo dài mấy buổi tối mới xong. Chúng tôi nhất trí dùng lưỡi câu lớn để câu con cá. Chúng tôi sẽ lấy một chiếc răng bừa để đánh lưỡi câu, mua đay để bện dây câu và mồi câu là một con vịt sống. Vì lâu nay hễ có con vịt nào bơi ra giữa đầm Vực đều bị con cá một mắt đớp gọn. Chúng tôi phải chế tạo một chiếc tời để cuộn dây câu. Tất cả đã được phân công tỉ mỉ. Chúng tôi chọn một gò đất ven sông mọc um tùm những cây dại làm nơi chuẩn bị bộ đồ câu khổng lồ để bắt con cá. Tời cuốn dây câu và dây câu chúng tôi có thể tự làm lấy. Nhưng việc uốn cong cái lưỡi bừa thì phải thuê thợ rèn. Việc quyên tiền là việc khó khăn nhất vì chúng tôi chưa đến tuổi tiêu tiền. Hơn nữa, mọi gia đình trong xóm trại chúng tôi đều rất nghèo. Người lớn có được đồng tiền trong túi đã khó, huống hồ lũ trẻ con chúng tôi. Nghĩ mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cách kiếm tiền. Vào các buổi trưa, chúng tôi phân công nhau đi móc cua và tát dòn bắt cá, rồi mang cua, cá vào làng bán. Và sau ba tháng hè chúng tôi đã có một món tiền đủ để mua sắm cho bộ đồ câu. Tôi được phân công giữ tiền. Tôi nhét tiền vào một chiếc túi nilông và giấu dưới chiếu ở đuôi giường. 

Một buổi tối, bố tôi mua một hũ rượu lớn và mời một số bạn bè đến uống rượu. Bố tôi đưa tiền cho mẹ tôi mua đôi vịt về làm thịt. Mẹ tôi hậm hực nhưng rồi cũng phải đi mua và nấu cho bố tôi đãi khách.

Đến khuya, khi khách khứa đã về hết, mẹ tôi hỏi:

- Ông lấy tiền ở đâu mà ăn uống hoang như thế?

Bố tôi lè nhè:

- Không việc gì đến bà. Tiền tôi tôi tiêu.

Mẹ tôi to

- Không có tiền nào là của riêng ông cả. Ông đi làm có tiền, ông phải đưa tôi. Nhà túng thiếu từng xu, thế mà một bữa ông tiêu cả đống tiền.

Bố tôi gắt:

- Đừng có lắm lời.

Mẹ tôi cãi:

- Tôi không lắm lời để ông giấu tiền tiêu riêng à?

Bố tôi chỉ tay vào mẹ tôi:

- Này, hỏi xem ai giấu tiền. Ai giấu? Tôi mà nói ra thì bẽ mặt.

Mẹ tôi gắt:

- Ông nói xem nào? Chỉ có ông chứ nhà này không có ai giấu tiền riêng cả.

Bố tôi cười nhạt:

- Chính bà giấu tiền ở đuôi giường thằng Mon kia kìa. Tôi thấy, tôi tiêu cho bõ, cho bà chừa cái thói giấu tiền làm của riêng đó.

Mẹ tôi nói:

- Thôi. Đừng có gắp lửa bỏ tay người. Tôi không nói chuyện với ông nữa.

Nói xong, mẹ tôi bỏ vào buồng. Tôi hoảng hốt ngồi dậy, vội lật chiôi giường tìm gói tiền của tôi. Thấy vậy, thằng Mên hỏi:

- Anh tìm gì đấy?

Tôi thì thào:

- Mày thấy gói tiền của tao đâu không?

- Tiền gì? Mà anh để đâu?

Tôi nói:

- Tiền để sắm bộ đồ câu con cá một mắt. Tao giấu ở đuôi giường.

- Anh ơi! - Thằng Mên ghé tai tôi - Có khi bố lấy mua rượu rồi.

- Ừ nhỉ! - Tôi thần người. - Đúng thế rồi. Bố tưởng tiền của mẹ nên bố đã lấy.

- Bây giờ làm thế nào? - Tôi lo lắng.

- Anh đòi bố í! - Thằng Mên nói.

Bố tôi nghe thấy hai anh em tôi thì thào nói chuyện trong màn, quát:

- Hai thằng ngủ đi, còn trò chuyện gì nữa.

Hai anh em tôi vội im bặt. Bố tôi thổi tắt đèn và leo lên giường. Chỉ một lát sau bố tôi đã ngáy vang nhà. Tôi nằm trong bóng tối thao thức mãi không ngủ được vì gói tiền bị m

Mới sáng sớm, tôi đã gọi lũ bạn ra gò sông để thông báo về số tiền bị mất. Nghe tin đó, cả bọn xịu mặt. Một vài đứa tỏ vẻ muốn từ bỏ kế hoạch câu con cá một mắt. Nhưng thấy tôi khóc và nhắc lại lời ông Bộc trước khi chết thì lũ trẻ xóm trại lại quyết tâm thực hiện kế hoạch đã bàn. Lũ trẻ lại tranh thủ sau buổi học đi bắt cua, cá mang vào làng bán lấy tiền. Số tiền ấy không giao riêng cho đứa nào giữ. Chúng tôi quyết định tìm một nơi giấu tiền ở gò sông. Và chỉ sau ba tháng, chúng tôi lại kiếm đủ số tiền để mua sợi đay và thuê bác thợ rèn ở chợ Tía uốn chiếc lưỡi bừa để làm lưỡi câu.

Buổi trưa, lũ trẻ chúng tôi phân công nhau ra gò sông bí mật xe dây đay và giũa lưỡi câu. Chúng tôi thực hiện công việc đầy háo hức nhưng cũng đầy bí mật. Đến cuối thu, khi nước đầm Vực rút thì chúng tôi cũng đã hoàn thành công việc. Chúng tôi chỉ chờ ngày mà những người đàn ông xóm trại vào mùa lấy cát thuê, hoặc chở vôi, gạch thuê là chúng tôi mang bộ đồ câu ra đầm Vực. Vì những ngày ấy, những người đàn ông xóm trại theo thuyền ba bốn ngày liền. Như vậy, không ai có thể phát hiện ra kế hoạch của chúng tôi.

Một buổi chiều trước ngày những người đàn ông xóm trại dong thuyền xuôi sông Đáy, chúng tôi tụ tập ở gò sông để bàn kế hoạch thực hiện. Tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ tời cuốn dây đến tiền mua vịt làm mồi. Nhưng một vấn đề quan trọng lại được đưa ra, làm chúng tôi lo lắng. Đó là việc con cá một mắt còn ở đầm Vực hay đã theo đường thông ngầm ra sông Đáy, ra biển rồi.

- Từ hồi hè đến giờ chẳng ai thấy con cá ấy quẫy gì cả. - Một đứa nói.

- Hay là nó bỏ ra biển rồi. - Đứa khác lên tiếng.

- Nó vẫn ở trong đầm Vực đấy. - Tôi lên tiếng.

- Sao mày biết? - Lũ trẻ hỏi tôi.

- Ban đêm tao vẫn ng thấy nó kêu i i. - Tôi quả quyết.

- Dế kêu mày lại nghĩ là con cá một mắt kêu thì có. - Một đứa nói.

Nghe vậy cả bọn phá lên cười.

- Thật đấy! - Tôi đỏ mặt. - Ngày trước tao và bà tao đêm nào cũng nghe thấy.

- Vậy thì tối nay mày lên đê nghe xem nó còn kêu không.

Một đứa đề nghị. Cả lũ trẻ nhao nhao đồng ý.

Sau bữa cơm tối, tôi lẻn bố mẹ lên mặt đê ngồi. Tôi dỏng tai để nghe tiếng cá kêu. Nhưng tất cả đều im lặng. Chỉ có tiếng lá dứa dại khua khẽ khi có gió thổi qua.

Tôi rời mặt đê đi xuống sát chân đê gần bờ đầm Vực. Tôi ngồi xuống trong bóng tối se lạnh của những ngày cuối thu. Tôi cố nín thở để lắng nghe mọi tiếng động từ đầm Vực. Mặt đầm tối sẫm. Thi thoảng vọng lại tiếng bắt mồi của lũ cá quả nhỏ nghe mơ hồ. Tôi ngồi mãi. Sương xuống làm tôi lạnh run lên. Nhưng tôi vẫn không thấy dấu hiệu gì của con cá một mắt.

Đêm ấy, tôi tỉnh giấc. Tôi lần mò trong bóng tối ra hiên nhà. Tôi ngồi xuống bên cạnh cái cột hiên, nơi ngày trước bà tôi vẫn thức giấc ngồi đó, lặng lẽ nhai trầu trong đêm. Tôi lắng nghe và cầu mong tiếng con cá một mắt từ đầm Vực bên kia đê vọng lại. Nhưng đêm vắng lặng lạ thường. Chỉ có tiếng ngáy của bố tôi vẫn đều đều vọng ra. Và tiếng thằng Mên cười khanh khách trong mơ.

Sáng hôm sau, tôi buồn bã thông báo cho lũ trẻ xóm trại rằng tôi không nghe thấy gì. Và tôi cũng không biết con cá một mắt còn ở đầm Vực hay không? Hay là nó đã ra sông Đáy và bơi ra biển như những người đàn ông xóm trại thường nó

Lũ trẻ con xóm trại không thể chịu nổi sự đợi chờ quá lâu, chúng nài nỉ tôi hãy ra bờ đầm Vực một đêm nữa.

Sau bữa cơm tối muộn, tôi trốn mẹ tôi lên đê. Rồi cũng như đêm trước, tôi lại sốt ruột và mò xuống sát chân đê. Nhưng tôi không làm sao nghe thấy dù chỉ là mơ hồ tiếng kêu của con cá một mắt. Đến khi lạnh quá, tôi phải trở về nhà.

Vừa leo lên đến mặt đê, tôi khựng lại. Bên tai tôi vừa vọng lên tiếng con cá một mắt. Tôi quay người nhìn xuống mặt đầm Vực. Mặt đầm tối sẫm. Từ phía bóng tối mênh mông ấy, vọng lên tiếng kêu buồn bã của con cá một mắt. Tôi đứng bất động trong tiếng i i bất tận. Những mắt tôi giàn giụa.

Rồi tôi bỗng quay ngoắt người lao xuống chân đê về xóm trại. Tôi chạy như bị ma đuổi. Hai bên tai tôi tiếng i i của con cá vọng theo. Tôi chạy đến từng nhà lũ bạn, hổn hển nói: “Nghe thấy rồi. Nghe thấy rồi”.
 Lũ trẻ xóm trại không ai bảo ai đều chạy về phía gò sông. Chúng tôi quyết định ngày mai vào lúc tối trời sẽ mang bộ đồ câu khổng lồ ra đầm Vực. Đêm ấy, lũ trẻ chúng tôi đi ngủ rất muộn. Tất cả đều nghe thấy tiếng kêu i i của con cá một mắt suốt đêm.

Buổi chiều tôi và mấy đứa bạn ra khu nghĩa địa làng để thăm mộ ông Bộc. Ông Bộc mất đã gần một năm rồi. Những cây cúc chúng tôi trồng trên mộ ông đang nở hoa vàng rực. Mấy đứa trẻ chúng tôi ngồi xuống bên mộ ông.

- Ông Bộc có nghe thấy chúng mình nói không nhỉ? - Một đứa hỏi.
 - Thế thì mình nói cho ông Bộc biết tối nay mình sẽ bắt con cá cho ông.
  - Có. - Tôi đáp. - Bà tớ bảo người chết rồi hồn vẫn về thăm gia đình.
- Biết có bắt không mà nói trước.

- Phải bắt được chứ! - Tôi nói - Mình nói chuyện như thế này thì ông Bộc cũng nghe thấy rồi.

Sau đó tôi đi thăm mộ ông bà tôi. Đứng trước mộ bà tôi, tôi thầm nói: “Bà ơi, bà bảo với bà sư đầm Vực phù hộ cho chúng cháu, chúng cháu muốn bắt được con cá để minh oan cho ông Bộc”.

Tôi thấy những bông hoa cúc đung đưa trước gió. Tôi nhớ đôi môi bà tôi đỏ nước trầu trước lúc bà tôi ra đi. Tôi như thấy bà tôi hiện lên thơm thảo và hiền từ như xưa. Bà tôi nhìn, mỉm cười và gật đầu.

Có lẽ chưa bao giờ chúng tôi giục mẹ ăn cơm tối sớm như hôm nay. Cũng chưa bao giờ anh em tôi lại ăn một bữa cơm vội vã như thế. Sau bữa cơm chúng tôi chạy như bay về gò sông. Lũ trẻ cũng đã có mặt đông đủ. Chúng tôi nhanh chóng chuyển bộ đồ câu ra đầm Vực. Để người lớn không nhìn thấy, chúng tôi đi men theo những bụi cây dứa dại và tầm xuân.

Đến bờ đầm Vực, chúng tôi buộc chiếc tời vào một gốc cây si đã chọn từ trước. Sau đó, chúng tôi buộc chiếc lưỡi câu khổng lồ vào dưới bụng con vịt. Mỏ con vịt đã bị chúng tôi buộc lại để tránh tiếng kêu của nó. Cả lũ chúng tôi im lặng làm việc vội vã. Trời đã vào những ngày cuối cùng của mùa thu. Mặt nước đầm Vực khẽ gợn sóng hắt lên một thứ ánh sáng bí ẩn. Khi đã chuẩn bị xong, chúng tôi bắt đầu thả chú vịt có áp lưỡi câu dưới bụng xuống nước. Chúng tôi vung tay lùa con vịt ra phía giữa đầm. Trong lúc đó, chúng tôi từ từ thả dây câu được bện bằng những sợi đay. Cứ mười mét dây, chúng tôi lại buộc vào đó một cái phao bằng một ống tre khô có mấu bịt ở hai đầu. Sợi dây câu thả ra càng dài thì con vịt bơi càng chậm vì dây đay thấm nước trở nên rất nặng. Nhiều lần, con vịt quay đầu bơi về phía bờ đầm nơi chúng tôi đứng. Chúng tôi lại ra sức đuổi nó bơi sang bờ đầm bên kia. Cuối cùng, con vịt cũng phải ráng sức bơi về phía bờ đầm bên kia.

Hoàng hôn đã phủ kín mặt đầm Vực. Phải căng mắt chúng tôi mới có thể lờ mờ nhận ra vệt bơi chậm chạp của con vịt. Tất cả lũ trẻ nín thở. Dây câu đã thả hết. Và con vịt vẫn luẩn quẩn bơi ở gần giữa đầm. Bỗng chúng tôi giật thót mình vì tiếng vịt “quặc, quặc” đột nhiên cất lên. Một đứa khẽ kêu lên:

- Chết rồi. Dây buộc mỏ nó tuột rồi.

- Không việc gì đâu! - Tôi nói. - Chẳng ai nghe thấy đâu mà sợ.

Bị buộc mỏ quá lâu, giờ con vịt cứ thế kêu thảm thiết. Lũ trẻ chúng tôi hoảng hốt thật sự. Nhưng rồi con vịt cũng câm tiếng. Chắc là nó quá mệt vì nó phải mang theo một cái lưỡi câu lớn và một đoạn dây câu dài hàng trăm mét.

Bóng tối đã phủ ngập tất cả. Mặ trở nên lặng phắc. Lũ trẻ chúng tôi ngồi sát bên nhau không nói một lời nào. Thời gian nặng nề trôi. Chúng tôi không biết con vịt đang ở đâu, cũng không nghe thấy nó kêu một tiếng nào.

- Con vịt đâu rồi nhỉ? - Một đứa hỏi.

- Hay là nó tuột khỏi lưỡi câu rồi? - Một đứa khác thì thào.

- Cuộn dây vào xem sao. - Một đứa lên tiếng.

- Ừ. - Tôi nói - Nhưng từ từ thôi.

Khi chúng tôi chuẩn bị quay tời thì có tiếng cá quẫy mạnh.

- Nó đấy. - Tất cả lũ trẻ đều kêu lên. Đúng là tiếng quẫy của con cá một mắt. Sau đó là tiếng con vịt cất lên và sóng do con cá quẫy vỗ nhẹ vào bờ đầm rồi tất cả lại chìm vào im lặng. Chúng tôi nín thở chờ đợi. Cuối cùng một đứa sốt ruột lên tiếng:

- Cứ cuộn dây vào đi, như là câu cá quả ấy mà.

- Cuộn thì cuộn. - Một đứa gắt.

Chúng tôi từ từ quay tời. Khi chúng tôi cuộn được chừng một nửa sợi dây câu thì có tiếng con cá một mắt quẫy mạnh. Sợi dây câu vụt căng xiết.

Tôi kêu lên:

- Nó cắn câu rồi. Quay nhanh.

Chúng tôi xúm vào quay tời. Con cá một mắt đã cắn câu. Chúng tôi không thể nào quay tời được nữa. Chúng tôi chỉ còn cách cố sức giữ cho vững mà thôi. Con cá đã mắc câu. Nó lao vút lên khỏi mặt nước và đập mình xuống. Tiếng nước nổ tung như bị bom đánh. Chiếc tời lung lay như sắp tung ra khỏi gốc cây.

- Thả dây câu ra! - Tôi hét lên.

Chúng tôi nới vòng tời. Tay quay tời quay mạnh hất tung tay chúng tôi ra. Con cá lao đi, kéo dây tời làm cái tay quay tời quay tít. Rồi dây câu chợt chùng xuống.

- Quay.

Chúng tôi lại ra sức quay tời. Con cá lao lên khỏi mặt nước. Rồi nó phóng điên cuồng trên mặt đầm. Cả khu đầm Vực náo động. Cứ như thế khi con cá kéo dây câu thì chúng tôi thả tời. Và nó nằm nghỉ thì chúng tôi quay tời cuộn dây câu. Người chúng tôi đẫm mồ hôi. Dây đay càng thấm nước càng dẻo vè dai nên con cá một mắt không thể nào dứt đứt nổi dây câu. Sức con cá giật dây câu mỗi lúc một yếu. Chúng tôi hò nhau quay tời liên tục. Khi con cá được kéo vào gần bờ, tôi hô to:

- Đốt đuốc lên.

Một bó đuốc bằng lá dứa khô được đốt lên. Và khi đầu con cá được kéo lên thì chúng tôi chững lại. Trong ánh đuốc chập chờn, chúng tôi nhìn thấy mồm con cá há hốc lộ ra hai hàm răng lởm chởm.

- Lôi nó lên bờ đi, kẻo nó lại chạy mất bây giờ.

Chúng tôi xúm vào lôi con cá lên bờ. Khi con cá đã nằm trên thảm cỏ thì chúng tôi cũng kiệt sức, cả lũ ngã vật lên bãi cỏ.

- Dậy đi chúng mày! - Tôi ngồi dậy mà nói - Đốt hết đuốc lên. Thằng Mên đưa tao cái dao, phải mổ bụng con cá ngay.

Lũ trẻ ngồi dậy và lấy những bó đuốc mang theo. Gần chục bó đuốc được đốt lên. Khi những bó đuốc soi sáng con cá thì tất cả chúng tôi cùng kêu lên kinh hoàng.

Con cá một mắt nằm trên bãi cỏ. Đôi mang nó thở chậm. Mỗi lần đôi mang mở ra, đóng lại thì máu từ đôi mang lại xối xả phun ra. Trong ánh đuốc rực sáng, chúng tôi nhận thấy nó không phải là một con cá bình thường. Thân thể con cá nham nhở những vết sẹo và nổi những u thịt. Ở mỗi u thịt đó còn lộ ra một phần của những chiếc lưỡi câu chùm và đôi khi còn cả một đoạn cước. Và kinh hoàng hơn là miệng con cá bám dày đặc lưỡi câu. Đã hơn năm mươi năm nay, con cá một mắt đã trải qua biết bao nhiêu cuộc săn bắt. Trong cuộc đời nó đã hàng trăm lần thoát khỏi cái chết. Bây giờ nó đang nằm kia thoi thóp thở. Con mắt đơn độc của con cá sáng lên vì ánh lửa đuốc. Mắt con cá đang nhìn lũ trẻ, đôi lúc lại chớp khẽ như mắt người. Máu vẫn đều đều chảy ra từ miệng, từ mang con cá.

Con dao để mổ cá từ tay tôi rơi xuống đất và bỗng nhiên, cả lũ trẻ oà khóc. Những ngọn đuốc run rẩy trên tay chúng tôi. Chúng tôi khóc trước đôi vây rách tướp của con cá trông như bàn tay xương xẩu của một người già. Chúng tôi khóc trước thân thể con cá bám dày đặc lưỡi câu lớn, nhỏ. Suốt mấy chục năm nay, những lưỡi câu kia không hề buông tha con cá. Chúng tôi khóc trước những dòng máu vẫn tuôn chảy từ con cá. Và chúng tôi khóc trước con mắt cá chớp khẽ như một con mắt người.

Trong lúc chúng tôi đang khóc thì lão Bương xách đèn cùng một đoàn người xóm trại tất tả từ trên mặt đê đi về phía chúng tôi. Lão Bương đã nghe tiếng cá quẫy náo động trên đầm Vực. Lão gọi một số người trong xóm ra đầm Vực để xem chuyện gì.

Những người trong xóm trại kinh ngạc nhận ra chúng tôi đang đứng quanh con cá. Lão Bương xách đèn xấn tới. Mặt lão bạc trắng. Đôi mắt lão trợn tròn.

- Ái chà, ái chà! - Lão Bương kêu lên. - Đúng là nó đây rồi. Cuối cùng thì mày cũng phải chết.

Nói xong, lão lấy chân đá đá vào bụng con cá. Rồi lão nhìn mọi người, lên tiếng:

- Bà con đâu khiêng con cá về xóm. Ta làm thịt nó và chia đều cho các gia đình.

- Không được! - Tất cả bọn trẻ chúng tôi kêu lên.

- Ơ, ơ... - lão Bương lắp bắp. - Chúng mày nói cái gì thế? Con cá này là của xóm trại. Chúng ông tốn bao sức săn bắt nó. Bây giờ nó sắp chết, nổi lên thì chúng mày vớt chứ gì.

Tôi chộp lấy con dao và bước đến trước lão Bương. Lão lùi lại ú ớ:

- Này, này đừng có hỗn.

- Con cá này không phải của ông! - Tôi nói.

- Của mày chắc? - Lão Bương lên giọng.

- Không phải của ông! - Tôi nói như gào. - Không phải của ai cả. Con cá này là của ông Bộc.

Lão Bương rú lên cười:

- Thằng này lẩn thẩn. Lão Bộc chết từ tám hoánh rồi thì mày cho ma lão Bộc à?

Tôi nói:

- Chúng cháu phải trả con cá này cho ông Bộc. Chúng cháu sẽ chôn nó xuống cạnh mộ ông Bộc.

Nghe tôi nói vậy, lũ trẻ xóm trại nhảy lên reo hò:

- Đúng rồi! Đúng rồi!

Một chiếc xe tải nhanh chóng được đưa đến. Chúng tôi khiêng con cá lên xe và chở đến nghĩa địa làng. Những bó đuốc được đốt thêm. Lúc đó trên đê đèn như sao sa. Tất cả những người lớn xóm trại nghe tin chúng tôi bắt được con cá đều xách đèn chạy ra xem. Và họ đi theo chúng tôi đến nghĩa địa. Đây là lần đầu tiên, khu nghĩa địa làng tôi bừng sáng.

Chúng tôi nhanh chóng đào một cái huyệt nhỏ và đặt con cá nằm xuống đó. Bên cạnh ngôi mộ của ông Bộc nở đầy hoa cúc là ngôi mộ của con cá. Rồi chúng tôi đứng vây quanh mộ ông Bộc.

Ông Bộc ơi! Chúng cháu đã bắt được con cá mà cả đời ông không bắt được. Chúng cháu sẽ làm đúng lời hứa của mình. Chỉ có một điều chúng cháu không làm là chúng cháu không mổ bụng con cá để minh oan cho ông. Ông Bộc ơi, con cá đã quá nhiều đau đớn, chúng cháu không nỡ nào mổ bụng nó nữa. Ông đừng buồn, chính chúng cháu sẽ là bằng chứng để minh oan cho ông. Một người tài như ông, yêu trẻ con như ông không thể là một người phản bội.

Đứng quanh mộ ông một lúc lâu, chúng tôi từ từ quay lại. Phía sau chúng tôi là một dãy đèn dài của những người xóm trại. Lão Bương cũng đứng ở đó. Mắt lão mở to không chớp. Lão ngơ ngác nhìn chúng tôi. Hình như lão vẫn chưa hiểu được chuyện gì đã xảy ra…

Hà Đông. Tháng Chạp, năm Bính Tý


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét