Thế Dân (Đường Thái Tôn - người dẫn chú) từ khi khởi binh đến nay, trải qua mười trận đánh luôn dẫn đầu quân sĩ thúc ngựa vào sâu trong lòng địch, bao hiểm nguy mà không một lần bị thương vì cung tên.
...
... Thế Dân tự tay giết mấy chục người, hai đao đều sứt mẻ, máu đầy tay áo, hong khô đánh tiếp. Binh sĩ lại hăng hái tiến lên.
...
Hoàng thượng (Đường Thái Tôn - người dẫn chú) nói: "... đạo dùng binh, thấy lợi phải tiến nhanh, thấy bất lợi phải rút nhanh."
Tư Mã Quang "Tư trị thông giám, Quyển 190"
Như trên. Quyển 184"
Như trên. Quyển 196"
Sau mấy trận mưa lớn, sông suối vùng Ơlon đầy ắp nước, diện tích mặt hồ mở rộng, bãi cỏ bên hồ biến thành chỗ trũng cho hàng vạn vịt con tập bay và săn mồi. Đồng thời nạn muỗi ập tới thảo nguyên vùng biên.
Với thanh niên trí thức Bắc Kinh, nạn muỗi còn đáng sợ hơn tuyết lớn, cỏ sạch, bão tuyết, hỏa hoạn. Muỗi vùng Ơlon nhiều như không khí, bất cứ đâu mũi đều hít phải muỗi. Nếu không đội mũ chống muỗi, đứng bất cứ đâu mũi đều hít phải muỗi. Đồng cỏ phía đông và quãng giữa giáp biên giới là nơi muỗi nhiều nhất, dày đặc nhất, điên cuồng nhất trên thế giới. Vùng này nhiều sông hồ, cỏ mọc dày và rậm, đặc biệt có rất nhiều hang rái cá cạn để muỗi yên ổn qua mùa đông. Muỗi tha hồ hút máu sói, máu người, máu bò máu cừu máu ngựa, và máu thỏ máu rắn máu cáo máu rái cá máu dê vàng. Gần đây, đàn muỗi hút máu sói đã hành hạ một thanh niên trí thức mười sau tuổi đến mất trí, phải đưa về Bắc Kinh. Những đàn muỗi hút nhiều máu sói, tính hoang dã còn điên cuồng hơn sói, bu vào tất cả những con vật bất kể máu nóng máu lạnh trên thảo nguyên.
Ở bãi chăn mới, trước đó muỗi đã yên ổn qua mùa đông, nên nạn muỗi ở đây càng nghiêm trọng.
Buổi chiều, Trần Trận nằm trong màn đọc sách một lúc bèn đội lên đầu chiếc mũ chống muỗi vốn là mũ của người nuôi ong bước ra ngoài căn lều bị bít kín, ra chỗ con sói bị đàn muỗi bao vây. Đây là giờ phút đàn muỗi chuẩn bị tổng công kích trong ngày, vừa ra khỏi lều, Trần Trận đã rơi vào một không khí khủng bố đầy tiếng vo vo như thời chiến.
Muỗi vàng Ơlon to lớn, mang trí tuệ sói nhưng liều mạng hơn sói. Ngửi thấy mùi động vật là chúng lao tới chích, không chần chừ, không thăm dò, không hề có chiến lược chiến thuật, bay tới như phi tiễn phi trâm, mặc dù bị phất trần bằng lông đuôi ngựa, đuôi bò quật chết vô số, vẫn ào tới như đàn ong. Những đàn tiếp theo say máu, càng điên cuồng hung hãn.
Khung màn che trước mắt Trần Trận khoảng một thước vuông, loáng cái đã bu đầy muỗi vàng. Cậu chớp mắt điều chỉnh tiêu cự, thấy mỗi mắt vải là một con muỗi thò vòi vào bên trong như những kim tiêm, dùng phất trần lông đuôi ngựa quét mạnh một nhát, vài chục con muỗi rơi xuống, nhưng chỉ chớp mắt miếng vải che lại đã bâu kín, đành phe phẩy như quạt mới nhìn thấy mọi vật trước mặt. Trần Trận ngẩng nhìn trời, đàn muỗi như đang chuẩn bị tác chiến, bay dày đặc trên đầu cậu chỉ cách không đến hai mét, thảo nguyên như bùng lên ngọn lửa chiến, bao trùm một lớp như khói vàng, Trần Trận nghĩ, thật sự đáng sợ trên thảo nguyên chưa phải "khói sói" mà phải là "khói vàng" do đàn muỗi tạo nên. Mùa này, người và gia súc trên thảo nguyên thật sự bước vào cuộc chiến tranh với muỗi.
Trần Trận quan sát thật kỹ đàn muỗi để chuẩn bị cho phiên gác đêm. Cậu nhận ra hôm nay không những nhiều muỗi, mà con muỗi cũng to lạ. Chúng bay, không nhìn thấy cánh mà chỉ thấy thân muỗi màu vàng.
Con ngựa bạch của Trần Trận không dám ăn cỏ từ lâu. Lúc này nó đứng trên khoảng trống trong chuồng sói. Chỗ này không có cỏ, mặt đất phủ đầy phân bò, muỗi tương đối ít, nhưng vẫn bu đầy như trấu trên mình ngựa. Con ngựa thấy chủ dùng phất trần đuổi muỗi thì cà nhắc cà nhót đi tới. Trần Trận vội bước lên giúp ngựa cởi dây da cột chân, dắt ngựa ra chỗ xe bò muỗi ít hơn, phủ lên lưng ngựa tấm vải lót yên. Con ngựa luôn lắc đầu, dùng đuôi đuổi muỗi ở bụng, hai chân và trên lưng, còn như phía trước thì dùng mõm đối phó. Hàng triệu con muỗi dùng hai chân trước vạch lông ngựa, thò vòi hút máu, chỉ lát sau bụng muỗi tròn căng, trên mình ngựa như mọc lên những hạt cẩu kỷ tử đỏ lựng. Con ngựa bạch vẫn quật đuôi, mỗi nhát quật, đuôi ngựa bê bết máu. Đuôi ngựa quả thực có tác dụng vô cùng to lớn trong phạm vi thế lực của nó. Con ngựa bạch giờ đã thành con ngựa hồng mình đầy máu như vừa đánh nhau với đàn sói trở về.
Trần Trận dùng phất trần vụt mạnh lên lưng và hai chân trước đuổi muỗi cho ngựa. Con ngựa cảm động nhìn chủ gục gặc đầu. Đàn muỗi hết lớp này đến lớp khác, trên mình ngựa lúc nào cũng bu như trấu, như rắc lên một lớp cẩu kỷ tử.
Trần Trận rất nhớ sói con, vội chạy về chuồng sói. Cái hang nước đầy một nửa, sói con không thể chui xuống tránh muỗi. Lông mỏng, nó không còn cách nào chống muỗi tiêm chích. Nhưng chỗ lông thưa hoặc không có lông như mũi tai đầu bụng và cả bốn bàn chân lộ ra. Sói con lúc này đã bị đàn muỗi hành cho phát điên. Đàn muỗi thảo nguyên hình như phát hiện máu sói bổ nhất, nên bu tới như một đám khói vàng dày đặc. Sói con lăn lộn trên mặt đất, đến lúc không chịu nổi thì điên cuông nhảy nhót, nhảy mệt không dám thè lưỡi, sợ muỗi chui vào họng. Lát sau, sói con nằm sấp, hai chân sau ít lông gặp dưới bụng, hai chân trước che mũi. Trần Trận không ngờ tiểu bá vương mà bị muỗi làm cho nhếch nhác đến thế, y như hành khất bị đòn. Nhưng mắt sói thì vẫn rất có thần, ánh mắt biểu thị một sức mạnh quật cường không dễ khuất phục.
Trời ngày càng oi bức, đàn muỗi bay trên đầu bị khí áp thấp dồn nén không tản đi. Trần Trận dùng phất trần đuổi muỗi cho sói con và dùng tay vuốt muỗi trên đầu trên người nó, mỗi cái vuốt là một nắm "trấu", mỗi cái vuốt là tay đầy máu. Trần Trận thấy xót xa quá. Máu này cậu phải đổi bằng thời gian và tâm huyết. Sói con sung sướng liếm máu nó trên tay cậu, lại còn tì vào đầu gối cậu để gãi ngứa, đầu gối cậu dính đầy lông sói thấm máu. Sói con thực sự coi Trần Trận là cứu tinh, bám chắc không buông, ánh mắt cảm kích. Trần Trận lại nghĩ tới đàn sói bên ngoài. Thử so sánh, cỏ ở khu lều trại thì đã gặm hết, còn trảng cỏ trong núi muỗi càng nhiều, đàn sói nhất định khổ hơn sói con: chui vào hang, đàn muỗi vào theo; chạy xuôi gió, nhưng trước mặt vẫn có đàn muỗi khác. Rái cá cạn không bắt được, cứ cho là bắt được một ocn, không đủ bù cho tổn thất do muỗi hút máu gây ra. Ông già Pilich nói: Sau nạn muỗi là nạn sói, đàn muỗi biến đàn sói thành sói đói, sói điên, người và gia súc sẽ lãnh đủ. Thảo nguyên sợ nhất hai tai hoạ cùng lúc ập đến, nhất là nạn muỗi và nạn sói. Những ngày này mọi người bàng hoàng.
Sói con rõ ràng quá mỏi mệt nhưng không bị gầy đi. Mỗi ngày đêm nó không biết bị muỗi hút mất bao nhiêu máu, lại còn phải tăng cường vận động một cách vô bổ. Trước nạn muỗi hoành hành, sói con càng ương bướng những cuộc oanh tạc của đàn muỗi không mảy may ảnh hưởng tới sức ăn và khẩu vị của nó. Nạn muỗi cuối hè khiến đàn gia súc bị bệnh tăng, Trần Trận luôn đem cừu chết về nuôi sói con. Sói con ăn gấp đôi để chống trả sự bóc lột quá đáng của đàn muỗi và sự giày vò về tinh thần do muỗi gây ra. Trong tai họa, sói con vẫn lớn vẫn béo. Trần Trận như một gia trưởng dễ tính, không bắt buộc hoặc khuyên nhủ con cái học hành. Sói con chỉ cần cậu làm tốt một việc: Bữa nào cũng no. Chỉ cần có thịt ăn có nước uống, tai hoạ tày trời sói con cũng chịu đựng được, hơn nữa, ngày nào cũng có thành tích để báo cáo. Trần Trận nghĩ, người nào đã từng nuôi sói, có lẽ không bao giờ yêu cầu quá cao đối với con mình, không nên nói "mong con thành rồng", mà ngay "mong con thành sói" cũng đã quá tầm với, quá viển vông.
Sói con nhảy dựng lên như mắc bệnh tâm thần, không hiểu có con muỗi vàng nào chui vào chỗ bụng dưới, chích một phát vào chim khiến nó đau điếng, phải thay đổi tư thế tránh muỗi: giơ cao chân sau, rúc đầu vào bụng dưới dùng răng gãi chim. Nhưng nó vừa giơ cao chân sau, lập tức mấy trăm con muỗi đói hè nhau chui vào đậu kín bụng dưới khiến sói con thiếu nước cắn đứt cái ấy.
0O0
Trần Trận để sói con ở nhà, cậu cầm liềm, cõng sọt đan bằng cành liễu, rảo bước đến Khe Tây cắt ngải. Năm xưa muỗi ít, Trần Trận có lần đi cùng Caxumai cắt ngải. Sau khi chuyển đến bãi chăn mới, mưa nhiều, Trần Trận đã biết những nơi nào có ngải. Mưa nhiều dẫn đến đại hoạ muỗi, và cũng đem lại cho thảo nguyên từng đám ngải xanh tốt. Đàn muỗi bước sang giai đoạn hung hãn nhất cũng là lúc cây ngải toả mùi ngào ngạt. Trần Trận ngẩng nhìn trời, cậu nghĩ, nếu như không có cây ngải thì dân tộc thảo nguyên làm sao trụ lại trên thảo nguyên?
Lũ chó sợ muỗi không đi theo, đều nằm dưới cỗ xe bò tránh muỗi, tránh nắng. Trần Trận đi về phía Khe Tây, cậu trông thấy đàn cừu của tổ ăn cỏ trên mỏm núi thuận gió ít cỏ nhiều đá, chỉ ở đó, đàn cừu mới được đảm bảo. Các dương quan đều đội mũ chống muỗi, tuy nóng đến tức thở, nhưng không ai dám bỏ mũ ra.
Dưới khe cỏ rậm gió không lọt, muỗi nhiều, Trần Trận mồ hôi đầm đìa, áo ngoài bằng vải thô ướt một mảng lớn. Những con muỗi to chọc vòi qua làn vải cứng, chọc không vào, rút không ra. Thế là trên quần áo Trần Trận có những con muỗi bay tại chỗ vì vòi bị kẹt ở đấy. Cậu cũng không buồn lôi chúng ra, kệ cho chúng bay đến kiệt sức mà chết, nhưng chỉ lát sau bả vai đau nhói, đập một phát, bàn tay có bông hoa máu.
Bước gần bãi ngải, quả nhiên muỗi ít hẳn đi, những cây ngải cao hơn một mét, thân cành màu xanh xám, mặt lá có lớp lông tơ mịn. Cây ngải vị đắng, bò cừu ngựa không ăn, do vậy mọc tràn lan. Trần Trận thấy những bụi ngải rậm mà cao thì cảnh giác đi chậm lại, nắm chắc chuôi liềm, hạ thấp người xuống chuẩn bị đối phó. Những dương quan có tuổi thường nhắc nhở đám thanh niên trí thức, rằng sói trốn muỗi thường đánh lăn để hương ngải thấm vào người, tạo nên một thứ áo giáp chống muỗi.
Không đem theo chó nên Trần Trận không dám vào sâu. Cậu quát lên hai tiếng, đợi một lát rồi chậm rãi bước vào đám ngải. Trần Trận như gặp cỏ tiên, xông vào những bụi rậm nhất mà cắt, nhựa bám xanh cả lưỡi liềm. Không khí sặc mùi ngải cứu. Cậu há miệng ra thở, mong lục phủ ngũ tạng được hương ngải bao bọc.
Trần Trận cắt đầy một sọt những cây ngải cả cành lẫn lá, rảo bước về nhà. Cậu bứt một nắm lá ngải non chà lên mu bàn tay, quả nhiên chỗ duy nhất lộ ra mà không bị muỗi đốt.
Về đến nhà, Trần Trận khơi to lửa trong lò bỏ vào rất nhiều phân khô, lôi trong sọt đan bằng cành liễu bảy tám cái chậu vỡ, chọn lấy cái to nhất bỏ vào mấy cục phân khô cháy đỏ rồi bỏ một nắm lá ngải lên trên. Một làn khói trắng sặc mùi ngải cứu bay lên.
Trần Trận bê chậu khói đặt ở chỗ đầu gió chiếu theo chuồng sói con. Gió thổi nhẹ, khói trắng trùm lên chuồng sói con. Trên thảo nguyên, ngải là khắc tinh của muỗi vàng, khói ngải bay đến đâu muỗi bỏ chạy đến đó, đang hút máu dở cũng rút vòi bỏ chạy. Trong nháy mắt, quá nửa đàn muỗi trong chuồng đã mất dạng.
Khói ngải đã giải vây cho sói con, nhưng sói con tá hỏa tam tinh khi thấy lửa và khói trắng. Nó run lẩy bẩy, ánh mắt sợ sệt, nhảy như choi choi, lùi ra tận mép chuồng phía sau cho đến khi căng xích mới dừng lại nhưng vẫn nháo nhác. Sói con cũng như sói đàn sợ lửa sợ khói, sợ đến nỗi quên cả muỗi đốt, chạy bán chết tránh xa khói. Trần Trận đoán thảo nguyên ngàn năm thường xuyên bị lửa và khói tập kích. Trong cơ thể sói con có dòng máu di truyền sợ khói sợ lửa của tổ tiên. Trần Trận lại thêm một nắm lá ngải, dịch cái chậu cho khói trùm lên sói con. Cậu phải luyện cho sói con quen với khói lửa, đó là biện pháp duy nhất giúp nó chống được muỗi. Trên đồng hoang, sói mẹ dẫn con lên núi hoặc rúc vào bụi ngải tránh muỗi, còn ở khu lều trại, Trần Trận đảm nhiệm vai trò của sói mẹ, dùng khói ngải đuổi muỗi cho sói con.
Khói trắng cuồn cuộn, sói con giằng giật gần như bị nghẹt thở nhưng Trần Trận không vì thế mà mềm lòng, tiếp tục thêm lửa, thêm ngải, cuối cùng sói con mệt quá bất động, đành run rẩy trong khói trắng. Sói con tuy sợ khói trắng, nhưng hình như nó nhận thấy dễ chịu dần, tiếng vo vo của đàn muỗi bao vây nó mấy ngày đêm đã biến mất, những con trùng biết bay đáng ghét không thấy nữa. Nó cảm thấy kỳ quặc quay đầu nhìn tứ phía, lại cúi xuống nhìn bụng, lũ côn trùng nhỏ đốt nó giãy nảy cũng không biết đi đâu. Sói con ngạc nhiên mừng rỡ, tinh thần phấn chấn hẳn lên.
Khói trắng tiếp tục tuôn ra, sói con chỉ cần nằm co là đủ. Nhưng trong chậu đột nhiên loé lửa, sói con sợ chạy ra phía sau, chỗ không đúng luồng khói, đàn muỗi lập tức tấn cong khiến nó lại nhảy dựng lên cuống quýt che mặt, gần như không chịu đựng nổi, vùng chạy quan chuồng mười mấy vòng thì tốc độ chậm dần, hình như nó nhận ra có chỗ muỗi nhiều, chỗ muỗi ít, chỉ cần chạy vào làn khói, muỗi bám trên người lập tức bay hết; chỉ cần ra khỏi làn khói, đảm bảo mũi bị luôn mấy phát. Sói con tròn mắt ngạc nhiên nhìn khói trắng, đồng thời ngày càng dừng lại lâu hơn ở chỗ có khói trắng, nó chuyển hướng nhanh như chớp thăm dò sự vật mới, nhưng nó vẫn còn sợ khói, vẫn còn chần chừ khi từ vùng không khói chạy vào vùng khói.
Mấy con chó lớn trước sau nấp dưới cỗ xe bò phát hiện khói trắng rất nhanh. Chó lớn ở thảo nguyên đều biết công dụng của ngải. Mắt rực sáng, chúng dẫn đàn chó nhỏ chạy tới hong khói. Vừa vào trong luồng khói, những con muỗi trên người lập tức biến mất. Chó lớn bắt đầu chọn chỗ khói không đậm không nhạt nằm dài ra, coi như được ngủ bù. Lũ chó cún chưa được hưởng khói lá ngải bao giờ, ngây thơ tranh nhau nhảy vào giữa làn khói, vui mừng, hớn hở và cũng tranh nhau chỗ nằm. Lát sau trên cái chuồng chật hẹp có sáu con chó nằm đấy, khiến sói con cứ trố mắt nhìn.
Sói con rất phấn khởi, mắt nhắm tít, miệng trễ ra, đuôi dựng lên. Ngày thường nó năm lần bảy lượt thật lòng mời lũ chó đến chỗ nó chơi nhưng bọn chó không nhận lời. Hôm nay bỗng tất cả không mời mà đến, ngay cả Ilua vốn ghét nó cũng đến, khiến sói con vô cùng hả hê, coi như được năm, sau rái cá cạn cũng không vui bằng. Sói con nhất thời quên sợ. Nó xông vào giữa làn khói trèo lên lưng Ilua mà nhảy múa, lúc thì ôm con cún cái lăn lộn đùa rỡn. Sói con cô đơn bỗng có cả một gia đình lớn. Nó như được tất cả thành viên trong gia đình đến thăm, mừng quá, muốn ôm hôn cho đã, ngửi và liếm cho đã. Trần Trận chưa bao giờ thấy sói con vui vẻ đến như thế, mắt cậu nhoè đi...
Chó nhiều khói ít, khói ngải xem ra không đủ. Sói con vốn là chủ nhân, nay tự dưng biến thành khách, bị lũ chó chen bật ra. Lũ cún đang tranh nhau chỗ nằm, hai con cún đực không khách khí gì cả, dùng mũi hất luôn sói con ra vòng ngoài. Sói con hơi bực, nó chịu để muỗi đốt, ngồi đó chăm chú nhìn lũ chó. Chỉ lát sau, nó chợt hiểu ra, câu hỏi trong mắt không còn nữa: lũ chó vì làn khói chứ không phải vì nó mà đến. Làn khói mà nó sợ ấy không phải là mảnh đất cho lũ muỗi đáng ghét mặc sức hoành hành, mà là tạo nên cho riêng nó. Từ chỗ không biết gì, sói con cảm thấy thiệt thòi quá, nó nổi điên nhảy xổ vào giữa chuồng như khi tranh nhau thịt, đuổi hai con chó đực. Một con cún lì lợm không chịu đi. Sói con thô bạo cắn tai lôi ra ngoài, con cún đực bị đau kêu ăng ẳng. Cuối cùng, sói con giành được một chỗ khói ngải không đặc không loãng, khoan khoái nằm xuống thụ hưởng niềm vui không muỗi. Sói con có tính tò mò, ham hiểu biết, thích nghiên cứu, đứng im như phỗng mà nhìn cái chậu khói ngải đầy thích thú.
Lát sau, sói con đứng vụt dậy, chậm rãi đi về phía cái chậu. Nhưng chỉ được mấy bước, nó hắt hơi ầm ĩ. Nó lùi lại, lát sau, không nhịn được tính tò mò, mõm áp sáp đất, ì ạch bò lên. Vừa ngẩng lên, một tàn lửa do gió thổi bắn trúng mũi. Nó sững người, như một quả bộc phá đã châm ngòi, lại rơi đánh uỵch trước mặt, nó sợ, lông gáy dựng đứng, cụp đuôi chạy trở lại rúc vào lòng Nhị Lang. Nhị Lang cười khặc khặc, cười sói ngố không biết hay dở. Nó thè lưỡi liếm mũi sói con. Sói con nằm dài trên đất, ngơ ngẩn nhìn cái chậu, không dám tiếp cận nữa. Lát sau, sói con ngủ thiếp như đứa trẻ mắc bệnh buồn ngủ, sau mấy ngày liền bị muỗi giày vò, coi như được ngủ bù. Nhưng Trần Trận thấy sói con khi ngủ đôi tai vẫn ngọ ngoạy khẽ. Tai sói vẫn đang canh gác.
Nghe tiếng vó ngựa lộp bộp, con ngựa bạch cũng đến hơ khói. Trần Trận tiến đến cởi dây cột chân ngựa, dắt nó tới chỗ cuối luồng gió, sau đó lại cột chân nó. Muỗi vàng bám như trấu trên mình ngựa thoắt cái bay đi hết. Con ngựa bạch phì một hơi khoan khoái, cúi xuống ngủ gật.
Chậu khói ngải đã cứu thoát một con sói, một con ngựa và sáu con chó khỏi họa muỗi vàng. Tám sinh mạng đều như người thân và bạn bè Trần Trận. Cậu đã kịp thời giúp đỡ chúng nên cảm thấy thoả lòng. Sói con và ba con cún còn trẻ con chưa biết cảm ơn, ngủ ngon lành. Còn ngựa bạch và ba con chó lớn chốc chốc lại nhìn cậu bằng ánh mắt cảm kích, đuôi khẽ vẫy. Lòng biết ơn của động vật chân thực như thảo nguyên. Chúng không biết nói những lời tán tụng nghe mà rợn người, nhưng cậu rất cảm động và muốn làm nhiều hơn cho chúng. Cậu nghĩ, đợi khi sói con thông minh lớn lên, nhất định sẽ biết giao lưu với cậu hơn lũ chó. Khi gặp nạn, cậu cảm thấy cậu ngày càng quan trọng đối với chúng. Cậu thêm phân khô, thêm ngải vào chậu rồi vội vàng đi phơi và vận chuyển phân bánh.
0O0
Nạn muỗi mới bắt đầu, ngải cứu trong khe cắt không hết, phân khô đủ hay không mới là khâu quan trọng trong công việc chống muỗi. Không cần giục, phụ nữ và trẻ con trong đại đội đều đi phơi và vận chuyển phân khô.
Trên thảo nguyên Ơlon, phân bò phân cừu khô là chất đốt chủ yếu của mục dân. Mùa đông, phân bò dùng để nhen lửa. Nhiên liệu khi đó là phân cừu hong gió cho khô. Bởi vì nhà nào cũng trông coi một địa bàn, hàng ngày cừu ra khỏi chuồng liền gom phân cừu thành đống, hong gió phơi nắng vài hôm là được một loại nhiên liệu tốt hơn phân bò. Nhưng về mùa hè, phân cừu nhão vì thuỷ phần cao, mục dân không dùng phân cừu mà dùng phân bò. Nhưng mùa hạ cỏ non nhiều nhựa, bò lại uống nước nhiều, phân bò mềm và loãng, không rắn như các mùa khác, vì vậy phải thêm công đoạn phơi.
Mùa hạ, phơi phân là công việc phiền toái và khổ sai nhất. Phụ nữ và trẻ con Mông Cổ rỗi rãi một tí là ra bãi cỏ quanh lều dùng chàng nạng lật từng bãi phân bò phơi khô mặt thứ hai còn ướt, rồi cứ ba bánh một chồng lên nhau tiếp tục phơi. Sau đó, nhặt những bánh phân đã khô vào sọt, địu về chỗ đống phân trước cửa lều. Nhưng khi này phân chưa khô hẳn, bẻ ra bên trong còn ướt, chất đống loại phân này lên chính là để tránh mưa. Mùa hạ mưa nhiều, phải lấy thảm đậy lên đống phân, nếu không, phân gặp mưa rào chảy hết ra nước. Tạnh mưa lại mở ra phơi.
Mùa hè, muốn biết bà chủ gia đình có đảm đang không, chỉ cần nhìn đống phân trước cửa to hay nhỏ là biết. Hồi đám thanh niên trí thức mới ở lều, vì không biết trù liệu trước, nên mùa mưa đến là không nhen được lửa, hoặc có khói nhưng không có lửa, mục dân thường phải tiếp tế phân khô mới qua được mùa mưa. Sau hai năm, mùa hè năm nay, Trần Trận, Dương Khắc và Cao Kiện Trung đều đã biết tầm quan trọng của trở phân phơi phân và đánh đống phân, "đống củi" trước lều họ không thua kém bất cứ gia đình nào.
Trần Trận và Dương Khắc vốn ghét những việc vặt trong nhà. Chuyện dưa cà mắm muối chiếm hết thời gian đọc sách, thật bực mình. Nhưng từ khi nuôi sói con, những việc vặt không bao giờ hết này lại là khâu quan trọng trong công việc nuôi sói, việc vặt trong nhà trở thành nhiệm vụ chiến lược, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch thắng lợi. Vậy là hai cậu bắt đầu tranh nhau lo liệu bảy việc lớn: củi gạo dầu muối thịt phân trà.
Căn cứ vào lượng dùng hàng năm, "đống củi" trước lều Trần Trận có thể dùng hết mùa hạ. Nhưng đột nhiên xảy ra nạn muỗi, lượng phân tăng gấp bội, đống phân trước cửa lùn đi rất nhanh. Trần Trận quyết tâm chịu đựng mọi khó khăn gian khổ như sói, tăng "đống củi" lên gấp mấy lần.
Nắng trên thảo nguyên ngày càng gay gắt, bộ quần áo phòng độc dày và nặng khiến Trần Trận gàn như tắt thở, chỉ cõng hai ba sọt phân, cậu suýt ngất vì thiếu oxy, ngột ngạt khó chịu, đi đứng khó khăn, mồ hôi đã cạn, áo chống muỗi hết ướt lại khô để lại những vết trắng trên áo. Lúc này cậu đã trở thành công nhân làm muối vùng diêm điền. Nhưng khi nhìn thấy sói con, những con cún, chó lớn và con ngựa bạch ngủ ngon lành trong làn khói mỏng, cậu lại cắn răng chịu đựng.
Ngoài ra, Trần Trận còn chịu đựng một áp lực lớn hơn việc trữ phân. Cậu cắn răng mà làm không chỉ vì sói con và lũ chó, mà còn vì đàn cừu. Đàn cừu gần hai ngàn con là thành quả lao động của cậu và Dương Khắc. Hơn hai năm hai lần hộ sinh, các cậu đã đỡ đẻ gần hai nghìn con cừu, chia thành hai đàn. Hai cậu đội gió gội mưa, chường mặt trước muỗi, ngày đêm chiến đấu với sói, một ngày 24 giờ luân phiên chăn thả, gác đêm, hai mùa xuân hạ làm cật lực. Đàn cừu là tài sản tập thể, không được xảy ra sai sót. Trước mắt lại gặp "song nạn" (hai tai họa cùng lúc), nếu sơ suất, cả hai sẽ gặp rắc rối về chính trị. Đàn cừu lớn bằng này, mỗi đêm phải đốt năm sáu chậu mới đủ. Nếu khói ngải trùm không kín, cừu bị đốt đau sẽ bỏ chạy, chỉ một người gác đêm chặn không nổi. Một khi đàn cừu chạy vào trong núi chắc chắn sẽ bị sói phục kich thây chất đầy khe, người ta lại liên hệ với chuyện "thằng chó nuôi sói là đi đứt. Áp lực cùng với mối nguy hiểm to lớn khiến Trần Trận phải gồng mình lên, vận dụng tinh thần dũng cảm, trí tuệ, ngoan cường, nhẫn nại, cẩn thận và mạo hiểm của sói, tiếp tục sở thích nuôi dưỡng và nghiên cứu sói, đồng thời rèn luyện cá tính ngang tàng của sói. Trần Trận bỗng cảm thấy sức mạnh tràn trề và một ý chí như sói: không chịu khuất phục.
Một khi đã vượt được trở ngại mệt mỏi về tâm lý, Trần Trận thấy lòng thanh thản. Cậu không ngừng thay đổi loại hình công việc, điều tiết cường độ lao động, lúc điệu phân, lúc trở phân, ngày càng cảm thấy niềm vui của lao động có mục đích. Đồng thời dần dà cậu nhận thấy mình nuôi con sói rất vất vả và hình như xuất phát từ một sự thích thú nghiên cứu về sói chuyển sang một tình cảm thân thiết với sói, và còn vì trách nhiệm như bố, mẹ và anh em mà cậu đảm nhận đối với sói. Sói con là đứa trẻ cậu đút từng miếng sữa, từng hớp cháo, từng miếng thịt mà lớn lên, một đứa trẻ dị tộc hoang dã, thú tính và ương bướng, tiềm ẩn trong tim những bí mật khôn lường, tình cảm nồng cháy và nguyên thuỷ nửa người nửa thú, khiến Trần Trận ngày càng tẩu hỏa nhập ma, gần như trở thành một con người khó hiểu. Nhưng Trần Trận lại cảm thấy trong nửa năm trở lại đây khoẻ mạnh cả tâm hồn lẫn thể xác, một dòng máu hoang dã đầy sức sông đang chảy trong huyết quản. Cao Kiện Trung nói với các thanh niên trí thức, nuôi một con sói mà có thể biến Trần Trận từ một phần tử "con em hắc bang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa" lười lao động, không phân biệt nổi môn với khoai, thành một con người cần mẫn linh hoạt, thiết tưởng cũng không phải chuyện xấu.
Trần Trận làm việc hăng say trên bãi phân bò dơ dáy, địu từng sọt phân đầy ắp về nhà, đống phân lớn nhanh như nấm sau mưa, bà chủ gia đình bên hàng xóm thấy vậy đứng ngồi không yên, không hiểu vì sao cậu làm quên chết như thế. Một thanh niên trí thức trêu: Đúng là gần cứt thì thối, gần sói thì hăng."
0O0
Chiều tối, đàn cừu đông đúc trở về chuồng. Dương Khắc giọng khè đặc, ngật ngưỡng ngồi trên yên, mệt đến nỗi không giơ nổi roi ngựa. Đàn cừu trở về đem theo hàng triệu con muỗi, khu chuồng trại nóng lên như bị hoả hoạn, "khói vàng" dày đặc. Gần hai nghìn con cừu, gần bốn nghìn cái tai ra sức đuổi muỗi, thi nhau đập phành phạch. Đàn muỗi dày đặc chờ đợi trên không, bỗng nhào xuống như máy bay oanh tạc. Những con cừu trụi lông trong đợt cắt lông cuối cùng, sau một ngày bị nhục hình trên bãi chăn, giờ đây khắp người mẩn ngứa trông thật tội nghiệp. Đợt oanh tạc mới của bầy muỗi khiến lũ cừu phát điên. Cả đàn be inh ỏi, nhảy như choi choi. Vài con đầu đàn bất chấp cây roi của Dương Khắc, vùng chạy về phía tây bắc. Trần Trận vớ cây gậy vụt không thương tiêc mới đuổi được chúng quay trở lại. Nhưng toàn bộ đàn cừu đã quay đầu về hướng gió, nín hơi, sẵn sàng mượn gió bứt khỏi đàn muỗi.
Với tốc độ xung phong, Trần Trận nhanh nhẹn đốt sáu chậu lá ngải, bê ra chỗ đầu gió. Sáu làn khói đặc như sáu con bạch long bay về phía đàn cừu đông đúc. Thoáng cái, đàn muỗi độc gặp đàn thiên long độc hơn, bỏ chạy tán loạn. Khói ngải cứu mạng trùm lên cừu lớn cừu bé phủ phục dưới đất vì quá mỏi mệt. Một ngày cực hình quá đủ, đàn cừu im lặng trong khói trắng, mệt đến nỗi không còn sức nhai lại.
Dương Khắc nặng nề nhảy xuống, dắt vội con ngựa mình bám đầy muỗi đi vào đám khói ngải. Cậu lột bỏ mũ, cởi bộ quần áo dầy cộp, phấn khởi reo to: Mát quá! Mình suýt chết ngốt. Ngày mai đến lượt cậu chịu nhục hình.
Trần Trận nói; Mình chịu cả ngày hôm nay rồi. Ngày mai cậu nhớ chuẩn bị cho cừu sáu chậu khói và một chậu cho sói con.
Dương Khắc nói: Được rồi.
Trần Trận nói: Cậu chưa ngó sói con, thằng ranh con khôn ra phết, chui vào ngủ giữa luồng khói.
Dương Khắc ngờ vực, hỏi: Sói sợ khói sợ lửa lắm kia mà?
Trần Trận cười: Nhưng nó sợ muỗi hơn. Thấy lũ chó cướp chỗ có khói, nó hiểu ngay khói là tốt. Mình khoái quá, cười đau cả bụng, tiếc là cậu không được chứng kiến.
Dương Khắc chạy ngay đến chuồng sói. Sói con nằm nghiêng, thoải mái duỗi cả bốn chân, ngủ ngon lành. Nghe tiếng chân của chủ, nó động đậy mi mắt liếc một cái.
Trần Trận ngồi trông các chậu khói suốt đêm. Nửa giờ một, cậu lại thêm phân khô. Khói yếu đi, cậu lại thêm ngải. Gió đổi hướng, cậu chuyển dịch chậu khói cho đúng đầu gió. Có khi phải đuổi con bò đứng chắn khói của cừu. Da bò dày, nhưng mũi mi mắt tai thì mỏng, vẫn sợ muỗi đốt. Để đàn cừu không bị phá đám, Trần Trận đành phải đốt thêm một chậu ngải đặt chỗ đầu gió, sao cho bò cừu và sói con cùng hưởng. Trần Trận suốt đêm không chợp mắt. Ba con chó lớn luôn nhớ nhiệm vụ. Chúng chốt nơi đầu gió, lẩn trong khói ngải, chia nhau canh gác.
Bên ngoài luồng khói, bầy muỗi đói dày đặc tức điên rít vo vo nhưng không dám xông vào đám khói. Chiến đấu quá nửa đêm, Trần Trận nhìn kẻ thua trận mà vui như mở cờ trong bụng.
Đêm hôm ấy, các khu lều trại của đại đội đều triển khai cuộc chiến bằng khói. Hơn trăm chậu ngải đồng thời nhả khói. Hơn trăm làm khói tỏa ra ngày càng rộng như hàng trăm con bạch long khổng lồ vờn múa, lại giống như hàng trăm cột khói nhà máy thời hiện đại, khói trắng cuồn cuộn tỏa ra, thanh thế lừng lẫy, cảnh tượng đẹp mắt, không những cản được bầy muỗi đó, mà còn là một đòn choáng váng đối với bầy sói đói vì muỗi.
Trần Trận nhìn thảo nguyên mênh mông dưới ánh trăng, cảnh tượng trước mắt như một trận thủy chiến trên đại dương: Hàng trăm nghìn hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm và các loại hạm tàu tổ chức thành một hạm đội khổng lồ, hình thành trận thế bao vây uy hiếp, khói đen cuồn cuộn, hàng nghìn nòng pháo cất cao, rẽ sóng tiến vào biển Nhật Bản. Đó là trận bao vây cấp hiện đại của sói biển phương Tây đối với sói biển lùn phương Đông. Lịch sử thế giới cho đến nay, vượt lên tuyến đầu phần lớn là các dân tộ vũ trang bằng tinh thần sói. Trong cuộc cạnh tranh tàn khốc trên thế giới, cừu muốn lặng nhưng sói chẳng dừng. Sói mạnh còn có sói mạnh hơn thôn tính. Dân tộc Hoa Hạ muốn tự cường trong thế giới cá lớn nuốt cá bé, phải thanh toán triệt để tính cừu, tính gia súc trong tính cách dân tộc nông canh, trở nên mạnh mẽ như sói, chí ít phải có tinh thần sói, tôtem sói...
Thảo nguyên rộng lớn có khả năng nhạt hóa khói đậm. Làn khói trắng của toàn đội bay lên trên thung lũng liền biến thành một biển mây. Biển mây trùm lên mặt hồ do đàn muỗi tác oai tác quái, san bằng quần sơn lạnh lẽo cùng vầng trăng. Cột khói biến mất, thảo nguyên trở lại yên tĩnh và vẻ đẹp nguyên thủy của nó.
Trần Trận bất giác ngâm câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch: Minh nguyệt xuất thiên sơn, Thương mang vân hải gian, Trường phong kỷ vạn lý, Súy độ Ngọc Môn quan. Trần Trận thích Lý Bạch từ nhỏ. Nhà thơ sinh ra ở Tây Thành, chịu ảnh hưởng sâu sắc phong tục dân gian Đột Quyết, từng kích động dòng máu sói khao khát tự do trong người ông. Ngâm thơ Lý Bạch trong đêm trăng thảo nguyên, hoàn toàn khác với ngâm trong giảng đường Bắc Kinh. Trần Trận như lây cái hào phóng của Lý Bạch, nhớ lại một vấn đề cậu trăn trở lâu nay: Các nhà thơ Trung Quốc đều ngưỡng mộ Lý Bạch nhưng không chủ trương học tập Lý Bạch, nói Lý Bạch cao ngạo, không ai học được. Giờ đây cậu ngộ ra rằng, thơ của Lý Bạch khó học ở chỗ do Lý Bạch chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cách sói mà người Đột Quyết sùng bái và tấm lòng rộng mở như thảo nguyên mênh mông. Thơ Lý Bạch hào khí ngất trời, mà đã đụng là đụng tới đỉnh cao của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Đã có Hán nho nào một câu bay vạn dặm, một chữ chín tầng trời, "đại bàng sải cánh bay cùng gió, thênh thênh lên thẳng chín vạn dặm", "Quân biết không, nước sông Hoàng tự trời cao đổ xuống, mải miết trôi đi không về nữa", "Ta vốn kẻ khùng nước Sở, phượng ca cười Khổng Khâu". Có nhà nho người Hán nào dám cười nhạo đức thánh Khổng? Có nhà nho người Hán nào dám nhận bát canh nhà vua đưa/ Có nhà nho nào trước mặt nhà vua dám sai Dương Quý Phi bưng nghiên mực, sai Cao Lực Sĩ cởi giầy? Chao ôi, cao ngạo thay! Cái khó của Lý Bạch là khó lên trời xanh, ngẫm lại bốn vạn tám nghìn năm "thi tiên" chỉ mỗi mình ông.
Trần Trận thở dài: Tính cách sói thảo nguyên cộng với tinh túy của Hoa Hạ có thể vươn tới tầm cao chóng mặt.
0O0
Nửa đêm về sáng, Trần Trận trông thấy thấp thoáng mấy căn lều bạt không còn khói, tiếp đó nghe thấy tiếng hò hét của phụ nữ và thanh niên trí thức, tiếng lao xao ở chỗ đàn cừu. Hẳn là ngải đã hết hoặc chủ nhà tiếc của không muốn tốn thêm.
Đàn muỗi ngày một đông, ngày càng cáu kỉnh, tiếng vo vo trên không trung ngày càng lớn. Nửa non số lều bạt mất ổn định, người kêu chó cắn rộ lên từng chặp, ánh sáng đèn pin nhiều lên. Bỗng Trần Trận nghe thấy mạn cực bắc khu lều bạt tiếng chó sủa kịch liệt và tiếng người ồn ào vọng lại, không biết cừu nhà ai phá chuồng chạy ngược gió. Chỉ có nhà nào trữ đủ phân khô và lá ngải, người và chó gác đêm luôn cảnh giác thì mới yên tĩnh. Trần Trận ngó về phía lều bạt ông già Pilich: Không tiếng người, không tiếng chó sủa, không ánh đèn pin, thấp thoáng ánh lửa khi ẩn khi hiện, có lẽ Caxumai đang trông đống lửa. Cô ứng dụng phương pháp "cố định điểm lửa, cơ động điểm khói". Ba mặt đàn cừu đều đốt lửa, gió chiều nào đốt lửa chiều ấy. Đống lửa thông gió nhanh hơn trong chậu vỡ, hiệu quả cũng khá hơn, có đièu hơi tốn phân khô, nhưng Caxumai vốn chăm chỉ, cô không tiếc sức vì an toàn của đàn cừu.
Đột nhiên, hai tiếng súng nổ vang từ khu lều bạt mạn cực bắc. Trần Trận không vui, vậy là đàn sói đã chớp được thời cơ sau khi khốn khổ vì muỗi. Cậu thở dài, không biết lần rủi ro này rơi vào nhà nào. Cậu nhủ thầm hãy còn may. Mê sói có cái hay của nó. Tìm hiểu càng sâu sói thảo nguyên, càng ít xảy ra sơ suất.
Lát sau, thảo nguyên trở lại yên tĩnh. Gần sáng có sương mù, muỗi bị ướt cánh không bay được. Khói lửa lụi dần, nhưng lũ chó lớn vẫn cảnh giác, bắt đầu đi tuần tra mạn tây bắc. Trần Trận đoán sắp đến giờ phụ nữ vắt sữa, chắc chắn đàn sói rút quân, cậu trùm áo lông kín đầu, yên tâm ngủ một giấc. Đây là thời gian duy nhất trong ngày ngủ một mạch, khoảng bốn tiếng.
0O0
Hôm sau Trần Trận chịu đựng một ngày khổ sai trên núi, buổi chiều khi về nhà, thấy nhà cậu như đang đón khách quý. Trên nóc lều phơi hai tấm da cừu lớn, sói con và tất cả lũ chó đang phấn khởi ăn thịt gặm xương. Bước vào trong lều, các thẻo thịt hong treo đầy chạn bát, trên tường. Nồi thịt luộc to tướng trên bếp sôi sùng sục.
Dương Khắc bảo Trần Trận: Đêm qua nhà Ơdon mạn cực bắc đàn cừu có chuyện. Nhà Ơdon cũng như nhà Đanchi là dân tọc Mông Đông Bắc, mới dọn đến vài năm nay. Nhà này vừa cưới cô dâu vùng bán canh bán mục, vẫn giữ thói quen ngủ một mạch tới sáng. Tối đốt vài đống lửa, canh chừng đến nửa đêm rồi ngủ say bên cạnh đàn cừu. Lửa tắt, đàn cừu phá chuồng chạy ngược gió, bị mấy con sói đói cắn chết một lúc 180 con cừu, bị thương gục xuông thì không nhiều. May mà chó nhà ấy khôn, đập cửa gọi chủ nhà dậy, đàn ông phóng ngựa đuổi theo nổ súng đuổi sói, muộn chút nữa là đàn sói đánh hơi mò đến, chắc chẳng còn mấy con.
Cao Kiện Trung nói: Hôm nay Bao Thuận Quý và ông Pilich bận suốt ngày, hai người huy động nhân lực của cả tổ lột da moi ruột 180 con cừu, một nửa chở bằng xe tải đến trụ sở mục trường bán giảm giá cho các bộ nhân viên, một nửa để lại đại đội, chia không cho mỗi nhà mấy con, chỉ lấy lại bộ da. Nhà mình đem về hai con cừu lớn, một chết một bị thương. Trời nóng này, một lúc nhiều thịt như thế ăn sao hết?
Trần Trận vui vẻ ra mặt, nói: Nuôi sói đâu có ngại nhiều thịt. Lại hỏi: Bao Thuận Quý có bắt phạt gia đình ngụ cư kia không?
Cao Kiện Trung nói: Bồi thường. Tháng nào cũng trừ nửa tháng công điểm của cả nhà cho đến đủ thì thôi. Caxumai và đám phụ nữ trong đội đều chửi tay chồng và mẹ chồng lưu manh, muỗi khủng khiếp như thế mà bắt cô dâu mới cưới gác đêm... Khi chúng mình mới lên thảo nguyên, Caxumai còn cùng một số thanh niên trí thức gác đêm hai tháng, sau đó mới để chúng mình độc lập tác chiến. Bao Thuận Quý mắng vợ chồng cậu kia một trận, nói họ làm xấu mặt dân Mông Đông Bắc. Nhưng ông ta lại ưu ái đám dân công đến tự quê ông ta, chia cho lão Vương một phần ba số cừu xử lý, họ mừng hú.
Trần Trận nói: Nhờ sói mà đám ấy vớ bở!
Cao Kiện Trung mở chai rượu trắng thảo nguyên, nói: Ăn thịt không mất tiền, uống cái này mới khoái. Nào, ba chúng mình hãy ăn thả giàn một bữa.
Dương Khắc cũng nổi hứng, nói: Mình cũng phải uống một trận cho đã. Nuôi một con sói, người ta cứ rình cười vào mũi chúng mình, kết quả thì sao? Chúng mình cười vào mũi họ. Họ không biết, sói có thể dạy người bắt trộm gà, lại còn lừa được một nắm gạo.
Ba người cả cười.
Trong làn khói, sói con chẳng khác sói hoang, no kềnh bụng vẫn nằm ôm lấy chậu thịt không nỡ bỏ lại chỗ ăn thừa. Nó không biết đây là thịt cứu tế sói bố mẹ tặng nó.
Trong dòng máu chúng ta, nhất là trong dòng máu quân chủ và quý tộc, đều tiềm ẩn tinh thần du mục, hẳn nhiên nó chiếm một phần quan trọng trong khí chất lớp người kế tục, chúng ta phải coi tinh thần gấp rút mở rộng đất đai là thuộc về khí chất này, nó hối thúc các quốc gia hễ có điều kiện là mở rộng cương vực và mở rộng quyền lợi của họ đến tận chân trời góc biển.
- (Anh Herbert). Well “Thế giới sử cương”
Batu và Trương Kế Nguyên liên tục thay bốn lượt ngựa chạy hai ngày một đêm thuận gió mới dồn được đàn ngựa lên tới bãi chăn trên mỏm núi tây bắc. Họ không còn lo đàn ngựa chạy ngược gió trở lại đường cũ. Hai người mệt đến nỗi đờ đẫn trên lưng ngựa, gần như không xuống nổi, phải hít mấy hơi dài rồi lăn từ yên xuống đất nằm sóng xoài trên bãi cỏ, mở ống tay áo cho gió lùa vào hong khô áo lót trong ướt đẫm mồ hôi.
Tây bắc là hướng gió núi thổi tới, đông nam là hồ nước nằm chính giữa thung lung. Đàn ngựa phân tán trên mỏm núi tròn vo, chúng sốt ruột, nửa muốn chạy ngược gió để đuổi muỗi, nửa muốn xuống hồ uống nước. Đàn ngựa mệt mỏi loay hoay đến ba vòng mà vẫn do dự chưa quyết, nghe tiếng hí vang của mấy con ngựa giống, mới từ bỏ ý định chạy ngược gió, chọn nước. Chúng đành chạy xuống hồ, hàng nghìn vó ngựa đánh động đàn muỗi bay lên bâu kín những con ngựa mình mẩy ướt đẫm, chọc vòi như kim máy dệt châm dày đặc. Đàn ngựa bị đau, nào cắn nào đá, tức tối mà không làm gì được, liêu xiêu như bị bệnh tâm thần.
Batu và Trương Kế Nguyên thấy đàn ngựa đã xuống nũi, liền lăn ra ngủ, không kịp cài khuy tay áo. Đàn muỗi bu tới đốt vào cổ, nhưng mặc cho những chiếc vòi to như mũi dùi, đốt mấy cũng không tỉnh. Hai người từ hôm muỗi về, liên tục bảy ngày đêm không hôm nào được ngủ liền một mạch ba tiếng. Nạn muỗi biến đàn ngựa thành ngựa hoang, ngựa ốm, ngựa điên, không nghe quát, không sợ roi, không sợ thòng lọng xiết cổ, thậm chí sói cũng không sợ. Lúc không có gió, chúng chạy hoắng lên đón gió; khi có gió, chúng chạy ngược chiều để rũ muỗi trên người. Mấy hôm trước, đàn ngựa suýt vượt biên, nếu không có chuyện gió đột nhiên đổi chiều thì bây giờ chắc hai người đang ở đồn biên phòng yêu cầu quốc tế phối hợp giải quyết. Có đêm hai người tốn bao công sức vừa dồn được đàn ngựa về bãi thì đàn muỗi tấn công, đàn ngựa hoảng loạn, phá vây theo nhóm dòng họ chạy biến. Hai người lại mất một ngày một đêm mới gom được mười mấy dòng họ lớn lại, nhưng đếm thấy thiếu một tộc hơn hai mươi con. Batu để lại Trương Kế Nguyên một mình trông đàn ngựa, còn anh thay một con ngựa khoẻ tìm đúng một ngày mới thấy chúng trên bãi cát cách 80 dặm, toàn bộ số ngựa choai trong đàn đã không còn một con. Đàn sói bị điên vì muỗi đốt, chúng ra sức giết ngựa để bổ sung số máu bị mất, Batu tìm móng và bờm ngựa nhưng không thấy, sói đã chén sạch.
Đàn ngựa muỗi bu đầy như cát bám trên người lao nhanh xuống hồ. Gần như bị muỗi hút kiệt máu, không còn mồ hôi để chảy, những con ngựa tranh nhau lội ào xuống nước. Chúng không vội uống, mà trước hết mượn nước đuổi muỗi, nước lút cẳng chân, cẳng chân không còn đau, nước lút bắp đùi, những con trùng hút máu trên bắp đùi cuốn xéo; nước lút bụng, những con muỗi không kịp rút vòi liền chết sặc, biến thành cung quăng. Đàn ngựa tiếp tục vùng vẫy, nước lút lưng, vừa mát vừa diệt muỗi, đàn ngựa phấn khởi hí vang, càng sục dữ trong nước, muỗi ác nổi trên mặt nước như trấu.
Đàn ngựa hả giận, bắt đầu uống ừng ực cho đến khi không uống được nưa, sau đó duy trì lớp nước bùn trên người, trở lại chỗ nước vừa chấm bụng ngủ gật. Không một tiếng động, chúng ngại cả hắt xì hơi. Cả đàn ngựa im lặng cúi đầu mặc niệm những thành viên trong gia tộc bị muỗi sói liên kết sát hại. Mã quan trên núi và đàn ngựa dưới hồ đều ngủ say như chết.
Không rõ thời gian bao lâu, ngựa cũng như người sực tỉnh vì đói, cả hai mấy ngày nay chưa ăn miếng gì vào bụng. Batu và Trương Kế Nguyên chạy tới một lều bạt gần nhất uống no nước trà và sữa chua, ăn no thịt luộc, rồi tiếp tục ngủ như chết. Đàn ngựa đói quá lên bờ gặm cỏ, bùn đất trên mình ngựa khô rất nhanh dưới nắng gay gắt, đàn muỗi thừa cơ nhè kẽ nứt mà đốt. Cỏ bên hồ đã bị bò cừu gặm cụt, để khỏi chết đói, đàn ngựa phải trở lại bãi cỏ tươi tốt trên núi, vừa ăn cỏ vừa đương đầu với đàn muỗi.
o0o
Toàn thể cán bộ của đội họp tại nhà ông Pilich. Ông già nói: Mây không dày không mỏng, trời này chưa mưa được, đêm lại càng nóng, mấy ngày nay muỗi ăn thịt đàn ngựa. Các đàn gia súc thiếu người, đàn cừu vừa có chuyện, quả thực không còn người thay thế cho mã quan về nghỉ. Bao Thuận Quý và ông Pilich quyết định rút cán bộ mục trường đi chăn cừu, rút dương quan và cán bộ bán thoát li lên núi thay thế các mã quan nhỏ tuổi và thanh niên trí trức, nhất định cầm cự bằng được giai đoạn trầm trọng nhất của nạn muỗi nạn sói hiện nay.
Trương Kế Nguyên gần như suy nhược vì mệt mỏi, nhưng cậu ta bướng như con bò mộng, nói mấy cũng không lui về tuyến sau. Cậu hiểu, chỉ cần trụ nổi đại hoạ này, ,từ nay cậu có thể trở thành mã quan đích thực, đảm đương một mặt của công việc. Trần Trận và Dương Khắc động viên cậu, cả hai đều muốn có một mã quan ưu tú trong đội ngũ thanh niên trí thức.
Quá trưa thời tiết càng ngột ngạt, mưa to thì không, mưa nhỏ cũng chẳng hi vọng gì. Thảo nguyên mong mưa nhưng lại sợ mưa. Mưa to muỗi không bay được, nhưng sau cơn mưa, muỗi nhiều thêm. Muỗi hút máu sói ngày càng nhiều, con cháu của những con muỗi này mang tính sói, thích quậy phá. Thảo nguyên Ơlôn biến thành địa ngục trần gian, Trương Kế Nguyên cũng quyết tâm xuống địa ngục, cùng các mã quan tiến vào trảng cỏ.
Ông già Pilich cùng Batu và Trương Kế Nguyên dẫn đàn ngựa lên dải cát vàng phía tây, cách chỗ cũ sáu bảy mươi dặm, nơi đó cỏ thưa nước hiếm, muỗi tương đối ít. Đàn ngựa trên khu vực đêm cách đường biên gần trăm dặm, ba đàn ngựa khác của đại đội cũng điều động theo cách của ông Pilich, từ nơi ở chia nhau di chuyển thật nhanh tới các bãi cát phía tây nam.
Ông già bảo Trương Kế Nguyên: Bãi cát tây nam vốn là đồng cỏ rất tốt của Ơlôn, khi ấy có một con sông nhỏ, có một bãi lầy, cỏ chăn nuôi rậm rạp, nhiều dinh dưỡng, súc vật rất thích ăn, gia súc không cần nhồi nhét mới béo. Ông già ngửa mặt than: Lâu la gì đâu mà đã ra thế này! Con sông mà bây giờ cái rãnh cũng không để lại, tất cả bị cát vùi lấp.
Trương Kế Nguyên hỏi: Vì sao đến nỗi như thế?
Ông già trỏ đàn ngựa, nói: Đó là do đàn ngựa huỷ hoại, đúng hơn là do người từ nội địa lên huỷ hoại… Hồi đó mới giải phóng, cả nước chưa có nhiều ô tô, nên quân đội cần ngựa, nội địa trồng trọt vận chuyển cần ngựa, đông bắc đốn gỗ vận chuyển gỗ cần ngựa, cả nước cần ngựa, vậy ngựa lấy ở đâu? Đương nhiên là từ thảo nguyên Mông Cổ. Để có ngựa tốt, mục trường Ơlôn theo lệnh trên, lấy tất cả những đồng cỏ tốt nhất nuôi ngựa. Người nội đia lên tuyển ngựa, thí nghiệm ngựa, mua ngựa, cũng tại mục trường này. Người qua ngựa lại, đồng cỏ biến thành trường đua ngựa. Mấy trăm năm trước có vương gia nào dám phí phạm cho ngựa ăn cỏ ở những đồng cỏ như thế này. Mấy năm sau đàn ngựa quả có đông hơn, nhưng đồng cỏ đã biến thành sa mạc. Giờ đây nó có cái tốt là ít muỗi, khi xảy ra nạn muỗi, đưa ngựa lên đây để tránh. Nhưng Ulichi đã có lệnh, chừng nào chết đến nơi mới được phép sử dụng bãi cát- cỏ này. Ông ta muốn thấy phải bao nhiêu năm mới hồi phục đồng cỏ ngày xưa. Năm nay hạn lớn, đàn ngựa sống không nổi nữa, lão U miễn cưỡng đồng ý cho đàn ngựa vào ăn.
Trương Kế Nguyên nói: Bố ơi, giờ ô tô máy kéo ngày càng nhiều, quân đội cũng không cần kỵ binh, sau này không cần nhiều ngựa đến thế, vậy đồng cỏ có hồi lại được không?
Ông già lắc đầu, nói: Người và máy kéo nhiều lên lại càng hỏng, chuẩn bị chiến tranh ngày càng khẩn trương, sắp tổ chức binh đoàn sản xuất thảo nguyên, rất đông người và máy kéo nay mai sẽ về Ơlôn.
Trương Kế Nguyên đâm hoảng, hào hứng xẹp quá nửa. Cậu không nghĩ cái tin binh đoàn xây dựng lại nhanh đến thế.
Ông già lại nói: Trước đây sợ nông dân, cái cuốc và lửa đồng. Giờ sợ nhất là máy ủi. Mấy hôm trước lão U bảo các mục dân liên danh viết thư cho Khu Tự trị, đề nghị không nên biến mục trường thành nông trường, chẳng biết có ăn thua gì không? Bao Thuận Quý những ngày này rất vui, ông ta bảo dải đất mênh mông thế mà để cho cỏ mọc chứ không trồng hoa màu thì quả thật lãng phí, sớm muộn phải đưa vào tích trữ lương thực rộng rộng khắp gì ấy…
Trương Kế Nguyên nhủ thầm, đến là khổ, thời đại máy ủi sẽ kết thúc mâu thuẫn sâu sắc giữa dân tộc sống nhờ cỏ và dân tộc dựa vào diệt cỏ để sống cuối cùng sẽ kết thúc, gió đông nam nông canh cuối cùng sẽ áp đảo gió tây bắc du mục (nhại câu “gió đông thổi bạt gió tấy”), nhưng cuối cùng thì bão táp cát vàng tây bắc tất phủ kín đông nam.
Bốn đàn ngựa tiến vào vùng cát Bâyincobi phương viên mấy chục dặm là cát ướt, đây đó mọc thưa thớt những cây lau, sậy cạn, tật lê, cây lông chông, rau sam, gai lạc đà, lô nhô rối rắm, cỏ dại lợi dụng mùa mưa cao vổng lên, lớn như thổi. Nơi đây hoàn toàn không còn gì là thảo nguyên, mà như một công trường dưới xuôi bỏ hoang đã lâu ngày. Ông Pilich nói: Thảo nguyên chỉ sống có một lần, cỏ ngon rễ chằng chịt ngăn cỏ dại, rễ chết, thảo nguyên trở thành địa bàn của cỏ dại và cát sỏi.
Đàn ngựa đi sâu vào trảng cát. Ngựa không ăn cỏ đêm không béo. Nơi đây không có mấy cỏ cho ngựa ăn, nhưng muỗi ít lạ lung, có thể cho ngựa nghỉ ngơi, ít mất máu do muỗi.
Bao Thuận Quý và Ulichi phóng ngựa tới. Ông Pilich nói với hai người: Chỉ còn mỗi cách này. Đêm để ngựa đói, đợi trời sáng khi sương giăng cho đàn ngựa ăn ở trảng cỏ, muỗi đến là ta dồn ngựa về nha à. Như vậy tuy ngựa không béo lên, nhưng đảm bảo không chết.
Bao Thuận Quý thở dài như cất được gánh nặng, nói: Phải nói là các vị có nhiều mưu mẹo. Thế là đàn ngựa sống rồi. Hai hôm rồi mình phát ốm vì sợ.
Ulichi vẫn nhíu mày, nói: Tôi chỉ sợ đàn sói đã đợi đàn ngựa ở đấy rồi. Người đã nghĩ tới chuyện ấy, sao sói không nghĩ tới?
Bao Thuận Quý nói: Tôi đã phát thêm đạn cho mã quan. Tôi đang buồn vì không gặp sói đây.
Trương Kế Nguyên đi theo ba ông già lên đỉnh dốc, quan sát tứ phía. Ông già Pilich tỏ vẻ e ngại, nói: Năm nay mưa nhiều, những cây cỏ lau chịu hạn này cao đủ cho sói nấp, rất khó đề phòng.
Bao Thuận Quý nói: nhất định phải bắt mã quan hò la nhiều, cử động nhiều, soi đèn pin nhiều.
Ông Pilich nói: Chỉ cần ổn định đàn ngựa không cho chạy lung tung là ngựa giống có thể đối phó được sói.
Hai cỗ xe ngựa nhẹ nhàng lướt tới. Tại trạm gác, các mã quan dựng hai túp lều, chôn nồi, đun trà, nấu mì thịt.
Trong đêm, trạm gác trên vùng cát mát mẻ, đàn muỗi do đàn ngựa đem đến đã bị các mã quan đập chết quá nửa. Không có muỗi bổ sung, đàn ngựa mỏi mệt được yên ổn. Trong bóng dêm, ngựa Mông Cổ giống như ngựa chiến trong thời chiến, hai tai chuyển động cảnh giác, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đàn ngựa như bộ đội dã chiến quân tinh nhuệ, gặp nạn liền tự động giảm bớt khẩu phần lương thực, không khảnh ăn, không ngán ăn, rau đắng mấy cũng ăn tuốt, ra sức nhét vào bụng rau cỏ nuôi sống người. Trương Kế Nguyên khi đi tuần đã phát hiện ra, một số ngựa giống hung hãn nhất và các mã quan bụng đã no căng.
Đêm đầu tiên muỗi ít sói không, người ngựa được nghỉ ngơi. Lúc sương xuống, muỗi ướt cánh không bay được, đúng giờ mã quan dồn ngựa đến trảng cỏ. Đàn ngựa thích ăn cỏ giàu dinh dưỡng như điên. Sáng ra mặt trời lên, muỗi hoạt động, đàn ngựa lui về trạm gác. Đêm hôm sau cũng thế. Đêm thứ ba, Bao Thuận Quý cho xe ngựa chở đến hai con cừu lớn. Buổi chiều, các mã quan đã được ngủ bù, vây quanh nồi thịt cừu nhắm rượu, mọi người ăn uống ca hát, hò la ầm ĩ, vừa thưởng thức rượu thịt, vừa hù doạ đàn sói. Hơn năm nay Trương Kế Nguyên tửu lượng tăng lên, rượu ngà ngà hát bài “tửu ca”, cậu nhận ra giọng mình cũng du dương như tiếng tru của sói.
Sáng sớm hôm thứ tư, ngựa lưu tính của mục trường đến thông báo hai cán bộ của binh đoàn sản xuất đã đến bãi chăn mới, cần gặp Ulichi và ông Pilich tìm hiểu tình hình. Hai người đành rời đôi, trước khi lên đường, ông Pilich dặn đi dặn lại các mã quan không được sơ suất.
Hai nhân vật đáng nể của thảo nguyên vừa dời đội, các mã quan liền nhớ đến người yêu của họ. Buổi tối, hai mã quan trẻ phóng ngựa đi gặp các cô nương gác đêm ngoài trời cùng họ “gác đêm”. Từ “gác đêm” ở Ơlôn có hai nội dung, nhất thiết không được vừa cười vừa nói “gác đêm” với các cô gái, nếu không chưa chừng cậu sẽ phải đợi suốt đêm.
Đàn ngựa đông đúc đã gặm trơ cả rễ tất cả các loại cỏ cứng cỏ đắng. Nhưng ngựa giống giám sát thành viên trong bộ tộc như cai ngục gác tù, kẻ nào đi về phía đồng cỏ vài bước, lập tức bị ngựa giống gọi trở lại, cả đàn bị phạt đứng trong lúc đói, còn ngựa giống vẫn đi tuần trong lúc bụng rỗng không.
Những con sói nấp sau đám cỏ dại xa xa cũng đã đói vàng mắt, nhất là khi ngửi thấy mùi thịt từ trong nồi bay ra, đàn sói càng chịu không nổi. Nhưng đàn sói đến vùng ít muỗi này cũng đã được di dưỡng đầy đủ về tinh thần, đang lặng lẽ đợi thời. Batu đoán có đến nửa số sói thảo nguyên Ơlôn đã mai phục xung quanh đàn ngựa, có điều chưa dám liều lĩnh rat ay. Đám mã quan đông đảo súng ống trang bị tận răng, ngựa giống hung hăng bảo về vòng ngoài. Vài con ngựa giống sức lực có thừa không biết dùng làm gì, liên tục giậm chân quát tháo đàn sói phía xa, chỉ tiếc nỗi không ngoạm lưng sói mà quăng lên trời, đợi rơi xuống liền dùng chân giẫm đạp cho hả giận. Nhưng nhược điểm lớn nhất của đàn ngựa chăn thả dã ngoại là không có chó đi theo. Xưa nay người thảo nguyên chưa hề huấn luyện những con chó giữ nhà trung thành luyến chủ thành vệ binh của đàn ngựa.
Sau bữa cơm chiều, Batu dẫn theo Trương Kế Nguyên đi dò tung tích đàn sói tại một nơi khá xa có loại cỏ thân cứng. Họ đi theo một tuyến rộng hơn, vẫn không phát hiện dấu vết mới của sói. Batu không yên tâm. Mấy hôm trước trinh sát tầm xa, anh thấy có mấy bóng sói lảng vảng, vậy mà khi người ngựa đã lơ là đôi chút lại không thấy bóng con nào. Anh biết, trước khi phát động tổng công kich, sói thường chủ động lùi xa mục tiêu để người và gia súc mất cảnh giác.
Trương Kế Nguyên cũng cảm thấy một thứ căng thẳng không thể cắt nghĩa trước sự im ắng này. Cả hai cùng nghĩ tới thời tiết, bèn ngẩng đầu nhìn trời: Góc tây bắc không còn sao, mây đen dày đặc đang ùn ùn kéo về trảng cát. Hai người vội quay ngựa chạy về lều bạt, Batu phát hiện ba nhóm mã quan mỗi nhóm thiếu một người, hỏi mã quan lớn tuổi, người thì bảo họ về mục trường lĩnh pin đèn, người lại bảo họ đi khám bệnh. Batu tức điên, quát: Tôi biết họ đi đâu rồi, đêm nay mà có chuyện, mấy cậu trốn việc đó dứt khoát sẽ giao cho mục trường nghiêm trị. Rồi trỏ các mã quan và bảo: Đêm nay không ai được ngủ, thay con ngựa tốt nhất trực suốt đêm, nhất định phải quây chặt đàn ngựa không cho đến trảng cỏ, dứt khoát đêm nay sói về!
Các mã quan vội thay pin mới, lắp đầy đạn, mặc áo mưa, phóng vội đến đàn ngựa chuẩn bị ứng chiến.
Gần nửa đêm, tiếng quát từ phía trảng cát vang lên, ánh đèn pin lấp loáng nhiều lên. Những mã quan dũng mãnh cùng những con ngựa giống quay chặt đàn ngựa, đám ngựa lớn hình như đánh hơi thấy mùi sói, len ra đứng vòng ngoài dùng xương thịt tạo nên mấy lớp tường vây, dành mảnh đất an toàn bên trong cho ngựa cái, ngựa con và ngựa choai. Ngựa choai bám ngựa mẹ không rời nửa bước. Trương Kế Nguyên hình như nghe thấy tiếng đập của hàng nghìn trái tim ngựa, hồi hộp không kém cậu lúc này.
Sang nửa đêm về sang, sau cơn cuồng phong, tiếng sấm dữ dội nổ tung bầu trời, phía dưới, đàn ngựa nhốn nháo như nổ kho thuốc súng. Trong khoảnh khắc đất trời rung chuyển, đàn ngựa sợ hãi hí vang, gần hai nghìn con ngựa bên trong náo loạn chỉ chực bỏ chạy. Tất cả những con ngựa giống đều đứng trên hai chân sau, mặt ngoảnh vào trong, dùng hai vó trước nện những con yếu bóng vía chực phá rào bỏ chạy. Các mã quan hò hét, vụt lia lịa giúp ngựa giống tử thủ phòng tuyến cuối cùng. Nhưng trên cao sấm rền vang, những tia chớp ngoằn ngoèo như dây thần kinh phóng thẳng xuống đất, ngựa như đập nước tròn khi động đất, vỡ tứ phía, loáng cái đã phá vỡ phòng tuyến ngựa giống và các mã quan, chạy như điên.
Tiếng sét át hết tiếng kêu ngựa hí và tiếng súng, ánh chớp xoá đi ánh đèn pin, trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, thấy rõ những con sói xám từ bốn phương tám hướng xông vào đàn ngựa. Các mã quan mặt tái nhợt. Trương Kế Nguyên hét to: Sói! Sói! lạc cả giọng. Cậu chưa bao giờ trông thấy một tập đoàn sói công kích dữ dội dưới sự trợ oai của sấm sét trên trời giáng xuống. Đàn sói như đạo thần binh thực hiện ý chỉ của trời, ra quân có mục đích thay trời hành đạo, trả thù cho thảo nguyên, tấn công dữ dội người ngựa, giết tên đầu sỏ phá hoại đồng cỏ: Ngựa Mông Cổ.
Đàn ngựa vừa sợ vỡ mật vì tiếng sấm, lại bị đàn sói hung dữ tấn công, tinh thần đồng đội nhanh chóng tan rã chỉ còn lại bản năng chạy trốn. Vỡ trận như núi lở, vỡ đàn còn hơn cả vỡ trận. Được sấm sét và bóng tối yểm hộ, đàn sói lao như tên vào giữa đàn ngựa. Đàn ngựa tan tác, sói dễ dàng tiêu diệt từng con.
Mục tiêu công kích số một của sói là ngựa choai. Chưa từng nghe thấy tiếng sét nổ, những con ngựa choai sợ đến tê liệt. Lũ sói cứ mỗi con một miếng, mỗi miếng một con, mau chóng cắn chết mười mấy con ngựa choai. Chỉ những con ngựa choai can đảm bám sát ngựa mẹ, hoặc nếu lạc mẹ, bám ngựa bố hung dữ mới thoát cuộc tàn sát.
Trương Kế Nguyên vội vã đi tìm “Nàng Bạch Tuyết” thân yêu của cậu. Cậu sợ trong đêm càng nổi bật càng nguy hiểm. Lại một ánh chớp, cậu trông thấy bốn con ngựa giống to lớn đang truy sát ba con sói bên cạnh con ngựa bạch, nào đập nào cắn, cực kỳ hung hãn. Ngựa bạch bám sát ngựa giống, thậm chí còn dám đá hậu mấy phát. Ngựa giống ra sức gọi ngựa cái. Trong đàn, trừ ngựa giống, chỉ ngựa cái là trầm tĩnh nhất, dũng cảm nhất trong việc bảo vệ ngựa con. Nghe tiếng gọi của chồng, ngựa cái vừa cắn vừa đá chạy về phía ngựa chồng. Ngựa giống hung hãn, ngựa cái dũng cảm đã nhanh chóng giữ vững trận thế trong lần hợp vây giữa sấm sét và sói, hơn nữa còn tập hợp được dòng tộc của mình.
Tuy vậy, quá nửa đàn ngựa tan vỡ. Từng con sói như những quả ngư lôi dấy lên những đợt sóng trên hồ. Đàn sói hiếu sát giờ đây không coi các mã quan là cái đinh. Đèn pin không bằng ánh chớp; thòng lọng ném trong đêm rất khó trúng; mã quan gào thét đến rách họng cũng bị tiếng sấm át đi, mất toàn bộ bản lĩnh giữ nhà. Sau nửa tiếng đồng hồ, ngay cả người liên lạc với nhau còn khó. Batu sốt ruột phát đi tín hiệu với các mã quan, hét to: Đừng để ý hướng đông nam, tập trung toàn bộ đuổi theo đàn ngựa phía tây bắc! Đề phòng ngựa vượt biên! Mọi người chợt tỉnh, rẽ sang hướng tây bắc đuổi theo đàn ngựa.
Sau chớp giật, những hạt mưa to tướng rơi lộp bộp, lúc này đàn ngựa đã chạy đến trảng cỏ, mưa nặng hạt khiến đàn muỗi không thể tham gia bữa tiệc máu. Tiếng sấm xa dần, ánh chớp khi ẩn khi hiện phía chân trời. Trận gió ào qua, Batu lại thấy sao trên trời. Batu hét to với đám mã quan: Chặn ngay đàn ngựa lại! Nhanh lên! Muỗi sắp xông ra bây giờ! Mã quan vội quất ngựa lao lên.
Vào trận đã thắng khiến đàn sói nổi máu tham. Đàn sói một khi chộp đúng thời cơ, chúng khai thác bằng hết, mở rộng chiến quả lên cực đại. Đàn sói không chỉ sát hại những con ngựa chạy chậm hoặc lạc mẹ, mà còn sát hai cả những con ngựa hai ba tuổi. Đàn sói lúc đầu tác chiến cá nhân, sau liên kết bộ ba, cắn đứt động mạch cảnh, máu chảy như xối hạ gục từng con khiến đàn ngựa hoảng sợ chạy tan tác.
Giữa lúc nguy cấp, bỗng có ba con ngựa chạy tới từ hướng đại đội, ánh đén loé lên, ba cậu mã quan đi ăn mảnh nửa đường thấy thời tiết thay đổi liền vội vã quay lại chặn được đàn ngựa không người khống chế. Đàn ngựa thấy có người và ánh đèn pin, chạy chậm lại. Batu và các mã quan chạy tới kẹp chặt hai bên, cuối cùng bắt đàn ngựa quay về.
Tiếng sấm rất xa, chớp không còn nữa. Tiếng quát và ánh đèn của mã quan bắt đầu phát huy tác dụng dẫn dắt, kêu gọi đàn ngựa phân tán trở về. Các ngựa giống vươn dài cổ gọi gia tộc. Đàn ngựa chạy như bay về hướng nam, dọc đường, những binh si thất trận nghe tiếng người và ánh đèn pin lục tục nhập đàn. Ba bốn chục con ngựa giống cao to lừng lững tự động đứng xếp hàng trước đòn tấn công đàn sói hung thần ác quỷ, mặt ngựa đầu trâu. Đàn sói lập tức rút lui về phía đông nam như một cơn gió. Những con ngựa yếu, bị thương từ các phía chạy về đàn như gặp được cứu tinh, có nhiều con ngựa giống dẫn bầu đoàn sứt mẻ trở về. Trong đàn vang lên tiếng hí gọi con trai con gái, nhận cha nhận mẹ. Đàn ngựa tổ chức lại đội hình theo từng gia tộc trong khi hành tiến.
Đàn sói rất có trật tự khi tạm thời rút lui. Chúng không vội ăn thịt những con mồi đã bị thương hoặc chết, mà tranh thủ lúc mã quan và ngựa giống chỉnh đốn đội ngũ, chia nhau truy sát tàn quân phía đông nam. Batu và vài mã quan đến trứoc đàn ngựa đếm ngựa giống, thấy thiều một phần ba chưa dắt đàn về. Batu vội phóng ra phía sau đàn ngựa lệnh cho bốn mã quan chia hai tổ nhẳm hướng đông nam mở rộng phạm vi thu dung, những mã quan còn lại cấp tốc dồn đàn ngựa cho chạy thật nhanh, Batu phân công Trương Kế Nguyên nhằm hướng đông nam đuổi theo đàn sói.
Đàn sói từ phái tây bắc xuống, với tốc độ cao đuổi kịp đàn sói phía đông nam đang say sưa tàn sát. Một số tộc ngựa choai bị giết không còn một con. Sau khi hội sư, đàn sói bắt đầu giết ngựa già yếu bệnh tật. Người la ngựa hí phía tây bắc ngày càng gần, vậy mà đàn sói vẫn rất bình tĩnh xé thịt ăn. Trương Kế Nguyên thấy một mình không đuổi được đàn sói, đành quay về giúp đội ngũ dồn cừu. Thời tiết thảo nguyên và sói thảo nguyên hình như đang đợi thời cơ càng có lợi cho chúng.
Giữa lúc các mã quan dồn đàn ngựa còn cách trạm gác chừng ba dặm, đàn muỗi trong đám cỏ ướt bay lên như làn khói đen của bộc phá, vây chặt đàn ngựa. Đàn muỗi độc nhất năm nay, hàng triệu cái vòi cắm vào mình ngựa. Đàn ngựa chưa kịp hoàn hồn sau khi bị sấm chớp và sói công kích, giờ náo loạn lên vì muỗi đốt.
Lúc này hình phạt tàn khốc nặng nề nhất rơi lên đầu ngựa giống- thần hộ về của đàn ngựa. Ngựa giống xác to lông mỏng, da thịt nhăn nheo, cái đuôi bết máu tròn như gậy, giá trị sử dụng bằng con số không. Muỗi độc tập trung công kích ngựa giống, hơn nữa chuyên đốt mi mắt, bụng dưới, dương vật và bìu dái, những chỗ chí mạng. Ngựa giống bị đốt đến phát điên, mất cả lý trí và lòng trọng. Đúng lúc ấy gió nhẹ không thổi dạt được muỗi, đàn ngựa nảy ý chạy ngược gió để đuổi muỗi. Bị muỗi đốt không mở được mắt, những con ngựa giống chồm lên, bỏ mặc vợ con, chạy như điên.
Phần lớn mã quan từ trảng cát đến không đội mũ chống muỗi. Đầu mặt cổ và tay muỗi bu đầy; mi sưng vù, mắt nheo lại như một sợi chỉ, mặt “béo” ra như đang sốt cao, môi sưng vều, rất đau khi chạm phải; ngón tay to ra, đến nỗi không cầm chắc cán thòng lọng. Ngựa đang cưỡi không nghe lời chủ, chốc chốc lại đá hậu, chốc chốc dừng lại không đi, cúi đầu cọ gối gãi ngữa, lúc chạy ngược gió như điên; lúc không cần biết trên lưng có người cưới, định lăn lộn dưới đất gãi ngứa giảm đau.
Người ngựa hầu như mất sức chiến đấu, hoàn toàn tê liệt trước chiến thuật của đàn muỗi. Đàn ngựa chạy bạt mạng cũng không tác dụng, những con tản mát từ các hướng khác lại chuyển hướng, chạy như điên về phía tây bắc.
Đàn muỗi đốt như điên, đàn ngựa chạy như điên, đàn sói giết như điên. Sấm sét, gió, muỗi, sói, các vấn nạn chụp lên đầu đàn ngựa thảo nguyên Ơlôn. Trương Kế Nguyên một lần nữa cảm nhận nỗi khổ của dân tộc thảo nguyên, có lẽ không một dân tộc nông canh nào sống trong hoàn cảnh khốc liệt đến như thế. Cậu bị muỗi đốt phát điên phát cuồng, rất muốn lộn trở lại trạm gác nơi trảng cát. Vậy mà các mã quan người nào cũng dũng mãnh như kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn, không một ai bỏ chạy, xung phong hãm trận dưới làn tên dày đặc. Xung phong! Xung phong! Nhưng đêm tối mà xung phong là điều cấm kỵ, nó như người mù cỡi ngựa thong manh, một khi ngựa vấp hang chuột sẽ bị thương, thậm chí ngã chết hoặc bị ngựa đè chết. Batu mặt đen nhẻm, vụt cho những con ngựa khác chạy, còn con ngựa đang cưỡi thì vụt vào đầu cho nó quên đau do muỗi chích. Trương Kế Nguyên bị lôi cuốn trước cuộc quyết đấu sinh tử của các vũ sĩ thảo nguyên, cũng mạnh dạn xông lên.
Batu vừa đuổi theo vừa hét: ép đàn ngựa sang hướng tây! Ở đó có trảng cát. Ép đi! Ép đi! Dứt khoát không cho ngựa chạy lên đường biên phòng! Các mã quan hưởng ứng, hét to: A!...A!...A!... đầy khí phách. Trương Kế Nguyên nghe thấy tiếng kêu thảm thiết, một mã quan ngựa vấp hang chuột ngã bay lên phía trước, không ai xuống ngựa trợ giúp, các mã quan tiếp tục xông lên, tốc độ không giảm.
Thế nhưng, ngựa chở người không thể chạy nhanh bằng ngựa không chở gì. Các mã quan không ép được đàn ngựa chạy sang hướng tây. Không còn hi vọng gì nữa, nhưng Batu và các mã quan vẫn đuổi vẫn hò hét.
Đột nhiên từ một nơi rất xa phía sau dốc núi, vài ánh đèn pin loé lên. Batu reo to: Đội cho người đón chúng ta rồi. Các mã quan reo ầm lên, dùng đèn pin trỏ vị trí đàn ngựa. Đoàn người ngựa từ sau núi dàn hàng ngang tiến lên hò hét ầm ĩ, ánh đèn quét ngang quét dọc, như chiếc cửa đập chặn đứng đường đi của đàn ngựa. Đàn ngựa một lần nữa lại bị khoanh và không thể rút lui, mọi người có ý dồn chặt chúng, thân kề thân, bụng kề bụng, muỗi bị chẹt chết từng mảng.
Như một tù trưởng bộ lạc, ông dẫn đội quân tiếp viện đến đúng lúc, đúng chỗ, vào giờ phút quan trọng nhất, địa điểm quan trọng nhất, còn đội quân thì tinh nhuệ như đàn sói dưới sự chỉ huy như đàn sói dưới sự chỉ huy của sói chúa, đột nhập đàn sói. Đàn sói thấy xuất hiện tiếng la và ánh đèn pin thì sợ quá, hơn nữa hình như chúng nhận ra tiếng ông già Pilich. Và thế là sói chúa dừng lại dẫn đàn sói trở lui. Lần này mục tiêu rõ rang: Chúng tranh thủ đến bãi Một, nơi tàn sát đàn ngựa đợt một, ăn thật no, rồi nhanh chóng chạy lên núi.
Ông Pilich, Bao Thuận Quý và Ulichi dẫn mười mấy dương quan ngưu quan và thanh niên trí thức cùng các mã quan tập hợp đàn ngựa, nhanh chóng đưa về trảng cát nhập đàn, và cử hai mục dân chăm nom cậu mã quan bị thương. Trần Trận chạy đến bên Trương Kế Nguyên hỏi thăm sự việc xảy ra, và nói cho cậu ta biết ông già Pilich và Ulichi đã tiên liệu việc này, cho nên trước trở trời, ông già đã tổ chức đội viện binh, Trương Kế Nguyên thở hắt ra, nói: Nguy hiểm quá, nếu không đàn ngựa đi đứt.
Về đến trạm gác trảng cát thì trời đã sáng, những con ngựa thất tán đã tìm thấy, nhưng đàn ngựa tổn thất nặng nề. Đếm kỹ, ngừa già yếu bệnh tật bị cắn chết bốn năm con, chớm hai tuổi tử vong mười hai mười ba con, ngựa choai bị cắn chết nhiều nhất, khoảng năm sáu mươi con, tổn thất tổng cộng bảy chục con ngựa. Lần gieo hoạ này, sấm chớp gió muỗi đều là sát thủ, nhưng kề dao vào cổ vẫn là sói.
Bao Thuận Quý cưỡi ngựa tuần tra trảng cỏ ngổn ngang xác ngựa, tức quá chửi toáng lên: Tôi đã bảo công việc lớn nhất của mục trường là diệt sói nhưng các vị không ủng hộ. Giờ đã thấy chưa, đây là sự trừng phạt đối với chúng ta. Từ nay ai còn nói hay cho sói, tôi cách chức người ấy, phải đưa người ấy vào lớp học cải tạo, bắt bồi thường thiệt hại!
Ông già Pilich tay nọ nắm lưng bàn tay của tay kia buồn bã nhìn trời, môi run run. Trần Trận và Trương Kế Nguyên có thể đoán ông già nói gì. Trần Trận nói nhỏ với Trương Kế Nguyên: Điều hành thảo nguyên khó quá, những người chủ trì thảo nguyên rồi sẽ trở thành vật hi sinh…
Trương Kế Nguyên vội tới gần Bao Thuận Quý nói: Đại hoạ sức người không chống nổi. Theo cháu, thiệt hại của ta hãy còn ít, những công xã chăn nuôi vùng biên thiệt hại lớn lắm. Lần này vẫn bảo tồn được ngựa giống, ngựa lớn, ngựa mẹ và quá nửa ngựa con. Tất cả mã quan đều tận tâm với công việc, không ai bỏ chạy, điều này không dễ? May mà có sự điều tiết của bố Pilich và Ulichi, nếu cách đây năm hôm không chuyển tới trảng cát này thì đàn ngựa đi đứt.
Lanmutrăc nói: Nếu không có ông Pilich ông Ulichi thì đàn ngựa đã vượt biên, đợi vấn nạn qua đi, ngựa không còn được mấy con, mã quan thì ngồi tù, ông muốn làm Chủ nhiệm cũng không xong.
Batu nói: Hàng năm ngựa choai tổn thất quả nửa, ta chưa đến mức ấy. Từ nay ta phải chú ý hơn, cẩn thận hơn. Tính cả năm, tổn thất của ta chỉ bằng những năm bình thường.
Bao Thuận Quý gầm lên: Anh nói gì thì nói, những con ngựa này là do sói cắn chết. Muỗi ghê gớm đến mấy cũng không cắn chết nổi một con ngựa. Nếu như diệt sói sớm hơn, đại hoạ này đâu xảy ra? Thủ trưởng binh đoàn mấy hôm nay ở mục trường bộ, thấy ngựa chết nhiều thế này, ông ấy không cách chức tôi thì chớ kể. Lũ sói đáng ghét! Từ nay về sau phải nắm chắc khâu diệt sói, không tiêu diệt sạch đàn sói thì dân không thể sống yên. Binh đoàn thực sự sắp kéo về mục trường, các vị không diệt sói, tôi mời binh đoàn diệt giúp. Binh đoàn có rất nhiều xe tải, com măng ca, súng đạn…
Mục dân sắc mặt u ám, chia nhau xử lý bãi xác ngựa, cùng dương quan chất lên xe chở về đại đội chia cho các gia đình. Những con bị sói xé nát đành phải bỏ lại trên trảng cát. Sói thảo nguyên trong đại hoạ muỗi vẫn kiếm ăn được. Chỗ thịt ngựa là thịt cứu mạng của đàn sói trong mùa hè đói khát này.
Những con ngựa choai sống sót run rẩy khi nhìn thấy những xác chết. Bài học xương máu cho chúng. Lần sau gặp thiên tai phải cảnh giác hơn, dũng cảm hơn, bình tĩnh hơn. Nhưng Trần Trận giật mình tự hỏi: Lần sau, còn có lần sau không?
Năm 404, Nguỵ Văn Đế soái lĩnh quý tộc, văn bõ bá quan, 20 vạn lính Tiên Ti, từ Bình Thành dời đô về Lạc Dương. Những người này cùng với gia thuộc không dưới một triệu người.
…
Thời kỳ Tuỳ Đường, tộc Hán cư trú lưu vực Hoàng Hà, thực tế là tộc Hán được hình thành từ sự pha trộn giữa các tộc lạc hậu phương bắc và tây bắc với tộc Hán từ thời Mười Sáu nước.
Phạm Văn Lan “Trung Quốc thông sử giản biên”. Đệ nhị biên
Chu tử ngữ loại 116 lịch đại loại 3, chép: Đường xuất xứ từ Di Dịch, vậy nên không lấy làm lạ khi có chuyện loạn luân chốn phòng the.
Trần Tân Lạc “Đường đại chính trị sử thuật luận cảo”
Trận mưa thu lành lạnh kết thúc đột ngột mùa hạ trên cao nguyên Nội Mông, và cũng làm bị thương đàn muỗi dữ như sói trên thảo nguyên. Trần Trận lặng ngắm thảo nguyên Ơlôn hiu quạnh, cậu hiểu nguyên nhân vì sao sói và muỗi thảo nguyên điên cuồng đến thế. Thảo nguyên mùa hè ngắn, mùa thu lại càng ngắn, qua mùa thu là mùa đông dài hơn nửa năm, là mùa chết chóc của những động vật không ngủ đông, ngay cả lũ muỗi dù đã chui vào hang rái cá cạn, cũng chết quá nửa. Sói thảo nguyên không có mỡ và bộ lông dày cũng không thể sống qua mùa đông. Cái rét khủng khiếp của mùa đông tiêu diệt phần lớn những con sói gầy, già, bệnh tật hoặc bị thương. Vì vậy đàn muỗi tranh thủ hút máu như điên, ra sức cứu vãn mạng sống của chúng trong mùa sinh trưởng ngắn ngủi này; còn đàn sói phải đổi mạng lấy cái ăn để sống qua mùa đông rét buốt và mùa xuân đói khát.
Lều Trần Trận được chia một con ngựa choai chỉ còn lại hai chân trước và nội tạng đã có mùi. Sói con lại có những ngày tươi sáng cơm no áo ấm. Số thịt này ăn được mấy ngày nữa. Cái mũi mách bảo sói con: Trong nhà có thịt dự trữ. Vì vậy trong những ngày này sói con rất vui. Nó thích ăn thịt tươi nhưng cũng không chê thịt ôi, thậm chí nuốt cả những con giòi trong thịt một cách ngon lành. Cao Kiện Trung phải kêu lên: Sói con đúng là cái thùng rác, lều chúng mình có bao nhiêu rác rưởi đều trút hết vào đấy.
Điều kinh dị là bất kể thức ân hư hỏng thối rữa, sói con ăn vào đều không bị bệnh. Trần Trận và Dương Khắc vô cùng khâm phục khả năng chịu rét, chịu nóng, chịu đói, chịu khát, chịu thối, chịu bẩn và miễn dịch của sói con, vật chủng tinh tuyển sau ngàn vạn năm trong hoàn cảnh khắc nghiệt khiến người ta cảm động, tiếc rằng Đác Uyn chưa đến thảo nguyên Ơlôn Nội Mông, nếu đến, ông sẽ mê tít sói thảo nguyên, và chắc chắn sẽ có thêm một chương trong sách của ông.
Sói con lớn rất nhanh, càng lớn càng đẹp mã, càng giống sói hoang trên thảo nguyên. Trần Trận thay cho nó sợi xích dài hơn, cậu còn định đổi tên, gọi nó là “sói lớn”, nhưng sói con chỉ tiếp nhận cái tên “sói con”, nghe Trần Trận gọi “sói con”, nó vui vẻ chạy tới liếm tay, cọ mõm vào đầu gối, chồm lên bụng. Lại còn nằm ngửa dưới đất bốn vó chổng lên trời cho cậu gãi bụng. Nhưng nếu gọi “sói lớn” nó làm như không nghe thấy, lại còn nhìn trước nhìn sau như gọi “người khác” chứ không phải nó. Trần Trận cười, nói: Mày đến là ngốc! Sau này già rồi chẳng lẽ vẫn gọi là “sói con” sao? Sói con thè nửa lưỡi cười ngờ nghệch.
Trần Trận thích từng bộ phận trên người sói con, thời gian dài gần đây cậu thích nghịch tai con sói, đôi tai thẳng tưng, rắn chắc, sạch sẽ, hoàn hảo và mẫn cảm, là bộ phận hoàn thành sớm nhất tai sói tiêu chuẩn so với các bộ phận khác, hoàn toàn giống tai sói lớn. Sói con ngày càng có cảm giác tự thân theo bản năng sói thảo nguyên. Trần Trận ngồi xếp bằng tròn trước sói con để chơi với nó. Cậu rất muốn nghich tai nó, nhưng hình như phải có điều kiện di truyền từ giới sói, là phải gãi cuống tai, cổ, toàn thân cho đã ngứa rồi mới được nghịch tai. Trần Trận thích gập tai sói về phía sau rồi buông tay, cái tai bật thẳng trở lại như cũ. Nếu gập cả hai tai và cùng lúc buông tay, hai tai không cùng trở lại, mà một trước một sau phát ra tiếng “phựt!”, có lúc chính sói con giật mình tưởng có địch.
Đôi tai oai phong lẫm liệt, trừ Nhị Lang, tất cả chó trong nhà đều hâm mộ, ghen tị, thậm chí hằn học. Trần Trận không rõ cái phần sụn trong tai của sói và chó có chứa đựng “khí phách” gì không? Tổ tiên chó cũng như tổ tiên sói, đôi tai giống nhau, thẳng đuột. Có lẽ về sau, khi chó đã bị người thuần dưỡng, lá tai mới gập xuống một nửa che lỗ tai, nên chó không thích tai bằng sói. Cũng có thể người xưa không thích thói hoang dã nên thường xuyên xoắn tai chó, thậm chí xách tai mà dạy bảo, dần dà tai chó mềm ra cùng với “khí phách” chó lộ ra, cuối cùng chó trở thành nô bộc gọi dạ bảo vâng của loài người. Mã quan Mông Cổ luyện ngựa thường nắm hai tai vít đầu ngựa xuống mới đặt được yên nhảy lên cưỡi. Các bà vợ địa chủ Trung Quốc cũng rất thích bẹo tai a hoàn. Một khi đã bị người ta bẹo tai, thân phận nô bộc đã được xác nhận.
Cái tai con sói khiến Trần Trận nhận ra quan hệ mật thiết giữa tai và thân phận con người. Thí dụ, dân tộc mạnh thường thích bẹo tai dân tộc không mạnh; dân tộc không mạnh lắm thường thích bẹo tai dân tộc yếu; dân tộc du mục dùng phương thức “xách tai bò”, xoắn tai bò rừng, ngựa hoang, cừu hoang và chó hoang, biến chúng thành nô lê, nô bộc. Về sau, dân tộc du mục nào mạnh áp dụng kinh nghiệm đó đối với các bộ tộc và dân tộc khác, bẹo tai các dân tộc bị mất đất; các tập đoàn chiếm địa vị thống trị bẹo tai các dân tộc bị trị. Vậy là thế giới loài người xuất hiện quan hệ giữa “kẻ chăn dê” và “đàn dê”. Lưu Bị là “kẻ chăn dắt Từ châu” (Từ châu Mục), dân Từ châu là “Đàn dê Từ châu” (Từ châu Dương). Dân tộc bị tập đoàn thống trị bẹo tai sớm nhất thế giới là dân tộc nông canh. Cho đến nay, “xách tai bò” vẫn được cá nhân và các tập đoàn ngưỡng mộ, vẫn còn được ghi trong từ điển. Đây là di sản của tổ tiên du mục Hán tộc truyền lại cho con cháu, tuy nhiên từ sau Bắc Tống, tộc Hán không ngừng bị người ta “xách tai”. Đến nay, về mặt văn tự, từ “xách tai bò” vẫn còn, nhưng tinh thần thì đã mất. Dân tộc hiện đại không nên chinh phục và áp bức dân tộc khác, nhưng nếu không có tinh thần “xách tai bò” thì chưa chắc đã bảo vệ được “tai” mình.
Những ngày này, Trần Trận luôn theo dõi những cột bụi bốc lên sau xe com măng ca của binh đoàn mà thấy tinh thần bị tổn thương. Cậu là người Hán đầu tiên cũng là người Hán cuối cùng sống và khảo sát trên thực địa về du mục nguyên thuỷ trên thảo nguyên Nội Mông liền kề biên giới. Cậu không phải dân phóng viên chuồn chuồn điểm nước hoặc kẻ tham quan, cậu có một thân phận rất đáng tự hào: Dương quan (người chăn cừu). Cậu may mắn có một địa điểm rất đáng khảo sát: Mục trường Ơlôn, một vùng sâu vùng xa trên thảo nguyên, còn sót lại rất nhiều đàn sói lớn. Cậu đích thân nuôi một sói con bắt từ hang sói đem về. Cậu ghi nhớ tất cả những gì đã khảo sát và suy ngẫm, dù chỉ là chi tiết nhỏ. Sau này, cậu sẽ kể lại rất nhiều lần cho bạn bè và người thân, cho đến khi cậu từ biệt thế giới này. Tiếc rằng đám con cháu Viêm Hoàng rời đất tổ thảo nguyên đã quá lâu, cuộc sống du mục cổ kính nguyên thuỷ trên thảo nguyên lại sắp nhanh chóng kết thúc, từ nay người Trung Quốc không còn được về thăm đất tổ còn nguyên vẹn bộ mặt để thăm viến các cụ tổ nữa rồi…
Trần Trận vuốt ve tai sói con rất lâu. Cậu thích đôi tai của sói con, vì nó là đôi tai duy nhất được bảo tồn hoàn chỉnh. Hai năm nay, cậu từng trông thấy tai sói ở cự li gần, tai sói chết, tai sói đã lột da, và cả tai trên da sói lộn ống, tất cả đều khiếm khuyết, có tai như con tem bưu điện, mép rách bươm, có tai không chop nhọn, có cặp tai một dài một ngắn, có tai xẻ đôi hoặc xẻ ba, có tai cụt tận gốc… Càng già càng hung hăng, tai càng khó coi. Trần Trận nhớ không có cặp tai sói nào còn nguyên vẹn, cậu chợt hiểu ra, trên thảo nguyên tàn khốc, những cái tai sứt mẻ mới là “tai sói tiêu chuẩn”.
Vậy cặp tai hoàn chỉnh không sứt sẹo này có phải “tai sói tiêu chuẩn”? Trần Trận hơi buồn. Cậu chợt nhận ra rằng, “hoàn chỉnh không khiếm khuyết” mới chính là khiếm khuyết lớn nhất của sói con. Sói là võ sĩ giác đấu trên thảo nguyên. Cuộc sống tự do ngoan cường của sói là dựa vào những cuộc quyết đấu sinh tử với ngựa giống hung hãn, với chó săn khoẻ mạnh, với những đàn sói từ đâu tới và với những thợ săn dũng mãnh, mà tồn tại. Chưa trải qua chiến đấu, chỉ dựa vào đôi tai bóng bẫy mà sống thì có thể coi là sói được không? Trần Trận cảm thấy mình tàn nhẫn, cậu đã tước đoạt sinh mạng dũng sĩ của sói thảo nguyên, khiến nó trở thành chỉ có tai sói mà không có mạng sói, một tội đồ không bằng con chó.
Có nên lẳng lặng thả sói ra? Trả về thảo nguyên tàn khốc nhưng tự do, trả lại mạng sói cho nó. Từ khi cậu dùng kìm đầu hổ cắt bỏ đầu nhọn của bốn răng nanh, con sói đã mất vũ khí sinh tồn trên thảo nguyên. Bốn răng nhọn sắc như mũi dùi, giờ đã mài tròn chỉ còn là những chiếc răng cùn như bốn hạt đậu vằn, răng chó cũng không giống. Trần Trận càng đau lòng hơn, là khi cắt răng tuy chưa chạm tuỷ nhưng một chiếc răng bị rạn, một vết nứt bằng sợi chỉ vào tới tuỷ, ít lâu sau, cậu thấy vết rạn có màu đen như răng sói già. Về sau, mỗi khi nhìn chiếc răng, Trần Trận lại thấy trong lòng đau nhói, có lẽ chỉ năm nữa là cùng, chiếc răng sẽ rụng. Răng là sinh mạng của sói thảo nguyên, nếu chỉ còn ba chiếc răng, ăn thức ăn còn khó, nói gì đến săn mồi. Cùng với thời gian, Trần Trận ngày càng thấy hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong hành vi sơ suất ban đầu- ngay cả sau này cậu cũng không thể trả sói về thảo nguyên, cậu cũng không thể tới vùng sâu vùng xa của thảo nguyên thăm bạn “sói con”. Ảo tưởng lãng mạn của cậu đã bị một cuộc phẫu thuật nhỏ cắt đứt hoàn toàn, đồng thời cũng chặn đứng tự do của một con sói ưu tú và đáng yêu. Huống hồ được nuôi lâu ngày, kinh nghiệm thực tiễn thảo nguyên không có, đàn sói Ơlôn sẽ coi sói con là “dân ngụ cư”, cắn chết không thương tiếc. Tháng trước, trong cái đêm sói mẹ gọi sói con, cậu đã không thả sói con, chuyện ấy đến bây giờ cậu vẫn áy náy. Cậu cảm thấy mình không phải là một nhà nghiên cứu khoa học thực thụ. Ảo tưởng và tình cảm khiến cậu căm ghét “nghiên cứu khoa học”. Sói con không phải chuột bạch cung cấp cho nghiên cứu khoa học, sói con là bạn và là thầy của cậu.
o0o
Mọi người trên thảo nguyên thấp thỏm đợi chờ binh đoàn sản xuất xây dựng Nội Mông. Thư lien danh của các ông Pilich, Ulichi và một số mục dân đã có tác dụng: Binh đoàn quyết định thảo nguyên Ơlôn vẫn chăn thả là chính, mục trường Baolicơ chuyển thành nghiệp đoàn, chăn nuôi là chính kiêm nông nghiệp. Phần lớn các mục trường khác đều chuyển thành Nông nghiệp đoàn. Lưu vực Mã câu tử- vùng sản xuất ngựa chiến Chumuxin nổi tiếng của Mông Cổ sẽ trở thành một nông trường lớn; một số mục trường chuyển thành mục đoàn nửa làm ruộng nửa chăn nuôi.
Kế hoạch hùng vĩ của binh đoàn đã lan tới thảo nguyên Ơlôn. Tư tưởng chủ đạo là sớm kết thúc phương thức sản xuất du mục lạc hậu kéo dài hàng ngàn năm trên thảo nguyên, xây dựng hàng loạt những điểm định cư lớn. Binh đoàn sẽ đầu tư vốn, thiết bị, đội xây dựng, sẽ xây nhà ngói cho mục dân, xây chuồng bê tông cho gia súc, khoan giếng máy, làm đường trải nhựa, xây trường học, bệnh viện, nhà bưu điện, hội trường, cửa hàng bách hoá, rạp chiếu bóng… Khai khẩn đất hoang thích đáng, trồng cỏ, trồng cây lương thực, trồng nấm, trồng rau, thành lập đội cắt cỏ cơ giới, đội vận tải và trạm máy kéo. Phải tận diệt sói, bệnh tật, côn trùng và chuột bọ. Phải ra sức phòng chống năm hại: tuyết, lũ lụt, hạn, gió, cháy đồng, muỗi… Để cho mục dân khổ cực hàng ngàn năm nay từng bước đi lên cuộc sống định cư ấm no hạnh phúc.
Các thanh niên trí thức, thanh niên mục dân, đa số phụ nữ và trẻ em đều mong đợi binh đoàn sớm thực hiện viễn cảnh tốt đẹp mà cán bộ binh đoàn và Bao Thuận Quý đã miêu tả. Nhưng phần lớn mục dân cao tuổi và trung niên im lặng không nói gì. Trần Trận đi hỏi ông Pilich. Ông già thở dài, nói: Mục dân từ lâu mong tre con có trường học, khám bệnh thì không cần dùng xe bò xe ngựa chở lên bệnh viện Kỳ (huyện). Ơlôn không có bệnh viện, chết mất bao nhiều người không đáng chết. Nhưng thảo nguyên thì như thế nào? Cỏ thưa lắm rồi, quá tải so với đàn gia súc. Thảo nguyên như cỗ xe bò, chỉ cáng đáng được bấy nhiêu gia súc, nếu thêm bấy nhiêu người và máy móc, e rằng cỗ xe thảo nguyên sẽ bị lật. Thảo nguyên lật xe, người Hán các cậu trở về quê cũ, nhưng mục dân thì đi đâu?
Trần Trận lo nhất là đàn sói sẽ như thế náo? Người khu vực nông nghiệp đến đây, thiên nga cái nhạn vịt trời bị giết thịt, số còn lại bỏ đi hết. Còn sói thảo nguyên thì không phải loài chim di cư, đàn sói thảo nguyên đời đời kiếp kiếp sống tại Ơlôn, chẳng lẽ bị tận diệt hoặc đuổi sang nước khác? Cao nguyên Ngoại Mông cỏ ít, người và gia súc ít, những con sói nghèo ở đây hung dữ gấp mấy những con sói giàu ở đây. Đến đó, chúng bị khinh rẻ, cho là “dân ngụ cư”. Trần Trận không ngờ thấy ngày mạt vận của sói thảo nguyên đã tới gần, mà công việc khảo sát và nghiên cứu của cậu thì mới bắt đầu…
Chạng vạng tối, Dương Khấc dồn cừu vào một địa điểm cách khu lêu bạt ba dặm, đối diện với cửa lều các cậu, rồi để chúng ở đấy, về nhà uống nước. Sắp chuyển bãi chăn, chuyển nhà, có thể cho cừu ăn cỏ non mới mọc gần nhà.
Dương Khắc múc hai bát trà, nói với Trần Trận: Không ai nghĩ rằng binh đoàn nói đến là đến. Thời bình, mình chúa ghét quân sự hoá sinh hoạt. Khó khăn lắm mới thoát khỏi binh đoàn sản xuất xây dựng Hắc Long giang, không ngờ lại rơi vào tay binh đoàn Nội Mông. Ơlôn từ nay ra sao mình cũng chịu, không thể đoán trước. Chúng ta phải mau chóng làm rõ một số vấn đề của sói thảo nguyên.
Hai người đang nói chuyện. Một con ngựa giao liên men theo con đường xe bò phóng tới như bay kéo theo một dải bụi vàng hơn trăm mét. Trần Trận và Dương Khắc thoạt nhìn đã biết đó là Trương Kế Nguyên đổi ca về nghỉ. Trương Kế Nguyên đã như một mã quan đích thực, có nhiều ngựa tốt, ngựa cưỡi dữ dằn, không tiếc sức ngựa, không giấu vẻ tự hào. Cao Kiện Trung cười giễu: Các cậu xem, tay này đã dụ được các cô Mông Cổ ra khỏi lều, ánh mắt ấy có khác gì đang bị lũ ngựa cái đuổi theo?
Trương Kế Nguyên nói: Các cậu mau ra mà xem mình đem đến cái gì?
Cậu ta cởi cái bọc to lù lù trên lưng ngựa, bên trong chắc là con vật sống đang cựa.
Dương Khắc đón cái bọ, sờ thử, cười: Chẳng lẽ cậu đem đến đây một sói con cho nó phối giống với sói con nhà mình?
Trương Kế Nguyên nói: Bây giờ làm gì có sói con bằng ngần này, cậu cứ mở ra mà xem, cẩn thận kẻo nó chạy mất.
Dương Khắc thận trọng cởi miệng bao, trước tiên thấy đôi tai rất to, bèn nắm lấy lôi ra, thì ra một con thỏ to đùng khoác chiếc áo mùa thu màu vàng sẫm đốm đen, quẫy rất dữ. Con thỏ to bằng con mèo nhà, nặng chừng sáu bảy cân.
Trương Kế Nguyên vừa cột ngựa vừa nói: Tối nay chúng mình ăn một bữa thỏ rôti. Ăn mãi thịt cừu cũng chán
Đang nói thì cách bảy tám thước, sói con thú tính bột phát, chồm tới vồ con thỏ. Nếu không có xích giữ lại, chắc chắn con thỏ đã bị vồ. Sói con chựng lại giữa không trung rồi rớt phịch xuống đất. Nó lộn một vòng rồi đứng ngay dậy, hai chân trước cào không khí, lưỡi thè dài thượt, hai mắt lồi ra, ánh mắt dữ tợn, những muốn nuốt chửng con thỏ.
Đàn chó nhà từng trông thấy con vật này chạy cực nhanh, không bao giờ vồ được. Cũng xúm quanh con thỏ, vẻ tò mò, nhưng không con nào dám nhảy xổ vào cướp.
Trông nét mặt tham lam của sói con, Dương Khắc xách tai con thỏ tiến mấy bước đu đưa con thỏ về phía con sói. Một khi chân trước chộp đúng chân thỏ, sói con lập tức trở thành sói đích thực, mặt đầy sát khí, miệng đỏ lòm, liếm mép liên tục, đồng tử như kim châm, phóng ra những cây kim độc vô hình, trông phát khiếp. Lúc con thỏ đưa về phía Dương Khắc, sói con giận dữ nhìn người và chó, ranh giới giữa người và sói bỗng chốc trở nên minh bạch, tình hữu nghị và tình cảm thân thiện bên nhau trong mấy tháng trời tan biến. Trong con mắt sói con, Trần Trận, Dương Khắc và Nhị Lang vốn rất yêu nó, đều trở thành kẻ thù.
Dương Khắc sợ, vô hình chung lùi lại mấy bước. Bình tĩnh lại, cậu đề nghị: Mình đề nghị thế này, sóii con lớn bằng ngần này nhưng chưa bao giờ bắt được con mồi sống, chúng mình cho nó thoả mãn tính thiên bẩm một tí. Mình tuyên bố thôi món rôti, cho sói ăn thịt con thỏ, chúng mình chứng kiến sói tính trong cự li gần.
Trần Trận mừng quá, lập tức hưởng ứng: Thịt thỏ không ngon, phải nấu với gà đồng mới ăn được. Sói con gác đêm cả một mùa hè, không để sói bắt mất con cừu nào, nên khen thưởng!
Cao Kiện Trung nói: Sói con không chỉ gác đêm, mà còn trông cả đàn bê, mình bỏ phiếu tàn thành.
Trương Kế Nguyên nuốt nước bọt, chấp thuận bất đắc dĩ: ừ thì thế, mình cũng muốn xem sói con nhà mình có sói tính hay không?
Bốn người vui hẳn lên. Thú tính ẩn sâu trong tâm khảm nhân loại, sự tàn nhẫn dã man khi thích xem đấu với thú dữ trên đấu trường La Mã cổ đại và cái cớ chính đáng hợp lý cùng lúc thả nổi, bộc lộ hết ra. Một con thỏ khoẻ mạnh, một sinh mạng thảo nguyên sống sót qua những cuộc vây bắt, truy sát của sói, chim ưng, cáo, cáo sa mạc và chó săn, đã bị bốn thanh niên trí thức Bắc Kinh phủ quyết dễ dàng. Được cái thỏ còn cái tội phá hoại thảo nguyên, tội đào hang để ngựa vấp ngã, phán tội chết cũng không có gì phân vân. Bốn người bắt đầu thảo luận thể thức đấu thú.
Trên thảo nguyên không có gì che chắn, chẳng mượn được chỗ nào làm đấu trường, mọi người rất tiếc không được xem sói con đuổi theo con thỏ. Cuối cùng, bốn người quyết định buộc riêng rẽ từng cặp chân trước với chân sau, để thỏ có thể nhảy mà không chạy mất.
Rõ rang đây là con thỏ dạn dày kinh nghiệm trong cuộc thử thách khắc nghiệt để mưu sinh. Dương Khắc trong khi buộc chân đã bị con thỏ đạp cho một phát, con thỏ có bộ vuốt sắc để đào hang, mu bàn tay Dương Khắc bị cào mấy vệt rất sâu, chảy máu. Cậu ta hít hà, nói: Người ta bảo thỏ khùng cắn người, không ngờ vuốt thỏ lại sắc như thế. Ghê thật, mi đừng vội lên mặt, lát nữa tao sẽ cho sói con lột da mi. Trần Trận vội chạy vào trong lều lấy bạch thược Vân Nam và bông băng, bôi thuốc băng bó cho Dương Khắc.
Bốn người cùng ra tay, chật vật mãi mới buộc xong, con thỏ nằm yên bất động, nhưng ánh mắt thì rất giảo hoạt. Trương Kế Nguyên vạch cái miệng ba múi của con thỏ, xem xét một lúc, nói: Các cậu xem, con thỏ này rất già, răng vàng khè. Các ông chủ xe thường bảo: “Người già gian ngoan, ngựa già láu cá, thỏ già chim ưng khó bắt”. Thỏ già đáng gờm, không khéo sói con ăn đòn.
Trần Trận ngoái lại hỏi Trương Kế Nguyên: Vì sao thỏ già chim ưng khó bắt?
Trương Kế Nguyên nói: Chim ưng bổ nhào từ trên không xuống, chân trái chộp mông thỏ, thỏ bị đau quay mình lại, chân phải chim ưng được đà chộp luôn lưng, vậy là con thỏ khó thoát. Chim ưng giữ chắc thỏ rồi vút lên cao thả xuống cho thỏ bị đập chết rồi mới tha lên đỉnh núi ăn. Nhưng gặp con thỏ già, chim ưng không dễ dàng hạ thủ. Khi bị chộp mông, thỏ già nhịn đau không quay mình lại mà rúc luôn vào bụi thanh khoả hoặc liễu đỏ. Chính mắt mình trông thấy con thỏ cùng chim ưng chui vào đám đất mọc đầy hồng liễu gai góc rậm rịt, chim ưng bị kẹt lông, đau quá phả nhả con thỏ ra. Ủ rũ như gà chọi bật sới, chim ưng phải nghỉ hồi lâu mới bay đi…
Dương Khắc nghe xong mắt tròn mắt dẹt, nói: Vậy ta phải tính kỹ!
Trần Trận nói: Cứ quẳng con thỏ cho sói con, một bên là thỏ già mưu mẹo giảo hoạt, một bên là sói con trẻ tuổi vô tư răng sứt mẻ. Cuộc đấu mà một bên buộc chân, một bên mắc xích mình thấy không công bằng.
Dương Khắc nói: chúng mình đều đã đọc “Xpáctác”, nên theo quy tắc đẫu trường La Mã, nếu thỏ thắng, ta trả tự do cho thỏ.
Ba người đồng thanh: Được.
Dương Khắc nói riêng với thỏ: Ai bảo mày đào nhiều hang, huỷ hoại nhiều thảm cỏ! Xin lỗi nhé! Lại quay sang nói với sói con: Sói con ăn cơm! Sói con ăn cơm! Nói xong, quẳng con thỏ vào chuồng. Vừa rơi xuống đất, con thỏ vùng ngay dậy nhảy tưng tưng. Sói con xông tới nhưng không biết cắn vào chỗ nào. Nó dung chân trước gạt con thỏ ngã xuống, nhưng vừa chạm đất con thỏ rúm người lại thành một cục có vẻ sợ, ngực phập phồng, toàn thân run bắn, nhưng hai mắt nó thì vô cùng điềm tĩnh quan sát từng cử động của sói con. Hắn là con thỏ này đã từng đào thoát khoie sói và chim ưng nhiều lần.
Con thỏ dưới cái vỏ bọc run như cấy sấy, tiếp tục co rúm người lại, co nữa, co nữa, cuối cùng như một “nắm đấm”, sau đó co vuốt sắc lại, điều chỉnh vị trí ôhngs vuốt như kiểu giấu vũ khí trong tay áo.
Sói con đã có kinh nghiệm ăn một con chuột lớn, tưởng thỏ là chuột lớn hơn, them nhỏ dãi tiến đến ngửi hit. Thỏ vẫn dang run. SÓi con giơ chân trước ấn ấn, coi như một miếng thịt thỏ vô hại. Sói con hết ngửi hít lại ấn chân, tìm chỗ cắn.
Đột nhiên con thỏ ngừng run, lúc này đầu sói con vừa vặn ló sát chân sau của thỏ. “Không hay rồi!” Bốn người cùng kêu lên nhưng không kịp nhắc sói con. Con thỏ vận hết sức mạnh cuối cùng, nhắm giữa đầu sói con đạp một phát mạnh như búa bổ. Sói con “oắc” lên một tiếng bật ngửa lộn một vòng ra phía sau, mãi mới dậy được thì đầu đã đầy máu, tai thủng một lỗ to tướng, mặt bị thưưong mấy chỗ, mắt phải suýt bị mù.
Trần Trận và Dương Khắc xót xa đứng phắt dậy, mặt tái nhợt. Dương Khắc lấy ra bạch thược Vân Nam chuẩn bị băng bó cho sói con, nhưng Trần Trận ngăn lại: Trên thảo nguyên không có con sois nào lành lặn, cứ để vậy cho sói con nếm mùi.
Sói con chưa bao giờ bị một vố như thế. Nó gồng mình lên vì sợ và giận dữ nhưng lại tò mò nhìn con thỏ. Con thỏ sau khi rat ay, bắt đầu cựa dữ, lật người lại, cà nhắc cà nhót định lết ra ngoài chuồng. Mấy con chó tức giận đứng cả dậy xông tới con thỏ mà sủa. Nhị Lang thấy fai mắt định xông vaog chuồng cắn chết thỏ, nhưng bị Trần Trận ôm chặt.
Con thỏ dần tới mép chuồng, sói con chậm rãi theo sau, khoảng cách chừng một thưứoc, chỉ cần chân sau con thỏ bước dài hơn một chút, sói con nhảy lùi lại như bị rết cắn.
Dương Khắc nói: Trận giác đấu này coi như thỏ thắng. Nếu như ngoài đồng, cú đá vừa rồi đánh gục sói, thỏ đã thừa cơ chạy thoát. Thằng cha này trong 20 phút đả thương một người một sói, giỏi đấy! Ta hãy thả nó ra. Cùng là động vật nông canh ăn cỏ, người Hán Trung Quốc nếu như có đựoc tinh thần thỏ thảo nguyên thì đâu đến nỗi rơi vào cảnh bán thực dân địa.
Trần Trận trong lòng mâu thuẫn: Cho sói con cơ hội cuối cúng. Nếu thỏ lần ra được ngoài chuồng, coi như thỏ thắng. Nếu không ra được, lại đấu tiếp.
Dương Khắc nói: Được, lấy vành ngoài cái chuồng để phân thắng bại.
Con thỏ hình như thấy có cơ may thoát chết, vừa lăn vừa lết để ra ngoài vòng. Sói con điên tiểt, hình như cảm thấy con vật kia dã là của mình, giờ không dám vồ nhưng hễ có điều kiện là nó lại dùng chân trước kéo lùi con thỏ một cái rồi nhảy sang bên, con thỏ đợi con sói nhảy lại nhích lên một bước để ra ngoài vòng. Cò cưa vài hiệp, sói con đã tìm ra nhược điểm của thỏ. Nó tách hai chân sau của thỏ chui lên phía trước, cắn tai lôi thỏ trở lại. Thỏ giẫy, sói nhả tai ra. Sói con dần nhận ra chân sau của thỏ không còn nguy hiểm đối với sói nữa, nó mạnh dạn cắn tai lôi thỏ vào bên chân cọc. Con thỏ kinh hoàng đá lung tung giẫy giụa như cá chép mắc câu, đến nỗi sói con không dám nhả ra.
Trần Trận quyết định gơi ý cho sói con, cậu gọi: Sói con ăn cơm! Sói con giật mình, tiếng gọi ăn cơm khiến nó đói ran, từ sói đấu biến thành sói đói, thế là sói đè đầu thỏ xuống, cắn đứt một tai thỏ bằng răng hàm, ăn ngấu nghiến cả da lẫn lông. Máu vọt ra, thú tính trỗi dậy, sói con hung hăng cắn nốt tai bên kia. Con thỏ mất cả hai tai, dữ như con rái cá cạn liều chết chống lại, cắn lung tung. Trong chuồng, một sói máu me đầm đìa trên đầu, một thỏ đầu bê bết máu quần nhau một mất một còn. Chuồng sói thực sự trở thành chiến trường máu me vung vãi.
Nhưng sói vẫn chưa nắm được kỹ thuật cắn chổ hiểm rồi ăn thịt, mà chỉ cắn miêng nào nuốt chửng miếng ấy, sục khắp mình thỏ. Răng tuy cùn nhưng sức mạnh thì như hổ, sói con cắn chặt da thỏ lắc mạnh, xé toạc từng miếng. Tuy nó chưa biết cắn vào chỗ chí mạng là yết hầu, nhưng theo bản năng, nó cắn vào chỗ nguy hiểm khác là bụng, bụp một phát, lôi ruột gan ra ngoài. Cái đám bung nhùng mềm nhũn vương máu là thứ sói thích ăn nhất. Soi con mắt loé sang, nhét tuốt ruột gan tim phổi vào bụng, còn thỏ chiến đấu tới khi mất ruột gan mới ngừng phản kháng.
Trần Trận tạo cho sói con cơ hội sống như một con sói thực thụ. Sói con rốt cuộc lớn lên. Nó trả giá bằng cái tai sứt sẹo để từ đó có “tai sói tiêu chuẩn” mà trở thành sói thảo nguyên có chiến tích được ghi lại. Nhưng hình như Trần Trận không thể vui lên được, sói con thắng, cậu lại thấy tiếc thương cho con thỏ. Thỏ già đã dốc toàn lực và chết một cách khả kính. Nó cũng bị sói con anh dũng ngoan cường ăn thịt, nhưng về tinh thần nó không bị đánh bại. Tất cả những sinh linh trên thảo nguyên Mông Cổ, trừ cừu, bất kể động vật ăn thịt hay động vật ăn cỏ, đều được bà mẹ thảo nguyên ban cho tinh thần dũng mãnh ngoan cường. Đó là tinh thần du mục.
Đàn cừu tự động vào chuồng. Trần Trận và Dương Khắc tạm thời kết thúc khoá trình đi dạo. Sói con đắm chìm trong hưng phấn, quên sạch những buổi chiều tự do.
o0o
Bốn người rất ít khi gặp mặt cùng nhau ăn một bữa cơm. Căn lều bạt Mông Cổ rất ấm và dễ hoà hợp. Trần Trận rót cho Trương Kế Nguyên một bát trà, hỏi: Cậu vẫn chưa kể cho mình nghe cậu làm thế nào bắt được con thỏ?
Trương Kế Nguyên cũng như các mã quan trưởng thành, thích dềnh dàng cho người nghe sốt ruột. Cậu ta dừng một lát, kể: Con thỏ này là sói đem đến cho mình.
Ba người đực mặt ra. Trương Kế Nguyên lại dừng mấy giây, kể tiếp: Trưa nay mình và Batu đi tìm ngựa, nửa đường khi qua một con dốc nhỏ, trông thấy một con sói từ rất xa, đang chổng mông cào đất. Hai chúng mình đều có ngựa tốt, ra roi cho ngựa chạy lên, con sói vội bỏ chạy. Bọn mình chạy đến chỗ sói cào đất thấy đó là một cái hang nhỏ, bên ngoài có nhiều đất mới do sói đào. Cái hang này rất kín, ẩn dưới một bụi cỏ, nếu như bên ngoài không có đất mới, rất khó phát hiện. Batu thoạt nhìn đã bảo đây là hang chứ không phải ổ, chỉ là nơi thỏ ẩn nấp tạm thời khi gặp địch. Mã quan rất căm loại hang này, người ngựa thường bị thưong vì nó. Năm ngoái chính nó đã làm con ngựa tốt nhất của Lanmutrăc bị gãy chân trước. Bọn mình không ai bảo ai, xuống ngựa đào bằng được. Hang thỏ sâu hơn một thước, dùng cán thòng chọc thăm dò, thấy mềm mềm là có thỏ bên trong. Sói biết đào hang, chỉ một lúc là lôi con thỏ lên. Nhưng con sói bỏ chạy rồi, bọn mình đào hang bằng gì bây giờ? Batu bảo anh ta có cách: tháo đoạn nhỏ trên cây thông chẻ đôi ở đầu nhọn rồi ném vào trong hang cho đến khi đụng con thỏ, chậm rãi dúi sâu vào thân thỏ để kẹp lông, kẹp được rồi thì xoắn cho lông da thỏ cuộn chặt vào chàng nạng, cho đến khi không xoắn được nữa mới kéo dần ra từng tí một. Lát sau Batu đã lôi được con thỏ lên, mình chộp luôn hai tai.
Ba người đồng thanh khen: Cao thủ, đúng là cao thủ!
Cao Kiện Trung nói: Hồi nãy mình cũng phát hiện một con thỏ chui vào hang mà không làm sao lôi được nó lên. Hôm nay mình học được chiêu này. Các cậu nói đúng, mục dân hình như khôn hơn nông dân nhiều. ĐÚng là nghề nào nghiệp ấy, trước đây mình không hiểu người Trung Quốc kém ở điểm nào, nội bộ đấu đá quyết liệt, nhưng với bên ngoài thì chưa đánh đã thua. Một nước Trung Quốc lớn là thế mà để cho thằng Nhật Bản bé xíu chiếm đóng trong tám năm, nếu không có Liên Xô đưa quân sang, không có Mỹ ném bom nguyên tử, không biết Nhật Bản chiếm thêm bao nhiêu lần tám năm nữa. Nhật vừa mới bị đánh bại, vậy mà nghe tin trên đài, người ta đã trở thành cường quốc hạng nhất về kinh tế. Cái thằng cướp biển oắt con ấy chẳng phải tay vừa!
Ba người cùng cười.Trưong Kế Nguyên nói: Đúng là gần đèn thì rạng, ngay cả Cao Kiện Trung cũng tán thành quan điểm của cậu.
Bốn người ngồi quanh bàn, ăn cháo kê, thịt cừu xào nấm và canh rau phi.
Dương Khắc bảo Trương Kế Nguyên: Cậu đi nhiều, thạo tin, kể chuyện binh đoàn cho chúng mình nghe đi!
Trương Kế Nguyên nói: Trụ sở mục trường ta bây giờ là Đoàn bộ, cán bộ đợt một đã về, nửa người Mông nửa người Hán. Việc thứ nhất sau khi xây dựng binh đoàn là diệt sói. Các cán bộ binh đoàn nghe nói sói cắn chết nhiều ngựa thì tức điên. Họ bảo ngày xưa bộ đội về thảo nguyên giúp dân tiễu phỉ, giờ công việc đầu tiên là giúp dân diệt sói, điều động quân hùng tướng mạnh vì dân trừ hại. Người ta có thiện chí, nhưng người già Mông Cổ thì có khổ mà không nói ra, nói về cái lợi của sói với binh sĩ xuất thân nông dân chẳng khác đàn gảy tai trâu! Lúc này lông sói đã mọc dày, bộ da bán được tiền, lương cán bộ binh đoàn không cao, tham mưu cán sự lương tháng chỉ sáu bảy chục tệ, một bộ da sói bán được hai mươi tệ, lại còn khen thưởng biểu dương, các cán bộ sư đoàn, binh đoàn đều phấn chấn.
Dương Khắc thở dài, nói: Sói thảo nguyên Mông Cổ là những anh hùng mạt lộ, vang bóng một thời, hãy chuồn sang Ngoại Mông mau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét