Một mùa đông nữa lại đến. Mùa đông năm nay hình như lạnh hơn năm
ngoái. Suốt cả mùa hè qua, những người đàn ông xóm trại không nói gì đến con
cá. Cũng suốt cả mùa hè đó hầu như đêm nào lũ trẻ chúng tôi cũng lên đê chơi đủ
trò với nhau. Những đêm nóng quá, chúng tôi còn rủ nhau ngủ lại trên mặt đê cho
đến gần sáng mới mò về nhà. Suốt mùa hè đó, chúng tôi không thấy dấu hiệu gì
chứng tỏ con cá còn ở lại đầm Vực. Nhiều đêm tỉnh giấc giữa lũ trẻ ngủ chồng
chất bên nhau trên mặt đê, tôi ngồi co mình nhìn xuống mặt đầm, cố gắng nghe
xem có tiếng con cá vọng lên hay không. Nhưng không có động tĩnh gì ngoài tiếng
bắt mồi của lũ cá chuối nhỏ. Thi thoảng vang lên tiếng nhái “oe oé” khi bị một
con rắn nào đấy đớp gọn ngang bụng.
Khi đợt gió mùa
đông bắc đầu tiên đổ qua sông, tràn vào xóm trại thì bà tôi bị ốm. Bà tôi suốt
ngày nằm trên giường có rải rơm, đắp một tấm chăn chiên đã rách nhiều chỗ, rên
nhè nhẹ.
Hàng ngày bố tôi
ra sông kiếm cá về cho mẹ tôi nấu cháo cho bà. Mỗi khi mẹ tôi bưng bát cháo cá
nóng hôi hổi đến giường, bà tôi lại cau mày, xua tay:
- Đừng nấu nướng
cho vất vả con ạ. Mẹ không ăn được gì đâu. Chắc đợt này mẹ đi thôi.
Nghe vậy, bố tôi
gắt:
- Bà cứ nói dại.
Ốm thì phải ăn cho nó chóng phục sức. Bà muốn bỏ con cháu hay sao mà không chịu
ăn.
Nghe bố tôi nói
vậy, bà lại cố gượng dy, ăn dăm thìa cháo.
Một chiều bà gọi
mẹ tôi đến bên giường, nói:
- Mẹ không ở lại
lâu được đâu. Mẹ nói vậy để con cháu chuẩn bị.
Mẹ tôi rơm rớm
nước mắt:
- Bà phải chịu
khó uống thuốc và chịu khó ăn. Bà sống ngày nào chúng con có chỗ cậy nhờ ngày
ấy.
Bà tôi nói:
- Mẹ biết, nhưng
số mệnh người ta nó thế. Có muốn cũng không được. Đêm qua mẹ mơ thấy nhà sư
chết đuối ở đầm Vực năm xưa về bảo mẹ đi. Mẹ bảo nhà sư ấy là thư thư cho mẹ ít
ngày.
Mẹ tôi an ủi:
- Bà mệt thì bà
mê thấy thế thôi. Chứ người chết rồi làm sao hiện về được nữa.
Bà tôi nói:
- Mộng mê cũng là
thật đấy con ạ.
Suốt những ngày
bà tôi ôm, ông Bộc thường xuyên đến thăm. Ông lặng lẽ ngồi bên cạnh giường bà
tôi. Một lần tôi nghe ông Bộc nói với bà tôi:
- Bà tha thứ cho
tôi. Tôi đã làm bà phải mang nhục.
Bà tôi nhìn ông
Bộc rất lâu rồi nó
- Ông đừng đày
đọa ông nữa. Tôi mới là người có lỗi với ông. Ngày đó vì tôi thương ông, giận
ông và cũng đau đớn quá. Đến lúc nghĩ ra thì không kịp nữa.
Ông Bộc xúc động:
- Bà đừng nói
nữa. Bà cố sống thêm vài năm nữa đi.
Bà tôi khẽ lắc
đầu:
- Tôi không sống
được nữa ông ạ.
- Tôi sẽ đi tìm
thuốc cho bà.
- Thuốc thang
cũng không giúp tôi được đâu.
- Bà đừng nghĩ
thế. - Ông Bộc nói - Thuốc lá của mấy mế tốt lắm. Thằng Mon cũng uống thuốc mế
đấy.
Bà tôi mỉm cười:
- Thằng Mon khác.
Vả lại tôi già rồi, vận cũng hết rồi. Ông đừng đi đâu nữa cho khổ. Mà năm nay
tôi thấy ông yếu hẳn.
Ông Bộc cầm lấy
tay bà tôi. Đôi mắt già nua của ông ứa ra hai giọt nước mắt.
- Bà có tin tôi
là người vô tội không?
- Tôi tin từ lâu
rồi. - Bà tôi nói - Nhưng tôi giữ trong bụng. Tôi không muốn nói ra.
Ông Bộc đứng dậy:
- Tôi phải đi tìm
thuốc cho bà.
Bà tôi nói:
- Ông đừng đi.
Tôi lo cho ông lắm.
Ông Bộc không nói
gì. Ông lùi lũi đi, chiếc bao tải đi trên đê. Tôi đứng ở sân nhà nhìn theo ông.
Bóng ông bé bỏng trong sương sớm.
Buổi chiều, bọn
trẻ chúng tôi hò nhau lấy cỏ khô để hun một cái hang chuột dưới đáy chân đê.
Chúng tôi lấy mũ ra sức quạt cho khói vào hang. Cuối cùng một con chuột đồng to
sụ phóng ra. Lũ trẻ hò hét bao vây con chuột. Con chuột chạy quáng quàng qua
chân lũ trẻ, phóng thẳng về phía bờ đầm, chui vào một bụi cây. Bọn trẻ chúng
tôi kêu lên vì tiếc.
Khi chúng tôi
đang ngồi trên đê cãi cọ đổ lỗi cho nhau vì để con chuột chạy thoát thì từ đám
cây lớn ở bờ đầm xuất hiện một nhà sư. Lũ trẻ chúng tôi vội im bặt.
Nhà sư đi từng
bước về phía chúng tôi. Bỗng một đứa kêu khẽ:
- Chúng mày ơi,
sư hiện hình!
- Đúng rồi! - Một
đứa khác thì thào - Có một bà sư ở trong chùa dưới đầm. Đúng là bà này rồi.
Nghe vậy, bọn trẻ
chúng tôi bàng hoàng. Chúng tôi chưa kịp làm gì thì nhà sư đã đến trước mặt.
- Chào các cháu
Bọn trẻ chúng tôi
ngồi im thin thít. Thấy vậy nhà sư mỉm cười:
- Các cháu cho
nhà sư hỏi bà cụ Miên còn sống không?
Tôi giật mình khi
nghe hỏi đúng tên bà tôi. Lúc đó bọn trẻ nhìn đổ dồn vào tôi.
- Đây… đây - Một
đứa lắp bắp. - Đây là cháu bà Miên.
Nhà sư cười:
- May quá, thế bà
cháu…
Tôi cắt ngang lời
nhà sư:
- Bà cháu đang
ốm, bà không được đến…
- Ồ, chú bé. -
Nhà sư nói và ngồi xuống trước chúng tôi. - Bà là người quen của bà cháu, ngày
các cháu chưa ra đời, bà ở đây. Nay đi qua bà muốn đến thăm bà cháu. Nhà cháu
vẫn ở trong xóm trại à?
Nghe nhà sư hỏi
vậy, thằng Mên vội nói:
- Bà đi theo
cháu. Cháu đưa bà về nhà. Thằng Mên hồ hởi đưa nhà sư đi về phía nhà tôi. Bọn
trẻ chúng tôi nhìn theo không nói gì. Ngay sau đó, tôi chạy theo nhà sư và
thằng Mên.
Nhà sư bước đến
giường bà tôi, chắp tay nói:
- A di đà phật,
chào c
Bà tôi ngước mắt
nhìn nhà sư. Nhà sư hỏi:
- Cụ có còn nhận
ra tôi không?
Bà tôi vẫn mở mắt
không chớp nhìn nhà sư, rồi lắc đầu.
Nhà sư ngồi xuống
mép giường, cầm tay bà tôi:
- Chị Miên, chị
không còn nhớ em ư? Em là tiểu Thảo ở chùa làng mình ngày trước đây mà.
- Ôi, cô Thảo!
Bà tôi kêu lên và
khóc.
- Vâng, em là
Thảo đây, tiểu Thảo đây mà. Chị còn nhớ ngày xưa mỗi khi đi làm về chị lại mang
cho nhà chùa một bó rau đậu không?
Bà tôi mỉm cười,
gật gù:
- Bây giờ cô ở
đâu?
Nhà sư nói:
- Sau khi sư thầy
mất, chùa bị cuốn xuống đầm, em đến ở chùa tận Thái Nguyên. Em có xây cất một
am thờ cho sư thầy.
- Cô Thảo ơi! -
Bà tôi vừa nói vừa khóc. - Chẳng đêm nào là tôi không nghe thấy tiếng sư thầy
gõ mõ cầu kinh, cô ạ. Mồng một, ngày rằm, ngày sư thầy mất, tôi đều sắm lễ thả
xuống đầm.
Nhà sư nói:
- Chị ơi, nay có
dịp về quê, em qua đây để vái sư thầy và thăm chị. Chị ốm đã lâu chưa?
- Gần một tháng
rồi, cô ạ. Chắc dịp này là tôi đi. Mấy ngày trước, tôi mơ thấy sư thầy về, sư
thầy bảo tôi xuống giúp sư thầy sửa sang chùa, sư thầy nói ở dưới đó một mình
vất vả lắm.
Buổi tối, nhà sư
ở lại chơi với bà tôi. Nhà sư đòi ngủ với bà. Suốt đêm, bà tôi và nhà sư rì rầm
trò chuyện.
Sáng sau, nhà sư
chào bà tôi và mọi người trong gia đình rồi ra đi. Trước khi đi nhà sư lấy từ
tay nải ra một ít tiền biếu bà tôi. Bà tôi không nhận. Nhà sư khóc và nói:
- Chị ơi, em biếu
chị không phải vì em nghĩ chị đói khát, mà vì đây là lộc phật. Chị cầm lấy, bảo
các cháu mua thuốc cho chị.
Nghe nhà sư nói
vậy, bà tôi nhận lời. Bà tôi sai mẹ tôi lấy đĩa, đặt tiền vào đó để lên bàn thờ
thắp hương.
Nhà sư cầm tay bà
tôi, nói:
- Chắc em không
gặp lại chị được nữa, mong chị tha thứ cho em.
- Trước sau chị
em mình cũng lại về với sư thầy thôi, em ạ. - Bà tôi nói - Nếu quy tiên thì về
với sư thầy em nhé. Chị đợi em ở đó.
Nhà sư khóc, gật
đầu và lặng lẽ đi. Khi lên đến mặt đê, nhà sư quỳ xuống, chắp tay lạy về phía
đầm nước. Sau đó, nhà sư quay lại nhìn về phía nhà tôi, rồi xốc tay nải ra đi.
Buổi sáng nhà sư
đi thì buổi chiều ông Bộc khoác bao tải trở về. Vừa bước vào cửa nhà tôi, ông
đã gọi:
- Bà Miên ơi, tôi
mua được thuốc cho bà đây rồi.
Bà tôi gượng quay
lại nhìn ông Bộc, nói khẽ:
- Ông vất vả vì
tôi quá.
- Bà nói thế làm
gì. - Ông Bộc thở dài.
Bà tôi uống hết
gần hai chục thang thuốc mế ông Bộc mua mà bệnh tình không hề giảm. Mấy ngày
trở lại đây, bà tôi không ăn gì. Bà nằm thiêm thiếp như đang ngủ. Tóc bà bạc
phơ khẽ lay lay. Hai bàn tay bà tôi khô, sách đặt lên bụng.
Một buổi chiều,
bà tôi tỉnh lại. Bảo mẹ tôi ngoáy cho bà một miếng trầu. Mẹ tôi làm theo. Bà
nhai khe khẽ. Nước trầu làm môi bà thắm lại. Thằng Mên ở đâu chạy về, nó nhìn
và rồi cầm lấy tay bà nói:
- Bà ơi! Môi bà
đỏ lắm, đẹp lắm.
Bà tôi mỉm cười
nhìn nó:
- Cháu biết khen
bà rồi đấy.
Nói xong thì bà
tôi đi. Mẹ tôi khóc nấc lên. Anh em tôi òa khóc theo. Chúng tôi ôm lấy bà gọi
mãi. Nhưng bà tôi không một lời đáp lại. Miệng bà tôi thắm nước trầu, như đang
mỉm cười.
Tôi chạy sang nhà
ông Bộc. Nghe tôi báo là bà tôi đã mất, ông Bộc nấc lên. Ông khóc ư ư trong cổ
họng.
Khi ngôi mộ bà
tôi được đắp kín bằng những mảng cỏ, thì ông Bộc ngồi xuống và khóc. Bố tôi đỡ
ông đứng dậy và mời ông về nhà.
- Anh chị cho
phép tôi ở lại với bà cụ một lát. - Ông Bộc nói.
Gia đình tôi rời khu
nghĩa địa. Đi một đoạn dài, tôi ngoái nhìn lại, ông Bộc vẫn ngồi trước mộ bà
tôi trong gió rét. Trên đầu ông, mây màu chì phủ kín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét