Thứ Năm, tháng 9 19

Bí Mật Hồ Cá Thần - (Nguyễn Quang Thiều) chương 6

Ông Bộc kể xong câu chuyện thì trời tối. Sương đã phủ mờ trên những vòm cây. Tôi giúp ông chuẩn bị bữa tối. Ông Bộc khoác tấm chăn dạ cũ có nhiều vết rách bước xuống giường. Ông ngồi xuống cạnh bếp. Ông run rẩy giơ đôi bàn tay đen đúa, sần sùi. Ánh lửa hắt lên chòm râu thưa thớt của ông.

- Ông ơi! - Tôi rụt rè hỏi ông - Sao ông không lấy vợ?

Ông mở to đôi mắt hơn, nhìn tôi. Một lúc sau, ông nói:

- Cả đời ông chỉ yêu có một người. Không lấy được người đó, ông không thể lấy ai khác.

- Người đó là người đã đuổi ông đi phải không?

- Đúng thế, cháu ạ!

- Sao người đó lại ác thế! - Tôi khẽ kêu lên.

Ông nhìn tôi hoảng hốt xua tay:

- Cháu không được nói thế. Đừng nói thế, cháu nhé. Đó là người rất hiền hậu và tốt không ai bằng. Nếu đúng là kẻ phản bội thì ông không được phép gặp người ấy.

- Nhưng ông không phải là kẻ phản bội! - Tôi kêu lên.

- Chỉ sau này người ấy mới tin như thế. - Ông nói nhỏ. - Nhưng tất cả đã muộn rồi. Người ấy đã có chồng, c con.

- Bây giờ bà ấy ở đâu, hở ông? - Tôi hỏi.

Ông cười. Nụ cười mệt mỏi và méo xệch.

- Bà ấy quy tiên rồi, cháu ạ.

- Bà ấy là người làng mình, hở ông?

Ông gật đầu, im lặng. Qua ánh lửa, tôi thấy đôi mắt ông đẫm nước.

- Bà ấy là ai vậy, ông?

Ông nhìn tôi không trả lời. Hai giọt nước mắt lăn trên gò má ông, lẫn vào chòm râu bạc.

- Ông nói cho cháu nghe đi. - Tôi cầm lấy bàn tay ông đã ấm ấm hơi lửa. - Bà ấy là ai? Ông nói đi.

Ông run rẩy ôm lấy tôi. Tôi nép vào ông. Tiếng ông như vọng ra từ lồng ngực gầy:

- Ông không còn sống được lâu nữa. Chính vì thế ông sẽ nói với cháu bà ấy là ai…

Ông ngừng nói. Tôi ngước mắt lên đợi chờ.

- Là ai hở ông? - Tôi giục.

- Bà ấy chính là bà nội của cháu.

Tôi vùng ra khỏi tay ông.

- Là bà cháu? - Tôi hỏi mà như hét lên.

Ông òa khóc như một đứa trẻ. Lát sau, ông lấy vạt chăn lau nước mắt. Ông nói:

- Là bà nội cháu đấy. Ông nói vậy hy vọng cháu sẽ yêu bà cháu hơn.

Tôi chạy qua đê, lao về phía cánh đồng, nơi bà nội tôi đã yên nghỉ ngàn thu ở đó. Tôi đi vào khu phần mộ của họ Nguyễn. Tôi đến trước mộ bà tôi. Những bông cúc vàng mờ mờ trong bóng tối. Tôi quỳ xuống trước mộ bà và khóc. Cả khi bà tôi mất tôi cũng không khóc như thế. Tôi nức nở:

- Bà ơi! Sao bà lại bỏ ông Bộc?

Không có tiếng ai trả lời. Chỉ có tiếng gió thoang thoảng trong đêm và mùi cúc vàng đăng đắng. Tôi sờ tay lên ngôi mộ. Những ký ức về bà nội tôi lại hiện về. Tôi thấy thương bà tôi vô hạn.

Rời ngôi mộ bà nội, tôi đi về phía đầm nước. Đứng trên đầm, tôi nhìn mặt nước đầm thẫm tối. Bỗng giữa đầm nước tối đen ào lên tiếng cá quẫy ùm ùm và tiếng nước đổ xuống rào rào. “Con cá một mắt. Con cá một mắt”. - Tôi khẽ kêu lên.

Sau cái quẫy mạnh, con cá bơi vòng quanh đầm. Mặc dù trời tối, nhưng tôi vẫn nhìn thấy vệt bơi của nó. Khi đến chỗ tôi, con cá dừng lại và nổi lên. Người tôi run bắn. Tôi không sợ, nhưng cảm thấy kinh hoàng.

Trong mặt nước mờ mờ, con cá nổi lên như một con trâu mộng, bơi vào sát bờ chỗ tôi đứng. Tôi nghe thấy tiếng con cá thở phì phò.

- Mày hãy trả lại cho ông Bộc! - Tôi thì thào. - Trả lại đi, trả lại đ

Con cá vẫn im lặng. Tôi nghe rõ hơn tiếng con cá thở mạnh. Rồi nó từ từ chìm xuống.

- Trả lại đi! Trả lại đi!

Tôi gào lên trong đêm. Cánh đồng mênh mông và mặt nước tối vọng lên tiếng tôi. Từ giữa đầm nước tôi nghe thấy tiếng i i của con cá vọng lại. Tiếng i i buồn bã và xa lắc. Tiếng i i loang mãi trong đêm tĩnh lặng của một ngày mùa xuân đã nhiều gió ấm.


Đêm khuya tôi tỉnh giấc. Chiếc giường trống trải vô cùng. Thằng Mên vẫn cười khúc khích trong mơ. Từ lúc nó sinh ra, chưa bao giờ thằng Mên khóc trong mơ. Tôi mở mắt nằm im lặng. Trong ngôi nhà tối om thoảng mùi trầu quế của bà tôi, giờ tôi mới hiểu một phần vì sao mỗi khi bà tôi nhận những con cá của ông Bộc cho mà tôi mang về, bà lại cúi đầu giấu tiếng thở dài.
Những ngày tiếp theo gió ấm hẳn lên. Hoa tầm xuân bời bời nở. Một buổi sáng chủ nhật chúng tôi kéo nhau đến nhà ông Bộc. Ông Bộc đã khỏe hẳn. Ông chống gậy chập chững đi ra ngõ. Gặp chúng tôi, ông nói:

- Ông muốn lên đê. Các cháu dắt ông lên nhé.

Chúng tôi xúm vào cầm tay dắt ông lên mặt đê. Chúng tôi đỡ ông ngồi xuống. Ông nheo nheo mắt nhìn về phía mặt đầm nước.

- Khi nào ông khỏe hẳn - Ông Bộc vừa nói vừa thở, - ông sẽ câu được con cá một mắt.

Một đứa trẻ nói:

- Cháu đố ông câu được đấy. Cả xóm trại này cũng chẳng bắt được.

Một đứa khác:

- Một mình ông ăn hết làm sao được con cá ấy mà ông bắt.

Ông Bộc cười:

- Ông bắt nó không phải để ăn.

- Để làm thuốc hở ông? - Một đứa hỏi.

- Cũng chẳng để làm thuốc. - Ông Bộc nói. - Tuổi ông không cần thuốc nữa.

Một đứa khác:

- Thế ông bắt nó để làm gì? A! Để ông bán. Con cá ấy mà bán thì được nhiều tiền lắm.

Nghe vậy, tôi nổi cáu:

- Chúng mày chẳng biết quái gì cả.

- Mày biết cái gì nào? - Một đứa cãi tôi.

- Đừng cãi nhau nữa, các cháu. - Ông Bộc nói - Đừng cãi nhau nữa

Nói đến đó ông ôm ngực họ. Ông ho mãi. Chúng tôi sợ quá ôm lấy ông. Dứt cơn ho, ông thở dốc:

- Các cháu đưa ông về đi.

Ông thều thào. Chúng tôi đỡ ông đứng dậy. Ông run rẩy bước. Được mấy bước, ông dừng lại ngoái đầu về phía đầm Vực. Ông cười, mồm há hốc. Ông cười không thành tiếng. Chỉ thấy người ông run lên từng đợt.

- Ông sẽ câu được con cá.

Ông lại cười. Ông cười không thành tiếng. Lúc đó, đôi mắt ông sáng lên kỳ lạ. Chúng tôi nhìn ông, bỗng thấy sợ.

- Chúng tao sẽ bắt được mày. Tao có hai mắt, mày có một mắt thì tao phải bắt được mày. Tao sẽ rạch bụng mày ra, lấy cái ống, mang xuống huyện…

Nói xong ông lại cười. Nước mắt và nhớt dãi ông chảy ra. Tôi vội kêu lên:

- Về đi ông. Về đi ông.

Ông lập cập bước theo chúng tôi. Chúng tôi xúm vào đỡ ông xuống chân đê. Dọc con đường từ chân đê về nhà ông, thi thoảng ông dừng lại và cười. Mỗi lần cười như thế, người ông lại giật lên như bị bệnh.

Về đến gần nhà, chúng tôi gặp lão Bương khật khưỡng đi lại. Nhìn thấy ông Bộc, lão Bương đứng lại, mở to mắt nhìn ông.

- Đi đâu về đấy? - Lão Bương lên tiếng - Sao mà ốm yếu

- Tôi sẽ bắt được con cá đấy! - Ông Bộc nói - Chỉ mấy hôm nữa thôi.

- Bắt con cá nào? - Lão Bương hỏi.

- Con cá một mắt. - Ông Bộc nói.

Lão Bương bỗng rú lên cười, rồi nói:

- Ông thì bắt cá cũng chẳng xong chứ lại đòi bắt con cá ấy. Nhom nhem như gà quáng manh thế kia thì làm được cái gì.

- Tôi phải bắt được nó, rồi sẽ mổ bụng nó.

Nghe ông Bộc nói vậy, lão Bương hơi ngẩn ra:

- À lại cái chuyện cũ ấy chứ gì? - Lão Bương bĩu môi - Ông tìm lại cái ấy để làm gì, chết đến nơi rồi đấy.

- Chết, chết thế nào được. - Ông Bộc thở dốc - Ông đừng có phá ngang.

Lão Bương lại rú lên cười, rồi bỏ đi. Được một đoạn, lão Bương quay lại:

- Này Bộc, có bắt được con cá thì cho đây xin một góc bộ lòng nhắm rượu nhé.

Ông Bộc không nói gì, lập cập bước vào nhà.

Chúng tôi đỡ ông nằm xuống và đắp tấm chăn dạ rách cho ông. Ông nằm bất động, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm: “Tao được mày, tao sẽ bắt được mày”.

Chúng tôi vẫn nhóm bếp lửa giữa nhà cho ông. Ánh lửa tỏa sáng ngôi nhà bé nhỏ và ẩm mốc. Ông Bộc nằm thở đều đều. Hình như ông đã ngủ. Bọn trẻ chúng tôi ngồi im lặng quanh bếp lửa. Những con cóc thấy lửa bò ra. Suốt mùa đông rét mướt, bầy cóc trốn biệt trong những hốc tối và ấm áp đâu đấy ở quanh nhà. Có một vài con cóc bò đến sát mép bếp lửa. Chúng giương những đôi mắt hiền lành và ngơ ngác nhìn chúng tôi.

- Này, các cậu ơi! - Một đứa chợt lên tiếng.

- Cái gì? - Tôi hỏi.

- Mình phải nấu cơm cho ông Bộc ăn chứ?

- Ừ nhỉ. - Tôi nói. - Nhưng tớ thấy ông Bộc chẳng có gì ăn cả.

- Thử tìm xem. - Một đứa đề nghị.

Chúng tôi đứng dậy, rón rén bước đến góc nhà, nơi ông Bộc để xoong nồi ở đó. Chúng tôi mở hết xoong nồi, tìm hết mọi nơi nhưng không thấy gì có thể nấu ăn được.

- Chẳng có gì cả. - Một đứa nói - Chỉ còn một ít gạo thôi.

- Làm thế nào bây giờ? - Một đứa nói khẽ.

Bọn trẻ chúng tôi im lặng. Chợt thằng Mên khẽ reo lên:

- Em có cách đấy.

- Cách gì? - Tôi hỏi. - Mày nói thử xem nà

Thằng Mên nói:

- Mỗi người về nhà lấy một thứ mang đến, như thế ông Bộc có ối thức ăn.

- Ừ, đúng đấy! - Một đứa hưởng ứng - Nhà tớ có một niêu cá kho. Tớ mang cá kho.

- Nhà tớ chỉ có trứng vịt thôi. - Một đứa khác nói.

- Mẹ em nấu cơm rồi. - Thằng Mên nói. - Em lấy cơm cho.

- Được đấy! - Tôi nói - Chúng mày đi nhanh lên. Tao ở đây trông ông Bộc. Nhanh lên nhé, thằng Mên chui qua vườn mà vào bếp, bố biết thì chết.

Chỉ loáng một cái, bọn trẻ đã biến vào trong bóng tối đã phủ kín xóm trại.

Chừng nửa tiếng sau lũ trẻ quay lại. Chúng lôi từ bụng áo ra những gói thức ăn. Tôi lấy chiếc mâm đặt xuống cạnh bếp lửa. Như có phép lạ, một mâm thức ăn hiện ra với đủ loại thức ăn: Cá kho, trứng vịt, dưa chua, muối vừng, rau cải luộc, tương, bì lợn rim…


Tôi đến bên ông Bộc khẽ gọi:

- Ông ơi, ông, ông dậy ăn cơm.

Ông Bộc từ từ mở mắt nhìn chúng tôi:

- Các cháu vẫn ở đây ư? Ông ngủ lúc nào mà chẳng biết. Thôi, các cháu về đi kẻo bố mẹ lại đi tì

- Ông dậy ăn cơm, ông ạ.

- Cơm à? - Ông Bộc nói. - Các cháu lại nấu cơm giúp ông à?

Ông Bộc ngồi dậy. Chúng tôi đỡ ông bước xuống khỏi phản và ngồi xuống bên bếp lửa. Tôi bưng mâm cơm đặt bên cạnh ông.

- Ông ăn cơm đi! - Bọn trẻ nói.

Ông Bộc nhìn chằm chằm vào mâm cơm:

- Ai bảo các cháu làm như thế này?

Bọn trẻ không đứa nào trả lời. Ông Bộc nhìn vào mặt từng đứa chúng tôi. Rồi ông nghẹn ngào:

- Như thế này ông chết được rồi.
Nói xong, ông khóc nấc lên. Chúng tôi nhìn ông và òa khóc theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét