Thứ Năm, tháng 6 14

Tôtem Sói ( Khương Nhung ) Chương 13


Họ giống con sói - Tôtem của người Hung No (Tôtem - nguyên chú)
....
Chúng ta biết Đột Quyết tổ tiên người Mông Cổ cổ đại trong truyền thuyết là một con sói.  Theo "Mông Cổ bí sử", tổ thần của người Mông Cổ là con sói xanh.  Theo "Ucuxu sử ký", tổ thần của người Đột Quyết là con sói xám: "một sói đực to lớn xuất hiện trong ánh sáng chói lòa."
(Pháp) Pierre Renouvin "Đế quốc thảo nguyên"


Phán quyết của cơ quan cấp trên về vụ sự cố đàn ngựa chiến đã về tới mục trường Baolico vùng Ơlon.  Phán quyết, tuyên bố Ulichi, người phụ trách sản xuất của mục trường đã có sai phạm lớn, cách chức ủy viên ban lãnh đạo Ba Kết Hơp của mục trường, đưa xuống cơ sở rèn luyện lao động.  Hai mã quan Batu và Saxuleng đều có sai phạm lớn, cách chức đội trưởng dân quân của Batu.  Văn bản bổ nhiệm cũng đã về tới mục trường: Bao Thuận Quý đã làm xong thủ tục chuyển ngành, giữ vai trò chủ chốt trong ban lãnh đạo mục trường, phụ trách toàn diện cách mạng và sản xuất.
Ulichi rời mục trường bộ, Bao Thuận Quý và Trương Kế Nguyên đi cùng ông về đại đội chăn nuôi.  Hành lý của Ulichi là cái bạc đà nhỏ xíu, nhỏ hơn bạc cả đà của thợ săn.  Trước cách mạng văn hóa, Ulichi thích đặt văn phòng tại đội hoặc tổ chăn nuôi.  Ở đó, ông có áo dài và ủng gửi các bà giữ hộ, vá víu khi bị rách.  Nhiều năm nay, lên hay xuống thì ông vẫ ở cơ sở; có chức vụ hay không thì ông vẫn làm hết sức mình, uy tín và ảnh hưởng của ông vẫn thế.  Nhưng lần này thì tốc độ của ông giảm một nửa: Con ngựa bạch già ông cưỡi đã cuối xuân mà còn sợ lạnh, trên mình lông chưa rụng hết, chẳng khác một ông lão khoác áo đụp trong mùa hè.
Trương Kế Nguyên muốn đổi ngựa cho Ulichi, nhưng ông không chịu, ông giục cậu đi nhanh, khỏi cần mất thì giờ đi cùng ông.  Trương Kế Nguyên lên đại đội lĩnh pin cho mã quan, vừa ra về thì bắt gặp tân và cựu lãnh đạo, liền tháp tùng hai ông đi đường.  Khi biết tin ông Ulichi về ở cùng gia đình ông Pilich, cậu có phần yên tâm.
Bao Thuận Quý cưỡi con ngựa vốn là ngựa chuyên dùng trước đó của Ulichi, lông màu vàng, cao to khoẻ mạnh, lớp lông mới mượt như nhung, Bao Thuận Quý luôn phải gò cương cho chạy chậm lại mới sóng đôi với con ngựa của Ulichi.  Nó không ngừng nhai hàm thiếc chưa quen cách cưỡi của chủ mới, đôi lúc cố ý đi chậm, dùng mõm cà vào đầu gối ông chủ cũ Ulichi và khe khẽ cất tiếng hí buồn bã.
Bao Thuận Quý nói: Ông U, tôi đã cố hết sức giữ ông lại mà không được.  Tôi không hiểu về chăn nuôi, từ nhỏ đến lớn sống ở nông thôn.  Trên giao cho tôi cái mục trường lớn như thế này, tôi không biết xoay sở thế nào.
Ulichi luôn dùng gót ủng thúc ngựa, trán ông đã lấm tấm mồ hôi.  Cưỡi ngựa già mệt cả người lẫn ngựa.  Trương Kế Nguyên giúp ông vụt con ngựa già một roi.  Ulichi xoa đầu an ủi ngựa vàng, nói với Bao Thuận Quý: xử lý như vậy là có chiếu cố rồi, chỉ quy sự cố sản xuất, không quy động cơ chính trị.  Sự cố đàn ngựa có ảnh hưởng quá lớn, không cách chức tôi thì nói với trên thế nào!
Bao Thuận Quý nét mặt thành khẩn, nói: Ông U này, tôi về đây đã sắp được một năm, thấy lãnh đạo chăn nuôi khó hơn lãnh đạo nông nghiệp.  Nếu để xảy một hai sự cố, chắc cái chức chủ nhiệm của tôi cũng không còn.  Một số người cứ muốn đưa ông về đội xây dựng cơ bản, nhưng tôi kiên trì đề nghị đưa ông về đội Hai.  Tôi thấy ông rành nghề chăn nuôi, ở cùng ông Pilich tôi yên tâm, có chuyện gì cũng dễ gặp hỏi ý kiến ông.
Ông Ulichi tươi tỉnh ra một chút, hỏi: Chuyện đội Hai chuyển đến bãi chăn mới, ủy ban cách mạng đã quyết chưa?
Quyết rồi - Bao Thuận Quý nói - ban lãnh đạo quyết định tôi phụ trách chung, ông Pilich phụ trách cụ thể.  Khi nào chuyển, lều trại bố trí như thế nào, bãi chăn phân phối ra sao, đều do ông Pilich quyết.  Ý kiến phản đối cũng nhiều, đường xa, sói nhiều, muỗi nhieuef, trang thiết bị chẳng có gì, lỡ xảy ra chuyện, tôi chịu trách nhiệm chính.  Vì vậy tôi quyết định đi cùng các ông về đấy xem sao, và đem theo đội xây dựng cơ bản xây bể ngâm thuốc để chữa bệnh, kho chứa lông cừu, trụ sở đôi lâm thời và trạn thú ý, lại còn mấy đoạn đường cần sửa chữa...
Ulichi à lên một tiếng, thẳn người suy nghĩ chuyện gì đó.
Bao Thuận Quý nói: Chuyện này là công của ông.  Ông có tầm nhìn xa.  Cả nước thiếu thịt.  Năm nay trên lại giao thêm chỉ tiêu, bốn đại đội đều kêu thiếu bãi chăn, nếu không mở thêm bãi chăn mới, năm nay chắc không hoàn thành nhiệm vụ.
Ulichi nói: Cừu còn non, phải ít ngày nữa mới chuyển trại được.  Ông định làm gì trong những ngày này?
Bao Thuận Quý nói dứt khoát: Điều động thợ săn, tổ chức đội săn sói, tập trung huấn luyện xạ kích.  Tôi đã xin được rất nhiều đạn, dứt khót phải thanh toán nạn sói ở Ơlon.  Mới đây tôi được xem bản thống kê thiệt hại của mục trường trong 10 năm, quá nửa là do sói gây ra, hơn cả bão tuyết, hạn hán và dịch bệnh.  Muốn tăng số đầu gia súc, phải nắm hai việc, một là diệt sói; hai là khai thác bãi chăn mới.  Bãi chăn mới có nhiều sói, nếu không diệt được sói thì mở bãi chăn cũng không ích gì.
Ulichi ngắt lời ông ta: Không xong đâu ông ơi.  Sói gây thiệt hại, nhưng nếu diệt sói, mục trường không chỉ thiệt hại, mà là tai hoạ, sau đó bù đắp gì cũng không lại.
Bao Thuận Quý ngẩng nhìn trời, nói: Từ lâu tôi đã nghe nói ông và ông Pilich ra sức bảo vệ sói.  Hôm nay ông nói hết ra, đừng lấn cấn nữa...
Ông Ulichi dắng một tiếng, nói: Tôi lấn cấn là vì bãi chăn.  Ông cha để lại những bãi chăn tốt như thế, đừng phá đi.  Chuyện sói, tôi nói đã mười mấy năm nay, vẫn cứ phải nói nữa.  Tôi tiếp quản mục trường trên chục năm, số đầu gia súc chỉ tăng gấp đôi, nhưng số bò cừu nộp lên trên gấp hơn ba lần so với các mục trường khác.  Kinh nghiệm quan trọng nhất là bảo vệ bãi chăn.  Điều cốt yếu là khống chế được đầu gia súc, không quá tải nhất là số đầu ngựa.  Bò và cừu nhai lại, đêm không ăn cỏ.  Nhưng ngựa thì ruột thẳng, rất tốn cỏ, không ăn đêm, ngựa không béo.  Ngựa ăn suốt ngày, cả ban ngày lẫn ban đêm.  Một con cừu một năm cần hai mươi mẫu cỏ (1,3 hecta), một ngựa chí ít xài 200 mẫu, vó ngựa hủy hoại cỏ tệ hại.  Một đàn ngựa trú mươi mười lăm ngày ở một chỗ, chỗ ấy thành bãi cát.  Mùa hè mưa nhiều, cỏ mọc nhanh, trừ mùa hè ra, mỗi điểm chăn nuôi phải di chuyển mỗi tháng một lần, phải chịu khó chuyển chỗ, không được bám dính một nơi mà gặm.  Đàn bò cũng hủy hoại bãi chăn.  Chúng có cái tật là khi trở về không đi lẻ tẻ, mà xếp hàng rồng rắn đi về.  Thân nặng, móng cứng, chỉ vài ngày là chúng đi thành từng vệt, nếu không thường xuyên chuyển nhà thì xung quanh lều một hai dậm đầy rãnh lớn rãnh nhỏ.  Thêm vào đó ngày nào cừu cũng giẫm lên, chỉ trong một tháng, một hai dặm vuông quanh lều, không còn cỏ mọc.  Du mục là để cho bãi chăn dễ thở, thật ra bãi chăn rất sợ xéo nát, rất sợ quá tải, quá tải alf sói đến phá phách.
Thấy Bao Thuận Quý chú ý nghe, ông Ulichi nói tiếp: Còn nữa, kinh nghiệm xương máu là không được tận diệt sói.  Có nhiều kẻ hủy hoại cỏ trên thảo nguyên: Dữ dằn nhất là chuột, thỏ đồng, rái cá cạn và dê vàng.  Bốn loài hoang dã này phá hoại đồng cỏ tai hại nhất.  Nếu không có sói thì riêng chuột và thỏ đồng cũng đủ khả năng đào bới toàn bộ diện tích thảo nguyên.  Chỉ sói là thiên địch trị nổi chúng.  Có sói nên chúng không làm nổi chuyện tày trời nói trên.  Bãi chăn được bảo vệ, khả năng chống thiên tai của mục trường được tăng cường.  Thí dụ như chống rét.  Mục trường ta bị tuyết lớn nhiều hơn, các mục trường khác chỉ một trận, gia súc đã thiệt hại quá nửa, nhưng mục trường ta không thiệt hại nhiều.  Vì sao?  Vì cỏ nơi ta mọc khoẻ, sang thu là ta đã tích đủ cỏ khô.  Mấy năm gần đây ta còn có máy cắt cỏ do gia súc kéo, chưa đầy một tháng đã trữ đủ cỏ khô cho mùa đông.  Cỏ mọc khoẻ thường thân cao, nói chung tuyết không phủ kín; bãi chăn tốt thì nước không thất thoát, suối khe không cạn, gặp hạn lớn vẫn có nước uống.  Cỏ ngon bò cừu mới béo.  Những năm gần đây mục trường chúng ta không có dịch bệnh, sản xuất phát triển nên có điều kiện sắm sanh thiết bị, đào giếng đào ao, tăng cường sức chống hạn.
Bao Thuận Quý gật đầu lia lịa, nói: Có lý đấy!  Tôi nhớ rồi, bảo vệ bãi chăn là căn bản của chăn nuôi.  Tôi sẽ thường xuyên cùng cán bộ xuống các đội bắt họ phải định kỳ di chuyển, bắt mã quan theo đàn ngựa 24/24 liên tục di chuyển, không ở lì một chỗ.  Tôi sẽ kiểm tra bãi chăn hàng tháng, đội nào để gia súc gặm quá mức, tôi sẽ trừ công điểm.  Bãi chăn nào bảo vệ tốt, tôi sẽ thưởng hậu, bầu danh hiệu lao động tiên tiến.  Còn như dựa vào sói để bảo vệ bãi chăn thì tôi chưa rõ lắm.  Sói có vai trò lớn như vậy sao?
Ông Ulichi thấy Bao Thuận Quý có vẻ chịu nghe, liền mỉm cười, nói tiếp: Ông không biết đấy thôi, một năm một con chuột ăn nhiều cỏ hơn một con cừu.  Sang thu, con chuột khuân cỏ vào hang dự trữ thức ăn cho mùa đông thường là dài hơn nửa năm.  Tôi đào hang chuột thấy nhiều bó cỏ lớn, đều là cỏ ngon và hạt cỏ.  Chuột đẻ khoẻ, mỗi năm đẻ bốn năm lứa, mỗi lứa mười mấy con, một năm một lứa thành mười lứa, ông thử tính coi, một lứa chuột cộng với lứa mẹ đẻ lứa con, một năm ăn hết bao nhiêu cỏ của cừu?  Thỏ đồng cũng vậy, một năm đẻ mấy lứa, mỗi lứa một đống con.  Hang rái cá ông cũng thấy rồi đấy.  Rái cá cạn có thể đào rỗng núi.  Tôi đã tính thử, bốn con này ăn trong một năm nhiều gấp mấy lần 10 vạn gia súc ăn trong cùng kỳ.  Mục trường ta lớn, diện tích tương đương một huyện trong nội địa, nhưng dân số chưa đến một nghìn người, nếu không có số thanh niên trí thức thì còn ít hơn.  Một nhúm người làm sao diệt nổi mấy triệu con chuột, thỏ đồng, rái cá cạn và dê vàng?
Bao Thuận Quý nói: Nhưng mấy năm nay tôi chỉ thấy lác đác vài con chuột.  Ngoại trừ chuột ở gần trụ sở mục trường hơi nhiều, những nơi khác tôi ít thấy chuột.  Rái cá thì thấy nhiều.  Riêng dê vàng thì quá đông, đàn lớn trên vạn con tôi thấy mấy bận, còn bắn chết bốn năm con nữa kia.  Dê vàng quả là đại họa, thấy chúng ăn cỏ mà xót ruột!
Ông Ulichi nói: Cỏ Ơlon mọc cao và rậm, che khuất bọn chúng, không quan sát kỹ không thấy.  Sang thu ông sẽ thấy những đống cỏ bé tí khắp nơi.  Đó là cỏ của chuột, phơi khô kéo vào hang.  Dê vàng chưa phải nguy hiểm nhất, chúng chỉ ăn cỏ, không đào hang đùn cát lên.  Nhưng chuột, thỏ đồng, thì vừa ăn cỏ vừa đào hang và lại đặc biệt mắn đẻ, nếu không có sói thì chỉ trong vài năm chúng ăn sạch cỏ, khoét rỗng núi trên thảo nguyên Ơlon, biến tất cả thành sa mạc.  Nếu ông cứ nhất định diệt sói thì chỉ vài năm thôi, chức chủ nhiệm của ông sẽ đi đứt.
Bao Thuận Quý cười hề hề: Tôi chỉ thấy méo bắt chuột, chim ưng bắt chuột, rắn nuốt chuột, chưa hề nghe nói sói bắt chuột.  Ngay chó bắt chuột nhắt cũng chỉ là chuyện đùa.  Sói mà làm những chuyện vặt như vậy sao?  Sói bắt cừu bắt ngựa để ăn, một tí thịt chuột chả bỏ dính răng!  Tôi không tin là sói ăn thịt chuột!
Ông Ulichi thở dài: Dân nông nghiệp các ông không hiểu được chuyện này.  Không điều tra nghiên cứu, các ông sẽ hỏng việc lớn.  Tôi lớn lên trên thảo nguyên, tôi hiểu sói.  Sói thích ăn thịt bò, cừu, ngựa, dê vàng, nhưng những con này đều có người trông coi, ăn được đâu có dễ, không khéo lại mất mạng ấy chứ.  Dê vàng chạy nhanh cũng khó bắt lắm, xem ra bắt chuột là hay hơn cả.  Xưa kia người nghèo ở Ơlon những năm mất mùa đều phải ăn thịt chuột mà sống qua ngày.  Tôi hồi nhỏ là nô lệ, lúc đói quá tôi bắt chuột ăn.  Chuột thảo nguyên, nhỏ thì một chẹt tay, nặng hai ba lạng, lớn dài gần thước, nặng hơn một cân, ăn ba bốn con là no.  Nhiều nữa ăn không hết thì lột da làm khô thịt, cũng rất ngon, để dành được.  Nếu ông không tin, đợi lúc rảnh rỗi, tôi đi bắt mấy con đem nướng để ông thưởng thức, thịt nó nhỏ thớ và mềm.  Xưa kia Tô Vũ, và Thành Cát Tư Hãn đều đã từng ăn thịt chuột.
Bao Thuận Quý tỏ vẻ lúng túng.  Ulichi không nhìn ông ta, cứ nói tiếp: Một bận, có vị lãnh đạo người Quảng Đông xuống thịt sát trạm biên phòng.  Hôm ấy tôi cũng có mặt để bàn về công tác liên phòng.  Ông ta hỏi tôi chuột thảo nguyên có ăn được không?  Tôi nói ăn rất ngon.  Ông bảo, trưa nay các đồng chí đừng làm món khác, chiêu đãi tôi một bữa thịt chuột.  Tôi cùng một dân quân ra đồng tìm mấy hang chuột, đem theo một thùng nước đổ vào hang.  Một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã bắt được hơn chục con chuột to.  Lột da xong, thịt trắng hếu, vị lãnh đạo khen được.  Trưa hôm ấy ba người chúng tôi ăn một bữa thịt chuột nướng no căng bụng.  Cán bộ chiến sĩ cứ ngẩn ra mà nhìn.  Thịt thơm nhưng họ không dám ăn.  Vị lãnh đạo nói: Thảo nguyên sạch, cỏ càng sạch, chuột ăn cỏ non và hạt cỏ lại càng sạch.  Ông còn bảo, chưa bao giờ ông ăn một bữa thịt chuột thơm và ngon đến thế, ngon hơn thịt chuột Quảng Đông.  Thịt này mà đưa về Quảng Đông cứ gọi là tranh nhau mà mua.  Chỉ tiếc Quảng Đông xa quá, tàu hỏa không cho chuyên chở chuột sống.  Nếu không, hàng năm Nội Mông cung cấp chuột sống cho Quảng Đông, thảo nguyên vừa diệt chuột vừa được một khoản tiền lớn, còn giúp Quảng Đông thêm một món ăn cao cấp...
Bao Thuận Quý bật cười: Hay lắm, mục trường chúng ta cung cấp thịt chuột cao cấp cho Quảng Đông, rất có thể kim ngạch lớn hơn cung cấp len, thịt bò cừu.  Vậy, chuột khó bắt không?
Ông Ulichi nói: Rất dễ bắt, đổ nước, dùng thòng lọng, đào bằng xẻng, đơn giản nhất là huấn luyện mấy con chó săn chuột.  Chó thảo nguyên thích bắt chuột đem về cho con chơi, chó mẹ dạy con săn mồi, trước tiên dạy bắt chuột.  Chó thảo nguyên ăn thịt bò thịt cừu, không ăn thịt chuột.  Nhưng sói thì không kén chọn như chó về mặt ăn uống.  Chuột thảo nguyên vừa béo vừa to lại dễ bắt, nên trong ba vụ xuân hè thu, chuột là thức ăn chính của sói.  Có năm chúng tôi kiểm soát rất chặt, ý thức trách nhiệm của mục dân cũng cao, nên sói không còn dịp nào bắt ngựa cừu non của chúng tôi.  Sau đó chúng tôi chộp được mấy con sói thấy con nào cũng béo khoẻ thì rất băn khoăn, mổ bụng một con toàn là chuột, thịt nát hết, đầu và đuôi thì chưa.  Tôi đếm được tất cả 20 con chuột, 20 cái đầu, 20 cái đuôi và một cái đầu rái cá cạn.  Ông bảo, một năm một con sói ăn bao nhiêu con chuột?  Mỗi lần lạnh đạo Kỳ về, tôi đều trao đổi vấn đề này, giới thiệu sói là dũng sĩ diệt chuột trên thảo nguyên, nhưng các vị ấy không tin, thay đổi nhận thức của người làm ruộng về sói quả là khó.
Trương Kế Nguyên càng nghe càng hào hứng, không nhịn được nói chen vào: Hai năm là mã quan, cháu nhiều lần thấy sói bắt chuột, đuổi chuột tung lên từng đám bụi.  Sói bắt chuột giỏi hơn chó.  Bắt chuột sói nhằm chỗ nào nhiều chuột nhất mà chạy xiên ngang xiên dọc, gặp chuột liền vả ngã quay lơ khiến con chuột không thể chui vào hang rồi sói quay lại đớp từng con một, nuốt tởm.  Chạy vài lượt là bụng lưng lửng.  Hai là đào hang.  Sói là cao thủ đào hang trên thảo nguyên.  Trông thấy chuột chui vào hang, sói hè nhau con đào hang, con bịt các cửa, chỉ một lát đã lôi ra ổ chuột lên ăn thịt.
Ông Ulichi nói: Sói mẹ và sói con rất thích ăn thịt chuột.  Trước khi cai sữa, sói mẹ dạy sói con bắt chuột mồi sống, cũng bắt đầu từ chuột. Sói mẹ khi còn nuôi con, nói chung không theo sói lớn đi săn.  Sói con lớn chừng một thước, vừa biết chạy rất sợ người.  Phát hiện sói mẹ dẫn đàn con đi ăn, thợ săn chỉ cần bắn chết sói mẹ là sói con không biết đằng nào mà chạy, có thể tóm từng con như bắt cừu non.  Vì vậy khi sói con còn nhỏ, sói mẹ thường dẫn đến nơi rất xa người và gia súc để sói con được an toàn, có điều không được ăn thịt, sói con sống như thế nào? Ngoại trừ sói bố đem về một ít thịt gia súc lớn, sói mẹ sói con chủ yếu sống bằng thịt chuột và rái cá cạn.
Ulichi ngoảnh nhìn Bao Thuận Quý, thấy ông ta không tỏ vẻ sốt ruột, liền nói tiếp: Thời gian này, sói mẹ dẫn con đến nơi an toàn không người, bắt chuột ăn, một là dạy con tập săn mồi, hai là cho con ăn no.  Sói con lớn chừng hai thước vẫn chưa thể đi xa vài chục dặm theo sói lớn săn mồi, mà vẫn phải ăn chuột.  Tôi từng trông thấy một đàn sói con săn chuột, sói con vừa đuổi theo vừa chơi, bụi bay mù trời, còn hấp dẫn hơn mèo đuổi chuột, khắp nơi nghe thấy chuột kêu khụt khịt.  Vào hè là lúc thỏ con biết chạy nhưng không chạy nhanh bằng sói, nên sói lại là cao thủ bắt thỏ.  Đàn sói bảy tám con, hơn chục con, cần ăn bao nhiêu chuột và thỏ mới thành sói lớn?
Còn nữa - Ông Ulichi nhấn mạn - không có sói, người và gia súc trên thảo nguyên sẽ rắc rối khi gặp đại họa.  Hoạ trắng (đại hàn) trăm năm, vài trăm năm mới gặp một lần, gia súc chết hàng loạt, sau khi tuyết tan, thảo nguyên chỗ nào cũng có xác gia súc, mùi thối xông lên nồng nặc, nếu không chôn lấp kịp thời, rất dễ xảy ra dịch bệnh, một nửa số người và gia súc khó sống sót.  Nếu như đàn sói đông, chúng sẽ xử lý gọn những xác chết, dịch bệnh không xảy ra.  Vì vậy từ lâu Ơlon không có dịch.  Thời xưa, thảo nguyên chiến tranh liên miên, sau mỗi trận đánh lớn, hàng ngàn hàng vạn xác người ngựa do ai xử lý?  Phải nhờ sói.  Người già bảo, thảo nguyên không sói thì người Mông Cổ chết vì dịch bệnh từ lâu.  Thảo nguyên Ơlon cỏ mượt nước trong là nhờ sói.  Không có sói, thảo nguyên Ơlon không thể phát triển chăn nuôi như ngày nay.  Một số công xã phía nam diệt hết sói, đồng cỏ cũng đi tong, chăn nuôi không thể khởi sắc...
Bao Thuận Quý trầm ngâm.  Ba con ngựa lên đỉnh dốc, trảng cỏ dưới chân dốc xanh mượt, hương cỏ hương hoa và cả mùi cỏ mục theo gió bay tới.  Con bách linh như đứng im giữa trời, bỗng rơi thẳng đứng xuống trảng cỏ, rất nhiều con bách linh khác lại từ trảng cỏ bay lên tận trời xanh, xoè cánh dừng lại giữa trời đối đáp véo von.
Ulichi hít một hơi dài, nói: Xem kìa, trảng cỏ đẹp quá, y hệt nghìn năm về trước.  Đây là trảng cỏ thiên nhiên đẹp nhất Trung Quốc.  Cuộc chiến bảo vệ đồng cỏ giữa người và sói hàng nghìn năm, mới để lại cho chúng ta trảng cỏ nguyên sơ như thế này, nó không được biến mất trong tay chúng ta.
Trương Kế Nguyên nói: Bác nên mở lớp cho số thanh niên trí thức, dạy cho họ thảo nguyên học và sói học.
Ông Ulichi buồn rầu, nói: Tôi là cán bộ về vườn, tư cách đâu mà mở lớp!  Các cậu hãy học dân du mục, họ hiểu biết hơn tôi nhiều.
Lại qua một con đèo nữa, cuối cùng Bao Thuận Quý mở miệng: Lão U này, không thể phủ nhận tình cảm của ông đối với thảo nguyên, càng không thể phủ nhận thành tích mười mấy năm nay của ông.  Nhưng tư tưởng ông đã lỗi thời, ông kể toàn chuyện cũ.  Thời buổi bây giờ khác rồi, thời Trung Quốc có bom nguyên tử mà còn dừng lại ở những vấn đề của thời đại nguyên thủy là rách việc rồi.  Tôi cũng suy nghĩ nhiều khi về mục trường này.  Mục trường chúng ta rộng hơn một huyện nội địa, nhưng dân số thì chưa đầy một nghìn, chưa đông bằng một thôn.  Lãng phí quá!  Muốn làm ra của cải cho đảng và nhà nước, dứt khoát phải kết thúc cuộc sống du mục nguyên thủy lạc hậu này.  Cách đây ít hôm tôi có làm một cuộc điều tra, phía nam mục trường ta có một số khoảnh đất đen, khoảnh vài nghìn mẫu, khoảnh trên vạn mẫu.  Tôi dùng xẻng đào thử, đất ở đó rất dày, chừng hai thước.  Đất thế mà để chăn nuôi thì phí quá.  Khi lên Minh (huyện) họp, tôi có tranh thủ ý kiến của một chuyên gia về nông nghiệp, ông ta bảo đất ấy hoàn toàn có thể trồng lúa mạch, chỉ cần diện tích không rộng, khai khẩn quy mô chỉ vài trăm mẫu, vài nghìn mẫu thì không bị sa mạc hóa.
Bao Thuận Quý thấy Ulichi không nói gì, lại nói tiếp: Tôi đã điều tra nguồn nước.  Nước ở đó không có vấn đề, đào một con mương nhỏ là có nước tưới ruộng.  Mục trường ta có bao nhiêu là phân bò phân cừu, đều là phân cao cấp.  Tôi dám nói rằng, nếu ta trông tiểu mạch ở đó, ngay năm đầu tiên sản lượng sẽ trên trung bình.  Không quá vài năm, giá trị sản phẩm nông nghiệp của mục trường ta sẽ vượt giá trị chăn nuôi.  Khi ấy, không những có thể tự túc lương thực và thức ăn gia súc, mà còn có thể chi viện cho đất nước.  Hiện nay lương thực trong nước căng thẳng, quê tôi nhà nào cũng thiếu ăn ba tháng.  Về mục trường, tôi thấy đất đen bỏ hoang, một năm gia súc chỉ ăn ở đấy có hơn một tháng cỏ thì tôi xót ruột lắm.  Thoạt tiên tôi định vỡ mấy mảnh để thí nghiệm, thành công thì làm tới.  Nghe nói mấy công xã phía nam thiếu bãi chăn, không duy trì được chăn nuôi, họ quyết định tách ra một phần đất làm nông nghiệp.  Tôi nghĩ, đó mới là lối thoát của thảo nguyên Mông Cổ.
Ông Ulichi biến sắc mặt, thở dài: Tôi đã biết từ lâu sẽ có ngày như thế.  Người quê ông không quan tâm sức tải của đồng cỏ, ra sức tăng số đầu gia súc, giết sói vô tội vạ, đến nỗi bãi chăn cỏ không mọc, biến thành ruộng lúa.  Tôi biết, mấy chục năm trước quê ông là vùng chăn nuôi, chuyển thành vùng nông nghiệp mới chỉ mười mấy năm nay, nhưng nhà nào cũng thiếu ăn.  Đây đã là vùng biên, tôi hỏi ông, mở theo hướng nào để biến cái mục trường đẹp đẽ này thành vùng nông nghiệp như quê ông?  Diện tích bị sa mạc hoá ở Tân Cương lớn hơn một tỉnh dưới xuôi, Gôbi hoàn toàn không một bóng người, ông bảo có lãng phí đất không?
Bao Thuận Quý nói: Điều này xin ông yên tâm.  Tôi sẽ rút kinh nghiệm quê tôi, phân biệt rạch ròi chỗ nào nên chỗ nào không nên khai khẩn.  Nông nghiệp tất không được, chăn nuôi tất cũng không được.  Nửa làm ruộng nửa chăn thả là tốt nhất.  Tôi sẽ gắng sức bảo vệ bãi chăn, phát triển chăn nuôi.  Không có chăn nuôi, nông nghiệp sẽ thiếu phân bón.  Lúa tốt vì phân, không có phân, làm sao có sản lượng?
Ulichi nổi cáu: Nông dân mà thấy đất này thì có trời ngăn.  Cứ cho là đời ông ngăn được, nhưng đời sau có ngăn nổi không?
Bao Thuận Quý nói: Đời nào có việc đời ấy, đời sau tôi không quản nổi.
Ulichi hỏi: Vậy ông vẫn diệt sói chứ?
Bao Thuận Quý nói: Chính vì ông không kiên quyết nên mới sai lầm lớn.  Tôi không thể đi theo vết chân ông.  Nếu như lại để sói hạ sát đàn ngựa nữa, tôi cũng về vườn như ông.
Đã nhìn thấy khói bếp trên các nóc lều.  Bao Thuận Quý nói: Mấy người trên mục trường bộ cũng bụng dạ hẹp hòi, cho ông con ngựa già, mất hết thì giờ.  Rồi quay lại bảo Trương Kế Nguyên: Chú Nguyên, chú đổi cho ông U một con ngựa tốt, nói với Batu là tôi bảo thế.
Trương Kế Nguyên nói: Về tới đại đội không ai để ông trưởng bãi cưỡi con ngựa tồi!
Ba Thuận Quý nói: Tôi nhiều việc quá, xin đi trước.  Tôi đợi ông ở nhà ông Pilich, ông cứ tà tà không vội.  Nói xong, ông ta lỏng dây cương, con ngựa lao đi.
Trương Kế Nguyên gò cương đi bên con ngựa bước thủng thẳng, nói với Ulichi: Ông Quý đối xử với ông tốt đấy.  Cháu nghe một ông trên mục trường bộ nói, ông ấy mấy lần điện thoại lên trên, đề nghị vẫn để ông trong ban lãnh đạo mục trường.  Có điều ông ấy là con nhà lính, tác phong ít nhiều nhiễm thói quân phiệt, ông đừng giận ông ấy.
Ông Ulichi nói: Ông Quý nhiệt tình công tác, đã nói là làm, luôn đứng trên tuyến đầu, nếu như ở vùng nông nghiệp thì ông ta là cán bộ giỏi.  Nhưng về vùng chăn nuôi thì ông ấy càng hăng hái, thảo nguyên càng nguy hiểm.
Trương Kế Nguyên nói: Nếu như lúc cháu mới lên thảo nguyên, nhất định cháu ủng hộ quan điểm của ông Quý.  Nông thôn dưới xuôi rất nhiều người chết đói, còn thảo nguyên thì bấy nhiêu đất bỏ không.  Rất nhiều người trong đám thanh niên trí thức ủng hộ ông Quý.  Nay thì cháu không nhìn vấn đề như thế nữa.  Cháu cũng cho rằng ông có tầm nhìn xa.  Tộc nông canh không hiểu sức tải gia súc của thảo nguyên, không hiểu sức tải về người của đất đai, càng không hiểu quan hệ giữa sinh mạng lớn và sinh mạng bé.  Trần Trận nói, hàng trăm năm nay thảo nguyên có một logic đơn giản, phù hợp với quy luật phát triển khách quan.  Cậu ta cho rằng chính sách thảo nguyên của nhà Mãn Thanh thời kỳ đầu và giữa rất sáng suốt, không cho nhiều người thâm nhập thảo nguyên, nếu không sẽ phải trả với cái giá rất đắt.
Ulichi rất khoái cái từ "lôgic thảo nguyên", nhẩm mấy lượt cho thuộc.  Ông nói tiếp - Thời kỳ cuối, chính sách thảo nguyên không cản nổi áp lực dân số, việc thực hiện bị lơ là, thảo nguyên co dần lại, sau đó lại co về phía tây bắc, tiếp nối với sa mạc Gôbi.  Nếu như bắc Trường Thành trở thành sa mạc thì Bắc Kinh sẽ ra sao, người Mông Cổ cũng sốt ruột.  Xưa kia Bắc Kinh là thủ đô của người Mông Cổ, cũng là thủ đô của thế giới ấy...
Trương Kế Nguyên thấy đàn ngựa đang uống nước ở một cái giếng liền cho ngựa chạy tới.  Cậu muốn đổi cho ông Ulichi một con ngựa tốt.

Giấc mộng thống trị toàn chấu Á của hai triều Hán Đương đã được Hốt Tất Liệt và Thiết Mộc Nhĩ Hoàn Dịch Đốc - Hoàng đế triều thế kỷ XIII - XIV vì lợi ích của Trung Quốc cổ xưa, thực hiện, biến Bắc Kinh thành thủ đô mẫu quốc Nga La Tư, Tueckixtan, Ba Tư, Tiểu Á, Cao Ly, Tây Tạng, Đông Dương.
....
Một chủng tộc thống trị người khác, một dân tộc dựng nên đế quốc, không nhiều.  Người Đột Quyết - Mông Cổ có thể sánh vai với người La Mã.
(Pháp) Pierre Renouvin "Đế quốc thảo nguyên"


Trần Trận luôn tay khuấy nồi cháo thịt đặc quánh, mùi sữa, mùi thịt và mùi kê ngào ngạt, khiến đàn chó lớn chó nhỏ ngoài cửa rên ư ử.  Trần Trận nấu nồi cháo này cho sói con.  Cách nấu cậu học từ Caxumai, chuyên bồi dưỡng chó con.  Trên thảo nguyên, chó con trước và sau khi cai sữa đều phải lập tức cho ăn cháo thịt nấu với sữa.  Caxumai bảo đó là bí quyết khiến chó mau lớn.  Con chó khoẻ mạnh to cao hay không là ở chỗ trước và sau khi cai sữa trong khoảng ba bốn tháng, phải cho ăn thịt tốt, thời gian này con chó phát triển bộ xương, sau đó ăn tốt đến mấy cũng không lớn nữa.  Con nào được nuôi dưỡng đặc biệt tốt, lớn gấp đôi con được nuôi bình thường.  Chó khi còn nhỏ nuôi không tốt, sau này không đánh nổi sói.
Một bận trong khi cả nhóm khuân đá xây chuồng, Caxumai trỏ một con chó vừa gầy vừa thấp, lông xơ xác, bảo Trần Trận: Nó với con Balua cùng một mẹ sinh ra, giờ khác nhau một trời một vực.  Quả Trần Trận không dám tin chó cùng một mẹ mà tầm vóc lại có sự khác biệt như Võ Tòng và Võ Đại Lang.  Trên thảo nguyên sói từng đàn, chó chỉ tốt giống chưa đủ, mà còn phải chăm sóc nuôi nấng tốt.  Vì vậy, ngay từ đầu cậu đã rất cẩn thận tiếp thu toàn bộ kinh nghiệm nuôi chó của Caxumai để nuôi con sói con.
Cậu vẫn còn nhớ Caxumai nói thế này: Sau khi cai sữa, phụ nữ thảo nguyên và sói thảo nguyên đua nhau nuôi con.  Sói mẹ ra sức bắt chuột, rái cá cho sói con ăn, lại còn ra sức dạy sói con bắt chuột lớn.  Sói mẹ là những bà mẹ tuyệt vời.  Không bếp, không nước, không nồi niêu để nấu cháo thịt cho con, nhưng cái miệng sói mẹ còn siêu hơn nồi gang của người.  Răng, dạ dày và nước bọt sói mẹ đã biến thịt chuột, thịt rái cá thành một thứ cháo dừ, nóng hôi hổi nuôi sói con.  Sói con rất thích loại cháo này, ăn vào, chúng lớn nhanh như cỏ xuân.
Phụ nữ thảo nguyên phải nhờ vào chó để lấy công điểm gác đêm, phải tận tâm cần mẫn hơn sói mẹ mới ổn.  Trên thảo nguyên, phụ nữ nào lười thì chó gầy, phụ nữ nào chăm thì chó béo khoẻ.  Lên thảo nguyên, chỉ nhìn chó béo gầy là biết phụ nữ nhà ấy lười hay đảm.  Trần Trận luôn miệng khen con Balua khiến Caxumai phổng mũi.  Cậu thích nuôi một con chó to khoẻ như con Balua.  Giờ đây cậu lại muốn nuôi một con sói to lớn hơn  chính mẹ nó nuôi.
Từ khi nuôi con sói con, Trần Trận đã thay đổi rất nhiều thói quen.  Trương Kế Nguyên nói kháy rằng Trần Trận tự dưng chăm chỉ hơn, chi li chẳng kém các bà phụ nữ.  Trần Trận cũng cảm thấy cậu cẩn thận chu đáo hơn sói mẹ và Caxumai.  Với điều kiện phải làm hết việc nhà, Cao Kiện Trung đồng ý cho cậu vắt sữa bò.  Ngày nào cậu cũng thái thịt cho sói con, dù đã có sữa bò nhưng như thế chưa đủ, còn phải bổ sung cãni cho nó phát triển xương.  Hồi nhỏ cậu được mẹ cho ăn cốm cãni nên có đôi chút kinh nghiệm.  Cậu trộn thịt với xương sụn của bò hoặc cừu.  Có lần cậu lên phòng y tế mục trường kiếm được một lọ cốm canxi, mỗi ngày dùng chày gỗ tán nhỏ một viên trộn vào thịt.  Chuyện này thì sói mẹ và Caxumai không thể nghĩ tới.  Sợ không đủ chất, Trần Trận còn cho vào cháo một ít dầu thực vật và muối ăn.  Cháo thơm đến nỗi cậu cũng muốn ăn một bát, nhưng còn ba con chó, cậu đành nuốt nước bọt.
Con sói con lớn rất nhanh, bụng lúc nào cũng tròn căng, bóng nhẫy, tươi tỉnh như ông Di Lặc, lớn phổng như nấm Trương Gia Khẩu.  Nó đã dài hơn lũ chó con nửa cái mũi.
Lần đầu tiên nuôi sói bằng cháo thịt, Trần Trận sợ ăn toàn thịt, con sói sẽ không ăn lương thực.  Gọi là cháo thịt nhưng thành phần chính vẫn là kê.  Kết quả đáng ngạc nhiên, khi cậu đưa chậu cháo âm ấm đến trước mặt con sói, nó vục đầu ăn như rồng cuốn, vừa ăn vừa thở phì phò, vừa rên ư ử khoái trá, cho đến khi ăn hết liếm sạch mới ngửng đầu lên.  Trần Trận không ngờ con sói lại ăn lương thực, nhưng cậu phát hiện những hạt kê không thấm nước thịt và sữa bò, con sói không đụng tới.
Món cháo thịt bát bửu đã chín, Trần Trận cất trên chạn kề bên mép cửa trong lều.  Cậu khẽ hé cửa lách ra thật nhanh rồi sập lại.  Trừ Nhị Lang, đàn chó kể cả con sói, ùa tới.  Con Vàng và con Ilua chồm hai chân trước lên ngực cậu, con Vàng còn liếm mặt cậu, há rộng miệng tỏ ra thân thiện, ba con cún thì ra sức giằng xé gấu quần cậu.   Còn sói con thì xông thẳng tới khe cửa mà hít lấy hít để mùi cháo thơm, còn địhh cạy cửa để chui vào.
Trần Trận cảm tháy cậu như một ông bố độc thân, nhưng rất nhiều con.  Đứng trước những đứa con trai có gái có, cậu không biết nên như thế nào để chiếu cố đứa này mà không tủi thân đứa khác.  Cậu thích con sói, nhưng cậu cũng yêu tất cả những cục cưng do chính cậu nuôi dưỡng, con nào bị thua thiệt cậu đều thương.  Cậu không thể cho con sói ăn trước.  Phải vỗ yên đàn chó mới được việc.
Trần Trận kẹp nách hai con Ilua và con Vàng quay tròn mấy vòng.  Đây là phần thưởng thân thiết nhất về tình cảm cậu dành cho hai con chó.  Chúng sướng quá liếm mặt cậu bóng loáng. Tiếp theo, hai tay luồn dưới nách, cậu giơ từng con cún lên cao rồi đặt xuống đất, vuốt đầu vuốt lưng vuốt lông một hồi.  Cách vỗ về này cậu mới bổ sung từ khi nuôi con sói.  Trước khi có con sói, không cần quá mức như thế.  Trước đây chỉ khi nào muốn đùa với chúng thì cậu mới tới.  Từ sau khi có con sói, cậu phải tỏ ra luôn yêu thích lũ chó để chúng không tị nạnh mà cắn chết con sói. Trần Trận không ngờ nuôi một con sói trên thảo nguyên mà lúc nào cũng như bên thùng thuốc nổ, ngày nào cũng nơm nớp.  Những ngày này, bận bịu công việc đỡ đẻ và chăm sóc cừu non, mục dân rất ít la cà chuyện gẫu, phần lớn chưa biết cậu đang nuôi một con sói, mà dù đã biết nhưng chưa ai đến xem.  Nhưng sau này thì sao?  Cưỡi hổ xuống được đã khó, cưỡi sói xuống được càng khó hơn.
Thời tiết ấm dần lên.  Thịt đông lạnh qua mùa đông đã được thái miếng hong khô, xương chưa ăn hết cũng được lọc thịt, phơi khô.  Những xương lẫn thịt còn lại, phần thịt bên ngoài đã khô, tuy ngửi có mùi thum thủm như lạc thối, nhưng vẫn là thức ăn của chó lúc cuối xuân.  Trần Trận đi về phía sọt để thịt, đàn chó theo sau, lúc này con Nhị Lang đi đầu, Trần Trận kẹp cái đầu to bự của nó vào bên sườn cậu.  Con Nhị Lang đã hiểu đôi chút tính tình của người, biết là sắp được ăn, liền gãi đầu vào sườn cậu cảm ơn.  Trần Trận lấy ra chỗ thịt lẫn xương, chia cho từng con theo khẩu phần, xong xuôi, cậu chạy ù tới chỗ con sói.
Con sói vẫn đang chạy quanh, còn dùng mõm cạy cửa.  Sau một tháng, nó đã dài hơn một thước, bốn chân cứng cáp ra vẻ sói thực thụ.  Nổi bật là màng xanh trên mắt đã rút hết, để lộ cặp mắt đen với con ngươi màu vàng, mõm dài ra, tai không còn giống tai mèo, cũng bắt đầu dài ra như hai chiếc môi hình tam giác dựng trên đầu, đầu vẫn tròn xoay như nửa quả bóng úp lên.  Con sói sống chung với đàn chó đã mười mấy ngày hoàn toàn tự do, nó chơi đùa cùng đàn chó, nhưng đến đêm khi không có người trông coi, Trần Trận vẫn nhốt riêng con sói dưới hố, phòng nó bỏ đi.  Con Vàng và Con Ilua cũng đành chấp nhận kẻ hoang dã, nhưng không gần gũi.  Con sói lại gần bập vào vú để ti sữa, con Ilua liền dùng mõm hất nó lộn mấy vòng.  Chỉ con Nhị Lang là tỏ ra hữu nghị với con sói.  Mặc cho con sói trèo lên bụng, cắn tai, nhảy nhót lung tung  trên lưng trên đầu, thậm chí phóng uế bừa bãi, cũng không thèm để ý.  Nhị Lang còn thường xuyên liếm con sói, thi thoảng còn dùng cái mũi dài đẩy con sói ngã mà liếm bụng y như một ông bố.  Con sói như sống trong gia đình nhà sói nhưng Trần Trận nhận thấy trước khi mở mắt, nó đã đánh hơi thấy đây không phải nhà của nó.  Mũi sói tinh hơn mũi người.
Trần Trận bế con sói lên, nhưng khi con sói đang thèm ăn, tốt nhất không nên gần gũi nó.  Cậu mở cửa bế con sói vào đặt xuống đất trước lò.  Con sói nhanh chóng thích ứng ánh sáng trong lều Mông Cổ, nhìn chằm chằm vào cái chậu nhôm trên chạn bát.  Trần Trận lấy ngón tay thử độ nóng của cháo. Sói alf con vật sợ nóng nhất.  Có lần con sói bị bỏng cháo, nó cụp đuôi, người run bắn, vội chạy ra ăn tuyết.  Mấy ngày liền nó sợ cái chậu, sau đó Trần Trận thay một cái chậu khác, nó mới chịu ăn.
Để tăng cường khả năng phản xạ có điều kiện, Trần Trận gọi rành rẽ từng tiếng: Sói con ăn cơm nào!  Tiếng gọi vừa dứt, sói con bật dậy khi nghe các tiếng "ăn cơm", nhạy hơn phản ứng của chó săn khi nghe khẩu lệnh.  Trần Trận vội đặt chậu cơm xuống đất rồi ngồi cách khoảng hai bước, dùng xẻng giữ miệng chậu, đề phòng con sói làm lật.  Con sói cắm đầu ăn ngốn ngấu.
Trên đời, sói mơi thực là coi miếng ăn bằng trời.  So với sói, câu "coi miếng ăn bằng trời" của người chỉ là ngoa ngôn.  Con người gặp năm mất mừa mới có cái kiểu ăn dữ dằn như sói.  Vậy mà con sói này bữa nào cũng ăn đủ ăn ngon mà nó vẫn hung hãn như sói đói, làm như không ăn lấy được như thế thì trời sập không bằng.  Sói khi ăn, bố mẹ anh em nội ngoại nhà sói đừng có lại gần.  Con sói này không hề có chút cảm tình với cậu, dù rằng ngày nào cậu cũng cần mẫn lo liệu bữa ăn cho nó.  Nó coi cậu là kẻ thù chỉ  rình cướp cơm hoặc cướp tính mạng nó.
Một tháng nay có tiến triển đôi chút trong việc tiếp cận con sói.  Cậu đã có thể sờ mó, bế ẵm, đội nó trên đầu, cho đưng trên vai hoặc mũi cụng mũi, thọc ngón tay vào miệng nó.  Nhưng khi nó ăn thì tuyệt đối không được đụng vào, chỉ ngồi một chỗ rất xa mà nhìn.  Chỉ cần cậu cựa quậy là nó nổi nóng, bộ dạng cực kỳ hung dữ, lông dựng lên, tiếng gừ khằn khàn uy hiếp, rồi nhìn nhún thấp hai chân sau, bất kể ất giáp, chuẩn bị vồ.  Để sửa dần cho nó những tập tính ấy, Trần Trận từng dùng chổi tết bằng thân cao lương chải lông cho nó, nhưng con sói đã ngoạm lấy cây chổi mà giằng xé.  Cái chổi bật khỏi tay, Trần Trận sợ quá lùi mấy bước.  Con sói làm như bắt được cừu non, ngoạm chặt sống chổi mà lắc, mà điên cuồng cắn xé lòi cả thân cây cao lương.  Trần Trận chưa bỏ cuộc, cậu thử đi thử lại mấy lần, lần nào cũng vậy, con sói coi cây chổi như kẻ thù không đợi trời chung, cắn xé tan tành.  Cái chổi Cao Kiện Trung mới mua chỉ còn lại trơ trọi cái cán, khiến cậu ta ức quá vụt con sói một gậy ngã lăn chiêng.  Từ đó, Trần Trận đành từ bỏ ý định xoa đầu con sói khi nó ăn.
Lượng cháo lần này gấp đôi những lần trước.  Trần Trận hi vọng con sói ăn không hết, cậu sẽ trộn chỗ ăn thừa với sữa và thịt vụn cho lũ cún, nhưng thấy con sói ăn như điên, cậu nghĩ chắc chẳng còn mấy tí.  Từ cách ăn của con sói, cậu thấy nó kế thừa hoàn toàn tập tính của sói thảo nguyên.  Sói có tác phong lính chiến, ăn uống như đánh giặc.   Hoặc giả người lính thực thụ có tác phong sói, nếu không ăn ngốn ngấu, rất có thể miếng sau đã ăn ở thế giới bên kia vì tình hình xoay chuyển đột ngột.  Trần Trận nhìn con sói ăn mà trong lòng xót xa.  Cậu như trông thấy một kẻ lang thang đầu bù tóc rối ăn như rồng cuốn lối ăn ấy mách bảo cậu thân thế và cảnh ngộ người ấy như thế nào.  Nếu không phải đổi mạng lấy cái ăn, thì trên thảo nguyên Mông Cổ khắc nghiệt hổ báo còn không sống nổi, loài sói làm sao trụ lại?
Do vậy Trần Trận nhìn thấy một khía cạnh khác của cuộc sống gian nan của sói thảo nguyên.  Khả năng mắn đẻ của sói thảo nguyên chỉ chiếm chưa đầy một phần mười đảm bảo sự tồn tại của loài sói.  Ông già Pilich nói, đôi khi trời trừng phạt sói, bố mẹ anh em nội ngoại không nhận nhau, một trận tuyết xuống bất thình lình sâu ngập gối là sói chết rét chết đói phần lớn; một trận cuồng phong liệt hỏa cũng đủ chết cả đàn.  Đàn sói đông đúc đói khát từ nơi khác đến cũng giết chết quá nửa đàn sói bản địa.  Lại còn mùa xuân đào bắt sói con, mùa thu đánh bẫy, đầu đông vây bắt, cuối đông săn bắn, may mắn thoát chết chỉ là số ít.  Người già nói, sói thảo nguyên đều là hậu duệ của sói đói.  Đàn sói no đủ ban đầu đã bị đàn sói đói đánh bại sau đó.  Thảo nguyên Mông Cổ xưa nay là chiến trường, chỉ có những con sói khoẻ mạnh nhất, thông minh nhất, khi no biết nhớ lức đói, mới có thể sống sót.
Con sói nhào vô chậu thức ăn, Trần Trận càng nhìn càng thấy ý nghĩa sống còn của thực phẩm đối với loài sói.  Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, dù nòi giống tốt, nhưng không giành giật được cái ăn, không thấm vào xương tủy sự uy hiếp của cái đói, thì con sói chỉ như Võ Đại Lang, bị đào thải không thương tiếc.
Trần Trận dần dà phát hiện sói Mông Cổ có nhiều tín điều thiêng liêng về sinh tồn, mà đổi mạng lấy ăn, tự trọng, độc lập là căn bản nhất.  Khi cho con sói ăn, Trần Trận không bao giờ có ý nghĩ ban ơn như khi cho chó ăn.  Con sói không tiếp nhận tình cảm đó.  Nó hoàn toàn không có ý thức được nuôi dưỡng.  Nó không  như lũ chó vẫy đuôi rối rít khi chủ bê chậu thức ăn tới.  Con sói không hề biết ơn Trần Trận đã nuôi dưỡng nó, cũng không thừa nhận chậu thức ăn là của cho.  Nó cho rằng, chậu thức ăn là do nó giành được, cướp được nên sống chết bảo vệ, thậm chí vì thế mà bỏ mạng.  Trong mối quan hệ giữa Trần Trận và con sói, không hề có chuyện dạy dỗ.  Con sói chỉ là nhất thời bị giam cầm mà không phải là được nuôi nấng.  Trong tính cách đổi mạng lấy cái ăn, con sói như được tinh thần độc lập tự chủ nâng đỡ.  Trần Trận cảm thấy gai sống lưng, cậu không biết còn khả năng giữ con sói lại để nuôi lớn hay không?
Cuối cùng, Trần Trận quyết định từ bỏ ý muốn vỗ về con sói khi nó đang ăn, cậu tôn trọng thiên tính cao quý của con sói.  Từ đó mỗi khi cho sói ăn, cậu ngồi yên cách nó ba bước, để con sói khi ăn không bị quấy nhiễu.  Cậu lặng nhìn con sói ăn, chân thành thụ giáo thiên tính của loài sói.
Chỉ một loáng, cái bụng con sói căng phồng chỉ chực nứt, tốc độ ăn giảm mạnh, nhưng nó vẫn cắm đầu ăn.  Trần Trận phát hiện con sói lúc đã no thì bắt đầu chọn thức ăn, trước tiên là thịt vụn, sau đến những mẩu thịt li ti.  Cái lưỡi của nó như một chiếc thìa, khéo léo xúc từng mẫu thịt nhỏ đưa lên miệng,  lát sau, chỗ cháo thịt màu tạp đã trở lại màu vàng nhạt của cháo gạo.  Trần Trận nhìn kỹ, con sói vẫn dùng đầu lưỡi xúc thức ăn.  Nhìn kỹ hơn nữa, cậu rất mừng.  Con sói vẫn chén nốt những ti thịt mỡ, ti sụn trong cháo gạo.  Con sói vừa chọn vừa dùng mõm cày đáy chậu như lợn, cho vào miệng tất cả những mẫu thịt vụn, không sót mẫu nào, nhưng vẫn chưa ngẩng đầu lên.  Trần Trận vươn cổ ra xem con sói còn có ý gì và suýt nữa cậu reo lên: Nó dùng lưỡi dằn cháo xuống cho sữa nổi lên chảy vào miệng.  Sữa cũng là món sói ưa thích.  Khi con sói ngẩng lên, món cháo thịt bát bửu thơm phức đã không còn thịt, không còn sữa, ép cạn nước chỉ còn bã, mùi thơm biến mất.  Trần Trận cười phá lên vì tức, cậu không ngờ con sói tham lam và thông minh đến thế.
Không còn cách nào khác, Trần Trận thêm vào chậu một ít thịt vụn, ít sữa để lại hồi nãy, đổ vào một ít nước ấm, hi vọng được món cháo loãng, nhưng cậu khuấy đến mấy cũng không thành cháo mà chỉ như cơm nát chan canh.  Cậu bê châuj cơm nát ra khỏi lều, đổ vào chậu thức ăn của lũ chó.  Lũ chó ùa tới nhưng lập tức rên rỉ không bằng lòng.  Trần Trận thấy nghề chăn nuôi cũng lắm gian nan, nuôi chó là công việc khổ sai trong cái nghề này, thêm con sói, công việc càng vất vả.  Mà tất cả đều do cậu tự nguyện.
Con sói bước không nổi vì no.  Nó nằm phục trên mặt đất nhìn lũ chó ăn chỗ cháo thừa.  Con sói khi đã no thì rất dễ bảo. Trần Trận bước lại gần, cất tiếng gọi thân thiết: Sói, sói.  Con sói lật mình nằm ngửa, bốn chân co lại, phơi cái bụng ra, tinh nghịch nhìn lên.  Cậu bế nó lên, hai tay luồn dưới nách giơ nó lên thật cao bốn năm lượt.  Con sói vừa sợ vừa thích, miệng gừ gừ, nhưng hai chân sau kẹp chặt đuôi, vẫn còn run nhưng nó đã quen với cử chỉ này của cậu.  Hình như nó biết đó là biểu thị tình bạn.  Trần Trận còn đặt nó lên đỉnh đầu, lên vai, nhưng con sói sợ, chân bám chặt cổ áo cậu.
Trở về chỗ cũ, Trần Trận ngồi duỗi hai chân, đặt con sói lên rồi matxa da bụng cho nó.  Chó mẹ và sói mẹ thường làm như vậy giúp con tiêu hóa sau bữa ăn, giờ là công việc của cậu.  Trần Trận cảm thấy công việc này rất vui, dùng lòng bàn tay day nhẹ da bụng con sói, nghe tiếng rên khoan khoái cùng vwosi tiếng ợ hơi của nó.  Con sói lúc ăn thì dữ dằn, giờ dễ bảo như con cún.  Một chân trước của nó túm một ngón tay Trần Trận mà liếm, còn cắn nhẹ bằng những chiếc răng bé tí.  Ánh mắt con sói cũng rất dịu dàng, dễ chịu, ánh mắt như cười, coi Trần Trận như người mẹ kế.
Vất vả có thừa, nhưng sói đem lại cho Trần Trận niềm vui.  Lúc này, cậu bỗng nghĩ đến thời xa xưa hoặc một nơi nào đó của hiện tại, sói mẹ dịu dàng liếm bụng cho "thằng sói con", còn "thằng sói con" đang vui vẻ ngậm ngón chân của nó.  Một đàn sói lớn nhỏ đứng vây quanh thản nhiên nhìn thằng sói béo tốt, lại còng đem thịt đén cho nó ăn.  Xưa nay có biết bao sói mẹ nuôi trẻ em, còn con người thì đã nuôi bao nhiêu sói con?  Truyền thuyết lạ lùng về sói bao năm nay, bây giờ cậu mới là người trong cuộc, tận mắt chứng kiến khía cạnh lương thiện ôn hòa của loài sói.  Xúc động sâu sắc, cậu mong được thay mặt những người con của sói, bất kể đó là cổ Hung Nô, Cao Xa, Đột Quyết hoặc cổ La Mã, Ấn Độ và Liên Xô, báo cho họ biết sự kính nể của nhân loại.  Cậu cúi xuống dùng mũi cụng vào cái mũi ẩm ướt của con sói.  Con sói liếm má cậu như chó khiến cậu rất vui và cảm động.  Đây là lần đầu tiên con sói tỏ vẻ tín nhiệm cậu.  Tình cảm giữa cậu và sói đã tiến thêm một bước.  Cậu từ từ hưởng thụ tình hữu nghị thuần khiết này, cảm thấy sính mạng của cậu vươn dài dài mãi tới thời xưa, vì vậy trong khoảnh khắc cậu thấy mình già đi nhiều nhưng vẫn giữ được tính trẻ con của nhân loại thuở ban sơ.
Chỉ mỗi chuyện khiến cậu chưa yên tâm, con sói này không nhặt từ ngoài đồng đem về, cũng không phải một con sói mồ côi, mẹ nó đã chết vì bệnh tật hay trong chiến đấu.  Nếu là con sói mồ côi thì việc nuôi dưỡng nó là xuất phát từ tình thương.  Đằng này cậu nuôi nó hoàn toàn có tính cưỡng bức, là một ý đồ của con người.  Vì mục đích tìm hiểu và nghiên cứu, cậu đã làm ngược lại câu chuyện đẹp đẽ giữa người và sói lưu truyền hco tới bây giờ.  Cậu lúc nào cũng lo con sói mẹ trả thù.  Đây có lẽ là sự khắc nghiệt và bất khả kháng trong tiến trình khoa học và văn minh?  Hãy để cho ông trời giải quyết những chuyện đó.  Ý cậu là từ đó mà xâm nhập lĩnh vực bái vật của các dân tộc thảo nguyên.
Nhị Lang đã ăn hết xuất của nó.  Nó chậm rãi đi về phía Trần Trận.  Nhị Lang mỗi khi trông thấy Trần Trận mát xa cho con sói, liền tới thật gần nhìn cả hai bằng ánh mắt tò mò.  Có khi nó còn liếm bụng con sói.  Trần Trận giơ tay xoa đầu nó, hình như nó cười.  Từ khi nuôi con sói, khoảng cách giữa Trần Trận và nó đột nhiên rút ngắn, chẳng lẽ trong cậu cũng có tính hoang dã và tính sói?  Nó đã ngửi thấy rồi đấy thôi.  Nếu mà như thế thì hay thật; Một người có tính sói hoang dã, một con chó có tính sói hoang dã, cộng với một con sói thuần chủng, cùng sống trên thảo nguyên hoang dã và đầy sói tính.  Vậy độ tuổi về tình cảm của cậu đột nhiên cao chồng chất.  Cậu càng có cảm giác chân thực từ viễn cổ tới hiện đại, cảm giác viễn cổ càng chân thực, cậu càng cảm thấy sinh mệnh của mình là bất tử.  Chẳng lẽ con người hiện đại cứ thích xông vào hoàn cảnh nguyên thủy để khám phá những điều kỳ lạ, chẳng lẽ trong tiềm thức "kéo dài" tuổi thọ từ hướng ngược lại?  Cuộc sống của cậu bỗng trở nên kỳ lạ hơn cả câu chuyện về những đứa con của sói.
Trần Trận thấy từ khi cậu mê thảo nguyên, những uỷ mị ươn hèn trong người cậu hình như đang giảm đi.  Cậu cảm thấy một dòng máu lạ mang sói tính bắt đầu chảy trong huyết quản.  Sinh mạng trở nên khoẻ khoắn, cuộc sống vô vị trước đây bỗng đầy ý nghĩa.  Cậu thấy mình đã nhận thức lại về sinh mạng và cuộc sống, bắt đầu yêu quý sinh mạng và cuộc sống.  Dần dà cậu hiểu ra rằng vì sao "yêu quý sinh mạng" lại gắn với con sói sắp chết, vì sao Lênin trước phút lâm chung, yêu cầu bà Corupxcaia đọc cho nghe truyệng "tình yêu cuộc sống" của Giác London.  Lênin đi vào giấc ngủ vĩnh hằng khi nghe câu chuyện về cuộc quyết đấu giữa người và sói.  Linh hồn ông có thể được một sói tổ dị tộc dẫn đến chỗ ông Mac.  Ngay cả những bậc vĩ nhân sức sống dồi dào trên thế giới còn phải đến thảo nguyên và sói để tìm sức sống mới, huống chi cậu là một con người bình thường.
Trần Trận dần dà tư duy xa hơn, cậu bỗng nhận ra, chân tướng của sinh mạng không phải ở vận động mà là ở chiến đấu.  Khởi thủy sinh mạng của động vật có vú là hàng triệu con tinh trùng với tinh thần quyết tử vây quanh cái trứng, kẻ trước ngã kẻ sau tiên lên, thây chất đầy tử cung.  Những con chỉ vận động mà không chiến đấu, di chuyển mà không đánh  thì bị đào thải không thương tiếc, bị bài tiết ra ngoài cơ thể cùng với nước tiểu.  Chỉ có một dũng sĩ tinh trùng chiến đấu ngoan cường bước lên xác triệu triệu anh em đồng bào, mới lọt vào trong trứng, cùng trứng kết thành phôi thai - một sinh mạng mới của con người.  Thời gian này, trứng không ngừng tiết dịch, loại bỏ những tinh trùng yếu đuối mất sức chiến đấu.  Sinh mạng do chiến đấu mà có, chiến đấu là bản chất của sinh mạng.  Rất nhiều nền văn minh vĩ đại của các dân tộc nông canh trên thế giới bị tiêu diệt, chính là vì về cơ bản nông nghiệp là lao động trong hòa bình, còn các nghề săn bắn chăn thả, hàng hải, công thương nghiệp từng giờ từng phút chiến đấu quyết liệt trên các mặt trận.  Các dân tộc phát triển nhất trên thế giới hiện nay đều là hậu duệ của các dân tộc du mục, hàng hải và công thương.  Ngay dân tộc Mông Cổ bị hai nước lớn kìm cặp ở Bắc Á, ở sâu trong đại lục nghèo khổ bần hàn, cư dân thưa thớt, nhưng vẫn không bị tiêu diệt, rõ ràng là dân tộc Mông Cổ có sức chiến đấu và sức sống mạnh hơn các dân tộc cổ Ai Cập, cổ Babilon và cổ Ẩn Độ trong lịch sử thế giới.
Con sói bắt đầu cào chân Trần Trận, cậu biết nó sắp phóng uế.  Nó cũng trông thấy Nhị Lang, muốn chơi đùa với Nhị Lang.  Trần Trận buông tay, con sói nhảy xuống đất tè một bãi rồi chạy ra chơi với Nhị Lang.  Nhị Lang vui vẻ nằm uỵch xuống, tình nguyện làm "núi giả" cho sói leo trèo.  Lũ cún cũng muốn trèo lên, nhưng Nhị Lang gạt xuống hết.  Con sói gầm gừ ra vẻ vị chúa tể.  Hai con cún đực đột nhiên giả vờ tấn công con sói, con cắn tai con cắn đuôi.  Cả ba con chó cùng xông lên, đè rập con sói xuống mà cắn xé.  Con sói nổi giận chống lại quyết liệt, một trận ẩu đả diễn ra, bụi bay mù mịt.  Nhưng chỉ lát sau, Trần Trận nghe thấy một con cún đực kêu thảm thiết, chân trước của nó đã toé máu.  Con sói trong lúc vui đùa đã lộ bản chất sói của nó.
Trần Trận quyết định đóng vai trò quan tòa.  Cậu xách gáy con sói đặt xuống trước cái chân bị thương của con cún, giúi mũi nó vào chỗ bị thương, nhưng con sói nhất định không nhận lỗi, tiếp tục nhe răng gầm gào khiến lũ chó sợ quá, nấp sau con Ilua.  Con Ilua nổi giận, liếm qua loa vết thương rồi vừa sủa vừa xông tới cắn con sói.  Trần Trận vội bế con sói lên, cậu sợ, tim đập thình thịch, không biết khi nào hai con chó lớn này cắn chết con sói?  Không lồng không chuồng, nuôi tiểu bá vương này gay go quá.  Cậu vội xoa cổ vỗ về con Ilua cho nó nguôi giận.  Cậu đặt con sói xuống đất, con Ilua không thèm để ý, dẫn ba con cún đi chỗ khác.  Con sói lại trèo lên lưng con Nhị Lang, kỳ lạ là con Nhị Lang lại có phần yêu con sói hơn.
Mãi cho chó ăn, đến bây giờ Trần Trận mới sửa soạn xe bò, chuẩn bị dọn nhà.  Chợt cậu trông thấy ông Pilich kéo cỗ xe bò trên có ít củi đi về phía lều cậu.  Trần Trận vội nhảy xuống xe, đem con sói thả xuống hang, đậy nắp, chèn hòn đá lên.  Tim cậu đập mạnh đến nỗi ước gì có một hòn đá để nén xuống.
Con Vàng và con Ilua dẫn lũ chó cún ra đón ông già.  Trần Trận vội giúp ông dỡ các thứ trên xe, cột bò, đỡ lấy túi đồ nghề thợ mộc trên tay ông.  Mỗi khi chuyển nhà, ông già thường sửa chữa xe cộ giúp đám thanh niên trí thức.  Trần Trận bảo: Bố ơi, từ nay bố không cần sửa xe giúp anh em chúng con.  Công việc này chúng con làm lấy được rồi...
Ông già nói: Sửa qua loa là không xong, lần này đi rất xa, hai ba ngày, đường cho xe bò cũng không có, chỉ một hàn hỏng xe cũng chậm trễ cho cả đội.
Trần Trận nói: Bố vào trong lều uống trà để con dỡ hết các thứ trên những xe cần sửa.
Ông già nói: Trà của các cậu đen ngòm, tôi không uống đâu.  Nói xong, ông già phăm phăm đi tới cái hối nhốt con sói, nói - Để tôi xem con sói cậu nuôi đã.
Trần Trận sợ mất vía, vội ngăn ông già: Bố uống trà đi.  Đừng xem làm gì.
Ông già trợn mắt nạt: Gần một tháng rồi, sao không cho tôi xem?
Trần Trận một liều ba bảy cũng liều, nói: Bố, con định nuôi con này lớn, lai lấy một đàn bec giê.
Ông già lửa giận bừng bừng, nói: Bậy bạ, bậy bạ hết!  Sói nước ngoài có thể cho phối giống với chó nhà, nhưng sói Mông Cổ thì không.  Sói Mông Cổ không bao giờ nhìn nhận chó nhà.  Giờ lại bảo phối giống? Có mà nằm mơ!  Đợi đấy, sói sẽ ăn thịt chó nhà cho mà xem.  Ông già càng nói càng cáu, bộ râu dê rung lên từng sợi: các cậu ngày càng chẳng ra làm sao.  Tôi sống trên thảo nguyên đã hơn 60 năm chưa nghe nói người nuôi sói.  Sói có nuôi được không?  Sói có chịu sống chung với chó không?  So với sói thì chó là cái thứ gì?  Chó ăn phân người, sói ăn xác người.  Chó sực phân người nên là nô lệ của người, sói ăn xác người, là thần linh dẫn linh hồn người lên trời.  Sói và chó khác nhau một trời một vực.  Vậy mà lại ghép đôi?  Nếu như người Mông Cổ ta ghép cho Long Vương người Hán một con lợn nái thì người Hán các cậu sẽ làm gì?  Mạo phạm thần linh, mạo phạm tổ tông người Mông Cổ!  Mạo phạm trời!  Các người rồi sẽ gặp báo ứng, ngay cả lão già ngày rồi cũng gặp báo ứng...
Trần Trận chưa khi nào thấy ông già giận dữ đến thế.  Con sói - thùng thuốc súng nổ rồi.  Tim cậu vỡ ra từng mảnh.  Ông già đã bộc lộ tính cánh sói..  Cậu sợ ông già đá tung hòn đá thì chân bị thương, giận nữa liền đập chết con sói.  Ông già miệng có gang có thép, càng nói càng dữ dằn, không cho ai ngắt lời: Lúc đầu tôi tưởng dám học sinh người Hán các cậu không hiểu luật lệ thảo nguyên, không biết những điều cấm kỵ, muốn có cái gì mới, chơi đùa vài hôm rồi thôi.  Sau đó nghe nói Đanchi cũng nuôi một con, lại còn định cho phối giống với chó nhà, vậy là nuôi đứt đuôi rồi còn gì.  Không được, hôm nay cậu phải xử lý nó trước mặt tôi...
Trần Trận biết mình đã đụng vào chuyện tày trời.  Hàng ngàn năm nay chưa bao giờ thảo nguyên nuôi sói.  Kẻ sĩ thà chịu chết chứ không chịu nhục.  Sói có thể giết có thể thờ nhưng không thể nuôi.  Ở nơi gan ruột của thảo nguyên, đất tổ của người Mông Cổ, nơi thờ phụng trời, thánh địa thờ phụng vật tổ, tông sư, chiến thần, hộ thần của người Mông Cổ, mà một thanh niên người Hán lại nuôi một con sói, thì quả là đại nghịch vô đạo!  Nếu như chuyện này xảy ra vào thời cổ đại, Trần Trận sẽ bị coi là kẻ dị giáo, chắc chắn bị tội bốn ngựa phanh thây rồi cho chó ăn.  Ngay thời bây giờ cũng bị coi là vi phạm chính sách của nhà nước đối với dân tộc thiểu số, tổn thương tình cảm dân tộc của dân thảo nguyên.  Nhưng điều mà Trần Trận sợ nhất là đã làm cho ông Pilich nổi giận, làm tổn thương tình cảm của ông, một ông già Mông Cổ đã dẫn dắt cậu đi sâu vào lĩnh vực tinh thần "tôtem sói" thần bí của người Mông Cổ, và ngay cả cái ổ sói cũng là do ông già chỉ vẽ từng tí mới đào được.  Cậu không còn cách nào bảo vệ quan điểm của mình.  Cậu ấp úng: Bố!  Ông già gạt phắt: Đừng gọi tôi là bố nữa!  Trần Trận van nài: Bố, con sai rồi, đó là con khong hiểu luật lệ Mông Cổ, xúc phạm đến bố... Bố, bố cho con biết phải xử lý với con sói đáng thương như thế nào.  Cậu khóc, nước mắt lã chã, ướt cả con sói và đám cỏ dưới chân.
Ông già sững người, nhìn Trần Trận chăm chú, nhất thời chưa biết nên xử lý như thế nào đối với con sói.  Ông biết rõ Trần Trận nuôi con sói không phải để phối giống, mà vì quá mê thảo nguyên.  Trần Trận là đứa con người Hán do ông chỉ bảo từng li từng tí, cậu ta say mê thảo nguyên hơn cả lớp thanh niên Mông Cổ bây giờ.  Vậy mà chính Trần Trận đã phạm một tội mà ông không thể tha thứ, một việc mà ông chưa từng gặp, chưa từng xử lý.
Ông già ngửa mặt lên trời, than thở: Tôi biết thanh niên người Hán các cậu  không tin thần thánh, không quan tâm tới hồn phách của mình.  Tuy hơn hai năm nay cậu ngày càng thích thảo nguyên và sói, nhưng cậu chưa hiểu tôi.  Tôi già rồi, mỗi năm một yếu.  Thảo nguyên gian khổ, rét buốt.  Người Mông Cổ suốt đời đánh nhau như người rừng, người già Mông Cổ bệnh tật đầy mình, không sống nổi.  Tôi cũng chỉ vài năm nữa là lên chầu trời.  Sao cậu lại nuôi người sẽ dẫn ta lên trời trong một cái ổ chó?  Cậu làm vậy là tôi có tội, trời có thể không nhận linh hồn tôi, mà quảng tôi xuống địa ngục phía dưới sa mạc Gôbi.  Trên thảo nguyên mà ai cũng như cậu đối xử với sói như nô tài thì linh hồn người Mông Cổ đi đâu về đâu?
Trần Trận khẽ khàng giải thích: Bố, con đối xử với sói như nô tài ở chỗ nào? Chính con đã trở thành nô tài thì có.  Con hàng ngày hầu hạ sói chẳng khác hầu hạ các vương công Mông Cổ, vắt sữa cho ăn sữa, nấu cháo cho ăn cháo, ninh thịt cho ăn thịt.  Sợ sói lạnh, sợ sói ốm, sợ sói bị  chó cắn, bị người đánh, sợ bị  đại bàng cắp đi, sợ sói mẹ tha đi, ngủ cũng không ngon giấc.  Ngay cả Cao Kiện Trung cũng bảo con là nô lệ.  Bố biết đấy, con là người Hán sùng bái sói nhất.  Ông trời sẽ thấy, ông trời rất công bằng sẽ không bắt tội bố.
Ông già lại hơi sững.  Ông biết những lời Trần Trận đều rất thật.  Nếu như cậu cung phụng sói như cung phụng thần linh hoặc vương công Mông Cổ, thì như vậy là mạo phạm thần linh hay tôn kính thần linh?  Ông rất khó nói sao cho phải.  Dù cách thức không phù hợp với quy củ người Mông Cổ, nhưng tấm lòng của cậu ta là chân thành.  Người Mông Cổ rất coi trọng tấm lòng.  Ánh mắt như sói dịu lại, Trần Trận hi vọng tranh thủ được ông già thông mình phá lệ cho cậu thanh niên người Hán mà tha mạng cho một sinh linh bé nhỏ mới được hơn hai tháng.
Thoáng chút hi vọng, Trần Trận gạt nước mắt thở ra một hơi, cố nén tâm trạng bấn loạn, nói: Bố, con nuôi sói là để tìm hiểu tính cách và phẩm hạnh của sói thảo nguyên, muốn biết vì sao sói lợi hại, thông minh, vì sao dân tộc thảo nguyên sùng bái sói đến thế.  Bố không biết người Hán ghét sói ghê gớm, gọi kẻ ác nhất, thâm độc nhất là sói, kẻ tàn bạo nhất là dữ như sói, gọi kẻ chà đạp phụ nữ nhất là quân háo sắc như sói, gọi kẻ có dã tâm nhất là lòng lang dạ sói.  Người lớn còn doạ trẻ con: Sói đến đấy!
Trần Trận thấy ông già không dễ sợ như lúc nãy, mạnh dạn nói tiếp: Trong con mắt người Hán, sói là con vật xấu xa nhất, hung dữ nhất, tàn ác nhất.  Nhưng người Mông Cổ thì lại thờ sói như thần, sống học tập sói, chết cho sói ăn thịt.  Lúc đầu cũng không hiểu vì sao.  Hơn hai năm trên thảo nguyên, nếu không có bố thường xuyên dạy dỗ, kể chuyện và giới thiệu đạo lý về sói, thường xuyên dẫn con đi quan sát sói, săn bắt sói, thì con đã không mê sói đến như thế, không hiểu được nhiều điều như thế.  Nhưng con cho rằng, quan sát sói từ xa thì không hiểu hết sói.  Tốt nhất là nuôi một con sói nhỏ, quan sát gần, hàng ngày đánh bạn với nó.  Hơn một tháng nuôi con sói, quả là con biết được rất nhiều thứ mà trước kia không biết.  Con ngày càng thấy rằng sói là loài động vật đáng nể, đáng cho con người sùng bái.  Nhưng hiện nay có quá nửa số thanh niên trí thức chưa chịu thay đổi cách nhìn về sói.  Họ ở trên thảo nguyên mà vẫn không hiểu sói thì hàng trăm triệu người dưới xuôi chưa từng lên thảo nguyên làm sao hiểu được?  Sau này người Hán lên thảo nguyên càng nhiều, diệt hết sói thì thảo nguyên sẽ như thế nào?  Người Mông Cổ gặp hoạ, người Hán gặp càng lớn hơn.  Con không thể để thảo nguyên đẹp đẽ này bị hủy hoại...
Ông già thôi không nhìn Trần Trận bằng ánh mắt u uất, ông nói, giọng trầm trầm: Với lại, cậu nuôi sói con, thế nào cũng dụ sói mẹ tới cùng với đàn sói.  Sói thảo nguyên Ơlon nổi tiếng về bảo vệ sói con.  Mũi chúng rất thính.  Tôi đoán nó thể nào cũng về đây để báo thù.  Sói Ơlon chuyện gì cũng dám làm.  chuyện đã xảy ra với đội ta có ít đâu.  Nếu như xảy sự cố lần nữa, lão U và các cán bộ làm sao ngóc đầu lên nổi?  Nếu đàn sói nhắm vào đàn cừu của cậu, thừa dịp giết chết quá nửa, vậy cái tội nuôi sói gọi sói về hủy hoại tài sản tập thể, cậu ngồi tù là cái chắc.
Trần Trận vừa nhẹ nhõm được phân nửa tâm tư, giờ lại nặng trĩu.  Bản thân chuyện nuôi sói trong vùng dân tộc thiểu số đã vi phạm chính sách, giờ lại nuôi sói bên cạnh đàn cừu, chẳng phải cố  ý phá hoại sản xuất thì là gì?  Nếu liên hệ với cậu vấn đề "đi theo con đường tư bản chủ nghĩa" của bố cậu, dứt khoát lại trở thành chuyện lập trường tư tưởng, và lại liên can đến nhiều người.  Trần Trận bất giác tay run bắn, xem ra hôm nay cậu  không tránh khỏi đích thân đưa con sói về trời.
Ông già giọng đã dịu: Bao Thuận Quý lên chức.  Ông ta là người Mông Cổ nhưng đã mất gốc từ lâu.  Ông ta ghét sói còn hơn người Hán, không diệt sói thì không giữ được chức.  Cậu xem, liệu ông ta có cho cậu nuôi không?
Trần Trận cố vwost vát lần cuối, cậu nói: Bố có thể nói với ông ta một câu được không? Nói là nuôi sói để diệt sói tốt hơn, đây là thực nghiệm khoa học.
Ông già nói: Chuyện này thì cậu phải gặp ông ta mà nói.  Hôm nay ông ta đến ở trong nhà tôi, mai cậu gặp.  Ông già đứng lên ngoảnh lại nhìn hòn đá, nói: Cậu nuôi sói không sợ lớn lên nó cắn cừu, cắn cậu, cắn những người khác/  Răng sói rất độc, bị cắn rất dễ chết.  Hôm nay tôi không xem con sói nữa, thấy nó tôi không chịu được.  Nào, đi sửa xe.
Lúc sửa xe, ông già không nói một câu.  Trần Trận chưa chuẩn bị về mặt tâm lý nếu phải hành quyết con sói, nhưng cậu không muốn làm phiền thêm ông già và ông Ulichi vốn đã không ít khó khăn...
Ông già Pilich và Trần Trận sửa xong hai cỗ xe bò kéo, lúc sang cỗ thức ba bỗng ba con chó sủa ầm lên.  Bao Thuận Quý và Ulichi một trước một sau phóng ngựa tới.  Trần Trận vội nạt lũ chó.  Bao Thuận Quý nói với ông Pilich: Nhà bảo tôi ông đến đây, tôi đang muốn xem con sói của cậu Trận, ủy ban quyết định lão U ở cùng ông.  Đám trên ủy ban suýt nữa đưa lão U về đội xây dựng cơ bản làm lao động chân tay.
Trần Trận tim đập như trống làng, trên thảo nguyên tin đồn nhanh hơn ngựa.
Bao Thuận Quý nói: Chuyện tìm ra bãi chăn mới rúng động lãnh đạo huyện, trên ấy rất quan tâm chuyện này, chỉ thị chúng ta phải hoàn thành trong năm nay.  Thêm một bãi chăn lớn bằng ngần ấy, chắc chắn tăng gấp đôi đầu gia súc, quả là chuyện tốt lành.  Chuyện này do hai ông khởi xướng, nên để lão U ở cùng ông, có gì hai người tiện bàn bạc, nghiên cứu.
Ông già nói: Chuyện này do lão U khơi ra, lúc nào lão U cũng nghĩ tới mục trường.
Bao Thuận Quý nói: cái đó thì đã hẳn.  Tôi đã hỏi ý với lãnh đạo, mọi người mong lão lấy công chuộc tội.
Ulichi cười nhạt: Bàn công với tội làm gì.  Vào sự việc cụ thể đi.  Đường xa, di chuyển khó khăn, ủy ban nên điều ô tô và hai máy kéo đến giúp đội.  Điều cho một số lao động sửa đường...
Bao Thuận Quý nói: Tôi đã triệu tập cán bộ đội tối nay họp, khi ấy ta sẽ bàn.  Bao Thuận Quý ngoảnh lại bảo Trần Trận: Hai bộ da cậu đưa lên tôi đã cho thợ thuộc, gửi biếu lãnh đạo cũ của tôi rồi.  Ông vui lắm, không ngờ thanh niên trí thức Bắc Kinh lại diệt được hai con sói to như thế, khá lắm, ông nhờ tôi chuyển lời cám ơn cậu.
Trần Trận nói: Sao ông lại bảo là cháu bắt được, chó bắt đấy chứ.  Cháu không dám cướp công của chó.
Bao Thuận Quý vỗ vai Trần Trận, nói; Chó của cậu bắt tức cậu bắt.  Xưa nay công lao của cấp dưới vẫn được ghi cho cấp trên, đó là truyền thống vẻ vang của quan đội ta.  Nào, cho tôi xem con sói của cậu!
Trần Trận đưa mắt nhìn ông già Pilich, ông già không nói gì.  Cậu vội nói: Cháu không định nuôi nó nữa.  Nuôi sói là vi phạm phong tục tập quán của dân du mục, và cũng rất nguy hiểm, nếu đàn sói kéo đến thì trách nhiệm này cháu chịu sao nổi.  Cậu vừa nói vừa bê hòn đá và cái thớt ra chỗ khác.  Dưới hố, con sói béo mũm mĩm đang trèo lên, thấy phía trên có nhiều người, nó nép vào một góc gầm gào nhưng bốn chân thì run bần bật.  Bao Thuận Quý mắt sáng lên, lớn tiếng khen: Chà, con sói mới to chứ!  mới nuôi có hơn tháng mà đã lớn gấp đôi những con cậu nộp lên, biết thế để các cậu nuôi tất, lớn lên hãy lấy da có tốt không, chỉ hơn chục con đã được một áo khoác ngoài.  Các vị coi, bộ lông con này mới đẹp làm sao, mượt như nhung, dày hơn những con chưa cai sữa...
Trần Trận mặt buồn rười rượi: Có lẽ cháu không nuôi nổi.  Nó ăn kinh lắm, mỗi ngày một chậu to cháo thịt, lại còn một bát sữa.
Bao Thuận Quý nói: Sao cậu tính không ra nhỉ? Sang năm các đội không được giết ngay, lớn gấp hai gấp ba hãy giết.
Ông Pilich cười nhạt: Đâu ngon ăn thế.  Trước khi cai phải cho  nó tí sữa chó.  Sói nhiều thế kiếm đâu ra chó cái để cho bú?  Bao Thuận Quý nghĩ lại, nói: ừ nhỉ, có chuyện thế thật.
Trần Trận thò tay xách cổ con sói lên.  Nó quẫy đạp, cào cấu lung tung trong khoảng không.  Quả thực sói sợ người từ trong máu, cùng lắm mới cắn trả.
Trần Trận đặt con sói xuống đất.  Bao Thuận Quý tay nắn nắn con sói: Đây là lần đầu tiên tôi sờ vào một con sói sống, béo ra béo, tuyệt!
Ulichi nói: Cậu Trận này, xem ra hơn một tháng nay công sức của cậu bỏ ra không uổng.  Sói con trên núi chưa lớn bằng sói cậu nuôi.  Cậu nuôi tốt hơn sói mẹ. Từ lâu đã nghe nói cậu mê sói, gặp ai cũng gạ kể về sói.  Không ngờ cậu còn nuôi sói, này, cậu có tẩu hỏa nhập ma không đấy?
Ông Pilich nhìn mê mẩn con sói con. Ông cất tẩu thuốc, dùng bàn tay quạt cho khói ở miệng hang bay đi, nói: Tôi ngần này tuổi đầu lần đầu tiên thấy sói nuôi, mà lại béo tốt.  Cậu Trận này quả có chí, khi nãy cứ xin tôi mãi.  Nhưng mà nuôi sói bên cạnh đàn cừu thì có trái khoáy không?  Nếu hỏi mục dân trong đội, chẳng ai đồng ý cho cậu ấy nuôi.  Nhân có hai ông ở đây, tôi nghĩ, cậu ấy đã có chủ ý nghiên cứu khoa học, ý kiến hai ông ra sao?
Bao Thuận Quý vốn rất khoái chuyện nuôi sói, suy nghĩ một thoáng, nói; Giết con sói này cũng tiếc, chỉ một bộ da nó thì chưa được việc.  Nuôi từ khi chưa cai sữa mà lớn như thế đâu có dễ.  Theo tôi thì cứ để cho cậu ấy nuôi thử, giải thích là làm thực nghiệm khoa học thì cũng xuôi.  Mao chủ tịch nói: Nghiên cứu kẻ thù để đánh thắng kẻ thù.  Tôi cũng đang suy ngẫm về sói, sau này còn phải đến thăm con sói này nhiều lần.  Nghe nói cậu còn định cho phối giống để lai tạo giống chó bec giê phải không?
Trần Trận gật: Vâng, nhưng bố Pilich nói không được.
Bao Thuận Quý hỏi Ulichi: Chuyện này đã làm bao giờ chưa?
Ulichi nói: Dân thảo nguyên sùng bái sói, làm gì có chuyện cho sói phối giống với chó.
Bao Thuận Quý nói: Cũng để thử coi, thực nghiệm khoa học mà lại!  Nếu như lai được giống bec giê Mông Cổ, chưa chừng lại tốt hơn bec giê Liên Xô.  Sói Mông Cổ lợi hại nhất so với các loài sói trên thế giới, nếu lai tạo được chắc chắn là tốt.  Chuyện này chắc quân đội rất khoái, nếu thành công, khỏi mất ngoại tệ mua của nước ngoài.  Mục dân Mông Cổ có bec giê sói trông cừu, chắc sói không dám bén mảng tới.  Thế này nhé, từ nay nếu mục dân có nói gì, các ông cứ bảo là đang thực nghiệm khoa học.  Có điều cậu Trận phải nhớ bảo đảm an toàn.
Ulichi nói: Ông Quý cho nuôi thì cậu nuôi thử.  Có điều, tôi cảnh báo cậu, lỡ xảy ra chuyện gì cậu phải chịu trách nhiệm.  Đừng để liên lụy đến ông Quý.  Tôi thấy như vầy quá nguy hiểm, phải kiếm cái xích xích nó lại, không cho nó cắn người và cừu.
Bao Thuận Quý nói: Đúng, không được để cắn người, cắn người  là tôi bắn chết.
Trần Trận bối rối tới mức tim cậu suýt nhảy ra khỏi lồng ngực, luôn miệng hứa: Nhất định là như thế!  Nhưng còn một chuyện mong các ông giúp: cháu biết mục dân phản đối nuôi sói, các ông nói hộ cháu một câu.
Ulichi nói: Ông bố cậu nói hơn bọn tôi, ông nói một câu bằng bọn tôi nói trăm câu!
Ông già lắc đầu, nói: Tôi dạy chệch mất rồi, đây là lỗi tại tôi, để tôi dàn xếp vậy.
Ông già bỏ lại túi đồ nghề cho Trần Trận, dong xe trở về.  Bao Thuận Quý và Ulichi cũng lên ngựa kéo theo xe bò, đi luôn.

Trần Trận vui mừng như người vừa ốm khỏi, đến nỗi thần kinh chùng lại, chân tay rã rời như lúc ngồi  bên hang sói.  Cậu ôm  chặt con sói chặt đến nỗi nó nhe răng định cắn.  Cậu vội gãi tai cho nó.  Gãi đúng chỗ ngứa, con sói xử nhũn ngay lập tức.  Nó nhắm mắt, miệng hé mở, vươn đầu vươn vai đón Trần Trận, toàn thân run lẩy bẩy như bị chứng liệt rung. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét