Thứ Bảy, tháng 6 16

Tôtem Sói ( Khương Nhung ) Chương 14


Thượng hoàng (Hán Vũ Đế - người dẫn chú) xuống chiếu viết rằng: "... Người Hung Nô thường nói: Hán cực mạnh nhưng không chịu được đói khát, mất một sói, đuổi ngàn cừu.  Vậy là hai lần đem quân đánh đều thua, quân sĩ tan tác, Trẫm rất đau lòng."
Tư Mã Quang "Tư trị thông giám Hán Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế hạ chi hạ"


Bao Thuận Quý dẫn Batu, Saxuleng tất cả năm thợ săn và Dương Khắc, cùng bảy tám con chó lớn đến bãi chăn mới, hai cỗ xe bánh lốp chở lều bạt, đạn dược và nồi niêu bát đũa theo sau.
Bước lên đầu phía tây bãi chăn, Bao Thuận Quý và các thợ săn dùng ống nhòm quan sát từng quả đồi con suối, từng khúc quanh của con sông trong thung lũng lòng chảo, nhưng không hề thấy một con sói hoặc một con dê nào, chỉ thấy từng đàn vịt trời, nhạn và mười mấy con thiên nga.
Mấy tay thợ săn thấy nói săn sói vào đầu hạ thì không hào hứng, nhưng họ mê mẩn trước cảnh đẹp thiên nhiên nước xanh cỏ biếc ở nơi này.  Dương Khắc cảm thấy mắt cậu như biến thành màu xanh, liền nhìn mắt những người khác, cũng thấy xanh biếc như mắt con sói bắt đèn đêm đông, đẹp dễ sợ.  Từ trên núi đi xuống, màu xanh bát ngát, hương thơm sực nức không khí trong lành, bụi bặm ở đây hiếm như vàng sa khoáng trong cát.  Vó ngựa và bánh xe nhuốm mùa xanh của cỏ, ngay cả thanh dóng ngang đoạn tiếp đất cũng màu xanh.  Ngựa ra sức lắc hàm thiết, cố bứt vài cọng cỏ non.  Dương Khắc hơi tiếc là đám hoa dại mà Trần Trận giới thiệu đã tàn lụi, thuần một màu xanh kê cũng đơn điệu.
Bao Thuận Quý như phát hiện ra mỏ vàng, reo ầm lên: Đúng là phong thủy bảo địa, tập trung báu vật trong thiên hạ, trước tiên nên mời các thủ trưởng quân khu về chơi vài hôm săn ngỗng, săn vịt trời, rồi thì nướng thịt trên đồng cỏ.  Dương Khắc nghe chối tai quá, trước mắt cậu hiện ra con quỉ với đôi cánh màu đen trong vẻ bale "Hồ thiên nga".
Đoàn ngựa nhẹ nhàng đi xuống, qua một con dốc thoai thoải, Bao Thuận Quý nói khẽ: Nhìn bên trái, một đàn thiên nga đang ăn cỏ chỗ con suối, ta sang bên đó bắn lấy một con.  Nói xong, ông ta dẫn hai thợ săn chạy đi.  Dương Khắc ngăn không kịp đành chạy theo, vừa chạy vừa dụi mắt.  Quả nhiên khe suối phía trước có một mảng lớn màu trắng nhức mắt, trắng như đám cừu non đầu hạ, như đám thiên nga nhìn qua ống nhòm hồi nảy.  Dương Khắc giận đến nghẹt thở, cậu không có súng trong tay, nếu có cậu sẽ cho súng cướp cò, để đàn thiên nga sợ bay đi.  Chạy như điên một đoạn, cái chấm trắng vẫn không động cựa.  Dương Khắc gần như muốn hét lên.  Đúng khi ấy, cánh thợ săn đột nhiên gò cương hạ súng, giảm tốc độ và nói to câu gì đó.  Bao Thuận Quý cũng kìm ngựa lấy ống nhòm ra.  Dương Khắc cũng lấy ống nhòm ra nhìn.  Khi thấy rõ cái vật trắng tinh ấy toàn là hoa thược dược dại.  Đầu hạ năm trước, Dương Khắc từng trông thấy hoa thược dược dại, cứ vài cây một bụi rải rác đây đó, chưa bao giờ thấy cả mảng lớn như thế này.  Cậu cảm thấy đám bạch dược là do những con thiên nga lắc mình một cái biến thành.
Bao Thuận Quý không cụt hứng, trái lại hét váng lên: Trời ạ, tôi chưa bao giờ thấy bạch thược đẹp như thế này, đẹp hơn bạch thược trong công viên thành phố.  Mau đến đó xem.  Mấy con ngựa lại phi nước đại.
Đến nơi, Dương Khắc choáng váng, tưởng như gặp hoa thần tiên.  Dưới đáy một con suối đầy đất bùn, ba bốn mươi khóm bạch thược đang nở rộ, mỗi khóm cao một mét, to một ôm, những cành thô bằng ngón tay út, thẳng đuột từ dưới đất chui lên khỏi mặt đất chừng một thước là lá rậm, trên đó nở chục bông hoa trắng lớn như hoa mẫu đơn, che khuất hết lá phía dưới.  Khóm hoa như một lẳng hoa do một bàn tay thần cắm chi chít, chỉ trông thấy hoa không trông thấy lá, chả trách trông xa tưởng thiên nga.  Dương Khắc lại gần, bông nào bông ấy tâm hoa rực rỡ, cánh hoa mịn màng, thanh thoát hơn mẫu đơn, thung dung hơn nguyệt thế.  Cậu chưa bao giờ trông thấy cảnh tráng lệ đến thế nơi đồng nội, tinh tươm hoàn mĩ hơn sự tô điểm của bàn tay con người, như bầy tiên trong cảnh ảo hồ thiên nga...
Bao Thuận Quý cũng ngây ra nhìn.  Ông ta sững sờ kêu: Cái của này hiếm đây, đem về thành phố hỏi bán được bao nhiêu tiền?  Mình phải bứng mấy khóm biếu thủ trưởng quân khu, các vị chắc khoái.  Cán bộ lão thành không thích tiền, chỉ thích hoa quý.  Biếu thứ hoa này là để nói rằng mình rất hiểu các vị.  Cậu Khắc này, cậu thấy nhà khách chính phủ có loại thược dược mê hồn như vầy không?
Dương Khắc nói: Nói gì nhà khách chính phủ, ngay cả công viên hoàng gia nước ngoài cũng không thấy loại hoa này.
Bao Thuận Quý cả mừng, quay lại bảo cánh thợ săn: Các cậu nghe rõ chưa?  Đây là loại hoa quý, phải trông nom cẩn thận.  Lúc về, chặt ít cành hạnh rào đám hoa này lại.
Dương Khắc nói: Sau này ta lại dọn nhà thì sao, cháu sợ có kẻ đánh cắp.
Bao Thuận Quý nghĩ một lúc, nói: Ta sẽ có cách, cậu đừng lo.
Dương Khắc tỏ vẻ lo âu: Xin ông đừng bứng nó đi, bứng đi là nó chết đấy.
Đoàn ngựa và xe đến khúc quanh của dòng sông, cánh thợ ăn tìm ra ngay bãi săn của lũ sói, xác dê vàng đã bị chén sạch chỉ còn lại sừng, móng guốc và những mẩu da vụn.  Batu nói: Bọn sói đã đến đây bủa vây mấy lần nữa, nhiều đàn. Cậu xem những đống phân sói này, mình đoán các sói chúa đều đã kéo đến.  Bao Thuận Quý hỏi: Đàn sói giờ ở đâu?
Batu nói: Chắc là đuổi theo dê vàng vào trong núi, cũng có thể chúng đi bắt rái cá cạn, hoặc đuổi theo dê vàng lên vùng biên.  Dê vàng con giờ đã chạy nhanh như dê mẹ, sói khó bắt, nếu không chúng chẳng phải ăn sạch những con ở đây.
Bao Thuận Quý nói: Ông U và ông Pi rõ ràng là trông thấy mấy trăm con dê vàng, mấy chục con sói, vậy mà chỉ mới hai mươi hôm, chúng biến đi đâu?
Batu nói: Sói về bấy nhiêu, dê vàng dám ở lại không?
Saxuleng cười: Chắc chắn là sói sợ ông, ông đến là chúng biến mất.  Người nào quá dữ dằn với sói đều không bắt được sói.  Ông xem, ông Pilich rất ưu ái sói, vì vậy mà ông đã bắt là cả đàn.
Batu nói: Ông đã thấy cái hay của sói chưa?  Không có sói thì bãi chăn đẹp đẽ này bị dê vàng xơi sạch từ đời tám hoánh rồi!  Đàn cừu của ta đến đây ngửi thấy mùi phân dê vàng là chúng không chịu ăn cỏ.  Bãi chăn đẹp quá, ngựa cũng không muốn đi.  Theo cháu, nên dựng lều ở đây cho ngựa, chó nghỉ ngơi, mai lên núi quan sát.
Bao Thuận Quý đành ra lệnh qua sông.  Batu chọn nơi bờ không quá dốc và đáy sông là cát, rồi cùng với các thợ săn dùng xẻng bạt thấp bờ sông.  Batu cưỡi ngựa, dắt con ngựa kéo cỗ xe qua sông, chọn nơi bằng phẳng ở sườn núi phía đông dựng lều.  Batu cắt đặt hai thợ săn đào bếp đun nước pha trà, rồi nói với Bao Thuận Quý: Cháu ra chỗ khe nam xem có còn con dê bị thương nào không?  Đã đến đây ai lại ăn thịt khô đem theo?  Bao Thuận Quý vui vẻ nói phải.  Batu đem theo hai thợ săn và tất cả chó lớn đi khe nam.  Balua và Nhị Lang nhận ra nơi vây bắt dê vàng, máu săn nổi lên, chạy vọt lên hàng đầu.
Dương Khắc quan tâm nhất là cái hồ thiên nga, bấm bụng ở lại không đi theo Batu để ngắm cái hồ.  Để được ngắm cái hồ này, cậu hai ngày liền năn nỉ Bao Thuận Quý và ông Pilich cho cậu đặt chân lên trước khi đại đội nhân mã tiến vào bãi chăn mới, để cậu có dịp tận hưởng phong cảnh nguyên sơ của cái hồ này.  Lúc này, cậu thấy cái hồ đẹp hơn những gì Trần Trận đã tả.  Trần Trận chưa sang mạn đông của con sông.  Chỗ này địa thế cao, có thể đi qua cánh rừng lau rậm rạp, thu gọn hồ trong tầm mắt.  Cậu ngồi xuống sườn dốc, lấy ống nhòm xem mê mải.  Đang trầm tư cảnh tĩnh mịch, chợt tiếng vó ngựa từ phía sau dội tới.
Bao Thuận Quý gọi váng lên: Chà, cậu đang ngắm thiên nga đấy hả?  Đi, ta sang bên bãi lầy bắn mấy con cho đỡ thèm.  Mục dân ở đây không ăn thịt chim, ngay vịt trời cũng không ăn.  Tôi gọi, họ không đi.  Họ không ăn, ta ăn.  Dương Khắc ngoảnh lại nhìn, Bao Thuận Quý tay cầm khẩu bán tự động.
Dương Khắc suýt vỡ mật vì sợ.  Cậu xua tay rối rít: Thiên nga là loài động vật quý hiếm, dứt khoát không được giết.  Cháu xin ông đấy, từ nhỏ cháu đã thích vở bale "Hồ thiên nga". Thời kỳ ba năm khó khăn, muốn được xem một nghệ sĩ công huân trẻ Liên Xô diễn chung với diễn viên Trung Quốc, cháu đã trốn học, đêm đông rét mướt là thế mà xếp hàng tới tận nửa đêm mới mua được vé.  Vở Hồ thiên nga quá hay, các vĩ nhân và những nhà văn hóa thế giới đều mê, vậy mà ở đây lại có một hồ thiên nga thật.  Ăn thịt thiên nga sao?  Ông hãy giết cháu đi đã rồi hãy ăn!
Bao Thuận Quý không dè gặp ngay một anh ất ơ.  Bị giội gáo nước lạnh, ông ta cụt hứng.  Ông vằn mắt, nói: Thiên nga với chả thiên nghiếc, trong đầu cậu đặc sệt tư tưởng tư sản, học sinh cấp III chứ gì?  Trình độ văn hóa tôi không kém cậu đâu, không gạt "Hồ thiên nga khỏi sân khấu thì làm sao đưa được "Hồng sắc nương tử quân" lên?
Saxuleng trông thấy Bao Thuận Quý xách súng về phía bãi lầy, vội chạy đến ngăn, nói: Thiên nga là thần điểu người Mông Cổ thờ cúng, không được bắn!  Ông định săn sói cơ mà!  Bây giờ ông nổ súng là sói trong núi chạy hết, mình về tay không à?
Bao Thuận Quý ngớ ra.  Vội ghìm ngựa quay lại bảo Saxuleng: May mà cậu nhắc, nếu không, lỡ mất việc lớn.  Bao Thuận Quý đưa súng cho Saxuleng rồi bảo Dương Khắc: Vậy thì cùng tôi đi trinh sát bãi lầy.
Dương Khắc miễn cưỡng chỉnh yên cương rồi lên ngựa đi theo Bao Thuận Quý.  Gần tới hồ, một đàn vịt trời, dại nhạn và các loại chim màu sắc sặc sỡ bay qua, rớt xuống những giọt nước li ti trên đầu hai người.  Bao Thuận Quý đứng thẳng trene bàn đạp, tay vịn cọc yên, rướn người nhìn qua bãi lau vào trong hồ.  Đúng lúc ấy, hai con thiên nga cổ vươn dài, giang đôi cánh lớn, từ trên ngọn lau lướt trên đầu Bao Thuận Quý chỉ cách khoảng ba mét, khiến ông ta sợ quá ngồi phịch xuống yên.  Con ngựa giật mình suýt hất ông ta xuống đất.  Thiên nga hình như không sợ người, lượn mấy vòng trên không rồi lại sà xuống hồ, mất hút trong đám lau sậy.
Bao Thuận Quý kìm ngựa, chỉnh lại yên cho khớp với sống lưng ngựa.  Ông ta cười: Ở đây thiên nga quá dễ, bắn cung cũng trúng, thiên nga là vua của loài chim, ăn được một miếng thịt thiên nga, coi như không uổng một đời. Nhưng mà diệt xong sói mới thanh toán bọn này.
Dương Khắc thận trọng hỏi: Hồi nãy ông bảo thược dược là hoa quý cần phải bảo vệ.  Giờ đây thiên nga là quốc bảo, là vật báu của thế giới, sao ông không bảo vệ chúng?  Bao Thuận Quý nói: Tôi xuất thân nông dân, trọng thực tế.  Lấy được mới cho là bảo bối, không lấy được thì bảo bối cái gì?  Thược dược không có chân, không chạy đi đâu được.  Thiên nga có cánh, người và gia súc đến ở đây thì chúng bay lên phương bắc, thành bảo bối của xét lại Liên Xô...
Dương Khắc nói: Người ta thật sự coi là bảo bối mới không ăn thịt!
Bao Thuận Quý nổi cáu: Nếu biết cậu chẳng hiểu gì như thế, tôi chẳng dẫn cậu đến đây làm gì!  Hãy đợi đấy, tôi sẽ cải tạo hồ thiên nga của cậu thành hồ nước cho ngựa uống, bãi lầy cho bò đầm.
Dương Khắc cố nhịn.  Cậu rất muốn nổ súng loạn xạ xua đàn thiên nga bay đi, bay khỏi thảo nguyên, bay khỏi Trung Quốc, tới quê hương của vở bale "hồ thiên nga".  Ở đó có những người dân yêu quý thiên nga.  Còn như cái đất nước mà chim sẻ sắp bị ăn sạch này, chỉ còn lại có cóc nhái này, làm gì có đất cho thiên nga dung thân?
Saxuleng khoát tay vẽ một vòng tròn, lớn tiếng gọi hai người trở về.  Hai người vội trở về lều.  Tang Kiệt từ mạn đông nam núi cũng đã trở lại, đang chuẩn bị xe.  Cậu nói: Batu bắn được mấy con lợn con ở khe đông nam, sai tôi về lấy xe để chở, còn mời chủ nhiệm Quý đến xem.  Bao Thuận Quý cười tít mắt, vỗ đùi, nói: Thảo nguyên mà có lợn cỏ?  Thật không ngờ, thịt lợn cỏ ngon hơn thịt lợn nhà.  Cậu Khắc, ta đi thôi.  Dương Khắc có nghe nói thợ săn bắn được lợn cỏ, nhưng từ khi lên thảo nguyên chưa thấy lần nào.  Cậu lên ngựa phóng theo Bao Thuận Quý và Tang Kiệt.
Chưa đến chỗ Batu, hai người đã trông thấy mảnh đất bị lợn dũi.  Bên sông, sườn dốc, trong khe... mấy chục mẫu đất đen màu mỡ bị cày xơi nham nhở, rễ cỏ lá rộng bản bị vặt trụi, chỏng trơ như ruộng khoai tây bị lợn nhà tàn phá.  Bao Thuận Quý cáu tiết, chửi vung lên: Lũ lợn đáng ghét!  Sau này trồng cây lương thực, chắc bị lũ lợn này ăn sạch.
Ngựa của hai người không dám chạy nhanh, đành đi chậm tới chỗ Batu.  Batu ngồi dưới chân núi hút thuốc, lũ chó bâu quanh xác con lợn, xé thịt ăn.  Hai người xuống ngựa, thấy bên cạnh Batu hai con lợn còn nguyên vẹn, hai con nữa lũ chó tranh nhau xả thịt, ăn ngon lành.  Nhị Lang và Balua mỗi con một đùi lợn, hai con này nhỏ hơn lợn khi xuất chuồng wor nhà, chỉ dài hơn mết, lông thô mọc thưa thớt cùng mình.  Mõm lợn rừng dài gấp đôi lợn nhà, thịt rất chắc, nhìn bên ngoài không thấy xương bên trong, răng nanh cũng không dài lắm, không đáng sợ như ta tưởng.  Hai con lợn đều bị chó cắn sau gáy.
Batu trỏ khe núi phía xa, nói: Hai con chó lớn đánh hơi thấy mùi sói liền đuổi đến con suối thì thấy đất đá ngổn ngang, lại thấy ba bốn con lợn bị sói ăn thịt, xương vung vãi.  Chúng liền bỏ đàn sói, quay ra đuổi theo đàn lợn đến tận cái khe này vồ được một con nhỏ từ trong chạy ra.  Lợn lớn răng nanh dài, chạy nhanh, chó không dám đuổi.  Cháu không dám nổ súng, sợ đánh động lũ sói.   Lũ chó cắn chết mấy con lợn choai này, hai con bị xé nát thì cho chó ăn luôn, hai con còn nguyên vẹn cháu lôi về đây.
Bao Thuận Quý dận chân lên con lợn béo núc, cười: Các cậu khá lắm.  Lợn choai thịt mềm, càng ngon.  Tôi mời mọi người uống rượu.  Xem ra nơi này rất nhiều sói.  Ngày mai các cậu hạ thủ được vài con sói thì tuyệt.
Batu nói: Những con lợn cỏ này đến từ khu rừng cách đây ba trăm dặm, ở đó lợn cỏ rất nhiều, chúng xuôi dòng về đây.  Nếu Ơlon không nhiều sói thì đàn lợn này đã phá sạch bãi chăn.
Bao Thuận Quý nói: Thịt lợn cỏ rất ngon.  Sau này người nhiều lene, ta tổ chức săn lợn cỏ về ăn thịt lợn, tiết kiệm vô khối thịt bò, cừu.  Dân nông nghiệp quen ăn thịt lợn, không thích ăn thịt bò, thị cừu.
Tang Kiệt đẩy xe tới, mấy người khiêng lợn lên xe.  Batu ra hiệu cho những con chó tiếp tục ăn, các thợ săn và cỗ xe về trước.  Khu lều đã có đủ củi, xe về đến nơi, mọi người chọn con to nhất mổ bụng, moi ruột, lọc thịt.  Mục dân trên thảo nguyên mổ lợn, mổ cừu đều lột bỏ da không ăn.  Lát sau, mùi thịt lợn nướng thơm phức.  Thịt lợn cỏ ít mỡ phần nhưng mỡ chài thì rất nhiều.  Dương Khắc bắt chước Bao Thuận Quý, quấn mỡ chài xung quanh thịt nạc rồi nướng, mỡ chảy xèo xèo, lại càng thơm.  Trong khi các thợ săn pha thịt, Dương Khắc kiếm được rất nhiều hành dại và rau phỉ.  Lần này cậu được thưởng thức mùi vị nguyên thủy của món thịt nướng thảo nguyên ăn với hành cay, hết ý!  Cậu đã được thấy thiên nga và hoa bạch thược, còn Trần Trận thì chưa.  Cậu đã ăn no thịt lợn cỏ, loại thịt quý hiếm trên thảo nguyên.  Khi về nhà, cậu còn kể những điều mắt thấy tai nghe kỳ lạ mà cậu có diễm phúc được hưởng.
Bên đống lửa, Bao Thuận Quý mời rượu các thợ săn, kể về thịt thiên nga trên bàn tiệc của các bậc vương giả.  Cánh thợ săn lắc đầu không hưởng ứng khiến ông ta cụt hứng.  Dân du mục Ơlon chỉ săn thú chạy, không săn những con biết bay.  Họ kính nể những sinh linh bay trên trời.
Lũ chó đi thành đàn trở về.  Bảy người ăn no uống say mới đứng lên, gom tất cả chỗ thịt thừa vào chậu tôn.  Trừ tim gan, phần lớn nội tạng bỏ lại trên bãi cỏ, đây là bữa thứ hai của lũ chó.
Buổi chiều, Dương Khắc lặng lẽ rời đoàn người, một mình ra chỗ có thể nhìn thấy toàn cảnh hồ thiên nga.  Cậu dùng kính viễn vọng ngắm cái hồ mà có lẽ chỉ ít lâu sau biến mất.
Hồ thiên nga gợn sóng, mặt hồ phía tây phản chiếu những tảng mây dày phía đông; mặt hồ phía đông phản chiếu ráng chiều đỏ rực phía tây.  Sóng lăn tăn nhẹ nhàng lan xa, lấp lánh màu hồng của mã não, màu xanh của cánh trả, màu vàng của thợ sơn.  Từng gợn sóng màu tím thủy tinh, màu trắng ngà ngọc trai, màu lạnh và máu ấm hòa vào nhau, một kểu đẹp quý phái.  Trước mắt Dương Khắc hiện ra mơ hồ cái chết của thiên nga, ánh sáng chói lòa của châu báu từ trên trời rắc trên mình thiên nga, trên hồ thiên nga trong vắt.
Từng gợn sóng đuổi nhau chậm rãi như khúc dạo đầu của vở kịch khi người ta không đang tâm nhìn vai chính của vở kịch phía sau.  Dương Khắc mong sao màn này chỉ lấy trời làm phông, đừng xuất hiện nhân vật chính.  Nhưng trong đám lau sậy màu xanh dương, từng con thiên nga bơi ra, một... hai... ba... mười hai con tất cả.  Mặt hồ rạng rỡ và nền trời phía sau dựng lên cho chúng một sân khấu khổng lồ.  Lũ thiên nga đã thay bộ lễ phục màu xanh, khiến màu vàng trên đầu chuyển sang tím.  Con thiên nga cong cổ như một dấu hỏi, hỏi trời, hỏi nước, hỏi người, truy vấn vạn vật trên thế gian, những dấu hỏi lặng lẽ di chuyển trên mặt hồ, im lặng đợi câu trả lời.  Nhưng đất trời lặng im, những hình ảnh lộn ngược run rẩy trên mặt sóng biến thành mấy chục câu hỏi lại.  Một cơn gió thổi tới, những câu hỏi vỡ tan trong bước sóng.
Dương Khắc nghĩ đến bầy sói.  Lúc này, những con sói thảo nguyên hung dữ lại đặc biệt dễ gần và rất đáng nể trọng.  Chúng dùng răng, loại vũ khí nguyên thuỷ, ngoan cường chống trả lời nguyên tử, cho cậu được thấy cảnh đẹp nguyên sơ hồ thiên nga.  Cậu và Trần Trận là những kẻ gặp may trong số người Hán.  Nếu sói dũng mãnh và khôn ngoan hơn, chưa chừng sự bành trướng và xâm lược đối với thảo nguyên vẫn tiếp tục kéo dài, mà chính là sự bùng nổ dân số của tộc Hoa Hạ, khiến dân du mục thảo nguyên buộc phải bành trướng.  Dương Khắc trong lòng xúc động, và cậu biết ơn sói.  Đàn sói bị tuyệt diệt là điềm báo trước thảo nguyên sẽ tàn lụi, sự tàn lụi của cái đẹp trong con mắt nhân loại.  Nước mắt nhoè ống kính, hồ thiên nga trinh trắng lùi xa...
                                o0o
Ngày hôm sau đội săn rà soát từng khe núi, sục sạo một ngày chẵn mà không thu hoạch được gì.  Ngày thứ ba, đội săn vào sâu trong núi.  Giữa trưa người mệt ngựa mỏi, Bao Thuận Quý, Batu và Dương Khắc bỗng nghe phía xa súng nổ dồn dập.  Ba người nhìn về phía ấy, thấy hai con sói xuất hiện ở sườn núi phía đông loạng choạng chạy lên đầu dốc.  Thấy phía bên này cũng có người và chó, thế là chúng liều mạng bò lên một mỏm đá cheo leo.  Batu giương ống nhòm quan sát một thoáng nói: Đàn sói đã bỏ chạy từ lâu, đây là hai con sói già không theo kịp đàn.  Bao Thuận Quý phấn khỏi, nói: Bất kể già hay trẻ, vớ được hai bộ da này là thắng lợi rồi.  Batu vừa đuổi vừa lẩm bẩm: Không phải đâu.  Ông  thấy không, nửa thân sau của hai con này chưa rụng hết lông, đáng thương quá!  Thợ săn và chó từ hai bên dồn lên đỉnh dốc, hai con sói một lớn một nhỏ, con lớn chân trước bên trái không thể duỗi thẳng, có lẽ nó bị đứt gân chân trong một cuộc chiến nào đó; con nhỏ hơn là một con sói cái, gầy nhom, màu lông rất xỉn.  Balua, Nhị Lang và những con chó khác thấy hai con sói, con thì thọt, con thì già, chúng không những không tăng tốc, trái lại còn chạy chậm lại, chỉ mỗi một con choai choai tưởng bở, bất kể lành dữ, xông lên.
Hai con sói chạy đến đoạn núi đá lởm chởm do phong hoá, địa thế phức tạp, những mỏm đột ngột nhô ra, đá cuội rải khắp, mỗi bước, dưới chân con sói phát ra tiếng lạo xạo.  Ngựa không thể đi tiếp, mọi người nhất loạt nhảy xuống, súng ống gậy gộc bao vây ba mặt.  Già dặn trong nghề săn, Batu cùng con Nhị Lang tiến chậm nhưng hò rất to.  Chỉ mỗi con chó choai ngựa non háu đá là vẫn băng băng phóng tới, gọi cũng không quay lại.  Chỉ thấy con sói đực già nhảy lên phiến đá bàn cờ rồi dùng hai chân sau làm trụ, toàn thân quét ngang 180 độ, hất con choai chưa tiếp đất, bắn vào kẽ giữa hai tảng đá.  Con chó bị kẹt kêu thảm thiết.  Nó không bị thương nặng, nhưng phải mất nhiều thời gian mới kéo lên được.  Đàn chó căng thẳng, lông dựng đứng.  Con sói cái thừa cơ chui luôn vào một cái hang gần đấy.
Con sói đực già nhảy lên một phiến đá chỉ to bằng chiếc bàn ăn cơm, ba mặt đông nam bắc là vách núi dựng đứng, còn một mặt tiếp nối với quả núi bằng ghềnh đá cheo leo.  Con sói già quay lưng về phía vực, ánh mắt đỏ ngầu đằng đằng sát khí.  Nó khịt mũi, chuẩn bị chống trả.  Lũ chó săn vây thành hình vòng cung sủa ầm ĩ nhưng không con nào dám xông lên vì sợ hụt chân rớt xuống vực.  Mọi người bao vây chặt con sói.  Bao Thuận Quý nhìn thế trận vui vẻ reo lên: Không ai được hành động, trông tôi đây!  Nói xong, ông ta gập lưỡi lê, đẩy đạn lên nòng, chuẩn bị tư thế bắn gần.
Bao Thuận Quý vừa lùi lại phía sau lũ chó, con sói già đã úp mặt trườn xuống một cái dốc dựng đứng toàn đá sỏi, bốn chân bám trên sỏi đá trượt theo.  Đất đá tới tấp phủ kín mình nó.  Bụi bay mù mịt.
Mọi người vội ra sát mép vực nhìn xuống cho đến khi bụi tan cũng không tháy con sói đâu.  Bao Thuận Quý hỏi: Chuyện gì thế này?  Con sói ngã chết, bị đập chết hay đã chạy mất?  Batu buồn rầu, nói: Chết hay sống không biết, có điều ông không có bộ da ấy rồi.  Bao Thuận Quý ngẩn ra hồi lâu không nói câu nào.
Dương Khắc đứng như phỗng, cậu nhớ lại bộ phim "Năm dũng sĩ trên núi Răng Sói".
Hai con chó gác miệng hang cất tiếng sủa.  Bao Thuận Quý chợt  tỉnh, ông ta bảo: Còn một con nữa, mau lên!  Hôm nay phải tóm bằng được một con.
Saxuleng và Tang Kiệt bước tới chỗ con chó bị kẹt giữa khe đá, mỗi người cầm hai chân nhấc ra.  Con chó bị đứt lông chỗ khuỷu chân, da rớm máu.  Con chó cùng trong một nhà bước tới liếm vết thương cho nó.
Đàn chó đến bên miẹng hang.  Đây là một cái hang thiên nhiên do đá phong hóa mà hình thành, chỗ ẩn nấp tạm thời của động vật trên thảo nguyên.  Trên phiến đá có những bãi phân của chim ưng màu xám như vừa xây nhà.  Bao Thuận Quý nhìn cái hang, gãi đầu: Con bà nó, đào không được, đào là sập, hun không được, hun thì khói tạt đi hết.  Batu cậu xem có cách gì không?  Batu lấy đốc roi chọc thử.  Có tiếng đá lăn phía sau.  Anh lắc đầu, nói: Đừng phí công vô ích.  Đống đá mà sập thì bị thương cả người lẫn chó, không xong đâu.  Bao Thuận Quý nói: Theo tôi hun khói là tốt nhất.  Các cậu đi rẫy cỏ về đây.  Khi hun, chỗ nào lọt khói ra là ta bịt lại.  Tôi có đem theo ớt đây.  Mau lên, đi làm đi!  Tôi cùng Dương Khắc giữ cửa hang.  Đem theo toàn là những chiến tướng, vậy mà ba ngày ròng không bắt được con sói nào.  Mục trường cười cho thối mũi.
Các thợ săn chia nhau đi kiếm củi và cỏ khô.  Bao Thuận Quý và Dương Khắc gác cửa hang.  Dương Khắc nói: Con này vừa già vừa ốm, gầy như que củi, chắc chẳng sống được mấy bữa, với lại mùa hè lông rụng hết, trạm thu mua sẽ không mua.  Hay là tha cho nó!
Bao Thuận Quý sa sầm nét mặt, nhả một hơi thuốc, nói: Người không bằng sói.  Tôi từng chỉ huy bộ đội đánh giặc, tôi biết.  Không ai dám đảm bảo trong quân đội không có kẻ bỏ trốn hoặc đánh trả.  Vậy mà con sói này thà chết chứ không khuất phục.  Nói đúng lương tâm, sói Ơlon con nào cũng là dũng sĩ, ngay cả thương binh, nữ binh cũng khiến người ta bạt vía kinh hồn... Nhưng mà cậu bảo bộ da mùa hạ không có người mua, vậy là cậu chưa biết đó thôi.  Quê tôi, lông dày quá không ai dám may tất vì nóng quá, mũi chảy máu cam, lông mỏng mới quý.  Cậu không được mềm lòng, đánh giặc là một chết một sống, giặc chạy cùng đường cũng phải giết hết nữa là...
Batu và mọi người dùng dây thừng kéo những bó củi lên.  Bọn Saxuleng bỏ vào túi áo mấy vầng cỏ khô dính đất.  Bao Thuận Quý chất đống cỏ khô cỏ tươi bên miệng hang rồi châm lửa đốt.  Vài thợ săn quì trước miệng hang lấy vạt áo quạt khói.  Làn khói đặc sệt luồn vào trong hang, chỉ lát sau, ba bề bốn bên cái hang chỗ nào cũng rỉ khói, các thợ săn bấn tỉnh lên, hò nhau lấy cỏ bịt lại.  Khói rỉ ra ngày càng ít đi.
Bao Thuận Quý vốc một nắm ớt bỏ vào đống lửa, mùi cay nồng nặc luồn vào trong hang.  Người và chó đứng đầu gió, cái hang ở phía dưới đống đá y như cái cửa bếp.  Khói cay cuồn cuộn vào trong.  Các thợ săn cố ý để lại mấy lỗ thoát khói.  Bỗng có tiếng sói ho rũ rượi, mọi người vội cầm gậy, lũ chó gồng mình chờ đợi.  Tiếng ho trong hang ngày càng dữ dội như một ông lão bị viêm phế quản, ho như móc phổi ra.  Thế nhưng, con sói cái vẫn không chịu ló mặt.  Dương Khắc bị khói thuốc chảy nước mắt.  Cậu quả thực không hiểu vì sao sói chịu đựng giỏi đến như thế, nếu là con người thì chết cũng chui ra.
Đột nhiên đống đá sụt nửa mét, khói xì ra các kẽ đá.  Chỉ lát sau, tất cả những chỗ trám bùn đều xì khói, vài hòn đá lớn lăn xuống, suýt đè phải một thợ săn đang quạt.  Mọi người toát mồ hôi lạnh, Bao Thuận Quý quát: Hang sập đấy, mọi người tránh ra!
Tiếng ho chấm dứt đột ngột, sau đó không có tiếng động gì nữa.  Khói cay bay lên trời, quạt mấy cũng không luồn vào trong hang.  Batu bảo Bao Thuận Quý: Rủi cho ông rồi!  Lại gặp một con sói tự sát.  Nó đánh sập hang, tự chôn sống bên trong, ngay cả bộ da cũng không cho ông.  Bao Thuận Quý nổi giận, hét: Rỡ đá ra!  Tôi phải bắt bằng được con này.
Các thợ săn quá mỏi mệt, không một ai động thủ.  Batu lấy ra bao thuốc lá thơm chia cho mỗi thợ săn một điếu, cài vào miệng Bao Thuận Quý một điếu, nói: Mọi người đều biết ông không vì bộ da mà diệt sói.  Ông muốn trừ hoạ sói.  Giờ con sói chết rồi, như vậy là đạt yêu cầu rồi phải không ông?  Ta có một nhúm người, đào đến sáng mai cũng không xong.  Mọi người có thể làm chứng: Ông đã đuổi được một đàn sói, diệt hai con: buộc một con nhảy xuống vực, một con chết ngạt trong hang.  Với lại, da mùa hè bán không được mấy đồng... Batu quay lại hỏi: Mọi người làm chứng được không?  Tất cả đồng thanh: Đồng ý!  Bao Thuận Quý cũng đã thấm mệt, ông ta hút một hơi thuốc, nói: Nghỉ một lát rồi về!
Dương Khắc đứng lặng trước cửa hang, linh hồn cậu như đã bị đá đè nát, toàn thân rã rời.  Cậu những muốn quì xuống vái đống đá theo nghi thức tôn vinh tráng sĩ của người Mông Cổ, nhưng cậu vẫn đứng yên.  Cậu xin Batu một điếu thuốc, rít mấy hơi rồi hai tay nâng điếu thuốc lên quá đầu, cậu lạy đống đá ba lạy, sau đó cắm điếu thuốc vào kẽ đá.  Đống đá đã trở thành nấm mồ, làn khói nhạt lững lờ bay lên không trung, đem theo linh hồn bất khuất của con sói mẹ lên trời xanh.
Đám thợ săn đứng lên.  Họ  không cắm điếu thuốc vào kẽ đá như Dương Khắc đã làm.  Người Mông Cổ coi điếu thuốc hút dở là không còn tinh khiết để tế thần, nhưng họ cũng không trách cứ Dương Khắc.  Họ tắt thuốc, đứng nghiêm, ngửa mặt nhìn trời, ánh mắt thành kính tiễn linh hồn sói mẹ lên thiên quốc.  Bao Thuận Quý không dám hút tiếp cho đến khi điếu thuốc cháy ta.
Batu nói với Bao Thuận Quý: Như ông đã thấy, kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn ai cũng như hai con sói này, có chết cũng khiến kẻ thù kinh hồn táng đởm.  Là con cháu người Mông Cổ gốc thảo nguyên, ông cũng nên tôn kính thần linh người Mông mới phải.
Dương Khắc trong lòng cảm khái, cậu nghĩ: Chết cũng là chiến đấu, sói tổ đã bồi dưỡng nên biết bao võ  sĩ Mông Cổ.  Thời xưa, người Hán đông gấp mấy trăm lần Mông Cổ, nhưng cung đình cũng như trong dân theo một triết lý chết vinh không bằng sống nhục, lối sống thực dụng của tộc nông canh Hoa Hạ ấy duy trì cho đến bây giờ.  Chết vinh không bằng sống nhục trở thành tinh thần dân tộc, và cái loại tinh thần dân tộc đó đã đẻ ra bao nhiêu là Hán gian, ngụy quân, khiến dân du mục khinh bỉ và e ngại.  Từ cuối đời Đường trở đi, người Hán không ngóc đầu lên nổi, liên tiếp trở thành vong quốc nô.  Thời đại huy hoàng Tần Hoàng Vũ Đế Đường Tôn đi đâu rồi?  Phải chăng là vì những đàn sói ở đại lục đã bị người Hán tiêu diệt sạch từ giữa và cuối đời Đường?  Dương Khắc lại có một vấn đề mới để thảo luận suốt đêm với Trần Trận.
                         0O0
Khi đội săn sắp về tới khu lều, Bao Thuận Quý bảo Batu: Cậu về trước đun nước sôi, tôi đi bắn thiên nga.  Tối nay ta nhậu.  Dương Khắc hốt hoảng kêu: Ông chủ nhiệm, cháu van ông, không được bắn thiên nga!  Bao Thuận Quý không ngoảnh lại: Tôi phải bắn một con thiên nga để giải sui mấy ngày hôm nay.
Dương Khắc đuổi theo can ngăn, nhưng ngựa Bao Thuận Quý chạy nhanh, thoáng cái đã tới bên hồ.  Các loài thủy cầm không đề phòng người có súng, vẫn bay là là trên mặt hồ.  Từ bãi sậy bay lên bảy tám con thiên nga lớn y như những chiếc máy bay rời đường băng, vọt lên cao, từng đôi cánh rộng bay tới trước mặt Bao Thuận Quý.  Dương Khắc đuổi chưa đến nơi, Bao Thuận Quý đã nổ liền ba phát, con thiên nga trắng rơi ngay trước mặt Dương Khắc.  Con ngựa Dương Khắc giật mình hất cậu ngã xuống bãi cỏ ven hồ.
Con thiên nga giãy giụa trên bãi cỏ.  Dương Khắc đã nhiều lần trông thấy cái chết thảm của con thiên nga trong vở kịch, nhưng con thiên nga trước mặt không được ung dung thanh nhã như con thiên nga trong kịch, mà như con ngỗng bị cắt tiết, chân giẫy đạp, đôi cánh đập đập cố đứng lên, bản năng sống khiến nó giãy giụa cho tới khi chết hẳn.  Dương Khắc mấy lần định bế nó lên nhưng đều vồ hụt.  Cậu giương mắt nhìn dòng máu mảnh mai tia xuống cỏ, cho đến giọt cuối cùng.
Cuối cùng, Dương Khắc bế con thiên nga lên, cơ thể mềm mại của nó hãy còn ấm, cái cổ xinh đẹp không thể đánh một dấu hỏi đầy sức mạnh nữa, nó như con bạch xà bị rút xương sống, mềm oặt, những chiếc lông nhuốm máu bay tản mát bên hồ lần đầu tiên in dấu chân người.  Dương Khắc thận trọng nâng đầu con thiên nga, đồng tử trong mắt nó phản chiếu trời xanh, như ông trời đang mở to cặp mắt phẫn nộ.  Cậu ứa nước mắt, cái sinh mệnh cao quý, cánh bằng vạn dặm đem lại cho con người biết bao ước mơ cháy bỏng, giờ bị người ta giết như giết một con gà rừng.
Dương Khắc bi phẫn khó nén, cậu những muốn nhảy xuống hồ bơi vào bãi sậy báo động cho đàn thiên nga.  Ráng chiều vừa tắt, ngồi bên nồi thịt thiên nga chỉ mỗi Bao Thuận Quý, không ai nói chuyện với ông ta.  Đám thợ săn ăn cơm với thịt lợn rừng, Dương Khắc tay càm dao run bắn khi xẻo thịt.
Đàn thiên nga kêu ai oán suốt đêm trên hồ.
                         0O0
Nửa đêm, Dương Khắc bị đàn chó học tiếng sói tru đánh thức.  Chó nhà không tru nữa, cậu mơ hồ nghe có tiếng sói tru thê thảm ngắt quãng.  Tiếng tru yếu ớt của con sói xuyên qua trái tim cậu.  Con sói già chưa bị đá đè chết, mình đầy vết thương, nó bò suốt đêm lên núi. Lúc này, chắc chắn nó đang đứng trước một người vợ quá cố cất tiếng tru thảm thiết, đau xót, không thiết sống.  Có thể nó định bới đất đá cố nhìn lần cuối người bạn đời, nhưng không còn hơi sức.  Tiếng kêu của con thiên nga mất vợ hòa với tiếng tru của con sói già mất bạn đời hợp thành "khúc bi tráng trên thảo nguyên", thê thảm hơn, đau thương hơn "khúc ca bi tráng" của Traicopxki.
Dương Khắc nước mắt đầm đìa cho tới lúc rạng sáng.
Mấy hôm sau, Saxuleng từ trụ sở mục trường trở về, nói Bao Thuận Quý chất đầy nửa xe com măng ca những khóm bạch thược, chở lên thành phố.

Các kỵ sĩ của cha ta anh dũng như sói,
mà kẻ thù của họ thì dát như cừu.
"Khuyết đặc lặc bi văn" dẫn từ (Pháp)
Pierre Renouvin "đế quốc thảo nguyên"


Những đám mây sáng lên dưới cái nắng đầu hạ trên cao nguyên, sáng nhức mắt, không khí sặc mùi hành tỏ dại do đám cừu non ợ ra.  Mọi người buộc phải chớp liên tục để mắt không bị khô.  Trần Trận căng mắt nhìn bãi chăn và khu lều trại mới, chỉ sợ sói mẹ dẫn đàn sói đến cướp lại con và trả thù lũ cừu.
Hơn ba chục lều của đại đội Hai dựng ở góc tây bắc thung lũng, sát chân núi, cứ hai lều tổ chức một Haotho, khoảng cách giữa hai haotho chưa đến một dặm, các tổ sản xuất cũng rất gần nhau.  Lều trại bố trí như hiện nay co lại đến mấy chục lần so với trước kia.  Trước kia hai haotho cách nhau mấy chục dặm.  Ông Pilich và ông Ulichi ra lệnh dựng lều kiểu này là để đề phòng đàn sói khu cũ và khu mới liên kết hoặc luân phiên công kích người và gia súc.  Trần Trận cảm thấy đàn sói Ơlon dù sao cũng không chọc thủng được phòng tuyến dày đặc người và chó như thế này.  Chỉ cần chúng công kích một chuồng trại, lập tức bị rất nhiều chó dữ bao vây. Cảm thấy đỡ lo, Trần Trận nheo mắt ngắm bãi chăn mơi.
Mấy chục đàn bò và cừu của đại đội Hai đều đã kéo vào bãi chăn mới.  Đất hoang chỉ trong ngày đã biến thành mục trường, khắp nơi vang lên tiếng ca, tiếng ngựa hí, tiềng cừu và tiếng rống của bò.  Thung lũng rộng lớn đầy ắp niềm vui và hơi người, hơi ngựa, hơi cừu và hơi bò.
Đàn cừu của Trần Trận và Dương Khắc đều mỏi mệt sau một chặng đường dài, tản ra gặm cỏ ở một cái dốc gần đấy.  Trần Trận hỉ hả bảo Dương Khắc: Bãi cỏ này so với bãi cỏ cũ khác nhau một trời một vực.  Mình có thể tự hào vì đã tìm ra nó.  Nhiều lúc cứ nghĩ như nằm mơ, đàn cừu như được ăn cỏ trong vườn địa đàng.
Dương Khắc nói: Mình cũng nghĩ vậy, đây là thảo nguyên mà không nơi nào có, thảo nguyên của thiên nga.  Giá như không có Bao Thuận Quý, không có đám thanh niên trí thức, không có các hộ ngụ cư thì hay biết mấy!  Đảm bảo mục dân Ơlon có thể chung sống hòa bình với thiên nga.  Lãng mạn biết bao, chăn cừu dưới bầu trời xanh có thiên nga bay lượn.  Trong vườn địa đàng chưa chắc có thiên nga.  Vài năm nữa lấy một cô vợ Mông Cổ dám bẻ gãy đuôi sói, đẻ ra một thằng con dám chui vào hang bắt sói con, cuộc đời thế là viên mãn.  Rít một hơi thuốc, Dương Khắc nói tiếp: Thái tử Đại Đường còn muốn trở thành dân thảo nguyên huống chi mình.  Thảo nguyên là nơi yêu thích chó và cần đến con chó, không như ở Bắc Kinh, chỗ nào cũng "đập nát cái đầu chó", "thằng chó con" của "phần tử học thuật phản động quyền uy tư sản" như tôi được lên lập nghiệp ở thảo nguyên là may rồi.
Trần Trận hỏi lại: Nếu như không có thanh niên trí thức thì tốt, cậu không phải thanh niên trí thức hay sao?
Dương Khắc nói: Tự đáy lòng, kể từ khi mình thành tâm thờ sói tổ, mình đã trở thành người Mông Cổ.  Người thảo nguyên Mông Cổ quả thực coi thảo nguyên là sinh mạng lớn, quan trọng hơn sinh mạng bản thân.  Đến khu chăn nuôi, mình thấy người Mông Cổ - nông nghiệp đáng ghét, chả trách dân tộc du mục đánh nhau mấy nghìn năm với dân tộc nông canh.  Nếu mình sinh ra vào cái thời ấy, mình cũng xin lên thảo nguyên như Vương Chiêu Quân, dù chỉ làm tùy tùng, vệ binh, mình cũng làm.  Nếu xảy ra chiến tranh, mình đứng về phía sinh mạng lớn thảo nguyên, thay trời hành đạo, thay thảo nguyên hành đạo.
Trần Trận cười: Đừng đánh nữa.  Trong lịch sử hai dân tộc nông canh và thảo nguyên đánh nhau hoài, rồi sau đó lại hòa thân, thông hôn.  Kỳ thực, từ lâu chúng ta đã là hậu duệ của giống lai giữa dân tộc thảo nguyên và dân tộc trung nguyên.  Ông Ulichi bảo rằng, bãi chăn mới có thể thư giãn người và gia súc Ơlon bốn năm năm.  Ông ấy đã có công lớn như thế, phục chức cho ông ấy thì hay quá.  Điều tôi quan tâm là lực lượng thảo nguyên như các ông Pilich và Ulichi, liệu có chống lại thế lực cướp bóc thảo nguyên?
Dương Khắc nói: Cậu ngây thơ quá.  Có lần mình nghe bố mình nói, tương lai của Trung Quốc là giảm dân số xuống dưới năm trăm triệu.  Nhưng sự bùng nổ dân số nông canh không ai có thể ngăn nổi.  Tangcoli (trời) của Mông Cổ và ông trời của Trung Quốc đều chịu.  Hai mươi năm nay chẳng nói biến nông dân thành công nhân, thị dân và thanh niên trí thức thành thị đó sao!  Những muốn đưa hết thanh niên trí thức về nông thôn, làm nông dân loại hai.  Mấy triệu thanh iên trí thức chúng mình chẳng phải bị quét khỏi thành phố đó sao.  Nếu chỉ có lực lượng của ông Pilich và Ulichi thì chẳng khác châu chấu đá xe.
Trần Trận trợn mắt: Xem ra sói tổ vẫn chưa thực sự là sói tổ trong lòng cậu!  Sói tổ là gì?  Sói tổ là sức mạnh tinh thần vĩ đại lấy một chọi mười, chọi trăm, chọi nghìn, chọi vạn.  Sói tổ là ông tổ bảo vệ sinh mạng lớn thảo nguyên.  Thiên hạ xưa nay vốn sinh mạng lớn điều hành sinh mạng nhỏ, mệnh trời quản mệnh người.  Trời đất không còn sinh mệnh nữa thì cái mệnh nhỏ nhoi của ta là cái gì... Nếu như thật sự sùng bái sói tổ thì phải đứng về phía sinh mệnh lớn trời đất, thiên nhiên, thảo nguyên, cho dù chỉ còn một con sói cũng đánh đến cùng.  Hãy tin vào quy luật của tự nhiên: Vật cực tất phản (cái gì đã tới ngưỡng, tất đi ngược lại), trời sẽ giúp thảo nguyên trả thù.  Đứng về phía sinh mạng lớn thì kết quả xấu nhất là chết cùng thế lực phá hoại sinh mệnh lớn, rồi linh hồn bay lên trời.  Đời người kết cục như thế, có chết cũng không ân hận.  Hầu hết sói thảo nguyên chết trong chiến đấu.
Dương Khắc nhất thời không nói gì.
Sói con thấy tầm nhìn được mở rộng thì tò mò và phấn chấn vô cùng.  Có khi nó nhìn không chán đàn bò rồng rắn ra sông uống nước, lúc lại nhìn đàn cừu trắng như tuyết mà ngẫm nghĩ.  Lát sau, nó nhìn chim lớn chim  nhỏ bay lượn trên hồ.  Sói con hoa cả mắt, nó chưa bao giờ cùng lúc nhìn thấy nhiều thứ như thế.  Ở bãi cừu đẻ trước khi chuyển nhà, cái haotho của Trần Trận cách nhà ông Pilich bốn năm dặm, khi ấy sói con chỉ trông thấy một đàn cừu, một cái chuồng xây bằng đá, hai cái lều Mông Cổ và sáu bảy cỗ xe.  Trên đường di chuyển, sói con bị nhốt trong  chiếc thùng vốn đựng phân khô, hai ngày một đêm chẳng nhìn thấy gì.  Khi nó lại nhìn thấy nắng thì cảnh vật đã như thế này.  Sói con phấn khởi nhảy như choi choi, nếu không có sợi xích sắt, nó đã theo đàn chó ra bãi chăn mới đùa nghịch cho đã hoặc vui đùa với lũ chó cún.
Trần Trận buộc phải nghe lời ông Ulichi, dùng xích sắt xích sói con, một đầu sợi xích đấu với còng cổ, đầu kia đấu với một cái khuyên to có thể xoay quanh một cái cọc bằng bắp tay đóng sâu xuống đất hai thước, phần ló trên mặt đất cao gần một mét.  Đầu cọc còn lồng một cái đai giữ cho cái vòng không tụt ra.  Xích này có thể xích bò, kết cấu của nó tránh cho con vật đi vòng quanh cọc, sợi xích cuộn dần lại, cuối cùng bị chết vì nghẹt thở.
Một tuần trước khi dọn nhà, sói con đã mất tự do.  Nó bị xích lại bằng một sợi xích sắt dài một mét rưỡi.  Nó bị tù.  Trần Trận xót ruột nhìn sói con chiến đấu với sợi xích suốt một tuần lễ, nửa đoạn xích ướt nhèm nhưng không đứt, không tuột khỏi cọc, nó đành sống qua ngày trong cái nhà tù lộ thiên đường kính ba mét.  Trần Trận tăng cường giờ giải lao cho con sói để bù lại sự ngược đãi của cậu đối với nó.  Sói con sung sướng nhất là lúc có con cún nào chơi với nó trong nhà giam, nhưng nó không kìm được cắn đau đến mức con cún phải kêu lên rồi bỏ chạy, cuối cùng nó lại chỉ có một mình.  Con Nhị Lang thường đến với nó, đôi khi còn cố ý nằm nghỉ trong cái chuồng ba mét, mặc cho sói con chẳng phân biệt già trẻ, trèo lên lưng lên cổ lên đầu, cắn tai cắn chân cắn đuôi Nhị Lang.
Trong ngày, nội dung quanh trọng nhất của sói con là nhìn chăm chăm cái chậu thức ăn dành cho nó, sốt ruột chờ đợi đổ đầy thức ăn, bê đến trước mặt nó.  Trần Trận không biết sói con có hiểu vì sao nó bị tù, mắt nó lúc nào cũng đỏ ngầu giận dữ: Vì sao lũ chó cún được tự do, còn nó thì không?  Vậy nên, nó thường nổi cáu với lũ chó cún, cắn chảy máu.  Trong điều kiện du mục nguyên thủy nuôi sói bên cạnh đàn cừu đàn chó và người, nếu không đối xử phi nhân với sói thì chỉ một sơ suất là sói cắn cừu cắn người, rốt cuộc không tránh được tội chết.  Trần Trận khẽ nói điều này với sói con không biết bao nhiêu lần, nhưng nó vẫn không thèm nghe.  Trần Trận và Dương Khắc bắt đầu lo cách đối xử rất không công bằng đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển tâm lý của con sói con. Xích lại, sói không có điều kiện tự do phát triển cá tính, vậy thì con sói lớn lên trong điều kiện ấy có còn là sói nữa không?  Nó sẽ khác xa con sói hoang dã mà Trần Trận và Dương Khắc muốn tìm hiểu.  Công việc nghiên cứu khoa học của hai cậu ngay từ đầu đã gặp phải vấn để chí mạng là điều kiện không khoa học.  Nếu như nuôi con sói trong lồng sắt ở một địa điểm nhất định hoặc trong một cái chuồng xây bằng đá, con sói tương đối tự do, cũng đỡ gây nguy hại cho người và gia súc.  Trần Trận và Dương Khắc mơ hồ cảm thấy các cậu bị kẹt trong cái "thế cưỡi sói", có lẽ cuộc thí nghiệm khoa học này thất bại ngay từ trong trứng.  Dương Khắc đã có lần ngỏ ý thả con sói nhưng bị Trần Trận cự tuyệt thẳng thừng.  Thực tình Dương Khắc cũng không muốn thả, cậu ngày càng thích con sói.
Đã vào mùa giao phối tự do của đàn bò trên thảo nguyên.  Thần tự do trên thảo nguyên, những con bò mộng to khoẻ ngửi thấy mùi bò cái, rầm rộ kéo đến bãi chăn mới tìm đám thê thiếp.  Sói con trông thấy con bò mộng thì rất sợ, rúc vào một bụi cỏ.  Khi con bò mộng nhảy lên lưng con bò cái, sói hoảng sợ giật lùi vướng xích ngã lăn chiêng, thè lưỡi trợn mắt.  Sói con thường quên sợi xích cổ.  Khi con bò mộng bỏ đi với con khác, bò cái gật đầu với nó, nó mới trở lại bình tĩnh.
Con sói xem ra cũng vừa sy nơi giam mới.  Nó bắt đầu đùa giỡn trong nhà giam của nó.  Lãnh địa mới cỏ non cao hàng thước, thoải mái hơn nhiều so với cái cũ chỉ toàn là cát.  Sói con nằm phơi bụng, quay đầu bứt những cọng cỏ, chỉ có vậy mà nó có thể chơi với đám cỏ hơn nửa giờ.  Sói con sức sống mãnh liệt, nó tìm ra cách vận động để cháy bùng lên ngọn lửa sinh mạng, lại bắt đầu chạy quanh chuồng, hết tốc lực, hết vòng này đến vòng khác không biết mệt.
Sói con chạy như điên một hồi, đột nhiên chững lại, quay đầu chạy ngược chiều kim đồng hồ.  Chạy mệt, nó nằm sấp như chó, há miệng thở cho đỡ nóng.  Trần Trận nhận ra những ngày này thời gian và số vòng chạy của con sói tăng lên mấy lần. Cậu chợt hiểu ra con sói có ý tăng cường vận động ra mồ hôi để thay lông.  Ông Pilich bảo, sói con thay lông lần đầu muộn hơn sói lớn rất nhiều.
Bãi cõ sợ nhất bị giẫm nát, cỏ non trên đường chạy của sói con chẳng còn ngon vào nguyên vẹn.
Đột nhiên phía đông nam rộ lên tiếng vó ngựa, Trương Kế Nguyên đầu quấn băng trắng phi ngựa tới.  Hai người giật mình chạy ra đón.  Trương Kế Nguyên hét to: Đừng, đừng!  Con ngựa cậu ta cưỡi hung hăng không cho ai lại gần.  Khi ấy hai người mới phát hiện con ngựa cậu ta cưỡi vừa qua kỳ huấn luyện thì vội tránh xa, để cậu ta lựa lúc mà nhảy xuống.
Ngựa Mông Cổ trên thảo nguyên Mông Cổ tính cách bạo liệt, nhất là ngựa vùng Uchumuxin.  Luyện ngựa chỉ tiến hành khi con ngựa được ba tuổi và vào đầu xuân.  Đầu xuân là lúc ngựa gầy nhất, mà vì ngựa ba tuổi đã có thể chở một người.  Nếu như để lỡ thời điểm đó, khi con ngựa bốn tuổi là không thể đóng yên, đóng hàm thiếc, dứt khoát không dạy nổi nữa.  Ngay dù nhờ người phụ giúp, đè đầu vít cổ đóng được yên cương thì con ngựa vẫn không chịu, hất ngã bằng được người cưỡi.  Có dùng phương phát luyện ngựa của Võ Tắc Thiên cũng chịu.  Con ngựa đó rất có thể suốt đời không người cưỡi.
Hàng năm vào mùa xuân, mã quan chọn trong đàn những con ngựa ba tuổi tính nết không quá bạo liệt giao cho các mã quan luyện cưỡi.  Ai luyện được con nào, được cưỡi không con đó một năm.  Nếu như sau một năm cảm thấy không hay bằng những con khác do mình luyện được, có thể trả con ngựa về đàn.  Đương nhiên, những con ngựa sau khi thụ huấn đều có tên.  Thảo nguyên Ơlon có truyền thống đặt tên ngựa như sau: Tên người luyện ngựa cộng với màu lông con ngựa.  Thí dụ: Pilich Hồng, Batu Trắng, Lanmutrac Đen, Tang Kiệt Xám, Saxuleng Vàng, Đanchi Hạt giẻ, Dương Khắc Đốm Hoa, Trần Trận Hoa v..v.. Tên đã đặt dùng hco cả đời.  Tên ngựa vùng Ơlon rất ít khi trùng.  Lấy tên người dạy đặt tên cho ngựa là hình thức khen ngợi người ấy dũng cảm.  Những kỵ sĩ có nhiều ngựa mang tên mình, rất được mọi người quý trọng.  Nếu như người dạy ngựa thấy con ngựa mình dạy là ngựa tốt, anh ta có thể yêu cầu sử dụng con ngựa ấy, nhưng phải đổi một con trong số ngựa do anh ta luyện.  Nói chung một mã quan có thể đổi một con yếu nhất trong bốn năm con, năm sáu con mang tên anh ta, đổi lấy con ngựa mới.  Trên thảo nguyên, ngựa là sinh mạng của người.  Không có ngựa tốt, không đủ ngựa và sức ngựa thì không ra khỏi tuyết dày, lửa dữ hoặc quân địch truy kích, không đưa kịp thầy thuốc và thuốc men, không thông báo kịp tình hình quân sự và thiên tai, không đuổi kịp không bắt được sói, không đuổi kịp đàn bò đàn cừu bị bạch mao phong... Ông già Pilich nói: Thảo nguyên mà không có ngựa thì chẳng khác sói sập bẫy đứt hai chân.
Dương quan (người chăn cừu) muốn có ngựa tốt thì phải tự luyện lấy mà cưỡi.  Người thảo nguyên cho rằng phải cưỡi con ngựa do người khác luyện là đáng xấu hổ.  Dương quan, ngưu quan (người chăn bò) vùng Ơlon người nào có nhiều ngựa tốt nhất là địa vị cao sang nhất, vẻ vang nhất và có nhiều người tình nhất.  Thảo nguyên Mông Cổ khuyến khích con trai chui vào hang bắt sói, luyện ngựa bất kham, đánh nhau với sói dữ, đấu vật, ra trận, trở thành anh hùng.  Thảo nguyên Mông Cổ là thảo nguyên chiến đấu, là thiên hạ của những người dũng cảm.  Các Khan Mông Cổ là do liên minh các bộ tộc bầu ra, mà không phải cha truyền con nối.  Trong lịch sử, người Mông Cổ hoàn toàn không chấp thuận những thái tử bất tài lên ngôi.  Thời Nguyên - Mông, những thái tử bất tài thường bị anh em trong hoàng tộc thay thế.
Trương Kế Nguyên vừa cho ngựa chạy quanh, vừa nhẹ nhàng rút một chân ra khỏi bàn đạp, đúng lúc con ngựa phân tâm, cậu khoát chân gọn gàng nhảy xuống.  Con ngựa giật mình cất mình đá hậu liền mấy cái suýt văng cả yên.  Trương Kế Nguyên vội co dần dây cương kéo đầu con ngựa sát người để tránh đá hậu, mất thêm ít thời gian nữa mới cột được dây cương vào cỗ xe bò, con ngựa giằng dây cương khiến cỗ xe rung lên từng chập.
Trần Trận và Dương Khắc thở một hơi dài nhẹ nhõm.  Dương Khắc nói: Thằng cha này liều thật!  Con ngựa dữ như thế mà cậu dám cưỡi.  Trương Kế Nguyên lau mồ hôi trán, nói: Sáng nay nó vừa hất mình xuống đất, còn đá hậu một cú vào đầu khiến mình ngất đi, may mà có Batu ở bên.  Dạo chưa có cỏ non mình đã luyện hai lần, không xong, sau phải hai lần nữa mới tạm ổn.  Không ngờ sau vụ cỏ xuân nó béo lên, không chịu cho cưỡi.  May mà nó còn nhỏ, vó chưa tròn, nếu là con ngựa trưởng thành thì mình toi mạng rồi.  Đây là một con ngựa tốt, ba năm nữa dứt khoát nổi tiếng.  Ở Ơlon, ai cũng thích ngựa tốt, mình không liều sao được.
Trần Trận nói: Cậu ngày càng khiến bọn mình không yên tâm.  Chừng nào cậu luyện được con ngựa tốt mà không cần đến bông băng thì mới coi là đã thành tài.
Trương Kế Nguyên cười: Phải suýt soát hai năm nữa.  Mùa xuân này mình luyện bốn con, con nào cũng khỏi chê.  Sau này các cậu đi xa thiếu ngựa thì tìm mình.  Mình còn định đổi ngựa tốt cho hai cậu nữa kia.
Dương Khắc cười: Thằng cha này gan to lên thì khẩu khí cũng gớm.  Ăn bánh của người không ngon, tự mình làm bánh ăn.  Tự mình đấy nhé.  Năm nay tất cả cho sói con, không còn thì giờ nữa.  Để sang năm.
Trần Trận cũng vừa cười vừa nói: Hai cậu chất sói hơi nhiều đấy, đúng là gần mực thì đen, gần sói thì cứng đầu.
Đàn ngựa uống nước xong, chậm rãi trở lại trảng cỏ đối diện lều Trần Trận.  Trương Kế Nguyên nói: Chỗ này như một đài quan sát lý tưởng, từ trên nhìn xuống, mọi vật trong tầm mắt, nghe kể nhiều lần hôm nay mới thấy.  Trước đây đại đội không cho đàn ngựa ở gần, các cậu chưa có dịp thấy, hôm nay cho các cậu mở mắt ra, cho biết thế nào là ngựa Mông Cổ.
Bãi chăn mới rất rộng, đủ cỏ đủ nước, mới có gia súc của một đại đội nên đại đội cho phá lệ, ngựa uống nước xong được ăn cỏ ngay tại đây một thời gian. Không người dồn đuổi, đàn ngựa dừng lại ăn cỏ.
Trần Trận và Dương Khắc lập tức bị những con ngựa giống cao to béo khoẻ che khuất tầm nhìn.  Chúng đã thay lông, bóng mượt, bóng hơn sắc gấm Mông Cổ.  Con ngựa rùng mình một cái, những thớ thịt sau làn da bóng loáng rùng rùng chuyển động như từng đàn cá chép lớn đang bơi.  Ngựa giống khác với ngựa thường ở chỗ bờm rậm như bờm sư tử che khuất mắt, cổ và hai chân trước, đoạn tiếp giáp cổ với vai lông dài nhất, quá gối, thậm chí quết đất.  Khi chúng cúi đầu gặm cỏ, bờm che khuất nửa thân như con yêu quái không đầu không mặt xõa tóc.  Khi chúng vươn cổ phi nước đại, lông bờm trên cái cổ dài phần phật trước gió như lá quân kỳ của quân đoàn kỵ binh tinh nhuệ trên thảo nguyên, khiến kẻ thù nhìn mà khiếp đảm.  Ngựa giống hung hãn nóng nảy, bất kham, không ai dám luyện, bắt hoặc cưỡi.  Vai trò của ngựa giống trên thảo nguyên gồm nhân giống và đảm bảo đàn ngựa thuần chủng.  Ngựa giống rất có tinh thần trách nhiệm đối với gia tộc, dám dấn thân khi gặp nguy hiểm, nên chúng càng hung hãn ngoan cường.  Nếu nói bò giống là loại giao phối xong là biến, thì ngựa giống đúng là bậc đại trượng phu.
Chỉ lát sau, kịch chiến trong bầy ngựa bắt đầu.  Tất cả ngựa giống hung thần ác quỉ đều vào cuộc.  Mỗi năm một lần, cuộc săn đuổi giành con cái  trong đàn ngựa Mông Cổ bắt đầu nổ ra dưới chân đài quan sát.
Ba người ngồi trên bãi cỏ bên cạnh chuồng của con sói, lặng lẽ quan sát.  Sói con cũng ngồi ngay trên đường biên chăm chú nhìn đàn ngựa đánh nhau, lông bờm rung rung như sói đói trong tuyết.  Con sói theo bản năng rất sợ những con ngựa giống hung hãn, nhưng nó vẫn nhìn mê mải.
Đàn ngựa đông hơn năm trăm con, có mười mấy dòng họ, mỗi con ngựa giống cai quản một dòng.  Dòng lớn nhất có bảy tám mươi con, nhỏ nhất chưa tới mười bốn con.  Thành viên của dòng họ thê thiếp con cái của con ngựa giống hợp thành.  Trong đàn ngựa cổ xưa ở Mông cổ, về mặt giao phối còn văn minh hơn một số người.  Trong hoàn cảnh khốc liệt của thảo nguyên, để có thể sống còn trước sự bao vây công kích của bầy sói, đàn ngựa kiên quyết loại trừ giao phối trực hệ, nhằm nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của đàn ngựa.
Hàng năm vào mùa hạ, khi con ngựa cái tơ ba tuổi động đực, ngựa giống gỡ bỏ bộ mặt hiền từ của người cha, kiên quyết đuổi nó ra khỏi đàn, không cho phép quanh quẩn bên mẹ nó.  Ông bố bờm dài như nổi cơn điên đuổi cắn con gái như cắn sói.  Ngựa con bị cắn xé kêu khóc vang trời, đàn ngựa rối như canh hẹ.  Ngựa con vừa chạy tới bên mẹ chưa kịp thở thì ngựa bố đã lao tới vừa đá vừa cào vừa cắn không cho phép chống lại.  Ngựa con bị đòn tơi tả đành phải chạy khỏi đàn, hí thảm thiết, cầu xin ngựa bố rủ lòng thương.  Nhưng ngựa bố trợn mắt khịt mũi cào cấu không thương tiếc, không cho ngựa con trở lại đàn.  Ngựa mẹ tỏ ý bảo vệ con, liền bị ngựa bố thượng cẳng chân hạ cẳng tay lập tức.  Rút cục, đám ngựa mẹ đành giữ thái độ trung lập, có lẽ chúng hiểu hành vi của  chồng.
Cuộc chiến đuổi con gái trong các đàn ngựa vừa kết thúc, cuộc ác chiến giành con cái quyết liệt hơn giữa các ngựa giống bắt đầu.  Đây mới thực sự bùng phát một hỏa diệm sơn về hùng tính và tính hoang dã.  Những con ngựa cái tơ vừa mới bị đuổi khỏi đàn lập tức trở thành đối tượng tranh cướp của những con đực khác dòng họ.  Tất cả những con ngựa giống đều đứng lên bằng hai chân sau mà cắn xé lẫn nhau, khiến đàn ngựa cao lên gấp đôi.  Chúng dùng hai vó trước nặng chịch làm vũ khí, vung lên như chùy, tung ra như nắm đấm, chém xuống như búa.  Vó chạm nhau, răng chạm nhau, những con ốm yếu chạy dạt ra, những con khoẻ bất phân thắng bại: có con bị vỡ đầu, rách ngực, què chân, nhưng chúng không có ý bỏ cuộc.
Con ngựa cái tơ nhân khi lộn xộn chạy về nhà, lại bị ông bố hung dữ và kẻ cướp vợ truy đuôi. Ngựa giống và kẻ kia bỗng trở thành chiến hữu, đuổi nó đến nơi phải đến.
Một con ngựa bạch tơ trở thành mục tiêu tranh giành của bốn chàng ngựa giống hung hăng.  Con ngựa toàn thân trắng như tuyết, mịn như nhung, cặp mắt lồi như sừng hươu mới nhú, dáng cao mà thanh thoát, khi chạy uyển chuyển như  hươu, Dương Khắc luôn miệng khen: Mình mà là ngựa giống thì sống chết cũng phải chiếm bằng được, cướp vợ hấp dẫn hơn hỏi vợ.  Mẹ kiếp, chế độ hôn nhân của đàn ngựa cũng do sói quyết định.  Sói là kẻ thù tự nhiên và là khắc tinh của đàn ngựa.  Không có sói, chắc ngựa giống không tàn nhẫn đến thế, ngựa cái tơ cũng không bị cưỡng hôn dã man.
Hai chú ngựa giống đánh nhau đang say, y hệt đôi sư tử trên đấu trườn La Mã, nộ khí xung thiên, sống còn chết bỏ.  Trương Kế Nguyên giậm chân than: Vì một con cái tơ mà bốn chàng ngựa giống to đùng đánh nhau đã mấy ngày nay.  Con ngựa này ai thấy mà chẳng yêu, mình đặt tên cho nó là nàng công chúa Tuyết.  Cô công chúa đáng thương quá, hôm nay ở một hôm với đàn ngựa của chàng đực này, ngày mai lại bị chàng đực khác cướp đi, sau đó hai chàng tiếp tục nện nhau, ngày thứ ba công chúa lại bị cướp về.  Đến khi hai chàng này đánh nhau hết hơi, đột nhiên có kẻ cạnh tranh thứ ba gian manh  càng hung hãn hơn, cô công chúa lại vào cửa nhà khác.  Còn gì là công chúa!  Nữ nô lệ trăm phần trăm, mặc cho đám ngựa giống tranh đi tranh lại, suốt ngày chạy đôn chạy đáo, cỏ rất non mà không ăn được mấy miếng.  Các cậu xem, nó gầy đi rồi kìa.  Mấy hôm trước nó đẹp lắm.  Mùa xuân năm nào cũng đánh nhau khiến nhiều con ngựa cái học được cách đối phó.  Về nhà mình thì không được rồi, liền bắt bồ với một chàng đực cực kỳ hung hãn làm chỗ dựa, khỏi phải giành đi giật lại, chịu nỗi khổ về xác thịt.  Ngựa cái tơ rất thông minh, từng chứng kiến cảnh sói ăn thịt ngựa choai hoặc ngựa non máu me vung vãi, hiểu rằng không có sự bảo vệ của ông bố hoặc người chồng lợi hại, có khả năng bị sói ăn thịt.  Tính hoang dã, tinh thần chiến đấu dũng mãnh của ngựa giống Mông Cổ, nói cho cùng, do sói bức bách mà hình thành.
Trương Kế Nguyên nói: Trên thảo nguyên ngựa giống là bá chủ.  Ngoại trừ sợ sói công kích vợ con, ngựa giống không sợ gì hết, không sợ sói, càng không sợ người.  Trước đây người ta có câu "làm thân trâu ngựa", thực ra câu này không đúng với ngựa giống.  Đàn ngựa Mông Cổ không khác đàn ngựa hoang, trong đàn trừ mấy con ngựa thiến, những con khác không có gì phân biệt.  Mình sống với đàn ngựa đã lâu năm, vẫn không tưởng tượng nổi người nguyên thủy thuần dưỡng ngựa hoang như thế nào.  Làm sao phát hiện ngựa đã bị thiến, mới có khả năng cưỡi lên lưng ngựa?  Thiến ngựa không dễ chút nào, phải thiến vào đầu xuân khi chớm hai tuổi, hoàn không khó lắm, rạch bìu, sau khi dịch hoàn tòi ra, dịch hoàn có rất nhiều tia máu không được lấy dao cắt, hễ cắt là bị nhiễm trùng; cũng không được lôi ra, đề phòng lôi cả nội tạng ra theo.  Cách thiến nguyên thủy của mã quan là xoắn cho đứt rồi thắt nút lại, chỗ bị thương sẽ không nhiễm trùng, nhiễm trùng là ngựa chết liền.  Thiến ngựa phải thiến vào năm hai tuổi, lên ba là đã luyện rồi.  Hai chuyện cùng làm trong một năm, chắc chắn con ngựa sẽ chết.  Kỹ thuật này rất khó, người thảo nguyên thủy làm sao mò ra?
Trần Trận và Dương Khắc nhìn nhau, lắc đầu.  Trương Kế Nguyên đắc ý nói tiếp: Tôi đã mò mẫm một thời gian dài, đoán rằng, người nguyên thuỷ tìm cách bắt con ngựa non bị sói cắn thành thươn, chữa vết thương cho nó, sau đó nuôi cho nó lớn, nhưng lớn rồi mà vẫn không thể cưỡi, vậy khi còn nhỏ thì cưỡi được, nếu đã thành ngựa giống thì không dám cưỡi.  Lại thử, thử không biết bao nhiêu lần, chưa chừng người nguyên thuỷ vớ được con ngựa hai tuổi bị sói cắn mất dịch hoàn may mà sống sót, nuôi lớn thành ngựa thuần dưỡng... Đó là sự gợi ý.  Có điều, người Mông Cổ nguyên thủy huấn luyện thuần hóa ngựa là một quá trình lâu dài và quá phức tạp.  Không biết bao nhiêu người dân thảo nguyên ngã chết và bị thương mới thuần phục được ngựa hoang.  Đây là bước phát triển vĩ đại trong lịch sử nhân loại, sớm hơn nhiều và quan trọng hơn nhiều so với bốn phát mình lớn của Trung Quốc.  Không có ngựa, cuộc sống của nhân loại cổ đại khó khăn không thể tưởng tượng, so với bây giờ thiếu xe hơi, xe hỏa, xe tăng thảm thương hơn nhiều.  Do vậy, không thể đánh giá hết sự cống hiến của dân tộc du mục đối với nhân loại.
Trần Trận vui vẻ ngắt lời: Mình đồng ý với quan điểm của cậu.  Người thảo nguyên thuần phục ngựa hoang khó hơn nhiều so với nông dân thời viễn cổ thuần hóa lúa nước.  Chỉ ít lúa nước không biết chạy, không biết đá hậu, không biết đá vỡ đầu, đá chết, kéo lê đến chết người ta.  Thuần hóa thực vật hoang dã về cơ bản là lao độg trong hòa bình, còn thuần hóa ngựa hoang, bò hoang là cuộc chiến đổ máu, đổ mồ hôi.  Đến nay, dân tộc nông canh vẫn đang hưởng dụng những thành quả vĩ đại của dân tộc du mục.
Dương Khắc nói: Dân tộc du mục quả đáng nể.  Họ đã dám chiến đấu, lại biết lao động và học tập.  Trình độ văn minh của dân tộc du mục tuy không cao bằng dân tộc nông canh, nhưng một khi có điều kiện, họ đuổi kịp và vượt dân tộc nông canh bằng tốc độ phi mã.  Các đế vương như Hốt Tất Liệt, Khang Hy, Càn Long học tập và nắm văn hóa Hán sâu sắc hơn nhiều so với đại đa số các hoàng đế Hán tộc, công lao và hành trạng cũng lớn hơn, đáng tiếc là họ học văn hóa Hán cổ đjai, nếu như họ học văn hóa cổ La Mã, cổ Hy Lạp hoặc văn hóa phương Tây cận đại, thì đáng nể hơn nhiều.
Trần Trận thở dài: Thực ra các dân tộc tiên tiến nhất thế giơi hiện nay, phần lớn là hậu duệ của các dân tộc du mục.  Cho đến bây giờ họ vẫn giữ những phong thục tập quán của dân tộc du mục nguyên thủy như uống sữa bò, ăn bơ, dệt áo len, trải thảm, nuôi chó, đấu bò, đua ngựa, thi đấu thể dục, yêu tự do, bầu cử dân chủ, tôn trọng phụ nữ v...v... Tính cách dũng cảm, thiện chiến, ngoan cường, tiến thủ, không những được họ kế thừa mà còn phát huy mạnh mẽ.  Người ta có câu ba tuổi là lớn, bảy tuổi là đã già, với dân tộc cũng vậy.  Du mục nguyên thủy là thủa ấu thơ của dân tộc phương Tây.  Chúng ta giờ đây nhìn du mục nguyên thủy cũng là nhìn tuổi thơ lên ba và lên bảy của các dân tộc phương Tây, nếu như học thêm bài học này, càng hiểu sâu sắc hơn vì sao phương Tây ngồi lên đầu chúng ta.  Kỹ thuật tiên tiến phương Tây không khó học, vệ tinh Trung Quốc lên trời rồi đấy thôi.  Nhưng cái khó học nhất là ý chí tiến thủ, tinh thần dũng cảm không sợ nguy nan từ trong máu của dân tộc phương Tây.  Từ lâu, Lỗ Tấn đã thấy tính cách quốc dân của dân tộc Hoa Hạ có vấn đề...
Trương Kế Nguyên nói: sau khi trở thành mã quan, cảm xúc sâu sa nhất của mình là sự khác biệt về tính cách giữa hai dân tộc Hán - Mông.  Trước đây ở trường học, mình được coi là nổi trội nhiều mặt, nhưng lên thảo nguyên chỉ thấy mình yếu ớt như một con mèo.  Mình đã nghĩ nhiều cách làm sao mạnh mẽ lên, sau đó ngộ ra rằng, hình như chúng ta tiên thiên bất túc hay sao ấy...
Trần Trận thở dài: Đúng là tiên thiên bất túc.  Kinh tế tiểu nông của Hoa Hạ là lao động trong hòa bình, sợ cạnh tranh.  Cương lĩnh của Nho gia là quân thần phụ tử, thượng tôn hạ ti, trật tự trên dưới, phục tùng vô điều kiện, dùng bạo lực chuyên chế thủ tiêu cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi hoàng triều và hòa bình cho nông nghiệp.  Kinh tế tiểu nông Hoa Hạ và văn hoa Nho gia, từ hai phương diện tồn tại và ý thức, đã làm suy yếu tính cách dân tộc Hoa Hạ. Dân tộc Hoa Hạ từng sáng tạo nền văn minh cổ đại xán lạn, nhưng đã phải trả giá bằng hy sinh tính cách dân tộc, dũng là hy sinh sức bật của dân tộc. Khi lịch sử thế giớ bước qua giai đoạn thấp của nền văn minh nông nghiệp, dứt khoát Trung Quốc lạc hậu sẽ bị đánh.  Có điều chúng ta vẫn còn may, đuổi kịp giai đoạn chót cuộc sống du mục nguyên thủy thảo nguyên, chưa chừng có thể tìm ra bí mật khiến phương Tây quật khởi?
Trên trảng cỏ, cuộc chiến giữa ngựa và ngựa vẫn diễn ra quyết liệt.  "Công chúa Tuyết" xinh đẹp đã bị kẻ chiến thắng đưa về nhốt trong đàn.  Kẻ thất bại không chịu xông vào, đá công chúa ngã lăn ra đất, cô không biết cầu cứu ai, cất tiếng hí thảm thiết.  Mẹ công chúa vội chạy đi cứu con, nhưng đã bị ông chồng dữ như hung thần ác quri cho mấy đá, đuổi về.
Dương Khắc quả thực thấy chướng.  Cậu hích Trương Kế Nguyên: Mã quan các cậu sao bỏ mặc?
Trương Kế Nguyên nói: Bỏ mặc là thế nào? Cậu đến, chúng ngưng chiến; cậu đi, chúng tiếp tục choảng nhau.  Mã quan du mục không can thiệp.  Đây là cuộc chiến tranh sinh tồn của đàn ngựa, ngàn vạn năm nay vẫn thế.  Suốt mùa hè, chừng nào ngựa giống chưa đuổi hết con gái ra khỏi đàn, chừng nào chưa giành giật xong các ngựa cái tơ, cuộc chiến chưa kết thúc.  Năm nào cũng vậy, cuối hạ đầu thu mới ngưng chiến.  Khi đó, con ngựa giống dũng mãnh nhất giành được nhiều ngựa cái nhất; con ngựa yếu nhất, nhát gan nhất chỉ khớang được cô ngựa cái người ta loại ra.  Thảm hại nhất là có chú ngựa giống không vớ được cô nào.  Cuộc chiến thảm khốc trong đàn ngựa sẽ xuất hiện con ngựa giống dũng mãnh nhất, con cái của nó cũng lợi hại nhất, chạy nhanh, nhạy cảm, tính cách hung hãn.  Cuộc chiến cạnh tranh tạo nên những con ngựa quý. Qua cuộc chiến giữa ngựa và ngựa mỗi năm một lần, đởm lượng và kỹ năng chiến đấu của ngựa giống ngày càng cao, càng tinh, dòng họ ngày càng thịnh vượng.  Đây cũng là cuộc diễn tập của ngựa giống nhằm rèn luyện bản lĩnh đánh giết sói, giữ nhà và bảo vệ cừu.  Không có cuộc diễn tập mỗi năm một lần này, đàn ngựa Mông Cổ không thể sinh tồn trên thảo nguyên.
Trần Trận nói: Xem ra khả năng thiện chiến làm kinh hoàng thế giới của ngựa Mông Cổ, cũng lại do sói bức bách mà có.
Trương Kế Nguyên nói: Đương nhiên.  Sói thảo nguyên không những đào tạo ra võ sĩ, mà còn đào tạo ra ngựa chiến Mông Cổ.  Chính quyền người Hán Trung Quốc cổ cũng có kỵ binh hùng hậu, nhưng ngựa của người Hán phần lớn là nuôi trong bãi trong chuồng.  Chúng mình đã từng về lao động ở nông thôn, biết họ nuôi ngựa như thế nào.  Ngựa nuôi trong chuồng được người cho ăn cho uống, đêm còn thêm cỏ.  Ngựa dưới xuôi làm gì thấy sói, chưa từng có cuộc chiến giữa ngựa và ngựa, không cần đánh nhau chí mạng mới được phối giống, chuyện này do con người bố trí: Buộc con cái vào cột, dắt con ngựa đực đến là xong.  Phối xong, rồi ngựa cái vẫn chưa biết mặt ngựa đực.  Con cháu của loại ngựa này làm gì có cá tính và sức chiến đấu?
Dương Khắc cười: Hôn nhân bao biện sẽ đẻ ra lũ ngốc!  May mà chúng ta không phải cái loại ấy, còn có cơ cứu vãn.  Thế nhưng nông thôn hiện nay tình trạng hôn nhân bao biện vẫn rất phổ biến, khá hơn ngựa nông nghiệp một chút, cô dâu còn được biết chú rể mặt mũi ra sao?
Trần Trận nói: Có thể coi đã có tiến bộ lớn ở Trung Quốc rồi đấy.
Trương Kế Nguyên nói: Ngựa của người Hán Trung Nguyên chỉ là lao động khổ sai.  Ban ngày làm lụng, tối ngủ như một nông dân.  Do vậy, nông dân lao động, ngựa lao động dưới này không thể đánh lại các võ sĩ công với ngựa chiến thảo nguyên.
Dương Khắc thở dài, than: Ngựa đần ra trận, thua là cái chắc.  Nhưng nguyên nhân cơ bản là do người đần.  Lính đần cưỡi ngựa đần, nửa đêm sa xuống đầm.
Ba người cười buồn.
Trương Kế Nguyên tiếp tục nói: Tính chiến đấu quan trọng hơn tính cần cù trong lao động hòa bình.  Trường thành, công trình lao động vĩ đại nhất thế giới, vẫn không ngăn được kỵ binh của một dân tộc nhỏ nhất thế giới.  Chỉ biết lao động, không biết chiến đấu là gì?  Là con ngựa thiến, bắt làm phải làm, bắt chở phải chở, gặp sói là bỏ chạy, không cắn không đá như ngựa giống.  Ở với đàn ngựa lâu, mình biết, trong đàn có rất nhiều ngựa thiến.  Dáng dấp, cân nặng, răng và vó không thua ngựa giống là mấy, nếu chúng dám ăn thua đủ với sói, chắc chắn sói đánh không lại.  Nhưng vì sao ngựa thiến trông thấy sói là chạy?  Vì nó đã bị cắt bỏ dũng khí và chất đàn ông trong người.
Dương Khắc tán thành, nói: Ừ, Vạn Lý Trường Thành là lao động chết, còn kỵ binh Mông Cổ là cuộc chiến sống, đi vòng mấy trăm dặm coi như không.  Có lần kỵ binh Mông Cổ đánh Kim, tấn công Cư Dung Quan không hạ được thành, liền vòng xuống phía nam mấy trăm dặm, nhân lúc chưa phòng bị, hạ luôn Tử Kinh Quan, từ Tử Kinh Quan tiến lên đánh chiếm Bắc Kinh.
Trần Trận nói: Mình cảm thấy giáo dục trước đây của ta quá đề cao lao động, nào là lao động sáng tạo ra con người, lao động sáng tạo tất cả.  Nhân dân Trung Quốc cần lao rất thích nghe câu này.  Thực ra, chỉ lao động không thể sáng tạo ra người.  Nếu người vượn chỉ biết lao động không biết chiến dấu thì đã  bị mãnh thú ăn thịt từ lâu, làm gì có chuyện sáng tạo ra tất cả sau này?  Người vượn phát minh rìu đá, cậu bảo nó là công cụ lao động hay vũ khí?  Hay cả hai?
Dương Khắc nói: Trước hết nó là vũ khí, nhưng mà cũng có thể dùng nó đập vỡ hạt dẻ.
Trần Trận cười: Lao động vẻ vang, lao động thiêng liêng.  Lao động là ưu thế lớn của dân tộc Hoa Hạ, là cái vốn hùng hậu phục hưng dân tộc sau này.  Nhưng lao động không phải vạn năng và vô hại.  Trong lao động có lao động nô lệ, lao động có tính chất nô dịch, lao động cưỡng bức, lao động cải tạo, lao động như trâu ngựa.  Những lao động ấy có vẻ vang và thiêng liêng không?  Có thể khen là đẹp không?  Vậy mà chủ nô và chúa phong kiến rất thích tán dương những loại lao động này.  Bản thân không lao động thậm chí bóc lột lao động của người khác cũng được ca ngợi như nhau.
Dương Khắc căm phẫn, nói; Mình căm nhất loại người đó, phải dùng rìu đá phang cho chúng một trận.
Trần Trận nghí: Lao động cũng có loại vô hiệu quả, lao động có tính chất phá hoại và lao động có tính hủy diệt.  Cách đây hai ngàn năm, lao động xây dưng cung A Phòng đã chặt quang núi rừng Tứ Xuyên, "núi Thục biến, A Phòng hiện", loại lao động này thực đáng ghét.  Kết quả lao động khẩn hoang của rất nhiều dân tộc nông canh trên thế giới là sa mạc, cuối cùng chôn vùi văn minh của dân tộc mình.  Với lại, rất nhiều chuyện quan trọng trên thế giới không phải do lao động sáng tạo ra.  Thí dụ lao động không sáng tạo ra hòa bình, an ninh, quốc phòng vững chắc, lao động không sáng tạo ra tự do, dân chủ, bình đẳng và chế độ của những thứ này; lao động không sáng tạo ra tính cách dân tộc kiên quyết đòi thực hiện tự do dân chủ bình đẳng.  Người lao động không biết chiến đấu chỉ là khổ sai, là thuận dân, gia súc, trâu ngựa.  Tự do dân chủ bình đẳng không thể trở thành khẩu hiệu chiến đấu của họ.  Trên thế giới, nhân dân Hoa Hạ đông nhất, cần lao nhất, lịch sử lao động dài nhất, hơn nữa chưa khia nào ngừng lao động, vậy mà không sáng tạo ra nền văn minh tiên tiến rạng rỡ như dân tộc phương Tây mà lịch sử lao động ngắn hơn nhiều đã sáng tạo ra...
Đám ngựa giống tạm thời ngưng chiến, đi ăn cỏ.  Đám ngựa cái tơ chạy về với mẹ. Ngựa mẹ thương con gái, dùng cặp môi dày chải lông cho con.  Nhưng ngựa cái tơ thấy ông bố trợn mắt khịt mũi hí vang thì mất vía, vội chạy về nhà mới của mình, đứng xa mà ngó mẹ, bốn mắt buồn rầu.
Dương Khắc nói thật lòng: Từ nay mình phải thường xuyên đến với đàn ngựa để học hỏi.  Kỵ binh Mông Cổ uy danh một thời là những sinh viên ưu tú do trường đại học của đàn ngựa đào tạo.
Cao Kiện Trung đánh một xe bò vui vẻ trở về, gọi toáng lên: Chúng mình vớ bở rồi!  Mình cướp được hơn nửa thùng trứng vịt trời!  Ba người chạy tới khênh cái thùng nặng trẫm tay xuống, trong thùng có đến bảy tám chục quả trứng vịt trời hình ô van, có một số bị giập vỡ, lòng đỏ trứng màu vàng gỉ ra ngoài.
Dương Khắc nói: Cậu tiêu diệt cà một đàn vịt trời!
Cao Kiện Trung nói: Cánh Vương Quân Lập đang tranh cướp ở đằng ấy.  Bên bãi lầy phía tây, trong cỏ trong các ổ cát bên sông, chỉ mươi bước chân lại gặp một ổ trứng vịt trời, mỗi ổ mười mấy quả.  Cướp của ai?  Cướp của đàn ngựa.  Lũ ngựa đi uống nước giẫm be bét từng đám lớn, bên bãi lầy toàn là vỏ trứng, nhìn mà đau lòng.
Trần Trận hỏi: Còn nữa không?  Đi nhặt ít nữa về làm trứng muối.
Cao Kiện Trung nói: Phía bên này không còn.  Bốn đàn ngựa tràn qua có sót cũng chẳng bao nhiêu, phía đông bãi lầy có thể vẫn còn.
Dương Khắc ngó Trương Kế Nguyên quát; Đàn ngựa chết tiệt, mã quan các cậu có mắt hay không hả/
Trương Kế Nguyên nói: Ai biết bờ sông có trứng vịt trời.
Cao Kiện Trung trông thấy đàn ngựa phía dưới cách lều không xa, liền hỏi Trương Kế Nguyên: Sao lại cho đàn ngựa ăn cỏ ngay trước cửa, cỏ hết, bò ăn gì?  Cậu đuổi đàn ngựa đi nơi khác rồi về đây ăn trứng vịt.
Trần Trận nói: Hắn cưỡi con ngựa chưa thuần, lên xuống không đơn giản, để hắn ăn trứng rồi hãy đi.  Vừa nãy hắn lên lớp cho chúng mình bao nhiêu chuyện, rất đáng được thưởng.  Rồi bảo Trương Kế Nguyên - Trứng giập nhiều thế này, ba chúng mình ăn không hết.
Trương Kế Nguyên phản công: Các cậu lại cả đây nhặt riêng trứng lành trứng giập ra.  Mình hai năm nay chưa được ăn trứng rán, hôm nay ăn cho đã.  Vừa hay trong lều có nhiều hành dại, trứng vịt rán hành rất đúng vị, chắc ngon.  Dương Khắc, cậu đi bóc hành, Trần Trận đánh trứng, Kế Nguyên đi nhặt sọt phân khô về đây, tôi đặt chảo.
Kết quả nhặt ra được một nửa trứng lành, một nửa trứng giập.  Số trứng giập, mỗi người có thể ăn tám chín quả.  Bốn người vui như tết.  Chỉ lát sau, mùi trứng rán, mùi hành, mùi mỡ cừu thơm lùng theo gió bay trên bãi chăn.  Lũ chó thèm rỏ dãi, vẫy đuôi tụ tập trước cửa lều.  Sói con phá xích kêu loảng xoảng, nhảy vọt lên rất cao, chân tướng sói lộ rõ.  Trần Trận bớt lại một ít cho con sói, cậu muốn biết nó có biết ăn trứng rán mỡ cừu.
Bốn người ăn như rồng cuốn hết bát nọ đến bát kia.  Đang ăn, chợt nghe tiếng Caxumai nói to bên ngoài lều: Hay nhỉ, có món gì ngon thế mà không gọi mình một tiếng.  Caxumai dắt Bayan và con Balua bước vào trong lều.  Trần Trận và Dương Khắc lập tức nhường chỗ, mời hai mẹ con ngồi xuống vị trí phía bắc.  Trần Trận vừa xúc trứng rán vừa bảo: Tưởng dân du mục không biết ăn thứ này.  Nào, em mời chị và cháu nếm thử.
Caxumai nói: Mình ngửi thấy mùi thơm từ ở nhà, rất thơm, mình thèm rỏ dãi như chó ấy.  Chó nhà mình cũng đi theo.  Sao lại không dám ăn? Mình ăn đây. Nói rồi, chị cầm đũa gắp một miếng trứng to đưa lên miệng cắn từng miếng một, khen: Ngon lắm, ngon lắm.  Bayan thì ăn ngốn ngấu như sói con, miệng ăn mắt nhìn chảo chỉ sợ hết.  Dân du mục sáng uống trà sữa, bữa cơm chiều là bữa chính, không ăn trưa.  Lúc này chắc hẳn hai mẹ con đang đói, Caxumai nói: Món này ngon thật đấy.  Mình được ăn quán rồi, không phải lên thành phố mới được ăn.  Hôm nay ăn cho đã.
Dân du mục gọi món ăn của người  Hán là "món quán", rất thích.  Mấy năm gần đây, họ cũng đã dùng gia vị.  Mục dân thích ăn hành hoa, tương ớt, hành tây.  Có người thích ớt tươi, nhưng không một ai thích dấm, tỏi, gừng tươi.
Trần Trận nói: Từ nay bọn em nấu món quán, thế nào cũng mời chị ăn. 
Cao Kiện Trung thường được ăn bơ, váng đậu, váng sữa do Caxumai đem cho.  Cậu cũng thường xuyên đến nhà Caxumai uống trà sữa, ăn thịt hun.  Cậu thích nhất các món ăn Mông Cổ chế biến từ sữa và thịt. Lần này có dịp được mời đáp lễ, cậu vừa cười vừa nói: Có cả một thùng to, trứng giập không đủ thì ăn trứng lành.  Đảm bảo chị ăn bằng thích.  Cậu nhặt những quả giập sang một bên, lấy năm sáu quả trứng rán cho mẹ con Caxumai ăn.
Caxumai nói: Bố không cho ăn đâu, bố bảo trứng là của trời, không được đụng vào.  Mình phải đến chỗ các cậu mà ăn thôi.
Trần Trận hỏi: Năm ngoái em thấy bố xin hơn chục quả trứng gà ở nhà ông cán bộ mục trường, bố xin làm gì hả chị?
Caxumai nói: Đó là con ngựa bị cảm sốt, ông nắm mũi kéo ngược lên đút cho hai quả trứng vào miệng.  Chỉ vài lần là khỏi.
Dương Khắc rỉ tai Trương Kế Nguyên:  Tai hại, bọn mình lên đây, mục dân bắt đầu ăn những thứ trước kia họ không ăn.  Chỉ vài năm nữa, nói gì thiên nga, ngay vịt trời cũng không còn.
Bayan càng ăn càng ngon miệng.  Miệng  nhờn mỡ, nó bảo Cao Kiện Trung: Cháu biết một chỗ có những quả này.  Cho cháu bát nữa, mai cháu dẫn chú đi.  Trong hang rái cá chắn chắn có.  Sáng nay đi tìm cừu mới đẻ,
cháu trông thấy những quả này bên bờ sông.
Cao Kiện Trung phấn khởi, nói: Tốt lắm, bên sông có một gò đất đúng là có rất nhiều hố cát, chắc chắn đàn ngựa không đi qua đấy mà giẫm vỡ trứng.  Lại một mẻ trứng rán rất dầy chín tới. Cao Kiện trung dùng xẻng nhà bếp xắn làm hai, xúc vào bát Caxumai và Bayan mỗi bát một nữa.  Hai mẹ con ăn toát mồ hôi.  Chảo bốc khói, một mẻ trứng nữa đã chín.
Mẻ trứng vừa rán xong, Trần Trận đón cái xẻng bếp, bảo Caxumai: Em làm món khác mời mẹ con chị. Cậu cho ít mỡ cừu vào chảo, bắt đầu rán trứng ốpla.  Chỉ lát sau, hai cái trứng chiên hình gương sen bên ngoài trắng đục, bên trong hồng hồng hiện ra trong lòng chảo.  Caxumai và Bayan nhìn không chớp.  Trần Trận xúc cho hai mẹ con mỗi người một cái, rắc lên chút muối ớt.  Caxumai vừa ăn vừa khen: Món này lại càng ngon, chiên cho mình hai cái nữa.  Dương Khắc cười hì hì, nói: Để lát nữa em nấu cho chị món trứng xào rau phỉ.  Ăn rồi, Trương Kế Nguyên nấu cho chị bát canh trứng - hành hoa.  Tay nghề bốn chúng em không tồi đâu nhá.
Mùi thức ăn bay khắp lều, sáu người đã thấy hơi ngán, liên buông bát đũa, không ăn nữa.  Bữa tiệc tiêu diệt nửa thùng trứng vịt trời.
Caxumai sốt ruột muốn về.  Vừa chuyển nhà, công việc bề bộn.  Cô ợ hơi, cười bảo cánh Trần Trận: Các cậu không được nói với bố đấy nhá.  Vài hôm nữa, mời các cậu đến nhà ăn váng sữa trộn cơm rang.
Cao Kiện Trung bảo Bayan: Mai đi nhặt trứng nhá.
Trần Trận đuổi kịp con Balua, nhét vào miệng nó miếng trứng rán to tướng.  Balua nhả miếng trứng xuống cỏ ngửi rồi nếm thử, thấy đúng là món cô chủ vừa ăn mới hỉ hả đớp luôn nuốt đánh ực, vẫy đuôi cảm ơn Trần Trận.
Mọi người giải tán, Trần Trận nhớ con sói, liền chạy ra chỗ nó.
Không thấy con sói, không hiểu nó đi đâu.  Trần Trận toát mồ hôi lạnh, hốt hoảng chạy lại gần thấy nó nằm bẹp gí, cằm sát đát trong đám cỏ cao cao.  Hẳn là nó sợ khi tháy người lạ và hcos.  Xem ra nó có tài  ẩn nấp bẩm sinh.  Trần Trận thở ra một hơi nhẹ nhõm.  Sói con ngẩng nhìn lên, thấy người lạ, và chó không còn ở  đây nữa mới nhảy lên ngửi hít mùi trứng rán trên người Trần Trận, lại còn liếm bàn tay dính mỡ của cậu.
Trần Trận quay vào trong lều xin Cao Kiện Trung sáu bảy quả trứng giập rán cho sói con và lũ chó.  Không đủ no, nhưng cậu muốn cho chúng nếm thử.  Chó thảo nguyên nhiều khi ăn vặt thích hơn bữa ăn chính, cho ăn vặt cũng là một cách làm quen với con chó.  Trứng rán xong, Trần Trận cắt thành bốn miếng lớn ba miếng nhỏ.  Bốn miếng lớn cho ba con chó lớn và con sói, ba miếng nhỏ cho ba con cún.  Lũ chó tập trung ở cửa lều không chịu đi. Trần Trận cất riêng phần con sói rồi ngồi xổm trước cửa, cậu dùng xẻng nhà bếp gõ nhẹ lên đầu từng con bắt chúng xếp hàng lĩnh suất ăn.  Cậu cho con Nhị Lang miếng to nhất.  Nhị Lang mừng ron, chưa bao giờ vẫy đuôi mạnh đến thế.
Đợi lũ chó ăn xong ra bãi cỏ chơi, cũng là đợi miếng trứng rán nguội, cậu bỏ miếng trứng vào chậu thức ăn bê cho sói con.  Dương Khắc, Cao Kiện Trung và Trương Kế Nguyên đều ra theo để xem sói con có ăn trứng rán không.  Sói thảo nguyên chưa bao giờ thấy và ăn món này.  Trần Trận gọi to: Sói con... ăn cơm!  Miếng  trứng trong chậu vừa đặt xuống, con sói nhảy xổ vào đớp luôn và nuốt tởm không đầy một giây.
Bốn người thất vọng quá.  Trương Kế Nguyên nói: Sói cũng đáng thương, nuốt tởm thì sướng cái nỗi gì?  Trong từ điển nhà sói không có từ "nhâm nhi".
Cao Kiện Trung xót xa: Oan cho mấy cái trứng!
Trần Trận đành giải thích: Có thể nhũ đầu của con sói nằm trong dạ dày.
Ba người cười ồ.
Trần Trận ở lại thu dọn lều.  Ba người kia đi về đàn ngựa, đàn bò và đàn cừu.  Trần Trận hỏi Trương Kế Nguyên: có cần mình nắm tai ngựa để cậu lên yên không?
Trương Kế Nguyên nói: Mã quan đều có một hai con ngựa rất ngoan, chỉ gọi một tiếng hoặc dùng roi khẽ chạm vào mông là nó dừng lại liền, không cần đuổi hoặc tung thòng lọng.  Không có những con ngựa như thế, lỡ có người bị ngựa dữ quật ngã, không có ngựa cưỡi mà đàn đã chạy đi rồi thì gay.  Vào mùa đông, không chết cóng thì chớ kể.
Trương Kế Nguyên thay bộ đồ đã được giặt sạch, mượn Trần Trận cuốn tiểu thuyết "Sói biển" của Giắc London, ra khỏi lều.

Quả nhiên Trương Kế Nguyên nhẹ nhàng lên yên, đổi ngựa trong đàn không khó khăn gì rồi thúc ngựa phi nước đại về phía núi lớn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét